Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

CHƯƠNG 3_VÙNG BIỂN LẶNG


3


Em ra hồ sen xem hoa nở chưa. Em định chọn bốn đóa hàm tiếu hái vào cúng ba. Hôm nay là ngày rằm, con dâng lên ba bốn cánh hoa tinh khiết tượng trưng lòng yêu kính của mẹ, của con, Cu Quang và bé Bích Ty. Mùa Hạ đã về rồi ba, con đã nghỉ hè. Năm nay con vẫn được phần thưởng ba ơi, nhưng con không mừng, không vui vì không còn ai nữa để cùng con chia sớt nỗi vui mừng. Bao nhiêu rộn rã, bao nhiêu hãnh diện trong con chợt xìu xuống như mẩu bánh mì nguội gặp mưa dông, khi con ôm gói phần thưởng trên tay bước ra đường thấy me tươi cười bên nguồn hạnh phúc mới.

Em ngồi trên thành hồ nhìn những đóa sen hồng lung linh trong nắng hạ. Mầu hồng thắm nổi bật trên nền lá xanh biếc lấm tấm những hạt sương mai trong suốt, tròn trịa như ngàn hạt kim cương đính trên vương miện Nữ Hoàng. Chiếc hồ nhỏ hình bán nguyệt xây sau góc vườn là một kỷ niệm êm đềm của ba me hồi hai người mới cưới nhau. Me thường nhắc nhở mỗi lần me rủ em ra hái sen vào cúng ba. Me bảo, dạo me mới về ở với ba, ông bà ngoại cho hai vợ chồng một khoảng vườn nhỏ và giúp phương tiện xây lên một căn nhà gạch hai gian. Phần đất còn lại phía trước, ba trồng hai hàng chè tàu và các thứ hoa đẹp như hồng, hải đường, tường vi. Phần phía sau, nhìn ra sông Hương mát mẻ, ba định xây hòn non bộ để thả cá thia thia, nhưng me không chịu, me nhất định xây hồ trồng sen. Hai người cãi nhau suốt một buổi rồi me giận không thèm nhìn mặt ba một ngày rưỡi. Cuối cùng ba đành chịu thua, ba làm hòa, ba nịnh me, ba bảo me muốn là trời muốn. Tự tay ba xây hồ, me giúp ba trộn xi măng và cát. Công việc hơn một tuần mới xong. Rồi từ đó, chiều chiều, ba me thường dắt nhau ra hồ sen xem hoa nở, ba hay hát:

Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.
Ước gì anh cưới được nàng,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Có tiếng me gọi em:

- Thúy Vy ơi, vào ngó nhà cho me đi chợ.

Em ôm bốn cành hoa sen đi vào nhà, đến bên bàn thờ ba:

- Bữa ni rằm, me nhớ mua huệ cúng ba nghe.

Me xách chiếc giỏ từ nhà bếp đi lên:

- Me nhớ chứ.

Bà nội lim dim đôi mắt, nhìn lên tấm lịch:

- Mau hỉ, mới mùng một đó mà chừ đã rằm.

Me ngập ngừng nói với nội:

- Thưa mạ, trưa ni con có mời khách ăn cơm chay.

Bà nội với lấy cơi trầu trên bàn:

- Ai rứa con ?

- Thưa mạ, anh Huy. Con muốn mời anh dùng cơm chay một bữa cho lạ miệng.

Bà nội phết một lớp vôi lên lá trầu:

- Tùy con. Nhớ mua đồ mặn cho hai đứa nhỏ, tụi nó ăn chay không được, tội nghiệp.

Me dạ nhỏ rồi nhanh nhẹn bước ra ngõ. Em đứng chết trân bên bàn thờ ba. Bích Ty trở mình thức giấc ở phòng bên:

- Me ơi.

Em chạy vào:

- Me đi chợ rồi, đưa chị đỡ dậy.

- Anh Quang mô rồi ?

Em nhìn ra vườn, vắng lặng. Chắc thằng nhỏ đã qua nhà hàng xóm chơi.

- Anh Quang chạy đi chơi rồi.

Bích Ty òa khóc, đập chân rầm rầm trên giường:

- Em không biết, em không biết. Khi hôm anh Quang hứa dắt em qua nhà chị Thắm thả diều, rứa mà chừ anh đi một mình không thức em dậy, không biết, không biết.

