Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Đi Tìm Mùa Đông


Thế giới đồ chơi hôm nay thêm một người gia nhập. Đôi “vợ chồng vũ công người Lào” càu nhàu:

- Chật quá xá còn thêm người vô hoài, không còn chỗ để mà vũ.

Cô Hồng bị mọi người cằn nhằn thì bực mình lắm, nhưng cô giả bộ làm sang trả lời:

- Xí, mấy người đừng ham. Tôi đi chơi hoài mệt quá, vào đây nghỉ chân vài bữa, lại tiếp tục đi du lịch nữa.

Tuy trả lời cứng vậy nhưng cô đoán biết cô sắp và đang là món đồ chơi phế thải. Người ta đã treo một chùm nho giả thật xanh ở cái kính chiếu hậu của xe hơi. Chùm nho đã chiếm mất chỗ của cô. Ngồi đong đưa nơi đó cô nhìn được tất cả mọi việc xảy ra khi xe di chuyển khắp nơi theo ý chủ nhà. Cho nên tính ý của cô cũng lắm điều như cái sự mà cô biết được rất nhiều.

Mọi người trong tủ kiếng rốt cuộc phải chấp nhận, mỗi người chịu khó xích vô một chút, nhường chỗ cho cô Hồng ngồi bó gối ở gần chỗ mở cửa tủ kiếng.

Mùa đông sắp đến. Ở Saigon không có vẻ gì là lạnh lẽo cả. Người ta chỉ làm đẹp cho phố phường bằng những chiếc áo len mỏng dính đủ màu. Thế giới đồ chơi thì biết được mùa đông khi nào cô bé chủ nhà đặt thêm đồ chơi mới lạ vào tủ kiếng.

Nhưng trong đám đồ chơi có một kẻ biết rất nhiều về mùa đông. Đó là “ông người tuyết”. Ông ta luôn luôn đứng im lìm trong một bầu thủy tinh tròn cạnh căn nhà phủ ngập tuyết. Muốn nhìn cảnh tuyết rơi ư? Cô bé chủ nhà sẽ cầm bầu thủy tinh dốc ngược lên và lắc vài cái. Đặt bầu xuống, bọt khí sẽ từ từ chìm xuống giống y cảnh tuyết rơi. Và “ông người tuyết” sẽ đón lấy trong dáng điệu co ro nhưng sung sướng. Mọi người hôm nay ngừng công việc của mình để lắng tai nghe cô Hồng kể chuyện. Cô Hồng kể đủ chuyện “trên trời dưới đất”, đủ mọi loại buồn vui. Và tất cả bị lôi cuốn theo giọng nói hấp dẫn của cô nghe thật say mê.

Bỗng dưng cô Hồng hỏi một câu:

- Thế ở đây có ai biết mùa đông ra sao không?

Mọi người nhao nhao, ngó lẫn nhau rồi lắc đầu. Con “mèo trắng” cau có đáp một câu chẳng ăn nhập gì đến vấn đề, nhưng lộ ngay bản chất sợ nước và lười biếng của nó:

- Mùa đông lạnh lẽo ấy à? Tôi mà sống ở nơi nào có mùa đông chắc hôi hám lắm. Làm sao mà tắm táp? Ngủ thì khoanh chỗ nào mới ấm áp cho?

Dĩ nhiên mọi người đều biết con “mèo trắng” nói láo. Suốt cả đời nó chưa bao giờ vấy đến một giọt nước nói gì tắm rửa. Hôm nào nắng lắm, nó sẽ cố lè lưỡi liếm ít cái vào chân trước và xoa mặt, xoa mình. Y như thể mấy ông ghiền thuốc phiện lau mình mẩy tay chân. Đợi cho mọi người dứt tiếng cười, cô Hồng mới chậm rãi cho biết:

- Mùa đông lúc nào cũng có. Ai mà đứng cạnh “ông người tuyết” thì sẽ hưởng đủ mùi vị ngay.

Mọi người tiu nghỉu vì làm sao chui vào bầu thủy tinh, đứng cạnh “ông người tuyết” được. “Búp bê Ly Na” nhỏ tuổi nhất và cũng hay thắc mắc nhất. Nó hỏi “ông người tuyết”:

- Ông ơi! Ông sống trong ấy với những cảm tưởng gì?

