Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Mùa Xuân Con Sáo Sang Sông

 

1.
Trời đã bừng sáng. Những đám mây hồng phương Đông, bị mặt trời mới lớn xô đuổi, đã tản mát trên vòm trời xanh. Những cơn gió dịu nhẹ hắt cái lạnh còn sót lại của buổi sớm mai vào nhà. Tần vơ chiếc mền quấn ngang mình nằm lơ mơ trong giấc ngủ "nướng" êm ả. Bầu không khí vẫn dịu nhẹ và thanh thản, chỉ vang lên vài tiếng gọi nhau, một đứa bé "túc" gà và xa xa tiếng nghé ơ lạc lõng. Cả không gian đang lặng mình trong bình minh bỗng vỡ òa theo tiếng trống. Tiếng trống nghe dồn dập, dồn dập dội lên, vang vang qua những hàng cây xanh, những luống cải, những vồng rau, len vào những mái tranh, lay dậy những cơn ngủ mê mải. Tần choàng thức dậy trong tiếng trống trường đang dòn dã, tung mền ngồi phắt lên. Tần chợt nhớ, hôm nay thứ hai. Tiếng trống còn vang vang ngoài kia nhắc nhở. Tần gấp rút lo thủ tục quen thuộc của buổi sáng, xong ôm tập bước ra. Con đường ướt sương nằm chang chói trước mặt. Trên cây xoài ven đườn,g một tiếng chim nào vừa vút lên. Tần cũng cất tiếng hát khe khẽ, nghe tâm hồn hòa dịu trong cái thanh thoát của một buổi sáng thôn quê.

Vào đến sân trường, giáp mặt với những nụ cười thân thuộc, Tần thấy lòng ấm lại. Khung cảnh sân chơi bao giờ cũng vậy và thời nào cũng thế, cũng với những cô học trò tụ năm tụ ba, với những cậu bé đuổi nhau la hét: chơi u, bắn bi, đánh đáo... Để không gian rộn ràng lên sức tươi trè. Để thời gian vang cười với lứa tuổi hoa niên. Tần chạy vù vào lớp cất cặp và nhập bọn. Câu chuyện nổ vang và Tần bỗng như to lớn hẳn ra, như một anh hùng, oai nghi với hào quang chiến thắng.

... Tần đương nhiên đứng vào vị thế chỉ huy, với vóc vạc to lớn, với sự bạo dạn sẵn có và nhất là với giọng nói thật to, đủ to để đàn áp kẻ đối thoại, Tần lại có thêm những tính toán thật lý thú và hào hứng. Không một ai nghĩ tới việc phản đối, hơn nữa, sự nao nức về trận đánh sắp tới thúc giục họ đi vào kế hoạch, nguyên do chính của buổi tụ tập dưới gốc cây thị bên trường sáng thứ bảy ấy. "Họ" gồm toàn các anh lớn, lớp nhất lớp nhì và vài gương mặt lớp ba, kẻ đứng người ngồi đều hướng về Tần. Không dằn nổi sự rộn rực trong lòng, Tần nói không cần một cung cách kiểu cọ nào cả:

- Tụi Xóm Làng hẹn chiều mai ở bãi đất trống bên nhà thằng Vị. Lâu nay tụi nó sang sông hoài, giờ tới phiên tụi mình. Mình lợi thế hơn, thắng mãi, Giờ cố làm sao đừng thua. Mấy bồ có kế hoạch gì đem ra anh em bàn định.

Bụi nóng nảy:

- Thì bồ có ý kiến gì, cứ nói ra cho rồi...

- Trước hết nghe ý kiến mấy bồ đã chứ. Có như vậy kế hoạch mới toàn hảo.

- Bồ làm như ý kiến của bồ đã được chấp nhận.

- Thôi bỏ qua chuyện đó đi - Nhược lên tiếng - cãi nhau hoài hết giờ đó. Theo tôi nghĩ, mình phải làm sao tiêu hao lực lượng tụi nó trước, nhất là mấy thằng lớn xác.

Thường, anh chàng thư sinh nhất bọn, chậm rãi lên tiếng:

- Thì cái đó đã hẳn. Nghĩa là mình phải tìm cách đột kích bọn nó...

Cuộc bàn cãi đi vào sôi nổi với những chi tiết được vẽ vời. Những tiếng cười tiếng nói rộn ràng. Những khuôn mặt Long, Trịnh, Hoan, Thạch... bừng bừng hăng say. Cây lá trên cành cũng xôn xao, xào xạc mãi cho tới khi tiếng trống vào học đã tàn.

