Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

CHƯƠNG IX_TRÊN ĐƯỜNG TÌM NGỌC


CHƯƠNG IX


Đây là đêm đầu tiên rời làng, anh em Lai ngủ trong quán trọ như những khách du hành khác. Từ khi xảy ra tai nạn do chó rừng, Lai hiểu rằng ngủ đêm ngoài trời rất nguy, dù đỡ tốn tiền. Các khách bộ hành khác nằm sắp lớp dưới đất trong một căn phòng, chật đến ngộp thở, anh em nó quyết định ngủ ở hiên nhà.

Bầy dơi đu trên mái nhà tựa như từng cái túi đen, khi đèn tắt hết chúng nhẹ nhàng rời chỗ đậu đuổi theo côn trùng. Thạch sùng bò đầy đất và trên vách và nhện và bướm đêm bay trong không trung, hướng về gian phòng đọc sách.

Từ hiên nhìn ra, cánh đồng như trải dài vô tận. Thật sung sướng được nằm yên ổn thoải mái được ngắm các vì tinh tú trên trời thay vì hồi hộp lắng nghe từng tiếng động khả nghi trong bóng tối ở bụi tre hay bậc thềm, thấp thỏm ngay cả trong giấc ngủ.

Lai cảm thấy như được tiếp sức, nó tính sau khi đến A-rát lập tức nó tìm ngay ông chú xin ông giúp cho việc đưa Mai vào Y viện. Sau đó nó sẽ kiếm việc làm cho có tiền đặng mua vé tàu về. Lai sẽ làm bất cứ việc gì. Nhất định là không thể trải qua nhiều đêm ngủ tốn tiền như thế này. Và còn tốn tiền ở, tiền đốt lò nấu cơm nữa. Vậy phải mau mau tìm cách đến đích.

Bà Hà tốt bụng cho cho Mai đôi giày, anh em nó cũng được ngủ 3 đêm trong nhà tử tế, nhưng khó mà tìm ra một người tốt bụng như bà cũng như Sâm Du. Phải tự liệu lấy thân. Cần phải đi mau: có thể xin đi nhờ mấy chiếc xe bò đậu ngoài sân. Đừng mơ đến buýt vô ích. Con Cam có thể theo xe bò rất dễ dàng. Lai thiếp đi trong lúc đang suy tính. Tội nghiệp nó, dù rất biết lo lắng cho em, nó vẫn là đứa trẻ 13!

Sáng hôm sau, anh em nó ăn cơm trên bậc thềm nhà trọ và nhìn người ta chất hành lý lên xe bò, xe đạp. Có xe đầy nhóc con nít và hàng hóa cồng kềnh nặng nề mà chỉ có một con ngựa gầy kéo. Lai biết rằng không thể đi trên những xe như thế.

Bỗng một người cao lênh khênh rời quán trọ tiến đến cái xe đạp dựng sát vách. Lai chưa thấy ai cao như vậy, cao và gầy như... cái sào tre. Lai thu hết can đảm lại gần trong khi anh bơm bánh xe:

- Anh đi A-rát?

- Ừ anh ta vắn tắt đáp.

- Bao giờ đến nơi?

- Trưa nay, nếu bánh xe không bể.

- Anh... anh có thể chở em tôi không? Tôi trả anh 1 rúpi.

- Sao không? Nghề của qua mà, em. Nhưng đi tới chỗ nào chớ? Nói coi?

- Tới trước ga.

- Vậy thì xa lắm, 2 rúpi mới được.

Hai bên mặc cả hồi lâu, sau cùng ngã giá là 1 rúpi, 8 annas. Lai xếp chiếu đặt trên boót-ba-ga để em ngồi cho êm, cho thêm Mai 2 quả chuối ăn dọc đường và dặn Mai đến ga A-rát cứ ngồi chờ mình đến. Mai không phản đối như thói quen: nó chán đi bộ rồi. Được chở, nó sung sướng lắm và đây là lần đầu nó tỏ ra vững lòng phải xa anh.

- Anh chờ tôi trước ga, tôi trả tiền cho anh.

- Không, phải trả tiền trước!

- Phải đợi đến nơi đã chớ!

- Ai bảo đảm mày có tiền? Ngộ mày quịt công tao, chả lẽ tao xẻ thịt mày sao? Mà tướng mày làm gì có tiền, tao không dễ gạt đâu.

