Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Một Lần Tết


Mới 25 Tết bố đã về rồi. Mọi năm ít nhất phải 29 hay 30. Hôm đó trời mưa lất phất và gió rét cóng da. Mẹ và bé Mai đang lo chùi lại cái sập sơn màu gụ đã loang lổ. Bố về thật bất ngờ. Lúc mẹ và bé ngửng lên thì bố đã đứng giữa nhà, tay bố xách một túi vải nâu. Tất cả đều như ngừng lại. Rồi mẹ đưa tay áo lên chùi mắt và nói:

- Mình về sớm thế. Mọi năm mãi 30 Tết mới về cơ mà.

Rồi bé Mai chạy lại ôm lấy bố. Rồi bố bế Mai và hỏi chuyện mẹ.

Bộ quần áo của bố đã bạc màu và đã vá vài ba miếng. Cả cái tay nải cũng thế. Mai rời khỏi lòng bố, xách cái túi vải lên.

- Nhẹ quá bố nhỉ. Thế chắc bố chả mua quà cho con.

- Để mai bố đi chợ bố mua quà Tết cho. Ở mỏ than, có ai bán gì mà bảo bố mua.

Bây giờ thì mới thật là sửa soạn ăn Tết. Có bố về là vui ngay. Mẹ vẫn chả bảo là hai mẹ con lo dọn dẹp chờ bố về ăn Tết là gì. Mẹ ngập những sung sướng, tràn những nụ cười. Bé cũng thế. Có bố về vui thật. Bố vừa chùi lại bộ lư đồng vừa cười vang nhà:

- Nhà mình chỉ còn có mỗi bộ lư này là đáng giá nhỉ, mình nhỉ.

Mẹ cười cười rồi nói:

- Tết này, mình còn cây đào đầy hoa nữa chứ. Đẹp nhất làng đấy. Khối người hỏi mua mà tôi chả bán.

Rồi bố gói bánh chưng. Rồi bố dắt hai mẹ con đi chợ tỉnh sắm Tết. Mẹ mua được cái khăn vuông đen, một đôi guốc mộc. Còn bé, bố mua cho một bộ quần áo bà ba trắng và một cái ví nhỏ. Bố bảo để Tết đựng tiền mừng tuổi.

Bánh chưng vớt ra từ hôm 27. Bố bảo mẹ ngâm xuống ao để ăn cho ngon. Mai được phần một cái bánh dậm, ăn nóng, ngon ơi là ngon. Ăn xong, bé chạy sang nhà hàng xóm khoe với tụi cái Tý, cái Loan, thằng Xin, thằng Út làm tụi nó thèm rỏ rãi. Tại nhà tụi nó bây giờ mới đang rửa lá chuối mà. Mới 27 mà đã thấy Tết rồi. Bố dắt bé đi thăm các nhà hàng xóm. Nhà nào cũng đang sắm sửa ăn Tết. Có nhà chặt hai cây mía về dựng ở bàn thờ nữa. Ông Bá hỏi thăm bố về công việc làm ở mỏ than. Chú Từ rủ bố ăn đụng lợn. Toàn là chuyện Tết thôi à. Bé nghe người lớn nói đến cả chuyện Tây về làng. Áng chừng như đấy cũng là chuyện Tết nữa.

*

Tình hình xem ra không yên, chẳng hiểu có an lành cho qua khỏi Tết hay không. Thà về làng cho xong. Phu phen ai cũng nơm nớp lo sợ. Ở mỏ than hình như chả ai muốn làm việc nữa.

Ông Hợi bỏ sở, bỏ lại những người cai quá quắt, những bụi than đen đúa, những không khí ngạt thở, những bọn thợ khắc khổ để về với làng nước, với vợ con. Gia tài chỉ thu gọn trong cái tay nải vải nâu. Ông có cảm tưởng như lần này về là chẳng bao giờ trở lại mỏ nữa.

Bạn bè tiễn ông đi bằng chén rượu nhạt, bằng những nụ cười gượng gạo. Họ đã nói với ông: "Bác về trước, bọn tôi làm gắng vài ngày nữa rồi cũng về".

Chuyến tàu buồn như tiếng còi lui ở sân ga. Tiếng máy xình xịch nặng nề đến khó chịu. Các chặng kiểm soát gắt gao. Những người lính tây mặt đỏ gay lục lọi từng tí một.

Mắt cay cay khi nhìn thấy cổng làng. Hàng rào tre bao quanh vẫn xanh xanh lả ngọn. Những mái lá hình như cũ hơn, những con đường hình như nhỏ hơn. Chả có gì thay đổi cả. Vẫn ruộng lúa vườn rau. Vẫn những mái tranh nghèo dầu dãi nắng mưa. Vẫn gió lạnh thổi cóng chân tay. Vẫn mưa lất phất.

Nhà ta đây rồi. Chả hiểu mẹ con nó đang làm gì. Có tiền mà sắm Tết không. Loạn lạc sắp đến nơi rồi. Cầu giời cho giặc đừng chạm đến làng mình.

À. Mẹ con nó có cả ở nhà. Hình như đang quét dọn nhà cửa ăn Tết thì phải.

Bây giờ thì nước mắt ông Hợi trào ra thật. Vợ mình đây. Con mình đây, đang sửa soạn để đón mình về ăn Tết. Họ đang nói chuyện về mình. Rồi cả hai mẹ con ngửng nhìn. Vợ mình sung sướng đến trào nước mắt. Con Mai đây. Con mình lớn thế rồi sao.

Bây giờ phải sắm Tết rồi ra sao thì ra. Ông Hợi nở nụ cười. Bà Hợi nở nụ cười. Và bé Mai chạy đến ôm chầm lấy ông, hít hà mùi hơi người từ bộ quần áo nâu bạc mầu. Tóc con ta mềm và đen ghê. Con gái bố nhớn thật. Quà ư? Mai bố dắt con đi chợ sắm Tết mà. Vợ ta đây. Mình vẫn còn khóc như trẻ con được ư. Mình già hơn ta tưởng. Chắc là làm việc cực khổ lắm. Chứ còn phải nói gì nữa. Lương của ta gửi về thấm vào đâu. Không làm lấy gì đủ sống. Và câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề ăn Tết. Ông Hợi quên hết những lo âu khi còn ở mỏ than, khi vừa từ giã bạn bè. Xung quanh ông ngập tràn hạnh phúc.

Chiều 30 Tết. Ông Hợi sửa soạn vớt bánh chưng ngâm ở dưới ao lên. Bà Hợi đang cùng bé Mai làm thịt con gà trống thiến để sửa soạn cúng giao thừa. Bỗng mọi người giật mình. Tiếng đại bác nổ vang rền ở cuối làng. Mọi người ngơ ngác. Ông Hợi cảm thấy nỗi lo sợ của mình giờ đã trở thành sự thật. Tiếng huyên náo ở cuối làng chuyền dần khắp thôn xóm. Tiếng đại bác vẫn nổ ầm ầm xen lẫn tiếng súng nhỏ. Rồi hàng đoàn người ào ạt chạy. Tiếng gọi nhau. Tiếng kêu thét. Tiếng khóc trẻ con, tiếng gào người lớn. Tiếng kêu của gia súc. Thật là hỗn loạn. Tang tóc bắt đầu ập đến với dân làng.

- Mình ơi! Giặc Tây về rồi. Chạy đi thôi.

Ông Hợi vơ vội cái tay nải bạc màu. Bà Hợi mặt xanh như tàu lá, đứng nhìn chết trân con gà đang làm thịt dở. Bé Mai ngơ ngác, ôm chặt lấy bố.

Rồi họ nhập vào làn sóng người đang chen nhau chạy loạn. Tiếng kêu khóc vang giời. Đoàn người kéo nhau chạy đến giữa cánh đồng. Họ rủ nhau chạy sang làng bên cạnh. Tiếng đại bác hình như đuổi theo họ. Nhìn về phía làng đã thấy khói bốc mù mịt. Hình như Tây đốt làng. Họ lại càng khóc to. Họ gào thét. Họ kêu giời.

Một tiếng nổ chát chúa. Trời đất tối đen. Ông Hợi dang hai tay như muốn níu chặt lấy hai người thân. Ông cảm thấy xung quanh ông ngập nước ; hơi thở khó khăn. Ông cố gắng ngồi dậy. Ông chẳng còn nghe gì nữa. Mình ơi! Con ơi! Ông lóp ngóp bò lên khỏi ruộng bùn, giơ tay vuốt mặt. Bé Mai nằm ngay cạnh ông đang khóc thét. Ông ôm lấy nó, giơ tay chùi bùn ở khắp mặt mũi chân tay. Trời ơi! Vợ ông nằm kia, mặt mũi thân thể bê bết máu lẫn lộn với bùn. Ông nhào tới. Mình ơi! Ông ôm vợ vào lòng. Bà Hợi cố mở mắt nhìn ông, nhìn con. Máu ở mép trào ra. Hai giọt nước mắt trào ra rửa bớt bùn trên khuôn mặt. Hai tay bà cố gắng ôm chặt lấy cánh tay của ông đang cố gắng chùi cho sạch bớt bùn đất trên mặt mũi của bà. Bà Hợi se sẽ lắc đầu, môi bà mấp máy như định nói gì. Bà nấc lên, rướn người rồi ngoẹo đầu sang một bên. Ông Hợi khóc rú lên. Mình ơi! Bé Mai gào lên. Mẹ ơi!

Đoàn người tiếp tục chạy. Xung quanh vợ chồng con cái ông, tiếng khóc than vang trời. Những thây người, những máu me, những bùn đất. Ông vẫn ôm chặt lấy xác vợ, cố gắng chùi cho sạch đất bùn bám trên mặt vợ hiền. Máu vẫn chảy trên thân thể mềm nhão của người vợ.

Lính Tây đã thấp thoáng ở cổng làng. Tiếng đạn véo trên đầu. Tiếng đại bác nổ rền hơn. Người làng chạy qua đã thưa lắm. Họ chạy gần hết rồi. Ông Hợi nhìn vợ nằm yên trong lòng mình, nhìn con đang thất thần bên cạnh. Ông kéo xác vợ vào bờ ruộng. Quỳ xuống. Ông nấc lên, nước mắt tuôn ra, tuôn ra. Ông cúi lạy vợ hai lạy. Con ơi, lạy mẹ con đi, lạy đi. Mẹ con chết rồi mà. Cha không thể chôn mẹ con được rồi. Mình ơi. Thật thảm thiết quá mình ơi. Anh không thể vùi xác của mình dưới ba tấc đất. Còn con chúng ta. Con chúng ta kia kìa mình. Mình tha lỗi cho anh nghe mình. Trời cao đất dày ơi! Mình ơi! Con ơi! Các ông lính Tây ơi!

Người đàn ông bê bết bùn đất từ đầu đến chân thất thểu bước. Trên lưng, đứa con gái cũng lấm không kém cha, gục đầu trên vai bố. Mắt nó nhìn vào quãng không. Bùn đã khô trên đầu, trên tóc, trên quần áo hai bố con. Nước mắt người cha vẫn chảy tiếp tục rửa dần khốn khổ trên khuôn mặt. Ông nhìn về phía trước. Có gì trước mắt cho ông nhìn không? Bờ tre xanh lả ngọn. Mái tranh nghèo. Người vợ hiền vừa gục chết. Bộ lư đồng. Cây đào bích. Con gà đang làm thịt dở. Bánh chưng sửa soạn vớt dưới ao lên. Những lính Tây. Những kinh hoàng.

Đoàn người vẫn tiếp tục di chuyển. Hai bố con vẫn tiếp tục cõng nhau đi. Tiếng súng đại bác vẫn vọng lại ì ầm. Không hiểu làng bên giặc có về không? Chắc là lính Tây không biết ăn Tết. Mình ơi! Con ơi!


HOÀN LONG    


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>