Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Việt Nam Ăn Tết


Mỗi năm lại mỗi Tết. Tết xưa thật xưa mà tết cũng luôn luôn mới. Mỗi lần tháng chạp đến rồi ngày vơi dần, mọi người đổ xô đi mua sắm, may mặc... Trẻ con mong tết để được mặc áo mới, ăn bánh kẹo, nghỉ... học, được tiền lì xì ; người lớn cũng khoái tết không kèm, đi thăm nom nhau, vui chơi cho bõ ngày mệt nhọc. Trẻ thêm tuổi và già thêm kinh nghiệm. Ai cũng than nghèo đói, chán ngấy ngày tết. Nhưng đầu năm, nhà nào cũng hoa đèn rạng rỡ, người nào cũng xuôi ngược vui chơi. Không tiền cũng cố vay mượn mà có, mình không ăn nhưng chẳng lẽ để con cái nó chết thèm hay sao? Tết vui mà tết cũng khổ tâm là ở chỗ ấy. Và "khốn khó quanh năm, vui ba bữa tết" là vậy.

Có điều, Tết là Tết, nhưng hương vị Tết mỗi nơi mỗi khác. Tết làng, Tết tỉnh, Tết ta, Tết tây... Ngày xưa người Việt Nam ăn Tết thường rất lớn, tết cả một tháng giêng, bởi vì người dân quanh năm vất vả việc đồng áng, chỉ có tháng đầu mùa Xuân là thuận lợi cho việc nghỉ ngơi phè phỡn mà thôi. Điều đáng chú ý là ở Việt Nam dù quê hay tỉnh, Bắc, Trung hay Nam, người ta ăn tết cũng gần giống như nhau, các phong tục về ngày Xuân vẫn chung ý nghĩa và cả hình thức. Thi sĩ Bàng Bá Lân đã có những vần thơ mộc mạc sau đây để nói lên những hình ảnh Tết tiêu biểu nhất ở miền Bắc và cũng là của cả nước:

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Nhớ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ mình
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì...


SỬA SOẠN ĂN TẾT.

Vui nhất là những ngày sửa soạn ăn Tết. Gia đình nào cũng dọn dẹp nhà cửa, quét vôi tường, sơn lại cửa. Bàn thờ Gia Tiên được lau dọn ; đồ thờ, lư đồng... được chùi bóng như gương, có nhà ngày xưa thì hầu hết lại treo, dán câu đối ở cột ở tường đỏ ối, kết hoa dán tranh vẽ cho thêm phần vui vẻ. Màu đỏ và hoa tượng trưng cho sự may mắn, hoan lạc.

Ngoài ra mọi người đều lo tích trữ thực phẩm càng ngon càng tốt để ba bữa tết chỉ ăn, giải trí và ngủ, không phải mất công mua sắm nữa. Các việc công, tư như buôn bán, trang trải nợ nần, đều phải cố thanh toán nốt trong ngày 30.

Người ta đong gạo nếp để gói bánh chưng, mua hương vàng để ngày tết cúng giỗ tổ tiên. Lại còn bánh, mứt, rượu ngày tết, mỗi thứ mua sẵn một ít trước là để cúng tổ tiên, sau là để gia đình cùng thưởng thức đầu xuân.

Ở nhà quê, những ngày cận Tết, trong họ ngoài làng ồn ào náo nhiệt, tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc, tiếng các bà các cô gọi nhau ơi ới đi chợ Tết sắm hàng. Đi chợ Tết để mua bán mà đi chợ Tết cũng là để khoe quần áo đẹp, điều ấy dù ở quê hay đô thị đều đúng. Chợ Tết ở Saigon chen chân không nổi, nhưng người mua thì ít, kẻ đi khảo giá, diễu phố trình diễn thời trang thì nhiều.

