Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Con Rạch Ranh Vườn


Cu ơi, ra chỉ nầy coi nè!

Theo hướng có tiếng gọi, Minh bước ra vườn: Anh Quang đang ngồi trên một gốc cây mục, bên phải, cây chĩa dừa cắm thẳng xuống đất, bên trái, con Vện nằm le lưỡi thở như mệt gần đứt hơi. Đến trước mặt anh, Minh càu nhàu:

– Cứ gọi người ta cái tên đó hoài, kỳ cục ghê! Người ta lớn rồi chứ bộ!

Quang cười:

– Xin lỗi, quên nghen! Người ta lớn rồi cần phải bỏ cái tên xấu ấy đi, gọi cái tên thật cho đẹp phải hôn? Minh, chú Minh của anh. Bằng lòng chứ?

Minh gật gù:

– Ít nhất cũng phải như vậy! À, anh kêu em ra làm cái gì đây?

Quang:

– Chưa cho biết vội! Bây giờ chú Minh của anh hãy khoanh tay lại…

– Ý cha, anh muốn làm vua, bắt em khoanh tay hầu hả? Có con Vện hầu anh rồi kìa.

– Anh chưa nói hết chú đã vội ngắt lời! Không phải chú khoanh tay hầu anh, mà khoanh tay bước tới cám ơn thám tử chó Vện.

– Thám tử chó Vện? Tại sao em phải cám ơn nó?

– Cứ làm đi rồi anh sẽ giải thích.

– Nếu em không làm?

– Anh sẽ không cho chú biết một khám phá của con Vện, một khám phá đáng cho chú hoan nghinh, cám ơn nó.

– Thôi đi, anh xí gạt bắt em làm cái trò dị hợm đó đặng cười chơi chứ gì?

– Bậy nà, người lớn không bao giờ xí gạt em bé.

Quang nói câu đó chẳng phải thậm xưng. Tuy là hai anh em ruột, nhưng anh đã hai mươi mấy tuổi, trong khi Minh mới mười mấy tuổi. Ông bà Hai Đức, ba má hai anh em, có Quang là con đầu lòng, những con kế sanh ra lại không nuôi được, mãi đến Cu Minh, chú út này mới chịu lớn mạnh cho. Số tuổi chênh lệch giữa hai anh em là do lẽ đó.

Quang hiện là giáo viên trường tiểu học quận nhà. Minh đang theo học lớp 8 trường trung học quận. Hôm nay ngày nghỉ, rỗi rảnh Quang xách chĩa đi vườn lượm dừa rụng, Minh cũng vừa chơi nhà bạn về, nghe anh réo gọi vội ra đây.

Trước câu nói nửa ra vẻ đứng đắn nửa hóm hỉnh của anh, Minh ngần ngừ một chút rồi vâng theo. Cậu khoanh tay, bước lại trước mặt con Vện, cúi gập người:

– Cám ơn bạn Vện thân mến!… Cám ơn, chẳng biết cám ơn cái gì, tức cười thiệt.

Con chó chẳng hiểu chi, tưởng cậu út giỡn với mình, ngoắc đuôi nhảy chồm lên, kêu ử ử. Minh vỗ đầu nó, quay hỏi anh:

– Rồi, có chuyện chi anh nói phứt em nghe coi.

Quang cười:

– Chú làm coi được. Học trò học dè cần phải lễ phép như vậy, ngay cả với con chó!… Bây giờ anh hỏi chú nghe, chú đã tìm gặp con gà mái tre cưng quí của chú chưa?

– Thì như anh biết đó, hổm rày nó biến mất tiêu, em kiếm cùng hổng thấy. Em nghĩ nó bị chồn cáo ăn thịt hay ăn trộm bắt mất quá.

– Chú nghĩ sai, sự thật con gà vẫn sống nhăn và ở trong vườn nhà mình. Chỉ tại chú không có tài trinh thám để tầm “kẻ mất tích”. Con Vện lại có tài đó, nên anh mới gọi nó là thám tử. Nó vừa mới tìm ra con gà.

Minh sáng mắt:

– Thiệt hả anh? Con gà ở đâu?

– Chú đã học cơ bản thao diễn?

