ba
Tôi thức giấc trong khi
Thành còn trùm chăn kín mít và sương đêm còn đọng giọt trên những hoa lá bên
nhà. Đêm qua, Thành thức khá muộn, ngồi trầm ngâm với điếu thuốc lá. Tôi thấy
thương bạn khi đoán rằng thời gian ấy hắn dành cho căn nhà gỗ và gia đình. Tâm
trạng của Thành tôi rõ lắm, hắn là kẻ sống nặng tình cảm và luôn luôn tôn sùng
kỷ niệm, trong khi đó ba má Thành đã làm thay đổi cả nếp sống đầm ấm cũ của gia
đình.
Theo lời Thành thì con người
ngày xưa của ông Tạo mang bản chất rất nghệ sĩ, một nghệ sĩ ôn hòa, mẫu mực.
Căn nhà gỗ đầy mỹ thuật này là di tích của ngày xưa ấy. Mỗi lần kể chuyện cũ,
Thành thường nhắc đến cái thú trồng hoa và sưu tầm tranh ảnh của ông Tạo, coi
đó như những đức tính cao quí nhất. Hôm qua trên xe đò Thành kể cho tôi : “Hồi
đó tuy gia đình sống bình thường về vật chất nhưng hạnh phúc. Ba tôi chăm lo
việc giáo dục con cái, tìm sinh thú trong căn bản sinh hoạt gia đình. Thời gian
đi con người cũng thay đổi. Bây giờ thú vui chính của ông là việc doanh thương,
làm giàu”.
Tôi thông cảm với Thành
nhưng vẫn bảo “Cậu nghĩ làm giàu là một cái tội hay sao?”. Thành trầm ngâm “Chưa bao giờ mình kết án cụ. Làm giàu lương thiện không
có gì phải kết án. Nhưng với mình đồng tiền thường đến để thay chỗ cho những
tình cảm đơn sơ và chân thành.
Sự giàu sang đẩy con người
vào một hoàn cảnh phức tạp, điên đảo, nơi đó không có hạnh phúc. Ngày nay, dù
ba tôi đối với xã hội ông là người lương thiện đáng kính phục, nhưng nhìn vào
đời sống quay cuồng công việc làm giàu của ông tôi thấy thương ông, thương gia
đình. Mẹ tôi cũng thế, bà là người hỗ trợ đắc lực cho ba tôi. Không khí đầm ấm,
an vui không còn ngự trị giữa những người thân. Những ngày cuối năm, công việc
bề bộn tôi chỉ muốn chạy trốn”.
Dĩ vãng đối với Thành là một
niềm tin sức vóc, là những ngày tháng mặn nồng. Đôi lúc, tôi không khỏi ngạc
nhiên về hắn, một thanh niên đang tuổi lớn của thể xác và ước vọng, mà sao hắn
lại có những ý tưởng trầm hòa đến thế. Hắn trẻ mà sống như người từng trải, đã
bị mất mát nhiều và luôn luôn nuối tiếc. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ biết
quyết chắc về cuộc sống. Nhưng hình như những tư tưởng ấy đến với Thành quá
sớm. Dù sao, tôi mến hắn ở những thái độ hăng say hướng thượng. Hắn từng tâm sự
: “Tôi vẫn ước mong một ngày nào rất gần đây, tôi có đủ can đảm và uy tín để
giúp ba tôi thôi bành trướng thế lực của đồng tiền. Đủ rồi và hãy bắt đầu củng
cố lại những gì tốt đẹp ngày trước… Có tiền ai cũng muốn, nhưng nếu lấy tiền để
đánh đổi những cá tính cao đẹp của mình thì tôi từ chối ngay”.
Mặt trời buổi sáng đã ló
dạng ngay những rặng thông xanh trước mặt, màu vàng của nắng ngự trị trên con
đường vắng còn ướt sương. Khí ấm trở về. Ánh nắng làm cho cây cỏ nghiêng mình
chào đón. Tôi chợt quên đi những ý tưởng về Thành. Một ngày mới bắt đầu. Chiếc
xe chạy vụt vào thành phố, Tôi nghĩ đến Trân, đến cuộc du ngoạn hôm nay, đến
những ngày vui nơi xứ lạnh.
Và chúng tôi lại sửa soạn ra
đi sau khi đã chọn những bộ áo đẹp nhất. Tôi có cảm tưởng sống ở đây sẽ là
những sớm mai ra đi vội vã, đi khắp nơi, đến đêm khuya mới lê gót trở về, nhà
chỉ là chỗ tạm trú.
Bây giờ thì những con đường
đã quen thuộc lắm đối với tôi. Vài gốc hoa anh đào nở rộ ở đầu phố. Tôi yêu màu
hồng rực rỡ của những cánh hoa xinh, phất phơ trong gió sớm. Màu hồng của hoa anh
đào cũng là màu hồng tin yêu trong trí tưởng.