Sửa soạn tết người ta cũng có tục lệ trồng cây nêu và vẽ cung tên ở trước đình, chùa hay tư gia. Đây là một trong những tục lệ được duy trì lâu bền nhất tại Việt Nam. Cây nêu được làm bằng thân một cành tre cao ngất, trên đầu có chùm lông gà, buộc cành vạn tuế hay cành dừa, ở dưới có bện bầu rượu bằng rơm, một bên buộc con cá bằng gỗ để kéo ngọn đèn chai tối thắp lên. Cây nêu được trồng vào ngày 30 tết và thường đến mùng 7 mới hạ xuống, gọi là lễ hạ nêu. Người ta bảo trong những ngày ấy ma quỉ dưới âm phủ được phép Diêm Vương lên trần gian vui chơi mấy bữa. Trồng cây nêu, ở trên có dán một lá bùa bát quái, là cốt để ma quỉ đừng ghé nhà mình quấy nhiễu.

Ngoài tục trồng cây nêu, người Việt còn có tục rắc vôi bột, vẽ cung tên trước cửa nhà và chung quanh nơi ở, cũng cốt bắn đuổi tà ma. Theo tục truyền, lệ này có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Dưới thời vua trị vì có nạn dịch gây chết chóc cho nhiều người. Sau một tuần lễ cầu an được vị thần chỉ cách vẽ tên và rắc vôi bột như trên, từ đó, bệnh dịch và tà ma biến mất ; vì theo vị thần vôi bột tượng trưng cho đất Phật, ma quỉ không dám bén mảng tới.

Lo cho người sống đã nhiều, bây giờ quay sang người đã khuất. Tết đến cũng là dịp để con cháu kính nhớ ông bà, tổ tiên, nguồn cội của mình. 29 hoặc 30 tết, thiên hạ đem vàng, hương, hoa, nến đến, vun đắp lại phần mộ, khấn vái tổ phụ, xin ông bà phù hộ gia đình, về... vui chơi với con cháu trong ba bữa tết!


LỄ GIAO THỪA, HÁI LỘC
HƯƠNG LỘC, XÔNG NHÀ.

Lễ giao thừa diễn ra đúng vào 12 giờ đêm 30 tháng chạp. Đó là giây phút thiêng liêng nhất, tống cựu nghinh tân, bao nhiêu cái cũ, cái xui, cái bê bối phải quên hết, đá nó ra khỏi cửa để mời đón năm mới với tràn trề hy vọng ; năm mới tốt đẹp và mọi sự đều mới. Lễ Giao thừ còn có tên là lễ Trừ tịch. Tại tư gia, người ta bày hương án ở giữa sân, đồ lễ gồm bánh chưng, rượu, trầu, vàng, hương. Gia chủ là người đại diện cúng bái, ai nấy nghiêm túc, quần áo chỉnh tề.

Hồi trước "tết con khỉ phải gió" (1968), sau khi cúng xong, người ta đốt pháo tưng bừng, tiếng pháo làm rung chuyển cả lối xóm và có khi thiêu rụi cả nhà cửa nhân dịp tết. Nhưng cái xui ấy người ta sợ thì nhiều mà xảy đến rất hiếm. Dù sao tiếng pháo làm tăng sự hân hoan, lại trừ được ma quỉ. Người ta đốt pháo đuổi quỉ, hay mượn tiếng đuổi quỉ để được đốt pháo cho khoái thì không biết.

Trong khi đó ở khắp các chùa, đình, miếu, nhà thờ... đều có tổ chức lễ Trừ tịch, hương khói ngất trời, người đông như nêm cối, bánh trái chất thành từng đống... Người ta tới đây để cầu lễ, xin Thượng đế phù hộ cho bản thân, gia đình, tổ quốc được hưởng một năm mới may mắn, an bình, thịnh vượng.

Trên đường trở về nhà, người ta thường hái một cành hoa, cành lá đa, lá đề, hay cành si... về gài trước cửa, có khi cắm vào bình hương, gọi là hái lộc. Hái lộc là có ý xin ơn phước, sự giàu có của Trời đất.

Lại có người, trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái cành lộc, lại xin lộc bằng cách đốt một nén hương hào (lớn) hoặc một bó hương nhỏ đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm tại bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ thổ công. Ngọn lửa mang từ các nơi thờ tự về tượng trưng cho sự phát đạt. Nếu trong khi đang di chuyển về nhà mà gặp gió, nắm hương bốc cháy, đó là điềm báo trước sự may mắn quanh năm. Những người theo Thiên Chúa giáo thì đặc biệt không xin lộc bằng cách này.

Xông nhà tức là vào nhà một người hay tự mình vào nhà mình trước nhất, tính từ sau giao thừa. Người ta thường hẹn một người bạn thân thiết tốt vía, sáng sớm mùng một Tết đến xông nhà. Người tốt vía sẽ mang sự dễ dàng, may mắn lại cho gia đình. Mà dù ai đến xông nhà, cũng thường đốt một tràng pháo để đón sự tốt lành đầu năm. Xác pháo đỏ, hồng phơi đầy sân, đầy nhà, tượng trưng cho sự vui vẻ.


NGÀY NGUYÊN ĐÁN

Sáng mùng một tết, nếu ở nhà quê, tại đình, các vị chức sắc, các nhân viên trong hội đồng kỳ mục cùng tề tựu làm lễ đức Thành Hoàng vị thần của mỗi làng sau đó chúc tết ông Tiên chỉ và chúc tết lẫn nhau.

Tại mỗi gia đình, con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Có khi còn quì lạy các ngài nữa, đó là các gia đình nho phong lối cũ. Các cụ nhận lễ tết và lời chúc tụng của con cháu xong, liền hân hoan chúc tết lại con cháu những điều tốt đẹp. Con cháu lễ tết các cụ, thì các cụ cũng lì xì cho con cháu, mừng thêm tuổi khôn, tuổi thọ. Lì xì là tên gọi ở miền Nam, mừng tuổi là tên gọi ở miền Bắc... Tiền lì xì đầu năm thường được bỏ trong phong bao đỏ và thường được giữ cất đi làm điều may mắn.

Các vị Nho học, các ông đồ, nhân dịp tết hay có lệ chọn ngày giờ tốt để khai bút. Các ông làm một bài thơ hoặc viết một câu đối. Thơ hoặc câu đối này, làm xong có khách tới lễ tết, hoặc thân hữu tới thăm các ông đọc cho nghe hoặc ngâm vịnh. Tiện đây xin ghi một vài câu đối điển hình:

Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai

hay:

Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Tổ tôn công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương

Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai.

Tại các làng quê và cả thành thị, người đi gánh nước về chứa đầy các hồ, thùng, chum, vại ở nhà và tin rằng làm như thế, quanh năm tiền của, lợi lộc sẽ vào như nước.

Cũng trong ngày nguyên đán, người ta thường kiêng quét nhà, tránh nói những điều quái gở tục tằn (khỉ, chết, đau, bệnh tật...), người ta cũng kiêng mặc quần áo trắng... tất cả sợ giông gặp sự không may cả năm. Nếu nhà cửa có bẩn cũng chỉ dám quét sơ qua rồi dồn rác vào một góc nhà, đợi ba hôm động thổ rồi mới dám hốt đi. Đổ rác đầu năm là đổ đi mất Thần Tài...

Thưa các bạn, tục lệ về Xuân tại Việt Nam còn rất nhiều và đa số cổ truyền, kể không biết đến bao giờ mới hết. Có tục lệ nay còn thịnh hành, có tục lệ nay coi như bãi bỏ, nhưng tất cả đều nói lên cái dân tộc tính trọng lễ nghi, kính nguồn cội và luôn luôn hiền hòa sống tin tưởng của người Việt... Tết là dịp để đặt hy vọng mới, khởi sự những công trình, những bước đường xây dựng mới. Những tục chơi cành đào, tỉa mai, gọt thủy tiên, treo tranh tết đã nói lên tâm hồn rất nghệ sĩ của dân tộc. Chúng tôi thiết tưởng mỗi khi xuân đến, tìm hiểu các tục lệ cổ truyền, chính là giây phút chúng ta hồi tưởng để trở về nguồn và để biết rõ hơn cái dân tộc tính của người mình vậy.


THÁI BẮC       
Xuân Nhâm Tý 1972 


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>