Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Niềm Tin


Nhà bếp lăng xăng, mấy chị lớn càng lăng xăng tợn. Mùi thức ăn xào chiên, mùi bánh nướng thơm lừng, điếc mũi. Nhưng tôi khác hẳn các bạn đồng cảnh ngộ: tôi không vui mà cũng không thèm. Tôi đọc trong mắt bạn, nhất là những đứa nhỏ sự thèm muốn, khát khao đến tội nghiệp. Điều đó làm tôi đau đớn xót xa thêm. Có một lúc tôi như quên mình cũng đồng cảnh như lũ trẻ côi cút này, tưởng như tôi là một kẻ khác, một kẻ bàng quan đang ngắm nhìn, quan sát cái tập thể đáng thương kia, cái tập thể bất hạnh đã là nguyên nhân giúp cho một số thị dân nhàn rỗi có tiếng tăm, được nhiều người biết, kể cả người ngoại quốc!

Từ nhỏ, cha tôi đã làm cho tôi hiểu rằng con người ăn cốt để sống chớ không phải sống để ăn. Cha tôi không hạ thấp giá trị miếng ăn xuống, nhưng ông cũng không bao giờ đề cao, cũng như khi nói đến những tiện nghi vật chất. Ông không dạy tôi bằng lời nói mẹ tôi cũng vậy mà dạy tôi bằng cách nêu gương... Mẹ tôi! Trời ơi! Tôi nghẹn ngào khi nhớ đến bà, suốt một đời, cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt mẹ tôi là biểu hiệu cho cái gì chân thật nhất, hiền hòa nhất, trong lành nhất. Có lẽ phần lớn vì vậy mà từ khi trôi giạt vào cái thành phố thủ đô của miền Nam nước Việt này, tôi càng ngày càng thấy nhớ đến mẹ, nhớ dai dẳng không nguôi. Ở đây không bà nào giống mẹ tôi cả. Về phía đàn ông, tôi không dám xác tín rằng họ kém cha tôi, vì tôi không có dịp tiếp xúc với các ông.

Một đôi khi, các ông thò mặt vào sân Hội, vẫn giữ nguyên vị trí: đang ngồi trước tay lái, cao giọng hỏi các bà (vợ các ông ấy) chừng nào thì có thể trở lại đón về. Chỉ thế thôi. Các ông không thừa thì giờ đâu để nhìn kỹ chúng tôi, kể cả thì giờ để kịp nghe chúng tôi kính cẩn chào hỏi theo thông lệ. Vút một cái các ông mất dạng cùng với những chiếc xe hơi bóng loáng, đủ mầu, đủ kiểu ra khỏi khuôn viên Hội.

Về phần các bà, các bà lui tới thường xuyên không phải tất cả, một số ít nào đó Người ta đã dạy rằng chúng tôi phải biết ơn các bà, vì nhờ có các bà, lũ trẻ con mồ côi, mồ cút, tứ cố vô thân từ một vùng lửa đạn nào đó trên đất nước mới được có chỗ dung thân, có cơm ăn, áo mặc, có thuốc men, được săn sóc khi đau ốm, có khi còn được đi học đàng hoàng. Và dù cho một số kênh kiệu thấy dễ ghét hơn là kính yêu, tôi cũng công nhận quả có vài bà đầy đủ từ tâm như những người trong sách! Nhưng tại sao tôi ghét họ? Thật khó trả lời. Tôi có một thằng bạn mới, không thân, song nó có vài nét giống tôi, nó không có cái cung cách quì lụy của một số đông lũ trẻ mồ côi ở đây, nhưng nó quá vô ơn. Nó vẫn bĩu môi bảo tôi:

- Ôi xào! Phước thiện! Mày ngu lắm, quê lắm, mày không biết cóc gì hết, tao thì, tao biết hết. Đừng tưởng họ nuôi mình. Nhà nước nuôi mình chớ bộ...