Bờ sông Phong Lệ chói chang trong ánh nắng gay gắt của ban trưa. Sóng nước lười biếng gợn nhẹ. Vài cụm bèo Nhật Bản dật dờ trôi. Khung cảnh chừng như vắng lặng bỗng vang lên những bước chân. Những bước chân tiến dồn dập rồi ngừng bặt bên bụi dứa dại ven sông. Những tiếng nói thì thào. Những chiếc áo bạc màu bị vất nằm lăn trên cỏ. Chợt tiếng Trịnh vang lên:

- Giờ đứa nào ở lại giữ áo quần?

Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau. Không ai muốn mình đứng ngoài cuộc chiến cả. Lòng háo hức mang ra đi, chẳng lẽ lại trói buộc nơi bờ sông bên này sao. Nhược có vẻ nghĩ ngợi rồi bảo:

- Được, để tui tính cho.

Rồi vụt chạy ngược lối vào thôn. Lát sau anh chàng đã trở ra với một thằng bé. Thoáng nhìn, tất cả reo lên:

- Ồ, thằng Chiến.

Cậu bé trông nhỏ nhắn và xanh xao. Đôi mắt trông tinh anh nhưng vẻ mặt luôn trầm mặc. Chiến học lớp Ba và cũng thuộc những tay toán cừ. Nhưng rất ít tham gia các trò chơi mạnh và hình như cậu thấy an phận trong sự chiều chuộng của các đàn anh. Sự xuất hiện của Chiến gây một ngạc nhiên trong lòng đám trẻ. Vì má Chiến săn sóc Chiến rất cẩn thận. Như giọt sương đầu cành. Như bông hoa ban sớm. Ngại gió máy, sợ sông nước. Nghĩa là trong vòng tay của má, Chiến cơ hồ như bọt nước. Sống ở đồng quê mà chưa tận hưởng được sự hoạt động hào hứng nơi đó. Bây giờ, Chiến xuất hiện, giữa ban trưa nắng đổ, bên bờ sông nước mênh mang. Tiếng cười của Nhược vang lên:

- Hôm nay bác đi vắng. Dỗ mãi cu cậu mới chịu đi cho. Cu cậu còn phải năn nỉ bà chị về đừng mách má...

- Nào xong rồi, bây giờ sửa soạn xuất quân nhé. Chiến ngồi đây chơi, lát nữa mấy anh về mang quà cho. Coi hộ quần áo nha.

Chiến cười nụ cười dễ dãi, và thầm nghĩ:

"Quà gì? Mấy anh đi đâu tôi biết cả mà. Còn vờ vịt nữa".

Ba thân chuối được thả xuống nước. Những chiến sĩ cũng lao mình xuống dòng sông. Con sông phút chốc tung tóe những bọt sóng trắng. Chiến ngồi tựa lưng vào gốc dứa, nhìn những thân hình nhịp nhàng vội vã trong làn nước xanh, lòng nghe rộn lên một niềm vui nhẹ. Giấc mơ Hoa Lư như nở bừng theo những bè bạn đang băng mình qua những dòng sông, đi dựng một chiến tích. Gió phất nhẹ, hơi nước bốc lên mát rượi. Bến sông lại trở về với sắc thái yên lặng mơ màng.

Dẫm chân lên bãi cát Xóm Làng, Tần khoát tay cho các bạn nép vào bóng tre. Ba thân chuối được giấu một cách khéo léo bên bờ. Tần nói khẽ, như sợ tiếng mình sẽ vang động đến những "kẻ thù" đang rình rập:

- Theo đúng kế hoạch, Nhược, Long, Châu, Thược, Trịnh vào nằm ở khoảng đường gần nhà thằng Rô. Mấy bồ rán bắn phủ đầu tụi nó, rồi rút nhanh về chiến trường nhé. Còn bao nhiêu theo tôi. Cứ hai tên đi chung với nhau, cách đều năm bước. Xong rồi nhé, lẩn cho nhanh.

Năm cảm tử quân đã khuất nhanh trên con đường làng đất xám rợp mát bóng tre. Toán còn lại thong dong đi trên lối khác, tiến bước một cách tự tin. Qua khúc rẽ, vừa nhìn thấy bãi đất phơi mình trong nắng, Tần nghe tiếng còi lá dứa ré lên sát bên mình. Rồi những bóng người từ trên cây, từ trong bụi, ào ra như cơn lốc. Những tiếng thét, tiếng kêu, tiếng chân tay vang lên bình bịch, tiếng người ngã, tiếng thở hỗn độn. Bóng cây nghiêng mình né tránh cho mặt trời ghé mắt nhìn đám trẻ quần thảo mịt mờ bụi. Tiếng Tần la choi chói:

- Ê chơi xấu hả? Ăn gian hả Xóm Làng?

Thằng Quang Trâu, đầu độc tụi trẻ đối địch, vang lên tiếng cười khặc khặc:

- Ăn gian gì, binh bất yểm trá mà. Mà tụi xóm Rừng bây tốt lành gì đó. Hẹn 4 giờ mà giờ này đã vác mặt qua rồi. Bộ âm mưu...