“Ông người tuyết” đáp một cách kỳ cục, ích kỷ:

- Lộn xộn… lộn xộn! Đứa nào muốn biết mùa đông cứ việc đi tìm.

Đôi vợ chồng “vũ công người Lào” xen vào:

- Mùa đông chắc ở xứ tôi?

- Không đâu, ở Lào cũng không có mùa đông. Phải qua các xứ Tây phương.

Cô Hồng xúi giục mọi người:

- Ừ phải đó, chúng ta hãy đi tìm mùa đông. Sống ở đây mất cả tự do. Tất cả chúng ta bị giam hãm hoài với bốn vách kiếng lạnh lùng.

Trong đầu óc mọi người đều nhen nhúm sự thoát ly. Đúng rồi, phải đi phiêu lưu một chuyến, phải đi đến nơi nào có thể sống và hưởng thụ mùa đông. Ôi mùa đông tuyệt vời.

Dịp may đã đến. Một hôm cô bé chủ nhân mở tủ. Cô xoay xoay đầu tượng Phật bằng ngà để xức một chút dầu thơm. Cô vặn nắp lại và để tượng Phật lại chỗ cũ, nhưng cô quên đóng cửa tủ kiếng. Cô Hồng tinh mắt đã nhận thấy tất cả. Cô Hồng bừng giận vì cô bé chủ nhân quên lửng, không ngó ngàng gì đến. Mặc dù cô Hồng mặc bộ quần áo nhung mềm màu đỏ chói, dễ đập vào mắt. Cô bé chủ nhân quên lời hứa với cô Hồng hôm nào. Thế là cô Hồng sẽ không bao giờ được đi du lịch khắp mọi nơi. Cô phải tìm cách rủ rê mọi người cùng nhau đi du lịch. Không dẫn cô đi, cô sẽ tìm cách đi một mình.

Sau một hồi bàn tán, mọi người nhất quyết đi tìm mùa đông. “Ông người tuyết” hết sức khổ tâm, chỉ tại ông lỡ lời. Cho nên ông dùng mọi lời lẽ để khuyên can mọi người:

- Đừng đi! Đến xứ mùa đông các người sẽ không chịu đựng cái lạnh được đâu, mọi người sẽ chết cóng mất thôi.

Mọi người đều cười chế nhạo, ông già lẩm cẩm chỉ muốn sống riêng biệt mùa đông. Mọi người sửa soạn hành trang, quần áo… chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu lớn lao trong đời.

Mà mọi người có của cải gì đâu, ngoài bộ quần áo và những gì mà người ta đã chế tạo và trang bị sẵn cho mỗi món đồ chơi.

Đêm xuống dần. Cái chuông nạm kim tuyến thủy ngân lấp lánh thong thả buông chín tiếng. Cái chuông không đi, nó ở lại và hẹn với mọi người:

- Khi nào tôi gõ 3 tiếng thật to, mọi người nhớ trở về. Kẻo sáng ra “cô bé chủ nhân” phát giác có chuyện thì nguy.

Cô Mơ, một búp bê bằng vải mặc áo dài Việt Nam kiểu của những năm 1960 thì thầm nghĩ:

- Khéo lo, mọi người sẽ đi và mang theo cả một trời tự do. Ai mà bận tâm đến chuyến về. Ngoại trừ gặp trục trặc.

Nhưng khó quá, làm sao đi xuống đất? Mới nói tới đi xuống đất thôi chưa nói đến lúc ra khỏi nhà.

Cô Hồng đã thôi ngồi bó gối, cô đứng dậy và tỏ giọng của một kẻ dẫn đường, hơn nữa cô là người am tường mọi nơi chốn:

- Này “con mèo trắng” đi trước. Chú mày có “võ”, nhảy xuống đất làm gương cho mọi người xem cách nhảy.