Chúng tôi định đến rủ Hương
cùng đi ăn sáng nhưng nhìn đồng hồ còn sớm quá, lại thôi. Hai đứa ghé quán
“Tùng” ăn tô phở nóng. Khí hậu ở đây làm cho ta mau đói. Thành gọi tô thứ hai
trong khi tôi chỉ cần ly café nóng và điếu thuốc lá thơm. Buổi sáng ở Đàlạt,
hút một điếu thuốc trong khí lạnh sẽ cảm thấy cái thú rất đầm ấm. Và tôi chợt
nghĩ, dù chỉ sống một ngày ở xứ này, người ta cũng không thể cô độc, sống mà
không có một nguồn an ủi nào.
Ban ngày, tôi mới nhận thấy
rõ vị trí của căn nhà trên lưng đồi, căn nhà màu trắng xinh xắn ; có hàng
mimosa trước đó, sau lưng là những ngọn thông cao dần. Đứng ở dưới con dốc, ta
sẽ thấy căn nhà khép nép giữa trùng điệp hoa lá, say sưa với cảnh vật của núi
đồi, khung cảnh đẹp như trong tranh vẽ.
Chúng tôi năm người, mang
theo những đồ dùng cần thiết rồi xuống phố. Chị Hoàng mượn người bạn được chiếc
xe La Dalat làm phương tiện di chuyển, Chúng tôi vui mừng vì sự bất ngờ này.
Thiên Hương bảo:
- Có xe, chúng mình sẽ như
mọc thêm đôi cánh.
Thành được chọn làm tài xế,
tôi ngồi trên với hắn còn những người khác ngồi ở băng sau. Cuộc hành trình
băng qua những con đường ngoằn ngoèo, cuộn sóng.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi
ghé là khu trại Hầm có ngôi chùa cổ khuất sâu trong núi, kín đáo, thơ mộng.
Trong khi mọi người đi thăm chùa, tôi theo Trân đi lần ra đứng bên bờ lan can
trông xuống thung lũng sâu. Dưới đó, bát ngát màu lá mận và bên kia là đồi
thông chập chùng. Nắng nhuộm vàng cả một vùng cây cỏ khiến cảnh sắc càng thêm
rực rỡ. Tôi nói với Trân đang đưa tầm mắt về phía xa:
- Trân có thấy được sống ở
đây là một điều hạnh phúc không?
Trân hất nhẹ mái tóc mềm
bóng, quay sang nhìn tôi:
- Vâng, cảnh ở đây đẹp thật.
Tuy nhiên theo Trân, nếu người lạ sống thì chắc hơi buồn.
- Những ngày nghỉ học Trân
thường làm gì?
Trân trả lời thành thật sau
giây lát suy nghĩ:
- Trân thích được cùng bạn
bè đi ngoạn cảnh. Thiên nhiên làm cho tâm hồn mình cảm thấy khoáng đạt và khiêm
tốn.
Và Trân nói tiếp:
- … Trân thích được đứng
trên cao như thế này mà nhìn xuống thung lũng. Nếu là văn sĩ thì Trân sẽ viết
truyện về chúng. Mỗi cái đều có vẻ đẹp riêng, nhưng với Trân thì cái nào cũng
lôi cuốn cả.
Tôi chợt nghĩ tới một thung
lũng nổi tiếng mang tên Tình Yêu, bèn hỏi:
- Trân nghĩ thế nào về
Vallée d’amour? Tại sao nó lại được vinh hạnh mang tên ấy nhỉ?
- Có lẽ vì khung cảnh ở đấy
thơ mộng, và hữu tình, những người yêu nhau thường đến đó tình tự…
Trân nói đến đó rồi thôi, e
dè như vừa lỡ để sơ hở chút tâm sự riêng.
Một gốc anh đào rũ những
cánh hoa hồng thắm gần đó. Tôi với một cành nhỏ tặng Trân, vừa kịp lúc bọn
Thành ra tới nơi. Chúng tôi chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm.
Rời trại Hầm, xe đổ về phía
hồ Than Thở. Đường lao xuống thấp dần và mặt nước lạnh băng đã hiện ra trước
mắt. Cảnh ở đây vắng lặng, quạnh quẻ, chung quanh chỉ thấy thông xanh và nước
hồ phẳng gương soi bóng.
Khi chúng tôi tới thăm thác
Cam Li thì mặt trời sắp đứng bóng. Thác nằm cách thị xã độ hai cây số về hướng Nam.
Nguồn nước đi từ hồ Xuân Hương đổ xuống trông như màu lụa, thấp thoáng những
chùm lá xanh non, và từ đó buông xuống ghềnh đá làm tung bụi nước, trắng xóa
như sương mù. Nhạc suối reo vang, sinh động cả một vùng. Tôi cố tìm cách săn
sóc Trân trên những bước đi gập ghềnh đất đá. Nhưng thái độ nửa e dè, nửa thắm
thiết của Trân khiến tôi băn khoăn mỗi lúc.
