CHƯƠNG XIII
Trong khi ông Quách Tiến, Tuấn và người thanh niên Thượng ôm súng đứng
gác trên nóc trại, chăm chú nhìn ánh lửa bốc cháy và tiếng súng nổ xa
xôi đoán biết tình hình thì Phong và các bạn anh âm thầm chiến đấu trong
đêm tối.
Vừa rời khỏi trại, Phong đã đụng độ với một nhóm quân
thám sát của Hắc Xà. Anh đánh lạc hướng họ bằng cách dụ cho họ đuổi theo
vào rừng rồi dẫn đồng bọn lẩn thoát ra phía bờ suối. Ở đây anh gặp một
nhóm quân khác ít hơn, nên anh tấn công, truy diệt họ.
Đoạn anh tiếp tục thi hành kế hoạch đã định, tiến về phía “Cấm thành”.
Bị
đột kích hai lần, quân của Hắc Xà hoang mang không biết địch quân là
ai, và lực lượng mạnh yếu ra sao, thành thử trong đêm tối, quân của họ
đụng nhau, không phân biệt được bạn hay thù.
Nhưng đấy chưa phải là mối thất vọng của Hắc Xà. Cuộc tấn công vào quận
lỵ Quảng Sơn mới là nguyên nhân chính của sự thảm bại. Như Phong đã tiên
đoán, quân của Hắc Xà chỉ là một đám người ô hợp, không thiện chiến. Vì
vậy họ mới phải chờ đêm tối để tấn công. Khoảng 50 tên bất thần xông
vào quận trong lúc mọi người yên ngủ, rồi đốt phá, cướp bóc và tảng sáng
sẽ cùng cánh quân khác chờ bên ngoài kéo thốc lên chiếm nốt sở mỏ.
Hắc Xà huy động được chừng ba trăm quân, nhưng phần đông bị ép buộc đi theo, nên chỉ chờ dịp là đào ngũ.
Hơn nữa, dân trong quận, sau giây phút kinh hoàng, đã căm phẫn chống
chọi lại, khiến số dân vệ thêm tinh thần chiến đấu. Quân xung phong của
Hắc Xà gặp phải sức phản công mãnh liệt bị thiệt hại nặng đành phải rút
ra chờ quân tiếp ứng.
Trên nóc trại, ông Quách Tiến và Tuấn cố
đoán mọi biến chuyển trên quận Quảng Sơn. Họ chỉ nghe tiếng súng nổ từng
chập, và thấy ánh lửa lan rộng.
Một giờ đã qua, tình hình vẫn không có gì thay đổi.
Chợt
có tiếng nổ vang rền như tiếng sấm. Cùng lúc ấy ông Diệp bình tĩnh bước
lên sân thượng. Ông đem bánh và nước lên cho mọi người. Ông Quách Tiến
bồn chồn hỏi bạn :
- Tiếng nổ ở đâu thế bác ?
- Lệnh tấn công đợt hai của Hắc Xà đấy. Một cánh quân yểm trợ của hắn đang tiến lên quận để tiếp ứng cho cánh quân trước.
- Có tin gì của Phong không ?
- Chưa. Nhưng rồi sẽ có. Phong là một chiến sĩ can trường và nhiều mưu
lược, nên có thể tin vào anh ta được. Nhưng bác đừng nên quan tâm tới
việc ở xa mà nên chú ý canh phòng ngay quanh trại của mình. Quân địch có
thể bất thần ập tới. Tôi hy vọng có thể dùng ông Phát để ngăn cản họ.
Ông Diệp vừa toan trở xuống thì Tuấn bỗng chỉ tay nói :
- Coi kìa !
Về phía bên kia thung lũng, nơi Phong và các bạn anh
đến, một chớp sáng chói lọi vừa nháng lên, tiếp đến cái thứ hai, thứ
ba… rồn rập cả chục lần kế tiếp. Ông Diệp nhìn mặt đồng hồ dạ quang đeo
trên tay. Nửa phút trôi qua. Tiếng nổ bùng từ các lóe sáng mới vang dội
lại. Ông Diệp lẩm bẩm :
- Tiếng nổ nghe sau nửa phút thì khoảng cách phải xa đây lối mười cây số. Phong đang hành động rồi đó !