- Nếu định lừa anh, tôi mặc cả làm chi? Vả lại có em tôi làm tin mà!

Muốn chứng minh là mình có tiền nên dù chưa quên lời Sâm Du dặn dò, Lai vẫn rút bọc tiền cho gã kia thấy. Gã gặng lại:

- Mà mày có bao nhiêu chớ?

- 20 rúpi lận, anh ơi!

Lai tăng số tiền mình làm chủ gấp đôi lên để chứng tỏ mình là hạng khá giả. Gã đàn ông không nghi ngờ gì nữa. Lai đặt em lên xe đạp rồi đứng nhìn cho đến khi chiếc xe đạp khuất giữa đám đông xe và người. Mai ngoái lại vẫy anh:

- Anh tới mau nghe!

- Ừ anh sẽ tới, đừng sợ!

Lần này Lai đi thật nhanh vì không bận Mai bên cạnh, thật là tuyệt. Đã nhiều lần Lai phải dừng lại, nắm tay Mai, kể chuyện cho nó nghe dù là Lai hết sức nôn nả trong lòng, chỉ muốn đi thôi. Bây giờ thì tự do, nhẹ nhõm quá sức đi. Lai và Cam chạy thi với nhau, đường dài làm nó khỏe hơn thay vì nhọc mệt như khi có con em bên cạnh.

Lai nhận ra gã đạp xe không nhanh mấy và cứ đà này Lai thừa sức bắt kịp anh ta. Gần đến đích, Lai càng nôn nả hơn, nó chỉ dừng lại nuốt vội miếng bánh rồi tiếp tục chạy dưới bóng hàng cây.

A-rát hiện ra như một cái bóng mờ ở chân trời. A-rát! Cái đích xa diệu vợi mà đã nhiều ngày nó chịu vất vả để đến gần. A-rát! Lai kêu lên vui sướng:

- Cam thấy chưa? A-rát đó nghe! Tới nơi rồi đó nghe!

Con vật ve vẩy đuôi tán đồng lời chủ và như muốn tháo bỏ băng đầu.

Xế trưa, A-rát rõ ràng hơn với những mái ngói và đền đài. Dù mệt lử, Lai không ngừng lại hay đi chậm, vì nó muốn đến nơi trước khi tối trời. Lai hãnh diện vì mình đi nhanh quá, vì mình đã điều đình gã nọ chở em trước khi trả tiền, đã dùng nhà ga làm nơi hẹn gặp. Khôn quá đi chớ! Thật đáng tự khen.

Lên đầu dốc, bất ngờ Lai đụng đầu em, con bé nheo mắt nhìn lại phía anh và nó mừng rỡ nhận ra Lai. Lai hấp tấp hỏi:

- Ủa, làm gì đó? Chớ ông kia đâu?

- Ổng kìa, ổng đang ngủ!

Mai chỉ cho anh thấy một cây bồ đề to, rễ chằng chịt quấn đầy thân cây và thòng xuống tận đất, gã đàn ông ngáy pho pho, thân hình gã dài dễ nể! Nó liến thoắng kể tiếp:

- Em phải ra đây đón anh chớ đứng dưới tàng cây em chẳng thấy gì hết, em sợ anh đi qua mất.

Lai phật ý vì gã ta dừng lại khi chưa đến đích song cũng hãnh diện vì bắt kịp. Mai buồn rầu bảo anh:

- Anh biết không, ổng nói nhà thương chật lắm, không có chỗ đâu. Nhiều người phải trở về đó, anh Lai.

- Ổng biết gì mà nói? Cậu thằng Kiên chữa được kìa!

Lai gạt đi, Mai vẫn lải nhải:

- Ổng nói có một cái hội tên... tên (Mai ngẫm nghĩ một lúc lâu) à! Em nhớ rồi này. "Hội Chống Bệnh Mù"... Ổng nói là...

Gã đàn ông ngồi dậy, nghe Mai nói gã cười mai mỉa:

- Thôi, đừng nói tới. Hội đó dành cho những người trong giai cấp cao hơn chớ đâu đến hạng mạt rệp như tụi bây...

