Chuông vừa rung, mình chạy nhanh đến lớp chị Nguyệt. Mười lăm phút ra chơi ngắn ghê đi, nói chuyện chả được bao nhiêu. Những câu chuyện đó có thể làm mình vui suốt ngày hay ngược lại. Đại khái như:
- Hùng có nói gì về Ngọc không chị Nguyệt?
- Có chứ, Hùng nói chị Ngọc hiền và nhát, em đến chị Ngọc chả nói gì cả.
Mình không ngờ Hùng nhận xét chính xác đến thế. Mà Hùng dạn dữ ạ, đến nhà "người ta" chả dám nói nữa mà còn bảo mình nhát! Mình chống chế:
- Tại hồi đó Ngọc không biết Hùng tên gì thành ra khó nói chuyện.
Mà thật vậy, nhiều lúc Hùng tới mình định làm quen mà ngại quá. Mình cũng định hỏi anh An coi Hùng tên gì rồi nhưng sợ bị hiểu lầm nên thôi.
- Chị Nguyệt thấy Ngọc nhát không?
- Có, Ngọc cột thỏ sau lưng làm gì vậy, thả nó ra đi chứ.
Chuông báo hiệu, mình từ giã đem theo niềm vui vào lớp học. Nghĩ đến lời Hùng phê bình về mình, mình lại mỉm cười. Chợt cô Dung ngó xuống làm mình mất hứng vội chăm chú vào bài kim văn.
Từ ngày quen với chị Nguyệt có lẽ giữa mình và anh An thân hơn trước. Cả Hùng nữa, không còn những lúc "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Hình như Hùng có vẻ ít nói, mình hỏi thì Hùng trả lời chứ Hùng không hay đặt câu hỏi. Thường thường Hùng hay cười trước khi trả lời, nụ cười đó có lẽ vô tư nhiều hơn là dụng ý. Vả lại nó còn nhuốm một chút hồn nhiên và nghịch ngợm của tuổi thơ. Nhìn Hùng không ai có thể nghĩ là Hùng mười sáu tuổi, cả mình nữa. Nhưng tiếp xúc với Hùng mới thấy trong dáng người của thiếu niên mười sáu ấy chứa đựng một tâm hồn thật hồn nhiên dễ mến. Cũng vì thế mà Hùng thu phục tình cảm của mình nhanh chóng làm nhiều người cùng xóm mất vui. Thật ra muốn quen với mình hơi khó nhưng cũng tùy người. Chính vì thế mà họ bảo mình nghiêm và khó làm quen!
Chị Nguyệt mời mình lại nhà mãi mình cũng định lại nhưng ngại anh An và Hùng hiểu lầm, đến hôm ăn tất niên xong mình mới lại. Hùng mang nước cam, anh An mang mận, quít và mứt. Ngọc có phải là khách không hở Hùng? Hở chị Nguyệt? Hở anh An? Anh An bảo chị Nguyệt:
- Làm bộ nói chuyện rồi ăn hết của người ta đi.
Bạn anh An hỏi chị Nguyệt có ăn tất niên không, chị Nguyệt nói ở lớp không tổ chức. Anh An tiếp ngay:
- Sao, không có tiền ăn tất niên còn làm bộ nói không tổ chức.
- Hỏi Ngọc coi phải không, Ngọc còn rủ em tới lớp Ngọc ăn tất niên nữa, phải không Ngọc?
- Thế Hùng có ăn tất niên không?
- Trường em không cho tổ chức.
- Cả Hùng cũng không có tiền ăn tất niên nữa.
Câu nói của chị Nguyệt làm mọi người đều cười. Chợt nghĩ đến ông anh mình suốt ngày bận việc mổ xẻ ở nhà thương có lẽ mệt nên khi về nhà thì gắt gỏng. Cả bà chị mình lo gạo bài thi dữ quá thành ra khó tính, tự nhiên mình đâm ra thèm thuồng cái không khí thân mật, đầm ấm này.
Mình nhất định không ăn mì mà anh An và chị Nguyệt cứ mua về (chắc sợ mình đói) từ chối mãi không được đành phải ăn. Chị Nguyệt nói:
- Những người theo đạo Thiên Chúa trước khi ăn làm gì trước mặt sao không thấy Ngọc làm? Ngọc làm trong bụng được rồi cần gì phải cho người khác thấy có vẻ đạo đức giả quá làm chị Nguyệt bật cười. Tết Ngọc có may gì không? Năm nay Ngọc không may gì cả vì thấy không cần. Sao thấy Hùng nói Ngọc may áo gì đó? À áo đó mặc ở nhà mà. Hùng bảo là chị Ngọc mặc áo mới thấy em chị chạy. Mình cười và cảm thấy quê quá. Lúc về Hùng hái cho mình một ít mận. Ngồi trên chiếc Yamaha mình hỏi Hùng chở tôi có gì trở ngại không? Hình như mình nghe loáng thoáng Hùng nói không thì phải. Nghe chị Nguyệt nói Hùng có cô nào để ý đó sợ Hùng chở tôi người ta hiểu lầm. Có lẽ Hùng cười và chối phăng là không có. Tôi đến làm chị Nguyệt tốn tiền quá có lẽ tôi không dám đến nữa. Chị Ngọc đừng ngại, chị cứ coi như ở nhà vậy mà.
