Ly Na xuýt xoa cho tay vào túi áo:
– Chu choa lạnh ghê Trâm hỉ, thấu xương luôn tề.
Trâm cười:
– Chuyện, cuối năm mà, không lạnh răng được hỉ, Tết phải lạnh mới vui chứ bộ.
Hai cô bé tung tăng đến trường. Xuống một con dốc đá lăn, hai bên đường
hoa anh đào nở hồng đường phố. Những cánh hoa nhỏ rung nhẹ trong gió
Xuân. Buổi sáng trời cao, lơ lửng vài cụm mây lênh đênh trôi dạt. Đôi
bạn đi qua bờ hồ. Sương còn lãng đãng phủ mờ mặt nước êm đềm như mơ.
Những bông hoa bèo tây tím nhạt, dật dờ trên mặt nước lành lạnh. Trâm
kéo tay Ly Na:
– Ngó kìa, đẹp chi lạ Na hỉ. Răng Trâm mê màu tím hoa bèo ghê.
Ly Na gục gặc cái đầu xinh xinh, có mái tóc đen mướt cài cánh nơ hồng như màu hồng trên đôi má cô bé.
– Ờ… dễ thương hỉ. Nè Trâm biết không, ở nhà Na mới có chuyện ni ly kỳ rùng rợn lắm! Trâm muốn nghe không?
Trâm sáng rực đôi mắt xanh màu trời:
– Rứa hả? Chuyện chi rứa? Ly kỳ lắm hả?
Ly Na chúm môi, ngón tay trỏ giơ ra nghiêm trang nói:
– Chứ răng, ly kỳ một cây nhá, bồ đoán tui coi nào.
Trâm có vẻ suy nghĩ:
– À… chắc quà Tết ba bồ gửi bên Mỹ về chớ gì? Đúng không?
Ly Na cười như nắc nẻ:
– Sời ơi, vậy mà ly kỳ gì. Ba tui gửi quà về luôn chứ lạ chi mô – quà ba tui thì phải nói là chuyện vui chứ. Bồ quê một cục.
Trâm giận hờn quay đi:
– Thì thôi, tui quê bồ chơi với tui mần chi, bồ rủ tui đi học mần chi hỉ.
Ly Na nắm tay bạn:
– Thôi mờ… xin lỗi hỉ! Răng hay giận rứa, đùa tí mà cưng.
Trâm cười:
– Ờ… Rứa chuyện chi rùng rợn bồ kể tui nghe coi.
Ly Na cười nụ, đôi lúm đồng tiền tươi trên má hồng căng sữa.
– Chuyện thày bói nhá! Răng, ly kỳ hôn bồ?
Trâm nhìn Ly Na đăm đăm:
– Thày bói à… ly kỳ đó hỉ?
– Này nhá, má Ly bị mất cắp Trâm biết không? Mất cái nhẫn kim cương
của ba tặng hồi đám cưới. Má quí lắm quí kinh khủng luôn. Ba Na đi Mỹ
học. Má càng quí nó thêm. Vậy mà mất tiêu. Rứa Trâm nghĩ có tức không?
– Ừ… tức chứ, rứa má Na có khóc không?
Ly Na cười ngỏn nghẻn:
– Sời ơi, má Na chứ đồ bỏ như con nít sao mà khóc. Má Na kiếm cùng
nhà, quét nhà nè, kê tủ, kê bàn, kê giường lại hết nè. Vét ống cống nữa
hỉ. Chao ơi loạn hết cả nhà lên đó bồ. Suốt một chiều thứ bảy, mà không
ra. Má Na mệt hung mặt đỏ bừng, nằm thở trên giường.
Trâm hấp tấp nói:
– Uổng hỉ? Rứa là mất tiêu chứ gì?
Ly Na láu lỉnh:
– Mất chứ răng nữa. Nhưng châu về hợp phố mà bồ. Nhẫn của ba tặng mà răng mất được. Vất xuống biển cũng mò được ấy chứ.
Trâm lắc đầu:
– Không tin… bồ xạo nha, vất xuống biển còn mò nỗi chi?
Ly Na nói:
– Thật mà, một tuần sau người ta trả cho má Na đó tề.
– Chi kỳ rứa, một tuần sau họ trả à?