Tiếng nói bị cắt đứt bởi những trái đấm, những cú đá trúng đích. Bên xóm Rừng tuy ít hơn nhưng toàn những "chiến sĩ" mạnh khỏe và khá to xác, nên trận đánh vẫn cầm đồng nghiêng ngửa. Nơi này, Thường đang vất vả với hai thằng nhãi đen như cột nhà cháy, nhỏ con nhưng mạnh như bò. Đằng kia, Quang trâu đang hung hăng dồn Bụi vào đám trúc, chỗ thì từng cặp vật lăn trên nền đất xám, chỗ thì những nắm tay "hội chợ" đập bừa vào mặt mũi kẻ thù lẫn người quen. Chiến trường đang sôi động bỗng vang tiếng chó sủa, tiếng sủa dồn dập của bốn năm con hợp lực. Và rồi những bước chân hốt hoảng, những gương mặt tái xanh thi nhau băng tới. Tần thoáng nhận ra Trịnh, một thằng bé lạ mặt, rồi Hượt, Long, Nhược... và những cái mõm hung hăng của bầy chó vừa hộc, vừa băng băng chạy tới. Một thằng trong bọn trẻ Xóm Làng hét lên:

- Chó ông Cả...

Không hẹn, những đối thủ buông nhau ra, vùng chạy tứ tán. Chó ông Cả, cũng trứ danh như chó ông Lang ở xóm Rừng, hục hặc đằng sau lưng những kẻ đào tẩu. Và rồi ngơ ngác ở ngả rẽ, chúng đứng lại sủa hắt theo bóng bụi mờ phân hai. Tiếng chó vang vọng như hối thúc những gót chân. Và Tần đã nhìn thấy bờ sông. Một hai thân hình đã phóng vào làn nước dập dồn. Tần khoát tay:

- Khoan đã, kiểm điểm quân số xem.

- Thiếu Châu!

- ... Mà còn dư thằng nào đây.

Cậu bé duy nhất có mặc áo, đứng ngơ ngác và giương mắt sợ hãi. Cậu lùi bước định chạy nhưng:

- Bắt nó, bắt làm tù binh anh em.

Đám trẻ ùa như chớp vây lấy cậu bé.

- Ái, mày. Tao không biết đâu. Tao đâu có đánh nhau với tụi mày. Thả tao ra. Tao mới ở Đà Nẵng về mà. Hu hu, tao mách mẹ tao cho xem.

Mặc, tên tù binh bị bắt và bị trói nghiến bằng chính chiếc áo của y. Những cây chuối được đẩy ra, Tần đẩy thằng bé xuống nước cặp vào một thân chuối. "Phe ta" những kẻ bị trặc chân trong chiến trận được bám theo thân chuối để bè bạn đẩy về. Khúc sông lại vang lên tiếng sóng vỡ.

Đám trẻ ồn ào kéo lên bờ. Thằng bé xanh lét mặt mày vẫn còn đang thút thít khóc. Bọn trẻ bao quanh lấy, xôn xao về cách xử trí:

- Đánh bỏ xừ nó.

- Xẻo tai nó làm kỷ niệm.

- Lột hết áo quần phơi nắng nó.

- Nhận nước cho uống sình bụng nó.

Tiếng khóc bật thét lên. Chiến, nhìn những giọt nước mắt chạy dài trên má, nghe lòng xúc động. Thằng bé coi mặt cũng trắng trẻo như mình. Kiểu "công tử bột" đây mà. Tần đưa tay ngắn những nắm đấm hung hăng trước mặt thằng bé, bảo:

- Khoan, tụi bồ kể sơ tui nghe mặt trận phía đó coi. Sao lại để chó ông Cả rượt vậy?

- Tụi này núp sẵn bên đường như dự định và chờ đợi. Chờ mãi mới thấy một tốp thằng nhãi, tron g đó có thằng này nữa nè, đến. Còn đại quân của tụi nó chắc đã ra chờ sẵn tụi bồ rồi đó. Vừa trong tầm đạn là tụi này khai pháo liền. Bọn nó la hoảng và định tẩu thoát. Tụi tui liền ùa ra tấn công. Rồi có tiếng người suỵt chó từ trong nhà ông Cả...

- Mà còn thằng Châu đâu?

- Làm sao biết được. Mạnh ai nấy chạy chứ làm sao lo cho ai được. Không bị chó táp là may.

- Được rồi, còn thằng tù binh này, có gì đổi thằng Châu. Bây giờ đứa nào chịu làm sứ giả qua điều đình...

- Thằng tính gì dại vậy, qua cho tụi nó bắt luôn à.

Tiếng nói chợt bặt. Đứa nào cũng đầy vẻ lo nghĩ. Vừa lúc đó bên kia sông, bọn Xóm Làng xuất hiện. Một thằng đứng ra đưa tay làm loa nói vọng sang:

- Ê có thằng em tao bên đó không?

