Em đau khổ nhìn tấm lịch trên tường, con số to tướng với những
đường chỉ viền quanh, như ngạo nghễ cười vào mặt em “Hà hà, thế là mi hết trốn
quanh nhé, mai thứ bảy rồi đấy, hà hà…” ; thật đúng là “được dịp lên chân”…
điều đó cũng chẳng có chi là lạ, bởi vì chung quanh em, bàn ghế, tủ giường,
sách vở… thậm chí cho đến cái lọ bánh ở trên kệ gỗ kia, cũng như đồng một lòng
vào hùa với nhau để “theo dõi” em, “sỉa sói” em ; chị Trúc thì cứ thỉnh thoảng
vào ra, lại cười hề hề bảo em:
- Ê, đọc kinh sám hối chưa? Sắp thứ bảy rồi!
Chao ơi, cái giọng cười sao mà tàn nhẫn, vô nhân đạo lạ, tức mình
quá mà chả lẽ lại gây với chị ấy, em đành bỏ ra sau vườn, nói chuyện với cỏ cây
có lẽ đỡ hận hơn, đỡ buồn hơn.
Gọi là vườn cho nó có vẻ “vĩ đại” một tí, chứ thực ra, ngoài hai
cây ổi, mận, vài bụi hoa nhài, bụi mía, khoảng đất phía sau nhà còn dung dưỡng
cho một “bọn vịt báo hại” và một toán quân “gà khốn kiếp”, chúng chính là nỗi
lo âu em mang nặng mỗi cuối tuần.
Nhìn bọn gà sởn sơ bươi đất, em lại thấy lòng dậy lên nỗi căm tức,
giận hờn, em nghĩ đến ngày mai, với bổn phận đầu bếp cho một món ăn mà cả nhà
ưa thích, em lại phải đánh vật với lũ gà, rượt nhau với lũ vịt để rồi sau đó,
biến thành tên đồ tể, phanh thây bọn chúng và tự tay đưa bọn chúng đến nơi “an
nghỉ cuối cùng”!
Công việc đó em chẳng thích chút nào. Thứ nhất vì dị đoan, em tin
rằng người có nhân, có quả, có luân hồi… em lo sợ có một ngày, chẳng may em giã
từ cuộc sống, về thế giới bên kia, với tội sát sinh quá nặng, em lại phải mang
kiếp gà vịt, cho người khác cắt cổ, chặt đầu, hình ảnh đó thật là dễ sợ… Thứ
hai, mẹ em sinh em ra lại nhằm cái năm cầm tinh con… Gà nữa, ăn thịt đồng loại
(em nghĩ thế) thì em không đành lòng. Thứ ba là vì em sợ… tại sao em sợ thì chỉ
một mình em biết. Thế nên trước sự phản đối tột độ của em, mẹ em và chị Trúc
lại thêm được một câu phê bình : cái con này dở hơi tệ!
Tai sao em không nói ra, em cũng không biết rõ, có lẽ em sợ mẹ và
chị Trúc sẽ ghê lây cái hình ảnh em mang trong lòng mà ghê luôn lũ gà vịt nữa
chăng, thế là em đành chịu lấy một mình. Thử hỏi mấy ai mà dửng dưng được trước
đĩa gà luộc nghi ngút khói, vài cái lá chanh thái mỏng và một đĩa muối tiêu
trắng trẻo ngon lành; mấy ai ngoảnh mặt, quay lưng trước đĩa gà rô-ti nâu hồng
óng ả, mùi thơm của đường của tiêu, của nước mắm quyện lấy miếng thịt mềm mại,
sớ thịt săn chắc, béo ngậy, thơm dòn. Trong những đêm gây gây lạnh mấy ai chê
được bát cháo vịt ngọt ngào với những cọng hành rắc lên xanh mướt, thơm ngào
ngạt mùi ngũ vị hương… nhất là cái miệng “đang sức lớn” như em? Ấy vậy mà em
chê đó, mặc dù trước kia, mỗi lần cúng giỗ, em chỉ mong được một cái đùi gà là
sung sướng ghê lắm rồi… Ai có ngờ đâu?... Em lấy làm oán trách chị Trúc vô
cùng, phải chi chị ấy đừng tỉ tê với mẹ em rằng “Con Thanh nó lớn rồi, phải bắt
nó nấu nướng đi là vừa, mẹ nhỉ”, để mẹ cũng gật gù “Phải đấy” thì em vẫn còn
“ăn ngon ngủ yên” chứ đâu có “va chạm với đời” như thế này?
