Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

CHƯƠNG BỐN_NGÁT TRÊN LƯNG ĐỒI


bốn

Cuối năm, Sàigòn chuyển mình rầm rộ. Mùa Xuân đang lẩn quất đâu đây, bàng bạc trong từng giọt nắng hanh vàng hay vương vương giữa những bước đi xao động của ngày tháng. Mùa Xuân thực sự chưa về, nhưng chỉ chờ một thời khắc sẽ tức thì vươn dậy.

Cuối năm, ngày của những chuyến tâm tư tìm về dĩ vãng : làm một bài tính kết toán đoạn đường vừa đi ; nhưng cuối năm cũng là ngày của những sửa soạn ân cần cho mùa sống mới.

Không như mọi hôm, một xôn xao bỗng đến làm rung chuyển tâm hồn tôi, như cái vuốt nhẹ của bàn tay người dấu ái, như nụ cười mềm làm sảng khoái tin yêu. Bầu trời xanh và cửa lòng mở lớn. Tôi rời bỏ thư viện sớm hơn giờ thường lệ vòng xe về phía trung tâm thành phố, nơi một rừng người đang sánh bước và lớp lớp những cánh thiệp mừng xuân.

Từ ngày rời Đàlạt, tôi trở về cuộc sống bình thường tại đây, nhưng luôn luôn với niềm hăng say mới. Những buổi sáng đi học lòng run lên với màu sắc trong lành của gió sớm. Những cuộc chơi dông dài không còn nữa, nhường lại cho một quyết tâm xây dựng đời mình.

Tôi thấy việc học đầy hứng khởi và mùa thi sắp tới sẽ là mùa rực rỡ nhất. Thời gian đi rất chậm nhưng đẹp, vì xa đằng kia, hình bóng hạnh phúc vẫn đợi chờ. Trong hơi thở, tôi thường thấy một thứ âm nhạc xa lạ nào, chợt đến rồi chợt đi, ẩn hiện như niềm vui chưa rõ, để cho tâm tư phải mê mải tìm kiếm, cuộc tìm kiếm rất tuyệt vời. Cuộc đời thường đưa ta đi sâu thẳm vào những hệ lụy đam mê đầy hứng thú, bằng những nguyên do ngoại tại và tiếp nối không cùng!

Trong đám đông bên kia đường tôi thoáng thấy Thành đang đi cùng một cô bạn gái. Hình như hắn đang trổ tài ăn nói. Tự nhiên tôi bật cười và đặt nghi ngờ cho những lần hắn “xin phép” tôi rời thư viện sớm “đi có chút việc”. Rồi đây kỳ thi tới, hắn sẽ làm được gì với những chuyến ra về quá sớm ấy?

*

Sáng hôm nay, giáo sư toán nghỉ dạy hai giờ cuối, tôi kéo Thành ra ngồi ở một quán giải khát gần trường, dưới những hàng cây bóng mát. Lâu nay, nhất là từ cái đêm kết trao tình sư đệ cho nhau ở Đàlạt, tôi và Thành quyết chí giúp nhau sống đẹp. Chiều nào, hai đứa cũng dắt díu nhau vào thư viện học bài. Việc học của Thành không mấy khả quan, tôi lại phải mang thêm gánh nặng chỉ dẫn hắn một đôi lúc. Một lần Thành nói đùa : “Tương lai tớ nằm trong tay cậu”. Tôi cười. Dù sao, tuổi nhập ngũ đã gần kề, nếu rớt, cuối năm nay chúng tôi phải hành trang lên đường ngay. Chúng tôi đều có ý nghĩ “đi hay ở không thành vấn đề, nhưng nếu con đường chia đôi cho mỗi đứa mỗi ngả thì không gì buồn hơn”. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng đây là giai đoạn sống nhiều tin tưởng nhất, ở tương lai và ở chính mình. Niềm tin tưởng thứ hai chính là do Thành đã đem đến cho. Lối sống và cách đối xử của hắn khiến tôi luôn luôn thấy mình có giá trị, không hão huyền, không tự mãn, nhưng biết nhìn thẳng để đi tới. Từ đó hắn tạo được một lòng mến phục sâu xa nơi kẻ đối diện. Có lần tôi thành thật biểu lộ những ý nghĩ riêng tư này và mong hắn chỉ cho bí quyết thực hiện lối sống đó. Hắn cười và bảo : “Mỗi người có một cách tạo uy thế khác nhau, chẳng hạn lối sống chân thành, khiêm nhượng của cậu làm cho tôi và mọi người đều mến chuộng. Cậu hỏi cũng chính là tự trả lời vì đứng trước cách đối xử của cậu, người khác cũng tìm thấy một niềm vui nào đó vào cuộc đời và lương tâm con người”. Tôi bảo : “Nghe to tát quá”. Hắn trả lời : “Sự thực nào cũng to tát mà cũng rất bình thường”.