Tôi, tôi không đồng ý với nó. Dù cho Nhà nước có nuôi chúng tôi đi nữa, chúng tôi vẫn phải hàm ơn các bà, vì dù sao, các bà vẫn có công tôi biết có bà còn bỏ tiền ra chút ít nữa kia Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, tôi lờ mờ hiểu tôi không có thiện cảm với các bà là vì cái giả dối bề ngoài của một số đông. Họ khác mẹ tôi chỗ đó, trong mấy chục bà đấy là chỉ kể những bà thường xuyên lui tới hội thôi tôi không tìm ra một chút gì của mẹ tôi, từ ánh mắt, nụ cười, từ lời nói, dáng điệu, cử chỉ. Mẹ tôi dung dị bao nhiêu, đơn giản bao nhiêu. Các bà thì cầu kỳ quá, diêm dúa quá. Đó, ác cảm bắt nguồn từ đó. Bà thì đội tóc giả, bà thì lông mi giả. Chưa bao giờ có một bà để làn da, khuôn mặt tự nhiên xem thử ra sao. Đỏ chóe, tím thẫm, xanh lè, trắng toát, trông thật ngán! Nếu có một đứa nhỏ nào đang khóc hội của các bà có đứa từ 15 như tôi cho đến đứa sơ sinh năm tháng như bé Hà nếu muốn dỗ dành, tôi biết các bà cũng khó mà day trở: áo đẹp quá, bế lên, ngộ nó đái ướt thì phiền, móng tay dài, nhọn quá, thế nào cho khỏi vướng?

Có vài bà, suốt buổi ngoài việc chuyện trò vớ vẩn với bạn về giá cả đồ nữ trang vải vóc, thời trang hay điện thoại lăng nhăng là đến giờ về, đâu có thì giờ hỏi han săn sóc chúng tôi?

Nhưng hôm nay, Trung thu Tết Nhi Đồng. Bà Hội trưởng đã triệu tập một khoáng đại Hội nghị bàn tính kỹ chương trình Tết nhi đồng cho chúng tôi thưởng thức. Từ đầu tuần, lác đác đã có một số tư nhân từ tâm (!) hay vài đoàn thể mang đến tặng quà bánh cho chúng tôi. Một vài người cùng đến với số quà, sau phần xã giao đúng theo thông lệ, cùng bà Hội trưởng đi quanh một vòng gọi là thăm viếng các em.

Hai bên không tiếc lời khen nhau, nghe đến nhàm chán, nhưng tôi cam đoan là các bà thì không bao giờ chán! Mặt các bà rạng rỡ lên vì những lời khen (Thật ra phải nhận công đó là của các chị giúp việc trong hội chớ không phải công các bà)

Đôi khi có cả người ngoại quốc đến thăm. Không khí càng trang trọng khi nào có máy hình hay máy quay phim chiếu cố đến chúng tôi Dĩ nhiên, các bà luôn luôn đứng cạnh chúng tôi, hay dàn cảnh một pha hỏi han săn sóc rất là cảm động!

Cũng có khi các bà dắt các công tử hay tiểu thư đi theo chơi, nhất là vào ngày tết Nhi đồng hay Lễ Giáng sinh. Và luôn luôn là có tiệc.

Chúng tôi bọn lơn lớn cỡ tôi bận luôn tay. Lũ nhỏ vô tư được ăn trước. Kế đến là các bà. Chúng tôi, bọn lơn lớn được triệu dụng trong mọi việc, từ việc giăng dây đèn, nấu nướng, trang hoàng sân khấu, rửa dọn v.v... cũng có một mâm riêng. Thường thì quanh năm chúng tôi có một thực đơn rất là đơn giản. Nhưng những dịp này, có một bà hội viên nảy ra sáng kiến là ngoài các món do các nhà hảo tâm tặng cho phần nhiều là bánh kẹo, thức ngọt các bà tự động mỗi người làm một món đem đến trước đãi nhau, sau đãi trẻ mồ côi.

Song trẻ mồ côi đông quá, cho nên khi đến lượt bọn lớn như chúng tôi ngồi vào bàn thì phần ăn chỉ còn có tô bún bò khá to với rất nhiều xương.

Thật ra, tôi không quan tâm đến phần ăn, nhưng thằng bạn mới của tôi thì cho là chuyện này rất đáng để ý đến. Nó hích tôi một cái, cười cái cười rất dễ ghét, nói nhỏ:

- Đó! Mày coi! Từ tâm của quí bà thể hiện trong tô bún đầy xương! Nhớ là lần này tụi mình mới thực sự hưởng từ tâm đó, nghe mày! Còn nem nướng, chả giò thì... đâu đến phần mình! Ngó lại coi, làm gì mà cứ chúi mũi vô tô bún vậy? Ngó một chút cho đỡ thèm đi, bồ!

