Thằng Phấn hầm hầm:
- Đồ chó chết! Nói ngọt không ưa! Rồi mày biết tay tao! Thế nào cũng có lúc tao cho mày một trận đòn!
Việt luống cuống:
- Nhưng... ba em...
Không đợi Việt nói hết câu, Phấn hầm hầm leo lên chiếc môbilét gần đó, dông thẳng, để lại một mình cậu bé ngẩn ngơ lo sợ. Viết đứng nhìn theo bóng chiếc xe một lúc rồi mới quay về, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Cậu nghĩ thầm: "Cái thằng Phấn này ghê lắm! Nó nói thì nó làm! Mình chắc thế nào cũng bị nó cho ăn trầu đằng mũi mất". Càng nghĩ Việt càng buồn rầu. Ai ngờ tết sắp đến rồi mà tai họa lại ở đâu kéo đến.
Sáng hôm nay, nghĩa là cách đây khoảng một giờ đồng hồ, Việt được ba sai đi mua một ít đồ dùng lặt vặt cho ngày tết sắp đến. Giữa đường Việt đụng đầu ngay với Phấn, tay anh chị có tiếng ở vùng này. Hắn phóng chiếc môbilét lao vùn vụt tới ép sát vào Việt làm cậu bé sợ tái mặt, ngã lăn ra đường. Sau khi đã cảnh cáo Việt bằng một "đòn" cụ thể như vậy, Phấn bắt đầu vào đề. Hắn sừng sộ:
- Oắt con! Đi đâu mà sớm thế?
- Việt lồm cồm bò dậy:
- Dạ... dạ... em... em... đi mua đồ!
- Đồ gì? Đồ tết hả? Nhãi con!
- Dạ... vâng...
- Hừm! Tết với tót. Nầy oắt con, nghe đây - hắn thấp giọng - tao bàn với chú mày việc này nhé!
- Vâng... dạ... dạ... anh cứ nói.
- Hà! Ngoan lắm! Đây nghe cho kỹ... ngày tết sắp tới, chúng tao cần món tiền xài... Xuân, hiểu chưa?
- Dạ... vâng hiểu.
- Được rồi! Bây giờ chúng tao cần tiền, nhưng đi làm các hãng thì không ai mướn, đi gánh nước thì không ai thuê, đi xóc bầu cua thì bị lính tóm cổ, mà đi ăn cướp thì chúng tao không có gan... chú mày hiểu chứ?
- Dạ... dạ... em hiểu - Việt đáp nhỏ, kỳ thực cu cậu chẳng hiểu mô tê chi cả.
- Khá lắm! Chú mày thông minh ghê! Tao sẽ cho nhập vào đảng của tao... Thôi, bây giờ trở lại chuyện hồi nãy. Chú mày đã rõ, tao cần tiền nhưng không biết kiếm đâu ra, nên đành nhờ cậy ở chú mày vậy.
- ??? !!!
- Bây giờ thế này, ngày 28 sắp đến, tao sẽ đến cửa nhà chú mày vào khoảng 10 giờ đêm. Lúc ấy, cả nhà đã đi ngủ hết rồi chứ gì. Tao sẽ huýt một tiếng sáo, và a lê hấp, chú mày lẻn ra, ném cho tao một gói bạc chừng năm ngàn đồng, để tao xài đỡ ba ngày tết. Hiểu chứ?
- Dạ... Dạ... em hiểu... nhưng tiền đó, em lấy ở đâu ra?
- Chú mày ngu như bò, thì lấy ở trong két của ba mày chứ ở đâu!
- Nhưng két sắt có khóa chắc lắm!
- Thì chú mày lấy khóa mở ra.
- Nhưng chìa khóa má em giữ.
- Thì chú mày ăn cắp cái chìa khóa ấy.
- Nhưng má em lại cho cái chìa khóa ấy vào một cái tủ khác và khóa lại chắc chắn lắm.
- Hừm! Rắc rối quá! Sao má chú mày kỹ quá vậy! Nhưng đâu có khó gì, chú mày lấy chìa khóa tủ, mở ra và lấy cái chìa khóa két s8át trong đó...
Nhưng, cái chìa khóa này, má em lại gửi ba em!
- !!! Cả nhà mày rắc rối không chịu nổi! Thôi được, bây giờ mọi việc tóm lại ở ba chú mày cả chứ gì!
- Vâng!