Hai đứa đã vào quán, tôi hỏi Thành về kế hoạch gây hạnh phúc gia đình đã tiến triển đến đâu. Hắn bảo:

- Dĩ nhiên kết quả chưa thể trông thấy rõ rệt, vì kế hoạch mới phát động nhưng có nhiều điều thuận lợi lắm. Mình phải tự gạt bỏ một số cuộc vui không cần thiết. Ông cụ mình đã bắt đầu chú ý đến sự thay đổi này, chỉ chờ một dịp thuận tiện mình sẽ thẳng thắn trình bày lập trường của mình.

- Nếu lúc đó cụ vẫn đi theo con đường cũ, vẫn mải mê kinh doanh thì sao? Việc đó có thể xảy ra vì gia đình là một việc mà sự nghiệp là một việc khác.

Thành uống một hớp nước rồi chậm rãi nói:

- Cậu có lý lắm. Nhưng mình vẫn tin tưởng ở những lý lẽ thuyết phục và nhất là thiện chí của mình. Hy vọng rằng con người cũ, sáng suốt và dào dạt tình cảm gia đình nơi ông vẫn còn lẩn khuất…

Sau câu nói chúng tôi đều yên lặng. Tôi chợt nghĩ đến chuyến đi Đàlạt vào dịp tết bèn bảo:

- Nếu thế, tết này cậu có đi Đàlạt không?

Thành nhìn tôi trả lời:

- Trước đây thì có nhưng bây giờ trong không khí này của gia đình, bỏ đi mình thấy băn khoăn quá. Cậu nghĩ thế nào?

Tôi bảo:

- Kể cũng khó thật. Đi chơi mà làm hỏng việc lớn thì không nên. Nhưng nếu không có cậu, mình sẽ mất lý do chính đáng để xin phép gia đình.

Tôi nhìn bạn cười, không biết nói gì thêm nữa, Thành thì dáng trầm ngâm. Dự định của hai đứa tưởng chừng đã xong, nhưng hình như sự tính toán ban đầu, trường hợp nào cũng không thể hoàn hảo đến phút chót. Một học sinh như tôi, cảnh sống gia đình vừa đủ, tự nhiên xin cha mẹ đi nghỉ ở Đalat vài ngày vào dịp cuối năm là một điều khó thành tựu. Ba má không thể biết những ước ao của tôi lúc này không có có gì tội lỗi nhưng đối với bậc cha mẹ thì không hợp thời chút nào. Ông bà vẫn bảo : “Với mày, việc học phải là việc chính. Rớt một cái là hỏng cả… “ Hai chữ hỏng cả đầy ý nghĩa. Tôi chợt nghĩ đến Trân, đến con dốc ngoằn ngoèo dẫn lên cao và đồi thông đắm đuối, thơ mộng… Những hình ảnh ấy sao bây giờ xa xôi quá. Nhìn những giọt nước màu nâu vàng buồn bã đọng ở đáy ly, tôi bảo Thành:

- Mình chưa báo gì cho chị Hoàng và Trân biết về cuộc viếng thăm bất ngờ này. Nhưng bây giờ thì sự bất ngờ ấy sẽ không bao giờ đến.

Thành yên lặng giây lát, rồi nhìn tôi với tia nhìn sáng, tôi biết hắn sắp nói điều gì quan trọng.

- Nếu cần, chúng mình thi hành một kế mới.

Với kế này, Thành vẫn đến xin ba má cho tôi được theo hắn lên Đalat vài ngày chơi, tiện dịp hắn đi lo ít việc cho gia đình. Lần trước, ba má tôi đã tin tưởng ở Thành rồi thì bây giờ việc đó không khó. Ba má tôi sẽ không thể ngờ rằng tôi chỉ đi một mình. Duy có điều bất ổn là đi đúng vào ngày 25 tết, tuy đã nghỉ học nhưng công việc bề bộn… Chúng tôi bàn đi tính lại mãi để tìm ra một lối thoát ổn thỏa. Tôi nghĩ nên làm một việc gì để chuyến đi có lợi cho gia đình, và bỗng nẩy ra ý tưởng mua sắm một ít thực phẩm tươi cho cả nhà dùng trong ba ngày tết. Rau và trái cây Đalat thì ai không thích. Nghe xong ý kiến ấy, Thành reo lên:

- Xong rồi đấy Linh ạ. Không thiệt ai mà trái lại ích lợi cho mọi người.

Tôi vui mừng thật sự, bảo:

- Chỉ phạm tội nói dối thôi.

