Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

CHƯƠNG II_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN


II

NGÀY LỄ GIÁNG SINH


Một tuần trước lễ Giáng sinh.

Mọi người trong lâu đài rộn rịp tổ chức mừng lễ ngày Chúa ra đời. Bà nội, má, cô Giạ Hương lên xuống từ nhà trên đến nhà bếp chỉ dẫn cách thức cho các người giúp việc trộn đường nhào bột hấp nướng các thức bánh ngon lành. Anh đánh xe, bác làm vườn chung sức dựng cây thông đồ sộ giữa nhà và treo đèn kết hoa.

Bỗng nhiên người đưa thư đem đến một bức điện tín. Thật là chuyện hiếm có, vì có bao giờ ở lâu đài người ta nhận được một dây thép như thế. Ba chị em hấp tấp đem điện tín đi tìm ba. Ông mở ra đọc nhanh, tái mặt, nhìn kỹ điện tín như tìm đường lối giải quyết một vấn đề khó khăn. Ông lật đật xuống nhà bếp tìm vợ. Hai tay đầy bột trắng xoá, nghe nói ông có điện tín, bà giành lấy đọc :

- Em gái từ trần. Tòa Đại Sứ gởi đứa nhỏ đến ngày hôm nay theo chuyến xe lửa 16 giờ 20. Ký tên : Ngô Liên.

Ông Ngô Liên bạn thân lâu đời của gia đình là một luật sư tên tuổi ở thị xã. Em gái nào ? Đứa nhỏ con ai ? Ba chị em Xuân Lan chẳng hiểu tí gì, ngơ ngác nhìn ba má.

- Chuyện gì hở mình ?

- Tôi cũng chẳng rõ, vì đã từ lâu tôi không có tin cô ấy.

- Lại thêm một đứa nhỏ ! Khốn khổ tội nghiệp cho nó ! Chỉ còn hai tiếng đồng hồ, mau đem xe đi đón gấp kẻo trễ.

- Bây giờ ai đi đón đứa nhỏ ? Thôi nhờ cô Giạ Hương vậy.

- Đâu được, Giạ Hương còn giúp tôi nhiều công việc. Mình để tôi nhờ bà nội. Trời đẹp, đường xá bằng phẳng, chắc là nội vui lòng dạo chơi một vòng.

Bà nội tay đang xách giỏ cam đi ngang qua cao hứng :

- Ừ để tao đi cho.

Ba chị em nhao nhao đòi hộ tống bà nội.

- Đi đâu tụi bây cũng đòi đi, má gắt.

- Xe rộng, cho chúng theo hầu bà nội, ba đỡ lời.

Nửa giờ sau, ba chị em vui vẻ tươi cười vây quanh bà nội trên chiếc xe độc mã thẳng tiến lên thành phố trên con đường lát nhựa rộng rãi.

Xuân Lan tấn công nội :

- Nội nè ! Cô ấy là ai ? Còn đứa nhỏ nào thế hở nội ?

- Đó là câu chuyện bi thảm, các cháu ạ. Ba các con chỉ có độc nhất một em gái rất được nuông chìu ; nhưng trái với ý muốn cha mẹ, cô em gái ấy đã kết hôn với một sĩ quan Nga theo chồng về xứ sở. Từ đó, gia đình bặt vô âm tín về cô ấy và nay bỗng nhiên tiếp được điện tín này. Nói xong nội lần tràng hạt lâm râm cầu nguyện.

Sự hôn phối giữa một thiếu nữ Ba Lan với một người Nga xem như một hành động bội phản tổ quốc. Chẳng có gì ngạc nhiên, vì người Nga đã hành hạ ngược đãi tàn bạo dân Ba Lan : hàng trăm người Ba Lan vào hàng quí phái đã chôn mình trong tuyết lạnh ở Tây-bá-lợi-á, hàng trăm người Ba Lan khác còn bị tù đày và những hình phạt tra tấn đối với họ không chút nương tay. Phần đông sĩ quan Nga chiếm đóng ở Ba Lan đều hung ác tàn bạo, nên thiếu nữ Ba Lan nào tự ý lấy sĩ quan Nga phải đoạn tuyệt mọi liên lạc với gia đình. Cũng vì thế, nên ba chị em tuyệt nhiên không hay biết chúng đã có một người cô.