Thằng bé vụt kêu lên, ngào nghẹn, rồi bật khóc:

- Anh Tùng...

- Ê tụi mày hành hạ nó lắm hả? Bên mày cũng bị bắt một thằng đây nghe không?

Bên này nhìn thấy rõ Châu đang bị hai thằng nắm hai cánh tay đẩy ra khỏi đám đông. Tần cũng bắt "loa" hỏi vọng:

- Mày có sao không Châu?

- Bị té sước đầu gối. Và tụi nó đánh... ự... ự... đau... ự...

Thằng bé tù binh không kịp tránh né gì cả. Những cái cú đầu, cái ngắt véo đến quá nhanh. Nó lại khóc thét lên. Cuộc điều đình may mắn kết thúc chóng vánh, nếu không có lẽ hai tù binh còn "hốc hác" hơn nữa. Thằng bé được đẩy xuống bờ sông nhưng nó vẫn dẫy nẩy:

- Tao bơi không rành, sông rộng quá làm sao. Thằng nào phải đưa tao về.

- Sướng quá ta. Ông lại thoi cho mấy quả nữa chứ đưa với đón.

- Thôi cho nó một cây chuối ôm về đi. Về lè lẹ không chúng ông lại khện cho một trận mẻ xương bây giờ.

Dòng sông chứng kiến cảnh trở về của những kẻ không may. Châu bơi ngang qua thằng bé không quên quay lại đánh gắng vài cú. Tụi Xóm Làng la ó, tiếng la dội trên khúc sông vắng buổi trưa vang đầy phẫn nộ. Bên Xóm Rừng cũng lớn tiếng hoan hô, tiếng vang trộn vào tiếng la, ngùn ngụt đưa lên, lên cao như ánh phản chiếu trên sông, át hẳn tiếng rập rình của nước, át hẳn tiếng tre vặn mình trong cơn gió thoảng nhẹ. Âm thanh vang lên vang mãi như dội lại từ nghìn xưa, và như muốn kéo dài cho đến tận ngàn sau. Âm thanh xô động bầu không khí nhưng sông Phong Lệ vẫn nhẹ trôi, con nước bắt đầu ròng, những cụm bèo Nhật Bản xanh điểm vài cọng hoa tìm dật dờ trôi như còn say ánh nắng trưa.

2.
Ngôi trường làng không phải đã được an vị ở đó từ lâu. Nó đã thay  nơi đổi chỗ nhiều lần và ông giáo hiện tại không phải là ông giáo duy nhất. Từ tôi biết cắp sách đến trường, thuở lên năm với ông giáo Lượng, ngôi trường là căn nhà của ông ở Xóm Trên. Những buổi sáng cùng chị Lan và người anh họ, trạc tuổi và học cùng lớp, ôm tập đi trên con đường đầy cỏ may đến trường. Nhà tôi ở Xóm Giữa nên phải băng ngang qua quốc lộ và thiết lộ. Nhìn chiếc cầu đứng sững trên nền trời, bao giờ chúng tôi cũng có cảm giác rờn rợn. Bởi vì cầu Đỏ - tên của chiếc cầu sơn màu đen tăm tối đó - là nơi gục xuống của rất nhiều người thời kháng Pháp. Xác họ rơi xuống dòng nước, những dân lành vô tội và những chiến sĩ vô danh. Ấn tượng ghê rợn còn truyền đời trong những câu chuyện của dân làng.
 