*

Và mọi việc xảy ra gần đúng như chúng tôi mong muốn, nghĩa là tôi vẫn được ba má chấp thuận cho đi, nhưng không mấy dễ dàng. Dù sao bây giờ thì tôi không còn nghĩ ngợi gì về điều ấy nữa. Những lo âu, hồi hộp đã qua, hiện tại của tôi là đang ngồi chờ một chuyến đi về sáng cạnh túi hành trang nặng trĩu cơn vui. Có lẽ giờ này, Thành cũng đang nghĩ đến tôi, đến một chuyến đi mà hắn đã hơn một lần cất bước.

Tối qua, tôi ở nhà Thành rất muộn. Hai đứa lại ngồi tâm sự với nhau, lưu luyến như đứng trước một cuộc chia ly vô hạn. Chúng tôi hứa với nhau sẽ dốc tâm học hành sau khi ăn tết. Thành bảo : “Việc học đối với tuổi trẻ chúng mình sao nặng nề quá. Những buổi chơi dông dài thì không bao giờ áy náy mà ngồi vào bàn học một ngày đã lấy làm nhiều”. Lúc ra về tôi chúc Thành ở lại vui vẻ và đạt được những điều như ước nguyện – Tôi muốn nói đến ước nguyện của Thành đối với gia đình. Tôi chợt thấy chuyến đi vương chút buồn cô độc. Thành gửi tôi chiếc chìa khóa căn nhà trên đó, phòng khi cần đến. Hắn cũng đưa cho tôi tấm thiệp mừng xuân và bảo “Dù cậu sẽ về Saigon trước mùng một Tết, nhưng mùa xuân bây giờ đã tới… “ Tôi bỏ ngay tấm thiệp vào ngực áo. Đến khi về nhà mở ra xem thì thấy có câu, “Chúc Linh một mùa Xuân tràn đầy thương yêu. Bạn rất thân, Thành”.

Chiếc xe đò bắt đầu chuyển bánh. Mặt trời hừng lên ở phía đông. Tôi nghĩ đến những chuyến đi về sáng, những bánh xe lăn lúc đầu ngày. Thời khắc ấy bao giờ cũng rộn rã, nồng nàn như ngày đầu mộng ước, như tiếng hát mới vào nghề.

Con đường ngoại thành quen thuộc dẫn tôi đi. Vẫn những mái nhà ném lại phía sau, nếp sống thị thành nhường chỗ cho cây cỏ. Tôi đi qua những rừng cao su kéo dài như vô tận, hôm qua nhuộm màu xanh lá, nhưng hôm nay xơ xác cây cành. Vào mùa nầy, rừng cao su phủ ngập lá vàng, cánh rừng mang dáng dấp của một mùa thu huyền thoại nào, u hoài mà thắm thiết. Mắt tôi chạm vào những dốc đá dựng dưới chân, những sườn đồi cuồn cuộn đầy ắp nương chè. Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khiến tôi say mê nhìn ngắm. Tuổi trẻ lồng lên, tôi càng thấy yêu cuộc đời lãng tử, một cuộc đời chỉ biết những cái mới và đất trời cao rộng.

Con đường dài sâu hun hút về phía chân trời. Tôi không biết ngoài chân mây kia là gì nhưng ở đây màu xanh lấp kín. Màu xanh của trời, của cây cỏ từng hàng, của núi non trùng điệp… Màu xanh tiếp nối màu xanh, nhuộm thắm vạn vật và hình như cả lòng người. Và khi những rừng thông xuất hiện, tôi ngả người trên ghế mong tìm một chút bình lặng cho tâm hồn. Ngoài kia, những đoạn đường đèo thu ngắn dần. Tôi nhắm mắt mà nghĩ đến Trân, đến thung lũng tình yêu đang chờ đón.

Khí lạnh trời hồ Xuân Hương vỗ tới làm tôi tỉnh dậy và thoáng thấy những cánh hoa anh đào trỗi hồng bên dặm cây xanh ngắt, dấu hiệu của mùa xuân đến…

Căn nhà của Thành hiện ra, giàn hoa trước ngõ nở đầy hoa, nhuộm tím cả một vùng. Tiết xuân ở Đalat, chỗ nào cũng có sự hiện diện của những cánh hoa muôn màu. Tôi vội vã đi tắm rửa cho tỉnh người và trút những lớp bụi đỏ bám trên thân thể. Trong một thoáng tôi nghĩ đến Thành, đến những kỷ niệm ngày đầu tiên hai đưa tôi đến đây, và tôi chợt nhận thấy rõ cái huyền diệu của ngày tháng.

