Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Người Anh Hùng Yên Thế Bất Diệt


HÙM THIÊNG YÊN THẾ HOÀNG HOA THÁM : 30 năm KHÁNG PHÁP (1888 - 1913)


TIỂU SỬ :

Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương văn Thám người phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.


HOẠT ĐỘNG KHÁNG PHÁP.

Năm 20 tuổi Thám gia nhập đoàn nghĩa binh do viên lãnh binh Bắc Ninh Trần Quang Soạn điều khiển để chống Pháp.

Năm 23 tuổi Thám theo cha nuôi là BA PHÚC đi Vân Nam để vận động nghĩa binh, rồi về giúp cho Cai Kinh ở Lạng Sơn. Cai Kinh thấy Thám còn trẻ tuổi, có thiên tài về quân sự nên phong cho Thám làm Đốc Binh, vì thế mọi người gọi Thám là ĐỀ THÁM.


ĐỀ THÁM LÃNH ĐẠO CUỘC CHỐNG XÂM LĂNG TẠI YÊN THẾ.

Vào ngày 6 tháng 7 năm 1888, Cai Kinh bị giết ở Lạng Sơn, Đề Thám đứng ra tụ họp một số nghĩa quân hết lòng vì đại nghĩa, và có hơn 500 khẩu súng. Đề Thám tập trung các nghĩa quân tại làng Đình Thảo thuộc Nhã Nam để làm lễ tế cờ, khao binh và uống máu ăn thế sinh tử có nhau, xong chia quân ra lập đồn ải ở khắp vùng Phủ Lạng Thương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc Yên và chọn YÊN THẾ làm tổng hành dinh để kháng chiến lâu dài.

Dưới quyền Đề Thám có cá tùy tướng lừng danh như Thống Luận, Bang Kinh, Tổng Trụ đã từng làm Pháp điên đảo. Ngoài ra còn được ĐẶNG THỊ NHU rất tận tình giúp Thám, người này là vợ thứ ba của Thám thường được mọi người gọi là Nàng Ba.


HAI TRẬN CHIẾN LỪNG DANH HÙM THIÊNG YÊN THẾ.

Năm 1890 Pháp tấn công vào bản doanh Yên Thế, Đề Thám cho nghĩa quân phân tán vào rừng sâu. Trận này Pháp tổn hại nặng nề vì không quen trận thế và đường lối trong rừng sâu sình lầy.

Năm 1892 Pháp lại tấn công lần nữa nhưng vẫn đánh dẹp không nổi, tuy nhiên lần này hai bên đều bị thiệt hại. Đề Thám rút được nhiều kinh nghiệm, chiêu mộ thêm anh tài khắp nơi. Từ đây tổ chức binh đội mới hoàn bị.

Năm 1893 Pháp cử Tổng Đốc LÊ HOAN tìm cách chia rẽ và ám sát hàng ngũ nghĩa quân. Lê Hoan mua chuộc Ba Phúc đầu hàng rồi tổ chức ám sát Thám. Ba Phúc nhận lời tìm đến bản doanh Đề Thám mưu sát, Đề Thám biết được tương kế tựu kế mai phục đánh úp lại khiến quân Pháp bị thương khá nhiều.


GIAI ĐOẠN DƯỠNG QUÂN.

Năm 1894 Pháp muốn điều đình. Đề Thám buộc Pháp phải rút khỏi các đồn ở Yên Thế và Thám được toàn quyền cai quản và thu thuế 4 tổng Nhã Nam, Mạc Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng trong 3 năm. Pháp chấp thuận. Từ đó Đề Thám dưỡng quân, chiêu mộ nhân tài sửa soạn ngày tái chiến.


TRẬN CHIẾN TÁI DIỄN.

Năm 1895, Pháp thấy thanh thế Đề Thám  bành trướng mạnh. Đại tá Galliéni cầm quân kéo lên bao vây Ynh Thế buộc Đề Thám đầu hàng. Đề Thám bèn rút quân vào rừng để chiến đấu. Đại tá Galliéni tiến quân theo vào rừng. Chiến trận bắt đầu, càng lúc càng ác liệt vô cùng. Hai bên đánh nhau trong rừng sâu rậm rạp mãi đến màn đêm buông xuống Galliéni ra lệnh dừng binh (29-11-1895). Sáu giờ sáng ngày hôm sau (30-11-1895) Đại tá tấn công vào thì không gặp một ai. Đề Thám đã rút lui để lại chiến lũy.


GIẢNG HÒA VỚI PHÁP.

Năm 1897 thấy lực lượng giảm sút quá nhiều Đề Thám phải xin hòa, toàn quyền Doumer bằng lòng để được yên ổn một thời gian. Đề Thám củng cố lại hàng ngũ, nghĩa quân được trang bị bằng võ khí tối tân do Đề Thám nhờ người mua ở ngoại quốc.


TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU.

Đề Thám đã chủ mưu nhiều cuộc bạo động nhất là việc đầu độc sĩ quan Pháp ở Hà Nội. Việc đầu độc bại lộ, Pháp nhóm họp Hội đồng Đề hình để xử tội những người tổ chức, những cái án này đã làm dân làng Yên Thế kinh hoàng.

Năm 1909 Pháp mở cuộc Đại tấn công Yên Thế, Pháp bao vây đánh Yên Thế ròng rã 11 tháng trường.

Hàng ngũ nghĩa quân cơ hồ tan rã, Đề Thám chỉ còn Đặng thị Nhu và Cả Dinh là người tâm phúc ở bên cạnh. Tuy nhiên, Pháp tấn công mãi vẫn không bắt được Đề Thám.

Năm 1913 Toàn quyền Pháp mua chuộc tên giặc khách LƯƠNG TAM KỲ với giá 25.000 đồng để giết Đề Thám. Tam Kỳ nhận lời, phái ba tên bộ hạ vào rừng Thượng Yên giả như người theo trợ giúp, rồi thừa lúc chúng ra tay ám sát. Thi hành xong thủ đoạn chúng đem đầu Đề Thám nộp cho Pháp ở đồn Nhã Nam.

Cái chết của Đề Thám chấm dứt thời kỳ võ trang tranh đấu giành độc lập của Dân Tộc Việt.

Đề Thám đã để lại hậu thế những bài học kháng chiến và tinh thần bất khuất đời đời chói rạng.

Ba mươi năm bền tâm kháng chiến
Giặc xâm lăng đã phải nể kiêng
Vang danh Yên Thế Hùm Thiêng
Rừng sâu, chiến lũy, ngửa nghiêng quân thù.


(TLN)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>