- Ờ! Thế là xong! Chú mày chỉ việc "bợ" cái chìa khóa tủ đó, chắc ổng để trong túi áo "côm lê", rồi mở cái tủ ra, lấy cái chìa khóa két sắt mở cái két ra, lấy gói bạc, mở gói bạc ra, đếm đủ năm ngàn đồng xong xuôi buộc nó lại, vứt cho tao... êm ru... Xong xuôi tao sẽ đưa mày đi ăn chơi lu bù. Thôi, nhất định nhé, mười giờ đêm, nhớ cho kỹ, tao đi đây... còn bận nhiều "việc" quá!
Việt rụt rè nói với theo:
- Nhưng... nhưng... em không có gan ăn cắp!
Như bị một lằn sét đánh trúng đầu, Phấn hấp tấp dựng xe quay trở lại, hắn hầm hầm:
- Đồ chó chết! Thế mà nãy giờ tao lộ hết bí mật rồi! Hừm!
- Nhưng...
- Không "nhưng" gì hết! Nếu chú mày không lấy tao bắt buộc phải "ra tay" và đến lúc đó, mày đừng có trách tao.
- Nhưng...
- Lại nhưng rồi! Đồ con bò! Đồ con trâu! Mày mà không làm đúng việc tao giao sẽ được ăn một bữa trầu bằng mũi đấy!
Thế là mọi việc xoay chiều! Phấn hầm hầm đe dọa Việt bằng mấy tá ngôn ngữ chỉ có trong tự điển của dân du đãng. Việt sợ tái mặt và tuy trời không lạnh lắm, cậu bé vẫn run lẩy bẩy...
Vừa nghĩ miên man, Việt vừa băng qua đường, trong lúc vội vã, cậu đâm sầm phải một ông già mù đang từ bên kia tiến sang. Ông già lảo đảo, chiếc gậy ở tay văng ra... Việt rú lên một tiếng, một chiếc xích lô máy lao từ xa tới cán đúng hai chân ông lão vừa lăn quay ra mặt đất... Cậu bé thấy người nóng lên dữ dội, đầu óc cậu quay cuồng, chân tay cậu rời rã, đôi mắt cậu mờ đi... Tất cả... tất cả chìm sau một bức màn tối tăm vừa chụp xuống đầu Việt.
*
Việt tỉnh dậy và thấy mình nằm trong phòng riêng. Má ngồi bên lo ngại nhìn cậu thiêm thiếp trong cơn hôn mê. Thấy Việt tỉnh dậy, bà vui mừng:
- Việt! Má lo quá!
Việt không đáp lời mẹ, hỏi luôn:
- Ông già đâu má?
- Ông già mù đó hả? Ông đang nằm trong căn phòng của anh Minh.
Minh là anh của Việt, đã nhập ngũ năm tháng nay và phòng của anh từ lâu vẫn bỏ trống. Việt ngạc nhiên:
- Nhưng... con tưởng ông ấy bị xe cán chứ?
- Đúng rồi! Ông bị con đụng phải, té nhào xuống và bị một chiếc xích lô máy cán phải. Tuy vậy, ông không bị gì nặng cả, chỉ trật khớp xương thôi.
Việt ngắt lời:
- Nhưng... sao má lại đem ông ấy về nhà?
- Để yên má kể cho mà nghe. Lúc ấy, má đang ngồi nhà, nghe chú Sáu bên cạnh sang báo tin, má hốt hoảng chạy đến nơi thì thấy con và ông già đã được chở đi rồi! Má sợ quá, tưởng con cũng bị xe cán luôn rồi chớ! Má đến ngay bệnh viện Tự Đức và được ông y tá cho biết là ông già chỉ bị thương xoàng, còn con không sao cả, ngoài một cơn khủng hoảng trong đầu... chắc lúc ấy con đang lo lắng điều gì phải không?
- Không... không... má ạ - Việt vừa nói vừa tránh cặp mắt dò xét của má.
- Lúc ấy ông già đã được băng bó cẩn thận. Má vào hỏi thăm ông và hỏi thăm gia đình của ông ấy. Ông già mù đó nói rằng ông không còn thân thích chi hết và tết gần đến nơi rồi, ông chỉ mong được nơi ấm áp để trú ẩn trong những ngày "nhìn" thiên hạ nô nức ăn tết... Má thấy hoàn cảnh ông già đáng thương quá, nên có nói "Ông cứ về ở với chúng tôi cho qua ngày tết, sau đó tùy ý ông muốn ở lại hay đi cũng được". Má làm như vậy là vì má muốn chuộc lại cái lỗi của con đã gây ra, con thấy đúng chưa?