Tôi rất bực mình, song cũng phải ngẩng lên. Và trời ơi! Tôi bắt gặp một đôi mắt và khuôn mặt khác thường, một khuôn mặt thật như khuôn mặt mẹ tôi ngày trước, cũng cái nhìn như ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi những chiều đông lạnh cóng tôi từ trường trở về nhà. Cũng đôi môi hồng nhạt, tự nhiên không tô son, cũng bàn tay dịu dàng với những móng cắt ngắn, không nhuộm đỏ. Bà cúi nhìn chúng tôi bằng cái nhìn bao dung, âu yếm, giọng trầm ấm lạ thường:

- Các em đây đều từ miền Trung vào trong chuyến tháng tư, sau trận đánh...

- Ngồi đây! Rồi thong thả chị sẽ biết hết, vội gì. Ăn chút gì với tụi này nghe? Chị dùng gì? Bún bò? Nem nướng? Chả giò?

Người đàn bà lạ mỉm cười:

- Mình không đói. Có lẽ thằng cháu mình đói thì phải, cho cháu...

- Thì cứ ngồi xuống cả hai mẹ con coi! Ngồi đi cháu!

- Ái chà! Cháu bữa nay lớn dữ há? Sao? Sắp đi ngoại quốc chưa?

- Chị thì lúc nào cũng đi ngoại quốc!

- Thôi, ăn cái đã, trò chuyện sau.

- Ngồi đây cháu, bên mẹ cháu này...

Tôi liếc thấy một thằng con trai suýt soát tôi, nét mặt dễ mến, dáng bộ rụt rè đang lúng túng và tôi biết ngay nó là con cái bà lạ kia. Thằng bạn quái quỉ của tôi chưa chịu ngưng trò châm chọc của nó, hích thêm tôi cái nữa:

- Đó, coi công tử ăn nghe! Họ làm là để đãi các bà khách, ông khách và các công tử, tiểu thơ đó chớ đâu tới tụi mình, tụi mình chỉ mang tiếng thôi!

Người đàn bà nói gì tôi không nghe rõ, vì thằng bạn bắt tôi quay lại để nghe nó, bên này. Song tôi thấy đứa con trai bà ấy tiến lại ngồi bên tôi, cười một cách tự nhiên và cầm đũa, bưng một tô bún đầy xương ở bàn tụi tôi, ăn rất ngon lành.

Đầu bàn bên kia, hai ba tiếng kêu to, phản đối:

- Kìa, sao để cháu ngồi bên đó? Nó ăn cái gì bên đó?

- Để cháu ngồi đây, coi!

- Qua đây!

Tiếng bà mẹ:

- Các chị để cháu ngồi bên đó, nó sẽ được tự do hơn với người lớn.

- Nhưng bên đó không có chả, chị...

Tiếng nói đang cất lên chợt ngưng bặt bất ngờ làm tôi chú ý. Và tôi nghe cái giọng trầm ấm, cái giọng của người đàn bà lạ giông giống mẹ tôi lần này thấp, nhỏ, chắc chỉ cốt nói cho những bà bên đó nghe thôi:

- Không có chả đã sao đâu? Mình không muốn để cháu nó ngồi bên này, coi không được. Bàn nào cũng là bàn. Phải làm cho lũ trẻ thấy chúng không khác gì chúng ta hết, không khác gì con chúng ta hết. Được vậy, các chị mới thành công.

Có lẽ, bà không ngờ là có đứa để ý, lắng nghe, vì bà nói rất nhỏ và bên này các bạn tôi cũng đang bàn cãi ồn ào vì quá vui, quên giữ ý.

*

- Này Khoa, tao mới được thư! Mày muốn coi không? Mày mà được coi cái thư này, mày sẽ no luôn!

Thằng bạn quỉ quái hỏi tôi, nét mặt nó rạng rỡ khác thường. Không phải nó mới vui vẻ từ ngày hôm nay. Cả tuần rồi, mặt nó tươi hơn hớn. Nó hát luôn miệng và nó mất cái vẻ châm chọc, cay cú hằng ngày. Tôi hơi ngạc nhiên về điều này và càng ngạc nhiên hơn khi nghe nó khoe vừa nhận được thư: nó vẫn bảo là nó không còn một ai là thân nhân hết. Cái gì đã thay đổi được tính nết khó ưa của nó? Ai đã viết thư cho nó vậy? Phải có gì đặc biệt nó mới bảo là no luôn, vì nó vốn háu ăn.

