Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

CHƯƠNG XI_TRÊN ĐƯỜNG TÌM NGỌC


CHƯƠNG XI


Rời A rát anh em Lai chậm rãi ngược đường về. Không nôn nả, không phấn khởi, không gì giúp chúng nức lòng tin như lúc ra đi. Chao, vị Gourou, con voi xám... đâu có gì là may mắn như ông tiên đoán? Kết quả chuyến đi là chúng trải qua vô vàn cực khổ, tủi nhục, đói khát và gầy thêm dù vốn đã gầy chút nữa, thế thôi. Đó là thành tích của Lai trong những ngày qua!

Không ngờ là chúng đi ngang trạm Y tế, thật ra đó chỉ là một cái bàn gỗ tạp đặt dưới gốc xoài, từ xa chúng đã tự hỏi cái gì làm cho đám dân nghèo tụ tập đông đến thế. Đến gần hơn, chúng nhận ra nhiều người hủi, mặt và tứ chi lở loét. Vài người nặng đến mức các ngón tay, ngón chân cụt lủn. Họ ngồi la liệt dưới bóng cây, kiên nhẫn chờ đợi. Lai sợ người hủi, song cũng đến gần một đứa nhỏ hỏi xem họ đợi gì. Nó được biết phái đoàn Y tế sắp đến, cho thuốc người cùi và phát sữa trâu miễn phí cho trẻ con, nếu muốn hãy chờ, sẽ được uống.

Lai không hiểu gì cả song đói quá nên quyết định chờ họ đến. Từ tối qua đến giờ nào có gì lót dạ đâu.

Chiếc xe jeep từ từ tiến lại. Cầm tay lái là bà bác sĩ người Ấn mặc sari trắng, cạnh bà là cô y tá người Thụy điển và một bác sĩ người Phi châu. Băng sau có một thùng sữa lạnh to cự đại và hai người: một Mỹ, một Đan Mạch, cùng to lớn râu ria xồm xoàm. Người Đan Mạch tên Bạch vui vẻ ưa pha trò, nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng Anh-Ấn làm các bạn anh vui lây, quên cả nhọc. Anh không gọi ai bằng tên thật cả: Ái Mỹ, cô y tá tóc vàng xinh xắn Thụy điển được gọi là "cô bé Thụy điển", người đàn ông Mỹ là "ông U.S.A", còn bà bác sĩ Ấn, trưởng đoàn được kêu là "Bà Ấn xinh đẹp".

- Ngồi thẳng lên cô bé Thụy điển! Nên nhớ cô là đại diện cho Tổ chức Y tế Quốc tế đó, nghe!

Ái Mỹ ngồi ngay lại, cười rất tươi. Bạch nói tiếp:

- Còn tôi đại diện cho UNICEF (I) cô biết chứ?

Nói xong anh âu yếm ôm bình sữa vào mình. Câu chuyện hướng về sức khỏe và thực phẩm. Ông U.S.A góp lời:

- Vệ sinh. Phải giữ vệ sinh...

- Thức ăn! Bạch cãi ở xứ tôi không ai có thể nghĩ gì, làm gì trước khi ăn sáng, ông bạn ạ!

- Vậy chớ anh Bạch ơi! Anh đã ăn điểm tâm chưa? Ái Mỹ chợt hỏi.

- Xui quá: chưa, cô bé ơi! Chắc tôi phải dùng tạm một hớp sữa cho tỉnh táo, sáng suốt tí.

Bọn người ngồi chờ dưới gốc xoài nhất loạt đứng lên, cả anh em Lai. Cái xe cắm cờ Liên hiệp quốc từ từ chạy chậm tiến đến bóng cây, rất chậm và khéo léo để khỏi đụng vào đám đông lao xao kia. Bạch loay hoay mang thùng sữa xuống, đặt lên bàn chỗ mát và bắt đầu phân phát với sự giúp đỡ của Ái Mỹ.