Tuấn chợt hiểu :
- Lựu đạn ! Phải không ba ?
- Ừ. Chắc Phong đã lọt được vào chỗ mà Đàm gọi là “Cấm thành” rồi.
(Sau
này, Phong cho biết anh đã cùng với Cảnh và bốn người nữa leo lên vách
Cấm thành tấn công bằng lựu đạn và làm tê liệt hậu cứ chiến lược của Hắc
Xà).
Ông Diệp tiếp :
- Hy vọng Phong sẽ thoát hiểm. Cường độ cuộc chiến sẽ ác liệt hơn để rồi giảm đi nhanh chóng.
Nói đoạn ông hấp tấp bước trở xuống.
Toàn
thung lũng bỗng nhiên sôi sục. Tiếng súng nổ ran tứ phía, lửa đạn bay
vun vút. Ông Quách Tiến và Tuấn, mắt nhìn những chớp lửa, tai nghe tiếng
nổ, bàng hoàng như đang sống trong cơn mộng.
Người thanh niên Thượng “xuỵt” một tiếng khẽ, và thì thầm cho biết có đám người đang tiến vào trại.
Ông Quách Tiến bảo Tuấn :
- Cháu xuống báo cho ba cháu biết đi.
Tuấn chạy vội xuống phòng
khách. Ông Diệp đã được một người đứng gác ngoài vườn báo trước bằng một
tiếng hú khẽ. Tất cả đều sẵn sàng, ông Diệp cởi dây trói cho ông Phát,
điềm tĩnh bảo Tuấn :
- Bọn người đang đến là bạn hay thù chúng ta chưa thể biết. Có điều là
ông Phát sẽ ra tiếp họ, và ba tin là ông ấy sẽ chu toàn nhiệm vụ. Con
hãy lên trên ấy với bác Quách Tiến và nói với bác là nếu thấy không xong
cứ việc bắn xuống cho tới khi hết đạn.
Tuấn leo trở lên, vừa kịp nhìn rõ cảnh tượng đang diễn ra phía dưới. Ông Phát từ trong nhà bước ra sân, tay chiếu đèn bấm.
Ánh đèn cho thấy một đám người hờm sẵn súng đứng nấp sau các thân cây,
cách nhà khoảng ba chục thước, phía sau họ hình như còn lố nhố bóng
người ngựa.
Ông Phát tiến lại phía họ, vừa đi vừa nói. Người bên ngoài đáp lại bằng
tiếng Thượng. Tuấn không hiểu hai bên nói với nhau những gì, nhưng ông
Quách Tiến tỏ vẻ hài lòng cho biết ông Phát đã theo đúng lời dặn, nói
rằng : ông chiếm trại theo lệnh của Hắc Xà.
Trong khi nói, ông Phát vẫn tiến bước và rồi ông chỉ còn là cái bóng
giữa vũng sáng do ngọn đèn bấm chiếu xuống dưới chân. Đột nhiên ánh sáng
đèn văng ra xa, và Tuấn thấy như ông Phát lăn người xuống đất, trong
khi ông ném đèn đi, và biến dạng vào đêm tối. Đồng thời ông ta hô hoán
lớn tiếng.
Một phút im lặng sửng sốt, rồi đám thủ hạ của Hắc Xà thi nhau nã súng vào trại. Ông Phát đã phản bội !
Ý nghĩ ấy xuyên qua óc Tuấn như những tiếng đạn réo vang tứ phía.
Tuấn vừa toan bắn xuống thì ông Quách Tiến đã giật lấy nói :
- Lắp đạn vào súng cho bác !
Tuấn lắp đạn cho ông Quách Tiến,
trong lúc Bạch Liên cũng choàng tỉnh dậy phụ giúp anh thanh niên thượng.
Một viên đạn vút qua tai Tuấn, một viên khác bắn vào lan can. Đám quân
tấn công trại khá đông, khoảng trên hai chục người. Đường đạn kẽ tua
tủa. Chợt một vùng sáng lòa lóe lên với tiếng nổ đinh tai nhức óc. Người
thanh niên Thượng đã ném xuống một trái lựu đạn, anh ném tiếp trái thứ
hai và thứ ba.
Lập tức phía dưới hỗn loạn. Bọn thủ hạ của Hắc Xà
không ngờ gặp phản ứng mãnh liệt đến thế. Một trái lựu đạn đã nổ đúng
giữa bọn họ.
Khi tiếng nổ thứ ba vừa im, Bạch Liên run rẩy ôm lấy Tuấn, cả hai nghe
bên dưới xôn xao huyên náo, tiếng rên la của người bị thương xen lẫn
tiếng ngựa hí và tiếng chân chạy rầm rập của những người sống sót bỏ
chạy.
Yên tĩnh trở lại. Ông Diệp gọi từ dưới lên :
- Trên ấy bình yên cả chứ ?
Ông Quách Tiến đáp :
- Bình yên cả.
- Dưới này cũng vậy. Chúng tôi nấp kín nên không ai việc gì. Nhưng nhà
cửa thì có lẽ thiệt hại khá. Bác xuống đi, cả Tuấn và Bạch Liên nữa. Chỉ
để anh Thượng gác trên đó đủ rồi.
Tuấn và Bạch Liên thấy phòng
khách tan hoang, đồ đạc đổ vỡ lỏng chỏng, kính cửa sổ vỡ nát văng vãi
khắp nhà. Chiếc đèn “măng xông” rơi trên đất. Sau khi tìm được đèn khác
thắp lên, mọi người ra sân xem xét.
Ông Phát chết tại trận. Ông
Diệp thấy xác ông nằm sấp mặt trên cỏ. Ông ta không bị trúng đạn, cũng
không bị mảnh lựu đạn văng phải. Ông bị vỡ sọ vì vó ngựa dẫm lên khi nó
lồng chạy. Thế là tàn đời một kẻ lưu manh.
Vừa lúc ấy người đứng gác ngoài cổng chạy vào báo có một sĩ quan yêu cầu được tiếp. Quân tiếp viện của chính phủ đã tới !
Người
hướng đạo do Phong gửi đi đã hướng dẫn họ tới thẳng trại ông Diệp và
ông Quách Tiến ra cổng tiếp viên sĩ quan và lược thuật tình hình. Tuấn
cũng lén theo nghe ngóng. Viên sĩ quan quyết định chia lực lượng ra làm
ba. Toán thứ nhất tiến thẳng lên quận Quảng Sơn, hai toán sau đi men hai
bên thung lũng, kẹp lại thành hai gọng kìm.
Viên sĩ quan yêu cầu có ba người dẫn đường và đề nghị để lại một tiểu đội sáu người canh giữ trại.
Quân đội cần ba người hướng dẫn… Ông Quách Tiến và ông Diệp nhìn nhau.
Ba người Thượng Phong để lại, không phải người địa phương. Chú B’Him bị
thương nằm một chỗ. Chỉ còn ông Quách Tiến là thông thạo đường lối, và
ông Diệp tuy mới đến chơi hơn tuần lễ, cũng đã thuộc địa thế trong vùng.
Không lẽ phải nhờ đến Đàm cho đủ số ?
Tuấn tình nguyện :
- Bác và ba để con đi cho. Con đã đi chơi khắp thung lũng nên cũng thông thạo…
Ông
Quách Tiến lưỡng lự nhìn ông Diệp. Nhưng ông Diệp gật đầu, vì không còn
cách nào hơn. Ông Quách Tiến hướng dẫn cánh quân xuyên thẳng lên quận.
Ông Diệp vượt suối lên sở mỏ, Tuấn dẫn cánh quân thứ ba bọc mé rừng. Anh
đi cạnh một thiếu úy trẻ tuổi, và sự bình tĩnh của ông ta làm Tuấn có
cảm tưởng như ông ta đang dẫn các binh sĩ dưới quyền đi dạo chơi. Tuy
tươi tỉnh hỏi han Tuấn, thiếu úy vẫn không quên bổn phận. Ông cho người
đi thám sát và liên lạc luôn với họ bằng máy truyền tin.
Trời bắt đầu hửng sáng. Cuộc chiến vẫn tiếp tục quanh quận Quảng Sơn.
Đội
quân Tuấn hướng dẫn chỉ còn cách quận lỵ năm cây số nhưng ở độ cao hơn
vì trên một dốc đồi. Thiếu úy chỉ huy cho tập hợp quân sĩ và ra lệnh :
- Pháo đội, sẵn sàng !
Tuấn phát hoảng :
- Bắn trọng pháo à, thiếu úy ?
Viên sĩ quan trẻ tuổi cười lộ hàm răng trắng bóng :
- Dĩ nhiên ! Mình có mấy khẩu bích kích. Phải khai pháo cho vui chứ.
Trong
đêm, Tuấn không để ý đến mấy anh chiến binh vác những nòng súng lớn
trên vai. Lúc này họ tựu nhau ráp lại, trong lúc viên thiếu úy chiếu ống
nhòm quan sát mặt trận. Sau khi cho pháo binh sẵn tọa độ và các lệnh
cần thiết, thiếu úy bảo Tuấn :
- Tôi xuống đưa anh em nhập trận. Cậu ở lại đây với pháo binh, yên trí hơn.
Tuấn
nằm ép bụng trên đồi cỏ, hồi hộp theo dõi cuộc chiến diễn ra phía dưới.
Trời đã sáng rõ, nhưng sương mai còn vương nhòa cảnh vật. Quận Quảng
Sơn vẫn chìm trong khói lửa. Quân đội tiếp viện sau khi chia làm ba mũi
dùi đã khởi sự phản công.
Các họng pháo bắt đầu khai hỏa. Tuấn
nghe những trái đạn bay véo đi nháng lửa khi chạm mặt đất và nổ ình ình,
dọn đường cho quân sĩ tiến lên theo.
Liền khi đó Tuấn có cảm tưởng như cường độ cuộc chiến bỗng nhiên giảm hẳn.
Một lúc sau, ông Quách Tiến nhễ nhại mồ hôi, đến ngồi bên cạnh Tuấn. Ông nhồi thuốc vào tẩu, hỏi Tuấn :
- Êm xuôi cả chứ ?
- Thưa bác, vâng ! Trên quận ra sao bác ?
- Hồi đầu tưởng nguy, vì quân Hắc Xà đã tràn vào sắp chiếm được quận. May nhờ có loạt đạn pháo kích nên tình thế đã xoay chiều.
- Có bị thiệt hại nhiều không bác ?
- Đợt pháo kích không giết hại ai, nhưng ảnh hưởng thật lớn. Quân sĩ của
Hắc Xà phần đông là những người chất phác, a dua theo lời tuyên truyền
dụ dỗ. Nhưng khi thấy là nguy hiểm họ liền trốn chạy ngay. Tuy vậy cũng
chưa nên mừng vội, vì Hắc Xà còn một số đông đồng chí…
Hai bác
cháu ngồi im lặng. Tuấn nghĩ đến những người đang xông xáo trong vòng
lửa đạn, đến những người gục ngã. Và anh thấy chiến tranh thật là đáng
ghét.
Chợt ông Quách Tiến nắm lấy cánh tay Tuấn :
- Cháu nghe gì không ?
- Dạ !
- Có tiếng phi cơ, cháu ạ !
Tuấn lắng tai. Một chiếc phi cơ lao vào thung lũng, hạ thấp và nghiêng cánh lượn trên vùng khói lửa.
Chiếc phi cơ thuộc loại trinh sát, lượn nhiều vòng rồi vọt lên, mất hút sau rặng núi.
Ông Quách Tiến trầm ngâm :
- Bác chắc bọn chúng sẽ mất tinh thần, vì nhận thấy chính quyền đã thực sự can thiệp.
Ông đứng bật dậy, giọng hứng thú :
- Kìa cháu xem ! Bác nói đúng quá mà ! Họ đang bỏ chạy như vịt ấy Tuấn ạ !
Trong
làn khói tản nhạt, Tuấn thấy một đoàn người đang túa ra khỏi quận Quảng
Sơn chạy dồn về mạn bờ suối. Đám tàn quân của Hắc Xà đang bỏ chạy !
______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIV