Buổi học tất niên kết thúc bằng muôn vạn tiếng ca lời hát, câu chúc và những tấm thiếp hoa lá đầy những lời thương mến cho nhau.
Tôi vui vẻ xách hành trang, mang theo cả một mùa xuân hoa nở về làng.
Cảnh vật bên đường vẫn như thế. Khi tôi ra đi thì trời vào thu buồn và hơi lạnh. Mạ non mới mọc, cành cây trơ nhánh, hai bên đường đầy xác lá vàng đưa tiễn, thân chúc một niên học được kết quả mỹ mãn và hẹn ngày tái ngộ lúc đông qua.
Ngày trở về là mùa xuân, vẫn như khi ra đi, nhưng trời xanh cao có đầy nắng ấm và chim hót. Lúa đã gặt, hai bên đường không còn xác lá vàng tiếp đón như lời hứa hẹn, nhưng tràn đầy lá xanh non, ngàn chim và muôn hoa đón mừng. Con đường mòn thì như mòn hơn ra, khuất khúc và nên thơ giữa đôi hàng tre cũ, lá dài giao nhau.
Thảo Dương quê nội hiện ra trước nhất là cây cổ thụ như mọi làng khác, rồi hàng dừa xanh mát, thân cau từng đốt cao gầy. Và óc quan sát chợt ngừng lại dưới chân cây cầu bắc ngang qua con sông vào xóm đã cạn nước. Một đứa trẻ xăn áo, xăn quần mò gì dưới sông. Một thoáng buồn vắt qua bầu trời trong mắt, khi tôi thấy thân hình gầy gò, run run của đứa bé trong bộ đồ của những kẻ nghèo nàn nhất, tội nghiệp cho cô bé xa lạ cùng quê.
Người trong làng tôi gặp đầu tiên, là em bé nầy – Có lẽ sang năm quê nội phải vất vả thiếu thốn – tôi vu vơ nghĩ với nửa miệng cười – Phải làm điều gì lấy hên trước khi vào cổng làng.
Tôi dừng bước, và chợt hiểu ra, em bé đó đang mò tôm, tép. Tôi khẽ hỏi, có lẽ hơi vô duyên:
- Mai tết rồi, sao em không về sửa soạn ăn tết?
Hình như có mồi, cô bé chăm chú đưa cái vợt, mặt không ngẩng lên, đáp:
- Lo kiếm ăn trước rồi mới lo tết sau.
- Nhưng giờ này bắt tôm tép bán, có ai mua.
Cô bé đổ chỗ tép vớt được vào giỏ, ngẩng lên nói:
- Có chớ, mấy bữa nay họ vẫn mua, mua để làm mắm, mấy ngày tết nghỉ đâu có tôm tép mà mua.
À... ra thế, tôi gật gù. Và hỏi qua chuyện khác:
- Chắc em người làng này?
- Dạ.
- Em con thứ mấy?
- Dạ em là chị cả của năm đứa em. Nhà đã nghèo mà ba em lại vừa mất...
Cô bé chợt dừng lại, đưa mắt nhìn tôi dò hỏi. Để em khỏi thắc mắc, tôi vội nói:
- Chị học ở tỉnh và về quê ăn tết, có lẽ nhà chị với nhà em quen nhau vì cùng làng.
Cô bé cúi xuống và kéo vợt lên, kỳ này chỉ có vài con tôm.
Tôi chợt nảy ra một ý định, vội gọi cô bé:
- Em này...
rồi rụt rè:
- Chị về nhà ăn tết, có mang nhiều bánh quà cho các em của chị, nhưng có lẽ nhà chị cũng làm bánh nhiều rồi nên chị muốn cho em đem về để các em ăn được không?
Hơi do dự, cô bé dè dặt trả lời:
- Nhà em tuy nghèo, nhưng bà con trong làng mỗi người giúp một ít, nên cũng có chút đồ ăn tết, chứ không phải không.
Tôi mạnh dạn:
- Thì em cứ đem về cho các em. Mấy thứ nầy chị mua ở tỉnh, làng mình chắc không bán đâu. Em bằng lòng nhé?
Cô bé rụt rè trả lời:
- Nếu chị có lòng cho thì em xin nhận.
Thế là tôi mở va ly. Trao cho cô bé nào bánh, mứt, kẹo, cả toa xe lửa của thằng Hùng, đồ cậu Văn dặn đem về cho nó, con búp bê của bé Hạnh, đồ chị Châu gởi cho, và còn nhiều đồ chơi khác nữa.
Đứng nhìn cô bé nhảy chân sáo vào làng, tôi mỉm cười sung sướng.
- Thế nào sang năm cũng thi đậu trung học – Tôi mang ý nghĩa "đền ơn của trời" kỳ cục đó vào làng.
Và, trước sự vui mừng, réo ầm lên đòi quà của các em, tôi cũng thoáng một chút hối tiếc, nhưng khi nhìn thấy những bộ quần áo đẹp đẽ, những chồng bánh chưng bày cao cả nửa thước, tôi thấy là mình làm việc đó không đáng tiếc một tí nào.
Và, để làm lành với cơn giận dỗi của hai em, tôi đành mang tất cả những tấm thiếp của các bạn tặng tôi cho chúng.
Để rồi tôi sung sướng tận hưởng những ngày Tết đầy đủ nhất nơi Thảo Dương quê nội.
Kiều Thanh
( Đất Mẹ v.d.)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)