Trước khi trở lại căn nhà màu trắng trên lưng đồi, tôi không quên mang theo gói quà nhỏ tặng Trân và thiệp chúc tết. Nhà vắng, chỉ có chị Hoàng đang lui cui dưới bếp. Nhận ra tôi, chị reo lên mừng rỡ:

- Ồ! Linh lên hồi nào?

Tôi cũng vui không kém:

- Thưa chị, em vừa lên thì lại đây ngay. Chị trông khỏe và vẫn đẹp.

Chị Hoàng vẫn giữ nụ cười tươi nắm tay kéo tôi lên nhà trên. Tôi không ngờ tình cảm giữa chúng tôi lại thân đến thế. Chị Hoàng hỏi thăm tôi về Thành, về gia đình và về mục đích chuyến đi này. Tôi bảo:

- Chị ngạc nhiên cũng phải. Nhưng lý do rất đơn giản. Em lên đây chỉ vì nhớ Đalat. Thăm một lần mà em đã yêu Đalat rồi chị ạ.

Chị Hoàng nhìn tôi cười trong ánh mắt rồi đi lấy nước trà nóng và mứt sen mời tôi. Không khí trong nhà thật ấm cúng. Khi tôi hỏi về Trân, chị Hoàng bảo:

- Trân đang lo tổ chức nhạc hội mừng xuân ở trường, sắp về bây giờ. May quá, tối nay Linh sẽ được nghe Trân hát trên sân khấu nhà trường.

Chị Hoàng vừa sửa lại những bông hoa cẩm chướng để trên bàn, vừa nói tiếp:

- Nếu không vì nhạc hội này Trân nó đã về Huế từ mấy hôm trước rồi. Linh biết về gia dình Trân chưa?

Tôi trả lời:

- Thưa chị, em có nghe Thiên Hương nói sơ. Kể cũng tội. Nhưng bao giờ Trân khởi hành hả chị?

- Sáng mai. Trân đi chuyến máy bay đầu, khoảng 9g cất cánh.

Một nỗi buồn mang mang đổ tới làm cho tôi không biết nói gì thêm. Dù sao vẫn còn may mắn.

Vừa lúc ấy thì Huyền Trân mở cửa bước vào, dáng hơi mệt nhưng vui tươi, có cả mấy người bạn cùng lớp.

Chúng tôi gặp nhau mừng rỡ. Trân giới thiệu các bạn với tôi và bảo tôi là anh của Trân. Cô bé không có gì thay đổi, vẫn tia nhìn và nụ cười dễ yêu ấy, hình như cô nàng liến thoắng hơn một chút.

Chị Hoàng sửa soạn bữa cơm chiều thật mau cho mọi người để kịp giờ đến trường dự nhạc hội.

Trong bữa cơm tôi vui vẻ nhưng ít nói. Hai người bạn của Trân rất tự nhiên, họ kể lại những công việc ở trường, những tiết mục văn nghệ tối nay và đoán trước những anh chàng nào ở trường bạn sẽ nổi nhất trong nhạc hội. Tôi kể cho mọi người nghe về tình hình thiên hạ ăn Tết ở Saigon, những nhà hàng chất đống thực phẩm, những phố xá chen chúc người và hàng hóa… và tôi bày tỏ tấm lòng ưu ái đối với Đalat, đời sống không xô bồ mà thời tiết lại trong lành.

*

Trường Bùi thị Xuân đêm nay bừng lên ánh sáng cùng tiếng nhạc. Tôi và chị Hoàng được chọn vào hàng quan khách, còn Trân thì phải thường trực ở hậu trường. Khi văn nghệ đã trình diễn hai ba màn đầu, Trân có ghé xin lỗi chúng tôi về sự vắng mặt, cô bé phải giúp ban tổ chức trong việc giới thiệu các tiết mục văn nghệ. Tôi ngồi xem nhưng tâm trí không được bình thản. Những sự kiện xảy đến từ chiều chưa có gì thuận lợi, tôi chưa kịp nói với Trân một lời nào đáng nói. Những nhung nhớ ngập kín trong lòng chưa một lần được tỏ lộ.

Đến lượt mình, Trân trình bày một bản nhạc buồn và cũ, bài “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước. Trân hát hoàn toàn giọng Huế khác hẳn hằng ngày, giọng hát truyền cảm gieo sầu vào cả ngàn tâm hồn đang thưởng thức. Tôi đoán biết lý do Trân chọn bài hát ấy nên càng cảm động hơn, lòng tôi dâng lên niềm thương mến vô cùng… Bài hát dứt, bầu không khí yên lặng còn kéo dài một tích tắc rồi tiếp theo là những tràng pháo tay tán thưởng ròn rã.

Khoảng 9g30 nhạc hội chấm dứt, quan khách ra về nhưng các nữ sinh còn tíu tít với nhau và những bạn bè, hẹn hò và chúc tụng. Sau nửa tiếng đồng hồ gặp gỡ các bạn, Trân ra trước sân trường đã có tôi và chị Hoàng đứng đón.