Cả bọn trở về thị xã ngay
sau đó, vì chiếc xe phải trả lại cho khổ chủ.
Tôi và Thành đứng thơ thẩn
trước những cửa hiệu đông người ở khu công trường Hòa Bình chờ chị Hoàng, Thiên
Hương và Huyền Trân vào chợ mua thực phẩm dùng bữa trưa nay. Chúng tôi dự định
nghỉ ngơi trên đồi.
Bóng tà áo xanh của Huyền
Trân khuất dần vào đám đông người. Thành bảo tôi:
- Huyền Trân dễ thương đấy
chứ Linh. Cô bé có vẻ mến cậu lắm.
Tôi cười và hỏi một câu để
dò ý bạn:
- Dễ thương thì có nhưng
điều kia thì chưa chắc, cậu dựa vào đâu để nói như thế?
Thành nhìn vào mắt tôi, trả
lời một câu nửa như diễu cợt, nữa như một lời quyết chắc:
- Cậu nên hy vọng đi là vừa,
và đừng giấu giếm mình làm gì. Nếu lòng có vui thì cho “mỗ” đây mừng với.
Rồi hắn nói tiếp:
- Ít ra thì chuyến đi lần
này của bọn mình sẽ ghi được nhiều kỷ niệm quí giá.
Câu nói của Thành đến đúng
lúc với những ý nghĩ tương tự đang thành hình trong tôi. Chuyến
đi nào, dĩ vãng nào rồi cũng để lại cho ta những điều đáng ghi nhớ. Nhưng hơn
bao giờ, niềm vui và cánh chim ước vọng trong tôi lại bay cao như lúc này. Nơi
mà trước đây, mỗi khi nghĩ đến, tôi đã dành cho những cảm tình tốt đẹp nhất.
Vùng đất mà tôi vẫn đặt cả niềm tin yêu, chính nó bây giờ đã không hề phụ tôi,
nó đã đem đến cho tôi những giây phút êm đẹp. Hình ảnh nhộn nhịp, ồn ào của cả
một thành phố với tôi, đôi lúc, như nhòa đi ; tôi chỉ còn thấy hoa nắng sáng
rực ở chung quanh và ngày về rất say mê bên những khóm hoa lá ân tình. Trời rất
lạnh. Xa đằng kia chân trời trong suốt.
Bữa ăn diễn ra thoải mái và
vui vẻ trên đồi ven hồ Xuân Hương. Đồi trọc, nhưng đó đây một vài cụm thông mát
rượi trông như những ốc đảo trong sa mạc. Nắng ở ngoài kia không nóng lắm. Tôi
vừa ăn vừa dõi mắt nhìn theo cánh đồi trải rộng miên man. Thành nói đùa:
- Chúng mình ăn và chơi trên
đồi núi cao không khéo lại thành tiên cả lũ.
Chị Hoàng bảo:
- Ai muốn thành tiên cứ việc
thành, để tôi làm người phàm cho, bao nhiêu thứ ở đây tôi giành hết.
Ăn trưa xong thì mọi người
đều uể oải. Những đôi chân leo trèo từ sáng, giờ đã rã rời. Chị Hoàng và Trân
cố gắng thu các thức ăn dư gọn vào một chỗ rồi cho xuống hố sâu gần đó, trong
khi chúng tôi lười biếng nằm dài trên đám cỏ trụi. Thành và Thiên Hương lúc nào
cũng có vẻ quyến luyến nhau. Tự nhiên tôi muốn tách rời mọi người để tìm sự yên
tĩnh.
Một cảm giác mát rượi, nhẹ
nhõm đến khi tôi bỏ giầy, đi chân trên những đám cỏ xanh. Cỏ mềm và thân mật.
Tôi thong thả dạo khắp trên đồi, vượt qua những gò cao và lũng sâu. Một vài chỗ
có bóng thông râm mát, cảnh trông thơ mộng. Những gốc thông thẳng và cao vút,
cứng cỏi mà lại có vẻ đẹp u trầm. Tôi muốn dừng lại ở đó, nhưng thôi vì thoáng
thấy sự hiện diện của một vài cặp uyên ương, họ nằm gối đầu lên tay nhau và
hình như cố thu nhỏ lại giữa thiên nhiên rộng lớn. Đời sống tự nhiên và đầy
nghệ sĩ tính. Tôi nghĩ đến Trân, đến một hình ảnh chói lòa giữa nắng ban trưa.
Những bước chân tôi không định mà tự nhiên quanh trở về chỗ cũ.
Thành nằm lim dim trên cỏ,
ba người con gái đang ngồi tựa lưng vào nhau trò chuyện gần đó. Tôi về đến nơi
thì Thiên Hương cũng vừa cất tiếng nho nhỏ hát một bản nhạc của Cung Tiến. Nét
tinh xảo và lãng mạn hiện rõ trên gương mặt Hương lúc ấy. Tôi có cảm tưởng đời
sống của Hương sẽ là một chuỗi những ngày buông thả, trôi theo dòng đam mê rất
sôi động. Tôi đứng khoanh tay dựa mình vào gốc thông bên cạnh, lắng tai nghe
cho đến khi dứt bản hát.
