Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Cái Khạp Tương


Một làn gió nhẹ thoảng qua, Thành thấy dễ chịu lạ. Lớp học thật im lặng, chỉ nghe tiếng cô giảng bài và tiếng phấn vạch mạnh trên mặt bảng. Nó đưa mắt nhìn quanh bạn bè nó, đứa nào cũng ngồi im, chăm chú theo lời cô giảng. Từ một ngôi nhà nào xa xa, có tiếng ru em vẳng lại:

    Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay ơ... ơ...

Tiếng ru ngân nga kéo dài. Nó tự hỏi, tại sao cây cải về trời được? Mà bữa nay trời sao xanh thế! Nắng chói chang làm nó nhức mắt, nó nhìn lên bảng. Mãi một lúc nó mới nhìn thấy hàng chữ to rõ nét trên chiếc bảng rộng "khối viên trụ thẳng". Cô giáo nó vừa giảng vừa vẽ hình. Một vài đứa bạn nó đứng lên lập lại lời cô. Rồi cả lớp. Nó cũng mấp máy môi nhưng đầu óc trống rỗng. Cô vẽ hình gì trông ngồ ngộ. À! Sao giống mấy khạp tương ở nhà nó thế!

Ở nhà, má Thành buôn bán tương. Cha nó đạp xích lô vất vả thế mà cũng không đủ cho gia đình gồm một bầy con dại mà nó là chị cả. Má nó sáng sáng phải khuân mấy khạp tương ra chợ bán, kiếm thêm tiền. Mấy tháng nay, má nó than phiền hàng quá ế, bà lại dọn thêm một sạp nho nhỏ ở góc chợ để nó ngồi bán riêng, gọi là để phụ giúp gia đình. Sáng sớm, hai chị em nó khệ nệ khiêng khạp tương ra sạp, soạn sẵn bao ni lông, dây thung để chờ phiên chợ. Ngày nào khá, nó cũng kiếm cho má nó hơn trăm bạc. Khạp tương da bò 10 lít của nó giống y như cái khối viên trụ cô nó vừa vẽ trên bảng. Nó gật gù, thú vị khi khám phá ra điều đó.

Cô giáo vẫn vừa giảng bài, vừa hỏi kiểm soát. Thành khoanh tay thật tròn, mắt nhìn lên bảng ra vẻ chăm chú. Lời cô, lời bạn, sao nó nghe êm tai thế.Gió mơn man trên tóc. Nó nghe mi mắt cay cay, nằng nặng. Nó cố nhướng mắt lên, cố hết sức...

Cô giáo buông phấn xuống mặt bàn, xoa tay:

- Nào! Bây giờ tôi kiểm soát lại lần chót, trước khi các em chép bài nhé. Các em đã hiểu và nhớ chứ?

Cả lớp hăng hái:

- Dạ.

Cô giáo đảo mắt nhìn cả lớp, vẻ hài lòng. Bỗng tia mắt cô ngừng lại nơi Thành. Con bé lại ngủ gật! Sắp thi lớp 6 đến nơi rồi, mà học hành như thế đấy! Cô nghiêm giọng:

- Thành!

Đang mơ mơ, màng màng, bỗng nghe tiếng gọi, Thành giật bắn người, đứng bật lên. Thôi, cô giáo đã bắt gặp mình ngủ gật nữa rồi! Bao nhiêu lần cô giảng cho chúng nó nghe về ích lợi của sự học. Bảo phải học thế nào để đạt được kết quả tốt. Học để cho mình, để đáp đền "cơm cha, áo mẹ, công thầy". Đã bao lần cô khuyên nó phải ngủ trưa chút xíu, để vào lớp được khỏe khoắn, tỉnh táo học hành. Ánh mắt nghiêm khắc của cô làm nó thấy sợ hãi, cơn buồn ngủ tan biến thật nhanh chóng. Nó bối rối đưa mắt nhìn các bạn, cầu cứu.

- Thành, nhắc lại cho cô, định nghĩa của khối viên trụ thẳng xem?

Bạn bè nó tranh nhau giơ thẳng tay chờ cô gọi ; thế mà chẳng đứa nào hé môi nhắc cho một tí! À! Nó sực nhớ và biết chắc chắn chẳng đứa nào dám hở môi đâu. Cô nó đã từng phạt những ai làm xáo trộn trật tự trong lớp. Cô từng dặn là mỗi đứa đều phải chăm chỉ để hiểu bài, như thế về nhà học mới mau thuộc. Đứa nào không tuân kỷ luật, sẽ bị cô cho quả trứng ngay! Nó moi óc, suy nghĩ.

Tiếng cô thúc giục:

- Sao? Nhanh lên chứ? Ngủ gục, không chịu nghe tôi giảng bài, phải không chị Thành?

Tiếng cô nó dõng dạc. Nó bỗng thấy lo sợ. Nó biết ngay là cô đã bắt đầu bực mình đây! Tiếng "cô", tiếng "em" ngọt ngào bình thường đã được thay bằng tiếng "tôi", tiếng "chị" nghe khô khan và lạnh lùng.

Thành cố gắng một lần chót. Một ý nghĩ, một hình ảnh lóe nhanh trong đầu. Nó mừng rỡ như người đắm thuyền vớ được chiếc phao. Nó sẽ chứng tỏ cho cô thấy rằng nó cũng có nghe bài giảng, cũng nhớ bài và nhất là... không ngủ gục.

Không do dự, nó đáp nhanh:

- Thưa cô, khối viên trụ thẳng là cái khạp tương.

Cả lớp nó cười như vỡ chợ.

Cô giáo cầm thước kẻ, gõ mạnh lên mặt bàn viết, mày hơi cau lại:

- Im ngay! Các chị không được đùa.

Quay về hướng Thành, cô giáo tròn mắt:

- Em nói gì? Tôi bảo lập lại định nghĩa khối viên trụ thẳng cơ mà! Tôi đâu có bảo tìm thí dụ!

Thành bối rối! Vậy là bậy rồi! Chắc là bậy dữ lắm! Bạn bè quanh nó hãy còn cười khúc khích. Có đứa ôm bụng, dằn cơn cười, mặt đỏ rần.

Thành bỗng dưng thấy xấu hổ, cúi gằm mặt, tay mân mê tờ giấy chặm nằm lăn lóc trên mặt bàn. Tự nhiên, nó ứa nước mắt.

Tia mắt cô giáo nó bỗng dịu dần:

- Em lắng nghe cho kỹ và lặp lại cho tôi, nghe không?

Ba bốn đứa bạn nó được lần lượt gọi, nhắc lại câu định nghĩa. Rồi cả lớp.

Thành ghi nhớ vội vàng. Nó bị phạt phải nhắc lại đến 5 lần đọc trơn tru.

Giờ chơi, cô giáo gọi nó đến bên bàn viết, dịu dàng:

- Tại sao dạo trước em học cũng tạm được, mà mấy tháng nay em lại như thế? Cứ ngủ gật luôn trong lớp thôi! Tại sao? Nói cho cô nghe xem.

Nó ngần ngại. Mãi một lúc sau, nó mới ấp úng thuật lại công việc ở nhà cho cô giáo của nó nghe.

Cô xoa tóc nó:

- Em biết phụ giúp gia đình đó là điều tốt. Nhưng mấy giờ em mới dọn hàng về?

- Dạ, cỡ 11 giờ.

- Vậy từ nay, em cố gắng cơm nước sơm sớm hơn, rồi ngủ một tí trước khi vào lớp nhé. À! Mà tối cũng đừng thức khuya nữa đấy.

Nó cúi đầu nghe lời cô dặn.

Giọng cô nó vẫn êm ái:

- Tuy em phải phụ mẹ buôn bán, thì giờ không được rộng rãi như các bạn em ; nhưng em phải tự nhủ: em vẫn còn may mắn hơn biết bao nhiêu đứa trẻ khác. Biết bao nhiêu trẻ con khác phải chịu bơ vơ vì mất cha, mất mẹ. Chúng muốn cắp sách đến trường cũng không được. Cô nghĩ rằng, nếu em muốn, em vẫn có thể thu xếp công việc để học hành đàng hoàng như các bạn em. Thí dụ, tối đến, em cố học bài cho xong, đừng xem ti vi, trừ những chương trình dành cho thiếu nhi các em...

Tan buổi học, Thành vừa đi về vừa nớ lại lời cô dặn dò. Quả thật, nó ham xem ti vi hết chỗ nói!

Nhà nó chẳng có ti vi, nhưng mấy nhà đối diện hoặc bên cạnh nhà nó đều có cả. Nhà này sát với nhà kia. Tối tối, nó chỉ cần đứng ngay cửa sổ nhà nó nhìn sang nhà đối diện là có thể xem thật rõ ràng. Chả vì hai nhà chỉ cách nhau có con hẻm rộng không đầy hai thước. Đêm đêm, nó vẫn xem ti vi mãi đến khuya ; vì dạo này, sao có nhiều tuồng cải lương đến thế! Nhà bên kia, cửa cũng rộng mở, mãi đến hết tuồng. Âm thanh được mở thật to, từ trong nhà nó hãy còn nghe rõ mồn một. Nó cũng lấy làm lạ, đêm nào cô xướng ngôn viên cũng đều lễ phép yêu cầu: "xin quý vị vui lòng vặn âm thanh vừa đủ nghe, kẻo làm phiền...". Nhà hàng xóm nó cũng vẫn để âm thanh tự nhiên!!

Tối hôm đó, lại có cải lương hồ quảng, Thành mấy lần muốn bước ra cửa sổ, nhưng cuối cùng vẫn nhớ đến lời cô giáo. Má nó từ cửa sổ nói vọng vào:

- Thành, mày làm gì đấy? Cải lương hồ quảng nè mày! Hay gần chết! Cô đào ngộ ghê! Ra coi! Mậy!

Nó lắc đầu, chúi mũi vào cuốn vở, vừa vẽ vừa nói to:

- Thôi, con hỏng coi đâu. Lát con đi ngủ sớm.

Mẹ nó vẻ ngạc nhiên. Hai đứa em nhỏ tò mò chạy đến nhìn vào tờ giấy của chị. Một đứa reo to:

- A! Chị Thành vẽ cái khạp tương, tụi bây ơi!


ÁI THƠ     
S.G. 19-07-73 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>