Trong đầu óc non dại của chúng tôi chỉ nghĩ đến những bóng hình ngỡ còn ẩn hiện. Nên có những lần đua nhau chạy đến vỡ cả lọ mực. Con đường cỏ may lởm chởm đá đỏ, qua một con rạch nhỏ, dẫn chúng tôi đến ngôi trường nhỏ hẹp. Năm sáu chiếc bàn ghế dài đóng vội, những học trò hỗn độn đủ mọi lớp và mọi lứa tuổi. Ông giáo với chiếc roi mây dài ngoằng nhịp mạnh trên bàn cũng không làm lớp học bớt náo loạn. Nhưng lớp học vẫn tiến bộ và riêng tôi, tiến mạnh nhờ căn bản của những ngày thụ giáo tại nhà với Ba. Chừng một năm, không biết lý do gì, ông giáo Lượng bỏ nghề, quay lại với vườn ruộng. Nương sắn vồng khoai mọc lên thay cho trường học. Tôi rời trường với một chút lưu luyến, nhưng không mấy thắc mắc. Tiếp tục học, tôi thụ giáo với ông Quảng, một người ông trong họ ngay tại nhà bác Hương, cách nhà tôi một sân gạch, vẫn với ngày tháng đều trôi bên sách vở. Tiếng cười tiếng nói âm vang trong hồn tôi niềm vui chan chứa. Trong thời gian này, Ba tôi bỏ vào Saigon tìm việc. Ở nhà má con vẫn âm thầm sống bên nhau, giữa họ hàng không lấy gì làm thân thiết. Ngôi trường vẫn đơn sơ như ngôi trường đầu tiên, có khác chăng là những giờ chơi tôi có quyền về nhà uống bát nước chè tươi nóng, hay với bè bạn vụt chạy ra bờ sông đón những chuyến ca nô từ Đà Nẵng về Túy Loan. Ở đó, tôi nghe quá quen thuộc, không bị ai hà hiếp nhưng cũng không kênh kiệu để phải mang tiếng chó ỷ gần nhà. Tâm hồn đơn sơ bình dị chỉ biết sống đẹp cho mình và cho người. Nguồn vui chan chứa là môi cười là tiếng hát bạn bè. Thế thôi. Ngày tháng vô tư dần qua và tôi vẫn tuần tự tiến trên con đường học hành. Lên lớp Ba, ngôi trường lại thêm lần đổi chỗ. Ông Quảng không muốn làm phiền (!) bác tôi nên dời về ngay ở nhà ngang của mình. Chính ở nơi này, tôi mới biết tình bạn, lần đầu tiên: Vạn. Vạn nhà nghèo, nghèo hơn tôi rất nhiều. Nhà Vạn ở mãi tận gần  núi. Đường xa và sự thiếu thốn không ngăn được bước chân của kẻ hiếu học. Vạn học thật giỏi, nhất là chữ viết rất tốt. Quản bút của Vạn là một ống trúc màu ngà ngà, ngòi bút lá tre như tôi. Tôi và Vạn nói chuyện với nhau rất nhiều, dầu chỉ toàn chuyện vớ vẩn trẻ con. Trong  niềm cảm thông sâu xa, tôi ao ước được giúp Vạn. Dù một quản bút, dù một tờ giấy thấm. Nhưng cơm nhà quà vườn làm gì tôi có tiền để giúp. Thiếu món gì đã cò Má. Tôi cũng đâu dám xin Má tiền, dù với lý do đó, Má rất sẵn lòng. Vạn đối với tôi rất tốt. Củ khoai nướng hay trái sim dại cũng đều chia. Con toán khó hay bài luận hay đều góp ý cùng giải. Tình bạn ngây thơ đơn thuần và chân thành là đó. Như vết son chói đỏ hồn tôi trong trắng. Nhớ đời, Vạn ơi.

Được khoảng nửa năm, học trò lại xôn xao. Ông Giáo Quảng nhường chỗ cho anh Sáu Tân, một huynh trưởng thật trẻ và vui tính. Trước khi tiếp nối sự dạy dỗ, anh muốn biết khả năng học trò. Một kỳ thi sắp hạng được anh tổ chức. Lòng học trò nghe náo nức và hồi hộp. Sáng hôm thi, học trò kéo về rất sớm. Cả những anh ở Xóm Đùng, Xóm Hến, Xóm Ngoài Ga cũng hớn hở tụ tập với chút lo âu phớt trên gương mặt rám nắng. Phần lớn các anh đều là con nhà nông, nhọc nhằn với công việc ruộng vườn. Tuy không hẳn là lớn tuổi, nhưng con nhà nghèo có đời nào được rảnh rang ăn học đâu. Tôi may mắn hơn, Má tần tảo cũng đủ ngày hai bữa nên tôi không phải nhọc nhằn. Hôm đó, tôi hân hoan với bút mới mực mới và nhất là cây thước nhựa màu vàng. Trông duyên dáng và khả ái làm sao. Nhìn lại, thấy có anh quên mang thước vội vàng đẽo gọt một cành cây rồi lấy lá chuối khô đánh cho nhẵn.

Anh nhìn bạn bè cười bảo:

- Cũng tốt chán!

Tôi nhìn nụ cười mà thấy lòng chợt se lại.

Buổi thi dần xong. Tôi làm bài trôi chảy nên ra sớm. Gặp ông Quảng hỏi bài, tôi nói rõ. Về bài toán đố thứ nhì, ông bảo tôi sai và chỉ dẫn cách làm. Thầy dạy mình làm gì mà chả đúng, tôi vội vàng vào xin sửa lại. Anh Sáu, vì buổi thi hầu tàn, lại có khách nên không ngăn cản. Tôi cắm cúi làm lại bài thi. Kết quả: tất cả lớp ba hôm đó đều làm sai. Trừ tôi, nhưng... Được xếp đồng hạng nhất với Viên, anh họ và cô Biền, con ông Quảng. Lần đầu tôi nghe niềm hận tủi dâng lên. Giọt lệ rơm rớm chờ cơn đau chín tới. Lần vấp ngã đầu đời đọng mãi vị chua chát trong hồn tôi. Tôi không còn cười nổi với những giai thoại trong trường thi. Lớp nhì, đặt câu với chữ an. Chị Hoa, nghe loáng thoáng lời bàn bạc chung quanh, đã đặt bút viết một câu trứ danh: Đói ăn than, đau uống thuốc. Cu Ty, trong giờ chính tả, đã hỏi: 

- Thầy, nhìn những phần thưởng trên bàn, em cảm thấy thuồng luồng, rồi sao nữa ạ?

