Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

CHƯƠNG XII_TRÊN ĐƯỜNG TÌM NGỌC


CHƯƠNG CUỐI


Bác sĩ Lan Anh đưa Lai về nhà vì nó không có thân nhân ở A-rát. Một biệt thự nhỏ, xinh xắn tiện nghi nằm trong bóng mát của vườn cây, na ná mấy khu vườn nó đã thấy mấy ngày trước.

Và giờ đây, nó rụt rè ngồi trong hành lang nhìn bà pha trà mời khách. Lai được ăn bánh no nê, kèm theo tách trà pha mật. Chia bánh cho Cam xong, nó ngồi nhìn chân mình. Trên người Lai chỉ còn đôi chân và cái quần bẩn nhắc đến những khổ sở đã qua. Kỳ diệu quá, đến nỗi Lai còn kinh ngạc! Chao! Cam vẫn còn đây! Nó đang nằm gác đầu trên hai gối chủ, chắc chắn đó là sự thật. Thế mà Lai vẫn ngỡ mình mơ, nó có cảm tưởng cử động một tí, nó sẽ tỉnh dậy và mọi điều tan biến mất.

Chuyện Mai đến nhà thương cũng giống giấc mơ nữa, nhất là lúc đi ngang viên gác cổng dữ dằn, Lai thấy gã lễ phép cúi chào bác sĩ Lan Anh thay vì cản trở. Rồi em Mai của nó nằm trên một giường nhỏ kê giữa những giường lớn, trải ra trắng như tuyết đọng trên đỉnh Hy mã lạp sơn. Mai được tắm rửa, săn sóc chu đáo, khi Lai vào thăm em thì con bé buồn ngủ đến nỗi chỉ đủ sức cười với anh. Nhìn Mai nằm yên ổn, Lai tưởng mình vừa trút khỏi vai một gánh nặng đã mang từ nhiều ngày tháng.

Bởi vậy, nó như nhẹ hẫng, choáng váng, như lơ lửng giữa không trung dù chân đặt trên thềm nhà bác sĩ. Mọi người đều có mặt, Ái Mỹ và Bạch vẫn vui vẻ đùa nhau, trêu nhau. Người Mỹ, bác sĩ Kavuma và nữ chủ nhân cùng một nhóm bác sĩ Ấn khác. Họ say mê bàn về chương trình 5 năm ở Ấn. Lai chợt nhớ cái hộp ở nhà Ất Vi đã phát ra những câu khó hiểu: niềm hy vọng cho các người cùi, hàng triệu bạc bỏ ra thực hiện.

Ai cũng tử tế với Lai. Nó ngắm bà bác sĩ dịu dàng xinh đẹp trò chuyện với khách, nụ cười tươi nhẹ như một đóa hoa. Bác sĩ Kavuma đích thân hỏi chuyện Lai.

Phải: ai cũng tốt với nó cả, nhưng dù được biệt đãi, Lai vẫn cảm thấy lẻ loi.

- Đến đây, Lai! Ta muốn hỏi chuyện con.

Lai đứng lên theo nữ bác sĩ, Cam lẽo đẽo theo sau. Bà mở đầu:

- Bác sĩ Kavuma cho hay là con mắt em con có thể lành. Rất may: chưa muộn lắm. Nhưng mà phải mất nhiều ngày... Này Lai ơi! Con mừng chứ? Ta cũng... mừng... Ủa, con làm sao vậy, hở Lai? Con đau ư?

Lai tựa lưng vào ghế nhưng nếu không nhờ cánh tay thân ái của Lan Anh, có lẽ nó đã gục xuống, không gượng nổi, trời bỗng dưng tối sầm và mặt đất thì rung rinh. Nó chếnh choáng như kẻ say... Tuy vậy, Lai cố gượng.

Lời bà cũng như tiếng trò chuyện của mọi người như từ một cõi mơ hồ nào vọng đến tai Lai, Cam liếm mặt nó còn bà Lan Anh nhu hòa thì ngồi cạnh nó. Bậc thềm mát rượi và gió chiều hây hây vuốt ve Lai làm Lai hồi tỉnh.

