Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Giáng Sinh của tuổi nhỏ


Những chiếc lá cao su đã rụng xuống, cây trơ trụi. Những chú chim én không biết từ phương trời nào bay về, thật nhiều, từng đàn lượn trước lớp học. Trên các sợi dây điện ở thành phố, tôi bắt gặp mỗi sáng, từng bầy chim đậu ríu rít kêu. Mùa đông đang đến, đã đến từ hôm nào. Trời lành lạnh dễ chịu, tuy rằng buổi trưa vẫn nắng chói! Thời tiết đặc biệt của miền nam. Đoạn đường đất đỏ dẫn vào trường bụi mù, khiến mất hẳn vẻ thú vị, cái thú tuyệt vời của buổi sáng lành lạnh đứng ăn bánh mì nóng.

Mùa đông đến và Giáng Sinh cũng dò dẫm đến. Trên đường đi học, tôi bắt gặp một loài cây mà tôi không biết tên, loài cây có những chiếc lá xanh, đến mùa Noel lại nhuộm đỏ rực. Lá đỏ tươi tắn, thường là món hàng được ưa thích trong những trò chơi nhỏ. Noel! Danh từ đó, tiếng gọi đó vẫn làm tôi bâng khuâng, náo nức! Tuy rằng tâm trạng không nguyên vẹn như ngày còn bé, nhưng vẫn nôn nao mỗi Noel. Nỗi nhớ đằm thắm, dịu dàng về tuổi nhỏ, về những trò chơi vụng dại ấu thời. Nỗi nhớ vẫn hiện lên, thắm thiết mỗi khi thời tiết báo hiệu mùa đông đến. Ở thành phố này không có cái lạnh của làng quê, cái ấm áp ở buổi sáng sưởi ấm bằng lá cao su. Chỉ có bộ mặt diêm dúa của phố phường, màu của đủ loại áo len. Và với những việc đó, những thiếu thốn của ngày xưa càng khiến tôi nhớ tuổi nhỏ. Nhớ nôn nao, nhớ vô cùng…

*

Làng tôi ở miền Đông, đất đỏ, bụi mù mịt. Là một đồn điền cao su nên được bao bọc bởi những rừng cao su bát ngát. Làng nhỏ, xinh xắn giữa rừng cao su xanh, trông như một lâu đài của công chúa ngủ trong rừng. Những cây cao su thay đổi theo bốn mùa. Mùa hạ xanh mướt, mát cả mắt. Mùa thu thưa dần. Mùa đông rụng hết cả lá. Mùa xuân lá xanh mơn mởn, trổ hoa vàng nhỏ nhắn. Trường tôi học cách nhà hơn cây số. Mỗi sáng cùng vài đứa bạn đi học, băng qua những ao rau muống, ruộng lúa, băng qua con suối nhỏ là đến rừng cao su. Con suối cạn lắm vào mùa đông. Cây cầu bắc chênh vênh. Nước đã cạn, cây cầu ốm tong trông cao và khẳng khiu. Hình như vào mùa đông cái gì cũng khô cằn. Tôi chỉ yêu mùa hạ thôi. Mùa hạ bọn tôi còn đi bắt dế, tắm suối hay nhặt hột cao su. Đủ mọi trò chơi trong mấy tháng hè. Nhưng mà mùa đông còn có Giáng Sinh và Tết. Đó là những ngày vui.

Qua khỏi con suối nhỏ chúng tôi bắt đầu chạy nhảy. Vui lắm. Len lỏi trong hàng cây, chạy đá tung lá cây lên. Có nơi lá nhiều dày đến đầu gối, nếu bước nhẹ nhàng sẽ thấy thật êm. Tôi thích chạy trong rừng cây, trên xác lá. Những lúc chạy như thế chẳng thấy lạnh gì cả. Nhưng đến lúc vào lớp thì đôi chân mốc thếch lên. Bọn con gái thì trái lại, chỉ thích mặc áo len, đi ngay đường mòn hoặc đi quanh quất kiếm mai. Bọn con trai chúng tôi đôi khi cũng phá tợn lắm. Có lúc đi sớm, chúng tôi trèo cả lên cây. Mỗi đứa một nắm lá khô. Đợi bọn con gái đi qua ném bừa bãi xuống; làm nhiều đứa tưởng lá rơi, thích thú nhìn lên. Có đứa tức đến phát khóc làm bọn tôi phải nhảy xuống, chạy thật mau. Qua rừng cao su là đến chợ. Ngày đó chợ vui lắm, mỗi sáng ồn ào vui vẻ vô cùng. Má tôi cho hai đồng mỗi ngày, má tôi luôn luôn dặn nhớ ăn bánh bèo hoặc xôi. Nhưng tôi chúa ghét hai món này, tôi thường mua bánh mì. Mỗi đứa một khúc, vừa đi vừa ăn đến trường là vừa nhẵn hết. Gia đình tôi đạo Phật, nhưng tôi vẫn mong ngóng Noel mỗi mùa đông. Năm nào cũng vậy, cha xứ và dì phước vẫn đến trường tôi phát quà Noel. Cha thường vào lớp hỏi bọn chúng tôi về lễ Noel sắp đến. Những câu hỏi tầm thường, thế nhưng rất khó đối với học trò lớp ba. Cha thường hỏi như: “Ai biết lễ Giáng Sinh là ngày mấy? – Ông già Noel là gì? – Ngày Giáng Sinh là ngày gì?” Tôi nhờ có đọc sách nên cũng biết kha khá. Vì thế tôi thường trả lời các câu hỏi rất xuôi, được thật nhiều quà. Tuổi nhỏ ham chơi, ham bánh kẹo nên tôi vẫn chờ Noel mau đến.