Em ôm đầu bé, vỗ về:

- Dậy ngoan, rửa mặt đánh răng xong chị dắt đi chơi.

Bích Ty tươi ngay nét mặt:

- Thiệt hả chị Vy ? Chị dắt em qua cồn ăn chè bắp nghe.

Em đỡ bé dậy:

- Để khi khác, chị phải coi nhà không đi xa được, chừ hai chị em mình ra sau hồ chơi buôn bán, được không ?

Bích Ty phụng phịu một lát rồi bằng lòng. Con bé có tính hay làm nũng, nhưng mềm mỏng dễ nghe lời. Em dẫn bé ra nhà sau rửa mặt, chải đầu. Bà nội nói:

- Có gói xôi bắp trong cụi, hai chị em lấy ra mà ăn với nhau.

Có tiếng xe đạp chạy rào rào trên lối sỏi dẫn vào nhà, vòng ra phía bếp. Bích Ty reo lên:

- A, dì Nguyệt.

Dì Nguyệt xuống xe, dựng giữa sân. Dì bữa nay mặc chiếc áo dài màu hồ thủy thật tươi. Em trầm trồ:

- Dì Nguyệt bữa ni đẹp dễ sợ.

Dì véo má em rồi xoa đầu Bích Ty:

- Hai chị em không đi chơi mô à ? Có me ở nhà không ?

Bích Ty liếng thoắng:

- Me đi chợ rồi dì Nguyệt ơi !

Bà nội từ nhà trên đi xuống, dì Nguyệt thưa:

- Dạ thưa bác.

- Dì Nguyệt lâu ngày ni, răng cả tháng ni không thấy qua chơi ?

Dì Nguyệt vén áo dài ngồi xuống phản:

- Dạ cháu mắc học thi.

Em hỏi thăm:

- Dì thi rồi chưa ? Có bảng chưa dì ?

Dì Nguyệt cười:

- Dì đậu rồi Vy nợ. Bữa ni dì qua báo tin cho me biết đây.

Em vỗ tay reo:

- Dì giỏi quá, chi me cũng thưởng dì, chi ông bà ngoại cũng thưởng dì. Dì nhớ khao cháu đó.

Bà nội góp tiếng:

- Rứa là cháu ra bác sĩ rồi phải không ?

- Dạ mô có bác, còn hai năm nữa lận.

Bà nội gật gù:

- Con gái mà học nổi bác sĩ, kể cũng hiếm.

Dì Nguyệt hỏi bà nội:

- Chị Bảo cháu đi chợ phải không bác ?

- Ừ, nó mới đi đó.

- Chà, chị bữa ni siêng ghê.

Bà nội nói giọng hơi buồn:

- Không siêng thì cũng phải siêng chớ. Bữa ni nó trổ tài nấu đồ chay đãi ông Huy đó.

Dì Nguyệt nói như reo:

- Thiệt hả bác ? Suốt tháng bận học hành, cháu có biết chi mô. Chuyện hai người đi tới mô rồi bác ?

Chợt thấy mình lỡ lời, dì Nguyệt nói chữa:

- Dạ... dạ, cháu muốn nói là dạo ni chị Bảo cháu đối với anh Huy có chi lạ không ?

Rồi dì nói thêm:

- Chị Bảo thiệt là...

Bà nội ngắt lời:

- Âu rứa cũng xong, cháu nờ. Con mẹ Bảo còn trẻ quá, lại đẹp nữa, không ông Huy thì người khác, chẳng lẽ cứ ở mãi rứa mà thờ chồng nuôi con răng, quan niệm đó lỗi thời rồi. Tính bác dễ lắm, tùy nó muốn răng thì muốn, đừng quên ba đứa con là được. Vả lại, bác cũng thấy ông Huy là người tử tế.

Dì Nguyệt kéo Bích Ty vào lòng:

- Dạ, anh Huy ngày xưa là bạn thân của anh Cả cháu, anh ấy rất đàng hoàng.

Chiếc xích lô nặng nề đi vòng ra sân sau. Me xách một giỏ đồ ăn thật lớn bước vào:

- Nguyệt mới sang đó à ?

Dì Nguyệt đỡ chiếc giỏ trên tay chị:

- Chị mua chi mà nhiều rứa ? Trưa ni đãi khách hả ?

Mẹ nói nhỏ:

- Anh Huy chớ khách khứa chi. Em ở lại ăn cơm luôn nghe.