– Anh nầy hay hỏi lạc đề quá. Thì rồi!

– Vậy chú nghe đây: Nghiêm!

Minh vẫn đứng vẹo người, trố mắt nhìn anh. Quang quát:

– Ta bảo nghiêm!

Minh nhăn mặt làm theo. Quang hô tiếp:

– Đằng sau, quay! Đằng trước, bước! Một, hai, ba, bốn… Ngang phải, bước! Đứng lại, đứng! Ngồi xuống, ngồi! Chui vô, chui!

Trước mặt Minh bây giờ là một bụi rậm. Cậu khom người vạch cỏ thử chui đầu vào xem. Có tiếng gà ré lên, kêu cục cục. Cậu quay ra, hớn hở:

– Con gà của em thiệt! Nó đang ấp hả anh?

– Chứ còn gì nữa!

– Hèn chi lâu nay em không thấy nó đẻ. Ai dè nó làm ổ trong bụi nầy, rồi hổm rày nằm ấp luôn. Bây giờ cứ để nó đó hay sao?

– Không được đâu. Để vậy mưa xuống nó bị ướt tội nghiệp, trứng lại có thể hư. Chú hãy vào nhà dọn một cái ổ, đem trứng, bắt nó vào!

Minh cất giò toan chạy đi làm ngay. Bỗng ngoài mé rạch có tiếng ông Hai Đức nói lớn:

– Anh Tư à, anh làm vầy coi không được chút nào hết.

Tiếng một người đàn ông lớn tuổi gay gắt đáp lại:

– Tại sao không được?

Ông Hai Đức:

– Anh còn hỏi ngược lại nữa à? Anh cho anh làm như vầy là được sao?

Quang nhíu mày, bảo em:

– Ba với bác Tư Kiệm cãi vã chuyện gì kìa, mình ra ngoải coi Minh.

Hai anh em tiến ra mé rạch. Con Vện lon ton chạy theo.

Con rạch nhỏ từ ngoài sông chảy sâu vô vườn. Nước ròng, rạch trơ bãi sình lầy lội, chỉ còn một dòng nước nhỏ đục ngầu róc rách chảy ra. Mấy con cá thòi lòi trố mắt giương kỳ, nhảy len qua các bập dừa nước. Mấy con còng thập thò, động đậy đôi càng đỏ trong hang. Một bầy vịt kêu càm cạp xục xạo tìm mồi.

Ở một chỗ rạch uốn khúc, ông Hai Đức đứng bên nầy bờ, ông Tư Kiệm đứng bên kia bờ, dưới rạch, một người đàn ông thứ ba mình trần trùi trụi, lấm láp, chỉ vận một chiếc quần đùi đen hết bùn. Hai ông già trên bờ mặt đều có vẻ hầm hầm. Người đàn ông dưới rạch đứng dạng chân trong nước, hai tay chống một cái xẻng, mặt ngẩn ra. Trước mặt người nầy, một khoảng bãi rạch bị đào lấy đất tạo thành một cái hố nho nhỏ ăn sát bờ ông Hai Đức. Bên kia bờ, một lớp đất bùn mới đắp, còn ướt lầy, mùi bùn hăng hắc xông lên.

Quang bước tới hỏi:

– Chuyện chi đó ba?

Ông Hai Đức quay lại:

– Con lại đây mà coi! Bác Tư con hành động không đẹp. Có con rạch lớn chẳng bao nhiêu, lâu nay bác cứ tấn cây đắp đất cố bồi thêm bên bờ bác, làm rạch cứ hẹp dần. Vậy thôi mình cũng chẳng nói làm gì. Bữa nay bác lại mướn chú Sáu Biền móc đất bên mình bỏ sang bờ bên bác nữa.

Ông Tư Kiệm:

– Anh đừng có nói quá lố! Tôi nhờ thằng Sáu nó lấy đất ở dưới rạch bồi lên bờ tôi, chứ có lấy đất trên bờ của anh đâu?

– Anh không lấy đất trên bờ tôi, nhưng anh cho móc đất dưới chân bờ, làm bờ dễ lở, vậy là quá cha rồi! Hơn nữa, rạch là của chung hai vườn, anh muốn làm gì cũng phải nói trước, hoặc nghĩ tới tụi tôi một chút chứ!

