Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

CHƯƠNG V_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN


V

RẮN THẦN XUẤT HIỆN
 

Một chiều hè nồng nực. Bạch Huệ mệt mỏi nằm dài trên cỏ, thở khó khăn như cá ra khỏi nước. Ngồi bên em, Thiện Chí tay nâng cằm, dáng điệu uể oải lười biếng. Cái nóng nung người nóng nóng ghê ! Những bầy ruồi nhỏ bay chậm chạp trên mặt nước vo ve như tuồng ngái ngủ, nước thác đổ xuống chạm sỏi đá vang lên tiếng động đều đều buồn tẻ.

Bạch Huệ nhìn bầu trời trong xanh không gợn tý mây :

- Tôi mong trời đổ trận mưa rào. Không nhờ hơi mát ở thác nước, chắc tôi chịu không thấu cơn nóng bức oi nồng. Anh nghe chăng tiếng reo kỳ lạ của thác nước ? Nơi đây nhiều sỏi đá, ta càng nghe rõ vọng lên hai tiếng nói. Tôi đã thí nghiệm nhiều phen !

Thiện Chí nhướng đôi mắt nặng trĩu :

- Thí nghiệm những “tiên lùn” của Huệ hả ? Nhiều trí tưởng tượng quá !

- Vâng, những chuyện cổ tích “tiên lùn” ở Ái Nhĩ Lan.

- Trời nóng bức thế nầy nghe chuyện cổ tích cũng vui thú. Trong lúc mơ mơ màng màng ta có thể tin chuyện thần tiên thành câu chuyện thật.

Bạch Huệ duỗi thẳng hai chân, hai tay gối dưới đầu, nói nho nhỏ :

- Ở Ái Nhĩ Lan, có nhiều tiên lún thích sống trong các suối nước, nhất là nơi nào giòng nước chảy xiết, tiên lùn nhảy nhót nô đùa giữa sỏi đá trắng nõn, nói lên rồi lặp lại hai tiếng giống nhau. Nếu ai nghe được hai tiếng nói ấy của tiên lùn để đáp ứng tiếng nói thứ ba, thời tiên lùn xuất hiện thỏa mãn mọi điều thỉnh cầu. Một hôm có gã mục đồng đến gần thác nước định xin các tiên lùn một ân huệ. Gã ngồi bên thác chờ đợi tiếng nói tiên lùn. Ban đầu gã chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, nhưng gã vẫn tin đó là tiếng nói của tiên lùn trong sỏi đá, chớ không phải tiếng nước. Gã kiên nhẫn ngồi lắng tai chăm chú nghe. Quả nhiên một tiên lùn nhảy ra khỏi mặt nước đứng trên phiến đá hát lên : “Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba !” Tiên lùn ngừng giây lát chờ đợi người ta đáp lời. Tiên lùn lặp lại : “Thứ hai, thứ ba”. Chờ tiên lùn lặp lại 10 lần hai câu nói trên, gã mục đồng mới đánh bạo đáp lời “thứ tư”. Tiên lùn liền hát tiếp ba lần : “thứ hai, thứ ba”. Mỗi lần tiên lùn nói xong một câu, gã mục đồng đều đáp : “thứ tư”. Tiên lùn cười rộ, vỗ tay ra hiệu, tức thì trong các ngách sỏi đá ở khe nước xuất hiện một đoàn tiên lùn khác. Một tiên lùn hỏi gã mục đồng thích muốn điều gì ? Mục đồng trả lời xin một chuông nhỏ vì bò của gã vừa rơi mất chuông. Tiên lùn cười khì, cầm chiếc mũ đỏ trên đầu vứt vào khe nước rồi cùng đoàn tiên lùn biến mất.

Bỗng gã mục đồng nghe trong lùm cây trước mặt tiếng nhạc rổn rảng và nhìn thấy con bò của gã nơi cổ đeo tòn ten một chiếc chuông vàng. Từ hôm được chuông vàng, bầy bò của gã mục đồng sinh sôi nẩy nở đầy đàn. Gã trở nên giàu có, giúp đỡ những người nghèo khó ; nhưng gã tuyệt nhiên bưng bít câu chuyện chuông vàng, sợ người ta kéo đến quấy rầy các chú tiên lùn.

Thiện Chí nghiêng tai bên giòng thác thử nghe tiếng nước reo trong sỏi đá có gì khác thường chăng !

- Sao Bạch Huệ không nói lên những câu thần chú để gọi các tiên lùn ?

- Mấy lúc này tôi có gì để ước nguyện đâu mà phải cầu khẩn tiên lùn, nhưng bây giờ tôi có mối ân hận nan giải cần các tiên lùn giúp đỡ.

- Chuyện gì phiền muộn trong lòng Huệ lại giấu tôi ? Nếu tôi không đủ sức giúp đỡ, ba tôi sẽ thỏa mãn Huệ, vì ba tôi quí mến Huệ lắm.

- Tôi nói ra chắc Thiện Chí không còn cảm tình với tôi nữa !

- Tôi chẳng là bạn chí thân của Bạch Huệ hay sao ?

Nhưng Bạch Huệ vẫn lắc đầu yên lặng, đôi mắt nhìn vào cõi xa xăm tưởng nhớ đến một kỷ niệm chua chát mà Hùng Tâm để lại, khiến em không bao giờ quên.

Thiện Chí chắc hẳn điều ước nguyện của Bạch Huệ quan trọng lắm nên mới giữ kín trong lòng, chớ đâu phải như điều ước nguyện tầm thường của mình chỉ thỉnh cầu tiên lùn một chiếc xe hoặc một ngựa con.

- Chúng ta có thể nhờ tiên lùn cất mọi nỗi ưu tư sầu muộn. Hãy lắng tai nghe, nếu quả tiếng nói tiên lùn, chúng ta cùng nhau đồng thanh đáp ứng, chắc tiên lùn sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ cầu khẩn tiên lùn một ân huệ.

Bỗng nhiên Bạch Huệ và Thiện Chí nghe rõ mồn một vang lên trong sỏi đá những câu thần chú : “Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba ! Thứ hai, thứ ba !” Những tiếng nói ấy ngừng giây lát rồi tiếp tục vang lên.

Thiện Chí nắm chặt bàn tay Bạch Huệ, rồi hai đứa mạnh dạn đáp lời : “Thứ tư”.

Nhưng chẳng thấy vật gì hiện ra. Trên làn nước trong xanh từ thác chảy xuống không mảy may lay động. Trải qua những giây phút chờ đợi hồi hộp, nhưng nào đâu thấy Tiên lùn xuất hiện. Hai đứa lập đi lập lại ba lần câu nói : “Thứ tư, thứ tư”.

Bỗng nghe tiếng động sột soạt sau lưng, Thiện Chí quay đầu lui hét lên kinh hãi, cuống quít níu tay Bạch Huệ cùng chạy. Cách đó chừng vài thước, một con rắn to xuất hiện. Thân hình rắn đen thui tợ mun, trên đầu dính máu bê bết, đuôi rắn cũng mang vết thương dài rướm máu. Rắn cất đầu lên không nổi, đôi mắt mất tinh thần, miệng há hốc, thè lưỡi ra nứt nẻ đưa qua đưa lại.

Hai đứa nhỏ kinh hoàng khiếp đảm. Rắn từ ngả nào bò đến ? Làm sao rắn xuất hiện gần chúng mà tuyệt nhiên không hề nhìn thấy, không hề nghe tiếng ? Ai đã đánh nó thành thương ? Phải chăng nó đến cầu cứu hai đứa nhỏ ?

Thiện Chí nhặt một cành cây nhìn Bạch Huệ :

- Hãy hất nó vào thác nước !

Sau khi quan sát kỹ càng, Bạch Huệ thì thầm bên tai Thiện Chí sợ rắn hiểu tiếng người :

- Hãy xem, rắn nầy kỳ lạ lắm ! Thân hình sáng ngời như kim khí. Một miếng thịt vàng khè nổi trên đầu hình dáng chiếc vương miện. Đâu phải rắn tầm thường ! Đừng làm hại nó, hãy giúp rắn hàn gắn vết thương.

Bạch Huệ đến bên thác nước, lượm ngọn lá to cuộn tròn lại, múc ít nước đổ lên đầu rắn. Rắn đưa lưỡi táp những giọt nước từ từ chảy xuống đầu nó.

- Anh hãy đứng đây canh chừng. Tôi chạy về nhà kiếm sữa và một cái chậu. Phải tìm cách cứu sống nó. Tôi tin tưởng nó là rắn thần, chớ không phải rắn thường đâu ! Tôi trở lại ngay. Thỉnh thoảng anh cho nó uống nước.

Thiện Chí cầm cành cây to đứng canh chừng rắn, trong lòng nghi hoặc lời nói Bạch Huệ, nhưng cũng tò mò đợi xem phản ứng của rắn ra sao !

Mặc dầu trời nóng bức, sức khỏe yếu đuối, nhưng Bạch Huệ chạy nhanh về lâu đài và sau nửa tiếng đồng hồ đã mang ra một bình sữa, một cái muỗng, một chậu nhỏ bằng sành và hai kẹp sắt.

- Làm gì với những vật nầy ?

- Rồi anh xem, vật nào cũng hữu dụng. Chúng ta không thể để rắn nằm đây, ai thấy nó sẽ đập chết. Dưới gốc cây sên, có một hốc cây rất thuận tiện cho rắn nằm dưỡng bệnh. Chúng ta đem nó bỏ vào gốc cây, dầm đuôi nó vào chậu nước rồi cho nó uống một tý sữa. Tôi chắc rắn sẽ lành mạnh. Rắn thần xuất hiện nhất định liên quan đến các tiên lùn.

Thiện Chí đâu dám bác bỏ ý kiến của Bạch Huệ, vì nó là dân thị thành sao am hiểu rành mạch vấn đề nầy bằng Bạch Huệ đã sinh trưởng lâu năm ở đồng quê rừng núi. Hai đứa đến moi móc những lá cây mục nát trong hốc cây đoạn nhét vào những cỏ tơ mềm mại. Còn việc khó khăn hơn hết : làm cách nào đưa rắn vào hốc cây ! Đến gần rắn để kẹp nó vào hai kẹp sắt, làm sao nó khỏi vùng vẫy mổ cắn. Hai đứa đi vòng quanh rắn nằm bất động giữa cỏ. Nhưng không thể chần chừ ! Đôi mắt rắn đã hết thần sắc, đầu mang thương tích, rắn nằm khoanh tròn thở thoi thóp, chốc chốc thè lưỡi ra khỏi miệng.

Hai đứa đưa tay làm dấu thánh giá, hồi hộp cầm kẹp sắt kẹp rắn, nhưng thân hình rắn trơn nên rắn tuột xuống. Nhưng rồi, sau cùng chúng đã kẹp được rắn, chạy một mạch đến cây chuồi rắn trên đồng cỏ, bỏ vào chậu nước lã để ngâm đuôi rắn đang ri rỉ chảy máu. Bạch Huệ đổ sữa vào cái muỗng lớn đặt trước miệng rắn. Hai đứa ngồi trước gốc cây chờ đợi lo lắng. Nhờ nước mát thấm vào đuôi, rắn đã lần hồi tỉnh lại. Nó ngửi mùi sữa, khó khăn ngẩng đầu lên, thè lưỡi ra, lại yếu đuối gục đầu xuống đất. Rồi nó gắng gượng đưa miệng dầm vào muỗng sữa, chậm chạp uống từng hớp. Uống xong, rắn ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng rực như hồng ngọc nhìn chăm chú Bạch Huệ, làn nhãn quan của rắn có gì khác thường khiến Bạch Huệ rùng mình như thể một luồng điện chạy khắp thân hình em.

Bỗng mây đen tứ phía từ đâu ùn ùn kéo đến. Gió rung chuyển cây cối răng rắc. Đàn chim vỗ cánh bay xào xạc tìm nơi trú ẩn. Những làn chớp sáng loang loáng xé tan đám mây đen, rồi những hạt mưa bắt đầu thưa, sau càng nặng hột. Giây lát, trận mưa to trút xuống ào ào như thác đổ, phủ loà bầu trời một màu trắng đục. Mưa càng to, gió càng mạnh, chung quanh lâu đài nước chảy lai láng như một hồ rộng mênh mông.

Thiện Chí và Bạch Huệ nín thở, chân không bén đất chạy một mạch về nhà, áo quần chỉ ướt chút đỉnh. Chúng bước vào phòng khách đã thấy Xuân Lan, Thu Cúc và Đỗ Quyên quây quần nói cười vui vẻ.

Thiện Chí kể lại chuyện hắc xà hiện hình trong lúc Bạch Huệ đang cầu khẩn tiên lùn một ân huệ. Rắn thần xuất hiện ! Điềm lành hay dữ, ai nấy đều mong nghe Bạch Huệ phát biểu ý kiến, nhưng em lặng thinh, tâm hồn của em mơ mộng đâu đâu !

Ngày mai, trời quang mưa tạnh. Bạch Huệ, Thiện Chí nóng lòng chạy ra hốc cây thăm sức khoẻ hắc xà. Xuân Lan, Thu Cúc, Đỗ Quyên cũng đi theo Bạch Huệ, nhìn mặt rắn thần. Nhưng gần đến hốc cây, ba chị em Xuân Lan đứng xa xa nhìn tới, chỉ Thiện Chí và Bạch Huệ đến gần rắn thám sát tình hình.

Rắn thần còn đó, nó chưa rời nệm cỏ êm ái trong hốc cây. Muỗng sữa hết sạch, chậu nước lã đen sì vì máu ở đuôi rắn chảy ra. Ba chị em Xuân Lan đánh bạo lại gần nhìn rắn cung kính sợ hãi :

- Rắn thần đen ghê !

- Rắn thần to ghê !

Trên đầu rắn nổi lên miếng thịt hình dáng vương miện, chắc hẳn là xà vương. Bạch Huệ dùng hai kẹp sắt kéo cái muỗng ra đổ đầy sữa và thay một chậu nước sạch. Lúc đầu, rắn có vẻ sợ hãi vì trông thấy đông người, nhưng khi nhìn ra Bạch Huệ, rắn yên tâm uống sữa.

Giây lát, bốn chị em Bạch Huệ đều phân tán vào rừng để rắn thần yên tĩnh dưỡng bệnh, thỉnh thoảng trở lui xem chừng rắn.

Hai ngày đầu, xà vương nằm lỳ trong gốc cây. Nhờ Bạch Huệ ân cần săn sóc, nên vết thương trên đầu và đuôi rắn đã bình phục. Đến ngày thứ ba, đột nhiên rắn bò lần ra khỏi gốc cây, khiến bọn trẻ hoảng sợ chạy tản mát. Bạch Huệ vẫn bình tĩnh đứng lại nhìn rắn.

Rắn uốn mình qua lại nhiều vòng như muốn thử thân hình còn mềm dẻo uyển chuyển không ? Đoạn rắn chậm rãi bò đi, thỉnh thoảng quay đầu lui như muốn rủ rê mời mọc Bạch Huệ cùng theo nó. Bạch Huệ cầm tay Thiện Chí cách quãng thủng thẳng bước theo rắn. Rắn thần bò đến gần một bụi cây rậm rạp, ngừng lại cuộn tròn thân hình, ngẩng cao đầu, thè lưỡi nhọn đỏ hỏn, đưa đôi mắt loè sáng nhìn Bạch Huệ.

Thoạt nhiên Thiện Chí liên tưởng đến chuyện nhiệm mầu của Tiên lùn :

- Tuồng như rắn chờ ta ước nguyện điều gì ? Hãy cầu xin rắn thần một ân huệ.

Nét mặt bừng nở một tia hy vọng, Bạch Huệ do dự giây lát đoạn quỳ gối xuống đất, hai tay đưa lên trời, thành kính cầu khẩn :

- Rắn thần, truyền lệnh Hùng Tâm trả lại vĩ cầm. Hãy ban tôi ân huệ ấy.

Rắn thần ngẩng cao đầu đưa qua đưa lại, đôi mắt sáng ngời như hai hạt kim cương. Miếng thịt trên đầu rắn thần nổi phồng lên giống vương miện. Lúc nầy, trông hình dáng xà vương thực ngạo nghễ oai vệ khác thường ! Đoạn rắn thần thè lưỡi đỏ như huyết, huýt một tiếng dài như tiếng sáo đồng, hạ thấp đầu xuống, chồm tới phía trước, lủi lần vào bụi rậm mất hút.

Bạch Huệ đứng ngẩn ngơ hồi lâu nhìn theo rắn thần luyến tiếc như thể đánh mất một vật quý giá.

Bạch Huệ, Thiện Chí và các chị em Xuân Lan kéo nhau trở về lâu đài, bên tai còn văng vẳng âm thanh tiếng huýt gió của rắn thần.

*

Sáng mai, một chiếc xe song mã ngừng trước lâu đài.

Bạch Huệ càu nhàu hỏi cô Giạ Hương :

- Lại khách nào đó nữa !

- Một ông khách lạ đem theo một chú nhỏ. Mới vào nhà, ông khách đã hỏi thăm sức khỏe em.

- Ai hỏi em thế kìa !

- Chú nhỏ cùng đi với ông khách cũng nói đến đây tìm Bạch Huệ. Họ đang ngồi chuyện vãn tại phòng khách, Thiện Chí cũng có mặt với ông bà Thiện Căn. Em lên mau, kẻo ba má đợi.

Bạch Huệ miễn cưỡng nối gót cô Giạ Hương, mặt không kịp rửa, tóc bù rối dính đầy cọng rơm. Em đứng ngập ngừng bên cửa nhìn vào phòng khách, dáng điệu rụt rè ngơ ngác, khiến mọi người không thể nín cười. Nhưng chú nhỏ theo ông khách lại không cười, tỏ vẻ xúc động khi nhìn thấy Bạch Huệ. Da dẻ sạm nắng, đôi mắt đen nhánh, chú nhỏ đứng nép bên ông già tóc bạc hoa râm. Bạch Huệ gặp làn nhãn quan nồng nhiệt của chú nhỏ khiến em không thể nhìn lâu ; và khuôn mặt ngổ ngáo nhưng dịu hiền nầy em đã từng thấy đâu, nay trí nhớ em lại quên lửng.

Bỗng từ buồng phổi em phát ra hai tiếng mãnh liệt :

- Hùng Tâm.

Em nhìn thấy một vật gì hình dáng dài bọc trong miếng vải hồng đặt trên đầu gối ông khách già. Niềm vui sướng vô tả làm em buột miệng hét lớn :

- Vĩ cầm.

Em đứng giữa gian phòng hai tay chụi mắt nhìn kỹ có phải vật đó là chiếc vĩ cầm hay là một giấc chiêm bao ! Em bước đến gần ông già đưa tay sờ mó chiếc đàn. Em không muốn khóc, nhưng em nghẹn ngào tự nhiên nước mắt tuôn trào. Những giọt lệ giải thoát một nỗi uất ức chồng chất bấy lâu.

Hùng Tâm đến sát bên Bạch Huệ, cảm động không nói nên lời. Ông khách tóc hoa râm nở nụ cười hân hoan cởi mở như đã thỏa mãn một việc đẹp đẽ tốt lành.

Ba má Bạch Huệ vội vàng hỏi con :

- Chuyện gì thế hở con ?

Ông già đỡ lời :

- Hùng Tâm đem trả vĩ cầm đã đánh cắp của Bạch Huệ. Hùng Tâm, con đến thưa đầu đuôi câu chuyện để ông bà rõ.

Hùng Tâm kể lại mọi việc : lúc Bạch Huệ giải thoát ra khỏi nhà xe, lúc Bạch Huệ cho mượn vĩ cầm, lúc cướp đàn và hành hung Bạch Huệ vân vân…

Đến lượt ông khách tiếp nối Hùng Tâm kể niềm tâm sự. Tuổi đã già lại không con, ông thích âm nhạc, mến nhạc sĩ. Ông từng du lịch khắp nơi. Cách đây vài mươi dặm, ông có ngôi biệt thự đồ sộ mà hằng năm ông đến trú ngụ độ vài ba tháng. Mùa xuân mới rồi, sau một chuyến du lịch từ xa về, ông dừng chân lại một thị trấn. Ông dạo xem phố xá, tình cờ gặp một chú nhỏ đang kéo vĩ cầm kiếm tiền ở vỉa hè. Ông đem nhạc sĩ tí hon về khách sạn cho ăn uống no nê và bảo kéo đàn ít bản nghe thử.

- Trong đời tôi đã nghe nhiều tiếng đàn, nhưng thực chưa có tiếng đàn nào làm rung động bằng tiếng đàn của thằng bé man dại nầy. Quả tiếng đàn thiên phú, trong âm điệu tiết tấu chứa đựng một tâm hồn chân nghệ sĩ. Hỏi nó không cha không mẹ, tôi đem nó theo và sau vài tuần lễ sống chung, chúng tôi đồng ý rằng định mệnh đã ràng buộc với nhau một già một trẻ. Hùng Tâm, con vua du mục, nhạc sĩ tý hon, từ nay mang dòng họ tôi và chắc nó cũng không hối tiếc. Nó đem đến cho tuổi già tôi một niềm an vui, còn tôi phải bao bọc nuôi nấng nó suốt đời, không để nó thiếu thốn một thức gì.

Để tỏ lòng biết ơn cha nuôi, Hùng Tâm trìu mến hôn tay ông già. Ba má Bạch Huệ không ngờ chú bé lễ độ, y phục sạch sẽ trước mặt lại là tên du mục đen đủi nhơ bẩn trước đây đã bị giam trong nhà xe.

Ông khách già đến ôm Bạch Huệ lộ vẻ cảm động :

- Tôi và Hùng Tâm không bao giờ quên em đã giúp đỡ nó. Chúng tôi sắp đi du lịch nơi xa, mong em nhận vật kỷ niệm nầy để chứng tỏ tình bằng hữu thân mật giữa em và Hùng Tâm.

Ông lấy trong hộp ra một sợi dây chuyền vàng đính chiếc thánh giá đeo vào cổ Bạch Huệ.

Châu về hợp phố, Bạch Huệ đem chiếc vĩ cầm cất vào tủ bà nội, chiếc đàn không ai ngờ đã phiêu bạt giang hồ khắp nơi, nay trở về cố chủ. Ba má Bạch Huệ không nỡ la mắng em và bây giờ má em mới rõ nguồn cơn vì sao mấy tháng nay em buồn phiền mất ăn mất ngủ.

Ông bà mời hai cha con Hùng Tâm ở lại dùng cơm trưa cùng gia đình.

Cơm xong, Bạch Huệ rủ Hùng Tâm vào rừng dạo chơi. Từ hôm tiếng độc tấu vĩ cầm vang lừng nơi rừng rú, lần đầu tiên hai trẻ lại gặp nhau. Bạch Huệ không quên kể Hùng Tâm nghe câu chuyện Tiên lùn và rắn thần đã giúp đỡ thâu hồi vĩ cầm. Em kết thúc :

- Thật chẳng khác một chuyện thần tiên !

Hùng Tâm rút trong túi áo một hộp nhỏ, rụt rè trao Bạch Huệ :

- Phần riêng tôi, xin tặng Bạch Huệ một vật lưu niệm. Nhờ chiếc vĩ cầm của Bạch Huệ, tôi kiếm ra tiền và với tiền đó tôi đã mua vật này. Huệ hãy giữ lấy để nhớ tiếng đàn của tên du mục Hùng Tâm.

Nó mở hộp, Bạch Huệ nhìn thấy một búp bê : thằng mọi con nhỏ bằng ngón tay, tóc đen nhánh, mặc áo màu sặc sỡ.

Bạch Huệ vỗ tay reo mừng vì em chưa bao giờ thấy một búp bê ngộ nghĩnh lạ lùng như vậy. Em thích mọi con nầy hơn sợi dây chuyền thánh giá sáng lòe đeo nơi cổ.

- Cảm ơn Hùng Tâm, Huệ không bao giờ rời nó.

Đến chiều, hai cha con Hùng Tâm từ biệt ba má Bạch Huệ, nhắc nhở luôn luôn tấm lòng quí hóa hiếm có của em.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>