- Cả đồi thông hôm nay đều
im hơi để nghe tiếng hát của Hương.
Thiên Hương cười. Cô bé nói
một câu làm tôi thấy choáng váng:
- Thực ra người hát hay ở
đây không phải là Hương mà là Huyền Trân cơ… anh Linh ạ.
Tôi có cảm tưởng rằng mọi
người đã thấy rõ những tình cảm khác lạ đang ngụt cháy trong tâm hồn mình.
Cũng lúc ấy, tôi ngỏ ý muốn
chiều nay cả bọn cùng đi thăm Vallée d’amour thì chị Hoàng bảo:
- Ở đây chỉ có cô bé Trân là
người đủ tư cách nhất để nói về thung lũng đó. Bật mí cho Linh biết, mỗi tuần cô
phải lên đó một lần. Cô yêu thung lũng như người ta yêu nhau vậy.
Trân hất ngang mái tóc, cử
chỉ nũng nịu và để phản đối thái độ của chị Hoàng. Tôi vội bảo:
- Nếu thế thì Linh sẽ là
người đầu tiên nhờ Trân hướng dẫn lên thung lũng.
Trân nói giọng nhỏ nhẹ:
- Trân rất hân hạnh để làm
công việc đó, vì anh là người lạ, là khách của Dalat. Nhưng chỉ sợ người lạ
không đủ sức đi bộ suốt chiều nay thôi.
Tôi cười:
- Không sao Trân ạ. Được
Trân đưa đến thung lũng tình yêu, rồi có chết ở đấy, Linh cũng cam lòng.
Một thanh niên mặc quần áo
kiểu kỵ binh cưỡi ngựa chạy vụt qua. Mọi người có lẽ không kịp để ý câu nói của
tôi.
Đề tài về Vallée d’amour
được khai thác. Trân cho tôi xem bức hình đã chụp ở trên đồi cao, phía sau,
thung lũng tình yêu mờ ảo. Trân ngồi trên một gốc thông cụt, mái tóc mang mang
man dại, đùa theo gió. Gương mặt Trân rạng rỡ mà hiền hòa… Khi trao lại Trân
tấm ảnh, tôi gửi theo tiếng nói mang trọn cả hồn tôi:
- Hình ảnh của Trân làm cho
tôi càng yêu thung lũng.
Trân nhìn tôi cười, vẫn nụ
cười đáng yêu ấy.
Mọi người có vẻ mệt mỏi thật
sự, chúng tôi bảo nhau đi tìm giấc nghỉ. Cuộc vui còn dài. Riêng tôi nghĩ rằng
sự yên tĩnh bây giờ thật cần, tia nhìn và nụ cười kia cần được khắc sâu trong
tâm trí.
Tôi đến nằm cạnh bên Thành – hắn đã ngủ say từ lúc nào – và đưa mắt nhìn
những chòm thông xao động trong gió mát ban trưa. Màu xanh đen của lá in trên
nền trời xanh những nét chấm phá tuyệt đẹp. Tất cả đều yên tĩnh, sự yên tĩnh
chót vót thinh không. Thoang thoảng đâu đây chỉ còn nghe tiếng rung động mơ hồ
của lá thông lác đác. Dưới kia là mặt hồ phẳng lặng. Tôi đang ở trên cao. Tình
yêu như cánh diều no gió, đang dâng lên bằng nhịp vui ngày nắng. Và đôi mi tôi
chợt thiếp đi trong một giấc ngủ hoang hoang như không có thật.
*
Nhưng chúng tôi không kịp đi
thăm thung lũng, vì ban chiều, khi vừa ở vườn hoa Bích Câu ra thì trời đổ mưa.
Cơn mưa trái mùa kéo đến làm hỏng cả dự tính. Dù sao, cũng vì thế mà tôi được
dịp ngắm cảnh trời mưa dào dạt của miền núi. Nhìn lên đồi, màu mưa trắng xóa,
bay nghiêng nghiêng, trông có vẻ buồn và đẹp vô cùng.
Cũng trong chiều nay, tôi
được quen biết một người bạn mới, một người bạn vong niên mà mới thấy lần đầu
đã gây nơi tôi những cảm tình đặc biệt. Người đó không ai khác hơn là bác Sáu,
một ông già đứng tuổi, cai quản vườn ươm hoa bên bờ hồ.
Bác Sáu là một mẫu người có
nhiều tính lạ. Tuổi đời bác đã xấp xỉ lục tuần, nhưng dáng điệu và ngôn ngữ vẫn
chưa hề chịu sự đè nặng của thời gian. Đầu bác đội nghiêng chiếc mũ rộng vành
và môi thì luôn luôn phì phèo điếu thuốc lá. Tôi để ý nhất là đôi mắt tinh anh
nằm trong vùng tối tăm của vành mũ. Đôi mắt ấy mỗi khi nhìn ai, có vẻ trìu mến,
nhiệt tình. Cả khuôn mặt bác bảo đảm cho một con người có bản lãnh, đủ khả năng
tranh đấu với đời và làm thân với kẻ khác.