Tôi đề nghị mọi người ra phố dùng một cái gì cho đỡ đói, chủ ý để được dạo phố với Trân một lần nếu Trân không mệt. Cô bé bảo:

- Hồi nãy đã thất lỗi với anh, bây giờ Trân xin chuộc lỗi bằng cách chiều ý anh.

Tôi buột miệng khen:

- Trân nói chuyện thật duyên dáng.

Đường khá xa và trời lạnh, tôi đưa đôi găng tay của tôi cho Trân và xin phép dắt nàng trên những quãng đường dốc. Tôi và chị Hoàng ngỏ ý khen Trân hát bài Đêm Tàn Bến Ngự hay quá.

- Tại sao Trân không hát thêm bài thứ hai như các bạn trong khi khán giả tán thưởng nồng nhiệt? Tôi hỏi.

Trân cười:

- Anh và chị Hoàng biết không, lúc ấy Trân xúc động quá vì đã lột hết tinh thần để trình diễn. Nếu hát bài nữa Trân sẽ bị nghẹn nửa chừng. Thật tình trong khi trình diễn Trân cũng không biết mình hát như thế nào nữa.

Ngồi ở tiệm ăn tôi sực nhớ và hỏi đến Thiên Hương. Trân bảo, Hương đã theo mẹ xuống Bảo Lộc thăm mấy người bà con, không thể đi dự nhạc hội được. Chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về chuyến đi của Trân sáng mai, những dự tính của Trân trong chuỗi ngày sắp tới. Tôi hỏi:

- Có khi nào Trân dự định về Huế hẳn không?

- Trân về thăm mẹ và Huế rồi sẽ trở lên đây sau tết… Trân còn phải học và thi cử nữa chứ. Dù sao, Trân ở đây là tốt đẹp hơn cả. Chính mẹ cũng muốn thế.

Trân nói với tôi, giọng buồn và kể lể tự nhiên, làm như tôi là người đã hiểu rõ hoàn cảnh của Trân lắm rồi. Sự thực tôi chỉ mới biết Trân qua lời người khác, còn hai đứa chưa một lần tâm sự. Có lẽ một tâm hồn cô đơn luôn luôn muốn trải rộng. Chị Hoàng từ nãy ít nói. Trân cho tôi xem bức ảnh của mẹ hồi bà còn trẻ. Bà có nét đẹp đôn hậu hiện rõ trên gương mặt, nhưng buồn. Trân giống mẹ ở đôi mắt trong mà có cái nhìn u ẩn.

Tự nhiên tôi thấy thời gian chùng hẳn xuống, nặng nề. Chị Hoàng đề nghị đêm nay tôi ở lại với chị và Huyền Trân để mai kịp tiễn Trân ra trụ sở hàng không. Thực tình từ nãy tôi vẫn băn khoăn về việc này.

Khi trở về nhà thì đêm đã khuya lắm, khí trời lạnh buốt. Những chiếc áo len dày không đủ ấm và ai nấy đều đã mệt. Chị Hoàng đốt vội lò sưởi, còn tôi thì giúp Trân sửa soạn hành lý ngày mai.

Công việc đã xong, chúng tôi ngồi bên bếp sưởi uống tách trà nóng cuối cùng trong ngày. Mọi người ít nói từ lúc ở phố về, nhưng hình như vẫn ngầm hiểu những tình cảm thương mến nơi nhau. Mỗi người một tâm sự trước lúc chia ly. Tôi hiểu rõ tâm trạng chị Hoàng, một thiếu phụ trẻ, rất trẻ, cuộc đời cô độc như một loài hoa nở trơ vơ trên đồi vắng, như con suối lành hiu hắt dưới lũng sâu, có một người thân yêu nhất thì sống mất hút, đi về như chiếc bóng. Cho đến khi có một đứa con yêu quí, tôi nghĩ rằng niềm an ủi của hai người tựa hồ chỉ đặt vào nỗi nhớ thương nhau, vào những lá thư từ xa gửi đến.

Tôi nghĩ về Trân, người tôi thương mến, người con gái đầu tiên đem đến cho tôi niềm vui và nghĩa sống. Hoàn cảnh của Trân cũng đáng thương và buồn như quê hương nàng… Hai người con gái sống và cố giúp nhau quên đi dĩ vãng buồn thảm của mình. Nhưng thật tình, hiện tại và tương lai vẫn chưa có gì sáng sủa cả.