– Ờ… nhờ thày bói đó, ông ta giỏi kinh khủng luôn, nói đâu trúng đó,
trúng phong phóc, má Na hoảng luôn. Trời! Bồ biết hông? Ông nói như thần
ấy. Má còn phải phục lăn ra đó. Má mua trái cây biếu ông đó. Ghê hông?
Trâm bị câu chuyện mê hoặc thật:
– Bồ kể từ từ nào! Tui có ô mai nè, ô mai thượng hạng cơ.
Trâm mở cặp lôi gói ô mai ra.
– Cha… muốn nhỏ rãi rồi. Ô mai cam thảo ngon tuyệt đó, ở mô ra đó bồ?
– Tận Sài gòn gửi lên đó, hổng tuyệt răng được.
Hai cô bé nhấm nháp ô mai chua chua ngọt ngọt, nồng nàn như mộng mị tuổi thơ.
Ly Na nói tiếp:
– Người ta mách má đi xem bói. Biết thày bói nói chi không?
– Răng, ông nói chi rứa bồ?
– Ông phán thế này nè: “Nhà bà có một cô con gái tóc dài, con gái chớ
không phải con nít, cũng không phải đàn bà – chính cô đó lấy, nội trong
một tuần, tôi sẽ làm cô con gái đem trả cho bà – nếu không trả tôi sẽ
thư cho cô con gái to bụng cho bà coi.”
Trâm ngơ ngác:
– Ghê hỉ? Răng ông tài rứa Na hỉ, rồi răng họ trả nhẫn cho má Na đó?
Ly Na láu lỉnh:
– Đưa thêm ô mai đây Na mới kể tiếp được, Na khô miệng rồi nè.
Trâm cười đưa cả gói ô mai cho bạn.
– Má Na về nhà nghĩ đi nghĩ lại má biết ngay là chị Ba lấy. Trong nhà
chỉ có chị Ba tóc dài và là con gái còn bác tài thì là đàn ông. Má nói
với chị Ba “lời phán” của thày bói. Chị Ba run rẩy như lên cơn sốt –
Bụng chị đã bự chừ mà to nữa có nước chết hỉ? Chị sợ quá, nhưng vẫn chưa
nhận tội mô. Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua. Lạ lùng làm sao bụng
chị bự thêm thật – Thế là chị thú nhận, khóc lóc xin lỗi má và trả nhẫn
nữa. Má Na phải dẫn chị ấy sắm lễ đến xin thày bói, kẻo bụng chị bự như
cái trống thì chết…
Chữ “chết” bé Ly Na kéo dài ra. Trâm gật gật mái tóc tơ vàng có vẻ phục ông thày bói sát đất.
Cổng trường hiện ra, bên cạnh ngôi thánh đường cổ kính, mái ngói đỏ
đậm màu thời gian. Tháp chuông cao vút trên nền trời xanh cao.
Cuối năm sân trường có vẻ nhộn nhịp lạ… Học trò mặc áo mới nhiều hơn –
cả thày lẫn trò đều bừng vui nụ cười. Trường Trí Đức năm nay mới xây
lại to và oai oai là. Hai cô bé tung tăng theo bạn bè ùa vào sân trường,
bước chân ríu rít như bầy chim sẻ đang bay liệng đón nắng ấm đầu Xuân
quanh nóc nhà thờ cao tít trên kia.
Trâm dặc dặc tay bạn:
– Gần Tết may ra cô cho chơi Na hỉ? Chút nữa tụi mình xin cô chơi đi, sắp liên hoan toàn trường rồi mà.
Na gật đầu:
– Sợ cô không chịu mô, cô mình vui nhưng mà nghiêm lắm – Bữa ni còn bắt học thì cũng chán lắm hỉ!
Vừa lúc đó chuông rung vào lớp, bầy học trò như ong bay vào tổ. Hôm
nay cô mặc áo hồng, màu hồng ôm dáng cô cao cao. Trâm thấy cô xinh xinh
là. Cô dạy Việt văn nên cả lớp hay nhõng nhẽo cô lắm, lý do dễ hiểu môn
cô dạy có vẻ nhiều chất văn nghệ nhất.
– Chơi cô ơi! Tết đến nơi rồi cô ơi.
– Hát đi cô! Học nhiều quá rồi cô.
– Ngâm thơ Xuân có bánh kẹo cô ơi.
Cả lớp nhao nhao lên, cô nghiêm mặt đứng im nhưng hình như cô cười tủm tỉm, mắt cô long lanh sáng.
