Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Còn Bé...


1

Đã từ lâu, cứ khi Ba hỏi: "Con có thương Ba không?", em luôn luôn trả lời rằng: "Con thương Ba, thương Má bằng tất cả tình thương con có". Câu nói ấy, em học được ở thầy giáo, người đã cho em rất nhiều cảm tình, dạy em rất nhiều điều ích và thường hay khuyên nhủ, an ủi em mỗi khi thấy em buồn. Nhưng mãi cho đến tối qua, em mới biết rõ thế nào là tình thương và em mới biết câu nói: "Thương Ba bằng tất cả tình thương con có" là đúng nghĩa, thật đúng nghĩa.

Nhà em nghèo, Ba em làm phu khuân vác, má em bán hàng rong. Em là con cả, dưới em, còn bốn đứa nữa. Ấy, chuyện đời cứ kỳ cục vậy, hễ nhà nghèo là thường đông con, thành ra, đã nghèo, càng nghèo thêm. Mà năm đứa đã thôi đâu, má em lại sắp cho ra đời đứa thứ sáu nữa. Thời gian má nằm chỗ là gia đình hơi khổ một chút đây, ba sẽ phải thay má lo chuyện nhà, em với con Nhàn em gái kế em, cũng vậy. Tuy nhiên, em có phần đỡ vất vả hơn con Nhàn, vì em là con trai, năm nay lại phải học thi vào đệ thất trường công. Ba em ít khi nhờ em làm việc nhà lắm, vì ba muốn em có thì giờ học, học để cố gắng thi vào đệ thất. Phải đậu mới được! Ba em thường bảo với em thế và em cũng vẫn tự nhủ mình. Vì em biết, dù thế nào đi nữa, ba em cũng không chịu để em bỏ học ; nếu không đậu vào trường công, ba cũng đành cố gắng làm lụng để cho em lên đệ thất trường tư. Ba vẫn thường tâm sự với má rằng: "Tôi chỉ mong sao thằng An học giỏi. Ngày sau đây, khi nó có mảnh bằng tú tài trong tay là tôi mãn nguyện lắm rồi. Thời buổi này, ít nhất cũng phải có Tú tài, chứ chẳng may thất học thì khổ cả một đời. Nhìn lại thân mình mà lo cho con quá..." Đấy, ba em lo lắng cho em như thế đấy, bảo sao em không cố gắng học hành. Tháng nào, em cũng đưa về trình ba một tấm bảng danh dự. Những lần như thế, ba thường cho em ra ngoài trụ sở Ấp xem truyền hình gọi là để thưởng. Em dẫn theo con Nhàn, thằng Hạnh, thằng Phúc, chỉ để con Ái ở nhà, nó còn bé quá, đi một tí là đòi về ngay.

Tối hôm qua, ba cho em đi xem truyền hình, vì hôm kia em mới đưa về bảng danh dự hạng nhất. Thằng Phúc bị sổ mũi ba không cho đi, lúc em dẫn con Nhàn, thằng Hạnh kéo đi, nó khóc ầm lên làm em chẳng còn lòng dạ nào muốn đi nữa. Thời may, ba dỗ nó nín, bảo em cứ đi. Thế là chúng em chạy thật nhanh về phía trụ sở ấp, nơi có dựng chiếc máy truyền hình. Người ta đứng coi đông lắm, em phải dẫn hai đứa em len lỏi mãi mới tìm được một chỗ xem rõ. Gì chứ đi xem truyền hình thì con Nhàn sướng mê tơi, nó chỉ cầu cho em học giỏi để hàng tháng được ba cho đi xem vài ba lần. Nó giành việc với em, nó nói: " Anh An đi học đi, em làm cho. Không thôi anh không được bảng danh dự thì sao?". Con Nhàn thương em như thế, còn em, chẳng lẽ em không thương nó sao. Thương nhiều lắm chứ! Em dạy nó làm toán này, em đọc cho nó nghe những bài sử ký hay hay này, em tập viết cho nó này... Nhờ thế, tuy ít học, thỉnh thoảng con Nhàn cũng đem về được một tấm bảng danh dự của cô giáo lớp ba.

Thằng Hạnh cũng vậy, nó khoái coi truyền hình mê luôn. Nhiều lần em gặp nó đứng tần ngần một mình ngắm nghía chiếc thùng gỗ đựng máy truyền hình bên trong say mê đến nỗi em gọi, nó cũng chẳng biết. Mà nào lúc ấy có mở máy đâu!

Hai đứa em của em nhìn lên khung máy chăm chăm. Em thì không thế, em thích nhìn chúng xem hơn. Nhìn hai đứa xem không chớp mắt mà em thấy vui vui là... Em thấy sướng ghê đi, vì mình đã đem đến cho các em niềm vui thích. Ba em có hứa nếu em thi đậu đệ thất, ba cho chúng em đi xem truyền hình suốt một tuần. Em chưa cho đứa nào biết cả vì muốn dành cho chúng nó một sự ngạc nhiên. Nhất định em phải thi đậu...

Con Nhàn chợt đập đập vào em nói:

- Anh An xem kìa, ai giống ba quá!

Thằng Hạnh cũng bảo:

- Đúng ba mình rồi...

Em ngước nhìn lên khung máy truyền hình. Đúng rồi, hình ba em kìa. Ba em đang vác một bao gạo từ nhà kho đi ra. Ba ở trần, da đen đủi và bắp thịt nổi lên từng cuộn. Gương mặt ba em mỗi lúc một rõ hơn, cuối cùng, em thấy cả những giọt mồ hôi lăn dài trên trán ba. Lúc gương mặt ba được rọi lớn nhất, em thấy ba liếc nhìn lên. Có lẽ bấy giờ ba mới biết là có người quay phim mình. Rồi hình ảnh ba em mất đi, thay vào đó những hình ảnh khác của cuốn phim nói về hoạt động của giới công nhân.

Thằng Hạnh thấy ba có mặt trên truyền hình sướng quá, ôm lấy em nói như hét: "Ba mình chì quá, anh An há". Câu nói khá to của nó làm một ông đứng cạnh khó chịu, ông ta mắng: "Làm gì mà hét ầm lên thế, để người ta nghe một chút coi nào". Thằng Hạnh sợ, nín khe, nhưng vẫn len lén nói nhỏ với em: " Về nhà kể cho ba nghe, nghe anh An". Em gật đầu.

Lúc hết cuốn phim, nhân lúc máy ngưng phát hình, chỉ vặn nhạc, người đàn ông khi nãy mới quay hỏi em:

- Ba mày là ai vậy?

Em chưa trả lời, con Nhàn đã nhanh nhẩu:

- Cái ông vác bao gạo đó!

Nghe xong, người kia khẽ bĩu môi, không nói thêm. Con Nhàn với thằng Hạnh thì không hiểu, nhưng em hiểu, ông ta khinh ba em! Tự dưng em thấy mắt rưng rưng.

Lúc về, em không kể lại cho ba nghe, con Nhàn, thằng Hạnh cũng quên tuốt, nên ba em không biết gì cả. Ba không biết là phải, biết làm gì ba nhỉ? Để mình con biết đủ rồi. Mình con hiểu ý nghĩa cái bĩu môi của người đàn ông kia đủ rồi! Em nằm nghĩ ngợi mãi không ngủ được. Tình thương của ba em bỗng dâng lên thật cao, cao hơn núi Thái Sơn nhiều. Ba em làm việc cực nhọc quá, khổ sở quá. Nước mắt em rơi lúc này đây đâu thể so sánh với những giọt mồ hôi lăn trên trán ba ; những gì em nghĩ ngợi sao bằng những nếp nhăn trên trán ba... Em càng thương ba hơn khi nghĩ đến cử chỉ của ba những lúc ở nhà. Thật trái hẳn với hình ảnh em thấy trên khung kính truyền hình. Dù làm việc cực nhọc, chẳng bao giờ em thấy ba than phiền, chẳng bao giờ em thấy ba để lộ sự cực nhọc của mình. Ba luôn luôn tìm cách làm cho mọi người trong nhà tưởng là ba làm việc không có gì khó nhọc. Ba còn hay tạo dịp cho chúng em cười đùa nữa chứ. Ba ơi! Con thương ba nhiều lắm, nhiều nhiều lắm, ba biết không? Và chỉ có câu nói: "Con thương ba với tất cả tình thương con có", may ra mới cho bà biết tình thương của con với ba...