Chỗ ngủ của tôi là căn phòng học của Trân được thu dọn và kê thêm chiếc giường sắt nhỏ. Nằm quấn trong chăn, tôi trằn trọc mãi, dù sau một cuộc hành trình dài, thường tôi rất dễ tìm giấc ngủ. Từ một vị trí trên đồi cao tôi mới thấy rõ cái tê tái, hiu quạnh của một đêm Đalat, gió thổi len qua cây rừng, làm như tiếng rên rỉ của đêm trường, tiếng thông reo hò ở phía xa nghe như từng cơn sóng vỗ… tôi chợt thấy hồn dâng lên một nỗi buồn sầu, cô độc đến lặng người. Nhưng cũng từ đó, tôi thấy yêu Đalat hơn. Ở đây, dù đêm hay ngày, dù huy hoàng hay hiu quạnh, Đalat cũng có một cái gì thu hút lòng người, làm ngẩn ngơ trong ý nghĩ. Rồi đây, xa Đalat, không ai là không mang theo một hình ảnh nào đã in sâu trong trí.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy sớm nhưng vẫn nằm trên giường. Bầu trời sáng dần ở khung cửa kính mờ. Bên ngoài nhà có tiếng động, có lẽ chị Hoàng và Trân đã dậy cả. Tôi lười biếng thu dọn chăn gối và đi ra cửa sau thì gặp chị Hoàng đang đun nước ở nhà bếp, chúng tôi trao nhau câu chào hỏi đầu ngày.

Nhà có sẵn bánh mì và đồ hộp, ba chúng tôi ăn sáng qua loa rồi sửa soạn xuống phố. Đến tuần trà, chị Hoàng dọn ra bàn đĩa mứt sen và kẹo lạc, chị bảo Trân:

- Đây là bữa ăn cuối cùng, cô phải nếm hương vị tết với chị.

Chị Hoàng cười nhưng giọng nói có vẻ xúc động. Tôi nói một câu nửa đùa nửa thật mong được an ủi chị:

- Nếu là gái, em sẽ ở đây với chị.

Trân hỏi chị Hoàng:

- Thư anh Hùng hẹn bao giờ về hả chị?

- Hai hôm nữa. Nhưng mùng hai tết lại phải đi ngay.

Tôi nói như reo lên trong nỗi vui của chính mình:

- Hôm nay 26, đáng lẽ mai em về Saigon, nhưng em sẽ lưu lại đây thêm một ngày nữa cho có chị có em. Nếu không có gì bất tiện, chị chỉ ra lệnh một tiếng, em sẽ thi hành ngay. Ban ngày em ở đây và tối về nhà Thành. Sáng 28 ra xe cũng chưa muộn.

Chị Hoàng cười:

- Linh thật chu đáo. Chị ra lệnh đó.

Không khí tự nhiên vui hẳn lên. Giờ còn rộng tôi ngỏ ý mời Trân đi dạo một vòng trên sườn đồi chung quanh nhà, Trân vui vẻ nhận.

Buổi sáng không khí trong suốt tưởng chừng khi gõ vào sẽ vang lên tiếng vỡ. Dặm cỏ xanh ở trước nhà hãy còn ướt sương, chúng tôi cùng sánh những bước mềm trên đấy. Chợt tôi bảo:

- Trân có muốn đời mình xanh êm như bãi cỏ này không?

Trân trả lời, tiếng nói xa xôi:

- Trân nghĩ, ai cũng muốn có một đời hạnh phúc, nhưng hình như định mệnh không bao giờ đồng ý với mình. Cũng như đám cỏ xanh này không hề mong những bước chân dẫm nát của chúng ta.

Tôi bàng hoàng trước câu trả lời rắn rỏi và mạch lạc ấy. Đằng sau cái dáng dấp khép nép, bé bỏng của Trân có sẵn một tiềm lực sống động.

Hai đứa đã đến bên một gốc cây mimosa, hoa vàng nở thắm từng chùm cạnh những nhánh lá xanh. Tôi chợt bảo:

- Hoa mimosa vàng và dễ thương như màu áo của Trân hôm nay vậy.

Trân cười nhẹ:

- Đây là loài hoa mà Trân thích nhất. Màu tươi mà không sặc sỡ quá, mỗi bông hoa đều nhỏ có dáng dấp khiêm nhượng.