Chiếc xe vừa dừng trước nhà ga, ba chị em nhìn chẳng thấy xe lửa nào đậu ở đó.

Viên xếp ga quen biết với bà nội ngả mũ chào :

- Bà đến trễ, chuyến xe lửa vừa chuyển bánh.

- Ông có thấy một người xuống xe dắt theo một trẻ nhỏ không ?

- Có thằng nhỏ nào đâu ! Chỉ có một em bé gái đang đứng đằng kia kìa !

Mọi con mắt đều đổ dồn về phía ấy. Một em gái chừng 12 tuổi đang ngồi trên đống đá bên vệ đường. Với tuổi ấy, em trông khá lớn nhưng lại quá gầy ốm. Nước da xanh mét, mặt đầy tàn hương, tóc vàng hoe, chỉ còn đôi mắt trong sáng. Em mặc áo xám, ngoài phủ áo tơi đen cũ rách.

Nội quan sát em bé giây lát tỏ vẻ lo âu :

- Lại đây bà hỏi !

Em bé ngập ngừng, thủng thẳng bước đến gần xe.

- Em ngồi đợi ai đó ?

Chẳng buồn trả lời, em chìa mảnh giấy nhỏ đã nhơ bẩn nhầu nát có hàng chữ : “Xin giao cho gia đình bên ngoại ở lâu đài họ Nguyễn em Đỗ Quyên mồ côi cha mẹ. Nhờ săn sóc giúp đỡ em bé”.

- Trời ! Té ra cháu bà đây ! Đến đây với ngoại. Đây là các chị của cháu : Xuân Lan, Bạch Huệ, Thu Cúc. Các cháu hãy hôn Đỗ Quyên và nhường chỗ cho em ngồi.

Vẻ mặt lãnh đạm, ủ rũ, Đỗ Quyên hôn phớt bàn tay răn reo của ngoại rồi đẩy lui những bàn tay của các chị đưa đến ôm em.

- Cháu ngồi xuống, có đói không ?

Đỗ Quyên lúc lắc đầu. Em ngồi trên xe gần bên bà ngoại, đôi mắt hé mở, lạnh lùng chẳng mở miệng chào hỏi ba chị em Xuân Lan. Ngoại hỏi em cũng lặng thinh không trả lời. Ngoại đành lần tràng hạt để em ngồi yên.

Nghe tiếng nhạc ngựa, ông bà bước ra đón xe tận cửa. Ông giang đôi cánh tay trìu mến còn bà nở nụ cười cởi mở đón em nhỏ mồ côi, nhưng cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng lạnh nhạt của bé Đỗ Quyên.

Giọng nói ấm cúng dịu dàng của ngoại :

- Đỗ Quyên, đây là cậu cháu.

Em ngắm nghía ông từ đầu xuống chân :

- Ông là anh má tôi hả ?

Ba chị em Xuân Lan vô cùng sửng sốt. Táo gan thực ! Sao con bé nầy dám nói năng vô lễ với ba mình như thế ? Nhưng ông vẫn thản nhiên vui vẻ, không giận dữ, như tuồng chẳng hề lưu ý đến lời nói cộc cằn của Đỗ Quyên.

- Chính cậu đây là anh ruột độc nhất của má cháu. Cháu hãy kể đầu đuôi câu chuyện cậu nghe, việc gì không hay xảy đến cho gia đình cháu ?

Đôi mắt đỗ Quyên không giây phút rời cậu em, tiếng nói đứt quãng từ cổ em đưa ra :

- Má cháu chết vì thiếu ăn.

Ba ngồi phịch xuống ghế hai tay ôm mặt, bà nội và má xúc động, hai hàng nước mắt tuôn rơi.

Đỗ Quyên đưa mắt nhìn quanh :

- Có góc phòng nào cho tôi ở không ?

- Các con hãy đem Đỗ Quyên vào phòng riêng các con.