Con mèo trắng vươn vai, uốn éo rồi cũng bằng lòng : Nó tiến ra cửa nhìn xuống mặt đất, mặt sàn gạch bông bóng loáng bắt chóng mặt. Nó le lưỡi rồi nhắm mắt nhảy bừa xuống, không ra vẻ con nhà võ tí nào. Nó tưng lên mấy cái rồi nằm im. Cái chìa khóa sắt đen gắn dưới bụng nó rơi ra và bắn vào kẹt nào không biết được. Khi vặn dây thiều bằng chìa khóa, con mèo sẽ nhảy loăng quăng và đi vài bước. Nhưng chìa khóa văng mất, con mèo trắng bực tức đứng bất động. Tuần tự mọi người đi xuống theo cách nhảy đại của “con mèo trắng”. Đầu tiên là cô Hồng, cô khôn ngoan nhảy ngay lưng chú mèo. Cô rơi nhẹ nhàng vì cô vốn bằng vải độn và con mèo thì bằng lông mượt mềm. Kế đến là “đôi vợ chồng vũ công người Lào”. Hai người khó nhọc leo lên xuống tầng thứ nhì rồi mới nhảy xuống lưng con mèo trắng. Họ nhìn thấy ở tầng thứ nhì đủ kiểu ly, chén, và bộ đồ trà cổ xưa… cùng với bầy dã thú bằng cao su đặc, đứng ngồi đủ kiểu.  


“Con mèo trắng” đau điếng vì “đôi vợ chồng vũ công người Lào” nặng nề bằng đồng đúc nên. Rồi đến “cô Mơ” yểu điệu cột chặt hai vạt áo dài trước khi xuống. Búp bê Ly Ly “chị của búp bê Ly Na” cũng đi. Hai anh hề, một anh quần xanh áo trắng một anh quần tím áo vàng cũng theo mọi người. Hai anh có phận sự đẩy chiếc đầu tàu hỏa. Một công mà hai việc. Trên đầu tàu hỏa chở một chai rượu vuông, kiểu chai chạm trổ công phu. Các anh vừa có ý định mang theo chai rượu để nhậu và đầu tàu hỏa sẽ dùng cho cô Hồng ngồi trên đó. Cô Hồng không tự mình đi được. Khi xưa cô được treo tòn ten ở trong xe hơi, cô không bao giờ bước một bước khó khăn nào. Bây giờ cũng vậy, cô cũng đành quá giang đầu tàu hỏa mà thôi.

Tai nạn xảy ra khi “chiếc đầu tàu hỏa” rơi xuống sàn lát gạch bông. Cái “chai rượu” vỡ tan tành, chất rượu lâu năm màu hổ phách chảy lênh láng. “Hai chú hề” nhìn mà ngẩn ngơ tiếc rẻ. Nhưng “cái đầu tàu hỏa” bằng thép thì không sao cả. Con “sóc gỗ” dán bằng chất keo đặc biệt, xuất xứ tận Đà Lạt, vì tò mò theo mọi người, nó cũng nhẩy đại. Thật là vô phúc, nó cũng rơi xuống và rã rời từng mảnh. Nhưng con chó xù lông xám và cũng mượt như “con mèo trắng” thì không sao cả. Nó rơi đúng ngay lưng con mèo. Hai con vật gây nhau:

- Nè, anh chó sao nhè ngay mình tôi mà “hạ thổ”?

- Hì hì, tại tao bắt chước mọi người.

Con chó xám bị dính rượu, ướt mem bộ lông. Ấy, vậy mà nó vẫn thản nhiên đến nhập bọn với mọi người chờ mấy kẻ đi trễ.  


“Búp bê Ly Lan” và “chú búp bê Hoàng tử Bờm” cũng dắt tay nhau nhảy xuống. Sau cùng là “búp bê Ly Na”. “Ly Na” chùng chình vì nó nhìn thấy “con chó xám” bị dính rượu ướt mình. Rồi nó cũng xuống được không việc gì. Cô Hồng đã ngồi bó gối trên đầu xe hỏa. Trông cô ngồi có dáng buồn làm sao, cô hất hàm hỏi:

- Ủa! Búp bê Ly Na, bộ chỉ có bằng này người đi sao?

Búp bê Ly Na bối rối, nó có biết gì đâu vì nó mải làm dáng soi kiếng. Vả lại lúc đi nó phải bò len lén sau lưng tượng Phật đựng dầu thơm kia mà. Cô Hồng kiểm soát lại mọi người trước khi khởi hành.

Ai cũng vui vẻ cả, trừ cô Mơ. Cô Mơ không được vừa ý vì cô Lụa bạn cô đã ở lại. Cô Lụa mắc cỡ vì cái áo dài ba vạt, kiểu cũ mà cô đang mặc. Cái áo màu nâu vô duyên, lại kèm theo cái nón quai thao, không được đẹp bằng nón lá bài thơ và áo mới cô Mơ mặc. Nhưng cô Lụa khôn khéo trả lời bạn khi được rủ ren:

- Thôi chị cứ đi, tôi thích mặc áo cũ hơn, không thích theo thời trang và chưng diện.

