Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Áng Văn Tuyệt Tác


"... Một chiều êm ái chầm chậm trôi qua. Bên song cửa, từng chiếc lá vàng rơi lả tả, xác lá rụng ngập lối. Xa xa vẳng đến từng hồi chuông dồn dập, ngôi giáo đường như lung linh dưới làn sương mờ..."

Tôi thót người. Trời ơi, sao mình lại nghĩ ra được đoạn văn hay thế nhỉ? Ừ, sao mình không tập viết văn cho quen. Nghĩ là làm, tôi bèn chép đoạn văn trên ra giấy. Nào, để xem... à... à... "tôi ngồi mơ màng, mắt hướng về phía chân trời xa thăm thẳm..."

- Giang ơi! Lấy cho má mấy quả cà chua trong tủ lạnh đi con.

Tôi dạ và lò dò đi kiếm cà chua. Khổ quá, lời văn đang êm xuôi lại tắc tị, không thê, được chữ nào.

Cụt hứng, tôi quay sang làm toán. Sao mà ông thầy cho mấy bài tập về hằng đẳng thức khó thiệt, ab, b, a loạn cả lên, loay hoay đến nửa tiếng tôi mới làm xong năm bài, tâm hồn thơ thới hân hoan (làm được toán mà, hách lắm chứ bộ), đang định quay sang tờ giấy viết dở thì má lại kêu:

- Giang ơi! Con lên nhà xem đồng hồ mấy giờ rồi xuống dọn cơm, chắc bố sắp về rồi đấy.

Tôi thất vọng quá mức, nhưng thôi được, lát nữa hẵn hay, bây giờ phải lo xuống dọn cơm, không má mắng chết.

Bữa cơm trôi qua lẹ làng. Nhìn đồng hồ, tôi lại phải ủi áo dài đi học. Suốt mấy giờ học tôi cứ mơ màng về "Chân trời xa thăm thẳm" mà tấm tắc khen thầm. Chao ơi, sao "tác phẩm đầu tay" của tôi lại tuyệt vời đến thế. Tôi cứ ngồi cười duyên hoài làm con Trúc ngồi bên cạnh phải thúc nhẹ vào lưng:

- Xuỵt, coi chừng thầy kìa.

*


Vừa xách cặp lao vào nhà, tôi đụng ngay anh Dũng. Anh la "oái" một tiếng, càu nhàu:

- Xời! Con gái phải đi đứng đàng hoàng, phải tề chỉnh, phải nghiêm trang, phải... phải... v.v...

Ối trời, ngày nào cũng phải nghe những lời "vàng ngọc" này. Tôi nhăn nhó:

- Thôi, lạy anh tí, có muốn tụng kinh thì vào chùa, em không nghe nữa đâu.

Và bỏ mặc anh ấy với một lô "phải", tôi đi tắm rửa và sửa soạn ăn cơm.

Mọi công việc thường ngày đã qua, tôi hớn hở ngồi vào bàn viết. Kỳ này thật là hết mọi trở ngại rồi đấy nhé. Đến đâu rồi?... à, "chân trời xa thăm thẳm" tôi viết tiếp: "Ở đó, đàn cò với đôi cánh trắng, trông giống những cô tiên giáng thế..."

- Giang! Giang ơi! Tìm dùm chị cái tập Gia chánh có dạy làm bánh dừa đi. Nhanh lên.

Tôi bực mình quá. Dáng chừng chị Thanh cũng biết vậy nên vuốt đuôi:

- Chóng ngoan, cưng. Rồi tao làm bánh cho ăn, sướng vậy mà còn kêu.

Tôi xách cuốn tập lại cho chị Thanh, miệng lầm bầm:

- Hôm nay em bận, lát nữa chị đi cất lấy à, kêu hoài.

Chị Thanh "xí" một tiếng:

- Vậy mà lúc làm xong không biết đứa nào ăn nhiều chứ.

Tôi cười xí xóa và quay về bàn của mình. Tờ giấy mới viết mấy giòng chữ trông tức cười quá. Lạy trời, lát nữa đừng có ai kêu réo om sòm. Ý văn ra cuồn cuộn, tôi suy nghĩ một chút rồi viết như máy. Được thêm vài giòng, tôi chợt giật mình:

- Giang ới ời, đem cho anh mượn cây bút nguyên tử coi, bút anh đứa nào lấy mất rồi.

Tôi bực dọc đấm tay xuống bàn. Trời đất ạ, hỏng lẽ con đường "đi vào văn học sử" của tôi lại gian nan khổ ải đến thế. Không được, tôi phải tỏ cho anh Dũng biết mình "nữ nhi" mà không "thường tình" chứ. Thế nào cũng có ngày tôi dí tờ báo vào mặt anh mà nói:

- Coi nè, báo có đăng bài của em nè, ngon không?

Nhưng bây giờ, cái chữ nhưng... Tôi phải đi tìm cây bút cho anh mượn, chán không cơ chứ.

Không còn một ly hứng thú nào, tôi xuống bếp xem má nấu chè. Nồi chè đậu đen sôi sùng sục, trông thấy mà cứ muốn... bỏ vào miệng.

Má hỏi:

- Con làm gì ở trên đó nãy giờ vậy?

Rồi má quay sang chị Thanh:

- Chắc có cái gì quan trọng đây, chứ mọi khi đố nó không mò xuống giành phần từ nãy.

Tôi đỏ mặt:

- Đâu có cái gì đâu má. Con... ngồi làm bài Sử địa mờ.

Một lát, tôi bỗng giật mình vì tiếng anh Dũng oang oang:

- Ơ... ơ... Một chiều êm ái vùn vụt à quên chầm chậm trôi qua... ơ... ơ. Bên ư... song cửa... ư... ư...

Chết tôi rồi, tôi chạy nhào lên định giật lấy tờ giấy nhưng không kịp. Giọng anh Dũng cứ dai dẳng tiếp tục. Hôm nay đúng là tôi bị "sao quả tạ" chiếu cố mà. Tôi năn nỉ anh Dũng:

- Thôi mà, cho em xin lại đi mà...

Anh ấy lại cười nham nhở:

- Còn lâu ạ, ai bảo cho người ta mượn bút cũng quăng cái rầm.

Anh hướng xuống nhà bếp, hét to:

- Chị Thanh ơi, lên xem con Giang nó "tối tác" nè, chu choa hay tuyệt.

Nước mắt tôi ứa ra. Chị Thanh hỏi anh Dũng:

- Vậy hả, đâu đưa chị coi... Ối dào, có cả nhà thờ trong sương sa bánh lọt... ủa... sương mờ chứ. Đúng là một áng văn tuyệt tác của một nhà đại văn sĩ, thảo nào, lúc nãy cô ta kêu bận.

Chị ấy xá xá mấy cái:

- Chết thật, nhà "dzăng sĩ" đang làm việc mà lại dám sai bảo. Dạ! Dạ! Xin ngài tha cho em.

Rồi hai chị em lại cười ha hả với nhau. Tôi vội chạy xuống bếp cầu cứu với má:

- Má! Coi chị...

Nhưng:

- Hay nhỉ? Bài Sử địa đấy hẳn? Con với cái, chỉ dối quyệt là tài thôi. Đi lên nhà ngay...

Nước mắt đã ứa sẵn, bây giờ trào ra lẹ làng. Má không binh như mọi khi mà lại còn mắng. Trời ơi, sao tôi ghét bài văn ấy một cách lạ lùng. Tôi chụp tờ giấy trên tay anh Dũng xé vụn ra. Chưa hả cơn tức, tôi vẫn thút thít khóc, tiếng khóc chìm mất trong hai trận cười vang dội.


KIỀU GIANG   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 184, ra ngày 1-9-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>