2

Hôm trước, nhà em thật vui vẻ. Tiếng cười nói dường như không lúc nào ngơi. Má em vừa sinh cho chúng em một đứa em trai. Má còn nằm nhà thương mấy ngày nữa mới về, thành ra, chúng em ở nhà tha hồ đùa nghịch, không sợ bi la là: "Có im không để cho em ngủ, lũ quỷ", như dịp má sinh em Ái.

Buổi tối, sau khi đi thăm má với em bé về, em thấy ba hơi buồn, dù vậy, ba vẫn chỉ buồn thoáng qua, rồi lại vui với chúng em. Hình như ba có chuyện gì phiền ở đằng chỗ làm. Nhưng thôi, gác chuyện ấy lại đã, phải bàn xem đặt tên em bé là gì rồi hẳn hay. Ba em đặt tên cho chúng em bằng cách cứ hai đứa, ghép lại, lại thành một chữ có nghĩa. Em với con Nhàn thành an-nhàn, ý hẳn ba muốn em với nó sung sướng. Hai đứa kế ghép lại là hạnh phúc, đứa thứ năm là con Ái, giờ đến đứa thứ sáu... Và ba em... bí. Em cũng vậy, nghĩ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tìm ra chữ gì đi sau chữ ái để đặt tên cho em bé. Ái... gì nhỉ?... Ai mà biết được! Ba em cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy mãi. Con Nhàn trách ba: " Ai bảo lúc đặt tên em Ái, ba không nghĩ tên cho em bé luôn", ba chỉ cười trừ.

Mãi lúc gần đi ngủ, em mới nghĩ ra một ý, là nếu không tìm được chữ đi sau chữ Ái, thì tìm chữ đi trước vậy. Em nói với ba, nghe xong, ba vỗ đùi đánh đét một cái, cười ha hả, sung sướng bảo em: "Vậy mới đáng là con của ba, thông minh đáo để". Em thích chí, ưỡn ngực ra dáng. Rồi cũng chính em trình ba tên em chọn cho em bé trước tiên, em chọn chữ Nhân, Nhân ái mà! Nghe em nói xong, con Nhàn vỗ tay reo: "Hay quá nhỉ, tên em bé hơi giống tên em, thật thú". Thằng Phúc lại thắc mắc: "Nhân là gì?". Thằng Hạnh làm ra vẻ ta đây, giảng: "Mầy không nghe mấy ông bán bánh rao: bánh bao nhân lạp xưởng đó sao, nhân đó chứ còn gì nữa". Ba đập thằng Hạnh một cái, bảo nó chỉ nói bậy, đoạn, giảng cho tất cả nghe.

Lúc đi ngủ, em ước rằng em sẽ mơ một giấc mơ thật đẹp và em đã mơ...

Nhưng... tất cả chỉ là chuyện của hôm trước, chứ còn bây giờ, tìm được một tiếng cười trong nhà em thật khó, có chăng là tiếng cười gượng của ba em. Trước hôm má em sinh, trong giờ làm việc đằng nhà kho, ba em cãi vã với ông cai Tân. Em không cần hỏi ba cũng biết vì sao lại có chuyện cãi vã, vì đây không phải là lần thứ nhất, mà đã nhiều lần ba em cãi nhau với ông cai. Lần đầu tiên là bởi ông cai không chịu phát lương đúng ngày. Ba em mới hỏi, và hai người xích mích từ đấy. Những lần sau, ông cai để ý thù, cứ tìm kiếm, bới móc những gì ba em sơ sót để la rầy. Ba em nhiều tự ái, đâu chịu thế. Thành ra cứ có chuyện xích mích luôn. Tưởng như lần trước, cãi vã rồi thôi. Lần này, ông cai nhất định hạ ba em ngón đòn chót. Chẳng hiểu ông ta làm cách nào, khi ba em đến làm việc, ba được mời lên văn phòng, ở đây, người ta đuổi ba em với một lý do thật giản dị: thừa nhân viên, đồng thời, dúi cho ba em mấy ngàn bạc gọi là bồi thường...

Trước một việc quan trọng như thế, ba không giấu em. Lúc em đi học về, ba gọi lại gần, nói thật não nuột: "Ba mất chỗ làm rồi". Em đứng sững nhìn ba tưởng mình mơ. Ba em mất chỗ làm rồi sao? Rồi lấy tiền đâu ăn tiêu trong thời gian má em còn phải nghỉ ngơi, mà cho dù má em có đi bán hàng trở lại, cũng làm sao đủ chu cấp cho tám miệng ăn? Em muốn khóc, nước mắt đọng bên mi chỉ chực trào tuôn, em hỏi lại ba: "Thật không ba?" Ba em gật đầu thật sâu, và nước mắt em bắt đầu chảy...

Má em chưa biết chuyện này vì ba em không cho biết, ba dặn em phải giấu má, sợ má buồn. Ba nói, với tiền dành dụm bấy lâu, thêm vào số tiền bồi thường, gia đình em có thể sống được hơn tháng, thời gian đó, ba sẽ đi tìm việc làm khác... Ba còn cấm em buồn nữa. Nhưng ba ơi! Ba cấm con buồn mà ba lại chẳng gắng vui, hỏi sao con nghe lời ba được. Và bây giờ, con đang buồn đây, ba biết không?

Bỗng nhiên, hình ảnh ông cai Tân hiện rõ trước mắt em, ông ta có xa lạ gì với em đâu. Ngày nào đi học em lại không qua nhà ông ấy. Cái mặt ông cai mới thật dễ ghét. Suốt ngày chỉ cau có... Không phải em giận vì ba em mất chỗ làm nên nói thế, mà thật vậy. Lối xóm chẳng ai ưa ông cai được, em nghe nhiều người than phiền về ông lắm. Ông Bảy ở bên cạnh than là ông cai làm thêm chái nhà lấn cả sang đất của ông Bảy. Ông Bảy không bằng lòng, hai người mới cãi nhau. Nhưng cuối cùng, ông Bảy cũng thua. Ông cai quen lớn mà! Cho đến ông hiệu trưởng trường em còn nể nữa là... Con gái ông cai là con Cúc học cùng lớp với em, một lần, nó dám cãi thầy, thầy mắng, nó cũng chẳng sợ, lại vẫn cứ cãi tay đôi với thầy chứ. Thầy giận lắm, dẫn nó xuống văn phòng ông Hiệu trưởng. Tụi em tưởng thế nào con Cúc cũng bị phạt ai ngờ nó chẳng sao cả, lại còn vênh cái mặt lên mỗi lần gặp thầy ngoài đường. Nó nói với một con bạn: "Tao chỉ rán học với "thằng chả" vài tháng nữa là vô trường công rồi. Hồi đó, tao khỏi ngán "thằng chả" nữa". Dường như nó chắc rằng mình đậu vào trường công hay sao ấy. Chắc nhờ tiền của ông cai. Mà ông cai làm gì lại nhiều tiền thế nhỉ? Làm những người thợ như ba em thì lương được bao nhiêu (có lần em nghe ba em bảo thế). Chắc ông cai còn làm thêm gì nữa đây? Em nghĩ.

Ngồi nghĩ lan man về ông cai mãi cũng chán, thôi, đừng thèm nghĩ tới họ nữa, nghĩ lại cảnh nhà mình còn hơn. Và... kìa, ba em buồn xo, chắc em cũng vậy. Chỉ có lũ nhỏ chưa biết gì nên còn đùa nghịch, nhưng thấy ba buồn, tự dưng chúng cũng chỉ chơi đùa trong im lặng... Nhìn nét mặt buồn rầu của ba em, em muốn khóc quá. Trời ơi! Sao em còn bé quá, sao em không làm được gì giúp ba hết vậy? Sao em không làm ra tiền để phụ giúp gia đình? Biết bao giờ em mới đủ lớn để làm những việc ấy? Bao giờ?... Trời ơi!


3

Giờ ra chơi, thầy gọi em lên bàn thầy hỏi chuyện, vì lúc nãy, em không thuộc bài sử ký. Em nhìn thầy sợ sệt dù biết chắc thầy không mắng em. Đã nhiều lần em không thuộc bài mà thầy đều tìm biết lý do, thầy không trách gì cả. Lần này, thầy vẫn hỏi em câu hỏi mọi lần:

- Hôm qua nhà em có chuyện gì bận vậy?

Em đứng im, nửa muốn trả lời, nửa lại muốn giấu. Em không muốn nhắc đến chuyện buồn của gia đình, nên cuối cùng, em nói dối:

- Thưa thầy, đêm qua con mải coi truyền hình nên lỡ không học bài... thầy tha cho...

Nhưng thầy lắc đầu, nói:

- Thầy không tin, con giấu thầy.

Em bậm gan nói chắc:

- Không, con nói thật.

Nhưng rồi cuối cùng em cũng đành nói cho thầy biết hết vì thầy cứ nói em giấu thầy.

Em vừa kể chuyện, vừa thút thít. Từ chuyện ba em mất việc làm đến chuyện má em mới ngã bệnh tối qua... Khi má em ở nhà thương về, ba em không còn giấu chuyện nữa. Ba kể cho má nghe. Má buồn lắm, nhưng không thấy má kêu than một tiếng. Má chỉ nói: "Phần số mình như vậy thì gắng chịu chứ biết sao". Rồi khi má đủ sức, má lại đi bán hàng rong. Má dậy sớm hơn trước, lại về muộn hơn trước, nhưng vẫn không kiếm thêm được bao nhiêu. Thấy vậy, ba em ngắn má đừng thức khuya dậy sớm nhiều, sợ mất sức. Em cũng nói thêm vào. Má đâu nghe. Chiều rồi, trời mưa như trút. Má gánh hàng về giữa cơn mưa. Đến tối, má mắc bệnh. Ba em và chúng em lo lắng lắm. Em với con Nhàn phải dỗ mãi, thằng Nhân mới chịu ngủ yên để ba cạo gió cho má. Xong, em còn phải thức để đun nồi nước cho má xông. Và em không học bài...

Thầy nghe em kể chuyện gia đình thì thương em lắm, mới nói:

- Cảnh nhà con thật khốn khổ, thầy tiếc rằng mình không mấy dư dật, thành ra chỉ biết đứng bên lề mà thương cảm. Dù sao, thầy cũng cố dò hỏi để tìm cho ba con một chỗ làm. Riêng con, con đã biết ba con đang buồn, vậy con phải cố học cho chăm để ba con bớt buồn đi, giờ ra chơi con đừng ra ngoài nữa, cứ ở trong lớp mà học...

Em nghe lời thầy, ngồi lại học bài. Em học thật chóng thuộc vì vừa rồi, em nghe thầy bảo sẽ tìm giùm ba em một chỗ làm. Ba ơi, ba sắp có việc làm rồi, ba có biết không?

Về học, em kể lại với ba, ba mừng lắm. Má đã bớt bệnh, nghe nói cũng vui lây, má bảo bệnh má nhẹ hẳn đi. Nhưng niềm vui chợt tắt khi ba em hỏi: "Nhưng biết ba có làm được việc thầy giáo tìm cho không?" và em không trả lời được. Dù sao, mọi người vẫn hy vọng. Ngày mai, em sẽ hỏi lại xem thầy định tìm cho ba em việc gì? Má em cứ cầu Trời khẩn Phật cho ba em chóng có việc làm, vì nửa tháng trôi qua, tiền dành dụm đã tiêu đến phân nửa. Ba em thì nóng ruột không yên, hỏi em thật nhiều về thầy giáo. Em trả lời những gì em biết. Cuối cùng, ba bảo em: "Sáng mai con dẫn ba đến gặp thầy giáo nghe". Em gật đầu nói:

- Vâng, ngày mai...


4

Gần nhà em có trường dạy lái xe hơi, nơi đó, ba em có quen biết chút đỉnh. Nhưng muốn học lái xe hơi đâu phải chóng, quen biết bất quá họ dạy tận tâm hơn, hoặc hơn nữa, lúc thi được nâng đỡ, chứ quen biết đâu đã đem đến sự thành thạo. Ba em lại không muốn có cái bằng trong tay mà chạy xe chưa vững, thành ra ba định học những nửa tháng thay vì một tuần như ông chủ trường nói. Tiền học tuy được bớt chút ít nhưng vẫn là một gánh nặng mà ba em thấy khó vượt qua. Ba má và em lo nghĩ không ngơi về việc ấy.

Mãi một tuần sau ngày thầy ngỏ ý tìm cho ba em một chỗ làm, thầy em mới hân hoan đến tận nhà em báo tin rằng vừa nghe một người bạn cần tìm tài xế lái xe hơi nhà. Thoạt nghe, ba em mừng thật mừng, nhưng nghe rõ ra, ba em bỗng thở dài chán nản, vì ba có biết lái xe đâu. Thầy em mới an ủi và nói nếu ba em chịu đi học lái xe, thầy sẽ nói với người bạn kia dành chỗ cho ba em. Ba má em cân nhắc mãi rồi mới nhận lời... Và, trở ngại thứ nhất, cũng là trở ngại khó khăn nhất là tiền học... Ba em định hỏi mượn thầy em, vì trong nhà tiền đã cạn, chỉ còn đủ ăn tiêu nửa tháng, nếu đem đóng tiền học hết thì còn gì? Sau ba nghĩ lại, lại thôi. Trước là bởi ba không muốn phiền thầy em nhiều, sau là bởi thầy em cũng không dư dả mấy. Đành nghĩ cách khác vậy. Làm thế nào để có tiền bây giờ? Đi vay ư? Vay ai? Và ai cho mình vay trong lúc mình đang không có việc làm? Cầm cố ư? Nhà còn gì đáng giá mà đem cầm cố.

Giữa lúc gia đình em đang lo lắng, thời may nhà ông Bách ở đầu xóm cần tìm thợ sửa lại nhà. Tất cả là ba người, hai thợ xây và một phụ hồ. Ba em không biết xây đành làm chân phu. Kệ, gì cũng được, miễn có việc làm là được. Và ba em tính với tiền công những ngày làm cho ông Bách, ba chỉ còn thiếu khoảng vài trăm. Số tiền ấy hiện chưa biết làm sao có nhưng cũng kệ, tới đâu hay đó. Ba, má em cùng nói vậy.

Riêng em, em đâu chịu nghĩ thế. Đã lo phải lo cho trót chứ, ai lại để nước đến chân mới nhảy. Nghĩ thì nghĩ thế chứ thật ra, em cũng chả biết phải làm sao để giúp đỡ ba má cả. Dầu vậy, em vẫn suy nghĩ thật lung. Câu hỏi hiển hiện thường xuyên trong đầu óc em là: "Làm sao để có đủ tiền cho ba học lái xe?".

Câu hỏi này, em đã có trả lời. Lớp em thường có thằng Ngoạn, nghèo nhưng khá lắm, nó học suýt soát em. Thường cứ khi người ta phục nhau vì tài, người  ta dễ thân nhau. Em cũng vậy, em thân với thằng Ngoạn từ dạo đầu năm. Vì vậy, em được biết nhiều về gia đình nó. Năm nay Ngoạn mới mười hai tuổi mà đã phải lo kiếm tiền phụ giúp gia đình rồi. Ba nó đạp xích lô, má nó bán chè. Gia đình cũng đông con nên Ngoạn phải ra sức làm việc. Nó lãnh phần chia báo tháng cho những gia đình quen quanh vùng, ngoài ra, nó còn bán cà rem, bán bóng, kẹo, đậu phọng nữa. Ngoạn thu xếp việc học với việc làm vén khéo lắm, thành ra nó không mất buổi học nào mà vẫn đi bán được.

Mấy hôm nay Ngoạn bệnh. Ngay chiều hôm đầu nó nghỉ học, em đã đến tận nhà thăm bạn. Ngoạn cảm động lắm. Trong lúc nói chuyện, nó thì không, nhưng má nó thì than ghê đi, bà nói nó không đi chia báo được, sợ khách hàng họ bỏ mua chỗ khác thì khổ. Mà ba nó lại không thể thay thế, vì nhiều lẽ. Nghe nói, óc em lóe lên một tia sáng. Đã có lần, em theo Ngoạn đi chia báo và em đã nhớ hầu hết khách hàng của nó. Em lại biết cả chỗ lãnh báo nữa. Ý nghĩ giúp bạn ấy, em nói ngay cho Ngoạn biết. Má Ngoạn mừng lắm, riêng nó có vẻ không vui, có lẽ nó sợ em phiền. Em phải bảo cho nó biết là em có thừa thì giờ (!) để giúp nó, vả, bạn bè giúp nhau những lúc này mới quý. Nó phải bằng lòng.

Em không cho ba má em biết sợ không được phép, thành ra em đành nói dối quanh. Lúc thì lý do này, khi lại lý do nọ. Ba má em không nghi ngờ gì cả, vì em nói dối khéo (!), lại hợp lý nữa (!). Đằng khác, em chỉ đi có bốn ngày, mỗi ngày có nửa tiếng. Đấy là không kể những lúc em lén làm một việc mà em cho là bậy hết sức. Thế mà em vẫn làm.

Việc ấy là thế này. Lúc đầu, em có ý đi chia báo hộ thằng Ngoạn, hoàn toàn là do lòng em muốn giúp bạn. Nhưng sau đó, về nghĩ lại, em mới sực nhớ là ngoài việc chia báo, Ngoạn còn bán cà-rem, bán bóng... Ba em lại đang cần tiền. Vậy thì tội gì em không mượn đồ nghề của Ngoạn đi bán kiếm thêm chút ít. Khi nghĩ đến đây, em đã biết là em sắp làm một cuộc phiêu lưu. Vì đi bán đâu phải dễ, phải rao làm sao, phải đối xử với khách làm sao? Lại nữa, nhất định em chả dám cho ba má em biết rồi. Muốn đi bán, em phải đi lén. Mà lén lúc nào? Còn có lúc nào để đi được, ngoại trừ... liều trốn học. Như thế, ba má em sẽ chẳng biết được. Có khó làm sao xin nghỉ. Em ngỏ ý với Ngoạn, nó bằng lòng và em đã dối thầy để nghỉ học.

Dối cha mẹ, dối thầy, em biết tội ấy nặng lắm. Nhưng biết sao hơn khi em muốn giúp ba đủ tiền đóng học phí học lái xe. Cuộc phiêu lưu của em đem kết quả không ngờ. Mỗi buổi đi bán, em lời đến gần trăm bạc. Thật là một số tiền to lớn. Em đem tất cả lén bỏ vào hộp tiền của má em lúc má mới gánh hàng về và vì bận với em bé, má chưa kịp đếm ngay. Hôm đầu, má em đã phải ngạc nhiên lắm. Má cứ thắc mắc không biết tại sao hôm đó lại lời nhiều quá. Hay là có ai lầm lộn gì. Em biết nếu cứ bỏ cả tiền kiếm được vào cho má, má sẽ không khỏi sinh nghi. Cho nên, hôm sau, em chia đôi, một nửa đem lén bỏ vào ngăn bóp thật kín của ba. Em định có lúc sẽ làm bộ lục lọi bóp của ba, và phát giác ra số tiền đó, bảo là của ba quên bấy lâu nay mà không biết. Và má em không còn ngạc nhiên gì nữa. Má vui lắm, má cứ bảo mấy ngày nay được lời nhiều. Em thấy thế, thích ghê.

Nhưng rồi thằng Ngoạn hết bệnh. Em phải đem trả đồ nghề cho nó. Má nó cảm ơn em rối rít và dúi cho bằng được vào tay em tờ giấy bạc năm chục. Năm chục ấy, em lại lén bỏ vào hộp của má.

Sau cuộc phiêu lưu lắm kỳ thú và hồi hộp ấy, em tưởng sẽ không ai biết gì hết. Chẳng dè, một hôm, hậu quả việc em làm đưa đến. Thầy giáo em thấy em nghỉ học mấy ngày liền với lý do bệnh, mới đến nhà thăm em. Bấy giờ ba má em mới phát giác ra việc em trốn học. Ba má gặng hỏi em vì sao lại bỏ học, nhưng em nín thinh. Em không muốn nói rõ việc mình làm. Cuối cùng, em mới bịa ra một cái lý hầu biện hộ cho sự nghỉ học của mình: là em chán học rồi!

Tức thì em bị ba đánh một trận nên thân. Ba nói với em nhiều lắm. Nào là còn bé mà không chịu học hành, lớn lên sẽ phải chịu cực khổ như ba ; nào là em đã phá vỡ hy vọng của ba bấy lâu nay. Má em không nói gì nhưng cứ nhìn em rồi khóc. Lúc ấy, em muốn nói ngay ra cho ba má biết hết, vì sao em nghỉ học, vì sao em cứ xin đi hơn nửa tiếng mấy buổi chiều liền. Nhưng rồi em lại thôi, em đành câm nín sợ ba má phải bận lòng nhiều vì em.

Sau trận đòn, em phải hứa với ba thật nhiều. Những lời hứa đó, không là những lời hứa suông của những đứa trẻ vì sợ đòn mà hứa cho xong chuyện, mà là những lời cam kết chân thành nhất của em.

Thầy giáo em trái lại, không trách em một câu. Chỉ cho em những lời khuyên nhủ. Và rồi... Mọi người đều tha thứ cho em, tha thứ cho em vì vụng dại đã trót có ý chán học (!) để ba má buồn phiền.

Em học hành lại tử tế trong khi ba em bắt đầu học lái xe. Mỗi đêm em đều cầu nguyện cho ba em chóng lấy được bằng, chóng có việc làm. Em nghĩ, ngoài cách đó ra, không còn cách nào nữa. Em còn bé.


5

Những phút giây sung sướng nhất đời em từ trước tới nay phải kể là lúc em nghe tên mình được đọc lên trước tiên trong danh sách học sinh trúng tuyển đệ thất. Thằng Hạnh cùng đi nghe kết quả với em thấy thế mừng quýnh, nó ôm chầm lấy em nói: "Anh An đậu rồi, sướng ghê". Em không nói được gì, tự dưng nước mắt nhỏ giọt. Bấy giờ em mới tin rằng khi sung sướng quá, người ta có thể khóc được. Nhưng em phải lau nước mắt ngay vì chợt nhớ ra mình đang đứng giữa đám đông. Cạnh em, thằng Ngoạn đang hồi hộp đợi. Em ôm thằng Hạnh ngóng mắt lên chiếc loa gần ở cổng trường. Tim em đập mạnh ghê đi, không hiểu vì nỗi mừng còn sót lại hay vì lo lắng cho bạn. Chúng em không phải đợi lâu, vì chỉ sau đó một chút, đã có tên thằng Ngoạn. Đến lượt nó mừng vui, reo inh ỏi như kẻ điên. Em vui lây cái vui của bạn.

Ngoạn kéo hai anh em ra ngoài quán nước để nó bao một chầu, em chịu liền. Thằng Hạnh dặn trước: "Em uống chanh tươi nghe anh", Ngoạn cười vui vẻ gật đầu. Em cũng cười theo. Nụ cười của Ngoạn thì em không biết có ý nghĩa gì, chứ của em, em thấy có nhiều ý nghĩa lắm. Trước tiên phải kể đấy là nụ cười mãn nguyện nhất của em, mãn nguyện vì đã làm vừa lòng biết bao người. Từ ba má, thầy giáo, đến lũ em của em, nhất là con Nhàn. Ngoài ra, nụ cười của em còn là nụ cười của một đứa con tự thấy mình đã giúp ích cha mẹ phần nào, dù rằng, chỉ được đền bù bằng một trận đòn.

Em nhìn thằng Hạnh đang uống nước đá chanh ừng ực, nói:

- Anh sẽ dẫn Hạnh đi coi truyền hình suốt một tuần. Ba hứa rồi.

Thằng Hạnh cười thật tươi:

- Cả chị Nhàn, thằng Phúc, con Ái nữa hả?

Em vênh mặt trả lời:

- Chứ sao.

Đằng đám đông, thỉnh thoảng lại có tiếng reo mừng vọng ra. Giọng đọc của vị giáo sư vẫn vang lên đều đều.

Gió buổi sáng thổi thật mát.


Nguyễn Thái Hải    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 102, ra ngày 15-3-1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>