Cô Mơ tuy vậy vẫn thích cô Lụa ở lại hơn. Cô sẽ ghen ghét khi cô Lụa có cùng kiểu áo như cô. Thì ra cô Mơ không đi tìm mùa đông, cô đi tìm thời trang của những kiểu áo dài tân thời, chế biến mất đi vẻ đẹp Á Đông. Cô chỉ lợi dụng tháp tùng mọi người để thỏa mãn ý riêng, cái ý đua đòi vọng ngoại. Cô chê kiểu áo xinh đẹp cô đang mặc, cả y phục cổ truyền của chị bạn tên Lụa. Cô chỉ muốn tìm những gì mới lạ và lố lăng mà cô cho là thẩm mỹ và đúng mốt.

Hai anh em bé Việt bé Nam: một trai, một gái bằng thạch cao cũng ở lại. Hai đứa không dám theo mọi người. Vì khi nhảy xuống, hai đứa sẽ vỡ tan thành từng vụn bột. Cái gương của chai rượu thủy tinh còn sờ sờ trước mắt đó. Những mảnh kiếng vụn còn lởm chởm đầy sàn kia. Miểng chai đã làm chú hề quần xanh áo trắng bị đứt chân… Ghê quá! Hơn nữa hai bé là người Việt Nam, sống ở một nước chỉ có hai mùa nắng và mưa. Hai bé không cần thiết phải đi tìm mùa đông làm gì cho mất công. Hai con ngài với các cánh giăng to và con cú nhồi bông cũng ở lại. Chúng đã chết khô, chỉ có đôi mắt là còn linh động. Chúng nhận biết hết sự việc xảy ra nhưng không thể nào bay đi dù cửa mở. Vì “hai con ngài” bị ghim chặt bằng kim gút vào miếng bìa trắng. “Con cú nhồi bông” cũng bị ghim đôi chân chặt dưới đáy bằng gỗ, chạm trổ công phu. Tủ kiếng bây giờ trống trơn. “Tượng Phật chứa nước hoa” ngồi trầm ngâm tư lự. Ông không thể nào ngăn cản mọi người đi tìm tự do. “Ông người tuyết” thì rầu rầu, đang lo cho số phận mọi người. Thế là hết còn tiếng mọi người cãi nhau, tranh nhau chỗ đứng chỗ ngồi của mình cho rộng rãi. Họ đang đi tìm thế giới mới bao la hơn.

Trở lại những người đi phiêu lưu. Đang không được thả vào môi trường sinh hoạt mới chưa thích ứng, nên họ lấy làm bỡ ngỡ. Sự lộn xộn cũng xảy ra tức khắc khi mọi người không thèm nghe hiệu lịnh của cô Hồng:

- Này, “con mèo trắng” sao chưa chịu đi, trễ rồi, có nghe cái chuông buông mười tiếng không? Lẹ lên.

“Con mèo trắng” quạu quọ đáp:

- Trời ơi! Ai làm ơn tìm giùm tôi cái chìa khóa, vặn ít vòng dây thiều tôi mới đi được chớ.

“Con chó xám” thương hại:

- Nè, xài đỡ cái chìa khóa của tôi nghe!

- Thôi không được đâu, mấy người đi trước đi.

Rồi nó đảo cặp mắt cố nhướng tìm khắp phía, trong bóng đêm tăm tối. Nhưng ít ra nó phải chờ đến sáng rõ, vì cái chìa khóa đen nằm trốn xó nào, rất tiệp màu với bóng tối. Thật là “mò kim đáy bể”.

Hai chú hề thì bận nằm mọp xuống mấy vũng rượu đọng. Các chú đang say sưa. Mà hễ tài xế say sưa thì lấy ai đẩy cái “đầu tàu hỏa” cho cô Hồng xê dịch đây? Thiệt là khó tính toán.

- Còn mấy con búp bê “cù lần” này, làm gì mà châu đầu một góc với nhau, không lo lên đường?

