Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

CHƯƠNG HAI (IV)_VẾT CHÂN CHIM


Hoài nhìn ra ngoài cửa xe với những cây cối, nhà cửa hai bên đường chạy vùn vụt về phía sau, rồi quay vào:
 
- Gần tới rồi. Cậu biết Bùi Gia Trang không? Chỗ ấy đấy. Chỉ qua một tí thôi.
 
- Chắc từ ngoài vào phải đi bộ.
 
- Ừ, mà đi bộ càng vui chứ sao. Có dịp để hò dô ta.
 
Chiếc xe đi đầu đã chạy chậm lại. Tấm bảng Bùi Gia Trang hiện rõ giữa đám cây cối um tùm. Xe ép sát vào lề rồi chậm chạp bò xuống ven đường. Hai chiếc xe sau nối đuôi nhau leo xuống tiếp.
 
Bắt đầu từ lúc này nhiệm vụ Tâm thật nặng nề. Điều khiển một buổi sinh hoạt trại, mà trại sinh toàn người cùng lứa tuổi mình, không phải là chuyện dễ dàng. Từ trên xe phóng xuống trước, Tâm đưa mắt nhìn quanh tìm địa điểm tập họp. Một miếng đất rộng tương đối phẳng phiu được Tâm lựa chọn. Xong xuôi, Tâm đưa còi lên miệng. Từng tiếng còi ngắn vang lên giục giã trong nắng sớm. Từ cửa ba chiếc xe, “nam thanh nữ tú” lần lượt nhẩy xuống, đặc biệt là xe các cô, mấy nữ sinh yểu điệu của Sài gòn cũng nhanh nhẹn và gọn gàng không kém. Tiếng còi càng giục giã, động tác của mọi người càng nhanh nhẹn. Tất cả chạy về hướng tập họp. Trong buổi trại này, lớp được chia làm bốn đội, trong đó có tới ba đội “đàn ông con trai”, còn có một đội lẻ loi là “đàn bà con gái”. Nhưng quái lạ thay, ai cũng tưởng các cô thuộc phái yếu chậm chân, chậm tay, thể nào cũng tập họp chậm nhất, ai ngờ các cô lại tập họp xong đầu tiên. Nhìn một số anh còn lục túc “kéo lê” từng bước, có cô còn nói khích:
 
- Đàn ông con trai khỏe quá ta.
 
Nóng mặt, các cậu chạy cho thật nhanh.
 
Lẽ ra nếu cứ sự thường thì còn khuya các cô mới nhanh nhẹn được như hôm nay. Nhờ có sự dặn dò nhau từ lúc lên xe, Bích và Linh đốc thúc các bạn nhất quyết đội nữ sinh phải chiếm giải nhất trong ngày trại này.
 
Tập họp đông đủ, Tâm thổi còi cho im lặng rồi chỉ dẫn lộ trình vào địa điểm dựng trại. Tâm hứa: đội nào vào trước tha hồ chọn địa điểm tốt, trừ vùng đất dành cho lều ban trại trưởng được chỉ định trước.
 
Đoàn người cất bước với ba lô trên vai, kèm thêm gậy gộc. Ai cũng mong vào trước để chọn nơi cắm lều tốt nên phóng ào ào như một cuộc xung phong đánh xáp lá cà. Các cô đã thay guốc cao gót, áo dài bằng giày vải, đồ bộ gọn gàng không kém bọn con trai.
 
Đội Hoài dẫn đầu cuộc xung phong tìm cứ điểm. Hoài một tay cầm cờ đội, một tay xốc ba lô lên vai miệng không ngớt khuyến khích các bạn. Cả đội đều hăng hái trong cuộc chạy đua này. Nhìn lại, Hoài thấy các bạn đội khác đã bị bỏ lại một quãng xa. Thảm hại nhất là các cô lẹt đẹt mãi ở đoạn cuối, hết cả chạy nhảy mà xếp hàng một đi một cách mệt mỏi.
 
Hứng chí, Hoài càng chạy nhanh và trong óc đã hiện ra vị trí đóng trại. Nhất định Hoài sẽ cho đội ở phía trái lều trại trưởng, chỗ ấy vừa khuất nắng vừa nhiều cây cối, miếng đất lại rộng và phẳng phiu rất dễ trang hoàng cổng trại, chỗ đặt bếp và hố vệ sinh có thể đào khuất sau hai cây thật lớn. Hoài đã đến nơi này nhiều lần nên từng địa thế, Hoài thuộc rõ mồn một.
 
Quả nhiên, đội Hoài đến địa điểm đóng trại nhanh nhất. Hoài nhảy từng bước thật dài cho mau đến nơi đã lựa chọn. Nhưng bất ngờ, vừa tới nơi, chưa kịp thở, Hoài đã thấy lá cờ đội 1 cắm ở đó một cách ngạo nghễ: đội của các nữ sinh, và Linh đứng cạnh lá cờ, chống nạnh cười thật tươi:
 
- Anh Hoài đến hơi trễ rồi.
 