– Các em học ngoan một giờ đầu, giờ sau cô cho sinh hoạt văn nghệ. Lấy vở, lấy bút ra học đã chứ.
Trâm sịu mặt xuống, Ly Na thì chúm môi háy Trâm, ra cái điều nó đã
đoán đúng, bà giáo này vẫn hắc búa như bao giờ. Cả lớp đành sột soạt lôi
sách lôi bút ra bày trên mặt bàn. Trâm khoanh tay lơ đãng nhìn ra ngoài
cửa sổ. Thung lũng xanh rì những rặng thông dưới kia. Xa xa dãy núi đậm
màu có mây trắng quyện bay trên đỉnh núi cao. Trâm nghe rì rào lá thông
nhỏ to tâm sự những lời tình thương mến, mà cô bé chỉ có thể cảm thấy
nhưng ngàn đời không thể hiểu được những âm thanh vời vợi xa xăm đó.
– Trâm!
Trâm giật mình nghĩ thầm “bà ni tinh thật, khiếp! Bắt học hoài. Bắt mệt đừ.”
Ly Na dúi một mảnh giấy con, Trâm đưa mắt nhìn lên bảng nhưng tay giở
giấy, vừa lúc cô nhìn chỗ khác, liếc nhanh “Con khỉ, ngậm ô mai kín đáo
đấy, mắt cô không cận thị mô.”
Một giờ cổ văn cũng qua đi. Giữ đúng lời hứa cô bắt đầu cho cả lớp
hát hò: ư ử chán lại rống lên như bò. Đứa nào mặt cũng căng đầy niềm
vui. Bất ngờ nhất là cô có kẹo bánh, có hạt dưa để sẵn trong sắc. Cô dạy
cả lớp hát dân ca. Những bài dân ca ươm đầy tình dân tộc, thiết tha như
tình quê chứa chan mộng đầu đời, và ngọt như bánh kẹo đầu Xuân cô chia
cho từng đứa. Những chiếc miệng xinh thơm mùi bánh, đỏ thắm mầu hạt dưa
mấp máy hát dân ca:
“Yêu nhau cởi nón ôi à cho nhau
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
*
Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
……………………….”
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à á a
Rằng a ối a qua cầu rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay
Tình tình tình gió bay
……………………….”
Một giờ vui qua mau… mau như mây bay ngoài khung trời mùa Xuân có vài cánh én rủ nhau bay về.
Ly Na kéo tay Trâm ùa ra sân chơi – Nó cần kể lể với bạn nhiều thứ
lắm – Con búp bê thật đẹp ba nó mới gửi về nè – bức thư dài ba nó gửi
riêng cho nó nè. Còn Trâm cũng vậy, nó muốn khoe với bạn cánh hoa rừng
màu tím ba nó gửi từ tiền đồn về cho nó – một món đồ chơi lạ bằng tre
nứa, tự tay ba nó làm, bộ sa lông nhỏ xíu ấy mà, xinh ơi là xinh nhé.
Chưa hết đâu, Tết này thế nào ba Trâm cũng về, ba lô đầy quà. Những món
quà lạ không ai mua được – Trời ơi! Thích ghê, vài ngày nữa vui phải
biết hỉ! Tết mà lị.
Hai đứa bé xinh xắn tranh nhau yêu thương ba má chúng, tranh nhau thần tượng thầy cô chúng.
Chuông lại rung rồi đó. Bây giờ là giờ Toán của sơ Uyên. Hai đứa hơi
ngán ngán. Môn Toán khô khan khó khăn như bà sơ áo đen ấy thôi.
Ly Na tái mặt thì thào:
– Chết cha rồi Trâm ơi! Cây bút Na mất rồi. Trâm biết mô không? Trâm giấu hả?
Trâm nhìn bạn lắc đầu:
– Mô có, ai giấu bút Na làm chi, hỏi chi lạ rứa.
Ly Na nhìn xoáy vào mắt bạn, cô bé biết bạn nói thật, Ly Na nghẹn ngào:
– Mô hè, mới đó còn mà. Bút của ba Na gửi từ Mỹ về Na cưng nó lắm – Răng chừ Trâm ơi!
Sơ Uyên đập thước lên bàn:
– Các em lấy giấy ra làm toán, sơ sẽ lấy điểm cho tháng đầu năm mới đó.
