ĐỀ THI:
Trong một dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng, người ta thấy có treo hai câu sau đây:
"Võ công Trưng, Triệu nêu gương"
"Văn nghiệp Điểm, Hương soi sáng"
Hãy giải thích và bình luận 2 câu trên.
BÀI LÀM
Hàng năm, cứ đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch, ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, mọi người đều tưởng niệm anh linh Hai Bà, hai Vị Nữ Anh Hùng, đã không quản thân nhi nữ, quyết đứng lên đánh đuổi ngoại x6am. Trái với lời người xưa thường bảo "Gái thì giữ việc trong nhà", Hai Bà đã vì nợ nước thù nhà, lao thân vào cõi chiến trường để mưu đồ hạnh phúc cho toàn dân. Không những trên trường quân sự, Nữ giới đã được Hai Bà nêu gương sáng, mà xét trong nền văn học nước nhà, biết bao người phụ nữ đã góp công rất nhiều để tô điểm cho văn chương nước ta được phong phú. Điển hình nhất là những tác phẩm của Đoàn thị Điểm và Hồ Xuân Hương mà chắc hẳn trong chúng ta, không ai không nghe nói tới. Để tỏ lòng khâm phục, nhân một dịp kỷ niệm Hai Bà, cũng là ngày chung cho nữ giới, có người đã nói:
"Võ công Trưng, Triệu nêu gương"
"Văn nghiệp Điểm, Hương soi sáng"
Vậy chúng ta hãy giải thích và phê bình 2 câu trên để tìm hiểu về sự nghiệp của các bậc anh thư ấy.
Từ ngàn xưa, nước ta đã thấm nhuần tư tưởng Khổng giáo, từ Triều đình cho đến dân gian, nhất nhất đều theo Nho học. Là phận nữ nhi, người con gái suốt ngày chỉ quanh quẩn trong gia đình, lo việc thêu thùa, bếp núc. Họ không được biết đến những việc cứu nhân độ thế vì người đời thường cho rằng "Nữ nhi khuê môn bất xuất".
Trong thời bình, người con gái ở nhà với cha, mẹ phải lo trau giồi công, dung, ngôn, hạnh để mai sau xuất giá khỏi bị tiếng đời chê bai:
Xưa nay mấy bậc dâu hiền
Công, dung, ngôn, hạnh là tiên phàm trần
Khi chiến tranh xảy ra, cuộc đời người con gái cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, tuy rằng trách nhiệm của họ có phần nặng nề hơn.
"Tang bồng hồ thỉ nam nhi trải"
Thì phụ nữ phải:
"Thiếp xin về nuôi cái cùng con".
Dù rằng đã bao lần nàng mơ ước:
"Giá vua bắt lính đàn bà,
Để em đi đỡ chàng vài ba năm".
Nhưng trước cảnh quốc biến gia vong, phụ nữ không thể nào an tâm lo việc nội trợ cho được bởi vì:
"Nước nhà gặp cơn bĩ
Trách nhiệm gái trai chung".
Cũng vì hiểu như thế, biết bao anh thư liệt nữ đã bước vào trường cung kiếm, nam nhi ra trận, họ cũng ra trận làm quân thù bao phen khiếp đảm.
Lần giở trang lịch sử nước nhà, có ai quên được chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng? Giận quân Tàu hung bạo, Bà Trưng Trắc cùng chồng âm mưu chống giặc. Nhưng hỡi ơi! Chồng Bà, Thi Sách, bị giết trước khi cuộc khởi nghĩa được đề xướng. Vì lòng căm phẫn quân thù, vì không muốn cho dân chúng phải chịu lầm than mãi với sự cai trị hà khắc của Thái thú Tô Định, Bà cùng em là Trưng Nhị chiêu binh mãi mã, đuổi quân thù ra khỏi đất nước. Khi ra trận, Hai Bà mặc áo giáp vàng, cưỡi Voi, chỉ huy một cách khéo léo, làm nức lòng bao nhiêu binh sĩ. Giữ yên được 3 năm, quân Mã Viện lại tràn sang xâm lấn, sức yếu, thế cô Hai Bà không làm sao chống nổi, nhưng không vì thế mà hèn nhát hàng giặc, Hai Bà cùng trầm mình nơi giòng sông Hát để lại cho dân Việt bao nỗi thương tiếc ngậm ngùi.
Rồi có ai quên được câu nói của bà Triệu, Nhụy Kiều tướng quân: "Tôi quyết cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời, cong lưng làm tì thiếp cho người ta". Ôi anh dũng biết bao! Hùng tráng biết bao!
Hai Bà Trưng, Bà Triệu làm cho lịch sử nước nhà thêm ngời sáng qua sự nghiệp lừng lẫy. Có ai nghĩ đến đó mà không thấy cõi lòng mình hân hoan phấn khởi. Như thế, ai dám bảo nữ nhi không có tài kinh bang tế thế, là kẻ chân yếu, tay mềm?
Noi gương Hai Bà, biết bao người nổi lên chống giặc. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn còn duy trì được nòi giống mình. Rồi thời kỳ Pháp thuộc, bao nhiêu người đã "Vị quốc vong thân".
Quả thật: "Võ công Trưng, Triệu nêu gương" vậy, về phương diện văn học, nữ giới chúng ta cũng đã tỏ ra có thực tài:
"Văn nghiệp Điểm, Hương soi sáng".
Ngày xưa, phụ nữ chúng ta ít được đi học, có chăng là chỉ sơ lược vài điều về tam tòng, tứ đức, vì người xưa cho rằng "phụ nhân nan hóa". Nhưng xét trong văn học nước nhà, người phụ nữ cũng đã đóng góp rất nhiều.
Dù rằng không được học bao nhiêu, nhưng với tính tình dịu dàng, yếu đuối, dễ xúc động trước ngoại cảnh, người con gái đã sáng tác những tác phẩm tuyệt tác mà ai cũng công nhận là hay cả.
Bà Đoàn thị Điểm với dịch phẩm "Chinh phụ ngâm" mà chúng ta thường nghe nói tới đã làm xúc động bao nhiêu người. Còn gì buồn hơn nỗi lòng người chinh phụ khi chồng đi chinh chiến miền xa. Bà đã diễn tả thật khéo léo, cảm động. Thân thế của bà không khác gì người chinh phụ bao nhiêu. Vừa mới nên duyên, chồng Bà đã đi sứ bên Trung Quốc, bỏ lại Bà vò võ nơi quê nhà. Như thế, còn buồn nào hơn nữa. Đây là tác phẩm bà diễn Nôm nhưng từng lời thơ, từng âm điệu đã làm cho người đọc rung động bồi hồi.
Với hai câu bản chính:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Bà đã diễn tả thật khéo léo:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Thơ Nôm được như bà thì thật là tuyệt tác vậy. Bà đã làm cho nhiều người phải bái phục, rạng danh đàn bà nước Nam.
Trong trường văn học, Bà Hồ Xuân Hương cũng đã nổi tiếng rất nhiều. Thơ văn Bà sáng sủa, dùng chữ bình dân. Đến thời Bà, thơ Đường đã đi đến chỗ cực thịnh. Văn chương Bà đã thoát khỏi ảnh hưởng Hán học, vì thân thế long đong nên thơ Bà đượm nhiều vẻ mỉa mai nhưng chúng ta không thể chê trách được gì. Từ thơ tả cảnh đến tả tình, ở lãnh vực nào Bà cũng tỏ ra xuất sắc. Khi đọc bài thơ "Đèo Ba Dội" của bà, chúng ta hiển nhiên như nhìn thấy rõ cảnh đèo ấy ở trước mắt, và không cần nhìn tựa, ta cũng biết ngay đó là cảnh đèo Ba Dội.
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Hai câu ứng đối của Bà khi bị vấp té, đã làm cho nhiều người ngạc nhiên trước trí thông minh của nữ giới:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài.
Còn tài tình nào hơn nữa?
Bà Đoàn thị Điểm và Hồ Xuân Hương đã làm rạng danh cho nữ giới vậy.
Chúng ta đã giải thích hai câu trên và tìm hiểu sự nghiệp oai hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, tài văn chương của Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương.
Sau đây, chúng ta tiếp tục phê bình hai câu thơ trên.
Xét qua những điều trên, ta đã thấy rằng phụ nữ đã có tài về phương diện quân sự mà sang địa hạt văn chương, họ cũng không thua kém gì. Xã hội thời xưa đã ràng buộc họ trong đời sống gia đình, nhưng dù ở giai đoạn nào nữ giới cũng tỏ ra xuất sắc không kém gì nam giới cả. Trên trường văn, trận bút cũng như nơi trường tên mũi đạn, nữ giới bao giờ cũng sáng chói.
Người phụ nữ phải mang nhiều trách nhiệm lúc còn ở trong gia đình, họ phải thờ phụng Cha Mẹ, khi lập gia đình rồi họ còn phải mưu sinh kế, buôn tảo bán tần để nuôi chồng ăn học:
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh.
