Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Giờ Học Cuối Năm


Dũng ngồi xuống gốc cây lơ đãng nhìn trời. Ánh nắng đã gần tắt. Xe cộ lớp lớp di chuyển trên con đường một chiều như nước về nguồn. Dũng móc túi đếm lại số tiền mà nó đã kiếm được chiều nay. Con đường đông xe qua lại như thế mà Dũng chỉ kiếm được trên 200đ. Dũng ngồi sửa xe ở lề đường này cả mấy tháng nay mà chưa hôm nào ít khách như hôm nay, dù là ngày mưa.

Đèn đường đã bật sáng. Dũng cố ngồi lại để kiếm thêm chút ít cùng với nỗi băn khoăn tràn ngập đầu óc nó. Dũng nhớ tới những cơn ho dài, vóc dáng gầy guộc tiều tụy của má nó cùng với tiếng nheo nhéo đòi ăn của hai đứa em. Dũng cũng nhớ tới buổi học sáng mai, nhớ thầy và bạn bè. Dũng mở nắp thùng gỗ lấy cuốn sách Anh văn ra đọc. Chợt một người khách dắt chiếc xe gắn máy tới bên Dũng:

- Ê cậu bé còn sửa xe không? Có vá ép không?

- Dạ có Dũng buông sách nhìn lên và nó bối rối Dạ, Thầy, Thầy bị hư xe?

Người đàn ông nhìn Dũng cũng có vẻ ngạc nhiên:

- Trò Dũng đó hả? Trò sửa xe ở đây lâu chưa? Tôi đi đường này hoài mà không thấy.

- Dạ lâu.

Dũng đáp thật nhỏ rồi lăng xăng lấy kìm, mỏ lết. Thái độ của Dũng thật hăng hái nhưng vẫn không giấu được vẻ khép nép.

Thầy Khuê ngồi trên chiếc thùng gỗ. Thầy lơ đãng nhìn Dũng, nhìn đường phố rồi thầy cầm cuốn sách Anh văn của Dũng trong thùng gỗ, lật từng trang, chợt thầy lên tiếng:

- Trò Dũng, ba trò làm gì?

- Thưa thấy ba con chết khi con còn nhỏ.

- Vậy chớ má trò làm gì?

- Thưa thầy má con bán xôi đậu nhưng bị đau gần tháng nay.

Thầy Khuê nhìn trên trang sách của Dũng, hỏi tiếp:

- Trò có anh chị không?

- Dạ không, thưa thầy con lớn nhứt.

Trời đã nhá nhem tối. Thầy Khuê lấy kính trắng ra đeo rồi lại chăm chú đọc cuốn vở của Dũng. Thỉnh thoảng thầy ngó Dũng rồi lại bâng khuâng nhìn trời. Thầy có dáng lạnh lùng, nghiêm trang nhưng đôn hậu.

Dũng mải miết làm việc nhưng đầu óc nó thì tràn ngập hình ảnh của thầy và bạn. Dũng nghĩ bụng là sáng mai phải khoe với trò Dương vụ thầy Khuê sửa xe. Chừng nửa tiếng sau thì Dũng hoàn tất công việc. Nó quay lại nhìn thầy Khuê một cách lễ phép như thể nhắc thầy là đã sửa xong.

Thầy Khuê đặt cuốn sách Anh văn vào chỗ cũ rồi móc bóp và nhìn Dũng:

- Bao nhiêu, trò Dũng?

Dũng cúi đầu:

- Thưa thầy không đáng bao nhiêu, xin thầy đừng bận tâm.

- Bậy nào.

Nói xong thầy Khuê nhét giấy 200 vào túi Dũng. Dũng thụp xuống né tránh:

- Thưa thầy con đâu dám, không đáng bao nhiêu.

Thầy Khuê nghiêm giọng:

- Trò ngoan lắm, song trò nên nhớ là má trò đau, trò cần tiền. Hơn nữa trò phải nghe lời thầy chớ!

- Thưa thầy hôm nay con kiếm được nhiều tiền rồi.

- Vậy trò không nghe lời thầy sao?

- Dạ nghe nhưng, chừng hai chục mà thầy cho nhiều quá, con đâu dám.

Thầy Khuê quay nhìn nơi khác như thể giấu một nụ cười, tuy nhiên thầy vẫn giữ nét nghiêm nghị:

- Thôi vậy thầy trả 100, trò đừng làm mất thì giờ nữa.

Dũng biết là không thể từ chối được. Nó nhận tiền rồi cúi đầu lễ phép khi thầy Khuê lên xe đi. Tới khi bóng thầy Khuê lẫn vào làn sóng người ở ngã tư đường, Dũng mới sửa soạn xếp gọn đồ nghề sửa xe vào thùng gỗ. Dũng nghĩ tới những công việc phải làm cho bữa cơm tối.

*

Bầu không khí trong lớp học ồn ào vui nhộn hẳn lên khiến thầy Giám thị phải lên tiếng:

- Các anh phải giữ im lặng. Như thông cáo của nhà trường tuần trước, chỉ còn một tuần lễ nữa là các anh nghỉ tết. Việc ăn tất niên trong lớp sẽ được tổ chức vào giờ học cuối năm. Hôm nay Trưởng lớp phải thu tiền đóng góp đặng lo tổ chức lễ tất niên trong lớp. Vậy ai là trưởng lớp 9A8?

Dương huých khuỷu tay vào hông Dũng rồi đứng lên. Thầy giám thị nói tiếp:

- Các anh hãy giữ im lặng và lo đóng tiền cho Trưởng lớp.

Mặc dầu thầy Giám thị đã nhiều lần kêu gọi nhưng sự im lặng chỉ được tôn trọng dưới mức trung bình. Trò Dương đi từng bàn thu tiền, trong khi Dũng ngồi gục mặt xuống bàn vẻ mệt mỏi lo lắng. Việc đóng tiền ăn tất niên không làm Dũng lo ngại cũng như sự ồn ào chung quanh không cắt đứt những ý nghĩ đang quay cuồng trong đầu óc Dũng. Dũng đang nghĩ tới những cơn ho dài của mẹ, những tiếng la khóc đòi ăn của hai đứa em. Thế là mẹ Dũng đau đã hơn một tháng. Sự sống của gia đình do một tay Dũng lo liệu. Công việc của Dũng đều đặn cực nhọc. Sáng đi học, chiều sửa xe, trưa tối nấu cơm.

Nhưng từ hơn mười ngày nay Dũng thất nghiệp. Con đường một chiều được mở rộng tới gốc cây nên Dũng đã mất địa điểm sửa xe. Dũng đã tìm được một vài địa điểm sửa xe khác nhưng chỉ một hai ngày sau là Dũng bị cảnh sát đuổi vì lý do mất vẻ đẹp thành phố. Hôm qua, Dũng đã giấu mẹ mang bán chiếc đồng hồ báo thức để mua thuốc cho mẹ và mua gạo. Nhưng số gạo chỉ đủ cho một bữa ăn.

Dương trở  về chỗ ngồi với một xấp tiền trong tay. Dũng nói:

- Cho mình khất lại mai mốt nha. Hôm nay mình chưa có tiền.

- Khỏi cần. - Dương đáp - Phần Dũng, Dương lo rồi. Ba má mình cho 500 lận, mà mình chỉ phải đóng 100 thôi. Vậy Dương bao Dũng phần tiền ăn tất niên đó.

Chợt tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên. học sinh ùa ra khỏi lớp như một đàn ong vỡ tổ. Dũng muốn ngồi lại nhưng Dương níu kéo nên Dũng phải bước ra khỏi lớp. Chân Dũng theo bạn bước đi trong sân trường nhưng tâm hồn Dũng vẫn đứng trong cảnh nghèo túng của gia đình. Dũng chợt nhớ tới lời thầy y tá nói "Bệnh má cháu không sao đâu, chỉ cần chích đều ít thuốc mắc tiền kèm theo thuốc bổ là hết ngay. Má cháu bị cảm lạnh mà lại lao lực quá độ".


Nhưng bây giờ Dũng chưa tìm được địa điểm sửa xe thì đào đâu ra tiền? Trong nhà Dũng không còn thứ gì có thể cầm bán được. Nhà Dũng bây giờ không còn một hột gạo. Dũng lo sợ khi nghĩ rằng trưa nay hai em của Dũng sẽ la khóc vì đói.

Chợt đầu óc Dũng lóe lên một tia sáng. Dũng nghĩ tới số tiền ăn tất niên mà Dương để trong cặp. Mặt Dũng đỏ bừng bừng như đi trong nắng. Dũng biết điều đó là xấu nhưng nhu cầu cần tiền đối với Dũng bây giờ thật là cấp bách. Hình ảnh người mẹ bệnh hoạn và hai em nheo nhóc luôn luôn bủa vây Dũng. Cuối cùng, Dũng lén bạn bè trở vô lớp học. Khi Dũng trở ra sân trường gặp bạn thì tiếng chuông báo hiệu vô lớp học reo lên. Chừng tan học, Dương thản nhiên ra về, không hay biết về sự mất tiền cũng như vẻ bối rối ngượng ngùng của Dũng. Nhìn theo bóng Dương khuất ở đầu đường Dũng mới thẫn thờ bước đi mà lòng vẫn ngập một niềm hối hận vô bờ. Dũng băn khoăn không biết rồi đây Dương lấy đâu ra một ngàn để bù vào số tiền Dũng đã lấy của bạn. Hơn lúc nào hết Dũng thấy thương Dương như lúc này. Tội lỗi đã kéo dài bước đi của Dũng. Dũng vừa bước vừa ôn lại những kỷ niệm đã có với bạn.

Dũng ngừng lại ở một ngã tư đường để quan sát địa thế. Dũng nhủ lòng là thế nào cũng phải trả lại Dương số tiền đó. Chiều nay Dũng sẽ vác đồ nghề tới ngã tư này. Lạy trời mấy thầy cảnh sát đừng xua đuổi. Trước khi về nhà, Dũng ghé ngang qua chợ mua gạo và một trái tim heo về nấu cháo cho mẹ.

*

Sự ân hận ngượng ngùng đã nung nấu trong lòng Dũng hơn một tuần. Hôm nay là ngày học cuối năm. Dũng đi học với một niềm hăng hái và phấn khởi. Ở địa điểm sửa xe mới Dũng kiếm được khá. Mẹ Dũng đã gần lành bệnh. Dũng đã dành dụm được một ngàn, Dũng định bụng là bữa nay gặp Dương sẽ thú thật với Dương về tội lỗi của mình và trả lại số tiền đó.

Bầu không khí trong lớp học tràn ngập tiếng cười nói. Dũng vừa định kéo Dương ra ngoài hành lang nói chuyện thì thầy Khuê bước vào. Thầy Khuê kêu gọi sự im lặng rồi tiếp tục lên tiếng:

- Như đã hứa với các em, giờ học cuối năm thầy sẽ trả bài Luận văn nói về chí Nam Nhi của cụ Nguyễn Công Trứ. Sau đó thầy sẽ có một phần thưởng cuối năm tặng cho em nào xuất sắc nhất. Dĩ nhiên sự xuất ắc ở đây là phải hội đủ 2 yếu tố học hành và đức hạnh.

Cả lớp im phăng phắc. Thầy Khuê nói tiếp:

- Phần thưởng của thầy là 1000đ, không đáng chi những đáng quý vì nó thể hiện cho tình thầy trò. Phần thưởng này thầy dành cho trò Nguyễn Đức Dũng.

Cả lớp ồn ào, có tiếng vỗ tay reo hò.

Dũng đỏ bừng mặt vì hồi hộp và xúc động. Khóe mắt Dũng long lanh ướt.

Sau khi trao phong bì cho Dũng, thầy Khuê tiếp lời:

- Chắc hẳn nhiều em trong lớp biết ngoài giờ học trò Dũng còn sửa xe ở lề đường. Vậy mà trò Dũng đã có những bài luận hay nhất lớp. Trò Dũng xứng đáng là một tấm gương sáng cho các em. Các em nên nhớ rằng, không có nghề gì là xấu cả.

Giọng thầy Khuê chợt trầm xuống:

- Các em biết không, ngày xưa gia đình thầy rất nghèo. Thầy phải bán nước trà ở ngã ba Trung Lương cho khách đi xe đò mỗi khi xe ngừng lại. Sở dĩ thầy đỗ được cữ nhân là nhờ sự cố gắng và lòng kiên nhẫn. Vậy lời khuyên cuối năm của thầy là các em phải cố gắng học hành, giúp đỡ cha mẹ, kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách khó khăn.

Khi thầy Khuê ra khỏi thì lớp học lại ồn ào tiếng nói cười. Dũng cố trấn tĩnh trong sự ồn ào đó. Dương và vài người bạn khác tíu tít bận rộn vì phải sửa soạn tiệc tất niên. Dũng lại kéo tay Dương ra ngoài hành lang:

Dương ơi, mình không xứng đáng được phần thưởng đâu. Tại thấy mình nghèo, nên thầy thương, thầy cho. Mình tội lỗi.

Dương không nói, mở to mắt nhìn Dũng. Dũng ngập ngừng nói tiếp:

- Mình... Mình... tội lỗi. Mình đã... ăn cắp của Dương một ngàn. Hôm nay Dương cho Dũng trả lại nha.

Mình tới nhà Dũng chơi hoài, mình biết Dũng khổ lắm. Mình mong manh đoán là Dũng lấy song mình thông cảm hoàn cảnh cảu Dũng lắm. Dũng cứ cầm xài đi. Ba má mình giầu, mình đâu cần tiền. Thầy cho một ngàn, Dũng phải về khoe bác chớ.

- Mình trả Dương bằng tiền mình để dành chớ không phải tiền thầy cho đâu. 

Dũng nhét vào tay bạn một xấp tiền rồi nói tiếp:

- Dương cầm lấy đi cho Dũng yên tâm, không mắc cỡ nữa.

Giọng Dương cương quyết:

- Mình xin ba má mình bao nhiêu cũng có. Vậy số tiền này mình tặng lại Dũng đó. Nếu Dũng không cầm thì Dương nghỉ chơi đó.

Nói xong, Dương chạy ào vô lớp. Dũng rưng rưng nhìn theo bạn mà lòng tràn ngập một xúc động mãnh liệt.

Bầu không khí trong lớp học vẫn bừng bừng niềm vui cuối năm.


BÙI KIM ĐĨNH    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>