Trong bọn, ngoài tôi ra tất
cả bác đều biết, thân nhất là chị Hoàng rồi đến Thành. Chị Hoàng vẫn vào thăm
vườn hoa luôn, còn với Thành thì bác Sáu trước kia là người lối xóm. Vừa thoáng
thấy Thành, bác đã để tay lên trán bảo:
- Tôi trông cậu dường như
quen quen. Phải con ông Tạo không?
Thành thì nhận ra ngay người
bạn già của cha mình ngày xưa, nói như reo:
- Ồ, bác Sáu!. Cháu không
ngờ trí nhớ bác còn minh mẫn quá. Chính cháu đây.
Hai người tay bắt mặt mừng.
Thì ra tất cả đều quen thuộc. Bác Sáu giải thích với chúng tôi:
- Trước kia, nhà tôi gần nhà
ông Cả Tạo là cha của cậu Thành đây. Chúng tôi quen nhau từ hồi cậu ấy còn nhỏ
xíu, thích mặc áo đỏ và đội mũ beret đen… Bây giờ thì ông Cả đã giầu lắm rồi.
Thành đỡ lời người vắng mặt:
- Thưa bác, chẳng qua là vì
hoàn cảnh sống thay đổi. Ba cháu vẫn mong có dịp trở về đây tìm lại những người
thân cũ.
Giọng bác Sáu trở nên xa
xăm, tiếng nói mang mang từ những ngọn thông ở cánh đồi phía trước:
- Kỷ niệm sâu đậm nhất giữa
chúng tôi là những lần ông qua nhà để trao đổi kinh nghiệm trồng hoa và những
bàn cờ tướng tương đắc. Ông đánh cờ dở hơn tôi một chút, nhưng tôi phục ông
nhiều điểm, rất bình dân, thông minh và lịch sự, ông lại là người có nhiều kiến
thức trong sách vở…
Theo lời chị Hoàng, bác Sáu
làm việc ở đây đã trên hai mươi năm. Tuy chỉ là một người trông coi vườn hoa
nhưng bác yêu việc và trung thành với nghề nghiệp của mình. Có lần bác bảo :
“Giữ vườn hoa không những chỉ là một nghề mà còn là một thiên chức”. Chúng tôi
không ai nhịn cười được vì hai chữ thiên chức mà bác dùng. Bác lý luận : “Hoa
là niềm vui của mọi người, là vẻ đẹp hương sắc của cảnh vật. Bảo vệ hoa tức là
bảo vệ niềm vui cho người và giữ vẻ đẹp cho cảnh vật”. Cũng vì thế, vẫn theo
chị Hoàng, bác thường rất khó khăn với những ai phá phách trong vườn làm hư hại
vẻ đẹp chung.
Lần đầu tiên quen biết, bác
nhìn tôi thật kỹ và nhắc đi nhắc lại tên tôi nhiều lần trong những câu nói.
Thiên Hương Bảo : “Đó là thói quen của bác. Bác thích được quen với nhiều người
và mỗi người quen, bác đều học thuộc tên cũng như diện mạo. Nhờ đó mà sau này
gặp lại, bác có thể nhận ra người quen một cách dễ dàng”. Vốn nặng tình cảm yêu
thương, tôi thấy gần gụi ngay với người quen mới. Tôi bảo bác : “Bác có giọng
nói ấm và cứng cỏi ghê. Nghe bác nói chuyện, tụi cháu quên cả lạnh…”
Khi trời đổ mưa, bác Sáu kéo
chúng tôi vào căn nhà gỗ mà bác tự làm lấy ngay trong khu vực vườn hoa. Bác tỏ
ra mến chúng tôi thật tình. Hôm nay lại đúng ngày giỗ của bác Sáu gái. Con cháu
ở xa không về kịp, đời sống đơn độc. Tôi bỗng thấy băn khoăn và ngậm ngùi cho
thân phận bác, một người già, tuổi đã nặng, tình thân đã nhiều mà ngày giỗ vợ
thắp hương tưởng nhớ rất âm thầm. Niềm cô đơn đến và ruồng rẫy tuổi đời như một
loài sâu độc. Bác khẩn khoản mời chúng tôi ở lại uống thêm nước trà nóng. Ngoài
trời, mưa vẫn bay bay. Chúng tôi không có lý do nào để từ chối.
