Năm Giáp Thân (1284) trước đình làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, tình Hải Dương, nhân dân tụ họp đông đúc để xem tờ hịch của Hưng Đạo Vương. Bà Phạm Mẫu đọc xong tờ hịch, căm thù giặc Nguyên lại lo sợ cho tương lai đất nước. Khi trở về nhà, trời đã tối, bà đứng ngoài cửa chờ con.
Đàng xa, một thanh niên ngoài 20 tuổi, diện mạo khôi ngô, thân thể vạm vỡ, vai mang cung tên, tay xách mấy con chim rảo bước về nhà. Phạm Mẫu chạy lại đỡ lấy chim rồi nói: "Hôm nay con về muộn quá, mẹ mới đọc tờ hịch của Ngài Hưng Đạo Vương, được biết Thoát Hoan đã dẫn 50 vạn quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta. Vậy con phải đi tòng quân đánh giặc để cứu nước".
Những lời nói sốt sắng ấy làm cho chàng thanh niên cảm động, im lặng rồi đáp: "Mời mẫu thân hãy vào trong nhà".
Hai mẹ con cùng đi vào túp lều tranh. Bà mẹ thở dài và nói lớn: "Phạm Ngũ Lão, mày không thể do dự được nữa, ngày mai mày phải đi tòng quân!".
Phạm Ngũ Lão đáp: "Thưa mẹ, con mồ côi cha từ thuở lên ba, được mẹ nuôi cho ăn học. Nay mẹ đã tuổi già sức yếu, nếu con đi xa thì còn ai nuôi mẹ. Con đang nghĩ cách nhờ người lo việc nhà và nuôi giùm mẹ chứ việc nước đã có nhiều người lo còn việc gia đình nầy chỉ có mình con".
Phạm Mẫu tức giận nói: "Con đã nghĩ sai rồi, nếu giặc Nguyên chiếm đất nước nầy, thì lúc bấy giờ con có được ở yên trong túp lều nầy để nuôi mẹ không? Quốc gia tồn vong, thất phu hữu trách". Huống gì con đang tuổi thanh niên, lại quên bổn phận làm dân, quý mẹ hơn quốc gia sao? Nhưng thôi mẹ chẳng nói nhiều, làm dân phải hy sinh vì nước, việc mẹ con chớ lo đến nữa".
Qua sáng hôm sau, Phạm Ngũ Lão thức dậy, thấy cửa buồng mẹ đóng kín, chờ một hồi lâu chẳng thấy tiếng động, kêu gọi không có tiếng đáp lại, ông vội phá cửa vào, thấy mẹ đã treo cổ tự tử. Trên bàn có mấy câu: "Con hãy làm sao cho mẹ vui lòng nơi chín suối mà không phải thẹn mặt với cha con".
Phạm Ngũ Lão mở dây đỡ mẹ xuống, kêu khóc rầm rĩ. Những người láng giềng chạy đến giúp đỡ, lo tang lễ và tống táng Phạm Mẫu rất chu tất.
Tháng 9 năm Giáp Thân, Hưng Đạo Vương dẫn quân từ Vân Đồn đến làng Kiếp Bạc để chống giữ giặc Nguyên. Khi đi ngang qua làng Phù Ủng, những người lính đi đẹp đường bỗng thấy một thanh niên ngồi giữa đàng đan sọt tre. Quân lính hò hét, thanh niên vẫn không nhúc nhích. Một người cầm giáo đâm vào đùi chảy máu, thanh niên vẫn ngồi yên. Lấy làm lạ, chúng liền báo với Hưng Đạo Vương, Ngài truyền gọi thanh niên đến hỏi. Người ấy thưa: "Tôi tên là Phạm Ngũ lão, người làng Phù Ủng, muốn ra đánh giặc cứu nước nhưng vì không được ai tiến dẫn, phải lập kế nầy để được yết kiến Đại Vương".
Hưng Đạo Vương khen ngợi vô cùng, cho lên ngựa đi theo về dinh. Trong một cuộc thi tài tại Diễn Võ Trường, Phạm Ngũ Lão chiếm giải nhất trong cá môn võ nghệ, chỉ thua Yết Kiêu về môn nhảy cao. Từ hôm ấy, đêm nào Phạm Ngũ Lão cũng buộc hai túi cát vào chân để tập nhảy. Qua kỳ thí võ lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão nhảy cao hơn Yết Kiêu. Hưng Đạo Vương và các tướng khen ngợi là người có chí tự cường, chẳng chịu thua ai.
Tháng chạp năm Giáp Thân (1284) Thoát Hoan dẫn 40 vạn lục quân tinh nhuệ đánh vào Lạng Sơn ; Toa Đô dẫn 10 vạn thủy quân đánh vào Chiêm Thành.
Hưng Đạo Vương điều khiển các tướng chống cự. Vì quân Nguyên quen việc chiến trận đã từng thắng nhiều nước ở châu Âu cũng như châu Á, nên khi mới giao chiến quân ta thua liên tiếp. Hưng Đạo Vương phải lui về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tôn lo ngại, cho vời Hưng Đạo Vương đến bảo rằng: "Thế giặc mạnh lắm, chống với nó thì dân nguy, hay Trẫm chịu hàng để cứu muôn dân".
Hưng Đạo Vương đáp: "Bệ hạ nói câu ấy thật là nhân đức, nhưng giang sơn xã tắc thì sao? Nếu muốn hàng, xin Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng sau".
Vua Nhân Tôn yên tâm khi thấy tướng sĩ và nhân dân đều quyết tâm đánh giặc, người nào cũng lấy mực thích vào cánh tay hai chữ "Sát Đát" nghĩa là giết quân Mông Cổ. Thoát Hoan tiến quân đến gần Thăng Long, dùng súng đại bác bắn vào trại quân ta. Hưng Đạo Vương rước Thượng hoàng và vua Nhân Tôn chạy vào Thanh Hóa.
Trần Bình Trọng ở lại miền Bắc, đánh nhau với giặc bị bắt nhưng không chịu hàng.
Bấy giờ thế lực quân Nguyên mạnh lắm. Toa Đô, Ô Mã Nhi, Đường Ngột Ngại ở miền Nam đánh ra Nghệ An. Nước nhà nguy biến vô cùng. Trần Kiện trấn thủ Nghệ An hàng giặc, các tên phản quốc như: Trần Ích Tắc, Trần Tu Viên, Lê Tắc đều chạy theo quân Nguyên. Hưng Đạo Vương sai thượng tướng Trần Quang Khải và Phạm Ngũ Lão đem quân vào giữ Nghệ An. Toa Đô không đánh nổi liền dẫn quân xuống thuyền vượt bể ra Bắc hợp binh với Thoát Hoan.
Quân Nguyên thất bại, tức giận lắm nên đóng thêm chiến thuyền, tăng thêm quân mã để sang báo thù.
Qua tháng 1 Đinh Hợi (1287) Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan làm đại nguyên súy cùng các tướng Ô Mã Nhi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Phàn Tiếp... dẫn hơn 30 vạn quân sang đánh nước ta.
Quan trấn thủ biên thùy phi báo về Thăng Long, các quan xin tuyển thêm binh, Hưng Đạo Vương nói: "Quân cốt giỏi chứ không cốt nhiều. Nếu nhiều mà không giỏi thì 100 vạn quân cũng vô ích".
Khi mới giao chiến, thế lực quân Nguyên mạnh lắm, quân ta chống không nổi. Hưng Đạo Vương phải rút quân về giữ Thăng Long rồi rước Thượng hoàng và vua Nhân Tôn vào Thanh Hóa. Thoát Hoan đánh phá Thăng Long không được, đóng quân ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Phả Lại, sai tướng Ô Mã Nhi đem quân đi đón đoàn thuyền lương của Trương văn Hổ tải lương từ bên Tàu qua tiếp tế. Tướng Trần Khánh Dư dùng kế phục binh lấy hết các thuyền lương và rất nhiều khí giới của Trương văn Hổ.
Được tin mất hết lương thực, quân Nguyên náo động. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rút thủy quân về trước rồi lục quân sẽ rút sau.
Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái đem quân lên thượng lưu sông Bạch Đằng, kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp dòng sông rồi phục binh chờ nước thủy triều lên thì đem quân khiêu chiến. Lại sai Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa dẫn quân mai phục ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chờ quân Nguyên.
Hưng Đạo Vương tiến lên đánh giặc, nghe báo tin Ô Mã Nhi đã kéo quân về đến Bạch Đằng, Ngài khích lệ quân sĩ và chỉ xuống sông Hát mà thề:
"Trận nầy không phá xong giặc Nguyên thì không qua sông nầy nữa".
Tháng 4 năm 1285, Trần Nhật Duật đánh bại quân Toa Đô ở cửa bể Thiên Trường.
Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão từ Nghệ An dẫn quân xuống thuyền vượt bể đuổi theo quân Toa Đô. Đến bến Chương Dương, hai người xông vào trại giặc. Toa Đô và Ô Mã Nhi không địch nổi, phải bỏ thuyền chạy lên bờ. Phạm Ngũ Lão nhảy lên mình ngựa, đi trước sĩ tốt đuổi quân Nguyên chạy dài đến thành Thăng Long.
Trần Quang Khải và Phạm Ngũ lão đem quân vào Thăng Long rồi báo tin thắng trận về Thanh Hóa. Hưng Đạo Vương đem quân ra Tây Kết (Hưng Yên) đánh Toa Đô, quân Nguyên đại bại, Toa Đô bị bắn chết, Ô Mã Nhi lẻn xuống thuyền về Tàu.
Hưng Đạo Vương kéo quân tiến đánh Thoát Hoan, Thoát Hoan đại bại chạy đến Vạn Kiếp gặp phục binh của Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, quân Nguyên chết quá nửa. Tướng giặc là Lý Hằng bị Phạm Ngũ Lão bắn chết. Thấy Phạm Ngũ lão đuổi gấp quá, Thoát Hoan chui vào ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy. Về đến gần châu Tư Minh, Thoát Hoan lại gặp hai tướng Hưng Võ Vương Nguyễn Hưng và Huệ Vương Úy (con của Hưng Đạo Vương) đánh cho một trận. Lý Quán bị tên chết, Thoát Hoan, A Bát Xích, Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu.
Hốt Tất Liệt thấy thái tử Thoát Hoan bại trận, sai Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc, Ô Mã Nhi đem quân phục thù. Nguyễn Khoái đem thủy quân khiêu chiến, Ô Mã Nhi đuổi theo, khi nước thủy triều xuống, quân Nam đánh quật lại, chiến thuyền quân Nguyên bị chạm vào cọc chết và đắm rất nhiều. Các tướng giặc đều bị bắt tại trận. Trận đại chiến Bạch Đằng nầy xảy ra tháng 3 năm Mậu Tý (1288).
Thoát Hoan cùng các tướng Trình Bằng Phi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Trương Quân, Trương Ngọc dẫn quân chạy về Tàu. Khi đến ải Nội Bằng, gặp Phục Binh của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh. Trương Quân đi đoạn hậu bị chém chết. Các tướng A Bát Xích, Trương Ngọc bị bắn chết. Thoát Hoan và Trình Bằng Phi chạy đường tắt về Tàu.
Phạm Ngũ Lão được phong Đại tướng quản linh Thánh dực quân mã. Hưng Đạo Vương đem con gái thứ hai gả cho.
Từ khi quân Nguyên thua chạy về Tàu, phía Bắc nước ta được yên, nhưng phía Tây Nam thường bị quân Ai Lao quấy nhiễu. Nhiều lần vua Trần Nhân Tôn, Trần Anh Tôn thân chinh nhưng vì đường sá khó khăn, rừng núi hiểm trở nên không dẹp xong.
Đời vua Trần Anh Tông, Phạm Ngũ Lão đứng đầu hàng võ, nên dẫn quân đi đánh nước Ai Lao.
Có lần quân địch dùng mấy trăm con voi xung trận, ông trá bại, để dụ đàn voi vào những nơi đã đào hố sẵn, trải phên tre và cỏ lên trên. Hàng trăm con voi sa xuống hố, các con khác quay lại giày xéo quân Lào. Phạm Ngũ Lão đem quân đuổi theo phá tan được sào huyệt của giặc. Từ đó Ai Lao không sang quấy nhiễu nữa.
Ông Phạm Ngũ Lão xuất thân là một học trò nghèo, con nhà bình dân. Ông là một dũng tướng và còn là một văn sĩ, có nhiều bài thơ còn truyền tụng đến bây giờ.
Ông rất được quân sĩ mến phục và nghe lệnh của ông vô cùng. Người đời bấy giờ gọi quân lính của ông là "Phụ tử chi binh".
Chính bà mẹ của ông, bà mẹ hiền giàu lòng yêu nước đã đào tạo nên bậc danh tướng anh hùng ấy.
Thái-Sơn (sao lục)