Ba chị em dắt Đỗ Quyên vào phòng, để giường Xuân Lan cho em nằm nghỉ vì lúc đi đường không khỏi mệt nhọc. Ba chị em nhìn Đỗ Quyên tỏ vẻ thương hại tình cảnh cô đơn của em, chưa biết gợi chuyện gì để tìm lời an ủi.

Bỗng nhiên Đỗ quyên đứng dậy, vùng vằng giận dữ :

- Tôi có gì khác thường mà các chị nhìn tôi dữ vậy ? Hãy để tôi yên. Các người hãy đi nơi khác !

Bất ngờ vì Đỗ quyên đổ quạu không duyên cớ, ba chị em đành lẳng lặng nhìn nhau rút lui khỏi phòng êm thắm. Đỗ Quyên lại trở lên giường, nằm khóc nức nở, tiếng nấc nghẹn ngào rung chuyển đôi vai gầy ốm.

Những ngày kế tiếp, Đỗ Quyên được bà ngoại săn sóc, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, nhưng em vẫn giữ thái độ lãnh đạm dửng dưng với mọi người. Em ít nói, nhưng nói ra toàn những lời oán hận gia đình. Nghe qua vài câu vụn vặt, người ta biết được đời sống của em đã trải qua nhiều cảnh gian truân khổ sở. Cha em đã sống một đời lãng phí, bao nhiêu tiền của đều thua sạch ở sòng bạc rồi chết trong cảnh bần cùng thiếu thốn, bỏ vợ con đói rách. Không muốn trở lui gia đình đã ruồng bỏ mình, mẹ Đỗ Quyên đã từ trần vì bệnh lao phổi để lại con thơ phó mặc cho may rủi ở đời. Một gia đình quen biết vì lòng nhân đạo đã cưu mang Đỗ Quyên, nhờ Toà Đại Sứ Ba Lan trả em về gia đình bên ngoại.

Đỗ Quyên thường so sánh chua chát :

- Ở đây cái gì cũng sạch sẽ trắng trẻo ! Chỗ tôi ở với má tôi là một cái hang đen ngòm, hôi hám, đầy sâu bọ ruồi muỗi. Ăn uống thời quá sung túc, thực phẩm một bữa ăn bằng nửa năm thực phẩm của chúng tôi !

Chỉ riêng Bạch Huệ thông cảm tình cảnh đáng thương của Đỗ Quyên. Vì trải qua đời sống cơ cực thiếu thốn, Đỗ Quyên tự ti mặc cảm, quy trách nhiệm cho gia đình bên ngoại, trở nên oán hận mọi người, nhất là hạng người sung sướng đầy đủ. Bạch Huệ tâm niệm sẽ tìm mọi cách giúp đỡ Đỗ Quyên trút bỏ hết mọi mặc cảm để chung sống vui vẻ với gia đình.

Mọi người đều đồng ý Đỗ Quyên là đứa nhỏ vô ơn, hay gắt gỏng lại lãnh đạm trước sự vồn vã thân mật của gia đình.

Má nhắc lại :

- Hôm qua tôi hôn nó, nhưng nó xô đẩy tôi.

Vú già nói thêm :

- Các chị mang nho khô cho ăn, Đỗ Quyên trả lui như thể độc dược.

Bạch Huệ đang bỏ nhân hạnh đào vào bánh, vội vành bênh vực :

- Vì má Đỗ Quyên không có cái ăn mà chết, nên bây giờ Đỗ Quyên không còn muốn ăn gì nữa !

Một hôm tình cờ Bạch Huệ nghe lóm câu chuyện ba má bàn luận về số phận Đỗ Quyên :

- Chúng ta không thể giữ nó ở lâu đài nữa. Nó đầu độc không khí vui vẻ trong gia đình.

- Hay gởi nó vào viện Dục Anh để các bà sơ săn sóc.

- Sau lễ Giáng Sinh sẽ bàn tính. Nhìn vẻ mặt nó, tôi ăn mất ngon, tôi đâu có trách nhiệm về sự khốn khổ của gia đình nó. Má nó không hề viết thư cho tôi. Nếu biết tin, tôi đã đi tìm kiếm gia đình nó.

Bạch Huệ lại thêm sốt ruột, lo lắng, thương hại cho Đỗ Quyên. Em suy nghĩ để tìm mọi phương cách cho Đỗ Quyên cùng ở lại với gia đình bên ngoại trong lâu đài họ Nguyễn vì nơi đây mẹ em đã sinh trưởng.

Nhìn thấy Đỗ Quyên đang ngồi một mình trên chiếc ghế bành giữa phòng khách, Bạch Huệ đến cầm tay em tỏ tình quyến luyến, nhưng Đỗ Quyên đã rút tay lui.

- Chị muốn gì ?

- Chị rủ em lên gác chơi. Chúng mình có thể tìm thấy những vật kỷ niệm thời thơ ấu của má Quyên. Lúc tuổi bằng chúng mình, má Quyên đã sống nơi đây trong phòng riêng của má Quyên ở trên gác.

Tự nhiên đôi mắt Đỗ Quyên ngời sáng, nét mặt vui tươi, nụ cười nở rộng trên môi, nụ cười đầu tiên tự ngày em bước chân đến gia đình bên ngoại. Phải chăng vì Bạch Huệ đã nhắc nhở đến người mẹ thân yêu quá cố nên lòng em rộn ràng sung sướng !

Níu lấy cơ hội hiếm có, Bạch Huệ dịu dàng kéo tay Đỗ Quyên :

- Mau, chúng mình lên gác.

Sách vở, áo quần, đồ chơi bỏ bừa bãi ngổn ngang khắp căn phòng trên gác. Từ ngày mẹ Đỗ Quyên theo tiếng gọi con tim lìa bỏ gia đình, bà nội không muốn ai đụng chạm đến vật dụng của nàng. Hai chị em lục lọi trong đống sách cũ, tìm thấy một quyển kinh, một xấp giấy vẽ dưới nắn nót hai chữ tên Bạch Hạc.

Đỗ Quyên như phát giác một điều mới lạ :

- Má em đây rồi. Chính nét chữ này là chữ của má em.

Em hôn lấy hôn để chữ ký Bạch Hạc và ôm chặt xấp giấy vẽ vào lòng.

- Di tích má còn đây, nhưng nay má còn đâu nữa !

- Má em luôn gần gũi em, bà là đấng thiên thần phù hộ em.

- Em không bao giờ tin chuyện láo khoét. Chị nhẹ dạ mới dễ bị lường gạt, chớ em từng lăn lóc khổ sở, nên em thực tế lắm !

- Đỗ Quyên, hãy xem bức vẽ của mẹ em đây nè : một con thỏ chun ra từ trong trứng, dưới viết thêm hàng chữ “ca tụng Chúa”.

- Toàn chuyện phỉnh phờ trẻ nít. Một con thỏ chun ra từ quả trứng. Có bao giờ chị thấy gà đẻ thỏ chưa ?

- Em không theo tôn giáo nào, không đi lễ nhà thờ, nên không tin tưởng Chúa. Người là đấng vạn năng trên muôn loài, có thể hoá mọi phép lạ nếu người muốn. Chẳng những từ trong quả trứng lòi ra một chú thỏ, một voi khổng lồ cũng có thể lọt ra khỏi trứng, nếu Chúa muốn.

- Chúa thử hoá một phép lạ để em tin tưởng mẹ em vẫn gần gũi bên em, lúc đó em tin Chúa liền. Dầu sao, em vẫn cám ơn chị đã cho em hưởng những giây phút thần tiên, được nhìn tận mắt những vật kỷ niệm của mẹ thân yêu của em.

- Biết đâu em lại chẳng trông thấy phép lạ một ngày gân đây !

Đêm ấy hai chị em thao thức ngủ không yên giấc : Đỗ Quyên tưởng tượng thời kỳ thơ ấu của mẹ em đang còn cắp sách đến trường, còn Bạch Huệ cầu nguyện Chúa mau ban phép lạ để đem nguồn tin tưởng lạc quan đến cho Đỗ Quyên.

Một ý nghĩ táo bạo thoáng qua trí óc Bạch Huệ khiến em nở nụ cười khoái trá. Đến lúc ánh sáng bình minh dọi vào cánh cửa kính, hai chị em mới bắt đầu thiu thiu ngủ.

