Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Hoa Hạnh Phúc


Hiền bước ra khỏi lớp thì nắng đã nhạt từ lúc nào rồi. Trên khung trời xanh chỉ còn lấm tấm những chấm sáng long lanh chực tắt. Con đường về chiều đen đúa và loang lổ. Thình thoảng, Hiền lại gặp một vũng nước lầy lội do trận mưa hồi trưa còn đọng lại hay một đống rác tanh hôi bên lề đường, khiến Hiền nhăn mặt khó chịu. Thành thị có nhiều khi cũng chả hơn gì thôn quê cả, trái lại còn gây thêm phiền phức cho cuộc sống nữa là đằng khác. Một chiếc xe hơi lướt qua, làm xao động vùng không khí, đem đến cho Hiền một cơn gió mát rượi. Hiền giơ chiếc cặp lên, che ngang tầm mắt để tránh một ngọn đèn xe chói lọi đang chiếu thẳng vào người và nhanh chân quẹo sang một ngõ hẻm. Vài căn nhà đầu xóm đã lên đèn. Những tia sáng yếu ớt hắt ra, khiến cái ngõ tối đầy nước trắng xóa lên. Bầu trời nhá nhem không đủ sức dìu ánh sáng vào tận nơi đây dù là một tia sáng màu bệnh hoạn nữa. Còn cái hẻm nhỏ thì dài như một cái hang. Hiền càng đi sâu vào, càng thấy lo sợ. Không phải Hiền lo sợ cái bóng tối đang đe dọa vì đã hằng bao nhiêu lần Hiền đi học về tối như thế này rồi kia mà, nhưng Hiền lo sợ cơn bệnh của bé Hòa nhiều hơn hết. Hồi trưa trước khi Hiền đi học, bé Hòa đã lên cơn sốt miên man. Hiền muốn nghỉ học nhưng không được, vì chiều nay phải thi đệ nhị lục cá nguyệt. 

Thấy vậy, thằng Lành em Hiền bảo:

- Chị cứ đi học đi, bé Hòa để em coi cho. Chị em mình ráng chịu đựng vài ngày nữa, rồi mẹ sẽ về chứ gì. Bất quá mẹ giận ba một chút rồi cũng nguôi, chứ hổng lẽ đi luôn, bỏ tụi mình sao chị?

Lời thằng Lành nghe bi thảm quá khiến Hiền không cầm được nước mắt. Hiền nhớ lại sau trận cãi cọ vì một lý do nào đó chẳng rõ, cha mẹ Hiền đã giận nhau. Bà Tính ra đi, định bế theo bé Hòa, nhưng ba Hiền không cho viện cớ để giữ lại. Nào ngờ tự ái quá cao, mẹ Hiền quyết định ra đi, bỏ lại bé Hòa mới lên một tuổi đã ba bốn hôm rồi. Còn ông Tính đi làm xa, cả tuần mới về một lần. Không ai săn sóc, bé Hòa sinh ra bịnh. Nhất là mấy hôm rày trời trở gió, Hiền và Lành phải vất vả thay nhau săn sóc cẩn thận cho bé Hòa. May là Lành nó học buổi sáng, chiều ở nhà trông chừng bé Hòa được, còn sáng thì đã có Hiền, chứ không thì chắc có lẽ Hiền phải nghỉ học chứ biết làm sao hơn! Chỉ lúc này, chị em Hiền mới biết thương nhau hơn lúc nào hết, chả bù với những lần gây gổ, hờn giận nhau lúc trước.

Gần tới nhà, Hiền đi chậm lại. Mái tường trước mặt Hiền thấp lè tè che khuất ánh sáng từ trong căn nhà đổ ra, khiến căn nhà xơ xác nằm trên khoảng đất tối không bằng bất cứ cái quán nhỏ nào, dù là nhỏ nhất thành phố. Hiền bước lần vào. Lành bồng bé Hòa tựa cửa thấy Hiền về, khuôn mặt thiểu não ấy vụt tươi lên:

- Chị đã về! Sao trễ thế chị?