Cả lớp cười ồ lên vì chữ thèm thuồng nhầm lẫn tai hại đó. Ôi, những nụ cười mộc mạc và đơn sơ. Tôi không được hưởng cho tròn đầy tuổi ấu thơ. Đã có một vệt mây đen trên nền trời ngát xanh: mầm nghi ngờ đang manh nha trong trí tưởng.

Rồi thôi. Ngôi trường đã đổi chỗ và tôi vẫn còn tiếp tục sách đèn. Lớp học cộng đồng bao giờ cũng rộn rịp. Vài dãy bàn đầu là lớp Nhất, bên tay phải là lớp Nhì. Sau lớp Nhất là lớp Ba và sau lớp Nhì là lớp Tư. Cái chái bên hè là lớp năm đã có thêm anh Tại phụ trách. Anh Sáu Tân cho bài lớp này, giảng bài cho lớp kia suốt 8 tiếng một ngày (Trường làng ngày xưa của tôi bao giờ cũng học hai buổi). Ở ngôi trường cuối cùng nơi thôn làng yêu dấu đó, tôi mới thấy lớn mạnh trong tôi tình bằng hữu. Những Thường những Long đầy ganh đua, những Bụi đầy bao dung, những Nhược liến thoắng vui vẻ. Tôi lặng yên nghe ngày tháng băng đi trong sự trìu mến của Má, trong nỗi mong chờ Ba, trong tình thương mến của thầy bạn. Vui làm sao những buổi anh Sáu dắt cả trường đi tắm sông. Thương làm sao những cành lá thuộc bài ép khô trong vở. Lo làm sao những giờ khám vệ sinh - có lẽ chỉ ở nơi đây mới có giờ này trong thời khóa biểu. Cứ đến hôm đó học trò phải sạch sẽ toàn vẹn. Bất cứ vết bẩn ở đâu, trên má, trên cổ, trên tay chân đều bị bôi phẩm đỏ. Mặc dù đã tắm táp cẩn thận, vẫn có anh chị về nhà với tang chứng ở bẩn, lo mà vui. Sợ mà vẫn thương vẫn kính thầy. Huy hoàng thay, thời bình nên hồn người không rối loạn. Cao đẹp thay, đời sống bình dị nên tâm tính người không nhiễm ô trọc. Đó là những ngày tháng đẹp ngọt ngào nhất của tuổi hoa niên. Tuổi vừa chớm biết và vòng tay đời thật thanh khiết, thuần lương. Tâm hồn tôi trong sáng và giữ vẹn vẻ ngây thơ với thời gian.

Niên học hết, tôi bàng hoàng nghe Má gởi xuống Đà Nẵng trọ học. Cách nhau chỉ mười cây số mà sao nghe xa lạ. Chỉ có hai chị em là quen mặt, còn xa lạ, xa lạ tất cả. Thanh sắc trần gian choáng ngợp lấy đôi mắt nai tơ. Thành phố với tiếng động không dứt gây cho tôi phiền não. Như con nai lìa rừng, nhung nhớ từng ngọn cỏ, dòng suối, từng ánh trăng và cả tiếng gầm thét của rừng thiêng. Tôi sống, rất ít tiếp xúc với bộ mặt đa dạng của đời phố thị, ngoài giờ học chỉ quanh quẩn quanh chùa, nơi tôi trọ học. Sự thanh tịnh của chốn trang nghiêm hợp với tâm hồn phẳng lặng của tôi hơn. Tôi học vẫn tiến bộ nhưng sức khỏe ngày càng sa sút. Như con nai vàng ngày ngẩn ngơ trong chiếc chuồng chật hẹp với không khí ô nhiễm, nghe bắp thịt tiêu hao dần dù thanh xuân vẫn còn đó. Má bắt tôi bỏ học để trở về nhà tịnh dưỡng. Tôi sống những ngày trống rỗng nhưng không vô vị. Gặp lại bạn bè cũ, nghe thân mật nhiều dù chỉ mới xa vài tháng. Tôi đùa trong nắng gió của đồng quê. Tôi tận hưởng những bình minh hồng, những đêm trăng vàng, những ngày mùa rộn ràng, những đêm đông rét lạnh. Tôi vẫn còn ngây thơ, quá dư thừa thơ ngây để chỉ thấy bão lụt là nửa mảnh vườn bị khuất trong nước bạc, là những buổi sáng nhìn mông về chiếc cầu sắp ngập, là những con dế lăn bột béo ngậy, là những hoa quả thừa mứa vì chợt rụng đêm qua. Tôi chưa nhận ra bên kia, Xóm Làng những mái nhà đang rung chuyển, như lòng dạ rối bời của những người đang ngồi trên ấy, tôi chưa nghe tiếng kêu tắt nghẹn của kẻ bị cuốn mình trong dòng nước xoáy, chưa kịp nghĩ về mùa màng sẽ thất bát nay mai. Cặp mắt màu hồng của tôi, chưa vướng bụi phồn hoa phai nhòa. Nên tôi thấy vui thú đầy ắp nơi thôn dã, trong bóng tre xanh, với tháng ngày nặng oằn vai tần tảo.