Người phụ nữ Việt Nam còn phải:
Có con thì khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Với những bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ như thế, người phụ nữ đã phải đầu tắt mặt tối. Hoặc rằng suốt ngày ở nơi đồng áng hay trong những buổi chợ, người phụ nữ chỉ mong gia đình được sung túc, đủ sức nuôi chồng ăn học, con cái khôn lớn:
Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Con càng khôn lớn mẹ càng lo thêm
Đôi khi vì chinh chiến, vì một phận sự nào đó, người chồng, người cha vắng mặt trong gia đình, họ còn phải:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Hay:
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Khéo léo trong việc tề gia, lo việc bếp núc, người phụ nữ cũng tỏ ra có tài trong các lãnh vực khác. Qua lịch sử nước nhà, người con gái đã xuất sắc trong việc điều binh khiển tướng: như Bùi thị Xuân, một nữ tướng mà đã làm cho quân Nguyễn Vương lo sợ. Để rồi, Bà đã chọn cái chết anh hùng cùng các con. Thêm Cô Giang, Cô Bắc sống trong thời Pháp thuộc, cũng hợp tác cùng Nguyễn Thái Học chống Pháp. Phải chăng gương anh dũng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu đã ăn sâu vào tâm trí dân tộc Việt? Mang danh dải yếm, quần thoa, người con gái cũng cố gắng luyện tập kiếm cung để sau này khi nước nhà nguy biến sẽ đem ra ứng dụng:
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết múa roi đi quyền
Như thế, phụ nữ đâu phải chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Vượt ra ngoài lãnh vực này, họ cũng có thực tài. Về võ công, là môn ngày xưa chỉ dành riêng cho nam giới, thế mà khi hữu dụng, người con gái cũng xông pha tòng quân diệt giặc.
Hai Bà Trưng, Bà Triệu là những nữ anh hùng đầu tiên xông pha nơi trận mạc mà lại có kết quả: đem thanh bình về cho xứ sở, làm bao người khâm phục.
Xét về phương diện văn chương nữ giới đã đóng góp được gì?
Người đàn bà ngày xưa cũng tỏ ra hiếu học, họ đã nói ước vọng của mình:
Dốc một lòng lấy chồng hay chữ
Để ra vào kinh sử mà nghe.
Trên trường thi ca, qua văn chương bình dân nước ta, nữ giới đã sáng tác rất nhiều. Lời thơ êm ái dịu dàng, đã cho người đọc bùi ngùi xúc động. Không có một tình cảm thiết tha, một mối u hoài chan chứa, người ta đã không thể nào làm nên những vần thơ đó.
Chúng ta cũng đã thấy Bà Ngô Chi Lan với những bài thơ tứ thời. Rồi Bà Huyện Thanh Quan với những vần thơ trang nghiêm đài các.
Nhưng dù sao, đến những sáng tác của Đoàn thị Điểm và Hồ Xuân Hương đã làm mọi người khen ngợi. Nữ giới cũng được tiếng thơm lây.
Ngày xưa thì thế, ngày nay ra sao? Phụ nữ ngày nay đã được tiến triển về mọi mặt. Được cắp sách đến trường, cùng những tiện nghi về đời sống khiến cho người phụ nữ rảnh rang việc gia đình, bước chân ra xã hội nhiều hơn. Từ lãnh vực quân sự chúng ta có những Đoàn Nữ Quân Nhân, Nữ Nhân dân tự vệ cùng chung vai sát cánh quyết bảo vệ quê hương. Sang lãnh vực văn chương, khoa học, phụ nữ đã góp công rất nhiều. Những bài thơ trác tuyệt của Bà Tương Phố, những nữ chuyên viên nơi phòng thí nghiệm, há không nhờ ở gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương sao? Chúng ta lại còn có những Nữ Y Tá, cùng xông pha với chiến binh nơi trận chiến, để băng bó vết thương...
Còn biết bao nhiêu hình ảnh thật đẹp của Nữ giới nữa, chúng ta kể làm sao cho xiết.
Tóm lại, là nữ nhi trong đời sống hiện tại, trước anh linh Hai Bà, chúng ta hãy cùng nhau sát cánh để giữ vững quê hương trước tình thế hiện tại của đất nước. Nhưng dù sao, chúng ta có lo tròn được bổn phận người con, người vợ, người mẹ trong gia đình thì mới dấn thân ra ngoài xã hội được. Vì gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có yên ấm, hạnh phúc, xã hội mới yên vui. Người Phụ nữ, như ta thấy, họ đã có thực tài văn võ song toàn không kém gì nam giới. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên hẳn gia đình. Người đàn bà là bông hoa tươi thắm, là điểm tựa của đàn con, là nguồn an ủi, thúc đẩy ông chồng làm việc. Môi trường hoạt động thích hợp nhất của đàn bà vẫn là tổ ấm của gia đình. Người đàn bà giỏi giang là người biết thu xếp việc nhà một cách khéo léo, vì rằng, nước nhà đang cần những bàn tay xây dựng và vốn dĩ đàn bà là những người khéo léo, họ có thể góp phần kiến tạo quê hương bằng những phương tiện văn hóa, xã hội.
TRẦN NGỌC KIM
Học sinh Trường Nữ Trung Học
Trưng Vương Sài Gòn.