Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Kỷ Niệm Lễ Hai Bà Trưng


TÔ ĐỊNH, THÁI THÚ THAM TÀN

Năm Giáp Ngọ 934) Hán Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, cai trị tàn ác khiến dân chúng vô cùng oán hận. Do đó gia đình ông Thi Sách quyết tâm đánh đổ chế độ Hán thuộc.

THI SÁCH KHỞI ĐẦU CUỘC CÁCH MẠNG

Năm Canh Tý (40) ông Thi Sách gởi thư cảnh cáo Tô Định và báo động một cuộc chiến tranh nếu Tô Định không thay đổi đường lối cai trị. Tô Định tức giận thừa lúc sơ suất của Thi Sách bắt ông chém đầu để thị uy với dân chúng. Trưng Trắc thay quyền chồng nổi dậy đem quân đánh Tô Định.

HAI BÀ TRƯNG KHỞI BINH

Trưng Trắc cầm đầu cuộc cách mạng với 4 lời thề gởi hào kiệt bốn phương. Lời kêu gọi được mọi người hưởng ứng, đảng của bà Nguyễn Đào Nương, đảng của ông Cao Doãn, đảng của ông Trương Quân... đã đem quân trợ giúp rất nhiều.

Hai bà cỡi voi trên bành vàng, che lọng vàng, mặc áo giáp vàng, phất cờ vàng tiến quân đánh thẳng vào Liên Lâu Thành, đuổi Tô Định về Tàu rồi tiến quân đánh chiếm 65 thành trì, đem giang sơn Việt thâu gồm một mối, chấm dứt cuộc nô lệ trên 100 năm dưới quyền thống trị của nhà Hán.

Thắng trận xong hai bà liền xưng Vương đóng đô ở Mê Linh.

MÃ VIỆN SANG ĐÁNH GIAO CHỈ

Năm Tân Sửu (41) Hán Quang Vũ sai Thượng tướng Trung Hoa là Mã Viện đã 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh và nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lãnh 20 ngàn quân sang đánh. Cuộc chiến tranh kéo dài hai năm. Quân của Trưng Vương yếu thế, hai bà phải lui về Cấm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ. Mã Viện tiến quân lên đánh, hai bà chạy về đến xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, bị thế bức phải trầm mình trên giòng sông Hát vào giữa ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43).

Theo lời dân chúng thì ngọc thể của hai Bà trôi về bãi Đồng Nhân gần Hà Nội nên ở đấy có đền thờ hai Bà, hàng năm vào mồng 6 tháng 2 quốc dân làm kỷ niệm rất là trọng thể

HAI BÀ TRƯNG TRONG SỬ SÁCH

Vua Tự Đức khi coi lịch sử nước nhà về đoạn khởi nghĩa của hai Bà Trưng phê: "Hai Bà là hạng quần thoa mà khởi lòng anh hùng làm việc nghĩa chấn động đến triều đình Hán. Tuy rằng yếu thế, không gặp thời, nhưng cũng đủ khích lệ lòng người để tiếng thơm trong sử sách".

Sử gia Lê văn Hưu nói rằng: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy 65 thành trì, lập quốc, xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!".

LỜI KHẤN CÁO CỦA BÀ TRƯNG TRƯỚC NGÀY KHỞI BINH

"Trời sinh một vị anh hùng, để làm tôn chủ cho cả trời đất muôn vật, vậy thì người đó, rất quan hệ cho sinh linh muôn vật, cho nên các đời Đế Vương, vua Thánh tôi Hiền, yêu dân mến nước, đem đức hóa thấm nhuần trăm họ, nên nước thịnh dân an. Nay có người khác họ, tên là Tô Định, lòng lang dạ thú, tự ý làm càn, ngược chính hại dân, Trời, Đất, Thần đều giận.

"Thiếp là một người cháu gái của dòng dõi Hùng Vương trước, nghĩ đến cảnh tàn thương của sinh linh, động lòng sa lệ.

"Vì lòng thương dân, ngày nay quyết khởi nghĩa trừ tàn bạo, mong nhờ trăm vị thần linh, hội đồng chứng giám, hợp sức phù hộ để Trưng Nữ này cầm binh đánh giặc, thu lại cơ nghiệp của tổ tiên và đem sinh linh ra khỏi vòng nước lửa để khỏi phụ lòng trời và thỏa anh linh đức Tiên Hoàng và tổi phụ nơi chín suối".


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>