Bà nội sắp đồ ăn ra rổ:

- Dì Nguyệt qua báo tin thi đậu đó.

Mẹ ngó dì:

- Có bảng rồi hả em ? Mừng ghê hỉ. Rứa cô Thu Hằng có đậu không ?

- Tụi em chơi thân ba đứa mà đậu có hai. Con Bích Liên rớt rồi chị.

- Rứa à ! Tội hí, cầu mong kỳ hai cho nó đậu.

Bích Ty sà vào lòng me:

- Me ơi, me có mua chi cho Ty không ?

- Có.

Me mở ví lấy ra gói chocolat:

- Chocolat đây con, anh Quang về nhớ bẻ cho anh một miếng nghe.

Me vào phòng thay áo ngắn. Dì Nguyệt bảo em:

- Con Nữ mô rồi ? Răng không ra giúp me và nội một tay.

- Nó về làng rồi dì. Mạ nó mới nhắn lên, nghe nói ba nó đau nặng.

Dì Nguyệt hỏi:

- Trưa ni bác Huy ăn cơm hả ?

Em lẩm bẩm:

- Ngày mô lại chẳng ăn, một tuần bốn năm lần, không biết dị.

Dì Nguyệt nhíu mày:

- Thúy Vy, hình như cháu không ưa bác Huy ?

Em nói không suy nghĩ:

- Cháu thù, cháu ghét, cháu không thích me đi chơi với bác Huy.

Dì Nguyệt nhìn em với ánh mắt thật hiền:

- Rứa là Vy chưa hiểu me. Đừng nên nuôi lòng thù hận như rứa, vẩn đục tuổi thơ đi. Bác Huy là người tốt.

Em bĩu môi:

- Cháu chỉ thấy bác Huy giả dối mà thôi.

- Đó là ý của Vy ?

- Dạ, đó là ý của riêng Vy và Vy sẽ muôn đời giữ mãi ý kiến đó.

Me đã ra đến, bảo dì Nguyệt:

- Giúp chị một tay em.

Em đến giỏ lấy bó huệ ra lu nước rửa sạch cẩn thận từng nhánh. Em có cảm tưởng hoa hôm nay bớt tươi vì me không để tâm đến nhiều khi chọn lựa, me bận mua cây trái về làm mì chay cho bác Huy ăn. Em lâm râm khấn vái trước bàn thờ ba:

- Ba ơi ! Ba linh thiêng phù hộ cho con thêm nhiều nghị lực để đương đầu với mọi trở ngại mới trên đường đời.

Cu Quang đi chơi về đất cát đầy mặt, em kêu lên:

- Thằng giặc núi, mi đi chơi mô về mà mặt mũi gớm guốc rứa ?

Cu Quang nhe hàm răng siết, cười:

- Em thả diều và chơi đánh nhau với tụi thằng Hào.

Em cốc nhẹ vào đầu nó:

- Lại đi chơi với tụi mất dạy nớ. Cấm nghe chưa. Coi chừng tao mét mẹ đó.

Cu Quang chạy ra bếp la toáng lên:

- A, me về. A, dì Nguyệt... A, Bích Ty, mi ăn chi rứa, cho tao ăn với.

Bích Ty hét:

- Khoan đã, để Ty chia cho. Làm chi mà giành giựt dễ sợ rứa.

Có tiếng xe bác Huy tắt máy trong sân. Em chạy vội vào bàn học, lấy tấm hình ba cầm trong tay, em có một quyết định.

Dì Nguyệt đã giúp me dọn thức ăn lên bàn. Bữa cơm chay hết sức thịnh soạn. Bà nội gọi em:

- Thúy Vy ơi, dắt ghế ra ăn cơm con.

Em sắp năm cái ghế xung quanh bàn, dì Nguyệt nhìn ra sau:

- Cu Quang và Bích Ty mô rồi ?

Em đáp:

- Hai đứa nó ăn mặn dì nờ, tụi nó ăn chay không được.

Dì Nguyệt so đũa:

- Tập ăn cho quen đi chớ, ngày rằm mà nấu hai ba thứ phiền phức lắm.

Bác Huy cười:

- Con nít mà, ăn chay không quen, tội nghiệp.

Em xới cơm ra sáu chén. Bà nội kêu:

- Con gái vô ý vô tứ chưa. Có năm người mà đơm chi đến sáu chén lận ?