Cố giữ nụ cười trên môi, Hiền nhìn bé Hòa:

- Chị phải ghé nhà thuốc tây mua cho bé Hòa mấy viên thuốc và cho em cây kẹo này nè. Thôi ẵm bé Hòa vào trong đi đứng đây gió máy độc địa lắm!

Hiền đặt cặp xuống bàn, mở ra lấy trao cho Lành cây kẹo. Thằng Lành sung sướng xé lớp giấy bọc bên ngoài, bốc một khoanh kẹo tròn màu xanh bỏ vào miệng. Nó gật gù:

- Ngon đấy. Chị ăn thử vài cục nghen chị.

Chẳng đợi Hiền kịp phản ứng, Lành trút ra bàn tay hai viên kẹo đưa cho Hiền và hỏi:

- Bé Hòa ăn kẹo được không chị?

- Không được đâu. Em đưa nó cho chị bế, lo dọn cơm ăn đi.

Hiền bồng bé Hòa lên, trìu mến nhìn bé. Cặp mắt bé tròn và đen lay láy nằm dưới hàng mi cong vút, trông đẹp làm sao! Lại còn đôi môi nhỏ đỏ thắm, lâu lâu lại chép chép như khát sữa. Hiền đặt nhẹ bé lên chiếc võng gần đó, vừa đưa vừa cất giọng ru:

"Ầu ơ... Em ơi! Em ngủ cho lâu... ơ... Mẹ em đi cấy ruộng sâu chưa về ... ơ... ầu ơ..."

Chẳng bao lâu, thằng nhỏ đã ngủ say. Hiền vội ra khép hờ cửa lại thì nghe tiếng gọi nho nhỏ của Lành:

- Chị ơi, cơm dọn xong rồi, xuống ăn chị.

- Ờ, để đó chị, em ăn trước đi.

Tuy nói thế, nhưng Hiền cũng xuống ngay. Bữa cơm đơn sơ, chỉ có một dĩa trứng chiên với vài miếng dưa mà thôi. Nồi cơm nửa sống nửa chín, Hiền không muốn trách em mình, vì Hiền thấy thương Lành khổ cực, đi học về lại phải coi sóc em, nấu cơm... Vả lại Lành cũng đâu biết nấu cơm nước gì, nhưng chẳng lẽ để chị mình về nấu cho ăn, nên nó đã tập làm quen với bếp núc. Một lát sau, bữa cơm đã tàn, Hiền phụ với Lành dọn dẹp xong xuôi, liền vội vã trở lên. Hiền bước tới nắm lấy dây võng định đưa.

- Ủa, sao lạ thế này? Lành ơi, lên đây xem, bé Hòa đâu mất rồi.

Lành giật mình chạy lên xem. Thôi, đúng rồi, chỉ còn chiếc võng không! Lành nghe nghèn nghẹn ở cổ họng. Nó bật khóc to, môi run run tím nhợt, nhưng Hiền cố trấn tĩnh:

- Thôi nín đi, em thử qua hỏi xem... thím Hai, chú Hùng với bà Tư coi có ai bế nó không?

Lành không nói gì cả, vụt chạy nhanh ra cửa. Hiền cũng chạy theo ra đến sân nghe ngóng. Một lúc, Lành trở lại với vẻ mặt u buồn và nhiều người. Nó lắc đầu thất vọng:

- Không có chị ạ. Bà Tư với thím Hai không có ai bồng bé Hòa cả, còn bên chú thím Hùng thì thím vừa đi vắng, chú không có ẵm nó.

Bà Tư chạy trờ tới hốt hoảng la:

- Chèn đét ơi, cháu để bé Hòa đâu mà đến nỗi mất vậy?

Hiền mếu máo, chưa kịp trả lời thì thím Hai, chú Hùng đổ xô tới dồn dập:

- Sao? Bé Hòa mất rồi à? Trời ơi, sao cháu Hiền không coi nó?

- Bây giờ phải tìm kiếm xem sao, chứ đứng mãi như thế này có nước chết được.

Mọi người lối xóm đều quay lại trầm trồ:

- Ừ, phải đa. Chú Hùng nói đúng đa. Thiệt thím Tính nỡ bỏ con cái như vầy mà đành lòng ra đi được, hổng biết nói làm sao nữa à!

Rồi tất cả bủa xua chạy ra đường. Chị em Hiền ôm nhau khóc sướt mướt. Căn nhà chỉ còn lại những tiếng bàn tán lào xào buồn bã đến khó thở. Vài câu nói nhỏ như sắp loãng vào không gian:

- Biết đâu mà tìm, họa chăng là đi cớ bót.

- Còn cớ bót cái gì nữa ; chính người ta vào đến nhà bắt đứa nhỏ đi mà không ai hay thì còn đòi cớ với trình cái quái gì!

Hiền nghe lòng quặn đau theo hai hàng lệ chảy dài trên khuôn mặt hốc hác của mình. Lành ngước cặp mắt đầy hy vọng nhìn Hiền, hỏi nhỏ:

- Chị, liệu có tìm được bé Hòa không chị?

Hiền mím môi, lắc đầu thương hại. Đã bao nhiêu giả thuyết được đặt ra trong trí Hiền rồi, nhưng tất cả đã bị hủy bỏ ngay sau khi vừa thành hình. Có tiếng ai bước, Hiền ngẩng ra:

- Có tìm được không chú Hùng?

- Không được cháu ạ.

Người đàn ông tên Hùng hạ thấp giọng:

- Thằng nhỏ trông dễ thương đáo để vậy mà bị bắt cóc mất đi. Đáng tiếc thật!

Chú ta tiếp:

- Rồi khi ba cháu về, cháu sẽ nói sao? Rõ khổ!

Thẫn thờ đến độ mất hồn, Hiền đáp trong tiếng khóc:

- Biết nói sao giờ chú!

Lành lau nước mắt, chen vào:

- Chắc ba cháu sẽ đánh chúng cháu chết mất!

Chú Hùng âu yếm nhưng cương nghị:

- Đâu có được, tại ảnh chỉ bỏ bê con cái nên mới ra nông nỗi này, chứ có phải lỗi ở các cháu đâu! Thôi đừng có buồn nữa, ngày mai chú sẽ đánh điện tín cho ba cháu hay để về lo tìm kiếm. Chú về nhen!

Chú Hùng quay lại nhìn hai chị em Hiền một lần nữa với vẻ trìu mến chứa chan tình hàng xóm rồi chú ra về. Những bước chân lục lạo tìm kiếm cũng thưa dần. Sau một hồi nhốn nháo lên, khu xóm lại trở về với cái yên lặng cố hữu của nó, nhưng sự yên lặng bây giờ nặng nề như những đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời không trăng sao kia. Hiền cúi xuống hỏi Lành:

- Em buồn ngủ chưa? Đi ngủ đi. Có lẽ trời sắp mưa nữa. Không biết bé Hòa giờ này ra sao nữa? Trời ơi, bé bệnh mà ai ác quá!

Lành gục đầu vào lòng chị thổn thức:

- Em nhớ bé Hòa quá! Chị nhớ không chị?

Hiền rùng mình vì một cơn gió lạnh, nhè nhẹ đáp:

- Nhớ sao không nhớ! Chị nhớ nhiều hơn em nữa kìa. Viên thuốc này chị chưa kịp cho bé uống thì...

Ngừng lại vì quá xúc động suýt bật thành tiếng nấc, Hiền tiếp:

- ... Mới đây, chị còn bồng bế, còn ru nó ngủ, còn nựng, còn hôn... mà bây giờ... Buồn quá phải không Lành?

Tiếng khóc đều và nhỏ kéo dài như tiếng than van của một loài chim. Đứa con gái mới mười mấy tuổi đầu và thằng con trai chưa quá mười đã bắt đầu biết khổ. Hai chị em Hiền không biết gì hơn là kể lể với nhau bằng nước mắt. Phải chi ba má Hiền thấy cảnh này mới thương chị em Hiền mà trở về. Tuy còn cha mẹ, nhưng trong những phút này, Hiền tưởng chừng như mồ côi chẳng bằng. Bé Hòa đã bị bắt cóc mất rồi. Đổ lỗi cho cha mẹ ư? Hiền chẳng dám. Nhưng thực sự phải như thế.

Mải suy nghĩ vẩn vơ, Hiền quên Lành đã ngủ thiếp trong lòng mình từ lúc nào rồi. Hiền đỡ Lành nằm xuống giường, kéo chăn đắp lên rồi giăng mùng cho nó. Ánh sáng ở các nhà bên cạnh dần dần chìm mất. Hiền trông ra bầu trời cũng với vẻ lo lắng sợ sệt của lúc chiều đi học về. Bỗng chớp nhoáng lóe lên sáng rực một góc trời rồi đổ ụp mưa. Sấm sét nổ liên hồi. Gió gào lên, thổi tạt những hạt mưa vào người Hiền nghe lạnh buốt. Hiền đóng cửa, đem lại cho ngôi nhà một không khí ấm áp hơn. Màn mưa ngoài hiên như kim tuyến lấp lánh trên làn vải đen. Đã buồn, Hiền lại buồn thêm. Giấc ngủ chưa trở về được, dù bóng tối đã bao phủ lấy tất cả người Hiền. Bao nhiêu nỗi sợ sệt, thương nhớ nối nhau chạy về tim Hiền để hành hạ giấc ngủ. Mưa vẫn cứ rơi. Gió vẫn rít lên từng chập. Một giọng hát đơn độc nổi lên từ chiếc Radio bên hàng xóm:

"Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?..."

Nhịp điệu Slow trầm và buồn lê thê. Tiếng nấc của Hiền vụt bật ra khỏi lồng ngực, bay lên cao, rồi thấp dần, thấp dần và chìm lắng trong lòng đêm mưa thanh vắng...

*

Ông Tính ngồi gục đầu lên băng xe phía trước, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn ra đường với vẻ sốt ruột lắm. Người ta bắt gặp một đôi mắt u buồn nằm sâu trong hốc xương gò má, một vòng môi thâm đen khô héo hơn cả những cánh hoa tàn tạ nhất. Thoáng chốc, họ có thể lầm tưởng ông là một hạng ăn chơi đã cạn túi. Nhưng mặc kệ, cũng chẳng cần, ông chỉ biết có bức điện tín này thôi bức điện tín đã khiến ông phải bỏ dở công việc và cũng chính nó đã làm ông bấn loạn cả tinh thần. "Bé Hòa bị bắt cóc mất. Hãy về gấp". Những hàng chữ ấy lại quay cuồng, nhảy múa như trêu ghẹo trên cái đau khổ của một người cha mất con. Ông tức giận vò nát mảnh giấy, ném nhanh qua cửa xe. Cái tâm lý chung của con người là vậy. Hễ gặp được vật gì đó đem đến tin vui thì nâng niu, trìu mến lắm, còn nếu nó mang tin buồn thì họ sẽ sinh ra oán giận, đập phá ngay dù vật ấy là vô tri vô giác đi nữa.

- Thưa ông, dừng ở đây hay đâu ạ?

Câu hỏi của người tài xế vụt vang lên làm ông Tính giật mình. Ông ngơ ngác nhìn ra đường, rồi gật đầu:

- Vâng, ông làm ơn cho tôi xuống đây.

Chiếc xe chạy chầm chậm rồi ngừng hẳn. Ông Tính trả tiền xe, xong, hối hả bước xuống ngay. Chiếc "tắc xi" gầm lên và biến mất trong đám bụi mờ đàng xa. Ông cắm đầu rảo bước như trốn tránh một việc gì. Ánh nắng ban trưa vàng như lửa. Ông Tính vẫn bước đều, không buồn lau những giọt mồ hôi đang chảy dầm dề trên trán, vì nước mắt ông không vội chậm đi thì mồ hôi có nghĩa lý gì. Đường tuy ngắn mà dài, nhưng rốt cuộc rồi ông cũng tới đích.

- Kìa ba về! Bé Hòa bị người ta bắt cóc mất rồi ba ơi!

Hiền và Lành thấy ba về, mếu máo khóc. Ông Tính lẳng lặng nhìn hai con, không nói gì, chỉ khẽ thở dài. Cặp mắt ông lúc ấy long lanh một tình thương vô biên. Ông từ từ cúi xuống, xoa đầu Lành như nhắn nhủ:

- Tội nghiệp con tôi quá! Thôi con qua mời chú Hùng sang đây gặp ba có chút việc cần.

Hiền lắng tai nghe ba lầm thầm một mình:

- Giờ chỉ còn hai đứa. Phải biết, mình để cho bả bế thằng Hòa theo luôn thì đâu đến nỗi này...

Một tiếng tắc lưỡi tiếc rẻ làm gián đoạn câu nói:

- ... Dù sao mình cũng phải đăng báo gọi bả về cho hay để lo tìm kiếm thằng nhỏ và lo cho hai chị em con Hiền nữa. Thiệt!...

Ông Tính vội trông ra sân vì nghe có tiếng chân người đi lại:

- Kìa chú Hùng, tôi xin thành thật cảm ơn chú đã đánh điện tín cho tôi hay. Chú ngồi đây cho tôi nói chút chuyện.

Chú Hùng nhã nhặn:

- Dạ chẳng có chi, anh chớ bận tâm.

Ông Tính như không nghe thấy, cất giọng chán nản:

- Chú biết không hồi má con Hiền ra đi, tôi tưởng bả chỉ đi vài ngày sẽ về, nên không gửi bé Hòa cho thím Hùng trông giùm mà yên lòng đi làm. Ngờ đâu bả đi luôn. Hiện giờ tôi buồn quá, chẳng biết phải giải quyết cách nào cho êm xuôi ; tôi định nhờ chú và thím Hùng trông hai cháu Hiền và Lành, đầu tháng tôi sẽ gửi tiền về... Chẳng biết có được không? À, mà thím Hùng có nhà không, chú gọi...

Chú Hùng hơi bối rối, ngắt lời ông Tính:

- Ơ... Vợ tôi nó đi... thăm bà con từ chiều hôm qua lận.

- Thôi được. Chú có ý kiến gì giúp tôi không?

- Tôi nghĩ anh nên nhờ đăng báo gọi chỉ về cho hay bé Hòa mất, chừng đó hãy bàn cũng chẳng muộn.

Mắt ông Tính vụt sáng lên như vừa tìm được một cái gì. Ông làm một cử chỉ tán thành:

- Vâng, tôi cũng nghĩ như chú vậy.

Hiền và Lành hết nhìn trân trối ông Tính lại đến chú Hùng, rồi mỉm cười rưng rưng, quay lại nhìn nhau yên lặng.

Thế rồi hai hôm sau, bà Tính khăn gói trở về.

Hình như bà còn giận ông Tính nhiều lắm, nên không thèm nhìn thẳng ông Tính. Khô khan nhất là tới bữa cơm, hai người không hề nói với nhau nửa lời. Bà Tính nuốt cơm mà nước mắt cứ tuôn trào. Tình mẫu tử vùng lên mạnh để rồi thoát ra khỏi lòng bà bằng khóe mắt. Bà định ra đi vài hôm sẽ trở lại lén đem theo bé Hòa. Nhưng bây giờ đã trễ, người ta đã bắt cóc nó trước bà. Bà liếc sang Hiền và Lành, lòng xót xa thương hại. Bà nghe hối hận, muốn xin lỗi ông Tính để ở lại chăm sóc hai đứa trẻ. Được một chút, tự ái bỗng nổi dậy dập tắt sự hối hận ấy ngay. Buổi ăn diễn ra ngắn ngủi và thật lạnh nhạt.

- Mẹ về ở luôn với chúng con, đừng đi nữa nghen mẹ.

Lành nói như van xin. Hiền chậm rãi góp vào:

- Thôi mẹ, đừng đi nữa mẹ ạ. Bé Hòa đã bị bắt mất đi vì gia đình thiếu bàn tay coi sóc. Phải chi có mẹ luôn bên bé...

Bà Tính thở nhẹ, ra chiều suy nghĩ. Bỗng Lành kêu lên:

- Mẹ ơi, ba gọi mẹ ra có việc gì kìa!