Từng người một trong đám hủi tiến tới đưa tay lên trán chào nữ bác sĩ. Bà bác sĩ tên Lan Anh khám từng người, ghi tên vào sổ rồi tiêm cho họ, có đồng nghiệp người Phi châu giúp sức. Họ được lãnh mỗi người tách sữa, coi như thưởng công họ đã không gây khó khăn khi tiêm thuốc. Nhưng lũ trẻ thì bắt chúng sắp hàng không dễ dàng gì. Bạch gào khan cổ bằng tiếng Ấn đặc biệt của anh:

- Đứa nào không đứng yên như khúc cây sẽ không được giọt sữa nào hết đó, nghe! Đứng yên, nghe! Và nhớ: uống xong là về nhà liền, chớ có la cà...

Anh em Lai sắp hàng gần cuối. Cam còm nhom đứng giữa hai đứa. Ái Mỹ nhận ra chúng đói hơn nhiều trẻ khác, cô hỏi bằng tiếng Ấn:

- Em tên gì?

- Thưa cô, em tên Lai.

- Còn em?

- Dạ, tên Mai, ở làng Cát Hoa phía Đông A-la-ha-ba. Cha em tên là ông ...

- Chị tên là Ái Mỹ (quay sang đồng nghiệp). Anh coi con bé xinh ghê chứ? Mà này, mắt nó làm sao thế? Anh thử coi coi!

Bạch cúi xuống quan sát mắt Mai một lúc, anh xòe mấy ngón tay trước mắt nó đưa sang phải rồi sang trái, anh lắc đầu:

- Nó chưa mù hẳn, nhưng có lẽ sắp mù.

- Hả? Anh nói... có phải mắt hột không?

- Tôi đâu chuyên về mắt?

Bạch nói rồi đưa cho anh em Lai hai tách sữa to và đổi hướng câu chuyện:

- Đây là quà của xứ dư dật tặng những xứ thiếu thốn. Em hiểu chứ?

- Không! Em chỉ thấy sữa ngon thôi.

Mai ngây thơ đáp. Cái ông này dài dòng về sự nghèo giàu làm chi khi cho nó sữa? Hai cái đó đâu ăn nhập gì với nhau?

Bạch dặng hắng:

- Cách đây rất xa có một xứ mọi người đều no đủ, không giống xứ này người đông thức ăn ít. Nếu bên đó có đứa trẻ nào nhịn ăn một que kem dùng tiền đó cho UNICEF, là đoàn chúng ta đây, thì các em xứ này được một tách sữa, giờ em hiểu chưa.

- Dạ, (Mai bỏ lửng câu trả lời và xin) thưa, Cam có được một tách sữa không?

- Cam là ai vậy em?

- Thưa, nó là chó của em...

- Cô bé Thụy Điển nghe chứ: nó đòi sữa cho chó. Nếu ta phát sữa cho tất cả chó đói ở xứ này, nhất định là ta không lo thất nghiệp.

- Được, được. Để chị cho, đây!

Ái Mỹ sốt sắng đặt một dĩa sâu đầy sữa xuống đất, Cam vẫy đuôi và tợp có vài hớp là hết sạch (ở xứ cô không bao giờ thiếu thức ăn cho chó). Bạch hỏi:

- Em ở đâu?

- Em ở tận Cát Hoa và đã đi bộ nhiều ngày mới đến đây.

- Sao? Đi bộ? Đi chơi hở?

- Thưa không, đâu phải đi chơi. Khổ chết, không ai chịu chở tụi em hết...

- Vậy thì đi làm gì? Bạch nôn nóng hỏi.

- Dạ, em dắt em gái em đến nhà thương chữa mắt mà... người ta không cho vào.

Hai nhân viên Y tế nhìn nhau:

- Có lẽ ta nên kể cho bác sĩ Lan Anh biết và nhờ bà khám cho con bé.

Bạch nói và trở lại với việc phát sữa người kế tiếp, những bàn tay có ngón đã cụt lủn đưa ra nhận cốc sữa một cách vồ vập.