Sau khi mọi người trong gia đình dự lễ nửa đêm tại nhà thờ trở về, ai nấy đều tụ họp tại phòng lớn để ăn mừng lễ Giáng Sinh.

Đối diện cây thông cao ngất treo đèn kết hoa, một chiếc bàn dài bày la liệt mọi thức ăn cao lương mỹ vị : gà, vịt, ngỗng béo ngậy quay vàng khè, những đĩa đầy ắp thịt heo, bò, cừu trông rất ngon lành, các thứ bánh mặn ngọt đủ loại. Thêm bốn cái bánh to tướng, nhụy trên mặt bánh là mấy chữ đầu của tên bốn chị em : XL, BH, TC và ĐQ.

Trong lúc mọi người đang vui vẻ chuyện trò và nhấm nháp bánh thịt, Bạch Huệ đưa mắt nháy chị đứng gần ba má : Xuân Lan hiểu ý lẻn xuống nhà bếp và chốc lát bưng lên cái bánh khổng lồ hình dáng quả trứng trên một giỏ tre đặt ngay giữa bàn. Mọi người ngạc nhiên, nhất là má và cô Giạ Hương bất ngờ không rõ bánh nầy ai làm lúc nào hay mua từ đâu đem đến.

Lạ lùng thay ! Chiếc bánh vừa để xuống bàn đã rã lần từng miếng và có cái gì ở giữa nhúc nhích cựa quậy. Mọi người ồ lên một tiếng : một đầu con vật bé nhỏ lòi ra. Một chú thỏ con xinh xắn, cái mõm đỏ hỏn đang vẫy hai tai làm rơi rớt những mảnh vụn bao phủ trên đầu nó.

Ông biết rõ trò quỷ thuật nghịch ngợm nầy do ba chị em Bạch Huệ âm mưu sắp đặt, nhưng chưa rõ chúng dụng ý gì. Ông đảo mắt nhìn Xuân Lan, Bạch Huệ định tìm lời chất vấn, nhưng một việc bất ngờ xảy đến làm ông chưa kịp buông lời khiển trách. Nãy giờ, Đỗ Quyên đang đứng cạnh ông ăn bánh, bỗng nhiên quỳ gối xuống đất, lẩm bẩm :

- Phép lạ, phép lạ ! Chúa ban phép lạ đúng theo ước nguyện của má. Thỏ nở trong trứng. Chúa hiền từ biết bao ! Má ta chắc còn lẩn quất đâu đây để phù hộ ta !

Em lần lượt đến ôm hôn mọi người trong gia đình, từ bà ngoại, cậu mợ đến các chị, trong lúc chú thỏ con nhởn nhơ dạo quanh trên bàn gậm nhấm xà lách, cà rốt, củ cải. Nước mắt lưng tròng, em cảm động ôm chặt Bach Huệ :

- Chị nói rất đúng. Chúa có thể làm tất cả mọi sự, nếu người muốn. Em không còn buồn phiền và oán hận ai nữa, từ nay em sung sướng vui sống với gia đình.

Cảm tình Đỗ Quyên bột phát với mọi người khiến tánh tình em cũng đổi thay, trở nên dịu dàng vui vẻ dễ thương và từ đây mọi ác cảm đối với em không còn nữa. Ai nấy đều nhìn em bằng đôi mắt khác biệt đầy thiện cảm.

Giữa tiếng nói cười vui vẻ của người lớn và tiếng nô đùa ầm ỹ của trẻ con, Đỗ Quyên cảm thấy tâm hồn như say sưa ngây ngất trong một đời sống mới đầy tin tưởng ở tương lai xán lạn.

Trên bàn thờ Chúa, em nhìn thấy hiện lên khuôn mặt rạng rỡ tươi sáng của mẹ em. Em mường tượng thấy vẻ mặt kiều diễm của mẹ như hồi thanh xuân, mẹ em hiền từ mỉm cười nương theo làn ánh sáng của đôi nến bước lần xuống bên em, đặt hai bàn tay dịu dàng mềm mại trên vai em.

Đỗ Quyên nhắm nghiền hai mắt để những giọt lệ nóng hổi chảy tràn xuống má, những giọt nước mắt sung sướng đầy hạnh phúc.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>