- Thư ai đó?

Tôi hỏi nó. Khoa vui vẻ:

- Thư cái bà hôm tới đây này, mày quên sao?

- Bà nào? Mà tới hôm nào? Ở đây mỗi ngày có biết bao nhiêu bà làm sao tao nhớ nổi?

Khoa có vẻ bực bội:

- Tao tưởng mày không quên được mới phải chớ...

- Tại sao vậy?

- Tại sao? Mày còn hỏi tao, thì mày quê quá!

- Thì tao quê là cái chắc, có khi nào mày thấy tao nhận là người thành phố đâu mà mày phải nhắc hoài?

Tôi cáu kỉnh, gắt nó. Lạ thay, Khoa vẫn vui vẻ như thường:

- Thôi, xin lỗi bồ! Đừng giận, tao sẽ cho coi thơ, hay lắm.

- Không! Tôi vẫn cáu, lắc đầu Tao không coi thơ riêng của mày đâu. Người ta gởi cho mày, tao coi làm chi?

- Mày vẫn giận tao đấy à? Thôi mà, bữa nay sao khó tính vậy? Bỏ qua đi! Này coi thơ coi...

Nó nhứ nhứ cái thư trước mặt tôi như nhứ bánh với trẻ con. Tôi bật cười, xê tay nó ra, nghiêm giọng:

- Không giận hờn gì hết, tao không coi thơ riêng của mày.

- Cứ coi đi mà! Thư của bà ấy...

Nó kỳ kèo làm tôi hết sức ngạc nhiên và cùng một lúc nhớ lại phần đầu câu chuyện: bà nào? Tôi hỏi nó:

- Bà ấy là bà nào, mày chưa nói rõ...

- Cái bà hôm Trung thu đến đây đó, bà khác mấy bà kia đó, bà có đứa con trai ngồi ăn chung với tụi mình đó, nhớ chưa? Tao chưa quên bà ấy, đáng lẽ mày cũng vậy mới phải...

Tôi lẩm bẩm một mình: Không! Tôi cũng không quên. Và tôi nói lớn lên:

- Nhớ ra rồi. Sao? Bà ấy gởi thơ cho mày hở? Dóc đi! Tao không tin...

- Phải! Mày không tin là phải. Tự nhiên đời nào bà ấy viết cho tao, tại tao viết cho bà ấy trước, bà trả lời... mày hiểu ra chưa?

Tôi há hốc miệng:

- Mày viết thơ cho bà ấy?

Khoa gật đầu, đỏ bừng mặt lên, không nói. Tôi gặng lại:

- Thật không? Mày viết cái gì?

Nó càng lúng túng thêm, song cũng cố gắng trả lời tôi dứt khoát:

- Tao viết chớ sao... không biết cái gì xui tao... mà... mà viết xong tao cứ tưởng bà ấy sẽ không thèm trả lời, ai ngờ...

Khoa chợt im bặt, tôi chưa tha nó:

- Mày viết cái gì trong đó?

- Thôi! Làm sao nhớ nổi? Đọc đi thì biết...

- Đã nói tao không đọc thơ riêng của mày mà.

Giọng Khoa chùng xuống vì xúc động:

- Thơ riêng mà cũng như chung. Tao nghĩ là bà ấy không viết cho mình tao mà viết cho tất cả bọn bạc phước như tụi mình. Mày đọc đi!

Lần này, tôi không đợi nó nài nỉ thêm tiếng nào, đón lấy lá thư dày cộm trên tay nó.

