Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

CHƯƠNG VI_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN


VI

KHO VÀNG TƯỞNG TƯỢNG


Còn 8 ngày nữa hết hè, Thiện Chí phải trở lại kinh thành. Hôm nay trời đẹp tạnh nắng, Thiện Chí lại thơ thẩn một mình không tham gia những trò chơi hấp dẫn với chúng bạn. Nguyên do vì đâu khiến nó chẳng thích nô đùa ? Vì nó muốn chia xẻ cùng Bạch Huệ nỗi buồn phiền sầu muộn. Chẳng phải Bạch Huệ gắt gỏng khó tính xa lánh bạn bè, nhưng một tin khủng khiếp đã làm em bủn rủn tay chân. Lâu đài thân mến của gia đình Bạch Huệ sắp sang tay người khác. Ba em quyết định bán ngôi nhà họ Nguyễn cho một công ty để biến đổi thành nơi nghỉ mát cho du khách.

Hỏi sao em chẳng buồn phiền ! Trong gia đình, em là người tha thiết nhất ngôi nhà em đã sinh trưởng, em mến từng căn phòng từng cánh cửa. Còn khu rừng em quen thuộc từng lá cây ngọn cỏ, nay bỏ đi sao khỏi luyến tiếc ! Bạch Huệ buồn, Thiện Chí cũng buồn theo. Ước gì có tiền rừng bạc bể, nó bỏ ra chuộc lại lâu đài họ Nguyễn. Rồi hè đến, nó về nghỉ mát cùng Bạch Huệ, rong chơi khắp nơi rừng rú để mơ tưởng những câu chuyện thần tiên.

Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, nó đã nghe tiếng nói Bạch Huệ sau lưng :

- Thiện Chí, tôi sắp từ giã cõi đời. Mùa xuân năm ngoái, bệnh tim tái phát, bác sĩ cho biết nếu gặp việc buồn phiền, khó lòng sống nổi. Sang hè, bệnh tình thuyên giảm, nhưng nay gần đến mùa thu, tôi cảm thấy trong mình quá mệt nhọc yếu đuối. Tôi ngỡ đã chết hôm qua, khỏi phải từ biệt lâu đài thân mến.

- Sao Bạch Huệ lại nói lên những lời ích kỷ như thế ! Sao còn trẻ nhỏ đã vội chán đời ! Tôi không ngờ lời nói vừa rồi lại phát xuất ở một người nhiều từ tâm thiện chí như Bạch Huệ !

- Sao anh gọi tôi ích kỷ ?

- Tất cả mọi người trong gia đình, Huệ thương mến ai hơn hết ?

- Rừng núi.

- Tôi hỏi thương người nào, chớ rừng núi đâu phải là người.

- Thương bé Út, má tôi và cả anh nữa !

- Rõ ràng chưa ! Rừng núi đâu có cần đến Huệ. Bé Út mới cần đến Huệ. Nó thấy Huệ thì đưa tay đòi bế. Thế là nó thương Huệ. Chẳng những bé Út, còn bao nhiêu người thân mến trong gia đình đều thương Huệ, nhưng Huệ ích kỷ nên không nhận thấy. Nói nghe dễ dàng, nhưng người can đảm phải sống để cùng nhau chia xẻ mọi khó khăn cực khổ ở đời. Nếu biết phụng sự xã hội, chúng ta đều hữu ích. Phải sống ! Bạch Huệ, phải sống ! 


*

 Đang ngồi ăn, Bạch Huệ nhìn ba lo lắng :

- Nai vàng bỏ lại đây, ai săn sóc nuôi dưỡng nó ?

- Ừ, ba cũng quên chuyện đó. Chúng ta khó lòng đem nó lên đô thành, vì nai không thể sống tù túng trong căn phòng chật hẹp. Thôi được, ba sẽ gởi nai nhờ bà Thanh Nga nuôi nấng. Biệt thự bà ta ở gần đây, sau nhà có khu vườn rộng rãi.