Làng tôi cũng có một nhà thờ ngoài đầu làng. Từ nhà tôi đi ngược lên với lối đi học. Nhà thờ cất theo kiểu Pháp, tháp chuông cao vút ngạo nghễ trên một khoảng đất cao. Đường vào trải sỏi trắng nhỏ, giữa hai hàng so đũa cao vút. Ở đây còn nhiều anh đào nữa, tôi nhớ mỗi mùa Noel anh đào nở hồng cả bầu trời. Ngày xưa, tôi vẫn hái trộm hoa so đũa, anh đào hay trứng cá cho em tôi. Em tôi lấy hoa so đũa bứt mấy cánh ngoài, giả làm thiên nga trắng. Anh đào thì nó bóc ra sửa lại làm chú vịt hồng nhỏ nhắn! Em tôi chơi bán hàng với bọn hàng xóm một cách thích thú. Trong nhà thờ rộng bát ngát, hai dãy ghế dài xếp đều đặn. Tượng Chúa với vòng ánh sáng bằng néon bọc quanh, dọc theo các dãy cột có đặt những vỏ sò. Lúc nhỏ tôi cứ tưởng đó là đồ gạt tàn thuốc, thật là một ý nghĩ ngây thơ! Những năm tuổi nhỏ đó tôi chỉ vào nhà thờ mỗi năm một lần, vào dịp Giáng Sinh. Vào nhìn hang đá với những ngọn đèn màu, những bức tượng nhỏ nhắn xinh xinh. Người ta xếp thật nhiều cỏ xanh, giăng đầy dây kim tuyến rực rỡ và một ngôi sao to ở trên. Trông hang đá xinh xắn, màu sắc như một món đồ chơi. Tuy giống như đồ chơi, nhưng đó là món đồ chơi trang nghiêm. Ít khi bọn tôi dám đụng vào, tận trong cùng ý nghĩ vẫn xem đó là cái gì tối thiêng liêng. Nghĩ lại tức cười, có một lần em tôi đòi má tôi mua cho nó một hang đá y như vậy!

Giáng Sinh năm nào ở làng tôi cũng có rước kiệu hoa. Trong không khí lành lạnh về đêm, đi rước vòng quanh làng thật là thú. Đèn giăng mắc khắp ngọn cây quanh nhà thờ, đoàn người cầm đèn đi theo sau. Giáng Sinh ở làng tôi vui nhất là đêm đó. Đối với bọn nhỏ chúng tôi thì được tự do đi chơi đến 12 giờ, được lên nhà thờ xem hang đá, được vào rừng cao su ban đêm là những niềm vui lớn. Đó là những kỷ niệm đã xa khuất trong trí nhớ chập chùng.

Năm đó ở nhà thờ mừng lễ Giáng Sinh lớn hơn mọi năm. Từ chiều 22 đã thấy rộn rịp. Những sợi dây treo cờ màu sắc vui mắt, một hang đá to dưới gốc anh đào và hang đá bé hơn trong nhà thờ. Và mỗi năm đều trải thêm sỏi ở đường đi. Bọn chúng tôi rất thích sỏi ở đấy, dùng để bắn chim thì tuyệt. Vì thế nên năm nào sỏi cũng bị vơi đi rất nhiều. Nỗi vui mừng, chờ đợi với náo nức không thể tả trong tôi. Với nỗi chờ đợi đó, mong Giáng Sinh rồi Nguyên Đán, mùa đông như kém lạnh và đồng thời dài ngoằng ra.

