năm
Về Saigon, tôi sống những
ngày trông chờ và hy vọng. Sáng mùng hai tết, tôi lại chúc tết gia đình Thành
tại một căn nhà có sân rộng ở vùng Tân Định. Ông Tạo cũng vừa lái xe hơi ra đến
cổng, tôi cúi đầu chào và gửi ông những lời chúc tụng đầu năm. Ông bắt tay tôi
và vui vẻ chúc lại tôi sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong kỳ thi sắp tới. rồi
ông nhìn tôi bảo:
- Còn thằng Thành bác lo
ngại quá. Hai anh em chơi thân với nhau, cháu cố giúp nó chăm chỉ trong việc
học, bác rất cám ơn.
Tôi bảo:
- Thưa bác, việc học chung
của chúng con có lợi cho cả hai đứa, Thành sáng trí hơn con nhiều.
Đột nhiên ông tươi cười, vồn
vã bảo tôi:
- Bác phải đi thăm mấy người
bạn. Ngày mai, nếu không trở ngại cháu đi Cấp chơi vài hôm với gia đình bác,
công việc cuối năm bề bộn, nhưng các em nó làm áp lực quá, bác cũng phải chiều
ý.
Tôi nghĩ việc ấy không thuận
tiện, nhưng vẫn cảm ơn và bảo sẽ về xin phép gia đình. Nghĩ đến câu nói của ông
Tạo “Nhưng các em làm áp lực quá” tự nhiên tôi thấy buồn cười và mừng thầm cho
Thành. Tôi biết áp lực ấy, là do chính hắn chủ mưu.
Sau tết tôi thấy bồn chồn
cùng cực. Có lẽ ngày giờ này Trân trở về Đalat rồi vì các trường đều đã mở cửa.
Cả chị Hoàng cũng không có tin tức gì. Địa chỉ tôi đã ghi rõ trong hai tấm
thiệp chúc tết… nỗi băn khoăn khiến tôi không được vui và đôi lúc thẫn thờ trước
bàn học. Tôi hỏi ý kiến Thành thì hắn cũng chỉ bảo:
- Chúng ta không thể nói gì
cho đến khi nhận được thư của hai người.
Nhờ câu nói của Thành, tôi
bình tĩnh hơn.
Trung tuần tháng giêng âm
lịch, tôi vui mừng và hồi hộp biết bao khi nhận được cả hai lá thư, gửi cách
nhau vài ngày. Thư Trân đến trước. Cô bé hỏi thăm tôi về những ngày ăn tết ở
Saigon và cho biết, xa nhà thì nhớ mà đến lúc trở về thì tủi thân cho hoàn
cảnh, nên ăn tết năm nay ở Huế thật buồn và cô đơn. Đến cuối thư, có đoạn Trân
viết thế này, ý tưởng kín đáo và mơ hồ:
“Trong đời sống, Trân đã gặp
nhiều tâm hồn đáng quí trọng và thương yêu Trân hết sức. Anh là một trong những
tâm hồn ấy. Những cảm tình của anh dành cho Trân khiến Trân cảm động vô cùng.
Trân là một đứa con gái bé nhỏ, cho đến bây giờ vẫn phải sống bám vào nhiều
người thân về cả vật chất lẫn tinh thần, biết đến ngày nào, Trân mới đền đáp
được? Điều ước mong lớn nhất của Trân hiện tại là không bao giờ làm buồn lòng
người thân, dù ai cũng vậy. Trân luôn luôn yếu đuối và hay lầm lỡ… “
Lá thư của Trân không những
không đem lại cho tôi một chút tin tưởng nào, trái lại đã gieo thêm niềm hoang
mang mới. Thư của chị Hoàng thì có vẻ lạc quan hơn, chị hồn nhiển kể lại những
ngày vui bên người chồng yêu dấu, anh Hùng về trưa hôm 28 tết, nghĩa là rất
đúng hẹn. Thời giờ không kịp để hai người đi Huế nhưng cũng chính vì thế mà họ
được rảnh rang cùng nhau đi thăm cảnh đẹp những vùng lân cận. Chị bảo có giới
thiệu Linh với anh Hùng, anh tỏ ý vui khi có một người em mới, giống mình ở
nhiều điểm, anh hy vọng anh em sẽ được gặp nhau một ngày gần đây.
