Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Những Ngày Chủ Nhật


 (Viết tặng VT2 và TN)

Chiều nay tôi bỗng dưng thấy buồn và cô đơn lạ. Một nỗi buồn và cô đơn thật nhẹ nhàng mà thấm thía. Từ nỗi buồn và cô đơn đó, tự nhiên tôi cảm thấy yêu những ngày chủ nhật lạ thường và thấy nhung nhớ một cái gì bâng khuâng.

Những ngày chủ nhật trước đây đối với tôi là cả một cái gì nhạt nhẽo chán chường. Suốt ngày chỉ đọc sách hay ca hát lảm nhảm đỡ buồn hoặc lang bang dạo phố. Nhưng đọc sách hoài nhức đầu, ca hát hoài mỏi mép, lang bang ngoài phố hoài chỉ tổ phải tránh xe, ngửi xăng khói cay nồng. Vì thế, chủ nhật đối với tôi là một ngày vô vị nhất trong tuần!

Nhưng, bây giờ ngày chủ nhật lại là ngày tôi có cảm tình hơn tất cả mọi ngày khác. Nó là ngày thật vui, ngày đầy thi vị, đến nỗi tôi cứ nhẩm tính từng ngày và mong cho chóng tới chủ nhật, đến nỗi tôi cảm thấy thời gian như dài ra, lâu lăng lắc... Những ngày chủ nhật bây giờ là những phút giải trí tuyệt vời, là những giây vui tươi, thoải mái, là những ngày giúp tôi cảm thấy yêu đời hơn, qua các cuộc sinh hoạt bên anh em bạn bè ở tòa soạn Thiếu Nhi.

Thật không còn gì thích thú bằng khi nhìn những khuôn mặt thơ ngây rạng rỡ ; đôi môi mở rộng nụ cười thương yêu, bật ra những bài ca vui tươi, hào hùng, thốt ra những lời thành thật, mến thương. Thật không còn gì xúc động cho bằng khi thấy những ánh mắt long lanh rạng ngời ; những bàn tay vỗ lên nhịp nhàng, vươn cao hăng hái. Tất cả đã hòa hợp với nhau, dâng cao niềm vui bát ngát chân thành trong sáng, chan chứa tình thương. Tất cả đã khiến tôi tan mọi chán chường, tan mọi lười biếng, uể oải. Thay vào đó là tất cả thoải mái, vui tươi, đầm ấm, thương yêu...

Thế rồi những chủ nhật cứ tiếp nối, những ngày vui cứ dâng cao. Tôi cảm thấy yêu tuổi thơ hơn bao giờ. Tôi hòa mình với anh em, bày trò với anh em, ca hát với bè bạn, cốt để thấy vẻ đẹp hồn nhiên của thiếu nhi, trong sáng của tuổi thơ. Có những lần bị phạt trong các trò chơi, tôi bị lò cò, hoặc bị hít đất... giữa những tiếng reo hò của mọi người. Người mệt lả, mồ hôi nhễ nhại song tôi vẫn thấy vui tươi thích thú lạ khi tai nghe những tiếng cười trìu mến, thương yêu ; khi mắt trông những gương mặt trong sáng, rạng ngời. Tôi đã cố công tìm tòi các bài ca, trò chơi để cùng sinh hoạt vui vẻ với anh em ; tôi đã cố công gói từng món đồ để bày trò với bè bạn... Những lần như thế tôi mệt nhọc nhiều, mồ hôi đổ nhiều và chịu nóng bức nhiều. Nhưng niềm vui bát ngát, tình thương vời vợi, làm mệt nhọc tan biến, làm mồ hôi thành những giọt nước mát lịm thấm vào hồn tôi khoan khoái, đậm đà, tha thiết. Tôi không mong gì hơn là được hưởng hoài những niềm vui trong sáng, ngát hương THÂN ÁI đó.

Có một vài anh bạn khuyên tôi nên lâu lâu mới tới T-N một lần, có như thế người ta mới thấy nhớ mình và khi mình đến họ mới vồn vã hơn. Cũng có bạn khuyên tôi nên bỏ T-N về mặt sinh hoạt hàng tuần đi, chỉ tổ tốn mồ hôi, phí sức, chẳng được cái giải rút gì cả. Những lần như thế tôi chỉ cười nói có một câu: "tâm tính, quan niệm mỗi người một khác" rồi thôi.

Tôi không khoái cái vẻ bên ngoài, tôi muốn được vui vẻ, yêu đời, nên tôi vẫn tới T-N hoài. Dẫu anh em chẳng vồn vã với tôi ; cái đó cũng chẳng có gì là đáng buồn. Bởi anh em quen thân tôi rồi, cần chi phải giữ ý tứ nữa, cứ thân thiện cư xử với nhau cho dễ dàng thông cảm, vui tươi hơn. Và lúc đó hẳn tình THÂN ÁI càng thêm khắng khít, sự học hỏi bên nhau, ca hát bên nhau, tâm sự cho nhau càng thêm cởi mở, đậm đà.