- Thưa má, đúng lắm ạ!
- Ờ! Thế là sau một lúc suy nghĩ, ông già bằng lòng. Má liền kêu ba đem xe lại, chở cả con lẫn ông đem về nhà, dọc đường con cứ mê man mãi làm má lo quá! Bây giờ thì má vui rồi! Thôi con thăm ông đi...
Việt tung chăn nghồi dậy, cậu vươn vai ngáp dài. Bên ngoài, trời đã tối hẳn. Cậu bé cảm thấy mình vừa ngủ qua một giấc quá dài, nên hối hả trở lại công việc hằng ngày. Nhưng đầu tiên, phải qua thăm ông già đã.
"Thấy" Việt vào, ông già mù nhướng to cặp mắt không tròng lên và nói nhỏ:
- Ai đấy? Bà chủ hả?
Việt nhẹ nhàng lại gần giường:
- Cháu đây...
- À! - Ông già thở một hơi dài... - cậu là người đã đâm sầm vào tôi ở ngã tư Lê văn Duyệt.
Việt ngẩn ngơ, cậu bé không hiểu làm sao ông già lại biết được cả nơi mình đụng phải ông.
- Cụ làm sao biết được đó là ngã tư Lê văn Duyệt?
- Ô! Cái đó khó gì! Tôi qua lại mãi cũng quen đi chứ, mà này, cậu bé, cậu có sao không? Tôi chỉ sợ cậu ngã theo tôi thì nguy to...
Việt cảm động vì lòng tốt của ông già, cậu trả lời:
- Dạ, cháu không sao cả ạ... chắc chân cụ nhức lắm?
- Trái lại, tôi quen rồi nên không thấy gì cả. Chỉ buồn là phải làm phiền đến ông bà và cậu...
- Dạ, thưa cụ, đáng lẽ cháu phải nói câu đó mới phải, chính cháu đã gây ra cho cụ tai nạn này... cụ có giận cháu không?
Trong bóng tối lờ mờ, Việt thấy ông già se sẽ lắc đầu.
Trong những cuộc nói chuyện về sau với ông già mù, Việt chịu không thế nào hiểu được tung tích của cụ. Và cái điều thắc mắc ấy cứ ám ảnh Việt mãi cho đến ngày ba mươi tết.
Đêm ba mươi quả là đêm u tịch. Trời đen như sơn hắc ín. Một vài vì sao rất nhỏ, rất mờ, lấp lánh. Mọi vật đều chìm đắm trong giấc ngủ cuối năm và chỉ trong vài giờ nữa, một năm mới đến với họ, rực rỡ huy hoàng...
Một tiếng kẹt cửa làm Việt giựt mình, khẽ quay đầu ra cửa. Chưa kịp nhìn rõ, Việt đã thấy hai người đàn ông phục sức hết sức kỳ dị: đầu choàng khăn đen kín mít chì chừa hai mắt, mỗi người cầm một con dao, lưỡi dao lấp lánh dưới ánh đèn.
Một tên quát:
- Oắt con, đưa ta đến phòng ba má mày mau!
Việt còn ngần ngừ thì tên kia đã xốc lại gần giường, nắm cổ áo cậu bé đẩy ra cửa.
Ba người lặng lẽ đi hàng một. Tới trước cửa phòng ba má, Việt run cầm cập, lấy hết can đảm gõ cửa... Ba Việt thò đầu ra... ngạc nhiên...
Trong nháy mắt, ba, má và Việt bị trói gô ở giữa phòng. Tên cao lớn hất hàm trong khi tay hắn khẽ đưa lưỡi dao vào cổ ba Việt:
- Chìa khóa tủ sắt đâu?
Ba Việt nín thinh, không trả lời. Cặp mắt ông hình như đang soi thủng khuôn vải đen để rõ mặt mũi tên cướp táo bạo.
Tân thấp hơn, hầm hầm:
- Có đưa không thì bảo? tao sẽ có cách...
Hắn lấy lưỡi dao rạch nhẹ một đường ở má Việt... vài giọt máu tươi ngập ngừng đọng trên vết thương... Việt cắn răng chịu đựng.
Má hét lên:
- Đồ dã man! Đây, chìa khóa đây, lấy hết cả và cút đi mau!
Tên thấp bé cười hềnh hệch:
- Có thế chứ! Con cưng mà! Ai nỡ cho nó bị rạch da mặt nhỉ? Đâu? Chìa khóa đâu? - Hắn gằn giọng - Mau lên để ta còn đi việc khác...