Sau đó Ái Mỹ đưa Mai đến gặp bà Lan Anh. Lai chưa từng gặp một phụ nữ nào đẹp như vậy. Bà mặc một sa ri trắng quàng qua vai. Mầu trắng tinh khiết ở bà nổi bật giữa đám bụi và đoàn người khốn khổ. Nét mặt bà vừa xinh đẹp vừa trang nghiêm mà phúc hậu.

Hướng mắt Mai về phía ánh sáng một lúc rồi bà gọi đồng nghiệp da đen:

- Bác sĩ Kavuma! Ông khám hộ con bé xem!

Ông này gắn một kính tròn lên trán, nâng cằm Mai lên, bắt đầu khám. Bọn cùi vây quanh, những ông bà mặc áo trắng tinh mà chú ý đến con bé quê mùa đâu phải là chuyện thường ngày? Ông khám rất kỹ, ông ngồi trên gót chân, trước mặt Mai, bảo nó nhắm mắt, bàn tay ông nhè nhẹ ấn lên mí. Sau cùng ông đứng lên, nói bằng tiếng Anh Anh em Lai chả hiểu gì hết:

- Mắt hột rồi. Mới bắt đầu... Nó sẽ mù...

Ái Mỹ đang quỳ vịn lưng con bé, vội hỏi:

- Ờ! Có lẽ nào? Thưa bác sĩ? Thưa... chúng ta giúp được gì không?

- Làm sao được? ông nhún vai hiện các phòng chữa mắt đầy nghẹt người...

- Ta có thể bảo một người nhường chỗ cho nó...

- Đang chữa mà bắt người ta ra? Đặng người ta mù ư? Cô biết chớ: chữa một đôi mắt đâu có mau, hàng tuần có khi hai tuần hay cả tháng.

- Ta có thể kê tạm cho nó một giường Giọng Ái Mỹ run run sẽ nóng hơn nhưng có thể nào để mặc nó mù... Tội quá, thưa bác sĩ...

Đoàn Y tế vây quanh Mai thảo luận bằng tiếng Anh. Mai liếc nhìn từng người một, nó cảm thấy đây là phút quyết định số phận đôi mắt nó.

- Nghe đây! Cô bé Thụy Điển: ta không thể bỏ hai đứa trẻ ở ngoài, vả lại mùa mưa sắp đến. Phải tìm cách.

Bạch hỏi:

- Bà Ấn xinh đẹp tính sao? Thưa bà?

- Tôi nghĩ xứ này sẽ thêm bất hạnh nếu không cố giúp đỡ con dân mình... Ta không thể ra đi mà bỏ chúng lại đây, chúng đã...

Bạch cầu nhầu:

- Vậy mà nước tôi có người kêu là không có cách gì giúp đỡ ai cả, chỉ lo cho bản thân thôi.

- Xứ nào mà không có hạng người đó? Ái Mỹ nói.

Người Đan Mạch:

- Phải quyết định đi chứ!

Người Mỹ:

- Theo tôi thấy hai đứa bé can đảm này xứng đáng được giúp. Ta cứ mang theo rồi nghĩ cách sau.

Ái Mỹ rạng rỡ nét mặt:

- Ông nói đúng lắm.

- Nhưng chúng ngồi chỗ nào đây? Lời bác sĩ Kavuma.

- Được chứ Bạch sốt sắng chúng ngồi trên đùi chúng tôi (ý anh muốn nói anh và Ái Mỹ). Chúng không nặng hơn một lá thư đâu, gửi chúng bằng bưu điện cũng được nữa là.

Sau cùng họ cũng thu xếp xong: Lai ngồi trên đùi bác sĩ Kavuma, Mai ngồi trên đùi Ái Mỹ, còn Cam thì ngồi trên hai chiếc giày của Bạch.

Lai chăm chú nhìn bà bác sĩ xinh đẹp lái xe, trầm ngâm;

- Không phải con voi xám mà là cái xe xám giúp mình.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XII

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>