Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Thuở Còn Ở Tiểu Học




Một kỷ niệm xa xưa bé nhỏ nhưng nó không thể mờ đi trong tâm trí tôi được. Thứ kỷ niệm của ngày tôi còn học ở bậc tiểu học, tôi cứ tưởng mới ngày hôm qua đây mà. Nhưng không, nó đã cách xa tôi lâu lắm rồi, bảy năm rồi đâu có ít.

Năm ấy tôi lên tám tuổi, học lớp ba ở ngôi trường đầu làng. Tuy học lớp ba, nhưng tôi còn kém thua những đứa bé học lớp năm nữa kia. Đã sút kém như thế, tôi còn mắc phải cái bệnh lười nữa. Mẹ tôi thường cho tôi ăn đòn mỗi khi tôi trốn học và bà còn dẫn đến cô giáo nhờ cô giáo phạt tôi nữa. Còn ba tôi thì trái hẳn với mẹ tôi, ông không rầy, không đánh tôi, ông chỉ bảo:

- Con trai không lo học gì thì ngày sau khổ cực đấy!

Và ông quyết định đuổi tôi ra khỏi nhà nếu tôi không đến trường thường xuyên. Sự quyết định đó như có một sức lực mạnh mẽ và thúc đẩy tôi, nó làm tôi lo sợ nên tôi đành phải đến trường chuyên cần hơn. Rồi cũng từ ngày ấy, mỗi chiều thứ bảy ba tôi kiểm soát tất cả sách vở của tôi. Nếu như thiếu một bài là tôi phải quỳ đối diện với cái tủ kính của mẹ tôi, vì ba tôi bảo:

- Quỳ ở đấy cho nó thấy rõ cái mặt của nó, cái mặt đẹp đẽ sáng sủa thế mà lười biếng, không biết xấu hổ.

Luật lệ đó được áp dụng một thời gian ngắn rồi bỏ, vì tôi đã siêng năng, không kể mưa gió cứ ôm cặp đến trường. Ba tôi thì hớn hở ra mặt, nhưng ông lại phải than van khi mỗi chiều thứ bảy xem vở của tôi. Chiếc kính trệ xuống sống mũi, miệng ông há hốc ra:

- Trời ơi! Viết chính tả gì mà đến mười mấy lỗi thế này?

Tôi đứng cạnh ông không nói năng gì, lo sợ ông bắt quỳ thì "dị" chết. Con bé Trang, ở nhà bên cạnh, nó hay dòm sang lắm cơ. Thời gian như ngừng lại, nhưng rất may là ba tôi lấy quyển vở khác. Tôi lại hết hồn, vì ba tôi lôi quyển toán ra, mới khi chiều bị con zéro to tướng. Không hiểu sao tôi lại dốt đến thế, học lớp ba mà tính cộng còn sai.

- 9 với 8 là mấy hở Lộc? Mày thua cả thằng Tân nữa đó, nó học lớp năm chứ nó dạy mày được đa.

Tiếng ba tôi lôi tôi về thực tại, tôi lặng yên khi mẹ tôi trách mắng:

- Thằng gì mà ngu hết sức. Con Trang bên đó, tao thấy tháng nào nó cũng mang bảng danh dự không thì bằng khen thưởng về hết... chứ còn mày, tháng nào cũng đội sổ. Thật tao chán quá Lộc ạ.

Tôi cúi đầu yên lặng. Ba tôi lấy quyển tập làm văn ra. Tôi mừng mừng vì quyển này không có gì để sợ cả. Ba tôi đọc to lên cho cả nhà nghe:

- Con gà trống nhà em có hai cánh thật là to, hai chân thật là dài, cái mồng màu đỏ, cái mỏ dài ra và nhọn như cái ngòi bút... Em thương gà nhà em lắm vì nó cho trứng và thịt rất ngon.

Mẹ tôi bật cười thật to:

- Gà trống của mày cho mày trứng to bằng cái hũ không? Sao không nói nó hay đánh bi với bạn nó nữa?

Tôi không nói gì, ba tôi giảng giải:

- Lộc à, con tả con gà cũng hay đấy! Nhưng có điểm này không đúng: Gà trống làm sao cho trứng được, chỉ có gà mái, gà mái thôi. Con nghe rõ không?

Tôi dạ nhỏ và khẽ gật đầu. Ba tôi nói tiếp:

- Trước khi nói cái gì hay làm việc gì con phải nghĩ xem nó có đúng không đã. Còn việc học hành con thua kém bạn và cả em con nữa thì ba không trách con, vì sức con chỉ có thế. Nhưng con hãy cố gắng thử xem, chứ đừng để Tân nó chê mình. Con cũng lớn rồi, phải làm cho em nó nể và sợ con chứ!

Phải rồi, ba tôi nói đúng, tôi phải hơn con Trang, hơn em Tân. Bây giờ tôi mới nhận thấy còn gì xấu hổ khi học thua em mình! Tôi nhất định học chăm, học giỏi để không ai cười tôi nữa. Nhưng ý nghĩ đó tan ngay, khi tôi dự chơi những cuộc đánh bi, cuộc đá bóng ngoài sân cỏ... với thằng Tuyên, thằng Bảo. Ý nghĩ ấy chết hẳn trong óc tôi khi sáng sớm hôm sau, mẹ tôi gọi tôi dậy để học lại bài. Tôi cố nằm lì trên giường, nhưng tiếng ba tôi nói ở đâu vang lên: "... con cũng lớn rồi, phải làm cho em nó nể và sợ con chứ!". Thế là tôi vùng dậy ngay và buổi học hôm ấy tôi được con số mười to tướng nằm gọn trong quyển vở.