Em không đáp, kéo chén cơm thứ sáu lại gần chén em. Rồi bất thần, không ai ngờ tới, không ai tưởng tượng nổi, thời gian như lắng đọng, em rút tấm hình ba giấu dưới khăn bàn, đặt cạnh chén cơm và nói:

- Ba ơi ba, về ăn cơm với Thúy Vy của ba đi ba.

Dì Nguyệt tái mặt. Bà nội sững sờ. Me như người mộng du buông rơi chén cơm xuống đất. Chỉ có bác Huy bình tĩnh, bác nhìn em nghiêm trang nói:

- Thúy Vy đừng nên làm như vậy, có gì cứ nói riêng với bác, bác nghe tất cả.

Đôi mắt bác Huy chợt sáng ngời, chợt sâu thẳm. Tim em đập mạnh. Em không dám nhìn thẳng vào mặt bác. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu lời nói sắp đặt trước bỗng tan biến trên môi, bỗng khô cứng trong cổ họng. Em muốn nói bác ra khỏi nhà tôi ngay, bác đừng mong thay thế được ba tôi trong cái gia đình này. Nhưng những câu nói đó như sợi dây thừng quấn quanh buồng phổi, ôm chặt lấy tim, em cảm thấy nghẹt thở vô cùng.

Me phản ứng thật nhanh, me đứng dậy, thu hết tất cả sức lực vào bàn tay, túm lấy tóc em kéo tới, nhưng bác Huy đã cản lại, bóp mạnh tay me:

- Hà, Hà ! Bình tĩnh lại, đừng làm thế !

Me như hết hơi, me như hết sức, me lả người xuống ghế như một chùm hoa héo. Me khóc nức nở, me quờ quạng cánh tay trên bàn làm dĩa rau lăn xuống đất vỡ loảng xoảng. Dì Nguyệt nín thinh. Bà nội nín thinh. Chỉ còn tiếng bác Huy:

- Hà, đừng đánh con. Em phải tế nhị tìm hiểu Thúy Vy nó muốn gì ?

Em hóa thành tượng đá. Me gào lên:

- Em phải đánh nó, nó là con mất nết, nó là con hỗn hào.

Bác Huy vẫn ôn tồn:

- Ở tuổi của Thúy Vy, em cư xử như vậy là sai. Em nên nhớ, Thúy Vy không còn là trẻ con nữa.

Dì Nguyệt đỡ lời:

- Chị Hà em đang mất bình tĩnh. Anh có khuyên lơn chừ cũng vô ích thôi.

Rồi dì quay sang em, lừ mắt:

- Thúy Vy xin lỗi me ngay.

Em lì lợm:

- Cháu không có lỗi chi hết.

Dì Nguyệt to tiếng:

- Cháu vừa làm một hành động nông nổi, như rứa là có lỗi với me và tất cả mọi người ở đây. Nghe chưa ?

Em cất tấm hình ba vào túi:

- Tôi mời ba tôi về ăn cơm với tôi mà mọi người cũng cấm đoán à ? Răng mọi người vô lý rứa ?

Me tấm tức kể lể:

- Con ơi là con, con ranh mương, con lộn giống. Con làm mất mặt mẹ, con giết mẹ không gươm không dao.

Dì Nguyệt ôm vai me:

- Thôi chị, để em đỡ chị vô nghỉ.

Hình như bác Huy theo dì Nguyệt dìu me sang phòng bên. Em không còn nghe gì nữa. Em không còn trông thấy gì nữa. Trước mặt em, là khoảng không gian mênh mông vô tận. Em thấy từ một điểm xa tít mù khơi, một bóng người đang di chuyển về phía em. Ba! Ba! Em kêu lên. Bước chân ba nhẹ như sương, hình hài ba chập chờn ẩn hiện, đôi mắt ba nhìn em nghiêm nghị như đôi mắt của bác Huy. Em chợt tỉnh cơn mê. Em mang tâm trạng một kẻ chiến thắng giữa chốn không người và chợt hơi hổ thẹn. Em không còn hãnh diện nữa. Niềm tự kiêu tan biến như sợi sương trong nắng khi em nghe tiếng me khóc nghẹn ngào ở phòng bên.

Bà nội đặt tay trên vai em:

- Vy, con ngu dại quá đi, ai xui con làm rứa ? Ai biểu con làm rứa ?

