Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Sinh ngày 30


Tôi nghe người ta bảo con người ở đời, ai cũng có số mệnh, và cái số mệnh ấy ảnh hưởng nơi giờ giấc mà mình ra đời. Chẳng hạn như sinh ra nhằm ngày rằm thì sang trọng, thông minh, học giỏi, đẹp giai. Còn ai mờ trót sinh nhằm ngày 30 thì… kể như “tàn một đời huê” : bần hàn, ngu dốt, tối tăm. Không biết có đúng vậy không? Có điều tôi chưa đến nỗi bần hàn, ngu dốt, tối tăm dù tôi sinh ngày 30. Tôi há không là con một gia đình khá giả đấy ư? Tôi lại không thường được giáo sư khen thông minh đấy à? Nhưng có một nỗi “đoạn trường” cho tôi, cái nỗi khổ sở cho tôi mà hỏng biết rằng có phải tại ảnh hưởng sinh nhằm ngày 30 không? Đó là cái tính “đãng trí”, hay quên. Nghe quá chắc quí vị ngỡ tôi là một bà cụ “già háp” chứ gì? Không! Không! Xin đừng ngỡ vậy mà tội nghiệp cho đời tôi. Tôi xin tự giới thiệu : năm nay tôi mới có 17 niên kỷ, mắt còn xanh, môi còn hồng và còn rất ư son trẻ… mà tôi lại là nữ nhi, con gái nữa mới chết chứ. Có lẽ quí vị ngạc nhiên và tự hỏi : Ủa? Cái con nầy nó mới 17 mà sao lại đãng trí, lú lẫn cơ chứ? Ấy, ấy! Đấy cũng là thắc mắc của tôi đấy. Lắm lúc nhiều khi tôi cũng tức mình với tôi. Chẳng hạn đang chắt nước nồi cơm, nghe chuông reo ngoài cổng, tôi cứ bỏ “ịch” “nó” xuống thềm nhà bếp, chạy ra, thế rồi tíu tít bên người chị họ ở xa về. Đến khi mẹ đi chợ về, tôi xuống bếp thì… chèn mẹt ơi! Nồi cơm nguội ngắt, hạt gạo còn nguyên. Có lẽ đến con Ki Ki cũng chê nên còn nằm trơ ra đó. Hôm đó, tôi bị một mẻ ê mặt với bà chị họ. Lại có khi, đi chợ thay mẹ lơn tơn xách giỏ đến chợ, trả giá mua hàng xong, tới lúc móc ví lấy tiền mới hay… xí quên! Tôi hỏng có đem cắc nào. Tôi đờ người ra, quê ơi là quê. Đành xin lỗi bà hàng, quay trở về mà tức muốn phát khóc. Lại có khi đi may áo, tiệm người ta hẹn nửa tháng đến lấy. Về nhà, tôi quên bẵng đi, mãi 2, 3 tháng sau mới “ngờ ngợ” nhớ ra, khổ nỗi lại chẳng biết phải tới tiệm nào nữa chứ? Chả hiểu lúc trước mình đến Bạch Nga hay Kim Phụng. Còn chuyện này mới “ác” chớ. Chả là hôm ấy mẹ tôi bảo ra chợ để lựa hàng may áo. Lúc mẹ tôi còn ở sạp bên này lựa màu cho em tôi, tôi dông sang sạp khác. Thế là đến chừng ưng ý, tôi mua xong, lập tức tôi quên mất… mẹ tôi, đi thẳng thét về nhà, còn hỏi em Ngọc : mẹ đâu? Làm nhỏ la lên : mẹ theo chị, chị còn hỏi? Tôi mới giật mình… xí quên!... Hôm ấy mẹ tôi về mắng “mai mốt có khi mày quên tao là ai lắm à” quê ơi là quê!...

Đấy! Bạn đã hãi cho cái tính “đãng trí” của tôi chưa?...