Ly Na loay hoay moi ngăn cặp, bàn tay nhỏ run run mò từng khe cặp. Cô
bé lôi hẳn cái cặp ra cúi đầu nhòm hộc bàn: “không có”, khom lưng nhìn
nền nhà cũng không nốt – Mỗi bàn hai người ngồi – Bên cạnh Ly Na là Trâm
– Trâm nói nhỏ:
– Lúc ra chơi Na để mô nhớ không?
Na nói giọng ướt sũng:
– Để ở bàn, răng kỳ lạ chưa? Mất chi không mất nhè cây bút ba cho Na mới khổ chứ!
Sơ Uyên có tiếng là nghiêm khắc, Ly Na hỏng dám loay hoay nhiều. Cô
bé rưng rưng nước mắt ngồi thừ ra mà nhớ ba. “Ba xa xăm quá, con buồn
quá ba ơi, quà sinh nhật ba cho, con làm mất rồi. Sao ba bỏ con đi xa
hoài vậy ba, con buồn chi lạ ba ơi.”
Trâm nói khe khẽ:
– Lấy đỡ bút nguyên tử Trâm làm bài đi, cuối giờ rồi tính. Sơ phạt chết chừ đó.
Ly Na lấm lét nhìn sơ, quả thật sơ đang lừ mắt nhìn Na.
Ly Na thiểu não viết tên trên góc giấy để làm bài kiểm “Vũ Ly Na” nét
mực nguyên tử thô lệch và bẩn lạ. Na nhớ cây bút xinh xinh của bé quá!
Na nhớ đôi mắt ba nồng nàn ấp ủ lúc đi chọn bút gửi về cho Na ghê. Bao
nhiêu yêu thương bao nhiêu trìu mến bây chứ Na làm mất quà kỷ niệm của
ba. Na giận mình quá, giận khóc lên được.
Bài toán tối mò, Na nát óc tính mãi không ra. Sự thật đầu Na lù mù
mất rồi, tính toán chi được nữa, bí là phải. Lúc trước không sao, bây
giờ cây bút không cánh bay đi mất, Na mới thấy quí nó. Nó vừa đẹp vừa
gọn vừa lạ mắt. Nhất là nó nhắc nhở tình cha con sâu đậm, dù xa cách mấy
lần đại dương bao la. Na vẫn tin rằng ba không quên bé một phút nào,
như bé vẫn mãi mãi nhớ thương ba từng giây từng phút.
– Ôi chao tức ơi là tức cây bút của Na ai mà ác ôn rứa không biết. Tiền nào mua được cây bút ân tình hả ba?
Nước mắt âm thầm ứa ra, Ly Na lén chùi vội vào tay áo. “Bữa ni mà kiếm được nó Na sẽ không rời nó phút nào nữa mô”.
Trâm thương hại nhìn bạn:
– Làm ra bài đại số chưa? Hình học chứng minh xong chưa hỉ?
Ly Na buồn bã lắc đầu, Trâm đưa mắt nhìn Sơ lom lom mặt ngẩng cao,
chống tay có vẻ suy nghĩ dữ lắm. Cô bé láu táu chuồi tờ giấy nháp cho
Na.
Na thầm cám ơn bằng một cái nhìn rồi đưa lại trả bạn tờ giấy nháp,
ghi thêm vài hàng “Cảm ơn Trâm, nhưng Na không muốn gian lận. Ba Na sẽ
buồn nếu ba linh cảm Na gian lận thế này. Thôi Na bị zéro cũng được.
Trâm nờ”
Trâm hiểu tính bạn từ lâu, nên đành ngồi im. Na ân hận vì nhớ ba. Cô
bé bặm môi nhất định không hậm hực nữa, loay hoay làm toán, mò mãi rồi
cũng ra, Na chép vào giấy vừa lúc đến giờ nộp bài cho sơ.
Cả lớp ào ra sân, ai cũng muốn nhanh chân về nhà. Đà Lạt càng tạnh ráo càng lạnh và càng mau đói bụng.
Trâm ở lại với Ly Na để tìm cây bút. Cây bút có nắp màu trắng bạc nhã
nhặn bên màu xanh đậm như nước biển. Nét nhỏ, vừa vặn bàn tay xinh của
Na, chừ biến mô mất tiêu.
– Thôi về đi Na ạ, không có mô mà tìm chi cho mệt.