- Lai ơi! Con xúc động quá đấy chứ gì? Hay là con đau?

- Thưa bà, vâng, con mừng quá!!!

Chợt Lai nảy ra ý kiến:

- Thưa bà, con muốn nhờ bà viết giúp con lá thư gửi về làng. Con không biết viết. Thưa, có được không?

- Được lắm chứ, con. Con muốn viết gì?

- Thưa, bà viết hộ rằng em con đã được vào nhà thương, rằng sau vài tuần trăng chúng con sẽ trở về.

- Còn gì nữa không?

- Thưa bà, hết. Vị Gourou sẽ đọc cho cha con biết, cha mẹ và bà nội sẽ mừng.

- Lai, con hãy kể ta nghe chuyện ở nhà con.

- Thưa bà, vâng! Cha con là một nông dân giỏi ở Cát Hoa, không ai hơn cha con về tài làm ruộng. Mẹ con thì trồng rau sau nhà...

Bằng giọng chậm rãi, rành mạch, Lai cho bà biết mẹ nó đã nơm nớp lo sợ lũ con chết vì chứng sốt ra sao, bà nội Lai khôn ngoan ra sao, các em nó ra sao, đàn gia súc cũng được kể tỉ mỉ, bắt đầu từ bầy trâu đến con Xích Mi; về mái nhà nơi gia đình sum họp mỗi chiều, ngắm tinh tú đêm đêm... Rồi đến cuộc hành trình đầy gian khổ, đến ông Sâm Du tốt bụng tuy nghèo, đến bà Hà có hàng tá con mà cũng tốt, đến cái nhẫn của bà Ất Vi, đầu mối khổ nhục của anh em nó, lão gác cổng xe lửa, thằng Giang chột mắt, toán thợ hồ, người gác cổng bệnh viện, hai gã bất lương một ốm, một mập đã lừa nó cách nào, nhất nhất không bỏ qua một chi tiết nhỏ.

*

Nữ bác sĩ lắng tai nghe chăm chú như bà không có gì quan trọng để làm. Sau cùng bà dịu dàng bảo Lai:

- Rồi đây cha con sẽ không còn phải tới vay tiền hạng nhà giàu cắt cổ như vậy nữa. Ngân hàng sẽ mở ở làng, theo dự án chương trình 5 năm của Ấn. Các nông dân được vay tiền mua giống mà trả lời rất nhẹ. Khi đó
giọng bà vui vẻ rồi vợ chồng Ất Vi chỉ còn ngồi không, nhìn nhẫn và tiền. Chẳng ai thèm vay của họ nữa đâu.

- Hay quá, thưa bà...

- Người ta cố gắng rất nhiều để giúp xứ Ấn và cả những xứ nghèo khắp thế giới. Thật bất công khi một vài xứ thừa thãi mà nhiều xứ khác thiếu ăn. Song điều này không dễ thực hiện vì không phải ai cũng giàu lòng từ ái, con ạ!

Lai hiểu những lời bà Lan Anh. Phải! Lai đã có kinh nghiệm về điều này.

- Lai, ta hỏi con điều này: có phải con đã đi bộ từ quê con đến đây vì mục đích giúp em con?

- Thưa bà, không phải chỉ vì em con đâu nó hơi do dự song rồi lại nói thật.

- Thế thì tại sao?

- Em con lành mắt thì sẽ được vào trường học, và con hy vọng con sẽ học nhờ lại của nó.

- Ta hiểu ý con, cũng chính đáng đó chứ, Lai!

- ... Nhưng càng đi xa, con chỉ còn nghĩ đến mắt của em con thôi. Con muốn em con được lành lặn như các đứa nhỏ bình thường khác, đừng trở thành khổ sở như các ăn mày ở các sân ga...

- Ta hiểu giọng bà nồng hậu.

- Cho đến một ngày con tuyệt vọng, con nghĩ rằng người khốn cùng, dốt nát đông quá, làm gì đủ chữ cho tất cả. Thôi thì con cam chịu vậy...