Rồi bà nội thở dài:

- Tội nghiệp me mi.

Em vẫn ngồi im lặng trước bàn, mâm thức ăn nguội tanh bên vịm cơm gạo thơm không còn bốc khói . Cu Quang và Bích Ty ăn cơm xong, từ dưới bếp đi lên. Trông thấy thức ăn còn nguyên vẹn trên bàn, Cu Quang tò mò đến bên em:

- Răng không ai ăn cơm hết rứa chị Vy ? Me mô rồi ? Dì Nguyệt mô rồi ? Bác Huy mô rồi ?

Em bực mình gắt:

- Hỏi chi mà hỏi tứng lựng lên rứa ? Câm cái mỏ lại đi.

Bà nội la em:

- Hết nói mi rồi. Đã rứa lại còn gắt gỏng với em. Con gái hư!

Bà nội rơm rớm nước mắt, nói với Cu Quang và Bích Ty:

- Vô thăm me đi hai đứa bây. Me bây đau nằm trong buồng a.

Cu Quang chạy vào trước, Bích Ty níu tay nội kéo theo.

Em gục đầu xuống bàn. Hối hận với me, chỉ riêng me mà thôi. Em sợ me xúc động nhiều rồi sinh bệnh nặng, me vốn yếu tim. Em muốn vào thăm me, ngồi cạnh giường cầm lấy bàn tay mềm mại của me để ngỏ lời xin lỗi. Nhưng em ngần ngại, sợ me thấy mặt em rồi me nổi giận lên một lần nữa, me la, me hét, me mệt thêm. Có tiếng kéo ghế phía trước mặt. Em ngẩng lên. Bác Huy đang ngồi đối diện em, gương mặt vẫn bình thản:

- Thúy Vy, cháu đang nghĩ gì vậy ?

Em nhìn xuống bàn:

- Cháu đang nghĩ đến me cháu, cháu thương me cháu lắm.

Bác Huy gật đầu:

- Bác hiểu, bác biết. Cháu rất thương me cháu và hiện giờ cháu đang lo lắng cho bệnh tình của me cháu có phải không ?

Bác Huy không tỏ ra phiền giận hay trách cứ em một câu nào. Em không phải là đối thủ của người đàn ông đó. Bác Huy là con cáo già và em chỉ là con cừu non bé dại, đôi sừng yếu đuối không thể đương đầu với hai hàm răng sắc nhọn xuyên thủng da mềm.

Em cố giữ cho đôi tay khỏi run, hỏi bác:

- Thưa bác, me cháu có đỡ chút mô không ?

Bác Huy nói như ra lệnh:

- Me cháu sắp ngủ rồi, cháu yên tâm, me chỉ hơi bị xúc động thôi. Chút nữa me dậy, nhớ vào xin lỗi me.

Dì Nguyệt từ buồng bên đi ra, nói với bác Huy:

- Chị Hà ngủ rồi.

Bà nội ra theo, bảo dì Nguyệt:

- Lấy dĩa để dành cơm cho nó, rồi cả nhà ăn cơm đi, chớ không lẽ nhịn đói hết à.

Em chạy ra nhà sau lấy dĩa, vẳng nghe tiếng nói nội trên nhà:

- Ông Huy tha lỗi cho. Con dại cái mang. Thiệt tôi cũng không ngờ con Thúy Vy lại dám hỗn hào rứa.

Bác Huy nói nhỏ:

- Thưa bác không có chi. Thúy Vy hành động thật can đảm.

Dì Nguyệt xí một tiếng:

- Giây phút mô anh cũng bênh được con Thúy Vy hết a. Con chừng nó lờn mặt.

Bác Huy cười:

- Thế mà tôi lại ưa những đứa con gái như vậy. Sau này ra đời mới có thể đương đầu với mọi khó khăn mà không ngại ngùng, không thối chí. Đó là bí quyết thành công trên đường đời.

Em đi lên nhà, nghe dì Nguyệt nói:

- Anh lại méo mó nghề nghiệp mất rồi.

Em vờ nhìn dì:

- Dì nói chi ?

Dì Nguyệt không đáp, gương mặt lạnh lùng, dì đang giận em. Em kéo ghế ngồi xuống cạnh dì, Bích Ty lẩn quẩn bên bàn ăn. Bà nội nhắc:

- Bích Ty đi ngủ đi con.