Trong thư, chị cũng cho biết
mọi việc chưa đi đến chỗ mong muốn, nhưng chưa có gì ngăn trở. Trân bây giờ vẫn
như con chim non, đang hồn nhiên về tình cảm cũng như đang có hiều ước vọng, ai
đem đến cho Trân niềm tin yêu trong lúc này, kẻ ấy sẽ được Trân đến đáp xứng
đáng. Chị Hoàng viết tiếp:
“Điểm yếu của Trân là hoàn
cảnh cô độc, cần được an ủi và có nguồn vui. Là gái và cũng là kẻ sống đồng
cảnh ngộ, chị hiểu rõ tâm trạng của Trân hơn ai hết. Em hãy đem đến cho Trân
những món ăn tinh thần ấy một cách khéo léo, tế nhị. Em cũng biết cái lãng mạn
kín đáo, nhưng không thiếu mãnh liệt trong Tâm hồn Trân, hãy giúp người em
thương yêu những gì mà nàng mơ ước.
Về món quà em tặng, chị chưa
có dịp hỏi cảm tưởng của Trân thế nào. Dù sao em hãy an tâm học tập. Chỉ còn
bốn tháng nữa đến kỳ thi. Kết quả tốt đẹp trong những ngày sắp tới , chính là
món quà giá trị và ý nghĩa nhất của em dành cho Trân”.
Dù chị Hoàng đã giúp tôi bớt
lo âu, mỗi khi đọc lại lá thư của Trân, tôi lại thấy có một cái gì bí ẩn, không
mấy tự nhiên.
Tôi do dự mãi, rồi cũng cho
Thành đọc trọn hai bức thư trên. Buổi chiều sau giờ học mệt mỏi trên phòng thư
viện Đắc Lộ, tôi và Thành kéo nhau xuống sân ngồi nghỉ dưới những tàn cây bóng
mát. Đọc thư, Thành không nói gì, dáng lặng lẽ. Đến khi tôi hỏi ý kiến và bày
tỏ sự nghi nan của mình, hắn mới khẽ nhận xét:
- Chị Hoàng cẩn thận và đáng
tin cậy lắm, cậu có thể yên tâm.
Những ngày sau đó, tôi bắt
đầu quay vào bổn phận, đối với mình, với gia đình và cũng là đối với Trân nữa.
Tôi nghĩ lời chị Hoàng nói phải, rớt kỳ này, biết bao tai họa sẽ xảy đến, mà
Trân chắc chắn cũng không vui gì.
Thời gian sau tôi có gởi thư
cho Trân một lần nữa, nội dung hỏi han tình trạng gia đình, học hành của Trân,
cũng như mong sẽ được gặp nhau một ngày rất gần đây.
Trân hồi âm rất sớm và ngụ ý
bảo hai anh em hãy cùng nhau lo cho kỳ thi năm nay. Đậu rồi chúng ta sẽ làm
được nhiều việc.
Niềm hy vọng tưởng chừng
tiêu tan này phục hồi. Tôi mong cho việc thi cử mau tới để chấm dứt những ngày
tháng mong đợi.Những trang nhật ký viết về đêm đầy hứng thú. Những vần thơ
thành hình trên con đường có bóng mát và ghi vội lúc đến trường… Tất cả góp lại
thành một thứ kỷ vật vô giá cho nhau, kỷ vật kết bằng tim óc mà tôi sẽ tặng cho
Trân sau này.
*
Ngày tháng qua đi và mọi
việc đều tới. Ngày đi xem bảng, tôi đậu còn Thành bị rớt. Hắn có vẻ xúc động
mạnh, lần đầu tiên tôi thấy thế. Năm nay điểm thi chấm gắt, thí sinh nhiều
người trở về với vẻ mặt thảm hại. Nữ sinh khóc như mưa trước cổng trường.
Việc mình đã xong, nhưng tôi
thấy đau xót cho bạn. Những tháng gần đây Thành chăm chỉ khác thường, tưởng hai
đứa sẽ cùng nhau tiếp tục con đường học vấn, nào ngờ thực tế quá khắt khe. Buổi
chiều coi bảng về hai đứa im lặng đi bên nhau khắp các ngả đường, cho tới tối
mới trở về nhà.