Ly Na uể oải theo bạn ra về. Bụng đói nhưng Na chỉ thấy mệt chứ không háo hức về mau để ăn cơm như mọi ngày.
– Na tức ghê Trâm nờ. Người mô ác ôn lấy cây bút của Trâm, Trâm ghét luôn đó.
– Ờ, Trâm cũng thích cây bút đó, xinh và lạ nhất trường đó nha. Mấy chị đệ nhị cũng khen đó Na.
– Na không biết nói răng cho má hiểu chừ – Xui xẻo chi lạ, Tết đến nơi còn mất đồ, buồn không?
Trâm nói như reo:
– Ờ… Ngu quá. Sao Na không đi xem bói để thầy bói tìm dùm cho như má Na đó nờ, có rứa mà nghĩ không ra!
– Ờ hỉ, mai đi nghe, a, chiều ni vậy, mai có liên hoan ở trường bỏ bánh kẹo ai ăn cho hỉ?
– Tham ăn! Lêu lêu! Đang buồn rứa mà vẫn nhớ ăn, xấu quá ta.
– Chớ răng, để Trâm ăn hết hỉ, sức mấy bồ? Ờ, mà mần răng đi được,
phải có tiền… Tiền quẻ đó Trâm, rồi làm sao xin phép má đây. Má không
cho mô. Mình con nít không ai cho đi xem bói mô.
Trâm đắn đo rồi nói:
– Xin phép chắc không được mô, hay là mình lén đi một bữa đi.
– Đành vậy chứ răng chừ, rứa Trâm đi với Na nhé. Ờ, hông được mô, đi
mà không xin phép Na thấy răng răng ấy. Na sợ lắm. Ờ may quá, có cách
rồi, chiều ni má Na đến tiệm vải Na xin dì út vậy, dì út chiều Na lắm,
thế nào dì cũng cho. Rứa Trâm xin phép đi được không?
Trâm do dự nói:
– Chắc được, Na đến xin phép cho Trâm, má Trâm quí Na lắm đó.
*
Theo lời chị Ba dặn, Ly Na dắt Trâm xuống một con dốc nhỏ len trong
hai hàng cây. Đi một quãng, con đường nhỏ cỏ mọc um tùm cao hơn cả hai
bé. Đà Lạt buổi chiều về thật sớm, chưa chi trời đã mù mù ủ đầy màn
sương. Ngôi nhà hiện ra giữa vùng cây cao. Những cây long não cao vút
lào xào trong gió, và trơ thân trên nền trời xám nhạt, trông buồn như
lạc trong rừng vắng. Ngôi nhà có vẻ hoang dại thiếu vắng tiếng người. Xa
xa, nghĩa trang mờ mờ bia mộ trắng xám san sát bên nhau khắp sườn đồi.
Trâm hơi run nói:
– Răng vắng rứa, sợ sợ là Na ơi.
– Ừ, Na cũng run chi lạ Trâm nờ.
Vừa lúc đó một người đi ra, áo dài đen lù lù tiến đến. Hai cô bé lặng người đứng im. Ông ta không già cũng không trẻ.
– Hai cô bé đi đâu đó?
Giọng ông trầm đục và xa xăm lạ.
– Chúng cháu… chúng cháu tìm thầy Huỳnh Chiêm ạ.
Ông ta nhìn đăm đăm hai bé, mắt ông ta sáng như hai vì sao, ông bình thản nói:
– Tôi là Huỳnh Chiêm đây. Chuyện gì đó?
– Chúng cháu đi xem bói.
Ông ta cười khan. Nghĩ sao vẫy tay gọi:
– Được, vào đây ta coi giúp, thi cử phải không?
Ly Na và Trâm líu ríu đi vào nhà. Căn phòng nhỏ có bàn có ghế, đặc
biệt trang hoàng bằng hai màu đen trắng. Những tấm màn nhung đen rũ
xuống chìm nặng như đêm tối. Một cái bàn thắp nến, lạ lùng lại nến đen
màu sáng nhỏ yếu ớt le lói nhảy múa trên tấm màn nhung đen. Trâm nghe
tim đập thình thịch, muốn bỏ chạy nhưng lại tò mò đứng im.
– Một em vào đây.
Ly Na run rẩy đi vào ngồi trước bàn.
– Nào, chuyện gì đây?