Buổi sáng hôm 24 cha xứ đến trường tôi. Năm nay may quá, tôi được nhiều hơn năm ngoái! Nào là bánh kẹo rất lạ đối với chúng tôi, có cả ông Noel nhỏ xíu và con búp bê. Con búp bê cho em tôi hẳn là nó thích mê đi. Nhưng tôi vẫn thích những bức tượng nhỏ trong hang đá hơn. Tôi sẽ làm hang đá bằng đá thật, cho dây tóc tiên bao chung quanh. Đêm Giáng Sinh dẫn bọn hàng xóm lại khoe, chắc là nỗi vui mừng đong ngập mắt em tôi. Nhưng đó vẫn là mơ ước ; dù sao có mấy món đồ này cũng đủ vui lắm rồi. Tội nghiệp con Sen ở cạnh nhà tôi, nó chỉ được vài cục kẹo. Sen mới dọn nhà đến làng tôi, ba nó đi lính chết mẹ nó phải ở nhà bà ngoại. Con bé dễ thương nhưng nhát quá nên bị bọn con gái khác bắt nạt. Tôi thường thấy nó đứng vẩn vơ bên hàng rào dâm bụt vào giờ chơi lúc đi học về. Sen nhìn tôi thèm muốn. Chắc nó thích có nhiều bánh kẹo như tôi vì nhà nó đông em lắm. Một ý nghĩ vụt đến trong đầu tôi. Thế là tôi nhờ em tôi đem bánh kẹo sang cho Sen. Lúc sau đi qua nhà Sen, tôi thấy mấy đứa em đứng mút kẹo ngon lành. Trời lạnh mà chúng chỉ mặc quần cụt, ở trần cả bọn. Hình như kẹo bánh có quyền lực nào làm chúng quên lạnh, bắt chúng vui hay buồn.

Buổi tối, tôi, em tôi, Sen, em Sen với mấy đứa bạn dẫn nhau đi xem lễ. Trong suốt quãng đời thơ ấu, đêm nay vui nhất. Mọi người lũ lượt lên nhà thờ, bên trong nhà thờ vang vang tiếng đọc kinh. Phải chi tôi có thêm đạo Thiên Chúa nữa nhỉ? Phải chi tôi được vào nhà thờ, tôi được quỳ kính cẩn xuống nền đá hoa lạnh thì thú biết mấy. Thuở đó, tôi vẫn tin rằng : Chúa cũng như Phật sẽ giúp đỡ tôi, ban phước cho tôi, gia đình tôi và quê hương tôi.

Gần nửa đêm, đoàn kiệu bắt đầu đi. Những vùng ánh sáng chói lọi, những đốm lửa theo sau, quanh co như con rắn trong làng. Bọn tôi thích nhất hai cái kiệu hoa lớn. Trên đó có hang đá xinh xắn, có Đức Mẹ dịu hiền. Người ta cắm nhiều ngọn nến trắng lung linh, màu sắc dịu dàng làm tôn vẻ trang trọng, tinh khiết! Theo sau là một đoàn người cầm đèn. Đèn làm bằng bốn tấm bìa cứng có vẽ hình về Noel, bên trong là đèn cầy trắng. Cứ thế đoàn người đi khắp làng, trong đêm thinh lặng cao cả chỉ có tiếng cầu kinh. Có lần tôi xin được cây đèn, nhập bọn trẻ đi sau cùng. Thật là một đêm vui, đến giờ, tôi nhớ mang máng đó là những lúc vui nhất trong đời. Tuổi nhỏ sống hồn nhiên, không bao giờ bận tâm đến việc gì cả.

Bọn tôi đi sau cùng đoàn người. Sen và mấy đứa em có vẻ vui lắm, trông gương mặt rạng rỡ dưới đèn. Lát nữa hang đá được mang vào nhà thờ, bọn tôi được đến xem tự do. Tôi sẽ ba hoa chích chòe về những gì tôi biết ở lễ Giáng Sinh. Bọn chúng phải phục lăn, nhìn tôi với vẻ “kính phục” mà tôi mường tượng trong đầu.

Lúc đến đầu dốc dẫn vào nhà thờ, bọn chúng đòi tôi kể cho nghe. Thế là tôi được dịp trổ tài. Tôi nói về Chúa Hài Đồng, về Đức Mẹ, ông già Noel. Tôi nói đứa nào ngoan ngoãn, học giỏi thì ông già Noel sẽ cho quà. Lúc khuya ông sẽ bay vào nhà, mang quà để ở đầu giường. cả đứa nào không có đạo nhưng nếu ngoan thì vẫn được như thường. Bọn chúng cãi loạn xạ, đứa bảo tôi xạo, đứa bảo không có ông già Noel, ông già Noel làm sao bay vào nhà được, nhà tao kín lắm mà. Tôi cười, đứa nào không tin tối nay thì biết, nhưng mà chắc tụi bây chẳng có đứa nào ngoan mà ham. Thế là chúng tắc tịt, hết cãi nhau. Chỉ có Sen và em tôi không nói gì cả. Hai đứa nhìn đâu đâu, chắc đang nghĩ đến ông già Noel. Tuy ba hoa vậy nhưng tôi vẫn mong ông sẽ mang quà đến cho. Lúc đó tôi mơ một chiếc xe đạp, thật nhiều sách vở. Thật không gì vui bằng sáng thức dậy thấy món đồ mình mơ ước ở bên cạnh.

