Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

CHƯƠNG I_BỨC TRANH DÒNG HỌ NGUYỄN


CHƯƠNG I

NGƯỜI BẠN NHỎ


Cuối tháng chạp dương lịch, trời hết mưa, phố xá Đà Lạt đẹp như những bức tranh mầu in trên các tấm bưu thiếp.

Không khí trong như lọc. Hai hàng cây cao ngất bên vệ đường vươn những cành lá xanh tươi thâu góp tất cả cái nóng của mặt trời chiều đổ xuống. Một hơi gió thoảng qua, vòm cây xào xạc, reo vui, buông vội xuống năm ba vạt nắng vàng tươi, hòa hơi ấm mặt trời vào trong cái mát lạnh của không gian.

Vẻ đẹp thanh tao ấy đã quá quen thuộc với dân địa phương nên dường như chỉ có khách du mới tế nhận được mà thưởng thức.

Cường, một thiếu sinh Hướng Đạo, hành trang cắm trại khoác trên vai, vừa đi vừa huýt sáo trong bức tranh cậu thấy đây không phải lần đầu. Bước những bước thật chậm rãi như cố ý ngâm tắm trong bầu không khí sạch lành, trút cho hết những mệt nhọc và bụi bặm của non một ngày ngồi ru rú trên xe đò oi bức.

Mải mê nhìn cảnh đẹp, đến văn phòng xưởng đồ hộp Kiến Bình lúc nào cũng không hay. Chưa kịp bước vào đã nghe có tiếng reo vui từ trong nhà vang ra:

- A, anh Cường! Anh Cường!

Một chú bé chừng 12 tuổi chạy ra, sà vào lòng Cường. Hai anh em ôm nhau âu yếm.

- Anh Căn có nhà không Chính? – Cường hỏi, tay vỗ vỗ vào lưng chú bé.

- Thưa anh, có. Anh em đang dậy bé Trúc học trên lầu. Anh vô nhà đi, để em lên gọi.

Nói xong, Chính chạy ù lên thang lầu, vừa chạy vừa la:

- Anh Căn ơi! Có anh Cường ở Saigon lên chơi đó! 

Tiếng nói của Chính trong và ấm, có một âm thanh đặc biệt. Tiếng nói ấy, Cường đã nghe quen, nhưng lần nầy nó lại gợi cho cậu nhớ lại một kỷ niệm tuy mơ hồ nhưng mới mẻ.

Tay nhẹ nhàng gỡ túi hành trang trên vai, mắt đăm đăm ngó vào khoảng không, Cường băn khoăn suy nghĩ…

Căn từ trên lầu chạy xuống, tay bắt mặt mừng:

- Cường vừa lên tới hả? Sao không viết thư báo trước cho tao hay?

- Báo trước làm gì? Để cho mày ngạc nhiên, sướng hơn! À, hai bác đâu?

- Chú thím tao bận rộn suốt ngày bên xưởng. Nhưng chú tao cũng sắp về đây lo ít giấy tờ gì cho khách.

Cường lắng nghe bạn nói, chăm chú đến âm thanh hơn là đến ý nghĩa, lòng ngẩn ngơ suy nghĩ : Lạ thật! Sao giọng nói anh em thằng này cũng có cái âm điệu kỳ đặc ấy nhỉ?

Thấy nét mặt đăm chiêu của Cường, Căn vỗ vai bạn, cười trêu:

- Làm chi mà lo ra vậy? Thằng này kỳ quá ta! Mới xa Saigon có một ngày mà đã như người mất hồn. Nhớ ai đó bạn?

- Chuyện đứng đắn mà mày – Cường nghiêm trang đáp – Ở Saigon, tao mới quen một người bạn nhỏ có tiếng nói giống hệt tiếng nói của anh em mày nên tao mới lấy làm lạ lùng mà suy nghĩ chứ.

- Ủa! Hay là em tao đó cũng chưa biết chừng à. – Căn nói, nửa đùa, nửa thật – Nó mặt mũi thế nào, kể mau tao nghe đi.

Một giọng nói y hệt tiếng Căn cất lên khiến Cường giật mình quay lại:

- Phải đó, cậu Cường làm ơn kể cho bác và em Căn nghe đi.

Ông Sỹ, chú của Căn, đã từ xưởng trở về, vào nhà lúc nào mà không một ai hay.

Cường vội chắp tay chào:

- Lạy bác ạ! Thưa hai bác vẫn được mạnh giỏi?

- Cảm ơn cháu, hai bác nhờ trời vẫn mạnh. Cháu lên đây cắm trại hả? Cắm trại xong, ở đây chơi với các em lâu lâu nhé. Thế nào, hai bác đàng nhà vẫn được bình an cả đấy chứ?

- Thưa bác, vâng. Ba má cháu có lời lên kính thăm hai bác. Đoàn của cháu lên đây cắm trại ba hôm. Cháu lên trước một ngày chơi với anh Căn, ngày mai cháu mới họp trại.

- Vậy hả? Cháu đi đường chắc mệt nhọc, hãy vào tắm một cái cho nó mát đã rồi ra nói chuyện Saigon cho bác nghe.

. . . . . . . . . . . .

Cường ở Cư xá Lữ Gia, sáng nào cũng chạy xe Honda qua đường Nguyễn văn Thoại, dọc Trường đua Phú Thọ để đến trường Hưng Đạo.

Mấy tháng nay, cậu chú ý thấy bên hông Trường Đua mọc lên nhiều túp lều bán nước ngọt và sửa chữa xe gắn máy. Các bạn cậu thường chỉ cho cậu thấy một chiếc lều căng vuông vắn, rộng rãi và ngăn nắp nhất, và giới thiệu:

- Thằng nhỏ sửa xe giỏi số dách và cũng thực thà số dách!

Một buổi sáng trời mưa, Cường vừa ra khỏi nhà được một quãng, đến góc Trường Đua thì xe cán phải đinh không đi được nữa. Mặc dầu ngay cạnh đó có một tiệm sửa xe đang vắng khách, Cường vẫn cố đẩy xe đi mấy chục thước đến căn lều của chú bé.

Thật là “danh bất hư truyền”, mới hết giờ giới nghiêm ngót một tiếng đồng hồ mà lều chú bé đã đông khách. Một ông già vừa trả tiền dắt xe ra, một bà đang đợi chiếc ruột xe ép gần xong. Chú bé làm việc không ngơi tay, vội tháo vỏ xe Cường ra tìm chỗ thủng, loay hoay vá.

Bà khách lấy xe ra, vừa trả tiền xong đã thấy một cô ăn mặc sang trọng đẩy một chiếc PC 50 tới, năn nỉ:

- Chú em làm ơn sửa giùm gấp chút. Chả biết hư cái gì mà đạp hết hơi không thấy nổ máy. Trời ơi! Sáng nay dám trễ giờ quá!

Chú bé đạp thử mấy cái, lắng tai nghe, rồi cúi xuống mở máy lau chùi.

- Hư bu-di hả? – Cô gái hỏi – Mới thay ở đàng kia chưa được nửa tháng mà đã vậy. Thôi, cứ thay đại giùm cái khác đi cho được việc.

Chẳng nói chẳng rằng, chú bé loay hoay vài phút, đứng lên đạp, máy nổ ròn tan. Mặt cô gái đng khó đăm đăm bỗng tươi hẳn lên, nụ cười rạng rỡ.

- Bao nhiêu, chú em? – Cô gái vừa hỏi vừa lo le tấm giấy bạc hai trăm.

- Thôi, – chú bé lắc đầu đáp – có sửa chi đâu mà lấy tiền. Bu-di còn tốt, không giữ gìn, để nó dơ nên sanh chứng vậy. Lau sạch là máy chạy tốt ngay.

Tiếng nói trong và ấm, Cường nghe quen quen, nhưng nghĩ mãi không ra giống tiếng nói của ai.

Nói xong, chú bé quay vào cúi xuống lắp xe cho Cường, không nghe thấy cô gái cảm ơn trước khi tần ngần dắt xe ra, cũng không trông thấy hai người, một đàn ông, một đàn bà, sồng sộc bước vào trong lều từ lúc nào.

Người đàn bà cong cớn:

- Ngu ơi là ngu! Không đổ đâu cho hết cái ngu vậy đó! Như vậy mà không biết đập cho thẳng tay thì là ngu hết chỗ nói!

Người đàn ông quất thêm:

- Bu-di còn tốt thì càng hay chứ có làm sao! Cứ liệng mẹ nó vào một xó, lấy cái nào cũ cũ mà còn xài tạm được lắp thế vào, rồi quất thẳng cánh hai bò cho tao xem có được không nào? Đầu óc mày làm sao, tao dậy mãi mà chưa thấy khôn hơn được một chút xíu nào gọi là có!

Mắc cỡ thay cho miệng người nói cũng như cho tai người nghe, Cường bước ra khỏi lều, ngắm trời ngắm đất.

Nhưng cơn mưa quái ác ở đâu bỗng đổ sập xuống, buộc Cường phải bước trở vô lều, bất đắc dĩ phải nghe đầy tai những lời dậy khôn chú bé:

- Sao động một chút mày lại cứ vác mấy cái tiếng “lương thiện” vô duyên học được ở nhà trường ra dọa tao vậy? Mày thấy mấy người lương thiện tay làm hàm nhai có người nào đủ sống không, hay là chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai, chứ đừng nói đến lên xe xuống ngựa? Bộ mày tưởng những người có tiền triệu, tiền tỷ, ăn sung mặc sướng đều là những người làm ăn lương thiện cả hay sao? Tao muốn dậy cho mày mở mắt ra, sau này ấm vào thân mà mày vẫn chứng nào tật nấy không chịu nghe. Sao mày ngu vậy?