– Cháu! Cháu mất cây bút thày tìm dùm, bút ba cháu cho. Cháu muốn biết sang năm cháu thi đậu không ạ.
Ông ta thắp nhang, lầm bầm một mình, lúc sau nói:
– Cây bút nhỏ xinh đó.
Ly Na tươi nét mặt, “tài thật, thầy biết bút mình nhỏ và xinh rồi”.
– Cây bút đó một cô gái nhỏ lấy. Cô bé đó có đôi mắt xanh – tóc tơ
mềm hơi quăn – chuyện thi cử cháu không đậu – sang năm mới đậu.
Ly Na kêu lên:
– Thưa thày sang năm cháu rớt ạ, thật không?
Ông ta lạnh lùng:
– Cấm hỏi thêm, đủ rồi. Và ba má cô bé đang xa nhau.
Ly Na đành đứng lên. Đến lượt Trâm vào, chả hiểu thày nói gì, Trâm có vẻ vui.
Hai cô bé cúi đầu e ấp đưa ra một bì thơ:
– Thưa thày tiền quẻ ạ.
Ông ta cười:
– Ồ… bé con! Bác tặng lại ăn quà. Thôi về đi ta bận việc lắm.
Hai cô bé đi như chạy ra khỏi căn nhà huyền thoại. Đến đường cái Ly Na dừng lại thở.
– Mai đến lớp Na sẽ biết ai lấy cây bút Trâm nờ – thày nói rồi. Còn Trâm răng?
– Thày nói sang năm ba Trâm sẽ ở nhà luôn không đi đánh nhau nữa. Nhà
Trâm sẽ giàu ơi là giàu và Trâm thi đỗ nữa. Má Trâm hết buồn hết đau
còn Trâm sẽ có em bé để bồng. Chao ơi, vui chi lạ Na ơi.
Na vụt nói:
– Chết, tối rồi Na phải về ngay – Má Na la chết. Trâm vào đi, Na chạy cho kịp về nhà đây.
Trâm tần ngần nhìn bóng dáng Na bé bỏng chạy vụt lên dốc – cô bé cười
tủm tỉm đi vào nhà. Ngày mai liên hoan ở trường, tiếc rằng cô Hà giáo
sư Việt văn sẽ vắng mặt vì phải đáp máy bay về Sài gòn ăn Tết với gia
đình. Đêm đó Trâm nằm ôm gối ngủ, mơ đến vùng đồi cao có ba của bé nét
mặt đăm chiêu sau khói thuốc. Nhà Trâm nghèo vách ván nên gió lùa lạnh
cắt da, Trâm co ro mơ mộng. Nhà Ly Na ở trên cao đó, tòa lâu đài sang
trọng chiếm cả ngọn đồi. Ánh đèn tỏa ra hắt xuống thung lũng. Ly Na ngủ
vùi trong chăn hồng êm ấm. Ôm búp bê mà nhớ ba quay quắt. Ba hứa Tết này
sẽ gửi quà cho Na và cho cả Trâm nữa…
Buổi sáng Na mặc áo mới rủ Trâm đến trường ăn liên hoan. Nụ cười nở
hoài trên môi hồng hai bé. Hai bé sẽ đồng ca một bản nhạc Xuân thày dạy
nhạc đã dượt cho hai bé lâu rồi.
Lúc quây quần quanh giáo sư cố vấn Na sực nhớ vụ xem bói, bé quan sát
từng người. Trong lớp có năm người mắt xanh, ai lấy cây bút hè. À… tóc
tơ quăn dợn sóng nữa. Một vòng quan sát nữa. Trâm ngồi canh Na đang cười
hớn hở. Mặt Na sịu xuống. Cô bé đỏ bừng hai má nghĩ thầm “Đúng là Trâm
rồi, mắt xanh tóc tơ vàng hơi quăn. Còn ai vào đây nữa, con Trâm ác ôn
quá, mình có tức hắn cái chi mô, hắn lại ăn cắp bút của mình, xin mình
cho đỡ tức hơn.
Lúc phải hát chung với Trâm, Na không thèm nhìn Trâm, không thèm
cười, tức anh ách trong bụng chứ ở đó mà cười. Cả buổi sáng Na lạnh lùng
nhìn Trâm. Một con ăn cắp “đồ giả dối, ăn cắp bút còn vờ ngọt ngào nữa
chứ. Người chi mà dơ dáy rứa.”