– Anh nói sao, rạch nầy là của chung hai vườn? Xin lỗi anh, tôi có sổ bộ đàng hoàng, trọn con rạch nầy thuộc về phần đất của tôi nha anh Hai.

– Anh đừng nói càn không được! Con rạch nầy dùng làm ranh giữa hai vườn. Vậy thì nó không thuộc quyền riêng của bên nào hết.

Quang thấy cần phải làm giảm bớt sự căng thẳng. Anh từ tốn xen vào:

– Xin ba và bác Tư bớt nóng! Mình gây gổ với nhau chẳng ích gì, lại mất cả tình quen thân. Bây giờ con xin đề nghị thế nầy: Xin bác Tư tạm ngưng công việc nầy lại, thủng thẳng tiếp tục sau, chắc cũng chẳng muộn chi phải không bác Tư? Xong rồi mình sẽ xem lại sổ bộ, hoặc cùng lắm là mời kinh lý đo lại đất đai, thử coi con rạch nầy thuộc về phần đất của nhà nào. Nếu nó nằm trong phạm vi đất cát của bác Tư, bác trọn quyền làm chi thì làm, ba con không được nói. Nếu nó là một cái ranh của chung hai vườn thì mong bác Tư dành cho gia đình con một chút nhân nhường, nghe bác Tư! Chuyện chẳng đáng chi, xin ba và bác Tư nghĩ lại, dàn xếp êm đẹp, cho có sự hòa thuận vui vẻ với nhau.

Ông Tư Kiệm:

– Được rồi, tôi chấp mấy người coi lại sổ bộ hay đo đạc gì đó! Tôi nói con rạch nầy thuộc đất vườn tôi là chẳng sai chạy. Sáu Biền, thôi lên đi, lại đằng nầy tôi nhờ chú làm chuyện khác, mai mốt trở lại tiếp tục.

Nói đoạn ông bỏ đi về phía nhà. Sáu Biền xách xẻng trèo lên bờ, trước khi đi còn quay nói với ông Hai Đức và Quang:

– Ông Hai, thầy Hai, tôi chỉ làm mướn cho ông Tư, ổng sai đâu tôi làm đó, vụ nầy chẳng ăn thua chi tới tôi nghen ông Hai, thầy Hai.

Quang tươi cười:

– Ba tôi và tôi cũng biết như vậy, chẳng phiền chi chú đâu chú Sáu!

Sáu Biền đi rồi, ông Hai Đức vẫn chưa hết giận. Ông ngồi xuống nhìn theo con rạch hằn học bảo:

– Cha già Tư nầy thiệt dễ ghét! Chắc có ngày ba phải “thí võ” với thằng chả.

Minh vung tay:

– Phải đó ba, mình không nhịn hoài được! Không phải mình ba “thí võ”, mà cả nhà mình kéo rốc qua “thí võ” với gia đình bác Tư. Ba sẽ quần với bác Tư trai, má quần với bác Tư gái, anh Quang so tài với chị Phượng, con một mình chấp hai đứa con nhỏ của bác Tư, đại chiến một phen cho long trời lở đất.

Quang nạt:

– Đừng nói xàm! Anh chỉ muốn ba xử hòa vụ nầy, làm um sùm chỉ khiến thiên hạ cười thôi. Thật ra bác Tư không phải là người xấu, chỉ tại bác có tánh hay nhặt nhạnh, hay làm chuyện không đáng gì như vậy. Nhưng rồi bác vẫn biết suy nghĩ. Vả lại, trong gia đình bác Tư, trừ bác ra, còn thì bác gái, các con bác, người nào cũng rất tốt.

Minh cười, nói với cha:

– Ba thấy hôn, ảnh cứ chuyên binh vực người ngoài, nhất là đối với gia đình bác Tư. Ba coi chừng nghe, ảnh là nội tuyến của bác Tư đó.

Ông Hai Đức:

– Tao biết, nhà mình thì có anh Hai mầy, nhà bên lão Tư thì có con Phượng, ở nhà nầy mà hướng về nhà kia. Bữa hổm có vụ heo quéo phá phách, suýt sanh chuyện cãi vã giữa hai nhà, con Phượng chạy qua xin lỗi tao với má mầy, cứ hết lời nhận lỗi về mình, làm tao cũng tức cười thầm!

Minh nheo mắt nhìn anh:

– Hai người hợp tình hợp ý như vậy, nên nghe con xếp ảnh đấu võ với chị Phượng ảnh cự liền. Ảnh sức mấy mà dám đụng tới chị Phượng.

Quang cú đầu em:

– Vừa thôi chú Minh! Anh đá chú văng xuống rạch bây giờ.

Minh né người tránh khỏi, vừa chạy thụt lùi vừa lêu lêu:

– Mắc cỡ ê! Nghe người ta nói trúng tim đen rồi làm bộ nổi sùng!

Nhìn hai con đùa cợt, ông Hai Đức cũng nguôi bực tức. Ông đứng dậy:

– Thôi, gác chuyện nầy lại một bên. Bây giờ vào nhà coi má bây đã làm cơm xong chưa. Tao đã nghe kiến cắn bụng rồi đây.


Bà Hai Đức đâu từ đằng xóm hơ hãi chạy về. Bước vào nhà, bà vừa thở vừa bảo:

– Dọn đồ, dọn đồ! Gấp lắm rồi, gấp lắm!

Ông Hai Đức đang nằm trên võng đọc báo, bật dậy:

– Cái gì đó?

Bà Hai Đức khoát khoát hai tay:

– Ta nói dọn đồ, dọn đồ! Gấp lắm!

Bà kêu như thế, nhưng rồi cứ chạy tới chạy lui, quýnh quáng, chẳng làm được gì. Ông Hai Đức bực mình nạt:

– Bình tĩnh lại, cái bà nầy! Có chuyện gì nói rõ nghe coi.

Bấy giờ bà Hai Đức mới bước lại gần chồng, thì thào tiết lộ cái tin làm bà hoảng hốt. Quang và Minh ở nhà dưới cũng chạy lên, vây quanh nghe. Bốn gương mặt già trẻ đều lộ vẻ nghiêm trọng. Ông Hai Đức hỏi:

– Có thật những người ở quanh mình đều tản cư hết không?

– Thì chính tôi gặp họ đùm túm nhau đi, hỏi thăm mới biết, lật đật chạy về nhà đây.

Quang hỏi:

– Còn gia đình bác Tư Kiệm?

Bà Hai Đức:

– Ai mà biết, chắc ở bển chưa hay tin nầy đâu!… Thôi, ba nó lo phụ với tôi dọn đồ. Còn thằng Quang với thằng Minh, hai đứa đẩy xuồng xuống rạch, gắn máy đuôi tôm vào, mau lên!… Ôi, lạy trời cho còn kịp.

Tiếng thì thào bàn bạc đã im, bốn người chia nhau làm việc. Không ai nói với ai điều gì nữa, nhưng người nào cũng nghe rõ tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực. Bà Hai Đức cứ cầu nguyện luôn mồm. Bà thu dọn quần áo đồ đạc dồn vào cái bao bồng bột. Món nào bà cũng muốn mang đi, nhưng dồn vào một lúc các bao túi đã nghẹt cứng, bà phải bỏ ra bớt các món không cần thiết. Ông Hai Đức thì như chỉ chú ý đến mấy cuốn sách thuốc. Ông cột kỹ sách lại thành một gói lớn, bỏ vào túi xách, quảy lên vai.

Một lúc sau, hai ông bà bước ra khỏi nhà, khóa trái cửa lại. Mỗi người lớp mang lớp xách mấy bao túi cồng kềnh nặng trĩu.

Vụ lánh nạn hôm nay chỉ vì một tin nghe lầm? Mọi người có tản cư một hai bữa rồi cũng trở về, thấy lại nhà cửa, mọi vật nguyên vẹn cả? Ông bà Hai Đức bây giờ chỉ biết van vái sao được như vậy.

Ngoài rạch, chiếc xuồng tam bản khá to đã được anh em Quang đẩy xuống, lắp máy vào. Nhưng chỉ có Minh ngồi trên xuồng, Quang đâu không thấy. Rạch nước ròng sát, xuồng nằm trơ trên bãi lầy như một con cá mắc cạn.

Ông Hai Đức bấm chân, lần theo cây cầu dừa trơn trợt mang đồ đạc xuống xuồng. Bà Hai đức theo sau. Bà hỏi Minh:

– Anh Hai mầy đâu rồi?

Cậu trai vừa tiếp lấy túi đồ trên tay cha, vừa đáp:

– Ảnh mới chạy qua nhà bác Tư.

– Cái thằng thiệt!…

Đồ đạc vừa sắp lên xuồng xong, Quang cũng vừa từ bờ bên kia lội xuống. Ông Hai Đức hỏi:

– Bển có đi không?

– Bác gái và Phượng muốn đi nhưng bác trai còn dụ dự.

– Thôi, đẩy xuồng ra sông.

– Ba má lên xuồng ngồi, để con với thằng Minh đẩy.

Tiếng chân lội sình bì bõm, tiếng xuồng lướt đi sột soạt, vang rõ trong tĩnh mịch của chiều quê. Thấy động, một con gà nước trong bụi mái dầm vỗ cánh bay vụt. Xa xa có tiếng chó sủa dồn như thúc dục, làm những người tản cư thêm rờn rợn trong lòng.

Xuồng đẩy ra tới sông, Quang và Minh quậy chân trong nước cho trôi sạch bùn, rồi trèo lên xuồng, kẻ kềm người giựt máy cho chạy. Tiếng máy nổ giòn, dội trên mặt sông. Quang hỏi:

– Xuống chợ hay đi đâu, ba má?

Ông Hai Đức:

– Băng qua cù lao vô chùa ở đỡ xem động tịnh ra sao rồi sẽ tính.

Quang quay cây láp máy, nhúng chân vịt xuống nước. Nước văng tóe, chiếc xuồng từ từ hướng mũi ra giữa sông. Gió êm, sóng nhẹ vỗ bập bềnh.

Đây là sông Tiên Thủy, một phần của sông Hàm Luông. Bên nầy là ấp Tiên Tây Thượng, bên kia là cù lao Khánh Hội vừa rộng vừa dài, gồm cả một xã lớn.

Sông nhỏ, xuồng máy đi chẳng bao lâu đã sang tới cù lao. Ngôi chùa ông Hai Đức nói nằm gần mé bãi. Mái ngói cong cong rêu mốc đã hiện rõ sau mấy hàng cây xanh.

Quang tắt máy đuôi tôm, dùng mái dầm cặp xuồng vào cây cầu dừa bắc trước chùa. Minh nhảy lên cột dây xuồng vào một cọc gỗ. Bốn người già trẻ lần lượt khuân đồ đạc tản cư lên bờ.

Bỗng Minh trỏ tay về phía bờ bên kia, chếch lên chỗ đầu con rạch nhà mình:

– Kìa, hình như gia đình bác Tư cũng đi.

Ông bà Hai Đức và Quang cùng quay nhìn theo tay cậu: Từ trong rạch, một chiếc xuồng ba lá cũng vừa đẩy ra. Đúng ông Tư Kiệm và gia quyến ông. Quang nheo mắt ước lượng: Chiếc xuồng của ông Tư Kiệm hơi bé, chở năm người lớn nhỏ, thêm đồ đạc, chắc phải khẳm nhiều, không chừng phải đi hai chuyến.

Bà Tư Kiệm đã bỏ một chân lên xuồng. Phượng kềm be xuồng cho mẹ trèo lên.

Thình lình, một loạt súng nổ dội phía trong vườn. Bà Tư Kiệm hoảng kinh nhảy đại lên xuồng. Chiếc xuồng chao đi, lật úp, hất bà ngã nhào xuống nước. Ông Tư Kiệm và các con hoảng hốt chạy lại kéo bà lên. Cả người bà Tư Kiệm ướt loi ngoi. Bà ho sặc sụa. Vừa lạnh vừa sợ, bà vuốt mặt cho ráo nước, người run lên bần bật.

Súng tiếp tục nổ dữ. Trận đánh mà gia đình ông Hai Đức nghe tin tiên liệu, bỏ chạy trước, chắc đã mở màn.

Ở bên nầy cù lao, thấy cảnh bấn rối của gia đình người hàng xóm, ông bà Hai Đức và hai con không khỏi lo hộ, nhất là Quang. Anh vụt bảo:

– Nguy quá, con phải qua rước đám bác Tư mới được.

Bà Hai Đức khoát tay:

– Không được! Súng nổ như vậy trở qua bển nguy hiểm lắm.

– Không sao đâu má, mình ở dưới sóng thấp hơn trên bờ chẳng có gì phải ngại.

Nói đoạn anh chạy ngay xuống xuồng, mở dây, giật máy, cho xuồng quay mũi.

Ông Hai Đức lắc đầu:

– Cái thằng liều quá!

Minh cười:

– Ba má cản ảnh vô ích, ảnh không bỏ đám bác Tư được đâu, nhất là… hi hi!

Sang tới chỗ ông bà Tư Kiệm và mấy đứa con đang loay hoay hì hục lật xuồng lại, mò nhặt các túi đồ, Quang hét lớn:

– Cô Phượng, lên xuồng tôi giữ máy giùm, nói hai bác và mấy em lên luôn! Để chiếc ba lá cho tôi.

Phượng làm theo, trèo lên chiếc tam bản của anh, giữ lấy cần máy đuôi tôm. Quang nhảy đại xuống nước, lội tới bên chiếc ba lá chìm. Anh nắm lấy một bên be xuồng, lắc tới lắc lui thật mạnh. Nước ngập trong khoang sánh ra ngoài dần dần, chiếc xuồng nổi lên. Quay lại thấy ông bà Tư Kiệm và hai đứa con nhỏ còn đứng dưới nước ngẩn ra nhìn mình, Quang thúc:

– Hai bác và các em lên xuồng kia đi, mình băng qua sông gấp. Ở đây nguy hiểm lắm. Cố giữ cho chiếc tam bản khỏi trôi ra bờ.

Phượng tiếp lời:

– Lên đi ba má, Mai, Hoàng! Anh Quang đã có lòng tốt trở qua giúp, mình còn ngại cái chi?

Một tiếng súng lớn nổ át câu nói của cô. Ông bà Tư Kiệm chẳng còn trù trừ gì, bỏ mấy bịch đồ ướt lên chiếc tam bản, cùng hai đứa nhỏ trèo lên. Quang cũng leo lên chiếc ba lá. Mái dầm đã trôi mất, anh dùng hai tay bơi lại cặp nó vào chiếc tam bản.

– Cho xuồng qua sông đi cô Phượng.

Phượng bình tĩnh làm theo ngay. Chiếc tam bản cặp thêm chiếc ba lá một bên, tiến chậm, nhưng cũng xa dần bờ đất đang chìm trong lửa đạn hung hiểm.

Ông Tư Kiệm nhìn Quang, rồi nhìn đám ông Hai Đức ở bên kia cù lao, vầng trán ông nhăn lại. Dường như không nghe tiếng súng, ông mải nghĩ đến chuyện xích mích giữa mình và ông bạn Hai Đức về con rạch ranh vườn, mới xảy ra hôm qua hôm kia.


Minh ngồi trên một mỏm đất gie ra sông, dưới tàn một cây bần to. Tay trái đặt hờ lên quai xách của cái thùng khá lớn, tay phải kềm cần câu trúc đưa thẳng ra phía ngoài, mắt cậu chăm chú nhìn sợi nhợ bị dòng nước chảy kéo xuôi về một phía. Nước đục ngầu phù sa, chẳng cho thấy gì đoạn nhợ chìm sâu trong nước, nhưng Minh cũng tưởng tượng ra được cục mồi trùn mắc ở đầu lưỡi câu, lay động như một con vật sống. Cậu tưởng tượng ra cả những con cá lội nhởn nhơ, và chờ đợi một con dại dột đớp mồi.

Dọc theo mé bãi, lục bình tụ lại thành từng đám xanh rì những lá. Có khóm trổ hoa. Hoa lục bình tim tím, kết bởi nhiều đóa nhỏ xinh xinh, không rực rỡ nổi bật, nhưng cũng điểm cho dòng sông những nét ưa nhìn.

Trời lắm mây, nắng chiều như được lọc bớt, lại xuyên qua tàng bần, rớt xuống chỗ Minh ngồi chỉ còn là những đốm nhỏ ấm áp, lung linh trên lá cỏ, trên vai áo cậu. Gió lâu lâu thổi qua, lá bần khô vàng, nhụy hoa bần trắng, lả tả rụng, vướng cả trên tóc Minh.

Có tiếng chân bước nhẹ phía sau, Minh quay lại:

– Mới đi dạy về hả anh Hai?

Quang bước lại ngồi xuống bên em:

– Ừ. Cha, bộ câu được nhiều cá lắm sao mà xách cái thùng lớn vậy?

– Anh dòm vô thùng coi thì biết!

– Ha ha!… Chưa có con nào!… Bộ mới ra câu hả?

– Cả buổi rồi!

– Vậy thì chú có tay câu lắm!

– Ngạo làm chi anh Hai! Em đâu cố tình kiếm cá. Em như Khương Thượng, ngồi thả cần câu bên sông Vị chờ thời.

– Mẹt ơi, chú Minh của anh nói nghe hay quá! Nhưng rất tiếc đây chỉ là sông Tiên Thủy, và chú lại chưa có râu. Khương Thượng ngày xửa ngày xưa xài cần câu không có lưỡi, chú bây giờ lại đã cẩn thận cột ở đầu sợi nhợ cái lưỡi câu có ngạnh bén nhọn còn hơn gai quít già!

– Khương Thượng thời nguyên tử mà anh.

Im lặng một lúc, Minh hỏi:

– Lộn xộn phải chạy tản cư, sao anh không xin nghỉ dạy vài ngày?

Quang:

– Anh thấy nghỉ ở không ngồi bó gối trong chùa cũng chẳng ích gì. Vả lại anh mà nghỉ là cả bao nhiêu đứa trẻ phải chịu thiệt.

– Ông thầy giáo nầy có lương tâm chức nghiệp dữ!

– Vậy chứ sao!

Nhìn qua Tân Tây Thượng, chỗ có nhà mình, Quang thấy bùi ngùi. Hôm qua trận đánh diễn ra ngay ở đó, không biết rồi nhà cửa vườn tược nhà anh ra sao? Hôm nay tiếng súng đã im, nhưng chưa ai dám trở về. Chỉ cách có một con sông nhỏ mà Quang thấy nhà mình như đã lùi xa thật xa!

Minh lên tiếng, cắt ngang dòng suy tưởng của anh:

– À, có chuyện nầy hay lắm anh Hai.

– Chuyện gì?

– Ba với bác Tư Kiệm vừa kéo nhau lại quán bà Chín Hò nhậu rượu.

– Ủa, hai ông thuận rồi sao?

– Thuận từ hồi tối lận. Hồi tối lúc súng nổ dữ, mọi người nhào xuống sàn. Ba với bác Tư tình cờ ngồi gần nhau, em cũng ở cạnh đó. Em nghe bác Tư xin lỗi ba về chuyện con rạch hôm trước. Bác nói bác nghĩ bác bậy lắm. Lúc bình yên bác giành nhau từng con rạch, từng cục đất với ba, rồi bây giờ còn gì để mà giành?

Quang vụt nghe khoan khoái. Anh tươi cười vỗ vai em:

– Thấy chưa, anh nói bác Tư là người biết nghĩ lắm mà! Bác nói thật có lý, phải hôn?

Minh cười:

– Sau chuyện đó em còn nghe hai ông già bàn nhau một chuyện đáng mừng khác.

– Chuyện gì nữa?

– Chuyện anh với chị Phượng.

Quang nhéo tai em:

– Lại nói xàm!

Minh cù vào hông anh:

– Thôi đi anh Hai ơi! Tới bây giờ mà anh còn làm bộ làm tịch nữa sao? Sửa soạn cho em gặm giò heo đi thì vừa!

Nguyễn văn Nghệ  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>