Lai như không để ý đến điều gã tiết lộ, hỏi gặng:

- Anh ngừng đây làm chi? Phải chở em tôi tới ga A-rát chớ?

- Ậy, tới bóng mát ngồi nghỉ chút mà, mày chạy mau quá, đuối đa. Nói cho ngay, bánh xe của tao lung lay như răng mụ già, tao sợ nó văng bánh xe ra lề đường thì khốn.

Lai dịu lại, cả ba ngồi dưới bóng cây. Gã đàn ông đựng nước trong cái túi da dê, gã rót mời Lai:

- Nghỉ chút, uống nước đi! Sớm hay muộn chút đỉnh hại gì?

Bầy khỉ từ trên cành kêu khẹt khẹt và vứt cành cây xuống đầu ba người, Mai:

- Anh hỏi chuyện Hội Chống...

- Thật ra, tao cũng mù mờ lắm. Nghe nói Hội chống lại tất cả các loại bệnh về con mắt ở toàn xứ này. Đã giúp được nhiều người lắm à!

- Ông coi thử họ có thể giúp tụi tôi không?

- Không dễ đâu gã lừng khừng nói Đâu phải ai cũng được...

Lai đứng lên:

- Ông nói Hội chống lại bịnh con mắt? Vậy thì Hội phải giúp đỡ tất cả mọi người...

- Ai biết đâu. Nhưng chiều nay tao có hẹn với một người bạn cũ ở quán trọ, và tao biết ảnh quen với ông Hội trưởng hội này. Mày thử hỏi coi?

- Được, tôi sẽ theo anh.

Lai đặt em lên xe rồi gã kia và nó phụ lực đẩy xe đến chỗ hẹn: một quán ăn.

Người ta vào tấp nập nơi mấy bàn ăn, thức ăn thức uống bày la liệt. Gã đàn ông cúi xuống mới chui lọt qua khung cửa thấp, gã nói với ra:

- Chờ đó, để tao coi còn anh bạn trong này không.

Nhìn qua cửa sổ Lai dễ theo dõi anh ta vì anh cao lớn dù phòng đầy nghẹt những người. Lai thấy gã len lỏi giữa đám đông đến gần một gã đàn ông khá mập, đầu đội khăn. Gã có vẻ cố thuyết phục người kia vì Lai thấy gã vung tay múa chân thật hăng.

Chà! Hội Chống Bệnh Mù! Nghe tên cũng đủ... mê! Chắc là lớn lắm, chắc hội ấy giúp cậu Kiên vào nhà thương chớ không sai. Mong sao cho người đàn ông mập mạp kia bằng lòng giúp Lai... Để coi, nhờ trời... con voi xám... vận may...

Mai mệt mỏi ngồi cạnh anh, thỏ thẻ hỏi:

- Em nằm xuống chút được không? Em trải chiếu chỗ cái xe đạp...

- Khoan đã, chờ chút coi nào! Họ gần ra kìa. Anh sẽ đưa em lại quán ăn, ngủ đàng hoàng.

Hai gã đàn ông cùng đi ra. Lai khấp khởi mừng thầm. Họ ra hiệu anh em Lai vào quán, rồi họ chọn một cái bàn to ngồi xuống. Lai cũng kêu hai tô cháo dù biết là giá đắt. Gã gầy cao dọn giọng:

- Ông bạn qua đây nói là Hội chỉ chăm sóc các Hội viên của Hội thôi. Có nhiều đốc-tờ giỏi số dách chữa lành mắt cho mấy ông Hoàng và các nhà giàu. Đó, mấy em thấy chưa? Qua nói có sai đâu? Không phải ai cũng được săn sóc, trừ hội viên...

Lai nóng nảy hỏi, tay mở gói lương thực bần hàn gồm có khoai lang và phô-ma:

- Phải tốn bao nhiêu tiền mới vô hội được, hở ông?

Gã mập nói lửng lơ:

- Cái này ta cũng không rành gì, nghe đâu cỡ mười rúpi hay trên là ít nhất.

- Tôi chỉ có 8 rúpi, chừng đến A-rát gặp chú tôi, may ra có thể...

- 8 rúpi ít quá, làm gì được?

- Thôi, anh bạn, thông cảm giùm, nhờ anh nói giúp cho một tiếng. Với đứa nhỏ như con bé kia thì tôi nghĩ là 8 rúpi cũng có thể... Tội nghiệp nó, con người ta cũng như cháu mình mà, anh! Đừng làm khó...