Hiền đứng lại nhìn theo cái dáng gầy gầy của mẹ đang khuất dần sau tấm màn thưa, lòng lâng lâng một niềm vui sướng và thương mến. Hiền ngồi xuống chiếc ghế con, lén nghe tiếng chú Hùng nói:

- Tôi chỉ là một người hàng xóm, thấy cảnh gia đình anh chị quá bề bộn: Nào vợ chồng xào xáo với nhau, con bị bắt cóc mất, còn lại hai đứa trẻ không ai săn sóc, anh đi làm xa, chị không có ở nhà, nên tôi xin đề nghị như thế này: anh chị nên thuận thảo với nhau vì như anh chị đã thấy bé Hòa bị mất đi là hậu quả của sự giận nhau giữa anh chị và hơn nữa, anh chị giận nhau cũng chẳng có ích gì, chỉ làm hại cho con cái mà thôi.

Âm thanh ngừng một lúc, rồi lại tiếp tục nổi lên:

- Sao, anh chị nghĩ thế nào?

Hiền nghe ba lên tiếng trước:

- Thì chú nghĩ coi, tôi có giận và muốn má con Hiền ra đi hồi nào đâu! Bằng chứng là tôi đã cố giữ bé Hòa ở lại với dụng ý là để cho bả ở lại theo, nhưng tại bả nhất quyết ra đi, nên tôi cũng không cản. Giờ chú bảo tôi nên làm hòa lại thì tôi vẫn sẵn sàng, chỉ còn chờ bả thôi.

Giọng bà Tính ngập ngừng:

- Còn tôi... ơ... thì... ơ... tùy ổng.

Một tràng cười giòn đắc ý của chú Hùng vang lên:

- Thôi vậy là kể như xong hết rồi. "Ông bà" phải hứa là hòa thuận lại với nhau chắc chắn đó nghen.

Giọng chú Hùng vụt cao lên như réo gọi:

- Em à, má thằng Vĩnh!

Hiền ngạc nhiên, không hiểu chú Hùng gọi thím qua làm gì, cố lắng tai nghe. Chợt có tiếng kêu cùng một lượt của ông bà Tính:

- Ô! Bé Hòa, con tôi!

Hiền giật nẩy mình, đứng lên, vùng chạy nhanh ra phía trước. Ủa, bé Hòa sao lại ở trên tay thím Hùng? Trong lúc đó, chú Hùng ôn tồn giải thích:

- Vì thấy anh chị giận nhau bỏ bê con cái, nên gia đình tôi mới nghĩ ra một cách là lén bắt cóc bé Hòa đi để cho anh chị hối hận về sum họp lại với nhau, chăm sóc các cháu. Chính vợ tôi đã ẵm bé Hòa lên nhà một người bà con ở Thủ Đức chơi, bữa nay mới về đó.

Hiền dụi mắt tưởng chừng như chiêm bao, nhào tới ôm chầm lấy bé Hòa hôn như mưa bấc. Thằng Lành không biết từ đâu chạy ù ra giành bé Hòa trên tay Hiền rồi cũng diễn lại động tác của Hiền lúc nãy. Chú thím Hùng liếc nhìn hai chị em Hiền, mỉm cười:

- Gặp lại bé Hòa, tụi nó mừng dữ ghê chưa! Thôi, thưa anh chị, vợ chồng tôi xin phép được về.

Ông Tính nắm lấy tay chú Hùng siết một cái thật mạnh:

- Trời ơi, thật là chú thím tốt với gia đình tôi quá! Ơn nầy chúng tôi nguyện không bao giờ quên.

Bà Tính nói thêm:

- Tối nay, nếu chú thím có rảnh, xin mời cùng chúng tôi xem một suất hát nhé!

- Vâng. Chào anh chị.

Chú Hùng dứt lời, liền dìu thím ra về. Hiền nhìn cha mẹ, thằng Lành, bé Hòa, đâu đâu cũng bắt gặp những đóa HOA HẠNH PHÚC đang nở đều đặn trên những cánh môi đỏ thắm. Và như còn quên điều gì, Hiền vội quay ra sân trông theo cái bóng của vợ chồng người hàng xóm đang đi dần ra khung trời ngập nắng với đôi mắt mến phục.


YÊN LAM SƠN TỬ     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 65, ra ngày 15-3-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>