Câu nói sau cùng của hắn làm Việt hét lên, vì cậu chợt nhận ra một người có thói quen hay dùng câu đó:
- A! Thằng Phấn!
Tên thấp bé đang tiến lại gần má Việt để lấy chìa khóa bỗng giật mình quay phắt lại. Hắn gầm lên giận dữ:
- Đồ chó chết! Không thể tha cho mày được!
Trong lúc ánh dao loang loáng trước mặt, Việt vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ thầm: "Thằng này tổ xạo! Vậy mà nói không có gan đi ăn cướp chứ?"
Lưỡi dao bay vút lại, theo phản ứng tự nhiên, Việt lăn mình tránh. Lưỡi dao sớt qua vai cậu bé.
Má Việt hét lên:
- Trời ơi! Tôi...
Chưa nói hết câu, bà đã ngất đi vì quá xúc động. Ba Việt, mắt đỏ rực vì tức tối, dù người bị trói, vẫn cố chồm lên và lao đầu vào bụng tên cướp thấp bé. Nhưng trước khi đụng được đến người hắn, ông đã "hự" lên một tiếng và lăn quay ra sàn gạch vì một cái đá của tên cao lớn.
Việt há hốc mồm nhìn ba má nằm ngất lịm dưới sàn gahc5. Cậu cố sức vùng vẫy ra khỏi sợi dây trói nhưng không được. Con dao của tên thấp bé lúc này lại hoa lên.
Một tiếng rú hãi hùng vang lên: tên cầm dao văng vào một góc dẫy đành đạch như người bị cắt cổ. Tên kia hoảng sợ, rút dao ra và nhảy bổ lại phía ông già mù đang đứng, hai tay vờn vờn trong không khí.
Đường dao của hắn vút qua đầu ông già. Ông cụ nương theo đà của tên cướp, ngã nhào xuống sàn gạch, giơ hai chân đá thốc lên. Tên cao lớn tránh không kịp, hét lên một tiếng và văng luôn vào góc phòng nằm bất động.
Trước những việc xảy ra quá đột ngột như vậy, Việt ngẩn ngơ đến lặng cả người. Cậu sững sờ nhìn bóng ông già mu đang quờ quạng tiến lại.
Nửa phút sau, Việt được mở trói, cậu định chạy đến cởi dây cho ba má thì ông già đã giục:
- Cậu bé! Hãy kêu điện thoại cho Ty cảnh sát mau! Hai thế võ của tôi không thể làm chúng ngất lâu đâu!
Việt hấp tấp lại bàn giấy của ba, ngón tay run run quay số điện thoại.
Khi ba má Việt đã được đặt lên giường, khu phố vang dội tiếng còi của xe Cảnh sát. Ba chiếc xe jeep lần lượt ngừng trước cửa biệt thự và một toán cảnh sát có võ trang súng lục nhảy xuống.
Hai tên cướp bị trói lại. Lột mặt chúng, người ta nhận ra một tên là Phấn và tên kia, Chỉnh Đen, cũng là một "đồng chí" của Phấn. Cùng một lúc với hai tên cướp, ba má Việt được chở đi bệnh viện gần nhất. Dĩ nhiên, tình trang của hai người rất là khả quan, và vẫn có thể đón xuân được...
*
Việt ngưng kể. Lũ bạn nhao nhao lên:
- Còn cụ già mù? Anh chưa kể về tông tích của ông ấy!
Việt mỉm cười:
- À... Ngay sau khi đó, ông già mù không đợi hỏi, đã tự thuật lại cuộc đời của ông... trước kia, ông là một võ sĩ có hạng. Đang lúc tên tuổi nổi như sóng cồn thì thình lình ông gặp tai họa. Trong một cuộc đấu võ thuật biểu diễn, vì một sơ hở ông bị địch thủ đá mù cả hai mắt. Với số tiền bồi thường của hãng bảo hiểm ông có thể sống trong mười mấy năm, nhưng đen đủi thay, vài tuần lễ sau khi lãnh tiền về, một tên trộm đã lén vào và nẫng hết, để lại cho ông già mù ấy một cây gậy và mấy đồng bạc. Từ đó tới ngày gặp Việt ngoài đường, ông phải sống một cuộc đời vô cùng khổ cực. Và như các bạn đã rõ, nhân có vụ cướp nhà Việt đêm ba mươi tết ba năm về trước, ông cụ đã được ba má Việt mời ở lại và sống trong gia đình như một người thân thích...
V.H.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 13, Xuân Giáp Thìn)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.