- Con ngoan lắm, nhưng này con, chữ không phải là báu vật của riêng ai, mọi người đều có thể biết đọc, biết viết. Điều cốt yếu là thiếu thầy, thiếu trường ốc ở xứ ta, chớ không phải thiếu chữ đâu.

Bà cúi xuống xoa đầu Lai:

- Giờ đây con định làm gì?

- Thưa bà, con định tìm việc làm để đủ tiền dắt em con về sau khi nó lành mắt.

- Nghe đây con, vì con có chó ngoan, nên ta có việc cho con làm: canh chừng lũ khỉ đến phá cây trong vườn ta. Bom sắp chín rồi, bầy khỉ đang rình...

- Thưa bà, bà nói thật chứ?

Vẫn vuốt ve Lai một cách trìu mến, bà Lan Anh nói:

- Ta tin là con thừa sức để làm việc ta cần. Con Cam thì sủa to lên để lũ khỉ sợ, không dám bén mảng đến gần vườn cây, mà phải có mặt con để điều khiển con Cam. Nhà ta đông người thật, song ta sẽ tìm cho con một góc như đã thu xếp cho em con... Trong lúc chưa cần sự có mặt của con, thì...

*

Bà Lan Anh dắt Lai đến trường. Lai tò mò thích thú nhìn đám học trò ngồi xệp trên đất, hý hoáy tập viết. Thầy giáo đứng trước mặt chúng. Trên cao là bản đồ xứ Ấn Độ thật to.

Lai nghe bà Lan Anh nói chuyện với ông:

- ... Vâng! Nó hiếu học: đi bộ từ A-la-ha-ba tới đây chỉ vì muốn khỏi mù chữ. Tôi đã xin phép cho nó học tại đây và đã được nhận. Nó hơi lớn tuổi song tôi tin là nó bắt kịp bạn, không lâu đâu...

Chỉ vài hôm, Lai đã tập viết tên mình: L.A.I. Hết giờ học nó trở về nhà nữ bác sĩ, miệng hát líu lo như chim. Nó tự nhủ: "Ngày mai mình sẽ viết đẹp hơn!".

Rồi đây, ra khỏi y viện mắt em Mai sẽ xanh như ngọc bích, thoát khỏi cái màng trắng đục đáng sợ...

Trường không xa thành phố mấy. Quốc lộ chạy dài vô tận, nắng chói chang không một bóng cây. Lai đứng ngắm con đường một lúc và cảm thấy hai chân hơi đau. Chao! Con đường đến A-rát! Rắn rết, đói khát và nhọc mệt đã qua rồi, thật ư?

Và Sâm Du, và bà Hà những người tốt bụng đã giúp nó, nó sẽ còn gặp lại họ không? Còn bọn bất lương độc ác? Nhất là hai gã lừa nó lấy 8 rúpi ngon ơ kia? Họ sẽ ra sao? Lai bỗng thấy tức giận, hai tay nắm chặt lại, song rồi nhớ lời bà nội dặn không nên để tâm thù oán, Lai lại buông ra. Vả chăng Lai cũng vừa nhớ lại lời Sâm Du tiền lừa gạt mà có không phải là thứ tiền nằm trên lò sưởi, sẽ không đem may mắn lại cho kẻ gian. Lai thấy vui vì nghĩ thêm rằng số tiền nó sắp kiếm được do bà bác sĩ trả công nhiều hơn số tiền đã mất, và là thứ tiền nằm trên lò sưởi.

- Mình đã phí cả thời giờ, phải về ngay để còn làm việc chứ!

Thế là Lai vừa chạy, vừa hát trong lúc những hình ảnh cũ lần lượt hiện ra trong trí nó: những hình ảnh dễ thương của toán thợ dệt tí hon, của Sâm Du nghèo mà tốt bụng, của bà Hà phúc hậu, của ông Hoàng vui tính...

Con đường đến A-Rát! Nóng như một lò thiêu song cũng nhiều bóng mát, phải không Cam? Lai lại cười vang.
 

    
 nguyên tác:Maya aux yeux bleus    
của Aimée Sommerfelt            
MINH QUÂN - MỸ LAN  phỏng dịch     
Saigon, 13/8/74                  
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>