Ngoài trời, mưa càng lúc càng nặng hạt. Chẳng đặng đừng, Cường phải lên tiếng bênh vực cho chú bé:

- Thưa ông, chú bé này làm việc giỏi mà thật thà. Đó là hai điều thiết yếu để thành công. Ai cũng mến chú bé, người nọ mách bảo cho người kia nên cửa hàng chú bé lúc nào cũng đông khách. Ông coi mạn này thiếu gì chỗ sửa xe mà có chỗ nào đắt khách bằng chỗ này đâu… Ông đi xe, thường đổ xăng chắc rõ vụ này. Trạm xăng nào ăn gian đổ xăng thiếu, khách chỉ mắc lận một hai lần mà thôi, rồi nổi giận bỏ đi đổ xăng chỗ khác dù không thuận đường. Còn trạm nào đàng hoàng, đong xăng đầy, thối tiền đủ thì lúc nào cũng gạt ra không hết khách. Vậy có phải là làm ăn lương thiện bao giờ cũng được tiếng tốt và thâu lợi lâu bền không? Người ta kêu là ăn ít mà no lâu là vậy đó.

Người đàn ông cứng họng, chưa biết chống chế ra sao, may chú bé lên tiếng cứu nguy:

- Xe xong rồi, anh.

Cường trả tiền, cảm ơn chú bé, gật đầu chào hai người kia, dắt xe ra.

Trời lại đổ mưa. Cơn  trước vừa dứt hạt, cơn sau lại ập xuống rào rào… Đành dựng xe lên, lấy áo mưa ra mặc.

Trong lều, tiếng người đàn bà the thé vang lên:

- Từ sáng đền giờ, được bao nhiêu? Đưa đây!

Có tiếng nhỏ nhẹ:

- Hai người sửa chút đỉnh, mỗi người một trăm. Một miếng vá ba chục. Hai người mỗi người hai miếng vá năm chục. Tất cả là ba trăm ba, kể cả năm chục vừa rồi.

Tiếng người đàn bà lại cất lên, nghe khó chịu hết sức:

- Từ sáng đến giờ, lâu ớn rồi mới kiếm được có ba trăm ba thôi hả? Trời ơi, làm ăn cái điệu này có ngày chết đói rã họng cả đám. Tao chắc thế nào mày cũng đã cho lọt lưới vài ba cái bánh bao hay một vài tô hủ tíu rồi chứ chẳng không. Có! Đứng dậy, lại đây biểu! Từ sáng đến giờ, mày đã nốc những gì rồi?

Tiếng trả lời thật khẽ, thật tội nghiệp, nghe như có trộn nước mắt:

- Thưa chưa.

- Chưa? Tao tin hổng vô… Thôi, thằng ông mãnh, đưa ba trăm đây. Còn ba chục đó, cho mua xôi mà ăn. Chiều không đủ hai ngàn mang về, mày chết mấy tao!

. . . . . . . . . . . .

- Thưa bác – Cường tiếp tục kể – chú bé thật dễ thương hết sức. Lần đầu tiên, vừa nghe tiếng nói của y có một âm thanh quen thuộc, cháu có cảm tình ngay. Sau bữa ấy, cháu lựa những lúc y vắng khách, lân la làm quen. Trước y còn ké né, sau dạn dần. Y thua cháu hai tuổi nên xưng em và kêu cháu bằng anh.

- Nó tên chi? Mặt mũi ra sao? – Ông Sỹ sốt sắng hỏi.

- Thưa bác, nó tên Có, nghe người ta quen gọi là thằng Có Honda. Có mặt mũi sáng sủa, trán cao và rộng, mặt cũng vuông chữ điền như mặt anh Căn vậy đó bác. Đôi mày vẽ đậm nét và hơi xếch trên cặp mắt tinh anh, mũi thẳng, miệng cười khá tươi, chân tay rắn rỏi, thân hình cân đối. Trông không khác gì anh Căn đây là bao. Bác cứ tưởng tượng anh Căn má hóp đi một chút, tay chân to và đen đủi thêm một chút, nét mặt cũng kém vui đi một chút là bác thấy ngay hình ảnh khá trung thực của chú bé.

- Phải rồi – ông Sỹ trầm ngâm nói – Chắc đời sống của nó khổ cực và lam lũ lắm, phải không cậu?

- Thưa bác, không hẳn vậy. Tuy quần áo không được lành lặn gì cho lắm, nhưng được cái y biết giữ gìn sạch sẽ nên trông không có vẻ lam lũ khổ sở. Rõ ràng là y làm thợ quần quật suốt ngày, thế mà dù mới thoạt trông thấy hay là đứng ngắm cho kỹ đố ai không bảo y là con nhà gia thế vì gặp bước không may nên mới ra nông nỗi.

- Anh gặp y thường hả? – Căn vồn vã hỏi.

- Ừ, thằng nhỏ ngoan vô cùng. Được học đến nửa chừng lớp nhì (bây giờ là lớp bốn) thì phải bỏ dở vì biến cố Tết Mậu Thân. Mấy năm nay không được học hành gì, nhưng khi trước, lúc sáu bẩy tuổi, được học hai năm chương trình Pháp mới ngộ chứ. Tôi mến nó lắm nên những buổi trưa rỗi rảnh thường ghé vào lều dậy cho nó năm ba chữ. Nó chăm và sáng dạ nên qua chương trình lớp năm rất nhanh. Bây giờ đang theo ngon lành chương trình lớp sáu đó…

- Lạ nhỉ! – Ông chú hãng Kiến Bình nói một mình sau mấy phút trầm tư – Lạ nhỉ! Hai năm học chương trình Pháp… Tết Mậu Thân…

Bỗng quay sang Cường, ông đột ngột bảo:

- Lạ thật đấy, cậu Cường. Thế cậu có hỏi gia thế cậu ta ra làm sao không?

- Thưa bác, không. Cháu giữ ý không gợi chuyện gia đình sợ y buồn tủi. Cháu thấy cứ để mặc cho y tự ý thố lộ mỗi ngày một chút thì hơn. Gom lại những mẩu chuyện tâm sự của y thì thấy rằng y quả thật là con nhà khá giả, trước kia sống với ông cậu ở Saigon và học trường Ta-be, sau theo ông cậu ra Trung học tiếp chương trình Việt. Ông cậu làm ăn thất bại và chết sau Tết Mậu Thân. Trước khi chết, ông cậu, bà mợ giao y cho vợ chồng một người bà con. Ít ngày sau, vợ chồng người này cũng bị thương nặng ở dọc đường chạy loạn, lại giao cho một cặp vợ chồng quen biết khác. Hai người này không có họ hàng gì với y hết và chính là cặp vợ chồng cháu gặp trong lều sửa xe bữa nọ.

Thoạt trông, cháu đã biết ngay họ không thể nào là cha mẹ ruột của thằng Có được. Vì người đàn ông thì mặt có tướng tham và dữ, còn người đàn bà thì béo phục béo phịch, ăn nói hàm hồ thô lỗ, tịnh không có một nét nào giống thằng Có hết.

- Có, có phải là tên thật của y không? Y họ gì? – Ông Sỹ hỏi dồn dập – Cha mẹ y tên gì? Cậu mợ y tên gì? Cậu có hỏi kỹ không?

- Thưa bác, không. Thằng Có không nói, cháu cũng không hỏi.

- Sao bỗng dưng hôm nay gặp thằng Căn, cậu lại liên tưởng đến thằng Có vậy?

- Thưa bác, nguyên do là ở tiếng nói, âm thanh của tiếng nói. Cháu nhận thấy Trời sinh ra con người ta thật là một công trình kỳ diệu. Không những con cái có nét mặt và dáng dấp giống cha mẹ mà còn giống cả giọng nói tiếng cười nữa. Như trong gia đình cháu, tiếng nói của mấy anh em trai của cháu giống tiếng nói của ba cháu đến độ ngay người trong nhà cũng có khi lẫn tiếng người nọ ra tiếng người kia. Ở ngoài đường, ta có thể gặp một người nào đó rất giống với một người khác, nhưng khi nghe tiếng nói thì phân biệt được ra ngay.

Ngày mới gặp Có, cháu nhớ mài mại tiếng nói của y rất ư là quen thuộc, nhưng nhất đán không nhớ được là giống tiếng ai. Hôm nay, nghe tiếng reo của em Chính, rồi tiếng nói của anh căn, sau nữa là tiếng nói của bác, cháu mới chợt nghĩ ra. Thật rõ ràng là tiếng nói của cùng một dòng họ.

Thưa bác, chuyện đầu đuôi như thế. Cháu nghĩ sao, thưa vậy, nếu có điều chi thất thố, xin bác tha thứ cho cháu.

- Không – ông Sỹ vội nói – cậu suy luận hoàn toàn hữu lý. Có thể thằng Có đó là cháu ruột của tôi, tức là em ruột thằng Căn đó, cậu Cường à.

Cường trố mắt kinh ngạc ngó ông chủ hãng đồ hộp Kiến Bình đứng nghiêm trang, chắp hai tay lên trán, mắt lim dim, khấn vái:

- Lạy Trời phù hộ cho con, lạy vong hồn anh chị sống khôn thác thiêng phù hộ cho em sớm tìm cho ra thằng Cơ để gây dựng cho nó nên người.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>