Bích Ty sà vào lòng nội:

- Mệ, cho con ăn nhãn lồng đi.

- Nhãn mới lồng mà ăn chi, vài bữa nữa đã.

Bích Ty móc túi lấy một nắm nhãn nhỏ xíu bằng đầu ngón tay, khoe em:

- Chị Vy, em có nì.

Dì Nguyệt la lên:

- Trời ơi, mô rứa? Vất đi Ty, độc lắm, ăn nhãn rơi bị đỏ mắt chừ.

Em nuốt cơm như nuốt sỏi đá. Tiếng me trở mình trong buồng. Me rên khe khẽ. Bác Huy giục em:

- Và xin lỗi me đi Vy.

Em ngập ngừng. Em lo ngại. Bác Huy lại giục một lần nữa, em đứng lên nhưng bàn chân như chôn xuống đất. Dì Nguyệt nói như sắp khóc:

- Vy không hiểu me, Vy không thương me.

Em chạy thật nhanh vào buồng. Me nằm dán sát xuống giường, mái tóc dài rũ rượi trên nền gối trắng, gương mặt me đầm đìa nước mắt. Em òa lên khóc:

- Me, me ơi.

Đôi mắt me hé mở, đôi mắt không còn giận dữ, không còn quắc lên nhìn em nữa, mà niềm tủi cực, nỗi muộn phiền đã vây kín khóe mi sâu. Em cầm lấy bàn tay me. Bàn tay kia, me mệt mỏi đưa lên vuốt nhẹ mái tóc em:

- Thúy Vy, con ăn cơm chưa ?

Em nghẹn ngào, em nức nở, em khóc như chưa bao giờ được khóc. Một hồi lâu, em mới nói lên được:

- Me ơi, me tha thứ cho con.

- Không, con không có lỗi chi hết, nín đi Vy.

Em hỏi me:

- Me giận con không me ?

Me im lặng một lát, rồi me nói:

- Me không giận con mô. Thôi con ra ngoài kia, me cần nghỉ một chút.

Em chần chừ:

- Me buồn con không me ?

Me nhắm mắt lại. Me không muốn trả lời. Em đứng dậy nhìn me một lần nữa rồi quay ra . Bác Huy đã về. Dì Nguyệt đang phụ bà nội rửa chén bát sau bếp. Cu Quang và Bích Ty đã ngủ say trên đi văng. Em đến bên bàn học, nhìn chăm chăm vào bức hình ba. Em tự hỏi, bác Huy có thể thay thế được ba trong mái gia đình này không ? Rồi em tự trả lời: Không, không, trăm lần không, ngàn lần không. Mặc dù bác Huy đàng hoàng tử tế và em không còn thấy bác giả dối nữa. Bác cư xử rất tốt với em. Nhưng sao em vẫn không thương bác được. Em vẫn nuôi ý nghĩ là bác đã chiếm đoạt, chia sớt tình yêu của me dành cho ba.

Sau buổi đó, hình như me ít nói chuyện với em hơn. Bà nội thường nhìn em với đôi mắt nửa thương yêu nửa ái ngại. Điều quan trọng nhất mà em tự cho là một sự thắng cuộc rõ ràng, đó là việc bác Huy từ dạo ấy đã thưa lui tới. Me thường có những giây phút tư lự bất chợt. Đôi lúc nói chuyện này, me lại lẫn sang chuyện khác. Em thương me, em đoán nhận được nguyên nhân nỗi buồn của me, nỗi buồn do em gây ra. Em ân hận rồi lại tự bào chữa. Nỗi buồn nào lại không đến lúc nguôi ngoai, thời gian sẽ là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu các vết thương. Me sẽ quên bác Huy và em sẽ được sống lại chuỗi ngày hồn nhiên êm đềm như dạo nào chưa có áng mây mờ bao phủ mái gia đình này.

Cúc Nhật đi nghỉ hè ở Đà Lạt sau một tháng đã trở về. Em lại tiếp tục nhảy nhót đôi chân chim sẻ trên con đường tràn đầy hoa bướm tuổi vô tư. Em thường theo Cúc Nhật và ba me nó đi chơi nơi này, nơi khác và em quên dần đi buổi trưa rằm hôm ấy, buổi trưa mà em đã gây ra sự xáo trộn lớn lao trong tâm hồn me.

Nhưng một hôm, em đi phố rồi tạt sang nhà ông bà ngoại. Em định đến tìm dì Nguyệt để nhờ dì bày cho em cách thêu nổi cành mimosa trên vạt áo dài. Vừa vào đến ngõ, em bắt gặp chiếc Simca xanh của bác Huy từ bên trong chạy ra . Em định quay đi thì bác đã dừng lại hỏi em:

- Kìa, cháu đến thăm ngoại đó à ?

Em bắt buộc phải trả lời:

- Dạ.

Bác Huy nói trước khi cho xe chạy:

- Có me của cháu trong đó, Thúy Vy.

Em nhìn theo xe bác Huy, lòng không khỏi thắc mắc. Sáng nay me bảo me sang phụ bác Tường làm giỗ, chiều mới về mà. Me sang ngoại sao lại giấu em. Sang thăm cha mẹ là một điều hợp lý tự nhiên, sao me không nói cho cả nhà biết và nhất là tại sao me lại không cho bé Bích Ty đi theo như thường lệ. Ông bà ngoại thương Bích Ty nhất trong ba đứa cháu. Mỗi lần me sang mà quên dẫn Bích Ty theo, ông bà ngoại cứ nhắc đến cô bé mãi, rồi lại la me. Bước lên ba bậc thang cấp, em gặp chị Sen:

- Có dì Nguyệt ở nhà không chị ?

- Cô Nguyệt vừa mới đi ra phố, à, có mợ Bảo trong đó cô!

Em đi qua phòng khách, đến nhà ngang, me đang ngồi nói chuyện với bà ngoại. Gương mặt cả hai người đầy vẻ quan trọng. Thấy em, me ngưng ngang câu chuyện:

- Thúy Vy, đi mô rứa con ?

Em muốn hỏi me, tại sao me không qua nhà bác Tường, nhưng em im bặt. Em không muốn me ngượng với em.

- Dạ, con sang tìm dì Nguyệt có chút chuyện.

Me đứng lên, nắm tay em:

- Dì Nguyệt đi công chuyện, trưa mới về. Thôi đi về với me.

Em nhìn me tò mò:

- Me, me vừa nói chi với ngoại rứa ? Me bàn chuyện chi cho con nghe với.

Me gạt đi:

- Không nên xen vào chuyện người lớn, Thúy Vy.

Bà ngoại lim dim đôi mắt nhìn ra sân nắng, nói với me:

- Hà à, trước sau chi cũng phải cho con nó biết. Thôi, nói chuyện đó với con Thúy Vy đi.

Tim em đập mạnh, linh cảm một chuyện bất lành sắp xảy đến. Giòng sông trôi bình thản sau ngày bác Huy xa vắng chỉ là một sự nghỉ ngơi nhất thời để khơi nguồn bão tố phong ba. Nước đã nổi bọt trắng xóa và bèo hoa sắp cuồn cuộn dập vùi. Em nín thở chờ đợi. Me ngập ngừng:

- Khoan đã mạ, để...

Bà ngoại nhíu mày:

- Để đến khi mô nữa ? Mi không nói thì để tao nói. Thúy Vy à!

Em dạ nhỏ:

- Mệ, có chuyện chi rứa mệ ?

Bà ngoại kéo em ngồi xuống cạnh, vuốt tóc em:

- Thúy Vy, me con sắp sửa bước thêm một bước nữa đó.

Em tái mặt dù đã đoán trước sự việc xảy ra, em buột miệng:

- Bác Huy.

Bà ngoại gật đầu:

- Phải đó con. Me con sẽ bước thêm một bước nữa... với bác Huy.

Em ngước mắt nhìn me, rưng rưng:

- Me, phải không me ?

Me nhìn xuống chiếu hoa, tay mân mê chiếc ví da:

- Thúy Vy, con không buồn me chứ ?

Em nghẹn ngào lắc đầu. Em đứng phắt dậy, em chạy vụt ra ngoài, em đã thua cuộc, em đã thua cuộc vì me đã chọn bác Huy. Em đâm sầm vào dì Nguyệt từ cửa đi vào. Dì la lên, chồng sách trên tay rơi tứ tung xuống đất:

- Làm chi mà chạy như ma đuổi rứa Vy ?

Me chạy theo níu em lại:

- Thúy Vy, ở lại với me. Me cần phải giải thích cho con rõ. Con không chịu hiểu me Vy ơi.

