Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

CHƯƠNG VI_BỨC TRANH DÒNG HỌ NGUYỄN


CHƯƠNG VI

CẢ NGƯỜI LẪN TRANH MẤT TÍCH


Đi Đà Lạt vội vàng. Về Saigon cũng vội vàng. Vừa về tới nhà, việc đầu tiên của lão Mười là kiểm soát xem Thiện Cơ có còn đó hay không, hay là đã rông đi đâu mất tích rồi.

- Có đâu? – Y đập tay vào cửa sắt gọi – Có đâu, mở cửa cái coi.

Có lên tiếng thưa:

- Dạ, để con kiếm xâu chìa khóa.

- Ở nhà hổm rầy có chi lạ không? – Y vừa bước vào nhà vừa hỏi.

Rồi không đợi nghe Có trả lời, y sồng sộc chạy xuống nhà dưới, đảo mắt ngó quanh, liếc thật nhanh lên tường cạnh tấm giường của Có.

Bức tranh vẫn còn đó, y nguyên. Thế là yên chí lớn. Có thể coi là chắc như cua gạch món ba trăm ngàn sẽ nắm trong tay. Dù chẳng nhiều nhặn gì nhưng đó cũng chẳng phải là một món tiền nhỏ nhoi mỗi lúc mỗi kiếm ra một cách dễ dàng.

Bây giờ y mới dám phóng tâm nghỉ ngơi sau hai ngày đi lại vất vả.

- Có à! – Y đặt ly nước ngọt xuống bàn, quay đầu xuống bếp gọi – Trời hãy còn sớm, mày lấy xe lại Trường Đua căng lều lên mà làm việc, may ra còn kiếm được một mớ đỡ khổ. Mấy hôm đi tiêu hết nhẵn cả tiền…

- Dạ! – Có ngoan ngoãn vâng lời.

Vừa định thay đồ mát nằm nghỉ, y sực nhớ hôm nay là chủ nhật, có những độ ngựa gay cấn mà không bao giờ y chịu bỏ lỡ trừ những khi ốm liệt giường.

Y gọi vợ lại bảo:

- Bà với thằng Tỷ ở nhà nhé. Tôi phải ghé Trường Đua một lát cho đỡ ghiền.

- Ờ, đi đâu thì đi, miễn sao đừng về hạch tiền tôi là được rồi.

*

Tối mịt hôm ấy, y lần về nhà, thất thểu như một người vừa ốm dậy. Y ngạc nhiên thấy trong nhà tối om. Thì ra cả nhà đi vắng hết, cửa đóng có khóa trái ở ngoài.

- Ông Mười đó hả? – Bà Ba bên hàng xóm hỏi vọng ra.

- Phải, tôi đây. Chi đó, bà ba?

- Bà Mười đi khỏi, chắc lại đi đậu chến. Một lát sau, cậu Tỷ cũng đi luôn. Gửi tôi chìa khóa… Chìa khóa đây, ông Mười.

- Cám ơn bà Ba.

Y mở khóa vào nhà, bật đèn lên, ngồi chưa nóng chỗ đã thấy mụ vợ bò về, phờ phạc như người mất hồn.

- Đen ơi là đen – mụ lau mồ hôi than thở – thua không còn một đồng bạc dính túi!

- Tôi cũng đâu có hơn gì bà! – Mười thở dài than – Chưa bao giờ bị ngựa đá tới tấp và đau như kỳ này. Hết cả tiền về xe, phải năn nỉ người ta cho quá giang đến đầu đường, rồi lết bộ về nhà đó.

Lát sau, y an ủi vợ, mà cũng là tự an ủi mình:

- Thôi, bà nó ơi! Cờ bạc có canh đỏ canh đen, người ta cũng có lúc lên lúc xuống. Trời sắp cho vợ chồng mình hưởng cái hoạnh tài nên bắt vợ chồng mình phải chịu một chút thử thách đó thôi… Thôi, chịu khổ cực vài hôm, rồi tha hồ mà phong lưu.