Bên cạnh đó có mấy tảng đá lớn vuông vức, không ai bảo ai chúng tôi cùng ngồi xuống. Một luồng gió thổi vút qua làm nhẹ bay chiếc foulard ở cổ Trân. Trời rét run. Tôi mạnh dạn ngỏ ý muốn được sưởi ấm đôi tay cho bạn. Sau một chút do dự, Trân bằng lòng. Nắm đôi bàn tay mềm mại của người bạn yêu dấu, tôi thấy lòng dâng lên niềm vui sướng lẫn tin tưởng. Tôi yên lặng trong giây lát như để tận hưởng bông hoa hạnh phúc tuyệt vời mà Trân đã đem đến cho… Tôi cũng muốn bày tỏ tất cả nỗi lòng thương yêu của mình đối với bạn, nhưng chợt thấy giờ phút quá vội vàng lại thôi. Có tiếng động cơ hắt lên từ con đường nhựa cuối chân đồi, tôi chợt nhớ tới Vallée d’amour, liền bảo Trân:

- Vế Huế, hình ảnh nào ở đây sẽ làm cho Trân nhớ nhất?

Trân trả lời sau giây lát suy nghĩ:

- Có lẽ là chị Hoàng. Trân vẫn coi chị như một người mẹ thứ hai của Trân vậy. Nếu không có chị chắc Trân sẽ phải sống những ngày tháng rất khổ tâm, dù được ở gần mẹ.

Tôi nắm lấy đôi tay bạn:

- Anh vẫn mong làm được một cái gì để giúp Trân sống an vui, quên đi những chuyện buồn trong đời. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, nhưng cũng không ai thoát khỏi những nỗi khổ tâm riêng mình. Người sống vui là người đã tìm quên được những khổ tâm ấy.

Trân bảo:

- Có lẽ anh nói đúng. Những khi không suy tư gì, Trân sống hồn nhiên ghê gớm, nhưng mỗi lúc bị hoàn cảnh khơi động, Trân thấy đời mình bất hạnh vô cùng.

- Anh hy vọng sẽ được Trân coi như một trong những người thân yêu nhất. Chúng mình sẽ an ủi nhau trong những lúc cô đơn.

Trân nhìn tôi, đôi mắt long lanh, buồn vời vợi:

- Cám ơn anh…

Tôi lấy trong ngực áo chiếc hộp nhỏ đựng sợi dây chuyền bạch kim, mặt là một trái tim xinh xắn. Hộp quà được gói kín, tôi đưa cho Trân và bảo:

- Đây là món quà tết của anh, mong Trân nhận lấy.

Trân run run nhận chiếc hộp nhỏ trong sự yên lặng. Tôi dặn dò:

- Về Huế, Trân sẽ biết vật gì ở trong này.

Trân nói giọng chân tình:

- Anh thương Trân quá…

Vừa lúc ấy, chị Hoàng mở cửa bước ra sân.

Tôi nhìn đồng hồ thì thấy đã 8 giờ, vội vàng dìu Trân đứng dậy. Cả ba chúng tôi sau khi mang theo những hành lý cần thiết cho Trân liền dắt díu nhau xuống phố đón Taxi ra trụ sở hãng hàng không. Ở đó có xe bus chở mọi người ra phi trường.

*

Những ngày ở lại Đalat, tôi thấy buồn ghê gớm. Ban ngày có khi hai chị em ngồi chuyện trò với nhau suốt buổi trong phòng hoặc dưới gốc những cây thông già thân cao ngút. Chị Hoàng biết rõ tình cảm của tôi đối với Trân, chị biết tôi buồn nên rủ tôi đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Chị luôn luôn tỏ ra là một người chị dễ mến và biết chiều chuộng. Tôi nghĩ sống gần chị, anh Hùng sẽ được hạnh phúc.

Dù sao, nỗi trống vắng trong tôi chỉ tan đi mỗi lúc mà không bao giờ dứt. Cảnh vật ở Đalat như càng dệt thêm mối u sầu. Những dốc phố hiu hiu nắng chiều, cảnh bờ hồ những buổi trưa hoang vắng… Nhất là những buổi tối thì lại càng buồn hơn. Chị Hoàng giam mình trong căn phòng đóng kín với sách báo và thú đan len, còn tôi đi lang thang khắp phố, tay thọc sâu trong túi, lầm lũi đi nép dưới những mái hiên nhà, len lỏi qua từng con ngõ tối vắng, vì mọi người đã ngủ cả; lại có khi đốt điếu thuốc ấm trên môi thả bộ bên hàng thông ủ rũ, dưới ánh điện vàng héo úa mà mang tâm trạng một lữ khách cô đơn.

Có lần tôi đang thơ thẩn ở khu Hòa Bình thì gặp Thiên Hương đi dạo phố với một quân nhân trẻ, đeo lon đại úy vàng chói. Hai người có vẻ thân mật lắm. Có lẽ đây là người mà Thành đã nói với tôi. Hương vẫn nổi bật với chiếc manteau đỏ. Chúng tôi chào và hỏi thăm nhau trong giây lát. Tôi cho Hương biết sơ qua lý do Thành không lên đây và việc Trân mới đi Huế. Hương tỏ ra rất ân hận vì bận việc ở Bảo Lộc không về kịp để tiễn chào bạn. Hai người có mời tôi vào quán uống tách café nóng, nhưng tôi từ chối vì thấy bất tiện. Trước khi từ giã, tôi chúc Thiên Hương và Chính, ông đại úy trẻ hưởng một cái tết vui vẻ và đạt được mọi sự như ý.