Buổi tối, khi chia tay ở ngã
ba đường đồi và trao nhau những lời giã từ, tôi thấy buồn man mác. Cuộc vui nào
rồi cũng qua mau. Ngày mai chúng tôi trở về Saigon
với đời sống của mình. Niềm vui say hội ngộ tôi sẽ mang theo làm hành trang tâm
tưởng, nhưng rồi sẽ được những gì? Những giờ phút bên nhau quá chóng vánh, như
gió thoảng qua ngày, như bụi phấn hoa xuân, tôi đã gửi gấm được gì cho Trân
chưa? Tôi muốn được theo Trân về nhà tối nay, để một lần nữa được ngắm hình ảnh
Trân đẹp tuyệt vời bên bếp sưởi, ánh lửa nghi ngút và màu mắt xa xăm. Nhưng
thấy hoàn cảnh bất tiện, tôi và Thành lại còn phải đưa Thiên Hương về nhà nên
đành bỏ dự định. Thành và Thiên Hương lúc nào cũng ríu rít bên nhau. Lúc cuối, Trân
bảo tôi:
- Tiếc quá, trời mưa làm
hỏng cả chương trình. Hẹn một dịp khác Trân sẽ đưa anh đi thăm thung lũng. Dù
sao, niềm ao ước sẽ giúp anh nhớ Đalat mãi mãi.
Tôi cười bảo:
- Trân dã man lắm nhé.
Rồi tôi hỏi tiếp một câu đã
định sẵn:
- Trân nghĩ gì về bọn này?
Trân trả lời tôi thành thật
và hồn nhiên sau giây lát suy nghĩ:
- Những ngày nghỉ có các anh
đến thật vui. Hè tới nếu có thể, thi xong các anh lên đây nghỉ ngơi. Hè Đalat
mưa tầm tã nhưng cũng có những thú vui rất đặc biệt.
Như một luồng khí ấm thổi
qua, câu nói của Trân khiến cơn buồn trong tôi chợt dịu lại. Những bước chân
quay về càng thêm lưu luyến. Rồi đây, những ngày tháng qua đi và những đoạn
đường từng trải, những hình ảnh sau cùng trong tôi và mỗi người, sẽ là nơi sinh
nảy nụ hoa tin yêu thứ nhất. Màu hoa làm chói lòa cơn mộng và nghĩa sống dâng
về.
*
Chúng tôi nằm ngay ngắn trên
giường, chăn tận cổ. Lửa trong lò đã tắt nhưng than vẫn đốm hồng. Lúc khuya ở
phố về, hai đứa lạnh cóng cả thịt da, nếu không nhờ ít củi thông mà Thành kiếm
được bên hàng xóm để đốt lò, thì không hiểu đêm nay chúng tôi sẽ ra sao?
Bây giờ thì đêm trăng mờ và
lạnh đã bị ngăn kín ở ngoài kia, cùng với những kỷ niệm. Căn phòng vắng lặng.
Chúng tôi nằm bên nhau không nói, mỗi người theo đuổi một ý tưởng riêng. Thành
đang rít điếu thuốc lá hút dở. Chợt hắn hỏi tôi:
- Giữa cậu và Huyền Trân
chuyện đến đâu rồi?
Tôi trả lời nhỏ và chậm, mắt
vẫn nhìn lên trần nhà:
- Chưa
đến đâu cả. Theo cậu, Trân là người thế nào?
- Trân dễ thương, mà cũng
lãng mạn lắm. Mẫu người như Trân làm cho cậu say đắm là phải…
Thành cười mỉm sau câu nói,
tôi không nhìn những biết và cũng cười theo. Một lát sau, tôi nói với Thành:
- Mình có cảm tưởng Trân và
chị Hoàng không phải là hai chị em ruột. Nghe giọng nói thì có thể đoán được.
Và điều tôi phỏng đoán rất
đúng, Thành xác nhận như vậy. Chính Thiên Hương đã cho hắn biết khá rõ về gia
thế hai người. Chị Hoàng và anh Hùng sau cuộc di cư năm 1954 lưu lạc và quen
nhau từ thuở nhỏ. Hai người ở Huế với những người thân trong họ. Khi anh Hùng
nhập ngũ, ở quân trường ra thì hai người lập gia đình với nhau. Những ngày
tháng đầu cuộc hôn nhân họ sống xa cách. Người đóng quân heo hút ở một vùng gần
Đalat, người thì sống đơn lẻ tại quê hương thứ hai của mình, là Huế… Anh Hùng
bản tính thích tự lập, dù đời quân ngũ chật vật, vẫn cố tìm một nơi riêng biệt
để hai vợ chồng chung sống… Cuối năm 1969, tức đúng nửa năm sau, nhờ một dịp
may mà Thiên Hương chưa rõ lắm, anh Hùng được người bạn thân hiểu rõ hoàn cảnh,
giúp phương tiện lập một căn nhà nhỏ cách trung tâm thị xã Đalat hơn một cây
số. Vùng này tuy thưa dân cư trú nhưng phong cảnh thơ mộng và gia đình anh bạn
cũng sống gần đó. Căn nhà được tu bổ dần và chính là nơi mà tối qua chúng tôi
dự tiệc giáng sinh tại đấy.