Những ngày kế tiếp tôi và
Thành thường rủ nhau đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Một hôm Thành hỏi tôi:
- Những người mình thương
yêu là ai Linh nhỉ?
Tôi ngạc nhiên về câu hỏi ấy
nhưng cũng trả lời:
- Là những người sẽ đem đến
cho mình hạnh phúc và nguồn vui.
Thành mỉm cười, nụ cười
buồn:
- Không. Họ là những người
đem đến cho ta sự trống vắng.
Tôi im lặng và không hiểu
Thành muốn nói gì.
Một hôm tôi lại nhà thì
Thành đi vắng. Ông Tạo đang ngồi đọc sách ở phòng khách. Ông tỏ vẻ mừng rỡ, bảo
người nhà rót nước mời tôi và hỏi:
- Cháu có dự định thi vào
đâu chưa?
- Thưa bác, con rất thích
học kiến trúc nhưng không biết thi cử ra sao? Các ngành học chỗ nào cũng khó
vào.
Ông Tạo buồn rầu bảo:
Thằng Thành nó bị thua thiệt
hơn cháu nhiều. Nó buồn khiến bác cũng buồn lây, không biết khuyên giải cách
nào.
Tôi thành thật nói:
- Thưa bác, anh Thành quả
thật là thiếu may mắn. Những ngày học thi, Thành chăm chỉ hơn con và các bạn
nhiều lắm.
Ông Tạo nhắp ngụm nước trà
nóng ôn tồn bảo:
- Bác cũng nhận thấy điều
đó. Dạo này nó thường ở nhà và chăm chỉ việc học hành. Là bạn thân, cháu có
biết nguyên do nào thúc đẩy nó thay đổi đời sống không?
Tôi chợt buồn cho Thành và
thông cảm với gia đình bạn. Tôi nhìn ông trả lời:
- Thưa bác, Thành từ xưa vẫn
biết lo lắng cho gia đình.
- Cám ơn cháu. Câu trả lời
khiến bác cảm động. Bấy lâu nay sống bên cạnh con mà bác chẳng hiểu gì về con
cả.
Ông nhắp một ngụm trà nữa
rồi nói tiếp:
- Mới đây, nếu không nhờ
thái độ thành thật bày tỏ của nó, thì bác vẫn hiểu lầm… nó chính là đứa biết lo
cho hạnh phúc gia đình một cách đặc biệt.
Giọng ông trở nên sầu não và
ân hận:
- Nó thi rớt, gia đình bác
chịu trách nhiệm nhiều.
Bây giờ tôi mới hiểu câu nói
của Thành và càng thương bạn hơn.
Tiếng ông Tạo vẫn rõ bên tai
tôi:
- Bác không xấu hổ khi cho
cháu biết điều ấy. Thành vẫn bảo cháu là “người bạn hiền” cùa nó.
- Cám ơn bác.
Tôi chưa kịp nói thêm điều
gì thì ông Tạo nói:
- Thời kỳ ở học đường giúp
ta tìm được nhiều bạn bè nhất. Sau này ra đời mỗi người mỗi ngả, nhưng đi đâu
cũng cần có bạn, và nếu gặp được bạn thân cũ thì không có gì sung sướng hơn.
Tôi trở về nhà lòng buồn man
mác, nhưng lại mừng cho gia đình bạn đã tìm được sự thông cảm nhau. Đó là nguồn
hạnh phúc.
Riêng tôi, trái mong chờ đã
chín. Mỗi ngày qua là mỗi ngày thao thức. Nghĩ đến giờ phút gặp Trân lòng tôi
run lên vui sướng.
Ngày đi đã định. Ba má tôi
cho phép dễ dàng nhưng cũng nhận thấy ở tôi một đời sống lạ. Ông bà bảo nhau:
- Đalat có cái gì mà dạo này
nó đi luôn vậy?
Tôi cười thầm nói:
- Dạ, ba má cũng biết khí
hậu ở trên ấy tốt. Nhờ thế mà mỗi lần đi về con ăn học khỏe hơn đấy.
*
Buổi tối trước hôm thực hiện
chuyến đi lịch sử, tôi đến rủ Thành đi
ciné, cốt để được tâm sự với nhau. Lúc về, trời mưa tầm tã. Chúng tôi kéo nhau
về quán Thu Hương gần nhà Thành uống café.
