Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Luống Cải Vàng

                                

- Vậy là hết dưa… ba mẫu tây dưa chớ ít sao… Trời ơi, trái đã lên bây lớn vầy mà…

Ông Năm vừa chắc lưỡi vừa đưa tay nhúm lại ví dụ độ lớn của trái dưa…

- Tui đâu có dè… đám dưa của tui… tươi tốt nhứt. So với mấy vườn dưa khác, vườn dưa của tui ăn đứt, chấp hết. Tui là vua trồng dưa ở miệt đó mà… Nhứt định Tết này là tui ngồi dậm chưn ăn tiền… Tui đâu có dè… mấy vườn dưa… tui tiếc đứt ruột…

Ông Năm là chủ một vườn dưa lớn tại Cồn Sơn, thuộc tỉnh Phong Dinh. Gia đình ông đã ba đời sống với nghề trồng dưa lấy trái. Từ nhỏ đến lớn, quanh năm suốt tháng, chỉ nghĩ đến dưa và dưa, nên ông Năm có một mối cảm tình đặc biệt đối với loại cây bò, trái lớn tròn với làn da xanh đậm đà.

- Thôi bác à, bề gì cũng đã mất rồi, ngồi tiếc làm gì cho thêm tủi, thêm buồn. Mình ví như chưa gặp thời…

- Mà tức quá anh Ngọ à. Không có năm nào vườn dưa của tui bắt mắt như năm nầy. Trông nó ra trái, từ khi bằng trái mận đến khi bằng nắm tay, hồi hộp mà vui lắm anh Ngọ à…

Ông Năm không thể nào quên được mảnh vườn mồ hôi nước mắt của mình. Vườn dưa gắn liền ông, màu đất phù sa vàng nồng như có mật đã quyến rũ ông như tổ ấm gia đình. Đâu phải như vùng đất cứng chắc, khô cằn như ở đây. Trời ơi, nơi ông ở đâu phải ở đây. Từ khi chiến tranh lan tràn, ông bỏ nhà, bỏ vườn dưa thân yêu đang độ đi lánh nạn. Lúc ra đi, vì quá bối rối, ông không nghĩ ngợi gì. Bây giờ, trong cái cảnh chờ đợi sự bình yên mau tới, chờ đợi ngày trở lại nhà, thời gian dài đằng đẵng làm ông nhớ lại, nhớ quay quắt và tiếc đến điên cuồng. Nhìn cuốn lịch đem theo, rõi theo cái tiết giá lạnh đã tàn từ lúc nào. Trời nắng ráo báo hiệu ngày cuối năm chả còn bao lâu. Và trên khu chợ cất tạm của trại tạm cư, những trái dưa tròn trĩnh nằm ngạo nghễ như muốn trêu tức ông. Ông Năm chỉ muốn trở lại vườn, rỡ những trái dưa nặng trịch, những trái dưa vỏ xanh ruột đỏ ngon ngọt lạ lùng. Nhiều bữa ra chợ, ông đưa tay rờ lên làn da mịn màng bóng láng của mấy trái dưa, để nghe lòng mình chùng xuống và nỗi tiếc nhớ như muốn hâm nóng bờ môi, đầu mắt. Nhìn con nắng tốt là ông kêu:

- Đã đến lúc rỡ dưa đây mà…

Thấy đám mây đen đe dọa đằng chân trời là ông kêu lên:

- Coi chừng mấy trái dưa chín muộn. Mưa mà ướt đất là thúi ruột hết trọi…

Sáng sáng, đôi lúc thức giấc quá sớm, ông lò mò đi ra ngoài giữa cơn mộng còn chập chờn với ý nghĩ để hít thở mùi thơm đặc biệt toát ra từ những thân cây ngoằn ngoèo, những cọng rơm ủ đã ủng và mùi phân uré quen thuộc. Nhưng không, ông chỉ thấy những mái nhà chập chùng lạnh lẽo, chỉ nghe đâu đây tiếng trẻ khóc và đất dưới chân cứng chắc như đạp đá. Ông bàng hoàng chợt nhớ mình đã xa quê. Gặp người bạn nào, thân hay sơ ông cũng nhắc đến vườn dưa vô địch của mình hầu tìm ở lời kể lể chút an ủi, tạm quên đi nỗi buồn của mình để đủ sức chờ đợi ngày trở về.

- Dưa ở đây đâu có ăn thua gì. Nếu bác mà thấy dưa của tui thì phải biết, bác không thèm để ý đến mấy cái loại dưa khác đâu. Tui chỉ gieo toàn rặt giống dưa Cầu Đất thôi, vậy mà tui chấp hết trơn hết trọi đó, cả mấy giống dưa ngoại quốc như dưa Su ga bê bi, dưa Phú Quang, dưa Sa lé Sa let tơn Xám, cả loại Nữ hoàng Đich Xi cũng thua nữa. Bác biết hông, dưa mình là dưa nội địa, tỷ như người Việt Nam mình đó, vậy mà tui trồng, tui lựa giống, tui ủ rơm, chừng ra trái, bác hết nhận ra, nó to gần bằng thứ dưa Congo lận, bác biết loại Congo chớ, nó to đến 10 ký, có khi lên tới 15 hoặc 18 ký lận.

- Cha, dưa lớn quá, bác tài ghê.

Ông Năm cười khoái chí. Ly rượu trước mặt đã vơi quá nửa. Hơi rượu xông lên đỉnh đầu làm ông hoa cả mắt. Ông cứ có cảm tưởng như có cả một vườn dưa trước mắt và ông đưa tay chỉ tới chỉ lui, giảng giải cách trồng dưa mặc cho cái nhìn ngớ ngẩn của người nghe vì không hiểu hoặc không rành lắm nghệ thuật trồng dưa. Và đôi lúc cũng là vì sự chán nản bởi câu chuyện không hấp dẫn và nhàm tai.

Khi ông Ngọ đã trở về nhà mình, ông Năm vòng tay qua trán, nhìn ra khoảng sân nhỏ chật hẹp trước mắt. Giá như đất rộng, ông trồng được một giống gì phải đỡ không chứ. Nhứt là dưa. Nhưng ông thở dài ngao ngán ngay. Đất này ai mà trồng dưa cho được. Có họa điên.

Ông Năm nhắm mắt lại để khỏi phải nhìn thấy mấy khoảng đất trống không, trơ trụi. Trí óc ông lại du về vườn dưa sai quả, ông mơ cái lúc tay mình với con dao ngót trịnh trọng xuyên một khối ba góc vào thân dưa, và rồi hồi hộp biết bao khi mũi dao từ từ rút ra với khối nhỏ đưa ông nước, màu ruột đỏ tươi như son tàu.

- Ông à, dậy ăn cơm chớ bộ ngủ hoài sao. Đi ra mời ba vô ăn cơm đi Ngạn, lẹ đi con.

Vườn dưa biến mất. Mấy ly rượu đế làm lòng ông xót xa cào cấu. Ông Năm uể oải ngồi dậy, miệng nhai nuốt miếng cơm gạo lạt nhách.

- Ông ăn đi chớ hổm rày tui thấy ông cứ thờ thẫn hoài như người bất đắc chí. Đã nói là lỡ rồi, còn sống là may lắm, phước đức lắm đó. Mình ẩn nhẫn rồi chờ ngày yên yên về vườn.

Ông Năm thẫn thờ lập lại: 

- Ừa, yên yên rồi về.

                                                                              *

Chung nhắc một cái chân đã tê cứng vì ngồi lâu, ngúc ngoắc mấy đầu ngón cho máu chạy đều. Những cảm giác tê tê khó chịu cứ len lỏi dưới làn da bàn chân. Chung vứt con dao thái chuối xuống, chán nản nhìn cây chuối chỉ mới thái được một phần và rổ rau muống còn đầy ắp. Nhiệm vụ của Chung là thái chuối, chẻ rau để bà Năm, mẹ nó đem ra chợ bán độ nhật.

Ở nhà trên, tiếng ông Năm vọng xuống từng chặp phê bình loại dưa đang được bày bán ở chợ. Những trái dưa, vỏ sọc xanh dợt, ruột đỏ như son – Nước ngọt chảy rịn đầy ứ thớ thịt dưa. Chung nhớ quá là nhớ. Mọi năm, giờ nầy, Chung bận rộn lội ra lội vào vườn dưa đầy quả. Xe lam, xe Đai-hat-Su chạy ra vào nườm nượp. Tiếng người mua dưa, người hái dưa kêu ơi ới. Những âm thanh thật quen thuộc và vui vẻ như cuộc sống sung túc của gia đình Chung hồi ấy.

Mỗi buổi chiều, đi học về Chung kéo theo một lũ bạn tiến vào một phần ruộng dưa đã hái quả. Giữa những sợi dây thân cây dưa ngổn ngang, lá héo rũ trong nắng chiều, cả bọn ngồi sụp xuống đi từng luống, lục lọi để kiếm những quả dưa sót to bằng cái bát. Ruột dưa hồng hồng, mát lạnh. Cả bọn ăn chán lại ném nhau cười đùa cho đến khi trời sụp tối hẳn. Và từ dưới đất, tiếng côn trùng vang vọng kêu rên.

Bây giờ thì mất hết những ngày sung sướng cũ. Lòng Chung cũng như ba Năm đều vọng tưởng đến ngôi nhà vườn yêu dấu quen thân để mà tiếc mà nhớ.

- Ê Chung, làm xong chưa ra kia chơi với tụi thằng Nô đi.

Chung cúi xuống nhìn rổ rau thái dở lắc đầu:

- Thôi, mầy ra chơi đi. Tao chưa làm xong.

Thằng Chánh, bạn của Chung ngồi sụp xuống bên cạnh:

- Không có mầy ai mà chơi. Thôi để tao chẻ rau cho mầy nghen. Xong rồi hai đứa đi chơi luôn.

Chánh vớ lấy con dao bào bên cạnh, ngồi phệch trước rổ rau muống đã ngắt lá chỉ còn trơ lại mấy cọng xanh rờn. Chung đưa tay chỏ lên nhà trên:

- Ba mầy ở trển đó… đang nói chuyện với ba tao.

Thằng Chánh nháy mắt:

- Chắc ba mầy lại nói về vườn dưa phải không… Chặc… Mà vườn dưa ở dưới của ba mầy chiến thiệt. Tao cũng mê luôn. Ai mà không nhớ.

Chung thở dài:

- Nếu ở đây có chút vườn chắc ba tao đỡ nhớ nhà hơn. Ngặt ở đây ai mà trồng dưa được. Đất nầy…

Chánh dừng tay bào, ngắt ngang:

- Trồng dưa ở đây hả? Còn khuya. Mà sao ba mầy không trồng thứ khác? Cũng vườn đó chứ. Như ba tao vậy. Mầy thấy không, nhà tao trồng cải, nó lên bây lớn vầy nè.

Chung nhún vai khi nhớ lại đám cải xanh ở nhà thằng Chánh, có một chút đất mà cũng bày đặt trồng.

- Cải nhà mầy ốm tong ốm teo như cây vạt giường. Ngó mà rầu.

Thằng Chánh đỏ mặt, cố nói vớt:

- Bề nào cũng có vườn, thấy đỡ đỡ hơn chớ. Mầy biết không, sáng nào, đi lãnh đồ cứu trợ về ba tao cũng ra ngồi ở mấy đám cải hết á. Ổng nói Tết nầy, cải ra bông đẹp lắm.

Chung nhún vai giễu cợt:

- Ra bông hả, còn lâu.

- Mầy không tin à? Được rồi, nhà tao còn mấy gói hạt giống, tao cho mầy rải thử, để xem ba mầy có khoái chí tử không.

Nói là làm, thằng Chánh đứng vụt dậy chạy về nhà. Chỉ một loáng sau, nó trở lại, đưa cho Chung một gói nhỏ hạt cải tròn trịa, khô ráo, màu nâu, lổm xổm trong lòng bàn tay. Chung khó tin quá. Mấy hạt giống nầy sẽ làm ba Năm quên được vườn dưa sao? Mấy cây cải èo uột sẽ làm Chung quên được những luống dưa xanh ngắt tràn lan suốt ba mẫu đất thênh thang sao?

- Trước khi trồng mầy phải xới đất cho kỹ nghe Chung. Tết nầy nó ra bông kịp thì đẹp lắm.

Chung lắng tai, không phải nghe thằng Chánh lải nhải cách trồng cải, mà để nghe tiếng ba Năm lè nhè khoe loại dưa Cầu Đất của ông. Lòng Chung se lại vì thương ba, vì tủi cho cuộc sống bất trắc, bỗng dưng phải khổ cực, phải xa nhà, xa quê. Chung lẩm bẩm:

- Không biết, cái vườn cải nhỏ xíu trước cửa có làm ba khó chịu không đây. Thây kệ, cứ trồng đại.

- Nếu mầy không muốn để lớn thì cứ việc ngắt non vô ăn ghém với rau muống sống cũng ngon lắm. Má tao hay nấu canh tôm. Đăng đắng nhưng cũng ngon lành ba chê.

Chung gật gật đầu:

- Tao muốn để cho cải nó lớn, nó có bông. Gần Tết rồi Chánh hả?

Thằng Chánh toét miệng cười:

- Ừa, gần tết rồi, vui hả mầy?

Chung xì một tiếng lớn:

- Vui gì mà vui, ba má tao cứ rầu rĩ hoài, làm tao cũng rầu thúi ruột đây.

*
                                                             
- Chung, mầy làm gì ngoài đó, vô đây tao biểu coi.

- Con mắc làm mấy cái nầy chút xíu thôi ba. Con vô liền hà.

Ông Năm lẩm bẩm mấy câu vô nghĩa.

Bây giờ đã hơn 9 giờ chớ phải sớm sủa gì đâu. Thường ngày, giờ nầy đối với ông Năm không quá bận rộn lắm. Nhưng hôm nay thì khác. Đã 30 Tết rồi. Nhìn thiên hạ đi qua đi lại rộn rịp, lòng ông cũng vương vương đôi chút rộn ràng. Tết tuy buồn nhưng Tết vẫn là Tết. Tết nghèo, tết nhớ, Tết tủi thân tủi phận thì vẫn có cái lo Tết, cái vội vàng như sợ không đuổi kịp ngày cuối cùng của một năm.

Bà Năm đã ra chợ từ sáng sớm để bán nốt chỗ hàng còn lại. Hôm nay mới được ngày mua ngày bán đấy. Quang cảnh trại tạm cư cũng ra vẻ lắm. Đâu đó mùi khói trầm thơm nức, tiếng pháo lẻ tẻ, áo mới xúng xính trên mấy đứa bé. Người lớn không làm rộn Tết bao nhiêu, chứ mấy đứa bé thì xôn xao lắm.

Chỉ riêng ông Năm, cảnh càng rộn ràng thì ông càng nao nao tấc dạ. Mọi năm, giờ nầy, mấy chuyến xe dưa cuối cùng đã lăn bánh. Ruộng dưa tan tác những sợi dọc ngang héo úa. Mấy đứa trẻ lao xao ngoài vườn, và ông trong sân nhà cạnh mấy người bạn chén chú chén anh với con cá lóc to bằng đùi dưới nướng trui thơm lừng, bát canh chua bốc khói, ngọt nước nấu bằng đầu cá bông lau, rọc mùng, sún chua, me chín và dưa hấu mới hồng ruột.

Mối thu hoạch của mùa dưa làm ông hãnh diện, bây giờ chỉ còn trong tưởng tượng. Đột nhiên ông thích say sưa nốt ngày cùng năm tận nầy. Ông kêu to thằng con độc nhất:

- Chung ơi, mua ba chai đế đi. Lẹ lên.

Thằng Chung thì mải mê với vườn cải đang vượt cao lên thấu tận háng nó. Lá cải màu vàng non ánh xanh trông rực rỡ trong nắng ban mai. Dạo mới ươm hạt, nhờ trận mưa cuối mùa cải vượt cao làm Chung vui như mở hội. Chung chỉ buồn một điều là ba Năm hầu như không thích vườn cải, không buồn nhìn ngắm thì đúng hơn. Mắt ba lúc nào cũng đăm chiêu tận đâu đâu. Vẻ mặt của ba làm Chung sợ. Có thể nào sự tiếc nuối đã làm biến đổi con người đến thế sao. Trí óc non nớt của Chung không thể thấu hiểu được những bí ẩn tế nhị trong lòng người. Chung cũng buồn vì xa bạn, xa trường, xa cảnh tình quen thuộc cũ, xa khoảng đời sung sướng bình yên, nhưng Chung đâu có thất chí như ba Năm.

- Chung à…

Chung ngồi dậy, chạy vào nhà kiếm chai lít, đón lấy tờ giấy 50đ trên tay ba Năm rồi chạy vụt đi.

- Đế bà Bảy nghe mậy.

- Dạ, con biết rồi.


Khi Chung mua đế trở về nhà thì ba Năm đang đứng ngắm vườn cải của Chung. Chung đưa xị đế cho ba rồi chỉ vườn cải hãnh diện nói:

- Con trồng đó ba. Đẹp không ba?

Ông Năm không nói. Màu xanh của cải non làm ông càng nhớ đến mảnh vườn màu mỡ quê nhà. Đất phù sa nâu đỏ thơm mùi cây trái. Vườn xum xuê. Lúa thẳng cánh. Dưa xanh màu. Ông đưa chai đế lên tu một hơi.

- Ba à, bên thằng Chánh, mấy cây cải của nó ra bông vàng đẹp ghê. Ba dạy con cách làm sao để cải ra bông ngày mai đi ba.

Hơi men làm mắt ông Năm lờ mờ như có màn sương mỏng. Đầu óc như bốc khói và bao tử nóng hừng hực. Buổi sáng, ông chưa ăn gì hết. Giá có một trái dưa hấu sót nhỉ. Mát ruột biết bao nhiêu. Nhưng dễ mà, sau mùa dưa, hàng trăm hàng ngàn trái sót. Bà Năm bao giờ cũng để lại cả trăm trái để nhà nấu canh hoặc ăn sống với rau tươi. Còn bao nhiêu kêu bạn hàng rau ngoài chợ bán hết. Ông thèm một miếng dưa cho mát bụng. Ông Năm kêu, giọng nhừa nhựa:

- Chung, lấy cho ba mấy trái dưa , giã muối ớt rồi qua kêu bác Ngọ nhậu với ba.

Thằng Chung trố mắt:

- Dưa đâu có ba, hay để con ra chợ mua dưa leo.

- Dưa sót đâu?

Ông Năm quát nhẹ.

- Dưa sót??

Chung vẫn đứng nguyên một chỗ nhìn ba ngạc nhiên. Ông Năm bắt đầu tức giận. Thằng con dám cãi lời cha chớ. Ông nói như ra lệnh:

- Hỏi má mầy cất dưa ở đâu. Tao nhớ bữa hổm còn để lại cả thúng mà. Vô tìm đi.

Rồi ông chỉ vườn cải trước mặt:

- Dưa… Hay con ra vườn hái cho tao mấy trái cũng được, lẹ lên…

Chung ấp úng:

- Dạ, đâu có dưa ba, đây là vườn cải mà. Để trưa còn hái cải con ăn với rau sống ghém canh chua ba. Ngon lắm.

- Dưa đâu?

Ông Năm đã say. Có vườn cải nào trước mắt ông đâu, chỉ là vườn dưa đã hái trái còn lại đám dây thân dưa ngổn ngang trên mặt đất. Thế nào trong đám dưa đó cũng còn vài trái dưa sót hoặc chín muộn.

- Để tao kiếm cũng được… Mầy qua mời bác Ngọ đi.

Ông Năm bước vào vườn cải, những thân cải dập nát dưới bước đi và bàn tay tàn bạo của ông. Và Chung đứng đó, miệng há to, muốn khóc mà sự ngạc nhiên, kinh hoảng làm nó không thốt được nên lời. Ông Năm như đi trong cơn mê. Ông nằm trên những luống cải non. Ông nhổ bật các cây già. Ông đào xới trên luống cải, miệng lảm nhảm nói về vườn dưa cũ.

Mãi một lúc lâu, Chung mới kéo được ba vào nhà. Áo quần lấm lem; ông vẫn chưa tỉnh cơn say. Bên ngoài, vườn cải tơi tả, Chung ngồi khóc ngon lành.

Giao thừa năm nay khác với tất cả mọi năm. Bà Năm thay vì nấu một nồi bánh chưng to tướng, bà mua ở ngoài chợ ba cái để bày trên bàn thờ. Chung cũng ngủ vùi từ đầu hôm. Giao thừa không tiếng pháo. Và đêm im lặng như mọi ngày. Vài tiếng cười lẻ tẻ đâu đó ở khu vực tạm cư phía sau. Đèn đóm tắt ngấm, chỉ trừ mấy ngọn đèn điện vàng hoe ở cái cổng chào mừng Xuân dựng đầu trại là tỏa ánh sáng rực rỡ so với bên trong xa.

                        *                         

Trong nhà vắng lặng, ông Năm thao thức mãi vì hối hận và thương con.

- Tội nghiệp thằng nhỏ, nó cũng thích vườn tược như mình vậy. Ấy mà…

Ông lẩm bẩm một mình. Hồi chiều, sau một giấc ngủ say sưa vì men rượu, ông tỉnh dậy. Thằng Chung vẫn còn khóc và tuyệt vọng trồng lại mấy cây cải đã gãy nát. Nhìn mảnh vườn cải bé xíu tan hoang, ông sực nhớ lại lỗi lầm của mình. Tội nghiệp. Ông Năm chồm dậy, rón rén vì sợ kinh động đến giấc ngủ của vợ con. Ông thắp chiếc đèn Hoa Kỳ, che tay bước ra ngoài.

Mùi đất xới ẩm ướt sương bốc hơi quen thuộc. Ông khoan khoái ngồi bệt xuống. Chiếc đèn được kê ở một bên soi tờ mờ những ngọn cải ủ rũ.

Dù sao cũng là một mảnh vườn. Lòng thương con dâng lên, át hẳn tự ái của một ông chủ vườn dưa rộng lớn mà theo ông bàn tay chỉ để chăm sóc thửa vườn thênh thang, xanh ngát mùa dưa. Ông Năm bắt đầu đắp lại những luống cải đã lở, ông hái những cây rũ và đắp dẫy những cây còn tươi. Ông làm việc thận trọng, nhất là khi phải rẩy đất ở vồng cải già thân đã lớn cao.

Chả bao lâu, vườn cải đã ngay hàng thẳng lối và ra vẻ lắm, không còn cái ủ rũ tan tác như trước nữa. Sương đã đẫm ướt mái tóc muối tiêu của ông Năm và phủ lên lớp lá xanh non một lớp nước mỏng óng ánh – Lần đầu tiên, ông Năm quên mất vườn dưa sai quả, quên mất những trái dưa tròn đỏ ruột thắm son, những câu ra lệnh cho thợ hái dưa, dõng dạc, những mùa ươm dưa nắng tốt, mùi phân uré quen thuộc, mùi rơm ủ nồng nàn.

Vườn cải xanh màu và lòng ông nỗi vui mừng đột khởi.

- Ba, ba, ba làm gì vậy ba…

Ông Năm giật mình quay lại, thằng Chung đã thức dậy và ra sân. Mặt còn ngái ngủ, nó dụi mắt hỏi ba:

- Giao thừa chưa ba?

Ông Năm mỉm cười, kéo con lại gần mình. Ông chỉ vườn cải xênh xang trước mắt mà không nói. Thằng Chung reo lên một tiếng vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên:

- Ủa, sao…

Chung quay lại, mắt nó nhìn thấy đôi tay đầy đất của ba. Nó hiểu hết:

- Ba sửa lại vườn cải cho con?

Ông Năm tươi cười:

- Ừa, để mai, khách tới nhà không quở mà xui suốt năm. Chịu không?

- Trời ơi con chịu quá trời. Cây chết có nhiều không ba?

Ông Năm đưa đèn cho con:

- Ít, hổng sao. Mai gặp sương vầy thì nhứt định vườn cải tươi rói à.

Chung cầm đèn đi chung quanh, lăng xăng, rối rít. Nó ngắm từng luống cải, từng thân già. Mặt rạng rỡ như khi được mặc áo mới.

- Ba à.

Thằng Chung reo to.

- Để hàng xóm ngủ, thằng quỷ.

- Cải có bông ba ơi. Nó ra bông nè.

Ông Năm nghe lòng reo vui như hồi ông mới trồng dưa lần đầu tiên và nghe bà Năm vợ ông báo tin những nụ hoa đầu mùa đã hé. Ông cẩn thận bước qua mấy vồng cải, đến chỗ Chung đứng. Một ché nụ nhỏ mũm mĩm chúm chím như con vụ sơn xanh. Chung chỉ vào đó:

- Đó, ba thấy hông. Điệu nầy chắc mồng một, hoặc mồng hai nó nở quá. Ba thấy hông. Làm sao cho ngày mai bông cải nở đi ba. Nó nở bự tổ nái để con thi với mấy bông cải của thằng Chánh.

Ông Năm không nói được. Ông chỉ gật đầu nhìn gương mặt vui tươi của con mà nghe lòng hớn hở. Hạnh phúc, niềm vui đâu ở xa, đâu phải ở sự tiếc nuối, ở dĩ vãng vàng son xa vời. Hạnh phúc ở hiện tại, ở sự chấp nhận cuộc sống mới mà không than vãn, mà chỉ nên làm đẹp thêm tùy phương tiện sẵn có.

Hai cha con đứng ngắm mấy cái nụ bông cải mãi đến khi sương ướt hai vai và mấy giọt đọng lóng lánh trên nụ hoa mới.

Ngày mai, ngày mốt cả vườn cải lớn cao thân thẳng trổ những gié hoa vàng. Chắc trông đẹp lắm. Hoa nầy hẳn phải quyến rũ biết bao là bướm. Và ngày mai, ông Năm sẽ thong dong ngồi uống rượu mừng Xuân với mấy ông bạn già, ngắm hoa cải và khoảng xanh trước mặt. Cũng thú vị. Còn vườn dưa của ông. Gác lại chờ ngày trở về quê. Ngày yên bình.

- Khi nào về nhà cũ, ba nhớ trồng cho con một vườn cải ba nghe.

Để trả lời, một tràng pháo dòn, nổ vang trong đêm cô đơn. Tiếng còi hụ đồng lúc từ xa vọng về.

- Giao thừa, thôi vô nhà đi con.

Giấc ngủ chờ ngày mới đến cùng lúc với hai cha con ông Năm. Ông Năm mơ thấy mình trở về nhà cũ, và vườn dưa xanh ngắt với trái tròn, lòng đỏ thắm. Chung mơ thấy những luống cải trổ hoa vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trên vườn nhà quen thuộc xứ Phong Dinh.


KIM HÀI    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)

Bìa của Vi Vi : Tư Xuân


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>