Mình chờ cả hai ngày mồng hai và mồng ba tết mà chị Nguyệt và Hùng không tới, muốn giận ghê đi, chưa gì đầu năm đã cho mình leo cây rồi. Chiều hôm sau anh An tới. Ba mình tả oán cho anh An nghe, mình dọa thêm:
- Bữa nào Hùng tới Ngọc hỏi tội mới được.
Có lẽ sợ mình giận anh An đề nghị mình đi ciné với chị Nguyệt, mình nghĩ ngợi một chút và bảo anh An xin phép ba mình đã. Chiều mai bác cho phép Hùng tới... rước Ngọc lại nhà cháu đi ciné với Nguyệt nhe bác.
Ba mình đưa ra ngàn lẻ một lý do nào là mất công Hùng tới đón mình không có xe di chuyển, mình nhát chả dám đi đến đâu... vân vân và vân vân rồi cuối cùng chấp thuận (nể anh An đó nhé) mình hẹn ba giờ vậy mà hai giờ hơn Hùng đã tới, mình mang nước và mứt ra. Hùng nói Ngọc làm như em là khách ấy. Mình chỉ cười và hỏi sao Hùng đến sớm thế? Anh An bảo em lại hồi hai giờ lận. Mình sửa soạn đến ba giờ mới đi, có lẽ Hùng đợi hơi lâu (rán chịu ai biểu để người ta đi tàu bay giấy).
Xem ciné xong trời gần tối, Hùng đưa mình về. Giá còn sớm em chở chị Ngọc vòng vòng Sàigòn chơi. Mình hỏi dò:
- Những câu tôi nói Hùng hiểu hết không?
Thấy Hùng im lặng đắn đo, có lẽ Hùng hiểu lầm, mình tiếp:
- Tôi sợ Hùng có ai người miền nam tôi miền bắc rồi Hùng không hiểu.
Thấy Hùng cười và gật đầu. Hiểu chứ. Bạn Hùng có ai người bắc không? Không. Bạn gái cũng không? Hùng cười (lại cười) và lắc đầu (không ai người bắc hay không có bạn gái nhỉ?) Con trai cùng xóm thấy Hùng chở tôi họ tức ghê lắm. Hùng không trả lời mình không hiểu Hùng nghĩ sao. Hình như Hùng còn nhỏ nên chưa biết galant để trả lời câu hỏi đó. Theo mình khi nào người con trai biết điều đó có lẽ họ không còn ngu ngơ trước mặt người khác phái. Mình muốn Hùng mãi ngu ngơ nhưng thời gian có chiều lòng ai đâu, có lẽ mình ích kỷ quá!
Mình vừa đọc xong cuốn truyện Giờ ra chơi của Nguyễn Đình Toàn thì trời đổ mưa. Mình đóng vội cánh cửa sổ rồi leo lên divan trùm chăn đến cổ. Những luồng gió lạnh thoảng qua, mình chợt buồn vu vơ, liên tưởng đến một ngày nào đó bạn bè không còn là những bóng mát trong cuộc sống của mình nữa chắc mình sẽ buồn ghê lắm. Ơi, mình chẳng bao giờ muốn có ngày đó cả vì chỉ một cái nhìn hững hờ, một nụ cười chợt tắt trong một ngày thôi cũng đủ làm mình lo sợ vẩn vơ. Mình nhắm mắt lại không dám nghĩ tiếp nữa. Những khuôn mặt thân yêu hiện rõ với nụ cười dễ dãi của chị Nguyệt. Hình như mình chưa thấy chị Nguyệt mím chi cọp bao giờ. Hùng có nụ cười làm nhăn cả khuôn mặt còn vẻ ngây ngô. Nụ cười của anh An thật tự nhiên, cởi mở. Với Lãm, Bạch Quyên như đóa hoa hàm tiếu. Nụ cười đôn hậu của Huệ, Hoàng Tiên... và cả những người cùng xóm nữa chứ, nhưng sao mình lại nhớ đến nụ cười vậy nhỉ?
HỒNG NGỌC
(Trong bút ký 72)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 30, ra ngày 25-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.