Mụ vợ thở dài thườn thượt, vào trong sân rửa mặt. Bỗng kêu thất thanh:

- Chết rồi, ông ơi!

Lão Mười cuống lên, hỏi dồn dập:

- Cái gì thế? Cái gì thế?

Mụ vợ đứng như trời trồng, mắt thất thần ngó lên bức tường trơ trọi cạnh tấm giường xiêu vẹo của Có.

- Bức tranh… bức tranh đâu mất rồi? – Mụ nói không ra hơi, thều thào như người sắp thở hắt ra.

Người chồng, mặt cắt không còn hột máu, cũng thở hắt ra luôn:

- Chết tôi rồi! Chết tôi rồi!

Một lát sau, lại hồn, cả hai người quên cả mệt nhọc, cùng nhau lục lọi khắp nhà nhưng tốn công vô ích. Bức tranh đã biến mất.

Lão Mười là người tự trấn tĩnh được trước tiên. Uống một hơi hết ly nước đá lạnh, lão trầm ngâm suy nghĩ:

- Cái điệu này – lão nói – đúng là thằng con quý tử của bà chơi vố này đây!

- Ông nói sao? Ông nghi cho thằng Tỷ hả?

- Thì còn ai trồng khoai đất này? Bức tranh ấy không có giá trị gì đối với tất cả mọi người. Và ở cái đất Saigon này chỉ có vỏn vẹn năm người biết là nó quý giá mà thôi. Năm người đó là tôi với bà, thằng Tỷ, thằng Có và thằng Cường. Hai đứa này không lấy, hay nói đúng ra chúng không thèm lấy vì cả nhà mình đi vắng mấy hôm mà bức tranh vẫn còn cho đến khi mình về. Tôi không lấy, bà không lấy, thì lòi ngay ra thằng Tỷ lấy chứ còn ai vào đó nữa.

- Tôi sợ ông nghi oan cho con – mụ Mười cố chống chế.

- Oan! Thôi được! Để tôi hỏi kỹ lại xem cho bà biết oan hay ưng nhé!

Lão bước ra cửa, nói chõ sang nhà bên cạnh:

- Bà Ba có ở nhà không, cho tôi hỏi thăm một chút coi.

Có tiếng chân bước ra cùng lúc với tiếng trả lời:

- Chi đó, ông Mười?

- Chiều nay, thằng Tỷ nhà tôi gửi chìa khóa cho bà, có nhắn gì lại cho chúng tôi không hả bà?

- Không! Không có nhắn nhe gì hết.

- Cháu nó đi chơi một mình hay có bạn bè nào tới rủ?

- Cậu ấy đi một mình.

- Bà có thấy nó mang trong tay vật gì không?

Suy nghĩ một thoáng, bà Ba tươi cười đáp:

- Có, tôi thấy cậu ấy cắp ở nách cái gì lớn bằng tấm lịch treo tường, ngoài có bao bằng giấy nhật trình.

- Thôi, đúng rồi! – Lão lẩm bẩm, đứng ngây người ra, một lát sau mới ngượng ngập cúi đầu nói với bà Ba:

- Cảm ơn bà Ba, chúng tôi làm phiền bà Ba nhiều quá.

- Dạ, không có chi.

Lão Mười quay vào nhà, ngồi phịch xuống ghế, bảo vợ:

- Bà thấy không? Đúng là thằng ông mãnh đã ăn cắp bức tranh. Không biết nó định giở trò ma bùn gì đây?

- Tôi thấy bức tranh có giá, nó túng tiền đem cầm thế lấy ít nhiều xài đỡ chứ gì – người vợ rụt rè nói.

