Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Một hình phạt... nhớ đời


Giờ chơi, tôi ghé lên văn phòng như mọi ngày, cửa văn phòng đông nghẹt học trò. Cố gắng lắm tôi mới gỡ được vòng vây của các em. Tôi cố dằn một tiếng kêu “Trời ơi!” đang định bật ra khỏi miệng : các em tụ họp tại cửa văn phòng để chiêm ngưỡng một học sinh bị phạt! Các em cười đùa, chế nhạo và chọc ghẹo. Tôi lách người đến gần:

- Thanh Thủy! Sao thế em?

Vâng, em bị quỳ là Lê thị Thanh Thủy, học trò cũ của tôi năm ngoái. Em đang quỳ đây, quỳ ở cửa văn phòng. Hai tay em cầm một tấm bảng viết dòng chữ in đỏ thẫm : “Ta là vua lười học”. Một bất mãn dâng lên trong lòng, tôi lắc nhẹ vai Thủy:

- Tại sao bị phạt hở Thủy?

Thủy ngước nhìn tôi, làn da xanh xám và ánh mắt vời vợi đẫm buồn:

- Thưa cô, em không thuộc bài và bị thầy phạt.

A! Lại cái tội năm ngoái đây mà! Đuổi bớt số học sinh hiếu kỳ đang quây quanh Thủy, tôi xoa nhẹ đầu con bé:

- Sao hư thế hả Thủy? Chịu khó học đi chứ để thầy phạt như thế này xấu lắm nhé.

Con bé mím môi nhìn xuống cố giữ 1 nét mặt bình thản, làn da vẫn tái xám và ánh mắt vẫn buồn thật buồn:

- Thưa cô vâng!

Tôi vào văn phòng. Nhìn ly nước trà bốc khói nghi ngút, tôi lại nhớ đến Thủy, con bé đang ôm cái bảng kẻ chữ thật to “Ta là vua lười” quỳ ngoài kia. Sự bất mãn với cái hình phạt kỳ quái đang hoành hành trong đầu óc. Tôi miên man với những ý nghĩ quay cuồng chung quanh con bé. Năm ngoái, Thủy vào lớp tôi sau ngày khai giảng 2 tháng – suốt 2 tuần lễ đầu, không bao giờ Thủy thuộc bài. Ngày nào cũng vậy, lãnh 5 roi hình phạt cho tội không thuộc bài, Thủy bình thản xòe bàn tay trắng muốt ra trước mặt tôi. Ngọn roi đầu tiên quất xuống, Thủy đếm to:

- Một!

- Hai!

- Ba!

Sự chai lì trước roi vọt của Thủy với sự thản nhiên của con bé đôi lúc làm tôi giận điên người. Mắng – la – dọa đuổi học – và hình phạt, càng làm Thủy thêm chai lì, bướng bỉnh. Không bao giờ con bé khóc – đặc điểm tôi ghi nhận ở Thủy. Thế rồi, tôi thay đổi thái độ, tôi còn nhớ hôm ấy là buổi sáng thứ hai, tôi mở sổ:

- Thanh Thủy, trả bài.

Như một thông lệ tự nhiên, con bé mở cuốn vở ngay trước mặt tôi, giọng thật êm:

- Thưa cô em không thuộc bài.

Tôi cười thật tươi nhìn Thủy:

- Thủy không muốn học hả em?

Thủy im lặng. Tôi tiếp theo, giọng ngọt ngào hơn:

- Thủy không muốn học thì thôi, cô không ép, nhưng ngày mai, cô xin Thủy chỉ học cho cô một cái đầu đề của bài Việt Sử thôi, nhớ là cô xin đó nhé – tôi nhắc lại rõ ràng hơn – chỉ học thuộc một cái đầu đề thôi nghe.

Con bé ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi thản nhiên cười:

- Thủy nhé, cô xin Thủy học cho cô chừng đó thôi nghe.

- Thưa cô vâng.

Thế rồi sáng hôm sau, Thủy cũng lên trả bài. Tôi mừng tưởng hét lên được khi Thủy bảo tôi:

- Thưa cô em có thuộc bài hôm nay.

Rồi Thủy đọc bài Việt Sử. Giữ lời hứa ngày hôm qua, tôi bảo Thủy ngừng lại. Con bé nhìn thẳng tôi:

- Thưa cô, em thuộc cả bài mà.

Tôi quay xuống nói với cả lớp:

- Các em, chị Thủy hôm nay đã bắt đầu thuộc bài rồi, vậy các em vỗ tay mừng chị Thủy đi, bao giờ cô gõ xuống bàn thì ngừng nhé.

Những tràng pháo tay đều đặn, vang vang, kéo dài trong lớp học. Thủy đứng vân vê chéo áo, mặt đỏ hồng, bẽn lẽn. Tôi đọc thấy những nét vui sướng ánh lên trong tia mắt con bé ngước nhìn tôi. Khi tràng pháo tay chấm dứt, tôi ghi vào vở con bé chữ “thuộc” thật xinh và vẫn ngọt ngào:

- Thủy về chỗ nhé, ngày mai cố học thuộc bài cho cô như hôm nay nghe.

Con bé cười – lần thứ nhất tôi thấy em cười.

- Vâng ạ.

Từ đó, Thủy luôn luôn chăm học bài tuy em kém nhiều về toán. Nhưng rồi cuối năm em cũng được lên lớp với các bạn… Để rồi… sáng nay, Thủy đang bị phạt, một hình phạt theo riêng ý tôi, là nhục nhã nhất, va chạm tự ái của các em nhất. Thủy đa cảm, tôi hiểu Thủy như hiểu các em tôi, tôi thương Thủy, như tôi thương tất cả các học trò tôi. Tôi hiểu cá tính của từng em một. Thủy đa cảm kinh khủng, con bé có thể khóc dễ dàng khi một phụ huynh, kể lể về căn bệnh của con họ. Che đậy cái mềm yếu của tính đa cảm, em có 1 cái vỏ chai lì và bướng bỉnh. Càng bị đòn em càng phạm lỗi nhiều hơn. Mẹ Thủy sau đó đến gặp tôi đã cho biết như thế. Tôi cũng đồng ý rằng : phải có hình phạt trong việc dạy các em. Nhưng, hình phạt cũng còn phải tùy từng trường hợp, từng cá tính của mỗi em. Mỗi đứa trẻ, một tính nết, một tâm tình, những hình phạt chỉ có một giá trị tương đối trong việc dạy dỗ các em tại nhà trường.. Hình ảnh Thanh Thủy ôm tấm bảng quỳ trước cửa văn phòng như một tên hề bất đắc dĩ làm tôi xót xa. Tôi thương một người học trò cũ của tôi đang bị phạt bằng một hình phạt ê chề nhất – tôi thấy giận thầy  giáo đã phạt Thủy ghê gớm. Còn nhiều hình phạt khác chứ đâu phải đưa em xuống cửa văn phòng quỳ như thế này? Tôi hiểu thầy, tôi cũng hiểu rằng, hình phạt quỳ ôm tấm bảng có hàng chữ to và đỏ “ta là vua lười học” là một hình phạt tàn bạo nhất đối với một em đa cảm như Thủy. Tiếng thầy giáo của Thủy vang vang trong văn phòng, xoáy mạnh vào tai tôi “ “Cái con bé kia nó lười kinh khủng lắm, tôi bắt cầm tấm bảng quỳ ở cửa văn phòng cho các lớp nó ngó rồi nó mới chịu học cho mà xem, đánh mãi chả ăn thua gì!”.

Tôi muốn bảo thẳng với thầy : “Thầy lầm rồi, Thủy sẽ chẳng bao giờ thuộc bài như thầy nghĩ, thầy áp dụng hình phạt không đúng chỗ rồi!”.

Nhưng, tôi vẫn ngồi yên theo dõi từng làn hơi lượn nhẹ nhàng trên ly nước nóng. Tiếng lũ học trò từ cửa văn phòng vang vang : “Ta là học trò lười, ha… ha…”. Tôi quay ra cửa văn phòng. Dáng Thanh Thủy bất động. Đầu con bé hơi cúi xuống. Thanh Thủy quay lưng lại nhưng tôi vẫn thấy, thấy thật rõ… đôi mắt to… đen và vời vợi… đẫm buồn…


Mt. HOA  
(Tim Hồng)


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 222, ra ngày 1-5-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>