Mà nào em đã lớn đâu: muốn cao bằng chị Trúc, em phải đi một đôi
guốc cao kều, nhọn hoắt, muốn yểu điệu thục nữ như chị Trúc, em phải phải tập
Yoga hai năm nữa, muốn theo học Sư phạm như chị Trúc, em cũng phải thi hai keo
nữa mới được… Chị Trúc thỉnh thoảng còn mè nheo với mẹ “con còn bé tí mà, con
còn muốn ở với mẹ cơ…” thế thì em lớn với ai đây. Rõ thật, phận bé bỏng, ai bắt
nạt cũng được…
Tiếng gà cục tác trong vườn, ngắt ngang mọi ý nghĩ của em. Ngoảnh
nhìn về một góc vườn, em thấy con gà cao nhất đàn, đang dằng co với con vịt bầu
một con giun đất. Gớm, khiếp, con giun, sao lại có một con vật hình thù dễ sợ quá,
bóng nhẫy, ngoằn ngoèo, như một con rắn con, nó làm em chết khiếp mỗi lần trông
thấy, em thù buổi rô-ti cuối tuần cũng vì nó đấy. Vâng, kể từ hôm nhận trách
nhiệm đầu bếp cuối tuần, em kiếm con gà mập nhất, cả nhà vẫn gọi là “Gà Mã
Viện”, không phải nó có ghẻ đâu, mà là vì nó tròn như những cái bụng của con
cháu nhà ông Đổng Trác, chả biết nó sổ… cái gì mà mập thế. Em hí hửng cắt tiết,
làm lông, mổ bụng, xong xuôi tất cả em mới cầm bộ lòng lên. Chao ơi, bộ lòng gà
đầy tăm tắp, phiến gan hồng hào, quả tim đỏ mượt kề bên một chiếc mề hồng tía
làm em tưởng tượng đến một tô phở đặc biệt… Nuốt nước bọt, dồn nén “sự tiết tâm
linh”, em nhích mũi dao, bổ xuôi chiếc mề… hét lên một tiếng, em quăng dao, bỏ
chạy, eo ơi trong chiếc mề hồng tía xinh đẹp kia, “một lũ giun” chưa kịp tiêu
hóa, nằm cuộn tròn, im lìm trong đó!
Té ra, con “gà Mã Viện” đã “sổ giun”, món ăn thích khẩu của nó lại
tối kỵ với em, kẻ thù của em nữa là…
Từ đó, sự ám ảnh ăn sâu trong trí, em “từ” luôn món gà thích ý,
nhiều lúc muốn quên mà quên không được. Mẹ em và chị Trúc chỉ biết em ghê việc
làm gà (mà không cần biết lý do tại sao?) nên cứ mắng mỏ :đồ dở hơi ở đâu ấy,
đồ lười… v.v. và v.v… Buồn cho em biết mấy… Nhưng riêng em, có khi em cũng nghĩ
“hay là mình dở hơi thiệt, thịt gà với lòng gà khác nhau chứ!” Lập tức, em lại
tự phản đối ngay “không được, con gà mập nhờ giun, vậy giun ngấm vào thịt gà
chứ gì”. Nghĩ thế em không ăn, nghe mắng và vẫn cứ phải gồng lên làm món ăn
cuối tuần.
Chiều nay đã thứ sáu rồi, em cáu kỉnh, bực tức, cố tìm cách để từ
chối việc làm gà. Em đã ghê cái cảnh mổ mề gà quá rồi, em đã thù hận món gà
rô-ti lắm rồi, làm sao bây giờ, biết làm sao được khi mẹ và chị Trúc luôn luôn
gọi em là con bé dở hơi, mọi ý kiến của em đều bị ra rìa.
Buồn quá, em thở dài. Phải chi có một ông Tiên hiện ra trong lúc
này!
GÀ CỒ
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190,
ra ngày 1-12-1972)