Mùa đông tàn. Ba nghỉ phép về thăm nhà. Nửa đêm nghe tiếng lao xao, tôi choàng tỉnh giấc. Trên sân nhà bác Hương rộn tiếng nói cười. Chị Lan nắm tay tôi:

- Ba về.

Hai chị em vụt chạy lên. Đêm nay trời nóng, các anh đem giường chõng ra sân ngủ. Và Ba về chuyến tàu tối đã đánh thức các anh dậy. Tôi sà vào lòng Ba. Nụ hôn nhẹ trên tóc, tôi nghe lòng vui sướng vô biên. Đêm nghe thật sáng dù chỉ có ánh sao. Tiếng vọng ruộng đồng nghe sao êm đềm, không thê lương như những đêm khác. Quê nhà bỗng ấm vì Ba về. Ba như thái dương bừng mọc trong những ngày đông tàn thật lẹ. Để mùa xuân về trên lá trên hoa, trên những "dưa món", mứt phơi xanh đỏ giữa sân. Mùa xuân về trên những tàu lá chuối được ngã xuống gói bánh, trên những con heo bắt đầu thét lên tiếng cuối cuộc đời. Ba về đó và mùa xuân cũng về đó. Vòng tay Ba nồng thắm tình thương ôm chặt bầy con bao ngày xa cách. Đôi mắt Ba xa xót nhìn vợ hiền bao thuở nhọc nhắn thay chồng chăm sóc con. Gót chân Ba gõ nhịp reo vui trên những giồng đất quen thuộc, bên những cây trái xanh xanh lá. Từ Ba toát ra tất cả niềm thương mến và quyến luyến quê hương. Từ Ba toát ra tất cả bao dung và lo lắng cho gia đình. Nhưng tầm tay Ba ngắn nên Ba còn đi. Nhưng trái tim Ba còn nồng đượm tình đệ huynh nên Ba đành xa cách làng thôn. Ba còn đi và Ba còn xa cách, dù hồn  Ba chan chứa lệ.

3.
Con tàu đã chuyển bánh. Nghĩa là chú nai bắt đầu lao thân vào cuộc viễn hành. Tôi rời quê hương nghe chưa luyến lưu nhiều. Vì viễn ảnh rực rỡ ở cuối đoạn đường. Quyết định của Ba thật đột ngột và chúng tôi đón nhận một cách hăng say. Thôi giã từ Phong Bắc, thôi giã từ chú bác, anh em. Hỡi bè bạn cho ta gửi lời chào. Một mai đừng ngơ ngác nhìn nhau và hỏi:

- Sao không thấy Chiến đâu?

Mùa xuân đang nồng thắm trên cỏ cây nhưng cây cỏ đã vắng tôi. Nhưng hãy tiếp tục vui và hãy nhớ. Khuôn cảnh cũ còn là bóng hình tôi còn hiển hiện.

Đã sang sông rồi, tiếng còi tàu vụt xé không gian của ban mai. Bàn tay Ba còn vẫy xa vời.

Thôi, Xóm Rừng, yêu dấu chào mi.

4.
Mười năm rồi. Mười năm người đi chưa trở lại. Mười năm lăn thân giữa chốn phồn hoa. Cát bụi đã phủ đầy trên kỷ niệm. Dâu bể cuộc đời cũng bao độ đẩy đưa. Nhưng còn đó ngày xưa. Nhưng còn đó hương ngát dâng của hồn thơ. Người dẫu cho chìm khuất đi trong bóng tối xa hoa, người dẫu cho đuổi theo ảo vọng mê cuồng, dầu gót chân có hằn rỗ gai đời, dầu thân thể xác xơ qua những lần vấp ngã, người còn đây với một mặt trời mới mọc. Mặt trời ngày xưa vẫn hồng thắm má ngây thơ, mặt trời ngày xưa vẫn xanh biếc hồn thơm. Mặt trời tiếp tục soi sáng những tâm hồn thuần khiết đơn sơ. Những tinh anh của cuộc đời lớn lên ở đó, trong tia nắng ấm yêu thương, trong tia nắng đốt tan mầm vị kỷ. Người ra đi còn chưa về nhưng những lần đối mặt hư vô, có bao giờ người nhìn rõ được tuổi thơ hồng ngọc? Có bao giờ người nghe rét trong tim khi nhìn những dối gian của tuổi thơ nơi phố thị? Có bao giờ niềm đau trổi dậy trong hồn khi người chợt thoáng nghĩ về tương lai đàn con?
 