Mặc cô Hồng gắt ầm, bốn con búp bê vẫn ngồi “say sưa”. Chúng say sưa theo dõi vũ điệu tinh vi và lạ lùng của “đôi vợ chồng vũ công người Lào”. “Đôi vợ chồng người Lào” đã tìm được một sân khấu lộ thiên thật rộng rãi và không giới hạn. Ôi nói làm sao hết nỗi vui mừng của họ, họ tha hồ múa may, quay cuồng những động tác thật dẻo dai và điêu luyện. Đầu óc họ quên hết, quên cả mọi dự tính ban đầu. Họ đang hòa mình trong vũ khúc tuyệt vời chưa từng có. “Con chó xám” thì đang liếm láp rượu ngọt với hai chú hề. Chưa được nửa vũng nó đã thấy đầu óc quay cuồng. Nó lờ đờ ngó theo mấy động tác tay chân của “đôi vợ chồng người Lào” rồi bỗng nhiên gục xuống. Cái chìa khóa gắn ngang hông nó, bấy giờ cũng rơi ra. Một tiếng keng khô khan vang lên. “Con mèo trắng” tức tối đưa mắt nhìn cái chìa khóa.

- Sao đó không là cái chìa khóa của mình nhỉ?

“Cái đầu tàu hỏa” không người đẩy, dù có bánh bằng thép phía dưới, nên đứng thản nhiên. Cô Hồng đã bung đôi tay, không bó gối nữa. Cô giậm chân, và giận mọi người vô tâm, không nghe lời cô.

Quên nữa, còn cô Mơ. Cô Mơ lặng lẽ tách rời mọi người. Cô men theo vách tường và lần từng bước rụt rè. Cô đi tìm một nhà may. Cái nón lá cô đã gỡ ra và cắp ngang hông. Không ai chú ý đến cô cả, cô Hồng cũng vậy, lửa giận đang bừng đôi mắt kia. Thế là toi công trình cô thuyết phục, tốn bao nhiêu là nước bọt. Cô Mơ đã lạc đường, cô không ra phòng khách để ra khỏi nhà. Cô Mơ lại đi ngược ra sau bếp. Một con mèo trắng vá đen (con mèo thật) đã nhìn thấy cô. Nó ngạc nhiên theo dõi cô, rồi bất thình lình xông đến. Cô Mơ tưởng chừng như bị Hổ vồ. Con mèo vồ cô thật. Nó cắn ngay cổ cô Mơ, cái nón bị buông rơi bởi sự hốt hoảng của cô Mơ. Cô rú lên:

- Cứu tôi với… bớ người ta! Quái vật… Ối trời đất ơi! Chị Lụa ơi!

Con mèo không thể nào nghe được lời nói của cô Mơ. Tiếng nói của cô Mơ chỉ có thế giới đồ chơi hiểu được mà thôi. Nó thích chí cắn xé cô Mơ. Cái áo cô Mơ đẹp đẽ là thế, bị rách tả tơi, đầu tóc bằng ni lông sút xổ, văng cả đôi guốc sơn, cái nón cũng móp méo… Vài chỗ đã đổ bông gòn độn ở trong ra. Chán chê con mèo bỏ đi lên trên. Nó nhìn thấy gì? Nó thấy những sinh vật lạ lùng cũng đang trố mắt quan sát nó. Nhất là “con mèo trắng” (bằng đồ chơi). Nó khoái chí xông xáo. Đầu tiên nó chụp “búp bê Ly Na”. Tội nghiệp con bé khóc thét lên:

- Ối, cha mẹ ơi! Chú chó, chú mèo… cứu tôi!

Con mèo quay qua “búp bê Ly Ly”. Nó cắn ngay cái mũ vải kết ren ngậm chặt và vung vung cái đầu. “Búp bê Ly Ly” đã chết giấc, đôi mắt cũng tự động nhắm chặt, không muốn chứng kiến cảnh tượng ghê gớm đang xảy ra. Cô Hồng cũng sợ điếng người. “Đôi vợ chồng vũ công người Lào” chợt thôi múa, hai người run rẩy nép sát vào nhau. Họ lùi dần, lùi dần… và núp sau “cái đầu tàu hỏa”. Con mèo thật khều khều “con chó xám” (bằng đồ chơi). “Con chó say sưa” vẫn bất động. “Hai chú hề” khôn hơn đã bò vào gầm “đầu tàu hỏa” trốn kỹ.