Em cố vuột khỏi tay me:

- Con hiểu me. Me đừng thắc mắc, đừng bận tâm chi đến con hết.

Me khóc ròng:

- Con đừng nói lẫy me. Me biết, con đang giận me.

Dì Nguyệt đã hiểu ra câu chuyện:

- Thúy Vy hãy thương me, đừng ích kỷ quá. Nghe lời dì, vui vẻ lên để me an tâm làm lại cuộc đời. Me vẫn thương yêu cháu, vẫn thương Cu Quang và Bích Ty mà.

Chung quanh em, những gương mặt đang nhìn em như chờ đợi. Mái tóc bạc phơ của ngoại, khuôn mặt tròn trĩnh của dì Nguyệt và đôi mắt đẫm lệ của me, tất cả đang quay tròn trước mặt em. Em ôm lấy đầu, em ngồi xuống sa lông. Me đến bên em:

- Thúy Vy, con nghĩ sao ?

Em cúi đầu:

- Tùy me, con mô có quyền.

- Đừng nói rứa, hãy cho me biết ý kiến của con.

Trông me thảm hại quá chừng, đầu tóc rối bù, áo quần nhăn nhúm. Em không còn lý do gì để làm me khổ thêm nữa. Em nói không ra hơi:

- Ý kiến của con... ý kiến của con... thì con tùy me.

Me nắm chặt tay em:

- Thúy Vy, con bằng lòng rồi hả con ?

Em gật đầu. Em nhìn chăm chăm vào chiếc vòng ngọc đeo nơi cổ tay trắng tròn của me. Dì Nguyệt nói với chị:

- Chị thấy chưa ? Con Thúy Vy nó biết thương me lắm mà.

Bà ngoại nhìn dì Nguyệt, dò hỏi:

- Nguyệt, con Vy nó nói răng ? Tao nghe không rõ.

- Nó chịu rồi mạ.

Bà ngoại thở phào:

- Giỏi, giỏi. Rứa là khỏe ru chưa, rứa là mi hết lo ngại chưa Hà. À, mi đã thưa chuyện với chị bên nhà chưa ?

Me vẫn nắm tay em:

- Dạ, mạ con cũng biết sơ sơ rồi, chắc mạ con cũng bằng lòng. Mạ con có cảm tình với anh Huy lắm.

Em đứng dậy:

- Mình đi về, me.

Dì Nguyệt cản:

- Khoan đã, chị và cháu ở lại ăn cơm. Bữa ni có làm bánh ướt với thịt nướng, ngon lắm.

Me nhìn em, em lắc đầu:

- Thôi me, con... con muốn về nhà.

Me cười:

- Cô bé đòi về, thôi để khi khác. Vả lại phải đưa nó về kẻo trưa bà nội trông.

Thúy Vy à, mày chỉ được me chìu chuộng trong một thời gian ngắn nữa thôi. Rồi me sẽ đi theo bác Huy, mày ở nhà coi sóc hai em bên cạnh bà nội. Mày không thể bỏ bà nội để hòa mình vào nếp sống mới cùng me và bác Huy được. Bà nội đáng yêu, bà nội khả kính, bà nội hy sinh suốt cuộc đời để nuôi nấng hai đứa con trai nên vóc nên người. Người con trai đầu chết đi, niềm hy vọng trong đời nội đã tắt lịm như ánh sao hôm cuối chân trời xa. Tội nghiệp bà nội già nua, sau ngày chú Minh đổi vào Đà Nẵng, bà chỉ biết tìm nguồn an ủi bên cạnh người con dâu hiếu thảo và ba đứa cháu nội xinh xắn dễ thương. Nội sắp mất thêm người con dâu mà bà đã hằng xem như con gái bà . "Thằng Bảo mất rồi thì con Hà sẽ là con gái tao", nội thường bảo thế, rồi nội cười, chiếc miệng móm và đôi mắt sáng trưng.

Em bằng lòng, em sẽ ở lại với nội mãi mãi. Me có quyền sống bên bác Huy. Thỉnh thoảng me đến thăm các con và nội là đủ rồi. Em không mong gì hơn, em không đòi hỏi gì hơn được nữa. Em đã thất bại rồi. Con cừu non khuất phục trước chú cáo già thì không lấy gì làm ngạc nhiên.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 4
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>