Đêm đó, đêm Giáng Sinh ở làng tôi, chắc chắn rằng ai cũng qua giấc mơ đẹp. Vì đêm đầm ấm, thắm thiết quá đỗi! Đêm cũng linh thiêng, mầu nhiệm vô ngần. Đêm Giáng Sinh làng tôi với tình thương yêu trải rộng, mênh mang giữa mọi người, tất cả mọi người.

Lúc về nhà, Sen hỏi tôi có ông già Noel thật không? Tôi cười và nói là có. Đối với tôi và Sen, tuổi nhỏ mơ hồ vẫn tin đó là sự thật. Tôi đọc qua sách thấy chuyện ông già Noel cho quà không có thật, nhưng sao vẫn tin rằng có, tin là sự thật. Sự thật làm hy vọng, nôn nao khi đi ngủ. Ở quê hương hiền hòa này, tôi với Sen, như tất cả mọi đứa khác đều tin rằng cuộc đời còn phép mầu.

Phép mầu năm đó đã đến với Sen, với em tôi. Ngay lúc về đến nhà, tôi đã có ý định. Tôi sẽ lén mang bánh kẹo, sách vở đến đặt trên giường của em tôi và Sen. Bánh kẹo lúc sáng vẫn còn, sách vở còn vài quyển chưa dùng đến. Con búp bê cho em tôi, ông già Noel  cho Sen. Hình ảnh mấy đứa em Sen mút kẹo làm thôi thúc tôi, tôi muốn nhìn thấy chúng vui. Năm đó tôi học lớp Nhất, đã đủ khôn, biết suy nghĩ.

Thế là tôi thức gần như trọn đêm đó, đợi em tôi vừa ngủ, vội vàng để dưới chân giường. Em tôi ngủ thật say sưa, nét mặt vui vẻ tưởng như nằm mơ thấy ông già Noel. Nhà Sen trống trải, không có cửa, chẳng có mùng. Gió lạnh buốt thế mà vẫn ngủ được. Gió cơ hồ len vào tận các ngõ ngách trong nhà, làm tôi lạnh run lúc đặt món quà dưới chân giường. Ba đứa nằm đắp chung một tấm chăn mỏng, đầu trùm kín lại. Thỉnh thoảng gió thổi bay tấm chăn trên mặt. Một đứa trở mình chui vào sâu hơn rồi ngủ tiếp. Chúng ngủ trông vui vẻ và thương yêu lẫn nhau. Tôi còn kèm theo mảnh giấy “của ông già Noel cho các cháu”. Chẳng biết tôi có đặt đúng dưới giường Sen không, tôi muốn cho Sen là đứa phát giác trước nhất, vui nhất.

Sáng mai thức dậy, Sen sẽ ngạc nhiên biết bao khi thấy quà. Chắc chẳng còn niềm vui to tát nào sánh bằng. Nhà Sen nghèo, món quà nhỏ nhưng là niềm vui to với từng nụ cười mỗi đứa. Đêm đó, lên giường ngủ tôi mong ông già Noel thật cho tôi chiếc xe đạp. Dù gì đi nữa, tuổi nhỏ vẫn tin mãnh liệt rằng còn có ông già Noel, còn phép mầu, còn có các bà tiên hiền lành. Phép mầu sẽ mang lại cho mọi người niềm vui vô tận. Cũng như niềm vui của Sen, của em tôi lúc sáng hôm đó.

Mỗi lần Giáng Sinh về, lại nhắc đến tôi kỷ niệm đó. Vụn vặt, tầm thường thế nhưng sao vẫn nhớ hoài. Đã lớn, nhưng tôi vẫn mơ mộng, mỗi mùa Giáng sinh. Mơ có ông già Noel thật để tôi bắt ông trả lại thời thanh bình xa xưa, trả lại làng xưa với bao kỷ niệm cũ. Phải chi một sáng mùa đông nào đó, nơi tỉnh nhỏ này, tôi đạt được những niềm mơ ước đó, để cho mọi người vui lên. Cuộc đời không phải là lừa lọc, cuộc đời lẫn lộn giữa mơ và thực, vẫn còn có những phép tiên. Y như niềm vui của Sen và em tôi. Ước vọng đó có xa vời lắm không?

TRẦN HỮU NGHIÊM   


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 16, ra ngày 20-12-1971)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>