Không chút hứng thú khi gặp “con chó xám” trơ trơ, con mèo bỏ mặc “búp bê Ly Lan và búp bê Hoàng tử Bờm” đứng gần đấy. Con mèo quay qua cô Hồng. Nó ghét màu áo đỏ chói của cô Hồng ghê đi. Nó nhất định chụp cô Hồng. Nghĩ là làm, con mèo chẳng cần lấy đà, nó phóng đến. Nó vừa đụng đến cô Hồng thì cô Hồng té ngửa. “Cái đầu tàu hỏa” bị đụng tới, chuyển động bất ngờ. Chuyển động giật lùi làm con mèo phát sợ. Mấy bánh xe cán nhẹ lên thân mình hai chú hề đang chui trốn dưới gầm. Hai chú la lên “oai oái”. Con mèo bỗng rùng mình bỏ chạy khi cái chuông trong tủ kiếng đúng giờ tự động gõ mười một tiếng. Thế là tai qua nạn khỏi.

Nhưng mọi người phiêu lưu sẽ không làm sao mà trở về chốn cũ. Những người ở lại sẽ mỏi mắt trông chờ trong tuyệt vọng mà thôi. Cô Mơ không bao giờ tìm được nhà may như ý nguyện. Cô cũng sẽ xấu hổ khi gặp lại bạn xưa, cô Lụa quê mùa nhưng an phận. Các “búp bê” ngu muội sẽ ngồi khóc với nỗi niềm chán chường, hối hận. Chúng đã ham vui dại dột đi tìm mùa đông. “Đôi vợ chồng vũ công người Lào” lo sợ, họ không làm sao thích nữa, dù có chỗ vũ hợp ý. Họ chỉ muốn một chỗ chật chội mà an toàn trong tủ kiếng khi xưa. “Con chó, con mèo” bây giờ mở mắt ra, chúng chỉ là những món đồ chơi vô dụng, cử động điều khiển bởi sự lên dây thiều. Chúng chẳng thể nào so bì với con mèo thật, có những cử động hoàn toàn tự ý. “Hai chú hề” thì nhìn cái chai vỡ, lo sợ ngó nhau. Rượu đã đổ hết trơn, mà hai chú đã ngà ngà. Và làm sao đem “cái đầu tàu hỏa” về chỗ cũ đây? Dẹp hết cả rồi, đừng hòng đi tìm mùa đông. Cô Hồng đã vỡ mộng. Chỉ tại cô mà mọi người mắc nạn, cô làm sao trả lời với “ông người tuyết”. Rõ đáng kiếp, ai bảo tài khôn tài khéo. Làm sao… làm sao? Để cô có thể trở về quỳ dưới chân tượng Phật mà sám hối tội tình. Tất cả mọi người, dạt ra mỗi người một góc ngồi sụt sùi. Họ ngó ngược lên tủ kiếng, đường về của họ, ôi sao mà gian nan. Phải chi họ cứ sống an nhàn trong đó phải hơn không (?)

Rồi đây sáng ngày “cô bé chủ nhân” sẽ bị rầy. Vì tội vô ý để hở cửa và quăng đồ chơi bừa bãi. Cô bé chủ nhân sẽ ngơ ngẩn vì chai rượu không rõ bể cách nào và các búp bê sao lại rơi bừa bãi. Rõ ràng tại con mèo cắn phá và tha đi. Nhưng ai đã giúp các búp bê ra khỏi tủ kiếng. Không có giải đáp thỏa mãn cho mọi thắc mắc. Chỉ có thể hỏi cô Hồng. Nhưng cô Hồng làm sao trả lời… Cũng như “mọi món đồ chơi” sau khi bàn tán, nhất quyết giữ kín bí mật. Cái bí mật đó là sự tò mò, sự vô vọng đi tìm mùa đông. “Cô bé chủ nhân” sẽ khóc thút thít, thu dọn mọi thứ nhưng tình trạng cũ đã mất. Xáo trộn cả rồi, chỉ vì mùa đông trong bầu thủy tinh của “ông người tuyết”. Mọi người sẽ không làm mình bận lòng quan tâm đến những cái gì xa vời nữa. Họ sẽ không khi nào sống được với giá buốt của mùa đông. Hãy nên an phận với những gì sẵn có thì hơn, đừng mơ ước cao sang… Mơ hồ họ thấy một cái thang dây thòng xuống, để mọi người có thể tuần tự leo lên.


PHAN KHƯƠNG THÁI   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 69, Giáng Sinh, ra ngày 17-12-1972)

Bìa của Vi Vi : Quà Giáng Sinh


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>