Hoài đứng ngây người, rồi chợt hiểu, cậu cũng cười tuy miệng hơi méo:
 
- Linh ranh lắm nhé.
 
Rồi “đau khổ”, Hoài dẫn đội đến miếng đất hạng nhì.
 
Thì ra trong lúc tất cả vừa reo hò vừa chạy đua nhưng không được nhanh như lúc thường vì trên vai và trong tay còn vướng ba lô dụng cụ, thì Linh đã tay không, chỉ xách theo lá cờ buộc sẵn vào cán, nhanh nhẹn chui qua các bụi rậm, tìm lối tắt một mình đến địa điểm đầu tiên và đương nhiên tìm chỗ đóng lều tốt nhất cho đội mình. Trước sự kiện đó, Hoài chỉ biết “trơ mắt thỏ” ra.
 
Các đội lục đục đến đông đủ và không ai bảo ai, tất cả cắm cúi vào việc đóng cọc căng lều và trang hoàng khu trại. Mỗi người một việc, ai nấy đều không kịp thở, mong cho đội mình xong trước nhất.
 
Phần ban trại trưởng cũng có công việc của mình. Ban trại trưởng gồm ba người, hai Tâm (một nam, một nữ) và thầy Đạt. Anh Tâm trưởng lớp giữ chức trại trưởng còn chị Tâm làm trại phó. Thầy Đạt được tôn lên hàng cố vấn, không phải cố vấn vĩ đại, vì thầy gầy nhom, cao lênh khênh. Chuyện trùng tên giữa anh trại trưởng và chị trại phó cũng là một việc hi hữu. Muốn tỏ rằng tôn trọng nguyên tắc “nam nữ bình quyền”, trong một buổi học sát ngày đi trại, dĩ nhiên là giờ thầy Đạt, Tâm trưởng lớp xin các chị đề cử cho một người trong chức vụ phó trại trưởng. Lúc đầu mấy cô đều đề cử Linh, nhưng Linh nghĩ mình và Bích phải ở lại với chị em, giữ nhiệm vụ tác động cho đội thêm nhanh nhẩu, mau miệng. Nghe đề nghị, một cô nói ngay:
 
- Được lắm! Có anh Tâm thì có chị Tâm. Anh Tâm làm trưởng, chị Tâm làm phó. Đẹp đẽ lắm rồi.
 
Câu nói đùa làm Tâm xấu hổ quá, ngượng chín người đi, nhưng rồi sau cùng cũng phải nhận lời, vì ai cũng ép. Tâm ghé vào tai Linh:
 
- Bồ làm hại tui rồi nhé.
 
Linh cười:
 
- Có sao đâu! Đùa ấy mà!
 
Vì ban trại trưởng phải chạy luôn nên chẳng cần đóng lều cho chắc chắn. Cậu Tâm và thầy Đạt căng một chiếc dù trắng lên, chiếc dù tròn, màu trắng mát nổi bật giữa đám cây cối um tùm. Phần cô Tâm, cô trải hai tấm “tăng” ở dưới chiếc dù và lần lượt xếp những vật dụng trong ba lô ra. Vừa làm cô vừa nhìn về phía các chị em đang tíu tít với công việc. Cô có vẻ “đau khổ” vì bị cô lập một mình.
 
Phía phải lều trại trưởng là đội của xóm nhà lá, có Tuệ làm đội trưởng và Đỉnh làm đội phó. Đội này xem ra miệt mài với công việc nhất. Các cu cậu ở nhà phá phách hạng nhất, không ngờ hôm nay lại khéo tay khéo chân và tỏ ra có óc thẩm mỹ đặc biệt. Vật dụng của đội này cũng rất dồi dào: ba chiếc lều đóng song song, các cọc lớn, cọc nhỏ đều theo đúng phép của hướng đạo, những nút dây buộc đúng kiểu, mái lều thẳng băng không một nếp nhăn nhỏ coi thật đẹp mắt. Đội làm hai cái bếp đào và một cái bếp treo. Củi khô được kiếm về thật nhanh, chất đầy một gốc cây. Hố vệ sinh cách xa chỗ nấu bếp gần mười thước. Địa điểm tuy không đẹp lắm vì đội đến chậm nhưng vì thu xếp khéo nên trông cũng gọn gàng, xinh xắn. Tuệ đang đốc thúc các bạn làm trại: tre được mang theo sẵn cắt theo mẫu của Đỉnh vẽ, một cái cổng rất đông phương, đơn sơ mà nghệ thuật. Trên cổng, Tuệ tinh nghịch cho kết dòng chữ: “Đại bản doanh xóm nhà lá”, lá cờ đội bốn được gác chéo một bên, vừa tầm tay để mỗi khi tập họp thì rút cho nhanh.
 
Trại của các cô lại có vẻ khác. Tuy nghệ thuật cắm trại của các cô kém đội bốn, nhưng toàn trại, chỗ nào trông cũng có vẻ hoa lá cành hơn và “tếch ni cô lo” nữa. Mấy cô ngồi trong cùng đang phùng mang trợn mắt thổi những quả bóng xanh, đỏ, tím, vàng để các bạn buộc lại, treo từng chùm trước cổng trại. Chỗ nào nhìn cũng toàn hoa là hoa, những bông hoa sim dại được các cô thi nhau hái về, mỗi cô chọn một bông đẹp nhất cài lên mái tóc, còn bao nhiêu thì kết thành bó cắm khắp nơi để thêm vẻ mỹ quan. Đặc biệt cổng trại lại treo bảy cái… mẹt, thứ mẹt nho nhỏ các bà các cô thường dùng để ăn bún chả. Chỉ khác một cái là bảy cái mẹt này đã được sơn trắng và viết chữ lên trên bằng sơn đỏ. Hai cái, một cái đề chữ “đội”, một cái viết số “1”. Còn năm cái kia, mỗi cái đề một chữ theo thứ tự của câu “Nhi nữ bất thường tình”. Đây là một “đại tác phẩm” được lôi ra từ trong cái xách đầy nhóc của Bích. Các bạn xúm lại hỏi, Bích điềm nhiên sắp xếp mấy cái mẹt xuống đất để các bạn đọc được câu vừa rồi. Một cô hỏi nghĩa, Bích giải đáp:
 
- Bọn đàn ông con trai thường cứ gọi đám con gái chúng mình là “nhi nữ thường tình”, ngụ ý chê bọn mình bao giờ cũng yếu đuối, cũng sợ hãi nọ kia. Nay muốn tỏ cho bọn họ biết đội chúng mình tuy cũng là con gái, nhưng mạnh mẽ, hổng sợ gì hết chứ không “thường tình” như họ tưởng để họ sợ chơi.
 
Nghe Bích cắt nghĩa hay quá, cả bọn hì hục thượng bảy cái mẹt lên cổng trại, nhìn ngắm hồi lâu có vẻ đắc chí lắm. Không may, khi các cô đã ngắm chán mắt, quay sang làm chuyện khác thì một cành lá bị gió thổi làm sao, vướng ngay vào cổng trại, ác làm sao che mất chữ “tình” ở cuối câu. Thế là chỉ còn bốn cái mẹt mang dòng chữ “Nhi nữ bất thường” một cách vừa ngạo nghễ vừa tức cười. Bọn Hoài đóng trại ở bên cạnh nhìn thấy, chỉ chỏ cho nhau xem rồi bấm nhau cười đỏ gay mặt mũi. Các cậu ôm nhau cười ngon lành vì công việc đã làm xong từ lâu. Đội Hoài vào sớm nhất nên bắt tay vào việc cũng sớm nhất và xong trước nhất. Đội này trình bày khu trại theo một kiểu rất tân tiến. Cổng trại được kết thành hình một chiếc phi thuyền ngộ nghĩnh, đường vào trại được thu dọn sạch sẽ, một chiếc cầu được kết bằng những cành cây và dây thừng, sơ sài nhưng chắc chắn rất lạ mắt. Bếp của đội cũng làm lạ kiểu, không cần đào xới gì cả, ba cái bếp chỉ cần chín cái ống “coca cola” rỗng chôn xuống đất, mỗi bếp ba ống, thế là xong, thật giản dị mà lại chắc chắn. Đội này xem ra có vẻ ung dung nhất, trong lúc các đội khác đang tối tăm mặt mũi thì Hoài xách đàn tựa gốc cây, cả bọn ngồi xung quanh tập hát. Tiếng vỗ tay theo điệu nhạc làm mấy đội bên cạnh nóng ruột.
 
Cạnh đội Hoài là đội Tứ, đội không may chọn phải, hay đúng hơn bị phải, chỗ đất xấu nhất, địa thế trông chẳng ra gì, trừ một cây điều lộn hột nằm xoay ra làm thành một cái vòm thiên nhiên có thể thay cho cổng trại.
 
Tuy nhiên, Tứ tỏ ra rất khéo thu xếp: mấy cái bếp Tứ đều cho đào dưới một con rãnh con chạy ngang phía sau, vài cây tre mang sẵn dựng thêm vào cây điều làm cho đội có cái cổng trại rất… kỳ cục, nhưng lại lạ mắt coi cũng đẹp. Phải cái đất xấu quá, không hiểu sao lại lẫn toàn đá ong, cọc lều phải đóng lại mấy lần. Mồ hôi ròng ròng, mấy cậu giáng từng nhát búa xuống, nghe bên kia đàn hát inh ỏi càng thêm… lộn ruột. Nhưng rồi cũng xong, cả bọn hể hả xoa tay đứng nhìn công trình của mình. Long đã kiếm được ở đâu mấy chai nước đem chia nhau uống thật mát dạ. Chính ra Tứ, Long và Yên đều ở trong ban trại trưởng nhưng thấy “xóm” mình yếu quá nên trước khi đi đã bàn với Tâm, cả ba đều xung phong ở lại giúp đội.
 
Ban trại trưởng đi xem tổng quát một vòng. Trại được đóng theo hình bán nguyệt, lấy lều trưởng trại làm tâm. Trên cành cây cao cạnh lều trại trưởng lá cờ hiệu đoàn bay phất phới. Treo được lá cờ trên cành cây cao như vậy là nhờ Oanh: công việc đội đã xong, thấy Tâm cứ loay hoay mãi với cây cờ, Oanh chạy lại giúp cu cậu leo lên cây thoăn thoắt. Tới nơi, Oanh bảo Tâm đứng dưới phóng cây cờ lên, Oanh giơ tay ra đón, nhanh nhẹn như làm xiệc rồi cột cán cờ vào chỗ đã định sẵn.
 
Thấy các đội đều xong xuôi, nhìn đồng hồ, thấy thời gian dành cho việc đóng trại đã hết, ban trưởng trại kéo nhau về lều trung ương. Tâm thổi còi tập hợp.
 
Tiếng còi vừa dứt thì từ các bụi rậm, những thân người lao ra vun vút, ngoạn mục, không kém gì một cuộc tấn công của mọi da đỏ. Những lá cờ dẫn đầu được đưa cao, bay phất phơ kiêu dũng, theo sau là một “đoàn quân” la hét dậy trời. Hàng xếp thằng tắp, khẩu hiệu của mỗi đội được hô thật lớn và thật hùng, đội nào cũng mong mình được nhất về điểm tập họp. Hoàn toàn đắc ý về đội mình, Hoài đưa mắt nhìn các đội khác. Tương đối đội nào cũng nhanh nhẹn và kỷ luật cả, chứng tỏ tinh thần ai cũng cao vòi vọi như ngọn cây. Hoài không ngờ bọn Hoài giỏi thế. Tài “nói khích” và dỗ ngon dỗ ngọt của bọn Hoài đã khiến một lớp ô hợp tập hợp giỏi không kém một đoàn hướng đạo sinh hoạt động lâu ngày. Hoài thấy sung sướng đến nóng bừng cả hai má tuy đội Hoài đứng trong bóng râm.
 
Đứng cuối cùng trong hàng, vì cao nhất, Oanh không dám quay nghiêng quay ngửa sợ đội mình mất điểm, kỷ luật và sự thi đua có một sức mạnh kỳ lạ làm ai nấy đều phải hết sức cố gắng. Tuy nhiên, anh chàng cố gắng đưa mắt liếc xung quanh. May là Oanh đứng cuối nên quan sát được hầu hết “cục diện”! Đội nào đội đó hàng ngũ chỉnh tề, trông oai phong ra phết. Những ông xóm nhà lá mặt mũi cau lại, đăm chiêu, chứng tỏ một sự hết sức cố gắng. Các cô nữ sinh lúc đầu tuy có hơi chậm chạp, dù sao nữ sinh họ cũng phải thướt tha yểu điệu hơn tí chút, nhưng bây giờ hàng ngũ cũng rất ngay ngắn. Đội này trông có nhiều màu sắc nhất với những quần áo đủ màu đủ kiểu. Oanh thầm phục nhóm Thân Ái hết cỡ, vì Oanh biết buổi trại hôm nay thành hình, sinh hoạt của trại tốt đẹp ngay từ phút đầu như thế này là nhờ nhóm Thân Ái đã khéo “gài” người vào tất cả các đội. Oanh đã để ý quan sát họ, xem họ làm ăn ra sao. Có những người đứng làm đội trưởng như Hoài, như Linh, như Tứ. Cũng có người đóng vai một đội viên như những bạn khác như Bích, như Lộc, như Đỉnh, nhưng họ không phải là một đội viên “khơi khơi” vô trách nhiệm. Họ ráo riết làm việc, nhận làm những công tác khó khăn nhất, nặng nề nhất, dễ ngại ngùng nhất. Xách nước ở tít xa về cũng họ, đào hố vệ sinh cũng họ. Họ còn khéo khích động anh em trong khi làm việc: nói đùa với anh này một câu, khích anh khác một cách nhẹ nhàng, bắt lên một bài hát… Họ làm hết cách để gây một bầu không khí sống động cho đội. Ai nấy cũng thích làm việc, và tự nguyện làm việc với mục đích đem điểm tốt về cho đội.
 
Oanh “nhìn” rõ Hoài nhất, vì Oanh ở trong đội của Hoài. Một mình Hoài xoay sở mọi chuyện cho đội vì chưa ai quen với đời sống trại. Oanh biết Hoài rất mệt, nhưng trông mắt anh ta lúc nào cũng vui tươi đầy phấn khởi. Hoài có cách trao công việc rất khéo, với những “người ngoan ngoãn đã quen” Hoài dùng kiểu nói khác, với những chàng “ba gai” Hoài lại có lối nói khác. Hoài xoay đủ kiểu đủ cách thành thử chỉ có mấy giờ từ lúc khởi hành đến lúc này đội đã khác hẳn. Oanh mến Hoài vì sự làm việc tận tâm ấy nên đã tình nguyện xách nước và làm những công việc nặng nhọc nhất. Gọi là “tình nguyện” cho oai chứ việc xách nước có là gì đối với Oanh. Ở nhà, nhiều khi Oanh còn bổ giúp cho mẹ cả tạ củi cũng chẳng thấm thía vào đâu nữa là. Hơn nữa, Oanh luôn luôn hoạt động để tạo sự dẻo dai cho thân thể, rất cần cho việc theo đuổi võ thuật của Oanh. Hình như Hoài cũng đặc biệt lưu tâm đến Oanh, Oanh thấy Hoài mỉm cười với mình luôn. Oanh cũng vui vẻ nhe răng đáp lễ. Oanh thấy mến Hoài, mến luôn cả nhóm “Thân Ái”.
 
Tư tưởng của Oanh bị cắt đứt. Trại trưởng sau khi quan sát kỹ càng và hí hoáy ghi chép những gì vào sổ tay, bắt đầu lên tiếng:
 
- Thành thực khen ngợi tất cả các bạn đã tập hợp rất nhanh chóng. Bây giờ xin các bạn nghe kỷ luật trại.
 
Tâm đưa ra một luật trại gồm năm điểm. Các đội trưởng đều ghi chép vào sổ tay. Xong xuôi Tâm tiếp:
 
- Xin mỗi đội đề cử cho ba người ở nhà thổi cơm nấu nước, còn lại sửa soạn thăm rừng dưới sự hướng dẫn của thầy cố vấn và ban trại trưởng.
 
Nghe xong tất cả đều reo hò vui vẻ. Tâm thổi còi giải tán, các đội lần lượt về lều.
 
Cho đội tập hợp ngồi thành vòng tròn, châu đầu vào nhau, Hoài hỏi:
 
- Anh nào chịu khó tình nguyện ở nhà làm cơm bây giờ?
 
Mọi người nhìn nhau, Oanh hỏi:
 
- Ban trại trưởng phát cho chúng mình những gì?
 
- Gạo, muối, nước mắm, các đồ gia vị, rau cải, trứng, thịt, khoai tây.
 
- Thịt nhiều không?
 
- Khá nhiều nhưng toàn thịt heo.
 
Oanh giơ tay:
 
- Được rồi, tôi nhận ở nhà làm cơm, những món đó tôi có thể làm được.
 
Cả bọn vỗ tay hoan hô Oanh. Một người hỏi:
 
- Bồ tính điều chế những món gì?
 
Oanh chậm rãi:
 
- Thế này: Nếu có thịt bò thì mình đã có món thịt bò xào khoai tây. Đằng này không có, xào thịt heo không đúng kiểu. Thành thử mình định làm như sau:
 
Oanh hắng giọng:
 
- Thứ nhất là nồi cơm, điều dĩ nhiên.
 
- Thứ hai, món canh rau cải thịt heo.
 
- Thứ ba, món trứng tráng đúc thịt.
 
- Thứ tư, khoai tây rán ròn có bỏ muối.
 
Các bồ chịu không? Cứ yên chí, món khoai rán cam đoan tôi làm “ba chê”.
 
Cả đội vỗ tay hoan hô:
 
- Chịu liền! Chịu liền!
 
Oanh hỏi:
 
- Nhưng còn ai ở lại giúp tui nữa chứ!
 
Hai cánh tay giơ lên ngay. Thế là xong, ban đầu bếp đã có đủ ba người theo luật định. Cả đội lại vỗ tay hoan hô lần nữa. Hoài cài lên túi áo Oanh và hai bạn kia mỗi người một bông hoa sim dại hái được lúc nãy tượng trưng cho lòng cảm ơn của các bạn.
 
Tiếng còi nổi lên giục giã. Cả đội đứng phắt dậy. Hoài rút nhanh cây cờ chạy nhanh ra trước, các bạn khác nối gót theo sau. Lại xếp hàng, lại hô khẩu hiệu rầm rầm cả một góc rừng. Ba hỏa đầu quân nhìn theo bóng dáng các bạn đang vui tươi hớn hở.
 
Chợt Oanh nhắc:
 
- Thôi, mình bắt đầu chứ, việc đầu tiên là vo gạo thổi cơm. Trương lấy cái nồi giùm tôi đi. Còn Chi đi vào lều với tôi xem thực phẩm ra sao.
 
Tiếng hát của các bạn tuy xa dần nhưng Oanh vẫn còn nghe văng vẳng:
 
- Đèo cao… dô ta
Thì mặc đèo cao… dô ta
Nhưng lòng yêu nước…
Còn cao hơn đèo… dô tà… dô tà… là hò dô ta, dô ta.
 
Rồi một giọng ông ổng cất lên:
 
- Cà rem… dô ta
 
Thì mặc cà rem… dô ta
Nhưng tiền không có…
 
Lại ham ăn nhiều… dô tà… dô tà… là hò dô ta, dô ta.
 
Oanh chép miệng:
 
- Lại ông Đỉnh chứ không ai nữa.
 
Oanh chưa thân với Đỉnh, nhưng thích Đỉnh lắm, vì thấy anh chàng có nhiều nét giống mình. Oanh phục Đỉnh một cái là Đỉnh rất dễ làm quen, gặp ai anh chàng cũng có thể nói chuyện được, mà chuyện lại rất vui.
 
Bóng các bạn hoàn toàn khuất hẳn thì gạo cũng vừa vo xong và củi trong bếp bắt đầu đượm thật hồng, thật đẹp.
 
*
 
Nhanh nhẹn nhảy qua những mô đất thấp, Linh vui vẻ quay sang hỏi các bạn:
 
- Đẹp không Thu? Đẹp không Tâm?
 
Hai má Tâm hồng lên vì nắng sớm, cô bé đáp trong hơi thở:
 
- Đẹp chứ! Chưa bao giờ Tâm thấy yêu thiên nhiên như hôm nay.
 
Thu chen vào:
 
- Mấy lần đi chơi với ba me qua đây, nhiều khi xe hơi đậu sát vào lối này mà Thu không biết để vào chơi cho vui. Lần đầu tiên Thu đặt chân vào khu này đấy.
 
Tâm ngắt lời:
 
- Nhưng mà giá lúc trước Tâm có biết, có vào đây thì cũng chả vui đâu. Tụi mình phải đi đông thế này mới thích!
 
Nghe hai bạn đối đáp, Linh thích quá! Các bạn bắt đầu yêu đời sống tập thể rồi đây. Linh chỉ ước mong như thế. Linh ước rằng một ngày nào đó, các bạn cùng lớp sẽ coi nhau như anh chị em, thích ở gần nhau, mong được giúp đỡ nhau. Linh tự biết khuyết điểm của bọn con gái, hay để ý xét nét nhau lắm, chú ý đến từng cái lỗi nhỏ nhặt của nhau. Linh thấy cái khuyết điểm ấy chỉ có thể chữa được khi người ta sống với nhau trong một tập thể, đối xử với nhau một cách thành thực, không e dè, không giữ kẽ, trước khi nói một câu không phải uốn lưỡi đến bảy lần. Bởi vậy khi thấy các bạn nhận biết được đời sống tập thể đem đến niềm vui, Linh đã thấy mừng.
 
Một con chim non bay vụt qua đầu ba người, kêu lên mấy tiếng ríu rít thanh tao. Tâm vui vẻ nói:
 
- Hình như hôm nay “ai” cũng vui hết, kể cả mấy chú chim kia.
 
Linh cười:
 
- Không ngờ hôm nay Tâm thi sĩ gớm.
 
Thu buột miệng:
 
- Người vui cảnh có buồn đâu bao giờ.
 
- Như vậy, Thu là một tâm lý gia!
 
Ba cô cất tiếng cười khanh khách. Chợt Thu nói:
 
- Bích đâu rồi? Linh nhỉ?
 
- Trời ơi, bà ấy thì nhảy như nai vậy. Chắc ở đằng trước chứ gì – Linh đáp.
 
Tâm cố nhón gót thật cao nhìn qua mấy bụi cây thấp. Chẳng thấy cô nào cả, toàn là đầu con trai lố nhố, Linh lẩm bẩm:
 
- Quái! Bà nhóc ấy biến đâu mất rồi.
 
Thu quay lại phía sau “kiểm diện” đội mình rồi bảo Linh:
 
- Còn thiếu nhiều lắm: Hoa này, Hoàng này, Hồng này…
 
Rồi hỏi:
 
- Ở đây có… có cọp không Linh nhỉ?
 
Linh cười:
 
- Làm gì có!
 
- Thế mấy bà kia đâu?
 
- Chắc là chạy trước chạy sau đâu đó chứ gì.
 
Cả ba đang dáo dác tìm thì từ trong một bụi cây bên đường vọng ra những tiếng thét thật lớn, rồi Bích và ba bốn cô khác xông ra làm cả bọn giựt mình. Bích đứng đầu, tay cầm một cành cây lớn, hét:
 
- Bọn kia, sao dám xâm phạm vào giang sơn ta, mau mau nộp tiền mãi lộ cho bản cô nương!
 
Thật quá lắm! Bích nghịch như con trai vậy. Linh phì cười giả bộ khúm núm:
 
- Thưa cô nương, bọn cháu không mang sẵn tiền… cắc, cô nương có thể xài đỡ ô mai không ạ?
 
Bích ngần ngừ:
 
- Ô mai gì? Mơ hay cam thảo?
 
- Dạ, cả hai thứ ạ.
 
- Tốt! Thế thì cho bọn ngươi qua, còn ô mai thì để lại.
 
Bích quát câu này, bắt chước kiểu mấy ông lính ngày xưa quát ông bợm rượu:
 
- Cho ngươi đi, còn chai rượu đứng lại.
 
Quát xong, Bích phì cười. Thế là vai “bản cô nương” chấm dứt. Bích hỏi:
 
- Linh có ô mai thực à?
 
Thu bây giờ mới lên tiếng:
 
- Làm người ta kiếm muốn chết đây, lại còn đòi ô mai nữa.
 
Bích và các lâu la cười ồ. Linh vui vẻ mang ô mai ra chia. Chợt một người kêu to:
 
- Chết! Người ta đi xa quá rồi kìa! Thầy Đạt cũng ở tuốt phía trên. Đuổi theo lẹ lên không có lạc bi giờ.
 
Các cô phóng theo, nhanh như thỏ, và cũng như mọi khi, bích dẫn đầu.
 
*
 
Buổi họp của nhóm “THÂN ÁI” hôm nay được mở rộng. Không những chỉ thêm Oanh, mà tất cả những “thân hữu” của Oanh đều đến dự: một “bầu đoàn thê tử” gồm có Oanh, Việt, Nga, Thủy, Vân ngồi xen kẽ với những “sáng lập viên” của nhóm. Thành thử buổi họp hôm nay có một không khí khác lạ hơn mọi khi.
 
Oanh ngồi cạnh Hoài, hai người có vẻ hợp nhau lắm tuy mỗi người một tính một nết. Sau ngày trại, Oanh “mê tít” nhóm Thân Ái, không ngờ lại có những người vui tươi, hoạt động và thiện chí đến thế. Oanh nghĩ mình cũng không thể thua kém họ. Nghĩ đến những người thân quen của mình, Oanh có ý định rủ tất cả cùng gia nhập nhóm Thân Ái với mình, vì Oanh phải thành thực công nhận họ có tổ chức và một đường lối làm việc rõ rệt. Câu chuyện mở đầu vẫn là dư âm của ngày trại đầy vui tươi hứng thú.
 
Hoài bảo:
 
- Bữa cơm trưa hôm ấy, rõ ràng tôi ngửi thấy mùi khen khét từ phía trại các cô bay ra. Vậy mà sao khi ban trại trưởng đi kiểm soát, các cô không bị trừ điểm nhỉ?
 
Linh tỏ vẻ khôn ngoan:
 
- Trừ điểm sao được khi ban trại trưởng được nếm những hạt cơm thơm ngon, vừa chín tới. Thật ra thì quả thực Trang có sơ ý để quá lửa thật, nhưng chợt nhớ đọc trong cuốn báo nào đó, bảo muốn chữa cơm khê thì bỏ vào nồi cơm một hòn than, Trang thực hành thử, không ngờ kết quả thật mỹ mãn một cách không ngờ.
 
- À, ra thế.
 
- Buổi họp mặt cuối ngày trại vui quá mấy bồ nhỉ. Bản vũ cộng đồng “Yêu mến mẹ cha” làm mình cười đến đứt ruột. Nhìn dáng thầy Đạt cao lêu nghêu cũng bắt chước uốn éo không ai nhịn cười được.
 
- Trò chơi “Tranh ghế” mới hào hứng chứ! Tuệ nhà ta bị một cái ngã như trời giáng, thế mà cuối cùng cũng thắng cuộc. Cu cậu nhanh nhẹn thật.
 
Ai cũng thích nói, tranh nhau kiểm điểm lại những sinh hoạt của ngày trại. Nhưng chợt Hoài để ý: những bạn thuộc lớp khác đang ngồi có vẻ ngơ ngác và lạc lõng. Vội vàng, Hoài chuyển hướng câu chuyện:
 
- Các cô Thủy, Nga, Vân có vẻ lạ phải không? Bọn này đang kiểm điểm công việc đấy… A, có lẽ Oanh cần giới thiệu cho các bạn mới với nhóm chứ.
 
Oanh vắn tắt (tính Oanh vốn không dài dòng):
 
- Tôi với Việt cũng là những người mới nhưng vì cùng lớp nên các bạn biết rồi. Còn ba vị con gái này (Oanh chỉ từng người): Nga, em tôi, lớp đệ tứ 3, Vân, bạn cùng lớp của Nga và Thủy, chị của Vân, học đệ tam C. Bọn tôi tình nguyện đầu quân vào nhóm “Thân Ái” vì khoái cách làm việc và tinh thần của các bạn.
 
Cả bọn vỗ tay chào đón những người bạn mới. Trong nhóm, chỉ có mình Hoài biết được sự liên hệ giữa Oanh và Thủy ra sao, vì đã được Oanh “tỉ tê” kể cho nghe hết. Hoài chưa muốn cho các bạn cùng nhóm biết, vì tính Oanh coi vậy mà lại hay xấu hổ. Hoài nghĩ cứ giữ kín, đến khi thân nhau, tự nhiên các bạn khác đều biết, không cần mình phải kể.
 
Lộc khơi ngòi:
 
- Như thế nhóm chúng ta, với những người bạn mới, đã mở rộng, không phải còn là một nhóm riêng rẽ của một lớp nữa…
 
Tứ chen vào:
 
- Như vậy, hoạt động của nhóm chắc rồi cũng phải mở rộng theo.
 
Nhưng Linh có vẻ ngần ngừ. Cô lo sợ với một nhóm nhỏ bé như hiện tại, không biết có thích hợp với những hoạt động mở rộng không. Cô trình bày điều băn khoăn ấy với các bạn. Hoài gật đầu xác nhận:
 
- Điều Linh lo ngại quả nhiên đáng đặt thành vấn đề. Mình đề nghị trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cố gắng tạo những nhóm nhỏ trong mỗi lớp và âm thầm phục vụ cho lớp. Sau đó, khi “lực lượng” đã mạnh, mình mới tính những công việc to lớn hơn, thí dụ như làm một cái gì chung cho cả trường. Các bạn nghĩ sao?
 
Ý kiến của Hoài được tán đồng. Đỉnh quay sang phía những người bạn mới:
 
- Như vậy, trong giai đoạn này, công việc của Thủy, Vân và Nga khá nặng đấy nhé ; phải làm sao kết nạp thêm vài người bạn trong lớp có cùng chí hướng. Liệu các cô có làm được không?
 
Bấy giờ Nga mới nhỏ nhẹ:
 
- Nga nghĩ là làm được. Nga với Vân là hai đứa rồi, làm việc có đôi như vậy dễ thấy hứng thú. Nga chỉ lo cho chị Thủy thôi… đúng là anh hùng đơn thương độc mã!
 
Cả bọn cười xòa. Thủy cũng cười nhưng lên tiếng ngay:
 
- Đơn thương độc mã thật đấy, nhưng Thủy không sợ. Thủy có thể hứa chắc: trong vòng một tuần, Thủy sẽ có thêm hai người bạn mới. Ba người đã đủ là một nhóm hoạt động cho lớp chưa?
 
Đỉnh “phán” một câu chữ Nho:
 
- Được lắm chứ! Quý hồ tinh bất quý hồ đa mà.
 
Đang hỉ hả thì Oanh đưa ra một ý kiến thật bất ngờ:
 
- Tôi nghĩ song song với việc lập các nhóm hoạt động tại mỗi lớp, mình vẫn có thể làm một cái gì khác để phục vụ chung cho các học sinh toàn trường.
 
Nói đến đây Oanh ngừng lại. Mọi người đều đưa mắt nhìn Oanh như dò hỏi. Lát sau Oanh tiếp:
 
- Sao ta không nghĩ đến việc làm một tờ nội san nho nhỏ cho trường nhỉ?
 
Hoài gãi cằm:
 
- Ý kiến hay lắm, nhưng thật khó thực hiện, vì mình thiếu phương tiện, lại cũng không có ai chuyên môn về ngành đó.
 
- Chỉ là một tờ báo nhỏ vài trang ronéo thôi…
 
- Biết vậy, nhưng tìm đâu ra stencil, rồi giấy mực, người đánh máy, người vẽ, người quay…
 
Oanh cười khì:
 
- Biết thế nào các bạn cũng hỏi tôi câu ấy. Đủ cả chứ! Thật ra trước khi đưa đề nghị này, tôi đã liên lạc trước. Nhà trường sẵn sàng yểm trợ phương tiện, chúng ta lại có thể dùng máy đánh chữ và máy quay của nhà trường. Còn người chuyên môn hả? Giới thiệu với các bạn: Thủy đã tốt nghiệp khoa đánh máy với hạng Bình, Việt là một tay vẽ và trình bày trên stencil vào loại siêu, còn quay ronéo thì… tui, cam đoan không thua gì ở tiệm. Các bạn khác lo viết bài và cổ động cho các bạn khác cùng viết… Thế đã được chưa?
 
Ánh mắt người nào cũng sáng lên, thật là một niềm vui bất ngờ không ai định trước.
 
Đỉnh hỏi:
 
- Sao bồ không nói trước?
 
- Ấy, để tạo sự ngạc nhiên chứ!
 
Hoài tỏ vẻ cảm động thật sự:
 
- Cảm ơn Oanh đã đem đến cho nhóm một món quà thật bất ngờ. Bọn này vui không để đâu cho hết. Vậy, bắt đầu từ hôm nay, chúng ta xúc tiến công việc ngay…
 
Niềm vui tràn ngập, mọi người đọc thấy trong mắt nhau trọn vẹn những gì say sưa của những tâm hồn tràn đầy lý tưởng phục vụ, và trong tình thân ái, họ thấy mình có thể làm được rất nhiều việc hữu ích.

________________________________________________________________________________ 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>