Ngày xưa có một cậu bé con và một nhà phù thủy. Cậu bé con và nhà phù thủy gặp nhau tại một hàng bán kem. Nhà phù thủy muốn mua một cái kem. Thực ra ông ta có thể dùng phép phù thủy để mua kem được. Nhưng ông ta không muốn thế, ông chỉ muốn mua một cái kem thực sự bằng tiền thực sự chứ không phải bằng tiền phù thủy. Khổ nỗi trong túi nhà phù thủy lại chẳng có đồng xu nhỏ nào. Vả lại lúc đó dù có muốn dùng phép cũng chẳng được nào bởi lẽ gần đó có một viên cảnh sát đứng trông coi về trật tự, mà nhà phù thủy thì lại không muốn trái luật, lúc nào cũng muốn tỏ ra lịch sự. Cho nên dù thèm kem đến rỏ giãi ra, nhà phù thủy đành bấm bụng bỏ đi. Nhưng đúng lúc đó cậu bé con chạy đến đưa tiền mua hai cây kem dâu, rồi đưa cho nhà phù thủy một cây. Ông này cảm động lắm, liền lấy trong túi ra một miếng thủy tinh và đưa cho cậu bé.
Cậu bé con nào trên thế giới, khi cầm một miếng thủy tinh trong tay mà lại không ngắm nhìn chăm chú. Cậu bé con của chúng ta cũng vậy, vừa nhìn vào miếng thủy tinh vừa tự hỏi: "Không biết cái thằng cha phù thủy râu ria rậm rạp bẩn thỉu đó biến đi đâu mất rồi". Nhưng cậu nhìn thấy lão ta ngay. Nhìn qua miếng thủy tinh cậu thấy lão ngồi trên ót cái ghế đằng sau có bẩy ngọn núi và chín cái thung lũng, đang ăn kem ngon lành. Trên đầu lão có một cái bảng viết mấy chữ: dùng chữ phải dùng cho đúng, ai lại nói thằng cha phù thủy bẩn thỉu, râu ria rậm rạp, biến đi đâu mất rồi ; phải nói ông phù thủy già tốt râu đó đi đâu mất rồi."
Cậu bé vốn không ngốc nghếch gì. Cậu nhìn miếng thủy tinh rồi nghĩ: 7 và 8 cộng lại thành 16. Trong miếng thủy tinh hiện lên mấy chữ: 7 cộng 8 không phải thành 16 mà chính là 15. Thì ra cái miếng thủy tinh này nói gì là chắc như cua gạch, không thể nào sai lầm được. Muốn thử một lần nữa, cậu lại nghĩ: Ba Lê là một thành phố ở Phi châu. Thủy tinh lại viết: Ba Lê là một thành phố ở nước Pháp, ở Âu châu chứ không phải ở Phi châu.
Từ đó trở đi cậu bé tự nhiên học giỏi lên vô kể. Mỗi khi thầy giáo hỏi câu gì cậu chỉ việc nghĩ bậy nghĩ bạ rồi nhìn vào trong miếng thủy tinh là có câu trả lời đúng ngay. Chỉ có điều là thích chí vì có miếng thủy tinh phù thủy đó cậu ta không giữ kín điều bí mật của mình lại đi nói vung lên cho mọi người biết. Cậu còn giúp các ông anh lúc đó đang học trường công chánh làm các cây cầu hay giải quyết những bài toán thực khó. Các anh cậu liền đem bạn bè đến hỏi. Và chẳng bao lâu học trò trường nào cũng đến hỏi hết và học trò nào cũng trở nên giỏi hết.
Trong khi đó sau khi ăn xong cây kem, lão phù thủy mở sách tiên tri ra xem và đọc thấy trong đó: Cậu bé có một miếng thủy tinh phù thủy sẽ trở thành kiêu căng đến độ không thèm giúp đỡ ai nữa hết. Vả lại nếu tình thế này tiếp tục thì sẽ không có học sinh nào muốn học nữa vì học làm gì khi chỉ cần hỏi cậu bé là biết hết mọi thứ. Lão phù thủy vứt que kem đi và nghĩ rằng miếng thủy tinh của mình sẽ gây tai hại trên thế giới, và mình đã trả tiền cây kem quá đắt. Nhưng làm sao bây giờ? Lão suy nghĩ trong nhiều tháng mà chẳng biết làm sao.
Trong khi đó cậu bé quả nhiên trở thành kiêu ngạo quá sức mình, chẳng chịu giúp đỡ ai hết. Một hôm cậu ta tự nhủ: "Mình phải nhìn vào trong miếng thủy tinh xem ai là người thông minh nhất thế giới mới được". Tất nhiên cậu ta chờ đợi là trong miếng thủy tinh sẽ hiện ra những chữ vàng đỏ chói và sẽ trả lời: Người thông minh nhất thế giới chính là cậu đó. Nhưng than ôi, quả trong miếng thủy tinh có chữ vàng hiện rõ rất đẹp trên nền đá cẩm thạch thực, nhưng dưới những chữ vàng đó cậu ta còn thấy vẽ một con lừa to tướng cũng màu vàng luôn.
Vốn là một con người kiêu ngạo tột độ, cậu bé bực mình ném mạnh miếng thủy tinh xuống đất vỡ tan ra từng mảnh. Thế là mọi việc lại trở lại tình trạng bình thường như trước. Nghĩa là cậu bé lại trở thành một cậu bé dốt nát chưa biết gì hết trọi như trước và cố nhiên phải cắm đầu học đọc, học viết, học toán v.v... Học một cách chẳng có gì dễ dàng cả, có thể nói là khó nhọc nữa vì cậu bé chỉ có một trí thông minh bình thường như mọi người thôi.
Còn lão phù thủy thì từ đó trở đi, đi đâu lão cũng mang theo một ít tiền lẻ để nhỡ ra có thèm ăn kem thì đỡ phải nhờ một cậu bé khác mua hộ.
NGUYỄN XUÂN HIẾU
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 3, ra ngày 29-8-1971)