Buổi sáng cuối cùng ở Đalat, tôi theo chị Hoàng vào chợ mua quà và thực phẩm về Saigon như lời đã hứa với gia đình. Trên đường đi tôi hỏi chị:

- Chị nghĩ gì về những tình cảm của em đối với Trân?

Chị Hoàng trả lời ngay:

- Chị thấy tình yêu của em thật đẹp và chân thành.

- Cám ơn chị, theo chị thì Trân đối với em thế nào?

- Trân mến em lắm. Lần trước, khi Linh về Saigon cô bé đã nói với chị điều đó. Dù sao bản tính của Trân cũng rất kín đáo. Chị thiết tưởng chính em phải tìm hiểu thêm mới được.

- Chị bảo em phải làm gì bây giờ?

Chị Hoàng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tôi:

- Em đã bày tỏ tình cảm của em cho Trân biết đến đâu rồi?

Tôi trả lời thành thực:

- Thú thực lần trước em rất bối rối trong việc này, chỉ sợ nói sớm quá, trong khi Trân chưa hiểu rõ về mình thì việc chắc chắn sẽ hỏng. Chị xem đã có lần nào chúng em được tâm sự lâu với nhau đâu. Còn không nói thì lòng lúc nào cũng thấy hoang mang, trống vắng. Buổi sáng hôm Trân đi Huế, em có tặng Trân một sợi dây chuyền. Có lẽ bây giờ thì với món quà đó, Trân đã biết được lòng em rồi.

Chị Hoàng im lặng không nói gì. Lúc gần vào phố tôi bảo chị, giọng khẩn thiết:

- Em chỉ ngại đường xá xa xôi mà tâm hồn Trân lại cần nhiều an ủi. Những ngày bận học thi ở Saigon, em mong chị sẽ giúp em phần nào trong việc tìm hiểu và nâng đỡ tinh thần Trân, làm cho chúng em gần nhau hơn… công việc thật nặng nề và phiền toái, nhưng em tin tưởng được chị nhận lời.

Nghe xong những lời chân thành của tôi, chị Hoàng bảo:

- Chị thương Linh cũng như Trân vậy. Tình cảm của Trân thế nào chị chưa rõ lắm nên không dám quyết chắc. Nhưng chị hứa sẽ hết lòng với hai em trong việc này. Về Saigon nếu có được tin tức của Trân, em cần cho chị biết ngay. Thư cứ đề tên chị và gửi về trường Couvent. Chị hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp.

Tôi vui sướng cảm ơn chị rối rít. Lòng mơ tưởng đến một ngày tươi sáng, thi đậu và lên đây gặp Trân bằng niềm tin yêu mở lớn.

Buổi chiều, trời quang và mát, tôi một mình xuống Đa Thiện thăm thung lũng tình yêu để thực hiện sự ao ước bấy lâu nay của mình. Thung lũng đẹp thật, cảnh bao la mà thơ mộng. Từ trên đồi cao, tôi say mê ngắm con suối nhỏ nằm vắt mình dưới thung lũng hữu tình và lẩn khuất dưới bóng thông xanh đang xao xác tiếng thầm. Bóng chiều dương trải một màu vàng đằm thắm, phản chiếu trên khắp lá cây rừng khiến cho tôi có cảm tưởng như núi đồi đang nở hoa chào đón. Và xa đằng kia, màu xanh cây cỏ tiếp giáp nền trời, xa xôi mờ ảo như một tương lai đầy quyến rũ.

Xúc cảnh sinh tình, tôi đã làm được một vần thơ ca tụng tình yêu tuyệt diệu, định sẽ gửi cho Trân trong những ngày sắp tới. Trong thơ tôi nói tới một thứ tình yêu đắm đuối, mê say nhưng trong suốt như pha lê, tinh khôi không khác nào sương mai còn lả sợi. Tình yêu đến nhẹ như hơi thở con tim và cũng cấp thiết như nó. Để rồi không ai là không tìm cho mình một nguồn sống mãnh liệt, không ai sống mà không cần tình yêu cả…

Cánh chim nhỏ bay vút về phía trời xa. Tôi ngồi dựa vào gốc thông già, nơi tôi đoán rằng Trân đã chụp bức ảnh đẹp, cho đến khi bóng nắng đã khuất, ngọn núi thấy đã mờ tôi mới trở về thị xã, băng qua những đồi cỏ trụi.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>