Trong thời gian sống ở Huế,
chị Hoàng có biết một cô bé gái rất dễ thương, nhà ngay bên cạnh. Cô bé đó
không ai khác hơn là Huyền Trân. Hai người quyến luyến nhau và coi nhau như
tình chị em. Huyền Trân là con một nhưng chẳng may bố qua đời khi Trân còn đang
học đệ tứ. Mẹ Trân rất thương con, không muốn Trân chịu cảnh tủi thân trong gia
đình với người chồng thứ hai của mình, vì nghe đâu, Trân và ông này không hợp
tính nhau, bà liền gửi gấm Trân cho chị Hoàng, một người mà bà hằng mến và tin
tưởng hơn họ hàng. Cuối năm nay Trân thi tú tài một và vẫn mong có dịp sống gần
mẹ.
Nghe xong câu chuyện về gia
đình những người thân mới quen biết, tôi bỗng bùi ngùi thương xót. Đời sống và
tâm tình con người phức tạp quá. Bằng những câu hỏi thăm hời hợt, ta không thể
nào hiểu nổi nhau. Bên ngoài, ai cũng có vẻ bình thản nhưng thực ra bên trong
là cả một biển động trong đời. Tôi nói với Thành những ý nghĩ đó, thì hắn bảo:
- Thật tình như vậy Linh ạ.
Nếu con người không chịu tìm biết nhau thì không bao giờ gần nhau được.
Rồi hắn cười nói tiếp:
- Nhưng cậu phải đền đáp cho
“moa” về những tin sốt dẻo vừa rồi đấy nhé.
Sau một lát, tôi bảo:
- Cho đến giờ mình cũng chưa
rõ lắm về tình cảm của Trân thế nào…
- Đó chính là cái mà cậu
phải đi tìm lấy bằng cách để ý những thái độ và phản ứng của Trân đối với cậu.
Sự nhậy cảm trong trường hợp này rất lợi. Riêng ý mình thì Trân tỏ ra rất có
cảm tình với cậu. Hãy làm cho những tình
cảm ấy lớn mạnh trong Trân, nhanh hay chậm đều do cậu hết cả.
Thành nói giọng điềm tĩnh mà
vững chãi, hắn vẫn có tính hay bày tỏ ý kiến mình một cách tự nhiên như thế với
bạn bè. Tôi bâng khuâng trước những điều hắn vừa bảo. Việc gì hắn cũng có vẻ
tính toán dễ dàng quyết chắc. Tôi tự thấy hãy còn thua xa bạn về kinh nghiệm
sống. Tôi biết, không phải trong một lúc ai cũng có thể nói về một vấn đề có
liên quan đến mình một cách dễ dàng như thế. Cảm tình của tôi đối với Trân đã
nặng nhưng tôi vẫn chưa có một dự tính rõ rệt nào để chiếm trọn những cảm tình
tương tự ở nơi Trân. Tôi vẫn để tình cảm mình tuôn trào một cách tự nhiên quá
mà không hề toan tính. Chân thành tin yêu thì có, nhưng con đường đằng trước
rất mịt mờ, chưa nhìn thấy gì ở cuối phố.
Tôi hỏi Thành về những cảm
giác đầu tiên khi hắn tìm thấy người trong mộng. Hắn trầm ngâm một hồi lâu rồi
mới nói một câu rất kiểu cách:
- Tình yêu đầu nào cũng kiều
diễm và đam mê. Chính nó làm cho con người dào dạt ý sống, tim hồng mở rộng, ôm
ấp cả đất trời. Nên có người đã từng nói với người yêu rằng “Ta yêu em bằng
tình yêu thế giới”… Nhưng cũng chính tình yêu đầu đem đến cho con người niềm
cay đắng không bao giờ nguôi ngoai. Vì tình yêu đầu thường mong manh lắm, như
giọt sương gội nắng, như dấu cây ban chiều…
Giọng Thành trở nên u uẩn lạ
thường. Hắn vội xin lỗi tôi về thái độ vô lý vừa rồi, có lẽ tâm tư hắn đang bị
khơi động bởi một niềm cay đắng nào đó. Tôi im lặng rồi cũng xin lỗi bạn vì đã
vô tình mở lại một dĩ vãng không vui. Lần ở Saigon,
Thành đã kể cho tôi nghe hai cuộc tình qua đi trong đời hắn. Tôi không khỏi
ngạc nhiên trước những bản nhạc lòng đầy đam mê đó, nhất là câu chuyện tình thứ
nhất. Người con gái có dáng dấp ngoan hiền đi vào tâm hồn Thành như một giấc mơ
huy hoàng. Đôi mắt và mái tóc nàng nhuộm thắm một màu nâu huyền bí. Tình mới
lớn xanh màu xanh hy vọng và tinh khôi như bạch ngọc. Nhưng tình yêu mười sáu
bao giờ cũng non dại và phũ phàng, người lớn không ai bằng lòng sự non dại cả.