*


Một hôm, cơm xong, giao phần nhỏ Ngọc rửa chén bát tôi dông sang phòng học làm bài toán, sáng hôm sau chấm điểm. Tôi vốn mê tân nhạc, nên dù mắc làm bài, tôi vẫn chẳng thể bỏ qua chương trình nhạc hôm ấy. Tôi bèn xách radio để trên bàn học. Bài toán dễ quá, mình có quyền vừa làm vừa hưởng… thú nhàn phải không quí vị? Mở đài Sàigòn, Giao Linh đang hát Tiếng xưa. Cha ơi! Sao mờ hay lọa hay lùng. Tôi cứ phải ngừng suy nghĩ để nghe, và chỉ đặt bút viết vào những khi dạo đàn hoặc cuối câu. Bài toán thì ngắn mà phải 3 ca sĩ hát 3 bản tôi mới làm xong. Bỏ luôn cái lệ xem lại bài, tôi “gác bút” lên đường ra nơi… ghế bành nằm nghe tiếp. Đến tối lại mê nghe chương trình Quỳnh Dao, chả thèm xem lại tập. Thế là sáng hôm sau, chỉ kịp thu tập vào cặp, là dông đến trường. Đến giờ toán, quí vị biết chuyện gì đã xảy ra???... Tôi cứ ngồi tỉnh bơ, khoanh tay chán lại nhìn Thầy Nhân dạy toán dò dò trên sổ điểm. Mình làm rồi mờ lị, hơn nữa chắc rằng “ta đây” làm đúng, có sợ chi? Ông bà nào xui khiến cho Thầy nắm ngay tôi lên bảng cho xảy ra “cớ sự”. Ông vừa gọi:

- Lê thị Thu Mai!

Tôi xách tập lên liền, đưa cho Thầy, vớ lấy cục phấn sửa soạn “chứng minh rằng”. Ông Thầy chậm chạp, sửa mục kỉnh, tôi kiên nhẫn đợi. Bỗng tôi thấy thầy tôi… dựng mày. Còn “tự hỏi thầm lòng” thì thầy gọi:

- Em lại đây.

Ngạc nhiên, tôi xề lại. Thầy nghiêm giọng, chỉ vào tập:

- Em làm gì đây?

Trời đất! Tôi kêu thầm trong bụng, mở to mắt nhìn thầy, vừa trả lời:

- Em làm toán.

Tụi nó cười rần rần. Tôi ngó Thầy Nhân trân trân. Cái gì vậy cà?... tụi bạn tôi cũng nhao nhao lên:

- Gì vậy thầy?

- Cái gì thế Mai?

- !!... Ai biết đâu nà.

Tôi ngẩn ngơ. Thầy Nhân sửa kính, nâng tập tôi lên.

- Các em nghe nè. Quá lắm nghe Thu Mai.

Rồi hình như tức tối, ông để xuống, ngó tôi gằn:

- Tại sao vậy? Em định giỡn mặt tôi hả? Khi nào chơi thì chơi, khi nào giỡn thì giỡn, khi nào học thì cho đường hoàng. Bài toán mà em viết lăng nhăng vậy hả?...

Tôi ngẩn ngơ… Cả lớp cũng chả hiểu gì, xôn xao, loạn xị lên. Tôi bỡ ngỡ:

- Thưa thầy. Em có làm gì đâu mà giỡn…

Thầy gằn giọng:

- Không làm? Hừ!... Hay em nhạo tôi cận thị không thấy đường?

Thầy giáo lại cầm tập lên. Tôi sốt ruột, trông coi việc chi. Rõ ràng tôi không biết gì hết, trong khi đó, thầy hắng giọng:

- Các em nghe tôi đọc… Nghe bài toán Thu Mai chứng minh… Ta có IM = MB nên I là trung đểm của IB. Mà O là tâm vòng… “ngậm ngùi”…

- ?!?

Thầy vẫn kiên nhẫn đọc:

- Vậy OI thẳng góc AB, cho ta MIO = 90˚. Ta có… “bóng trăng xưa”… (?!)…

Cả lớp “ồ” lên, nhiều đứa trợn tròn mắt trông giống như… tôi.

- “Mơ khúc nghê thường” (?!) Mà theo giả thiết thì “thắm đôi dòng châu”… theo giả thiết thì… ta “lỡ làng”.

Tôi tái ngắt mặt, đứng chết dí một chỗ, vì chợt hiểu ra. Trong khi tụi bạn tôi cười rần rần. Thầy vẫn tỉnh táo đọc tiếp:

- Thì M và O cố định nên… áo em màu vàng… quỹ tích của chuyện tình đôi mình (?!) là… đôi ta cùng mơ… vòng tâm O bán kính… chỉ cần hai đứa bên nhau…

Thầy đặt cuốn tập xuống, nghiêm khắc nhìn tôi. Hồn vía lên mây, tôi cúi mặt xuống nghe… “hồn ớn lạnh” vì ánh nhìn của… “ai kia”. Hỡi trời cao đất dày có thấu?... Nào tôi có mộng mơ, mơ mộng, hay muốn đùa cợt giáo sư chi cho cam. Sở dĩ bài toán của tôi nó… ướt át, nó thơ mộng là “bởi tại vì rằng” : Hồi ở nhà, tôi vừa làm bài vừa nghe nhạc nên mới ra “nông nỗi”. Hỡi ơi!... Cái tính “lộn hồn, lộn vía” làm tôi chép cả lời ca vào tập. Tôi “lấm lét” ngó thầy. Ông gay gắt:

- Em trả lời câu hỏi cho tôi. Phải em định cợt đùa tôi không?

Tôi ấp úng:

- Dạ, hổng có… thầy, em… em…

Thầy đập bàn oai như Tần Thỉ Hoàng:

- Nói mau. Em định tâm làm thì hãy can đảm nhận, chạy tội là hèn. Em biết chưa?...

Thầy nổi nóng thật sự. Tụi bạn tôi im re. Tôi vừa thút thít… vừa lấp vấp “trần tình”:

- Thưa thầy, hỏng có… em hỏng có “ghẹo” thầy…

- Tại sao em viết bậy bạ vô đây?

Tôi ấp úng (vì mắc cỡ):

- Dạ… tại… hồi làm toán, em mở… radio, nên…

Tôi đỏ mặt, đứng im, tụi bạn phá lên cười rần rần. Nhỏ Hồng kêu lên:

- Trời ơi! Làm toán mà mở radio.

Nhỏ Phụng la:

- Con nhỏ mê tân nhạc đó thầy ơi!...

Tôi ngượng chín người, chỉ muốn độn thổ cho rồi. Thầy “à” lên một tiếng rồi… hơi tủm tỉm cười (ông đã hạ hỏa). Tôi quê quá trời, vân vê cục phấn. Thầy Nhân trả tập:

- Về viết lại.

Rồi thầy phì cười:

- Mai mốt hỏng có vừa chứng minh vừa nghe nhạc nghe hôn?...

Tôi “hú hồn” dông về chỗ. Con Bơi nheo mũi, tôi mắc cỡ cấu nó một cái. Tụi bạn nhao nhao:

- Con nhỏ này hay hé! Vừa làm toán vừa thưởng thức nhạc. Cha! Tao phải dìa bắt chước mới được.

- Con nhỏ chưa già mà bắt đầu hưởng “nhàn tản” bây ơi.

Tụi nó cười ngặt nghẽo, giành tập tôi xúm lại coi. Thầy giáo gõ tay xuống bàn:

- Các em im lặng. Thầy khuyên một điều : khi nào học thì học, khi nào chơi thì chơi. Thầy không bảo mấy em học hoài, nhưng học và chơi phải có giờ giấc riêng, đừng có làm như Thu Mai – thầy mỉm cười – từ nào giờ đi dạy, tôi mới chấm một bài toán lạ lùng “độc nhất vô nhị”… Bài toán thật là… du dương. Đem gửi đi, chắc được giải “tuyên dương sự nghiệp”.

Tụi nó cười như vỡ chợ. Tôi quê quá xá là quê, vừa tức cái tính đãng trí “lãng òm” của mình. Giá có phép tôi đục đất mà chui lập tức. Chao ôi là xấu hổ khi đọc lại bài! Nhất là những câu “quỹ tích của chuyện tình đôi mình…” “đôi ta cùng mơ”… “chỉ cần hai đứa bên nhau”… nhớ lại mà bắt rùng mình…

Quí vị có hãi cho tính lẫn lú, và có thấy ai như tôi chưa? Ớn chưa? Và nếu biết cách gì trị bệnh “quên ẩu” đó xin quí vị mần ơn chỉ giùm… em. Nhỏ Hoa cùng lớp tôi bảo tôi viết chữ “nhớ nghe con phèn” vào giấy rồi đốt, tán nhuyễn ra tro, hòa nước mà uống. Lại có đứa xúi tôi vác đá quăng xuống giếng, la lớn “trả cục đãng trí cho bà Thủy” rồi cắm đầu chạy thục mạng, sẽ hết. Chả biết có thật vậy không? Có điều tôi cũng chẳng nhớ đứa nào để mà hỏi lại…


CƯỜI HỞ MƯỜI CÁI RĂNG 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 199, ra ngày 15-4-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>