- Có chó nó mua, có chó nó cầm – người chồng tức mình gắt – Tranh có giá là có giá với mình đây nè, chứ đằng thằng một bức tranh phong cảnh xẻ làm đôi thì còn đẹp đẽ nỗi gì! Ai cầm, ai mua thứ đó!

Suy nghĩ một lúc lâu, lão nói tiếp:

- Theo tôi nghĩ thì thằng con quý tử của bà định bắt chẹt mình đây. Nó đem gửi bức tranh ở nhà một thằng bạn nào đó thôi, mượn đỡ ít tiền xài. Thế nào ngày mai nó cũng vác cái xác của nó về đòi tiền chuộc.

Mụ vợ thở dài than:

- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng bây giờ cả ông và tôi, túi sạch nhẵn như chùi, lấy gì mà chuộc được. Thật chán con với cái! Chỉ một mực ăn chơi rồi phá!

- Thôi, để xem chiều nay sửa xe kiếm được đồng nào, bà giữ lấy rồi liệu dụ nó mà lấy lại bức tranh, hẹn ít bữa nữa lên Đà lạt lấy tiền về, muốn bao nhiêu cũng có. Bà nhớ nó trả tranh rồi hãy đưa tiền nhé… Ủa! Mấy giờ rồi? Sao tối đã lâu ớn mà chưa thấy thằng Có về nhỉ?

- Ờ, tám rưỡi rồi, ông. Mọi ngày chỉ bẩy rưỡi là cùng nó đã về tới nhà. Hay có món khách nào tới trễ, nó phải nán lại làm rốn cho xong chứ gì!

Chưa nói dứt câu đã nghe có tiếng xe máy đậu ngay cửa.

- Chắc nó về đó!

Cả hai người ngóng cổ chờ. Có tiếng Cường hỏi vọng vào:

- Em Có có ở trong nhà không, hai bác?

- Ủa! Mời cậu Cường vào chơi – lão Mười chạy ra mở rộng cửa, mời đon đả – Em nó chưa về. Không hiểu bận công chuyện gì mà giờ này chưa thấy trở về.

- Cháu vừa ở đàng Trường Đua lại đây – Cường nói – Hồi chiều, Có không có mặt ở chỗ sửa xe. Cháu đi cắm trại ở Lái Thiêu về, có mấy quả măng định mang lại cho Có thì chỉ thấy cái lều không. Có đi đâu mất, xe Honda cũng đâu mất tiêu luôn. Thằng Sún con ông Năm ở lều bên cạnh cho biết rằng hồi chiều, lúc sâm sẩm tối, có một người lạ mặt, cao lớn, ăn mặc như lính kín, dựng chiếc xe Suzuki ở cạnh lều, vào nói chuyện gì với Có một lúc, rồi thấy mặt Có tái xanh, lấy xe ra, nhờ thằng Sún trông lều giùm trước khi đi theo người lạ mặt. Không biết là đi đâu.

Lão Mười mặt nhăn nhó, than thở:

- Thật là tai họa! Rắc rối vô cùng! Biết làm sao bây giờ đây?

Rồi lão năn nỉ:

- Thôi, trăm sự nhờ cậu Cường. Cậu nhủ lòng thương kiếm nó cho vợ chồng tôi.

- Hai bác cứ yên tâm – Cường nói – Ba cháu quen lớn với mấy ông trong Bộ Chỉ huy Cảnh sát. Để cháu về thưa với ba cháu điện thoại nhờ mấy ổng ra lệnh cho các Quận kiếm giùm thế nào cũng ra.

- Thôi, cậu Cường – lão Mười vội lên tiếng cản – Đừng phiền đến cơ quan Cảnh sát vội. Xưa nay, tôi vốn có cái tật là rất ngại có chuyện, bất cứ chuyện gì, với mấy ông Cảnh sát.

- Cháu nghĩ nhiều khi tránh cũng không được, bác ạ. Là vì có thể một Quận, một Ty, hay một Chi cuộc nào đó đã bắt giữ Có vì bất cứ một lý do nào… Nếu không can thiệp kịp thời, cháu e…

Càng nghe, vợ chồng lão Mười càng cuống lên.