*


"Cháu thân mến,

Tôi đã đọc kỹ thư cháu, không phải một mà đến ba lần. Cháu nói rất đúng, tôi không trách cháu đâu. Nếu tôi là cháu, tôi cũng có những cảm nghĩ y như cháu. Có điều cháu làm tôi buồn cười khi cháu bảo là "cháu tưởng bà cũng như mấy bà khác, đi ngang tụi cháu như vị tướng đi duyệt binh, cười xã giao với tất cả mà không có thì giờ để ban phát riêng cho đứa trẻ bất hạnh nào một nụ cười. Cũng như các bà nhà giàu khác, bà vô các hội thiện để được chụp hình, diễn thuyết, hội họp..." Không đâu, cháu lầm rồi, tôi không vô một hội thiện nào hết, không phải tôi chê không vô mà vì tôi bận việc quá, không có thì giờ để vô hội. Tôi giúp đỡ hội một vài phương diện nào đó, khi có thể, nhưng không là hội viên của một hội nào. Điều thứ hai khiến tôi còn ở ngoài các hội ấy là vì một vài điều khá tế nhị, không tiện nói ra. Mục đích của các hội thiện đều tốt, nhưng khi thực hiện, người ta đã làm sai đi chút ít. Tôi rất ghét dù là vô tình làm cho trẻ mồ côi luôn luôn cảm thấy mình sống nhờ xã hội, ăn bám vào xã hội, luôn luôn có những điều trước mắt nhắc nhở trẻ điều đó. Tôi muốn các hội thiện phải làm sao cho các trẻ không may mắn thấy rằng sự cưu mang của xã hội là một bổn phận tất nhiên đối với chúng. Rằng việc các hội thiện giúp đỡ các em là một bổn phận chứ không phải là một sự cúi xuống, một sự bố đức, thi ân... Nhưng tôi không đủ sức để có thể làm điều ích lợi thiết thực đó, và tôi buồn lắm.

Cháu ơi! Tôi xúc động biết bao khi được thư cháu, và cái câu "Cháu không ngờ được cái hân hạnh cùng ăn một bàn, một thức ăn với quí tử của bà". Không đâu cháu, con của tôi cũng như cháu, đều cần được đối xử ngang nhau, không thể vì một lý do gì mà biệt đãi đứa này hơn đứa kia, điều đó vô lý. Khi tôi quyết định bảo con tôi lại ngồi ăn chung với các cháu, tôi cho đó là một điều tự nhiên, song tôi không ngờ lại làm cháu chú ý và nhất là chao ơi! Hữu ích biết bao nhờ đó mà cháu lấy lại niềm tin, xóa được cái mặc cảm mang nặng nhiều ngày trong lòng cháu.

Cháu bảo: cháu muốn nói chuyện với tôi mà không dám? Như vậy hóa ra tôi vẫn có vẻ cách biệt với các cháu lắm phải không? Tôi tiếc là cháu đã không nói gì với tôi, tôi ao ước quen các cháu, tìm hiểu ước vọng, dự tính của các cháu, nhưng tôi cũng vụng về quá, không biết mở đầu ra làm sao. Thật ra, tôi cũng sợ... sợ làm phật lòng các cháu bằng những chuyện kém tế nhị làm cho các cháu có thể lầm là gặng hỏi tông tích của các cháu, hay là sự tỏ ra thương hại vô ích có khi còn chạm vào tự ái của các cháu nữa kia Cho nên tôi dè dặt khi gặp các cháu.

Có lẽ tôi cũng như các bà khác, tôi không tốt hơn họ đâu, song tôi quả có nhạy cảm, hơi tế nhị chút đỉnh, có lẽ thế.

Cảm ơn cháu, cảm ơn cháu nhiều lắm! Làm sao tôi không vui được khi đọc thư cháu, cháu bảo cháu là tên bạt mạng, không được mọi người ưa, cháu xấu xa, ích kỷ, độc ác, song xúc động vì cử chỉ tôi nên cháu cảm thấy yêu đời, cảm thấy được đối xử như một đứa con, đứa cháu, đứa em trong gia đình chứ không còn mang cái mặc cảm là đứa trẻ sống nhờ, đứa ăn xin. Có lẽ còn nhiều người tốt hơn tôi, khu xử khéo léo tế nhị hơn tôi mà vì một lý do gì đó, cháu chưa được gặp, cháu nên tin điều tôi nói.

Có lẽ từ nay, tôi sẽ thu xếp thì giờ để có thể lui tới Hội nhiều hơn và cố tìm cách lôi kéo những người bạn hơi giống tôi tới nữa. Nếu quả cháu bảo là cháu và các bạn ao ước được gặp nhiều người như tôi, cháu sẽ không thất vọng đâu. Có một điều tôi tưởng cũng nên nói rõ cho cháu biết: lối phục sức và trang điểm kiểu cách của các bà phần lớn là do sự dễ tính, do thói quen của những người sống trong thành phố lớn và do sự chú ý đến thời trang, chớ sự thật các bà ấy cũng có tâm hồn của người mẹ như tất cả phụ nữ khác, cháu không nên khắt khe quá.

Tôi thật quả bối rối khi viết đến đây. Cũng như cháu, tôi không vừa mắt về các bà dĩ nhiên là cái bề ngoài diêm dúa ấy nhưng biết làm sao đây? Đôi khi, tôi đã làm phật ý vài người về chuyện này rồi, và tôi còn biết rằng chỉ trích không đi đến đâu cả.

Rồi một ngày kia, khi lớn lên, cháu sẽ thấy là đôi khi mình phải biết nhắm mắt làm ngơ đi một vài nhỏ nhặt, phải hòa mình vào với người khác trong một vài nhỏ nhặt miễn mình vẫn giữ được bản sắc riêng.

Cũng như cháu, tôi ao ước người ta giữ và trau dồi cái đẹp thật, giữ được tâm hồn trong sạch, lương hảo và để đạt đến đó, người ta cần phải chân thật từ điều nhỏ trở lên. Nhưng trong lúc chờ đợi, ta cũng không có quyền buộc ai làm đúng như mình, vì mỗi người có tự do riêng, cháu đồng ý chứ?

Cháu ơi! Điều tôi sung sướng nhất là cháu hứa cháu sẽ trở nên hiền hòa, tin tưởng và cháu bảo đã bắt đầu yêu đời.

Tôi không biết nói gì hơn, nhưng tôi thành thật mong cháu hiểu rằng hiện tôi đang sung sướng lắm. Nhưng người có tuổi rồi như cỡ tôi mà làm cho ai tin tưởng yêu đời được thì thật không có gì đáng kể, đáng hãnh diện hơn.

Mong được gặp cháu, được nói chuyện và được thư từ với cháu. Đó cũng là một nguồn vui của tôi, cháu ạ!

Thư đã quá dài, có lẽ tôi viết không được khúc chiết lắm, cháu nên hiểu là do tôi xúc động mà ra. Và tôi tin là mặc dù cháu có một bề ngoài khó ưa, cháu vốn có đời sống nội tâm phong phú, sâu sắc và cháu đang bắt đầu tự hoán cải, xây dựng con người mình. Như vậy là đủ, là đã quí báu lắm rồi. Cháu há không đang bắt đầu khi viết thư cho tôi đó hay sao?

Chúc cháu an mạnh và cho tôi gửi lời thăm bạn cháu!

Ký tên : Hoàng Mai

Tôi đọc một hơi, quên cả thở. Tôi không ngạc nhiên về lời lẽ trong thư mà ngạc nhiên về Khoa: thằng bạn nổi tiếng khó thương trong hội. Nó có thể viết thư cho bà ấy? Nó, với bề ngoài châm chọc, cục cằn, thô lỗ, độc ác đôi khi nữa mà có thể làm điều đó ư? Đột nhiên, tôi thấy gần nó quá, thấy mến nó quá!

Tôi quay sang nó, nó đang chăm chú nhìn tôi, mắt ngời sáng, môi hé mở, dáng bộ hết sức dễ thương:

- Mày thấy sao?

- Thấy cái gì kia?

Tôi ngỡ ngàng hỏi lại. Khoa thấp giọng:

- Thấy bà ấy dễ thương chớ thấy cái gì?

Tôi gật đầu:

- Thì chắc rồi, tao đồng ý với mày.

- Mày có ưng bà ấy vô đây đều đều không?

- Đừng hỏi điên, sao lại không ưng!

Tôi cười, gắt nó, song lòng tôi vui như ngày bé đợi mẹ ở ngõ, chờ quà.

Và tôi biết kể từ đây đời tôi sẽ có chút ý nghĩa hơn, dù tôi không bao giờ được như các trẻ bình thường khác, có cha, có mẹ, dù tôi biết bà ấy sẽ chẳng làm gì thiết thực cho tôi, cho tất cả chúng tôi.

Quả thật Trung thu năm nay là một Trung thu đáng nhớ trong đời côi cút của tôi.


MINH QUÂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 189, ra ngày 15-11-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>