Em
Sáng hôm nay trời thật nhiều sương mù em ạ. Trên những hàng cây hai bên đường anh thấy một màu trắng đục giăng ngang tầm mắt. Cảnh vật mờ mờ ẩn hiện như đắm mình trong làn khói mỏng giữa trời cao. Mùa đông đã tới và tàn tự bao giờ. Cứ mỗi cuối năm, khi cơn gió thổi về lạnh buốt, chim én bay trên những tháp giáo đường, ngoài đường có thật nhiều áo len màu xanh tím, mọi người cùng nô nức đón mùa xuân, anh lại buồn, buồn một cách lạ kỳ. Không biết vì mình sắp sửa già thêm một tuổi, hay bởi nguyên nhân thầm kín nào. Gần nửa đời người, tết đến với anh thật dửng dưng, bởi chúng mình đánh mất mùa xuân tự bao giờ. Mỗi người, ai cũng có những mùa hồng, mùa ngọc, bất hạnh thay, anh em ta làm gì có! Nếu có chăng là chỉ bóng dáng khuất chìm giữa thời gian, thời thơ ấu, thời xa lắc xa lơ từ dĩ vãng nào, lúc gia đình còn đoàn tụ yên lành. Anh nhớ như in bối cảnh nơi miền heo hút đó. Căn nhà dựng trên một gò cao,hai bên là đồng trống. Trước mặt, sau lưng là rừng. Tượng trưng cho những gì tươi mát còn lại so với đám cỏ may vàng cháy ngập đồng là mấy nương chè ươm đầy sương sớm. Tiếng chim sáo bay về hót trên mấy hàng sao. Ở đó không mùa nào là mùa xuân, không ngày nào là Nguyên Đán.
Sau khi mẹ mất, ba đã đem mấy đứa chúng mình về quê nội. Em còn quá nhỏ để hiểu được tất cả khổ đau mà ba gánh chịu suốt mười mấy năm dài lận đận nuôi con. Chúng mình sống với nhau thật là man dại. Đứa lớn chưa tới mười lăm, đứa nhỏ vừa tròn mười tuổi. Không ai thương và không thương ai nên chúng mình phải đùm bọc lấy nhau mà sống. Anh chẳng hiểu có sự trừng phạt nào quá lớn của đấng tối cao mà gia đình mình phải hứng chịu nhiều thua thiệt. Nếu tuổi thơ là tuổi cần tình thương, cần nuông chìu ấp ủ thì không ai làm chuyện đó ngoài ba. Mà buồn thay ba làm sao có những lời ngọt ngào trìu mến, làm sao có vòng tay êm ái như mẹ chúng mình, nên anh em ta đã sống vô tình như cây cỏ. Sự thiếu thốn nghèo nàn không đáng kể bằng nỗi hụt hao chất liệu yêu thương nuôi lớn tâm hồn. Cứ nhớ đến thời gian đó cũng đủ cho anh bồi hồi: Mẹ mất, ba đi xa, mỗi tuần mới về được một lần. Chúng mình đem sự hồn nhiên thách thức với mọi bất trắc của cuộc đời. Đã quá quen với cô đơn nên mấy đứa không đòi hỏi gì nữa cả, mà dù đòi hỏi cũng chẳng ai cho phép mầu bù đắp, chẳng ai có thừa thương mến đem cho. Anh mường tượng đến mùa xuân nào ba không về được, chỉ còn mấy anh em ở nhà. Sau rừng những bông hoa dại nở đầy màu sắc. Tiếng dế trong vườn ngân nga thê thiết, mấy đứa chúng mình còn lang thang đi hái trái dại, xuống mương sâu đi bắt cá về nấu ăn. Áo quần mặt mũi đứa nào cũng lem luốc, những chỗ vá đầy trên vai áo, chúng được lành lặn nhờ mấy đường kim chỉ vụng về của người cha khốn khổ, còn vết thương rướm máu trong hồn làm sao khâu vá lành được phải không em?
Còn nhớ một lần, nhìn thấy những chuyến xe ngừng trên quốc lộ, em hỏi chừng nào ba sẽ về. Anh chỉ trả lời an ủi tết ba về. Em hỏi tiếp ba về có áo mới không anh. Anh cúi xuống nhìn mấy bộ đồ rách nát của mấy đứa thật ngậm ngùi. Nhưng không muốn em buồn anh đoán chắc là chúng mình sẽ có áo mới, quần mới và thật nhiều tiền lì xì. Thời gian qua nhanh cho những ngày cuối năm tàn như mơ ước. Chiều ba mươi bọn chúng mình ngồi đợi trước hàng hiên. Nắng đã tàn, chỉ còn lại vài tia cuối cùng vương vấn trên mấy bờ tóc mượt. Trong thinh không tiếng sáo chiều vọng về như nhạc khúc ru hồn. Dù biết là vô vọng nhưng anh vẫn cứ đợi chờ cùng với các em, nuôi chút hy vọng mong manh biết đâu có phép màu nhiệm nào khiến cha con đoàn tụ, biết đâu giờ chót ba sẽ xin phép nghỉ làm để về với chúng mình. Chiều đó các em hầu như quên đói bởi náo nức vì những lời hứa hẹn của anh. Cho đến khi bóng tối lan dần trên mấy hàng sao, mấy con đom đóm bay lập lòe trong vườn như những tia hy vọng lụn tàn. Ngoài quốc lộ không còn chuyến xe nào về muộn. Các em vẫn ngồi bất động trước thềm xi măng, không tin sự thật não lòng đến thế. Anh trở vào nhà, thắp lên ngọn đèn dầu nhỏ, ánh sáng mờ soi bóng các em dưới hàng hiên. Vẳng từ trong làng, tiếng pháo tre nổ sớm như muốn xua đuổi những điều không may của năm cũ, để đón chờ năm mới. Trên bàn thờ hình mẹ không rõ nét hướng về cõi mênh mông nào xa thẳm. Anh đâu biết nguyện cầu để chúng mình đỡ tủi thân, anh không biết đọc kinh để an ủi niềm bất hạnh quá đầy. Cuối cùng các em cũng quay vào lẳng lặng, và em đã nhìn anh như cầu cứu van nài. Suốt mười mấy năm dài đăng đẳng trôi qua mà tia mắt đó, trời ơi nó ám ảnh anh cho đến bây giờ và chắc chắn sẽ còn ám ảnh anh cho tới cuối cùng sự sống. Như vậy là tết đó em không có áo mới, giày mới như bất cứ đứa trẻ nào trên đời phải có. Chúng mình chỉ biết ngồi kề bên nhau, chuyền cho nhau hơi ấm, khi ngoài kia gió giao thừa đập vào mấy khung cửa sổ, đem theo hơi lạnh len qua da thịt, len qua tim, len vào tận cùng tiềm thức. Không biết khi khép mắt trên giường các em có mơ ước gì không, riêng anh, anh ước sự cô đơn thiếu thốn của chính mình, sự khổ đau của gia đình ta sẽ động lòng mấy bà tiên hiền dịu, những bà tiên với chiếc đũa thần sẽ biến hóa từ không ra có, sẽ xoa dịu những thương tích làm rướm máu tâm hồn các em, sẽ đem hạnh phúc đến những người cô độc lạc loài, để sáng mai, ngày đầu của một năm, ngày thiêng liêng mang ý nghĩa đoàn tụ sum vầy, khi mở mắt các em có những sự gì khao khát. Và cho dù tất cả chuyến xe đều ngừng lại, nhưng trong đêm tối, bà tiên sẽ chắp vào hai tay ba đôi cánh, và cho dù bão có nổi lên từ địa ngục, cuồng phong có thổi về từ đại dương, ba sẽ như một thiên thần bất chấp, để bay về với các em, với chúng mình, đem lại mùa xuân muộn màng tuổi nhỏ. Ba sẽ mặc vào cho các em thứ gấm lụa mà trên đời không bao giờ có, ba sẽ phân phát cho mỗi đứa chúng mình một phong bì, trong đó không phải chứa những đồng tiền thơm mùi mực mới, mà là yêu thương. Thứ yêu thương từ muôn kiếp chúng ta vẫn thường nghe ca tụng cao vời hùng vĩ như núi Thái Sơn vươn lên thăm thẳm trên bầu trời xanh ngát... Nhưng không có phép mầu nào hiện ra, bởi trần gian còn quá nhiều gian dối. lọc lừa. Thượng Đế đã bỏ đi vì con người nhẫn tâm xua đuổi. Anh thức trắng suốt một đêm để canh cho các em ngủ. Nhìn những đôi má thơ ngây qua ánh đèn mờ trên bàn thờ mẹ, thỉnh thoảng em ú ớ vì một giấc mơ kinh hoàng nào đó chợt gọi ba, anh đã để cho những dòng nước mắt chảy mặn nồng trên má. Anh khóc thật no nê như chưa bao giờ được khóc, như buổi đưa tiễn cuối cùng của chúng ta sau xe tang mấy năm về trước...
Sáng mồng một năm đó, trong khi mọi nhà quây quần đoàn tụ cùng những tiếng cười rộn rã, trong khi những đứa trẻ khác đủ đầy, chúng mình thức dậy để nhìn thấy mùa xuân đen đủi trở về. Anh lục lọi tất cả áo quần còn lành lặn trong tủ thay cho các em. Khi đã tươm tất (!) mấy đứa chúng mình cùng nhau thắp hương trước bàn thờ mẹ, ngô nghê nguyện cầu. Không phải nguyện cầu được hạnh phúc ấm no, mà cầu nguyện cho sóng gió cuộc đời dừng lại dưới mái gia đình, cầu nguyện ơn trên che chở được bình yên ba trăm sáu mươi lăm ngày sắp tới...
Em. Mười mấy năm dài đằng đẳng trôi qua. Căn nhà xưa đã tàn rụi cùng lửa tang thương bốc lên từ một góc trời chinh chiến. Kỷ niệm của thời ấu thơ chôn vùi trong đống gạch vụn điêu tàn. Ba sau bao năm trời cay đắng vẫn chưa tạo được một cuộc sum vầy đúng nghĩa. Các em đã trưởng thành. Anh cũng đã trưởng thành. Sự trí thức mở mang, khai hóa tâm hồn chúng ta nhưng hướng dẫn chúng ta đi phải là Tình Thương hằng cữu. Và em ơi nếu mùa xuân này chúng mình vẫn chưa được đoàn tụ, thì em hãy nghĩ rằng trên đất nước thân yêu còn hàng vạn người đang bơ vơ: Cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em mà không hề than thở. Nếu mùa xuân này thấy những người bằng tuổi em có đầy đủ áo quần, êm ấm, thì em hãy nghĩ trên đất nước thân yêu còn hàng vạn người trần thân không cơm ăn áo mặc, bởi thiên tai giáng xuống miền Trung khốn cùng.
Và cho dù khổ đau có kéo dái mười năm, hay hai mươi năm nữa, và cho dù chúng ta có nản lòng thế mấy, thì em ơi em hãy trông từng cành lộc non vừa trổ hồng những nụ đời mơn mởn để hiểu rằng mùa xuân đã trở về... vẫn trở về... cho chúng ta khơi mầm hy vọng vào ngày mai, ngày của Yêu thương, An lành, Hạnh phúc.
NGỌC THÙY GIANG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân Giáp Dần, 1974)