- Vâng – mụ vợ nói – thôi trăm sự nhờ cậu Cường đó. Cậu cố giúp chúng tôi phen này được… tai qua nạn khỏi…

*

Chiều hôm ấy, Có vừa làm xong mấy mối, kiếm được mấy trăm bạc, đang mải o bế mấy món đồ phụ tùng mà khách hàng có cảm tình mang cho, thì Hải đậu xịch chiếc xe Suzuki đen ở trước lều.

Hải, một nhân viên Cảnh sát đang nghỉ phép nên bận thường phục, cũng là một khách hàng quen của Có. Y rất mến thương Có vì cậu bé này có đủ những đức tính của một người thợ giỏi : rành nghề, thông minh và thực thà, nhất là thực thà.

- Có ơi – y nói choang choang – có rỗi coi giùm anh cái xe!

- Dạ, nó sao đó anh? – Có hỏi.

- Nó mới dốc chứng, chạy nhanh thì không sao, mà hễ cứ đến chỗ đông, khẽ thắng cho chạy chậm lại một chút là y như rằng ông ấy tắt máy. Bực mình hết sức!

Y bước vào lều, nói ba điều bốn chuyện với Có lúc ấy còn bận loay hoay xếp lại mấy món đồ nghề cho có ngăn nắp. Cả hai vô ý quay lưng ra ngoài.

Hải chợt giật mình kêu:

- Chết cha! Nó thổi mất xe rồi, Có ơi! Hừ, láo thật! Quân này láo thật.

Có lật đật đẩy chiếc Honda ra, còn trông thấy hút chiếc Suzuki đen phóng hết tốc lực về phía Bẩy Hiền.

- Sún ơi! – Có gọi thằng nhỏ ở lều bên cạnh – Trông lều giùm anh một lát nhé.

Rồi quay lại giục Hải:

- Anh lên đây em chở. Xe ấy chạy không lại xe em đâu, nhất là nó có tật như anh vừa kể.

Xe phóng vun vút, nhưng vì đường chật người đông phải lách tránh mất thì giờ nên đến Trường Nữ Quân Nhân thì mất hút chiếc Suzuki. May được một khúc đường vắng, xe lao nhanh như gió. Gần đến ngã tư Bẩy Hiền đã thấy dạng một tên du đãng cao kều đang lạng chiếc xe đen ở đàng trước.

- Quân này to gan thật! – Hải hăm he – Chưa biết chủ xế là ai mà nó dám thổi! Quả là điếc không sợ súng!

Khoảng cách mỗi lúc một thâu hẹp. Hải đắc chí:

- Phen này ăn đòn rồi, con ơi! Phải cho quân này một trận thật mê tơi, rồi tống cho nằm ấp mới đáng kiếp! Ai đời xểnh ra một chút là ăn cắp! Loạn quá!

Tên quái xế dường như chưa biết nguy cơ đã gần kề. Y chắc mẩm nuốt ngon miếng mồi vì trời nhá nhem tối rất khó phân biệt ngay gian và y đã về gần tới sào huyệt. Bỗng một chiếc xe hơi chạy ngược chiều lao tới. Y vội lách tránh. Đường chỗ này quá đông. Xe khựng lại, rồi tắt máy. Y cuống lên đạp, máy chưa chịu nổ thì một tiếng còi cảnh sát ré lên cướp tinh thần. Y hốt hoảng quay lại, nhận ra xe Có đang lao tới. Thấy rõ cả Hải ngồi sau lưng ngó lom lom trông dữ như một hung thần.

- Chết mẹ rồi!

Y chửi thề. Tuy tiếc đứt ruột, tên cao kều đành phải quăng xe lại, co giò phóng mình vào một con hẻm chạy tháo thân.