Một đoàn thợ rừng đến đốn cây trong vườn sau lâu đài để xây dựng thêm những căn phòng nghỉ mát cho du khách. Tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng búa đóng đinh vang động như xé nát tâm can Bạch Huệ.

Thiện Chí nhìn nét mặt Bạch Huệ buồn rầu áo não :

- Làm sao kiếm tiền để chuộc lại lâu đài ?

- Chúng ta còn nhỏ kiếm đâu ra tiền !

- Hôm qua, tôi chợt nảy ra một sáng kiến. Nghe ba tôi kể chuyện cách đây vài cây số có một lâu đài sụp đổ vì trận động đất xảy ra vài chục năm nay. Lâu đài thuộc quyền sở hữu một bá tước già không con. Ông sống trơ trọi một mình với một lão bộc trong ngôi nhà thênh thang vắng vẻ. Lúc lâu đài sụp đổ, ông bị chôn vùi trong gạch đá với người lão bộc trung thành. Người ta đồn dưới hầm chứa rượu trong lâu đài có tàng trữ một kho vàng, nhưng ban đêm thỉnh thoảng thấy ông bá tước hiện lên với người lão bộc, nên không ai dám bén mảng đến gần. đêm nay trăng sáng, chúng ta thử mạo hiểm đến đó, biết đâu chẳng tìm ra kho vàng. Bạch Huệ đủ can đảm không ? Biết đâu Tiên lùn và rắn thần lại không giúp đỡ chúng ta một phen nữa !

- Sợ gì ! Nhưng làm sao tôi lẻn ra khỏi nhà mà chẳng ai trông thấy ?

- Đợi mọi người ngủ say, Huệ trốn ra. Hãy chuẩn bị sẵn sàng, lúc nào nghe tiếng huýt gió, Huệ nhảy qua cửa sổ đã có tôi chờ đợi ở ngoài. Chỉ chừng ba tiếng đồng hồ. Đi, về mất hai tiếng, thám hiểm trong lâu đài độ một tiếng. Chúng ta có thể trở về trước lúc mặt trời mọc.

Hai đứa hẹn nhau đến tối sẽ thi hành kế hoạch tìm vàng.

Nghe tiếng huýt gió, Bạch Huệ từ trên cửa sổ trụt xuống, tay cầm đôi giày đã thấy Thiện Chí sẵn đó. Dưới ánh trăng vằng vặc, chúng lẳng lặng dắt nhau rời khỏi lâu đài tiến bước. Thiện Chí đã một lần cùng ba nó ngang qua lâu đài, nên thuộc chừng đường sá. Nó kéo Bạch Huệ băng qua một cánh đồng đến một khu rừng rồi đi mải miết. Chúng hy vọng tìm thấy kho vàng nên quên cả mệt nhọc sợ hãi. Đi gần một tiếng đồng hồ, chúng đã trông thấy trước mặt lù lù một đống gạch đá khổng lồ ngổn ngang trên nền nhà rộng rãi bám đầy rêu cỏ. Đó là lâu đài của ông bá tước đã bỏ hoang vắng từ lâu.

Chúng hồi hộp, run rẩy, nắm chặt tay nhau để thêm can đảm. Chúng trèo qua đống gạch đá, dò dẫm từng bước một, nhìn thấy giữa nền nhà một lỗ hổng tròn bằng miệng giếng. Thiện Chí đoán dưới lỗ hổng là hầm rượu chứa đựng kho vàng, định bò xuống thám hiểm, nhưng ngó xuống thấy đen tối sâu thẳm, nên e ngại. Chúng không đem thang và dây thừng làm sao trụt xuống khỏi té bổ.

Đang chú mục nhìn vào hầm rượu, bỗng nhiên Thiện Chí nhảy hai chân lia lịa :

- Xem kìa, xem kìa ! Kho vàng đó Bạch Huệ thấy không ? Nó chiếu sáng loà một góc đó !