Quán vắng. Hai đứa ngồi ở
một bàn nhỏ trong góc tối. Ngoài trời, mưa vẫn rơi nặng hạt. Mưa đêm thật buồn
và lạnh, những ngụm café nóng càng thêm ý nghĩa.
Tôi chợt bảo Thành:
- Cậu nghĩ gì về chuyến đi
nhập ngũ này?
Thành trả lời ngay, mắt vẫn
không rời đêm mưa ở ngoài hiên:
- Thì cũng như một chuyến đi
xa vậy thôi… xa nhất từ xưa đến nay. Có lẽ chính vì thế mà mình hơi xúc động
quá chăng?
Rồi hắn nói tiếp, giọng trầm
mà rắn rỏi:
- Việc ở lại gia đình, ba
mình có thể lo được, nhưng điều đó không chứng tỏ được điều gì chính đáng cả.
Cha mẹ thì lúc nào cũng lo cho con cái… Nhưng ở đời cũng nên đi xa một lần cho
biết.
Tôi thấy cần đem đến cho
Thành một chút tư tưởng êm đềm bèn bảo:
- Mình đã gặp bác và mọi sự
hình như tốt đẹp cả.
Thành không nói gì chỉ khẽ
gật gù. Tôi đổi câu chuyện hỏi:
- Đáng lẽ cậu phải đi Đalat
với mình mới phải.
Thành cười:
- Tại sao?
- Cậu ở Saigon
làm gì trong những ngày này?
- Cũng chẳng biết. Nhưng
“moa” đi có lợi gì cho cậu đâu? Bây giờ thì mọi người đều đã có bạn đồng hành
cả rồi.
Tôi hỏi:
- Cậu quên Thiên Hương, bông
Hồng Nhung
của cậu rồi sao?
Thành nhắp giọng bằng một
ngụm café rồi nói:
- Mới nhận được thư hồi đầu
tuần, cô bé thi đậu và có lẽ sẽ đính hôn với đại úy Chính.
Tôi sửng sốt. Thành gật gù
bảo:
- Có gì lạ đâu. Một đứa con
gái như Hương làm thế là phải.
Tôi thấy một chút khác lạ
trong thái độ của Thành liền hỏi:
- Đối với cậu, Thiên Hương
đã đi luôn rồi chứ?
Thành bảo:
- Cậu muốn nghĩ sao cũng
được…
Rồi hắn lấy ngón tay chấm
nước mưa đọng bên hiên nhà, vẽ những khoanh tròn, những số không to tướng trên
mặt bàn. Hai đứa im lặng. Trời hình như mưa nặng hạt thêm. Một lúc sau tôi bảo:
- Xin lỗi cậu về câu hỏi vừa
rồi… Mình có cảm tưởng những lúc gần đây, biết bao biến cố đã xảy đến cho cậu.
Thành nói, tay vẫn vẽ những
vòng tròn trên bàn nhưng vết nước mờ dần:
- Mọi vấn đề đều rắc rối,
cho đến khi mình không còn ở lại nữa.
- Không có gì quá đáng đâu
Thành, chính cậu, có lần đã khuyên tôi điều đó.
Thành im lặng một lát rồi
gật gù bảo:
- Ừ. Chỉ có kỷ niệm là đáng
kể thôi.
Sau đó, chúng tôi ra về.
Trời đã ngớt mưa đôi chút. Thành chúc tôi vui vẻ trong chuyến đi ngày mai và
sống những phút êm đẹp nhất đời. Thành rẽ vào nhà để lại mình tôi phóng xe giữa
phố đêm. Đầu óc tôi lan man bao hình ảnh và ý tưởng. Gương mặt của Thành với
những nét ưu tư thấy rõ, những tiếng nói thật buồn sầu và nghe xa lạ… Một lúc
nào đó mọi người đều sẽ thế trước những biến cố trong đời mình?
Tôi nghĩ đến Trân, đến rạo
rực cuộc vui sắp đến, đến ánh mắt, nụ cười ngự trị giữa hồn say… Giờ đây, cơn
mưa đã dứt hẳn. Mặt nhựa loang loáng ánh điện đường, muôn hình muôn bóng hỗn
độn vào nhau, và tôi chợt thấy cuộc đời hiện ra trong tâm trí.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG SÁU