Do đó, tình yêu tuổi nhỏ dù lớn và nồng thắm nhưng cứ chìm dần trong vô vàn
tuyệt vọng…
Không khí trong phòng tự
nhiên ngột ngạt. Tôi nhận thấy không nên im lặng thêm nữa, liền bảo:
- Giờ này có lẽ những người
bạn của chúng mình đều đã say ngủ cả. Chỉ có những kẻ ngày mai ra đi mới phải
thao thức.
Thành hỏi:
- Cậu nói thế có nghĩa gì?
Tôi không trả lời Thành mà
hỏi lại:
- Cậu và Thiên Hương như thế
nào?
Thành trả lời:
- Thiên Hương với mình chỉ
có thể là bạn và là đôi bạn thân… Bản tính Hương rất thích tự lập và phóng
túng. Cô nàng có nhiều mộng lớn, có vẻ quá lớn là đằng khác. Thí dụ như cô bé
mong sau này sẽ trở nên một nữ học giả hay một nhà ngoại giao.
Tôi hỏi:
- Hương có fiancé chưa?
- Hương được nhiều người
“mết” lắm, nhưng đều cho de hết cả. Mới đây, nghe đâu có một đại úy trẻ tuổi
chiếm được khá nhiều cảm tình của người dẹp. Chàng xuất thân ở võ bị quốc gia
và theo Hương thì có tương lai làm tướng lãnh.
Tôi cười bảo:
- Mình có cảm tưởng ai sống
với Thiên Hương sẽ phải khổ sở lắm vì cô nàng có nhiều cao vọng và ưa vòi vĩnh…
Thành xác nhận điều đó và
nói tiếp:
- Dù sao, Hương cũng là một
mẫu người sống tốt, tâm hồn hăng say và có óc sáng tạo, mà không gì đẹp bằng
sáng tạo. Lâu nay mình mới có dịp tiếp xúc lại với Hương, tình bạn vẫn thân
thiết. Hồi mới quen nhau, mình với Hương cũng đã đồng ý với nhau rằng hai đứa
sẽ thành đôi bạn thân.
Một phút yên lặng trôi qua,
đôi mắt đã thấy trĩu nặng. Tôi nghĩ đến một giấc ngủ êm ấm trong chăn và nệm,
liền bảo Thành:
- Lần đi xa này của chúng
mình không đến nỗi vô ích.
Thành cười hóm hỉnh:
- Cho Linh thì nhất định
rồi.
- Không, cho tất cả mọi
người.
Thấy Thành im lặng, tôi nói
tiếp:
- Thú thật, sống với cậu,
mình học được nhiều cái.
Thành bảo:
- Cậu làm tớ xấu hổ. Ở trong
lớp học, có ai nói tới tên Thành bao giờ đâu ; năm vừa rồi thi đậu cũng nhờ ơn
phúc tổ.
Tôi thành thật:
- Trong thâm tâm, mình vẫn
coi cậu như bậc đàn anh. Dĩ nhiên ở đời có ai tự hào rằng mình đầy đủ kinh nghiệm?
Nhưng ai đã từng trải thì có nhiều kinh nghiệm hơn và xứng đáng làm thầy.
Thành bật cười lớn, tiếng
cười làm tan bầu không khí yên tĩnh, như muốn phá bỏ những lời nói vừa rồi của
tôi. Hắn bảo:
- Sự khiêm nhượng quá đáng
của cậu sẽ làm cho cậu phải hối hận sau này. Ở đời mỗi người có một con đường
để đi, có một đời sống để sống, có ai giúp được cho ai đâu? Nhiều khi trong lúc
vui, nói để mà chơi cho khuây khỏa chứ ai dám nghĩ đến chuyện làm thầy kẻ khác.
Vả lại, nếu đúng như lời cậu nói thì chính cậu cũng đã và đang là thầy tôi
trong việc học. Những bài toán ở trường lớp tôi làm được không phải là do tài
chỉ dẫn của cậu đấy sao?
Tôi cười:
- Như vậy chúng mình đều là
những ông thầy của nhau?
- Và có thể đều là những ông
thầy dở cả Linh ạ.
Chúng tôi cùng cười lớn với
câu nói ấy. Tiếng cười phát ra và vỡ toang ngay sau đó, nhường lại cho sự vắng
lặng rợn người bao lấy chúng tôi.
Ngoài kia đêm đã nặng. Đồng
hồ trên tay tôi chỉ đúng một giờ sáng. Không ai bảo ai chúng tôi đều yên lặng.
Cuộc đối thoại vừa rồi khiến những tình cảm trong tôi dịu lại như vừa trút được
một mối băn khoăn lớn. Khi trải rộng được tâm tư ra, ta thấy thoải mái. Bây
giờ, tôi có thể quay vào giấc ngủ mà không còn một níu kéo nào. Những đốm than
hồng trong lò cũng đã tắt từ lúc nào, căn phòng chứa đầy bóng tối, thứ bóng tối
đồng lõa, nuôi sống linh hồn bằng những giấc mộng hương nồng.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN