Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

CHƯƠNG VII_LÂU ĐÀI THẦN TIÊN


VII

BẠCH HUỆ PHẢI SỐNG
 

Trước biệt thự ông bà Thiện Căn, một chiếc xe chất đầy rương hòm sắp sửa khởi hành. Một số bạn bè quen biết đến tiễn đưa hai vợ chồng ông trở lại kinh thành sau mấy tháng nghỉ hè ở thôn quê.

Ông bà đã ngồi sẵn trên xe, gã đánh xe còn đợi Thiện Chí để gia roi cho đôi ngựa cất vó. Thiện Chí đâu rồi ? Nó đang hàn huyên với bạn gái thân mến trước lúc từ giã cảnh đồng quê rừng núi. Trong giờ phút chia ly, đôi bạn còn biết bao chuyện tâm sự giãi bày, nhưng mặt nhìn mặt lại chẳng nói ra lời.

Ngày mai, Thiện Chí cắp sách đến trường gặp bạn bè cũ, nhưng kiếm đâu ra người bạn quí hoá như Bạch Huệ.

Cầm tay Bạch Huệ, Thiện Chí tự nhiên thốt ra lời nói ngắn ngủi nhưng bao hàm biết bao ý nghĩa :

- Bạch Huệ. Phải sống ! Phải sống !

Gã đánh xe gia roi, xe chuyển bánh. Thiện Chí còn ngoảnh mặt lui nhìn Bạch Huệ lần cuối cùng.

Tại lâu đài họ Nguyễn, người ta cũng đang rộn rịp sắp đặt chuyến khởi hành. Bỗng một chiếc xe độc mã ngừng lại trước sân.

Mọi người ồ lên một tiếng ngạc nhiên, nhìn thấy từ trên xe nai vàng nhảy xuống. Nó đã biến đổi lạ thường : thân hình tiều tụy, bụng lép kẹp, lông xù, dưới hai khoé mắt dính đầy ghèn. Bạch Huệ chạy đến ôm nai vàng vào lòng nước mắt ràn rụa.

Bà Thanh Nga bước xuống nói liên hồi :

- Tôi đem nai vàng trả lại hai bác, tôi đành chịu thua nó. Suốt tuần lễ nay, nó tuyệt thực chẳng thèm ăn uống, đến nỗi sữa cũng chê. Và nó lại khóc thực tình, nước mắt chảy xuống từ hai khoé mắt, tôi không bày đặt đâu !

Nai vàng chạy đến liếm tay mấy chị em Bạch Huệ, vào khắp các phòng ốc trong lâu đài. Nhìn thấy vú già đang bế bé Út trên tay, nó mừng rỡ cuống quít nhảy hai chân trước chồm lên lưng vú.

Còn bé Quê ? Tình cảnh cũng đáng thương không kém nai vàng, Bạch Huệ đâu muốn xa rời nó, nhưng một búp bê quê mùa xấu xí làm sao chịu nổi đời sống xa hoa rộn rịp ở thị thành.

Hồi năm ngoái, bé Tý lên 8, con bác Sửu ở cách nhà Bạch Huệ độ vài dặm, bị xe ngựa dằng trúng hai chân, nên phải ngồi một chỗ tàn tật suốt đời. Mẹ Bạch Huệ đề nghị đem bé Quê tặng bé Tý để an ủi em bé tàn tật quạnh hiu. Mặc dầu Bạch Huệ rất luyến tiếc bé Quê, nhưng nay em sắp từ bỏ tất cả để lên tỉnh thành, nên chẳng còn thiết gì nữa ! Em nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của bé Tý, nên vui vẻ thuận lòng cho bé Tý búp bê thân mến của em.

Bước vào căn nhà xiêu vẹo của bác Sửu, Bạch Huệ nhìn thấy bé Tý xanh xao ốm yếu ngồi một mình trong xó tường. Em cầm búp bê đặt vào bàn tay em bé tàn tật :

- Chị sắp rời khỏi nơi đây. Trong lúc các trẻ em khác nô đùa vui vẻ, riêng em buồn thiu không bè bạn, nên chị đem búp bê nầy tặng em để em đỡ hiu quạnh.

Bé Tý mở đôi mắt thao láo nhìn Bạch Huệ :

- Chị cho em thật à !

- Chị đâu có gạt em ! Búp bê nầy ngoan lắm, em nên đối xử tử tế với nó. Em ở lại mạnh khoẻ.

- Cám ơn chị.

Đôi tay gầy ốm bé Tý siết chặt bé Quê vào lòng sung sướng. Trong đời nó, đây là vật đầu tiên người ta đem tặng nó.

*

Từ ngày bà Thanh Nga trả lui nai vàng cho gia đình Bạch Huệ, nai càng ngày càng trở nên hoang dại. Suốt ngày nó đi lang thang trong rừng không trở về nhà. Linh tính cho Bạch Huệ biết em không thể giữ mãi nai vàng bên em. Em cũng sắp rời khỏi lâu đài, ai là người bảo vệ săn sóc nó. Chi bằng trả tự do để nó trở về rừng núi.

Một hôm trời vừa nhá nhem tối. Bạch Huệ đang nằm mơ màng trên cỏ dưới một gốc cây. Bỗng nghe tiếng động khẽ ở cành cây trước mặt, em trông thấy nai vàng từ trong bụi rậm nhảy ra. Nó nhìn quanh kêu lên một tiếng nho nhỏ, một nai tơ rẽ cành lá chạy đến đứng bên nai vàng. Nai tơ nhìn thấy Bạch Huệ lại nhảy vào lùm cây biến mất. Nai vàng chạy đến đưa mõm kề vai Bạch Huệ rồi thè lưỡi liếm má em. Đoạn nó nhìn về hướng rừng rú nhảy theo nai tơ mất dạng. Nai vàng theo bạn mới, bạn tâm tình đồng loại của nó.

Về nhà, Bạch Huệ kể chuyện nai vàng cho ba má nghe.

Ba Bạch Huệ an ủi con :

- Thế là chúng ta yên tâm về số phận nó. Nó không trở về với người nữa ! Bây giờ rừng rú sẽ bảo vệ nó ! Ba sẽ bỏ một ít rơm rạ cho hai vợ chồng nai ăn trong tiết đông lạnh lẽo. Ba còn nhờ viên chức sở kiểm lâm vùng nầy giữ gìn nó để khỏi bị thợ săn hạ sát. Con khỏi lo, bạn con sẽ hưởng một đời tự do sung sướng.

Càng ngày nai vàng càng vắng mặt ở lâu đài.

Đôi khi, nai vàng trở về liếm tay Bạch Huệ, uống một tý sữa rồi lại ra đi.

Tất cả đồ chơi của Bạch Huệ, em đều đem phân phát cho các chị em. Sợi dây chuyền của cha nuôi Hùng Tâm tặng em, em cũng đeo vào cổ cho bé Út.

Hôm nay là ngày cuối cùng của gia đình ở đây. Ngày mai phải từ bỏ lâu đài thân mến. Một xe ngựa chất đầy áo quần và đồ vật dụng sẵn sàng chuyển bánh. Thêm hai chiếc xe chở toàn thể gia đình họ Nguyễn cũng chuẩn bị lên đường. Mẹ Bạch Huệ cầm khăn tay chặm nước mắt, bà nội vẫn lần tràng hạt lâm râm cầu nguyện. Ba Huệ xem lại các phòng ốc trong lâu đài một lần chót. Ông giao xâu chìa khoá các phòng cho anh giữ nhà để trao lại cho chủ mới.

Đoàn xe lên đường tiến đến nhà ga.

Bạch Huệ lạnh lùng bất động như tượng đá, nhìn lại lâu đài cổ kính, đôi mắt không còn chút thần sắc.

Trên đồi núi, những cây thông còn lay động cành lá như muốn ngăn trở bước tiến của đoàn xe. Tiếng gió rì rào còn vang lên âm thanh :

- Bạch Huệ, Bạch Huệ… Huệ… uệ… uệ…

Đoàn xe ngừng trước nhà ga.

Bạch Huệ bừng tỉnh. Em còn sống ư ! Giờ giải thoát chưa đến sao ? Em bước xuống xe, lảo đảo đứng không vững, rồi từ cổ em đưa ra tiếng rên não nuột, em khóc nức nở. Mẹ em chạy vội lại, ôm em vào lòng. Em vẫn tấm tức khóc. Những hành khách đợi xe đến nhìn em thương hại.

Xuân Lan rỉ tai Bạch Huệ :

- Nín đi ! Mọi người đều nhìn em, không biết hổ thẹn à !

Má Bạch Huệ dìu em lên toa xe dành riêng cho gia đình. Những va ly lớn nhỏ và những đồ vật đem theo đều sắp đặt trong một toa xe khác.

Xe lửa bắt đầu chuyển bánh đem Bạch Huệ đến một nơi xa lạ, đem em đến một đời sống mới mẻ. Tiếng khóc Bạch Huệ nhỏ dần. Biết bao ý nghĩ dồn dập đến trí não em ! À ! Ta chưa chết ư ! Buồn phiền sầu não cũng không cắt đứt được mạch sống ta ! Em hồi tưởng vẻ mặt Thiện Chí ngạc nhiên ngơ ngác lúc nghe em nói chán đời không muốn sống. Tiếng nói Thiện Chí lúc từ giã em, còn văng vẳng bên tai : Bạch Huệ ! Phải sống, phải sống. Lời nói Thiện Chí hữu lý thay ! Nay em nghe tiếng bánh xe rít trên đường sắt cũng hoạ theo lời nói Thiện Chí :

- Phải sống ! Phải sống ! Phải sống !

Những lời Thiện Chí khuyên em lại rộn ràng bên tai :

- Ai cũng có thể phụng sự xã hội để giúp ích mọi người.

Tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc :

- Phải sống ! Phải sống ! Phải sống !

Bạch Huệ ngẩng đầu lên, mở đôi mắt sưng mọng, nhìn chung quanh em. Ba thản nhiên ngồi đọc báo, ba chị em Bạch Huệ ngắm nhìn phong cảnh qua cửa kính xe, bà nội tay lần tràng hạt, vú già bồng bé Út trên tay ru ngủ, còn má em xem chừng mệt nhọc lắm.

Em vội lau khô nước mắt, đứng dậy đưa hai tay bồng bé Út. Nó vui vẻ hít cổ em và kề sát đầu vào vai em.

Bây giờ tâm hồn em trở lại bình tĩnh. Câu chuyện thần tiên đã qua. Lâu đài cổ kính thân mến chẳng còn nữa ! Những tiên lùn không bao giờ xuất hiện trên thác nước. Còn rừng rú em không còn mơ tưởng để luyến tiếc.

Đời sống thành thị bắt đầu : em phải tập làm quen với nếp sống mới, phải giúp ích mọi người. Cố nhiên Chúa muốn thế, vì Chúa không đem em theo người lên thiên đàng.

Xe chạy chậm chậm, tiếng bánh xe rít trên đường sắt nghe càng nhẹ dần, nhưng Bạch Huệ vẫn còn nghe văng vẳng âm thanh bánh xe cút kít trên đường sắt :

- Phải sống ! Phải sống ! Phải sống !

Sau kính xe, hai bên đường đã thấy lố nhố phố xá.

Tiếng còi xe rú lên một hồi dài, xe lửa ngừng lại trước nhà ga.


MAI HƯƠNG          
Kể theo Helena Zakrzewska

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>