Xóm Rừng ơi, ta đang nghe đây. Trong đêm thăm thẳm, ta nghe rõ tiếng mi dội qua muôn sông nghìn núi. Ta muốn vỡ toang cả lồng ngực vì tiếng mi thổn thức. Ta nghe đây, Xóm Rừng! Ta đón nhận bằng cả tâm hồn tan nát. Vì ngày xưa con sáo tuổi thơ sang sông nên bây giờ ta chỉ còn là chiếc lồng hoang trống đọng đầy di ảnh ngày xưa. Dẫm chân lên lớp bụi phồn hoa ta mới tiếc nhớ về cánh đồng xanh cỏ. Lỡ bước nên ta đành tiếp tục bước, hướng về tương lai, nhưng với ước vọng vô vàn. Ta mơ một ngày của quê hương thanh bình, ta mơ một ngày của người người sum họp. Và ta và mi và cả lứa tuổi ngày nay ngồi ôn lại những ngày tháng đẹp đẽ đã băng đi. Không phải là ngày những Trịnh, những Long vấp ngã, chổi dậy và vấp ngã trên con đường sống. Không phải là ngày của ta lang thang nơi xứ lạ. Không phải là ngày của những ông giáo phải bỏ nghề khoác lên manh áo trận. Không phải là ngày của em thơ sợ hãi trong hầm. Không phải là ngày của những dối gian cài trên mắt trên môi bé bỏng. Những ngày như thế phải thật xa và phải được vùi chôn thật sâu. Không những trong lòng đất mà cả trong lòng thời gian và trong lòng người. Ta muốn dựng lên một cuộc sống thanh thản cho tuổi thơ giữa cánh đồng Bao Dung, bên bờ suối Hiền Hòa và trong bầu trời ngọc bích Thứ Tha. Cây trái Vô Tư sẽ trồng khắp mọi nơi và điệu nhạc vàng chân thật sẽ trổi cùng khắp. Ta không cầu một chiếc đũa thần nào cả. Hành trang ta sẽ là ngày thơ của mình và ý chí ta được un đúc bằng nước mắt. Lệ ta đang dâng trào, Xóm Rừng ơi, có thấy hay không.

Ngày xưa khi ta ra đi, mi đang khoác chiếc áo mùa xuân. Một mùa xuân thật xanh và ngập tràn hy vọng. Ta đã tự hứa sẽ trở về trong vài năm nữa. Vài năm, vài năm đã trôi qua. Ta đã mười Xuân nhìn sắc màu giả tạo nơi đây. Ta đã mười Xuân nghe quê hương đau đớn, điêu tàn. Những đứa con ngày xưa vẫn chưa về, không hay tóc mẹ đã bạc phơ, bạc phơ như nỗi sầu trắng đêm màu châu hiu hắt. Những cây trái ngày xưa đang tàn rụi không ai chăm sóc. Những con sáo tuổi thơ vụt bay đã không về cho dòng sông ngày xưa đợi chờ khắc khoải. Sóng nước vẫn rập rình nhưng những tuổi trẻ không còn dựng lên được cuộc chiến nào hiền dịu như ngày xưa nữa. Cuộc chiến không một ánh mắt hận thù, không vang - dù âm thầm - một chút sắt máu trong tâm. Ôi thương sao là những "thỏa hiệp" đơn sơ tình người.

Mới đó mà đã mười năm, Xóm Rừng nhỉ. Mười năm cách xa và mười năm biến đổi. Tuổi thơ, một ngày cũng có thể lịm chết huống hồ mười năm. Nhưng dòng đời làm sao xóa được bóng hình của nhớ thương tưởng tiếc? Trong ta mãi mãi khôn nguôi tháng ngày yên ấm cũ trong vòng tay của Xóm Rừng. Dù nơi đây ánh điện muôn màu, thú vui muôn vẻ, ta vẫn yêu những trò chơi ngây dại ban đầu. Ta vẫn còn háo hức đi tìm màu xanh của cánh rừng mùa xuân cũ. Gót chân nai phải một ngày trở về dù với chút già cỗi trên thân xác. Còn tâm hồn ta, Xóm Rừng ơi, muôn đời còn ngát thơm màu tuổi trẻ.


NAM THIÊN       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>