Bạch Huệ nhìn xuống hang, quả nhiên thấy một đống đen sì toả ánh sáng lấp lánh :

- Chúng ta đã tìm thấy vàng, nhưng làm cách nào đem vàng lên ?

- Không có thang, không có dây thừng, không thể nào trụt xuống hang. Chúng ta không đem đèn bấm, sợ rắn rít nguy hiểm lắm. Bây giờ đã mệt đừ, chúng ta hãy trở về. Tôi sẽ cầu cứu ba tôi giúp một tay khuân vác kho vàng.

- Nếu chúng ta rời khỏi nơi đây, kho vàng sẽ biến mất !

- Đã thấy đó rồi, biến mất sao được !

Chúng lại dắt tay nhau theo con đường cũ trở về lại lâu đài và về đến nhà vào lúc nửa đêm. Bạch Huệ tạm biệt Thiện Chí, lẹ làng leo lên cửa sổ vào phòng riêng. Sáng mai, vú già lên gác đánh thức Bạch Huệ, nhưng thấy em còn ngủ say sưa nên lại trở xuống.

Tại biệt thự, ông Thiện Căn cười rộ lên lúc nghe kể chuyện kho vàng vừa tìm thấy ở lâu đài ông bá tước. Nhưng Thiện Chí vẫn một mực khóc lóc năn nỉ cha mau đến lâu đài khuân vàng về, kẻo để lâu vàng sẽ biến mất. Ông thừa hiểu Thiện Chí nóng lòng kiếm tiền chuộc lâu đài cho Bạch Huệ, nên đã có trí tưởng tượng phong phú, nhưng ông cũng chìu lòng con, không nỡ làm tiêu tan ảo vọng của nó. Ông cùng Thiện Chí và gã đánh xe đem theo dây thừng, đèn bấm, lên xe độc mã tiến đến lâu đài ông bá tước.

Ban ngày con đường dẫn tới lâu đài bằng phẳng dễ đi, nên không đầy nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe ông Thiện Căn đã đến nơi. Thiện Chí vội vàng xuống xe kéo ông đến miệng hầm mà nó nhất quyết có vàng ở dưới.

Ông Thiện Căn thòng sợi dây thừng để anh đánh xe trụt xuống hầm thám thính. Tay cầm đèn bấm, anh rọi khắp nơi lục lọi tìm kiếm.

Ông đứng trên hỏi xuống :

- Anh đã thấy gì chưa ?

Thiện Chí cũng nôn nức hỏi dồn :

- Chắc nhiều vàng lắm hả ?

- Gỗ mục nhiều vô số, chớ vàng không thấy đâu cả !

Gã đánh xe thấy vật gì nhúc nhích dưới đống gỗ, sợ rắn độc nên anh hoảng sợ níu dây thừng leo lên.

Ông Thiện Căn nhìn vẻ mặt thiểu não thất vọng của Thiện Chí cũng không nỡ la mắng :

- Trong đêm tối, gỗ mục tỏa ra ánh sáng con không hiểu sao ? Con đem trí tưởng tượng kỳ lạ để cho Bạch Huệ một niềm hy vọng hão huyền.

Thiện Chí yên lặng cúi đầu lên xe.

Hai tiếng đồng hồ sau, Thiện Chí đến tìm Bạch Huệ với vẻ mặt thiểu não.

Bạch Huệ đã đoán biết sự thật :

- Kho vàng đã biến mất từ đêm qua. Trong giấc ngủ, tôi đã chiêm bao như thế. Thiện Chí đừng buồn nữa ! Hôm nay chúng ta đừng dạo chơi trong rừng núi, chúng ta hãy du lịch một chốn xa xôi bằng trí tưởng tượng. Nai vàng đã không còn, vào rừng rú làm gì ! Chúng ta sẽ đến một cõi xa xăm không bờ bến, nơi đó không sầu muộn biệt ly !

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII

 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>