Buổi vui mất ý nghĩa. Ly Na chịu không nổi cơn hậm hực. Trâm dò hỏi:
– Răng sáng ni Na lạ rứa, lầm lì hoài vậy?
– Kệ tui, can chi đến o mà hỏi, tui sợ o lắm rồi đừng hỏi tui nữa phiền lắm đi.
Trâm sửng sốt:
– Đùa chi lạ rứa Na. Giận Trâm cái chi đó?
– Ai dám giận Trâm. Đáng giá chi mà giận hỉ.
Trâm đỏ mặt:
– Đừng có phách nghe Na. Ai đáng hay không đáng. Có giỏi cứ nói thẳng
đây nghe nào, quanh co mần chi, tui ghét những hạng người làm bộ như cô
lắm.
Na vùng vằng bĩu môi:
– Sời ơi… tui làm bộ nhưng tui không thèm ăn cắp khi mô cả. Làm như người ta mù ấy.
Trâm đứng vùng dậy mặt tái đi, run run hai tay:
– Na nói chi… ăn cắp – Na muốn nói chi rứa?
– Tui nói cô ăn cắp, cô nghe rõ chưa?
Rồi Na bỏ đi một nước, không thèm nhìn lại. Trâm ngẩn ngơ trông theo,
nước mắt ứa ra nóng hổi. Trâm cúi đầu buồn bã đi về. Con đường sao dài
rứa, mênh mông làm sao cánh hồ gờn gợn sóng mây xanh. Trâm về một mình.
“Mình ăn cắp” Trâm biết mình nghèo lắm, chơi thân với Na đã có nhiều đứa
xầm xi, ai ngờ ngày nay chính Na nhục mạ mình. Vậy là hết, từ nay Trâm
lẩn trốn Na. Trâm con nhà nghèo bị chửi là ăn cắp là đáng rồi.
*
Na quay đi khinh bỉ.
“Con ăn cắp mà tiếc nuối làm chi, thiếu chi bạn hỉ, thày bói nói
đúng, nó vẫn thích cây bút của mình, có vậy mà mình không biết kẻ cắp
ngay sau lưng mình. Thứ đồ nhà nghèo dơ dáy, bực cả mình. Cây bút có
đáng bao nhiêu mô mà hắn ăn cắp, mình tức ghê đi. Cả lớp chỉ mình cô ả
có tóc tơ vàng quăn quăn lại có đôi mắt xanh lơ màu chiều, hứ đẹp dữ”.
Lũ bạn tò mò nhìn Na:
– Ủa Trâm mô? Răng Na về một mình lạ rứa, đôi chim liền cánh mà!
Na bĩu môi:
Ối thứ con gái cái mặt đẹp đẽ xinh nhất lớp mà bần tiện, tau không thèm chơi với nó nữa mô, đồ bẩn.
Vừa lúc đó má Na lái xe trờ đến:
– Trâm mô con? Gọi Trâm má đưa cả hai đứa đi chơi phố sắm đồ Tết đi cưng.
Na ngập ngừng:
– Thưa má… Trâm bận nên về trước rồi.
– Rứa hả, thôi mai rủ Trâm vậy nhé.
Mấy ngày Tết Trâm thui thủi một mình – đầu óc cứ bị mảnh giấy có 3
chữ “đồ ăn cắp” của Na nhờ chị bếp đem đến ám ảnh hoài. Trâm chỉ mong có
bà tiên nào đem trả cho Na cây bút đó – Má Trâm đau và ba Trâm chưa
thấy về, nhà vắng hiu buồn ghê là. Trâm đem những món quà Ly Na tặng dần
cho mình gói lại cẩn thận, leo dốc đến nhà Na.
Trâm thập thò trước cổng biệt thự, cô bé sợ con chó sồ ra lắm. May
quá Na đã thấy Trâm. Cô ta quay đi bĩu môi dài dài, nghĩ sao lại chạy
ra.
– Chào Trâm.
– Cho Trâm trả Na những cái này.
Na đỏ mặt giận dỗi:
– Làm bộ quá ta, nghèo mà ham hỉ.
Trâm nghẹn ngào:
– Vì nghèo nên Trâm bị chửi là ăn cắp. Trâm có chối mô. Trâm có dám
nhận mình nhà giàu khi mô, cám ơn lòng tốt của Na nhé. Trâm sợ bọn nhà
giàu kệch cỡm rồi. Trâm thèm vào chơi với Na. Để xem Na chơi với ai.