- Thì cũng muốn giúp theo lời chú nói chớ, có điều 8 rúpi chưa đủ. Chú biết tánh tôi chớ. Nhưng đâu phải ai cũng như mình, đời này tồi tệ quá, có tiền mua tiên cũng được mà...

- Xin ông vui lòng giúp em tôi... tội nghiệp nó... Tôi xin đưa liền số tiền để ông lo liệu.

Lai vừa khẩn khoản van nài, vừa rút trong bọc ra 8 rúpi còn lại đưa cho gã. Gã hơi nghĩ ngợi rồi tặc lưỡi một cái, gật gù:

- Để coi, coi... Thôi, kệ, lâm nguy bất cứu mạc phi anh hùng, ta sẽ cố gắng giúp em.

Lai gãi đầu gãi tai:

- Xin ông viết cho tôi cái biên nhận, làm tin.

- Hả? Biên nhận? Nghĩa là mày không tin hảo ý của tao chớ gì?

Giọng gã giận dữ làm Lai cuống lên. Tên gầy can thiệp:

- Anh chấp con nít làm gì? Không sẵn biên nhận đây thì đưa cho nó cái nhẫn làm tin cốt sao cho được việc là quí rồi. Giúp ai phải giúp tới cùng...

- Chờ đây chút, tụi tao sẽ trở lại ngay. Cho mày hay tao nể bạn tao chớ cái giọng của mày làm tao dóa rồi đa.

Lai hồi hộp nhìn gã cho tiền mình vào túi áo, gài kim cẩn thận rồi cả hai lên xe đạp dông liền. Nghĩ cũng kỳ: ban nãy thì thấy cái xe có vẻ ọp ẹp, lung lay mà giờ trở thành chắc chắn, chở gã mập sau boót-ba-ga chạy mau như gió! Mai gục đầu trên bàn ngủ tự bao giờ rồi, mặc anh với mối bận tâm đáng kể.

*

Thời khắc trôi qua. Lai vẫn ngồi thẳng trên ghế nhìn bóng tối dày đặc bên ngoài, sao đêm lấp lánh. Mỗi lần có tiếng động sau lưng là nó lập tức quay lại và nghe tiếng cửa mở nó cũng giật mình, chong mắt nhìn song vô ích, hai gã kia biệt tích luôn dù là đã hứa bằng giọng chắc nịch "trở lại ngay", Lai nhấp nhỏm trên ghế như thể có kiến đốt ở gan bàn chân. Có lý nào họ lừa mình? Mấy lời văn hoa bóng bẩy của gã ta còn như rành rành trong óc Lai: Lâm nguy bất cứu... Đâu có lý nào? Nếu muốn lừa nó thì anh gầy cao đã lừa từ đầu, cần gì phải đợi đến đây, vả lại anh ta có cầm tiền đâu? Chính gã mập giữ tiền mà, hơn nữa gã mập cũng do dự cho đến khi bạn năn nỉ chớ đâu thấy tiền là chớp liền? Không nên phụ lòng tốt của người ta, nghi ngờ mang tội chết, bà nội hay dạy Lai như thế. Biết chừng xe đạp hư, bể bánh, ừ phải: anh mập nặng quá...

Dù Lai đã tìm mọi lý lẽ để bênh vực hai kẻ là và để tin tưởng rằng mình không mất toi tiền, song than ơi! Bằng cớ hùng hồn nhất là họ không trở lại. Họ không bao giờ trở lại.

Chủ quán, một người to lớn vui vẻ với mọi thực khách từ đầu hôm, giờ ngáp dài đến gần Lai bảo nó thức em dậy vì đến giờ đóng cửa. Lai xin phép ngồi lại để chờ "Hội chống bệnh mù đến trả lời" làm ông ngạc nhiên, ở đây suốt mấy chục năm, ông chưa nghe đến cái Hội này lần nào. Ông cũng không để ý đến hai gã kia, thực khách đông quá. Phần Lai vẫn còn tìm cách chống chế cho hai tên lưu manh:

- Thưa ông, cháu chắc họ lương thiện...

- Cháu khờ quá, lấy gì chứng tỏ họ lương thiện?