Trèo lên xe, chàng cảnh sát bảo bạn:

- Anh nhận ra thằng này rồi. Thằng Chi Cao trong băng thằng Tuệ Sếu ở bẩy Hiền đây mà. Thằng nhãi cũng khôn hồn đấy! Không thì phen này ốm đòn!

Chợt có tiếng gọi:

- Có! Có! Đi đâu đấy?

Có ngửng lên nhìn, mừng rỡ reo lên:

- A! Anh Cường! Anh đi cắm trại đã về!

Hải vỗ vai Có, bảo:

- Thôi, Có về sau với bạn nhé. Tối rồi, anh phải về nhà gấp. Bữa nào rảnh anh sẽ ghé.

Có lễ phép chào:

- Dạ, anh lại nhà.

Sau khi nghe Có kể chuyện đuổi theo tên ăn cắp xe, Cường cười bảo:

- Thằng Chi Cao cùng một băng với thằng Tuệ Sếu và thằng Tỷ đó. Anh vừa trông thấy thằng Tỷ ôm một vật gì to bằng tấm lịch treo tường, ngoài bọc giấy báo, bước vào trong xóm thằng Tuệ ở ngã tư Bẩy Hiền.

- Không khéo lại là bức tranh của em cũng chưa biết chừng.

- Có thể! Nhưng dù có vậy cũng không sao. À, Có này, đây cũng là một dịp tốt để ta đánh một đòn quyết liệt cho ông bà Mười tối tăm mặt mũi… Bây giờ, em đừng về nhà nữa. lại anh ngủ đỡ một đêm đi. Cơm tối xong, anh sẽ tạt qua nhà em, hù cho ông bà Mười mấy câu. Rồi sáng mai, anh dẫn em về, thế nào ông bà ấy cũng phải lo đưa trả em lên Đà Lạt gấp.

*

Chín giờ sáng hôm sau. Vợ chồng Mười Cá Ngựa đang ngồi phờ phạc trong nhà, bỗng nghe thấy tiếng máy xe quen thuộc đậu trước nhà, ngó ra thấy Cường và Có thì mừng như bắt được vàng.

- A! Cậu Cường tới! A! Thằng Có về!

Cường vào nhà, nói tía lia:

- Y như rằng là Có bị người ta tố cáo mua của gian để thay đồ cho khách. Thư nặc danh, tố cáo vu vơ chẳng có bằng chứng gì, nhưng nếu không can thiệp kịp thời cũng dám ăn đòn lắm. Tệ một cái là người ta hỏi nó tên chi, nó cứ một mực khai tên là Có. Không biết họ, không rõ ngày sanh, cũng không rành được tên cha mẹ nữa. Thằng nhỏ cù lần hết sức. Họ bực mình, đã suýt nổi sùng. May sao, ba cháu điện thoại hỏi ra nơi giữ Có nên cháu tới vừa đúng lúc. Cháu khai đại cho em : Tên là Nguyễn Thiện Cơ, 14 tuổi. Con ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Phạm thị Kim, cả hai đều quá cố. Cháu gọi ông Nguyễn Thiện Sỹ, kỹ nghệ gia ở Đà lạt bằng chú ruột. Hiện tạm trú ở nhà bác đây. Quả tình mới 14 tuổi, chưa đến tuổi khai lược giải cá nhân. Có giấy khai sanh làm bằng chứng. Nếu không tin, bác sẽ thân hành mang khai sanh tới xuất trình…

Mười Cá Ngựa càng nghe càng biến sắc. Bụng bảo dạ : Thằng ranh con này sao cứ y như là ma xó, cái gì cũng biết, mà lại biết thật rành mới chết chứ! Thôi, phải rồi, đúng nó là đầu dây mối nhợ tất cả chuyện này đây. Nếu không lo mau mau giải quyết cho êm đẹp, nó dám nổi sùng dẫn lão Sỹ về Saigon trình khai sanh cho Cảnh sát rồi nhận cháu thì mình chỉ còn có nước bơ mỏ, mất mẹ nó cả chì lẫn chài!