Nhờ câu nói của ba tôi, mà tôi biết rằng tôi phải hơn em Tân (điều đó phải là hiển nhiên), hơn con Trang, để em tôi gọi tôi bằng anh mà tôi không xấu hổ, để con Trang làm thân với tôi chứ không xa lánh hay nhăn mặt khi gặp tôi. Sau một tháng học, tôi đã tiến bộ hẳn. Cô giáo tôi khen mãi:

- Lộc, tháng này em tiến bộ lắm!

Tôi phồng mũi to lên, khi cô giáo khen tôi trước tụi bạn, nhưng có con Trang là tôi lại đỏ mặt, làm bộ tự nhiên. Tôi cũng chả hiểu tại sao vậy nữa. Rồi, tôi cũng chú ý mấy hôm nay con Trang giả vờ hay qua nhà tôi mượn cái này, cái kia và nhất là nó hay hỏi chuyện với tôi. Không vì thế mà tôi lên mặt nó đâu, tôi vẫn mong được làm thân với Trang lắm mà.

Tôi nhớ mãi hôm phát Thông tín bạ và bảng danh dự. Cô giáo gọi từng đứa lên bảng.

- Trần Diễm Tiên, đứng nhất.

Con Tiên bước lên (nó vẫn giữ hạng nhất mãi). Qua vài câu khen ngợi, cô giáo gọi tiếp:

- Nguyễn Minh Lộc, đứng nhì.

Tôi giật mình và ngạc nhiên vô cùng, tôi không hiểu sao tôi lại tiến bộ thế. Tôi bước lên nhận lãnh trong khi cô giáo luôn mồm khen:

- Lộc đã cố gắng vượt từ hạng thấp nhất lên đến hạng nhì, đó là một cố gắng ít ai đạt được. Cô có lời khen và mong em mãi mãi như thế nhé!

Tôi cúi đầu thật thấp, miệng lắp bắp không được tiếng nào, run run cầm cái bảng danh dự màu vàng giữa tiếng vỗ tay ròn rã của tụi bạn. Tôi bước nhanh về chỗ, liếc thấy con Trang với gương mặt ngạc nhiên và lo âu. Tôi than thầm: tội nghiệp con bé ấy quá.

Giọng cô giáo vẫn bình thường:

- Lê thị Ngọc Trang, đứng ba.

Trang đang buồn bã, chợt nghe tên mình vội tiến lên bục gỗ. Hai chùm tóc được thắt lại bằng hai cái nơ màu hồng nhún nhảy theo nhịp đi. Khi bước xuống, tôi nhận thấy Trang liếc nhanh về phía tôi và mỉm cười. Bỗng dưng trong lòng tôi cảm thấy vui vui làm sao ấy.

Thế rồi giờ học cũng chấm dứt, tôi về cùng đường với Trang. Trang hỏi chuyện:

- Tháng này Lộc tiến bộ ghê, sao mấy tháng trước Lộc đứng chót mãi thế?

- Ờ... tại... ngày trước Lộc... không thích đứng cao.

- Thế à! Bây giờ Lộc thích rồi phải không?

Tôi gật đầu, tôi biết mình vừa nói dối. Tại sao tôi không nói thật, tôi không nói là ngày trước tôi ngu, dốt? Tại sao tôi lại nói câu ấy nhỉ? À! Tại tôi muốn ai cũng nể phục tôi hết mà...

- Chắc về nhà Lộc được thưởng nhiều quà?

Tôi gật đầu. Chúng tôi chia nhau gói kẹo, vừa đi vừa nhai. Bây giờ tôi mới chú ý đến cảnh vật: Hai bên đường lá me rụng đầy, từng khóm trúc rì rào trong gió, vài chú chim sâu lượn từ cành này sang cành khác... tất cả những gì chung quanh tôi, đối với tôi bây giờ rất đẹp. Tôi hỏi Trang:

- Thế đứa nào đứng tư vậy?

- À! Con Hoàng Mi ấy mà, đứng năm thì "ông" Phúc, đứa nào cũng buồn ghê ấy.

- Chắc nó sụt hạng rồi nó buồn chứ gì?

Trang mỉm cười lườm tôi. Tôi biết thế nào ba tôi cũng thưởng mà, ba tôi sẽ hài lòng vì không uổng công khuyên bảo tôi. Còn mẹ tôi, bà sẽ không bao giờ mắng tôi: "mày ngu lắm, mày thua con Trang", bà sẽ ôm tôi vào lòng... Tưởng tượng đến đấy, tôi muốn chạy nhanh về nhà.

- Đi gì nhanh vậy?

Tiếng Trang làm tôi dừng lại và biết là tôi đang về cùng với cô bạn. Đến khi gần vào nhà, Trang nói nhỏ:

- Mai sang rủ Trang đi với nha, nếu có quà phải chia đấy!

Tôi gật đầu:

- Trang cũng thế!

Rồi từ đó, chúng tôi chơi thân với nhau. Mãi đến năm cuối lớp nhất Trang theo gia đình lên Đà Lạt, còn tôi vẫn ở lại tỉnh lỵ nầy. Tuy đã bảy năm rồi nhưng tôi vẫn không quên cô bạn bé nhỏ của ngày thơ ấu và thuở còn bé của tôi.


VIỄN LỘC      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 123, ra ngày 15-2-1970)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>