- Dạ, họ có đưa cháu cái nhẫn quí làm tin Lai nói và trao nhẫn cho ông.

Ông chủ quán nhìn qua cái nhẫn, nhăn mặt:

- Đồ giả, không đáng vài xu. Khốn nạn! Đi lừa con nít. Cháu đưa chúng hết bao nhiêu?

- Tất cả tiền còn lại: 8 rúpi, thưa ông.

Chủ quán đập bàn cái rầm:

- Để ta đi gọi cảnh sát liền cho.

Lai nhảy chồm lên như bị ong chích:

- Không! Đừng! Cảnh sát sẽ bắt cháu mất, ông ơi!

- Bậy! Chờ đây! Ta trở về ngay, 5 phút thôi, cháu ạ!

- 5 phút! 5 phút! Lai rên rỉ trong khi chủ quán quay lưng đi Mai! Dậy mau! Phải trốn gấp chớ cảnh sát tới thì khổ thêm! Mai!

Lai lo lắng quá: lần này nó có nhẫn trong mình! Chủ quán bảo nhẫn giả, nhưng biết chắc không? Mai vẫn ngủ mê mệt, Lai lôi tuột em từ trong nhà ra cửa. Mai cầu nhầu:

- Cho em ngủ mà... cho em ngủ...

- Mày nghe đây nè: cảnh sát tới liền đa! Cảnh sát, nghe chưa?

Mặc anh lo sợ, Mai xoay mình lại, ngủ ngay dưới thềm nhà. Lai tính lôi em ra xa một chút song nhớ đến cái chiếu và cái soong. Kể từ đây của cải còn lại chỉ là hai thứ đó, mà trong lúc rối trí nó đã để quên trong quán. Lai bỏ mặc em, chạy bay vào trong và khi trở ra, Lai đụng đầu cảnh sát cùng chủ quán, họ đang cúi nhìn Mai. Ông này ngạc nhiên:

- Sao nó lại nằm đây, hả cháu?

Lai nghẹn cổ không biết giải thích ra sao. Trong uất khổ tột cùng Lai bỗng trở thành lỳ lợm không còn sợ hãi nữa, nó hét lên:

- Tôi không phải kẻ gian! Tôi ngay thẳng mà!... Chính mấy người vu oan, hại tôi...

Lần thứ nhất, Lai nức lên khóc không cần giữ gìn.

*

Đây là một viên cảnh binh bạn dân đúng nghĩa của tiếng ấy. Ông ta kiên nhẫn dỗ dành Lai, giải thích sự có mặt của mình do lời tố cáo của chủ quán chớ không phải ai muốn làm hại Lai. Thằng bé tỉnh trí lại, kể rõ từ đầu: cùng cha đến nhà mụ Ất Vi vay tiền để đi chữa mắt cho em làm sao, dọc đường gặp Sâm Du ra sao, bị cảnh sát rượt và lão gác cổng xe lửa bắt ra sao, trốn thoát cách nào. Gặp ông Hoàng được đãi ngộ ra sao và cuối cùng đưa 8 rúpi để được chữa mắt em ra sao. Và nó lại khóc ròng trong đời nó, nó chưa từng được khóc hả hê như vậy. Viên cảnh binh chờ nó dứt lời rồi mới ôn tồn cất tiếng:

- Em đừng sợ nữa, bà Ất Vi đã tìm thấy nhẫn quý: nó ở ngay trong nhà bà ta chớ không mất đâu hết, và bà ta đã rút đơn kiện em rồi. Bây giờ, em phải tả hình dạng hai thằng gian để ta tìm bắt, đòi tiền lại cho em, tuy không chắc mấy.

Lai ngoan ngoãn vâng lời. Chủ quán bảo:

- Nói cho ngay, tôi cũng nghĩ như ông. Đáy biển mò kim: thành phố này có biết bao nhiêu thằng phệ và thằng ốm tong, cao như một cái sào?

Vả lại, mình cũng đào đâu ra tiền mà thưởng cho người truy nã? Lai nghĩ. Chủ quán bế Mai lên đặt trên giường. Hôm sau, hai đứa được ông đãi một bữa no nê. Chiều lại chúng đến A-rát, bụng đầy nhưng túi rỗng!

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>