Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Những Cái Chai Trôi Nổi


Năm 1956, một chàng thủy thủ trẻ tuổi lênh đênh trên biển cả, trong một phút cô đơn, chàng cảm thấy nhớ gia đình, nhớ đất liền và bạn bè thân thích, bèn lấy mảnh giấy, ghi vài dòng nhắn tin cho một cô gái vô danh xinh đẹp nào đó hễ lượm được thì hãy viết thư cho chàng, rồi chàng cuộn tròn mảnh giấy đó lại, bỏ trong lòng một cái chai rỗng, nút và gắn kín miệng chai lại, rồi thả xuống mặt biển...

Hai năm sau, một ngư ông đang ngồi câu cá tại bờ bể Sicily lượm được chai đó và trao lại cho cô con gái xinh đẹp, nàng bèn viết trả lời dặn trong mảnh giấy, rồi từ đó trở đi hai người luôn trao đổi thư từ cho nhau và đến cuối năm 1958 thì họ kết hôn với nhau...

Trên đây là trong trăm ngàn câu chuyện về cách sử dụng sự trôi nổi của cái chai giữa Đại Dương, nhờ đó người ta đã khám phá ra những dòng hải lưu đã thay đổi đời sống của nhân loại hiện nay.

Cái chai có thể trôi nổi an toàn trên biển cả mà không sợ sóng gió làm hư hại. Tốc độ trôi nổi của nó nhanh hay chậm tùy theo sức gió và những hải lưu. Nếu 1 cái chai được ném ở một chỗ biển lặng thì phải mất một tháng mới chỉ trôi xa được chừng một dặm Anh, nếu cũng chiếc chai đó được ném xuống một chỗ có hải lưu thì cái chai có thể trôi xa được một trăm dặm trong một ngày, nhưng không ai có thể biết chắc là cái chai sẽ trôi dạt về đâu??? Hai cái chai cùng một hình dạng, cùng dung lượng và cân nặng bằng nhau được ném xuống cùng một lúc trong lòng Đại Dương gần Brazil, cái chai thứ nhất trôi về phía Đông và một trăm ba chục ngày sau người ta lượm được ở bờ bể Phi Châu, chiếc thứ hai trôi về phía Tây Bắc và 196 ngày sau người ta lượm được ở Nicaragua... Hai chiếc chai khác được ném xuống biển Atlantic và sau 350 ngày trôi nổi cùng dạt vào bờ biển nước Pháp, chỉ cách nhau chừng vài Mã Anh (yards).

Vào năm 1929, một cái chai khác được ném xuống phía Nam Ấn Độ Dương, trong lòng chiếc chai có đựng một mảnh giấy ghi vài hàng chữ yêu cầu ai lượm được thì ghi rõ ngày, giờ cùng nơi lượm được vào mảnh giấy rồi lại ném trả về biển cả. Thoạt tiên cái chai trôi về hướng Đông, rồi dạt tới bờ biển Nam Mỹ, một người lượm được ghi theo như lời dặn rồi lại ném trả xuống biển, rồi lại một người khác lượm được, cũng làm theo như trên, cứ thế cái chai lênh đênh trôi nổi trên biển cả ngày này qua tháng nọ từ mũi Cap Horn đến biển Atlantic, có lúc cái chai lại tình cờ trôi về Ấn Độ Dương, qua chỗ xuất phát rồi lại tiếp tục cuộc đời vô định mặc cho sóng gió đưa đẩy. Cuối cùng, cái chai dạt vào bờ biển miền Đông Úc Châu vào năm 1935, tính đến lúc này cái chai đã trôi nổi 16.800 hải lý trong 2.447 ngày, trung bình mỗi ngày trôi xa được 6,8 dặm.

Công dụng quan trọng nhất trong việc áp dụng sự trôi nổi của cái chai ném xuống biển là để khảo cứu và tìm những luồng Hải Lưu, khi vị trí cùng chiều hướng của một luồng Hải Lưu được xác định, thì tầu bè có thể hoặc chạy theo luồng hải lưu, hoặc tránh xa để khỏi bị hải lưu xô khỏi hướng đi đã định.

Nhà Vật lý học Benjamin Franklin là người đầu tiên đã dựa vào sự trôi dạt của cái chai để khảo cứu về Hải Lưu. Ông lấy làm ngạc nhiên tại sao chiếc tầu biển đưa thư của Anh Cát Lợi phải mất một, hai tuần hay hơn nữa, lâu hơn tầu biển đưa thư của Hoa Kỳ để vượt biển Atlantic, và ông nghĩ luồng Hải Lưu cố định Gulf Stream có thể giải thích được sự sai biệt này. Ông thảo luận với vị Đại Úy hạm trưởng của chiếc tầu Hoa Kỳ thì nhận thấy ông ta tỏ ra là một người đã quá quen thuộc và biết lợi dụng dòng Hải Lưu Gulf Stream trong khi vị Đại Úy Hạm Trưởng của chiếc tầu Anh Cát Lợi tỏ ra còn bỡ ngỡ và không biết lợi dụng hải lưu này. Sau cuộc gặp gỡ trên, Benjamin Franklin phác họa một sơ đồ về dòng Hải Lưu Gulf Stream, cẩn thận hơn ông dùng sự trôi nổi của cái chai để xác định lại sơ đồ của ông. Ngày nay, sơ đồ của ông vẫn còn được các giới Hải đồ sử dụng mặc dầu có sửa đổi đôi chút.

Vào khoảng năm 1860, Hải quân Anh bắt đầu ứng dụng phương pháp dùng chai trôi nổi trên biển cả, họ ném một cái chai trong đựng một tờ mẫu in có ghi tên chiếc tầu, ngày và nơi ném cái chai xuống biển với lời yêu cầu hễ ai lượm được cái chai thì xin ghi rõ: ngày và nơi lượm được xong gửi trả lại cho Hải quân Anh.

30 năm sau Hải quân Mỹ cũng bắt đầu ứng dụng phương pháp này và cho đến ngày nay phương pháp này vẫn còn được áp dụng với những mẫu in bỏ trong lòng chai viết bằng tám thứ ngoại ngữ. Mỗi năm có khoảng 350 mẫu in được hoàn trả cho Hải quân Mỹ, với những mẫu này người ta đã vẽ nhiều biểu đồ hữu dụng của các Hải Lưu.

Những ngư phủ muốn biết rõ những hải lưu ở bể để bắt cá. Để giúp đỡ họ, chính phủ Tô Cách Lan đã nhờ một khoa học gia nghiên cứu về những Hải Lưu ở Bắc Hải. Hơn 2000 cái chai được dùng trong việc nghiên cứu này và phương pháp dùng sự trôi nổi của cái chai vẫn được áp dụng trong cuộc khảo cứu này.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng áp dụng phương pháp dùng chai để giúp các ngư phủ tìm kiếm cá. Ở chỗ nào mà họ thấy có trứng cá nổi lều bều trên mặt biển, tức thì những cái chai được ném xuống chỗ đó để làm dấu. Theo dấu cái chai, các ngư phủ sẽ tìm thấy chỗ trứng cá nổi và bắt được nhiều cá.

Qua bao thế kỷ, nhờ sự trôi nổi của cái chai, bao nhiêu tin tức của những người lâm nạn ở biển cả gửi cho người ở đất liền đã nhận được. Ở Hoa Kỳ, vào năm 1944, một đám trẻ em nô đùa trên bãi biển ở Đông Bắc nước Mỹ đã lượm được một cái chai trong có một mảnh giấy ghi vài hàng chữ: "Tàu của chúng tôi đang chìm dần... Thế là hết!!! Mong rằng một ngày kia thư này sẽ tới Hoa Kỳ". Những chuyên viên hàng hải khám phá ra rằng tờ giấy đó xuất phát từ một chiếc tầu mang tên Beauty, chiếc tầu đã bị chìm ở Gibralta vào năm 1943 và có nhiều thủy thủ được ghi nhận là mất tích...

Năm 1953, một chiếc chai khác vớt được ở Tasmania với một bức thư ký tên bởi hai người lính chiến Úc Đại Lợi, hai người này ở trên một chiếc tầu trên đường sang Pháp trong trận Đệ I Thế Chiến, người mẹ của một trong hai người lính đã nhận được ra chữ ký của con mình, họ đã chết trong khi thi hành nhiệm vụ 35 năm trước khi lá thư tới tay bà mẹ.

Năm 1784 một nhà hàng hải Nhật tên là Matsuyama ra khơi cùng với bốn người khác để tìm một kho vàng chôn vùi dưới lòng đại dương, tầu của họ bị chìm và tất cả bốn mươi lăm người đều gửi xác dưới lòng Thái Bình Dương. Trước khi chết, Matsuyama khắc chuyện của ông trên một mảnh gỗ và gắn chặt vào trong lòng một chiếc chai to rồi vứt xuống biển. Hơn một trăm năm chục năm sau, vào năm 1935 người ta đã lượm được chiếc chai đó tình cờ trôi dạt vào một làng ở ven biển mà làng đó chính là nơi Matsuyama đã sinh ra.

Nếu tình cờ bạn có lượm được một cái chai bên bãi biển, bạn hãy chịu khó quan sát kỹ cái chai đó một tý: nó có thể là một cái chai của một khoa học gia nào đó đang khảo cứu về những hải lưu, hoặc là có thể trong lòng nó chứa đựng một lời nhắn tin vô vọng của một thủy thủ đơn độc nào đó ở một phương trời xa lạ, xa với đất liền, hoặc mang một lời trối trăn của một kẻ vô danh xấu số trên một chiếc tầu đang nằm im lìm giữa lòng đại dương mông mênh nào đó...


VĂN VIỆT    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 31, ra ngày 26-3-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>