Tôi còn nhớ, có một sáng đang trên đường đến trường bỗng nghe có tiếng gọi sau lưng, tôi quay lại thấy một bé trai chừng bảy tám tuổi. Bé cười thật tươi: "Anh đi học ạ!" Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả, bé trai này hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi "Bé là ai? Sao lại biết anh?" Cậu bé liến thoắng: "Ý, bé là độc giả Thiếu Nhi nè, chủ nhật nào bé cũng tới tòa soạn cả. Anh không nhớ hở?" Tôi vỡ lẽ, phì cười: "À! Thế hở, đông quá làm sao anh nhớ nổi" Cậu bé cũng cười theo, chào tôi đi mất, sau khi để lại lời nhắn nhủ "Chủ nhật này ráng nhớ bé nhé". Tôi bỗng thấy thích thú, vui vui nhẹ, em bé này thật dễ thương. Tới T-N kể cũng lắm chuyện vui, buồn cười thật.

Lại một lần nữa, hôm khác, trên đường về sau khi đã mua xong vài quyển sách. Tôi gặp một bé gái độ chín, mười tuổi, thấy tôi em mừng rỡ gọi tên tôi thật to. Tôi thoáng vẻ bỡ ngỡ, nhưng kinh nghiệm gặp gỡ lần trước khiến tôi làm ra vẻ tự nhiên như đã quen biết cười lại: "À em! Đi đâu đấy?" Cô bé lễ phép: "Dạ! Bé đi tới nhà nhỏ bạn mượn sách" Tôi xoa đầu em cười: "Chăm thế cơ à?" Cô bé cười theo, dáng mắc cỡ, vài phút sau mới ngẩng đầu lên hỏi tôi: "Chủ nhật này anh có tới T-N không?" Tôi cười lắc đầu: "Không bé ạ!" Cô bé xịu mặt, thoáng buồn, giọng nhỏ lại: "Không có anh buồn chết!" Tôi phì cười: "Còn mấy anh lớn nữa chi?" Cô bé mân mê quyển sách trên tay, giọng buồn buồn: "Nhưng bé khoái đầy đủ cả cơ. Nhà chỉ có mỗi mình bé, ngày thường chả ai chơi buồn lắm. Bởi vậy bé thích tới T-N chơi lắm, ở đó có nhiều bạn bè, nhiều anh chị lớn nè, vui ghê. Bé mong ngày nào cũng là chủ nhật cả thì vui lắm anh nhỉ" Tôi thoáng cảm động, xoa đầu em: "Anh nói đùa đấy. Chủ nhật nào mà anh chẳng tới" Cô bé tròn mắt, mặt rạng rỡ hẳn lên vì vui mừng: "Thật hả anh? Anh nói thật nha" Tôi gật đầu cười, em cười theo. Ôi nụ cười hồn nhiên, thơ ngây biết bao, đáng yêu biết bao.

Lúc ra về lòng tôi cứ nao nao, cảm xúc về nụ cười trong sáng, vui tươi ấy, trìu mến ấy.

Làm sao tôi có thể bỏ hoặc lâu lâu mới tới T-N được khi mà nơi đó có những tâm hồn trong sáng, những nụ cười tin yêu, những lời nói chân thành, những ánh mắt nai tơ, những bài ca hiền lành... họp lại tạo thành một niềm vui bát ngát, chan chứa thương yêu. Những ngày chủ nhật còn, là tôi còn tới T-N hoài, tới để được chung vui với tuổi thơ ; tới để được trông những nụ hoa nở rộn, thơm lành ; tới để tạo niềm vui, tình THÂN ÁI cho T-N, cho chính tôi.

Những ngày chủ nhật T-N là những ngày vui vẻ, tình thương tỏa rộng, gắn bó với nhau thật THÂN ÁI, đậm đà. Để mãi mãi tình thương là dòng suối mát nuôi sức sống, để mãi mãi tuổi thơ còn hoài những ngày hồn nhiên vui vẻ ; để mãi đau thương, phiền não không còn ngự trị trong tâm hồn trong sạch, ngây thơ của T-N ; để mãi mãi tình anh em bền chặt, tình người thắm thiết, để còn hoài TRÁI TIM HỒNG VIỆT NAM chứa đầy TÌNH THƯƠNG. Tôi mong ước lắm thay!


- MAI HOẠT -            
(Chiều mơ ước trên quê hương)
(3-3-73)                  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>