– Đừng dài lời như bà già, ai thèm chơi với bọn ăn cắp vặt. Xí, đẹp
mặt lắm đó, đeo mo vô che chưa hết mô – đồ giả dối – đưa đồ đây o.
Trâm ném gói giấy về phía Na rồi chạy như bay xuống đồi – Na cười khinh khỉnh nói vọng theo:
– Hứ làm bộ rứa o! Vừa đánh trống vừa ăn cướp hỉ? Hỏng có thày bói tui cũng không ngờ là o đâu.
*
Lật bật mười ngày nghỉ Tết đã qua. Na đi xe đến trường – giận Trâm
nhưng Na vẫn không quên được cô bạn thân đó phút nào. Càng giận càng nhớ
bạn thêm –
Thoáng bóng Trâm ở một góc sân trường, thấy Na Trâm quay đi cười với
người khác Na nghe đau nhói trong ngực – “Ác ôn thật, lấy cây bút của
mình còn làm tàng, đồ ăn cắp răng mình cứ khổ vì nó kìa”
Trâm lầm lì ngồi trong lớp chờ giáo sư đến. Còn Na ôm cặp đổi chỗ với
Đào Ngọc nhất định không ngồi bên “kẻ cắp” nữa, Trâm vẫn tỉnh như
không. Cả lớp xì xào bàn tán về cặp Na Trâm dữ lắm.
Trong lúc đó, cô giáo Việt văn đang đi dọc hành lang tiến đến lớp Na.
Cô vẫn như năm ngoái, vẫn màu áo trắng đơn sơ vờn trong gió.
Cả lớp đứng lên chào cô giáo – Những mái đầu cao hơn năm ngoái tí ti,
những ánh mắt tinh quái láu lỉnh thêm – Cô giáo giơ tay cho học trò
ngồi xuống, giọng cô dịu dàng cất lên:
– Chào các em, chúng ta bước qua năm mới chỉ vài tháng nữa thi rồi.
Cô mong các em chăm chỉ hơn nữa, thành công hay thất bại là do các em
quyết định ngay từ bây giờ. Trước khi tiếp tục chương trình cô cần nói
một chuyện, hôm tất niên cô mượn một cây bút ở bàn đầu hình như ở trong
lớp này. Cô đem về nhà ăn Tết luôn vậy hôm nay xin trả lại cho khổ chủ.
Cô quay lên mở sắc tay. Một chị bàn cuối đứng lên:
– Thưa cô em nhớ rồi ạ, hôm đó ra chơi cô chấm vở tại lớp, em là
người cuối cùng ở trong lớp, chính em tận tay lấy bút đưa cô mượn ạ –
bàn đầu bên phải thưa cô –
Cô giơ cao cây bút. Na đứng lên nhận bút, lòng rối bời, mắt len lén nhìn Trâm run run không nói được nửa lời.
Trâm nhìn Na thật nhanh rồi cúi đầu ngồi im, mắt buồn nhìn đăm đăm cánh chim bay cô đơn trên nền trời ngoài khung cửa lớp học.
Ly Na nghẹn ngào ngồi xuống – đầu óc choáng váng như người say rượu.
Mắt Na chớp nhẹ, hai hàng mi run run nhỏ xuống đôi dòng nước mắt ăn năn.
Cả lớp chăm chú nghe giảng – không ai để ý đến Ly Na. Cô bé gục xuống
bàn cắn chặt bờ môi hồng xinh xắn. “Trâm ơi tha thứ cho Na”.
Vừa lúc cô mải chép một câu thơ lên bảng, Na hấp tấp ôm cặp leo lên bàn đầu đẩy Ngọc ra thật lẹ.
Nhỏ Ngọc nhăn mặt khó chịu, rồi lủi về chỗ cũ.
Na nắm tay Trâm lắc thật mạnh:
– Trâm!
Trâm cười – Na cũng cười, nụ cười con vương nước mắt mờ mờ trông dễ thương chi lạ.
Na dúi vào tay Trâm gói ô mai cam thảo rồi cười tủm tỉm – ngoài kia
nắng vừa lên, màu vàng nhảy múa trên sân trường như niềm vui nhảy múa
trong lòng hai cô bé.
Lệ Hằng
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)