Dọn một bộ mặt thật tươi, y đon đả cảm ơn và bóng gió hứa hẹn:

- Cảm ơn cậu Cường rất nhiều, cậu giúp đỡ chúng tôi tận tình. Nhất định là không đời nào chúng tôi dám quên ơn… Cậu bận tâm đến thằng Có, chúng tôi cũng bận tâm không kém. Thế nào chúng tôi cũng phải lo giải quyết cho dứt khoát chứ không thể để lằng nhằng như thế này mãi được. Vừa yên thân cho thằng Có… Vừa yên cả phận chúng tôi…

*

Cường đi khỏi được một tiếng đồng hồ thì thằng Tỷ ở đâu dẫn xác về, nó cười nhăn nhở.

- Thằng quỷ kia – bà Mười hét – mày cất bức tranh đâu?

- Tranh nào hả má? Con đâu có biết. – y điềm nhiên trả lời.

- Thôi đừng có làm bộ ngây thơ, mày không biết thì còn ai vào đây biết nữa. Khôn hồn đưa ra trả ba mày, kẻo ông ấy nổi điên đánh cho gẫy gối tối mặt, không ai can nổi đâu.

Mười Khoái từ nãy giờ ngồi chẳng nói chẳng rằng, lừ lừ đứng dậy, đi tới trước mặt thằng Tỷ, nhìn nó bằng đôi mắt thật nghiêm khắc:

- Tỷ, tao hỏi mày một câu, phải trả lời cho đúng không thì chết đòn. Bức tranh của thằng Có mày có lấy không?

- Thưa ba, có – Thằng Tỷ run giọng trả lời.

- Mày để đâu?

- Con gửi ở nhà thằng bạn.

- Nhà đứa nào?

- Nhà thằng Tuệ ở ngã tư Bẩy Hiền.

- Muốn sống đi lấy ngay về đây cho tao.

Tuy sợ rúm người, nhưng thằng Tỷ vẫn chưa chịu đi. Cha nó quát:

- Đi lấy ngay đi! Sao còn đứng xớ rớ đó?

Nó rụt rè năn nỉ:

- Ba má cho con tiền…

- Tiền gì? – Mười Khoái gay gắt hỏi – Bộ tiền chuộc hả?

Thằng Tỷ đã dạn dĩ hơn, phân trần:

- Thưa ba, không phải tiền chuộc. Nhưng con xin ba má cho con ít chục ngàn…

- Ít chục ngàn? Để làm gì? – cha nó hỏi gắt.

- Dạ, để xài… để xài cho bằng người ta.

Mười Khoái cười gằn, rồi thở dài, mắng:

- Mới ba tuổi ranh, đi học sao không lo học cho bằng người ta? Lại bầy đặt theo băng này băng nọ, tập tành hút xách, bài bạc, toàn những trò chơi mất dậy. Nhà nghèo, bản thân chưa kiếm ra một đồng bạc về giúp đỡ gia đình, đã tiêu xài vung vít cho bằng những đứa con nhà giàu “phá gia chi tử”. Cái điệu này chả mấy chốc đi vào con đường giật dây chuyền hay ăn cướp xe… Rồi tù rạc lúc nào không biết…

Thằng Tỷ đứng chịu trận, không dám cãi nửa lời. Bà Mười thương con, dỗ dành:

- Ba dậy thì phải nghe lời mà sửa đổi. Từ rày không được chơi bời lêu lổng nữa nghe con. Thôi, cho mấy trăm cầm lấy mà ăn quà. Ra lấy xe lại ngay nhà thằng Tuệ đem bức tranh về đây. Ít bữa nữa, ba mày lên Đà Lạt có tiền, sẽ đâu có đó.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>