Tối hôm mười ba, mẹ chúng nó hỏi:
- Tết Trung Thu chúng mày thích mua gì nào?
Cả hai đứa cùng nhao nhao một lượt:
- Mẹ mua đèn. Đèn thật to cơ ý.
Nhưng bố chúng nó gạt đi:
- Đèn đóm làm gì. Tao bảo chúng mày mua bánh mà nhậu còn sướng hơn.
Thằng lớn ôm lấy mái tóc óng mượt của mẹ nó:
- Không, con thích mua đèn cơ!
Thằng bé chạy lại phía bàn, “huých” bố nó một cái:
- Ăn bánh đau bụng nghe không!
Hai bố con túm lấy nhau ở chân bàn làm cốc nước vừa mới rót sóng sánh muốn đổ. Người vợ vội dàn hòa ngay. Nàng với cái phất trần gõ lên đầu hai đứa:
- Thôi… sẽ mua cho mỗi đứa một cái đèn tàu bay thật dài.
Đoạn nàng ngoáy vào cổ bố chúng nó:
- Còn bố thì thích bánh dẻo hay bánh nướng?
Cổ chàng rụt lại:
- Cả hai!
- Không! Chỉ được một thôi.
- Thế em thích gì?
- Em thích bánh dẻo.
Chàng gật gù:
- Nếu vậy anh thích bánh nướng.
Vợ chàng rẫy lên:
- Này thôi đi! Đây không có thèm chung với ai cả. Của anh nào anh ấy ăn, nghe không!
Chàng co thằng bé con vào lòng, hít hít cái mùi phấn rôm ở cổ nó:
- Đây này, bố bảo. Mày mua đèn làm gì. Chung bánh với tao. Tao cho mày phần to.
Nó dằng ra:
- Không chơi với bố. Mẹ mua đèn cơ mẹ nhé! Mẹ mua cho con đèn tầu bay dài thế này này.
Bố nó đẩy nó ra khỏi lòng:
- Tầu bay! Tầu bay thì ra cái… chó gì! Ba bữa thì hỏng. Phi đèn bố làm thì không còn đâu có đèn tốt mà đẹp cả.
Người vợ cười khanh khách, nàng vừa bới tóc tìm gầu trên đầu thằng bé lớn vừa nói:
- Phải đấy, bố xoay quách sang nghề làm đèn có lẽ vừa hợp lại vừa lời cơ đấy.
Mặt chàng vênh lên:
- Hợp thì không biết có hợp không chứ lời thì chắc rồi. Ngày xưa anh thi làm đèn với mấy xã không xã nào ăn nổi.
Vợ chàng xoa bàn tay mềm mại vào lưng con giai rồi nhìn về phía chồng:
- Này thôi đi, đừng có róc. Có giỏi thì làm đèn cho chúng nó đi.
- Có khó gì cái ấy. Nhưng phàm đã làm đèn thì phải có dụng cụ tốt, có tốt đèn mới đẹp được, mợ thủng chưa?
- Nào, cậu cần cái gì mà đòi tốt nào?
Chàng gật gù:
- Nứa.
Nàng đáp luôn:
- Có ngay!
- Nứa tươi cơ.
- Thì tươi chứ gì. Chợ thiếu giống.
- Hồ nếp chộn vôi quấy thật quánh.
- Lo gì, chạy ra hiệu một loáng là có.
- À… còn giấy hồng điều, giấy bóng kính.
- Bao nhiêu cũng có!
Đã bắt đầu cảm thấy mình bị dồn vào thế bí, chàng vội bịa ngay:
- Thế mợ có kẽm không?
Nàng ngước lên, đôi con mắt long lanh ở dưới ánh đèn sáng:
- Kẽm làm gì?
- Kẽm làm… “cựa” chứ còn làm gì?
Nàng có vẻ ngạc nhiên:
- Đèn có “cựa” à?
Chàng giơ hai tay lên giời:
- Ôi giời ôi! Mợ chẳng hiểu gì về đèn đóm cả. Đèn mà không có cựa thì nó khuỵu xuống chứ còn gì.
Bây giờ thì nàng biết được cái bố lếu của chồng. Vì vậy nàng không thể nhịn cười được, nàng co thằng bé con vào lòng cười rúc rích với nó:
- Bố mày là vua nói róc!
Chàng làm ra vẻ mặt khổ sở của một kẻ bị oan ức:
- Ơ kìa!… mợ không tin phải không? Thế thì mợ không hiểu gì “sốt” cả. Đèn của tôi làm còn văn minh hơn sức mợ tưởng cơ. Chỉ xoay một cái chốt thì ánh sáng phát ra mầu vàng, xoay một cái nữa lại mầu xanh, rồi mầu đỏ, mầu tím… Hoa đăng mà lị.
Mắt thằng bé lớn tròn xoe lên nhìn bố nó có vẻ khâm phục:
- Bố làm thế nào mà tài thế?
Chàng cười ha hả:
- Ối, trò trẻ ấy khó gì. Này nhé, tao làm một cái khum như cái đèn xếp nhá, tao dán bẩy mầu giấy bóng khác nhau nhá, tao xoay cái chốt nhá, vậy là xoay mầu nào ánh sáng phát ra mầu ý!
Thằng bé vỗ tay về cái phát minh của bố nó. Nhưng vợ chàng thì lại càng không nhịn cười được. Nàng gõ cái giá phất trần lên đầu bàn rồi hăm hở:
- Đã vậy thì có kẽm cho cậu đấy!
Chàng làm ra vẻ khó khăn:
- Phải thứ kẽm cứng cơ. Cứng mới tốt!
- Thì kẽm nào chẳng là kẽm. Hy sinh cho cậu cái nắp thùng rác đấy. Tha hồ cứng nhá.
Mặt chàng ngay ra nhưng rồi vẫn phải trả lời:
- À… à… nếu vậy thì được. Mai chủ nhật, tôi làm cho xem.
Quả nhiên sáng hôm sau vợ chàng bê về đủ thứ : ống tre, ống nứa, giấy mầu và nàng xuống bếp quấy cho hắn một xoong hồ.
Chàng đành phải xoay trần ra chẻ nứa. Chỉ lũ trẻ con là khoái. Chúng nó ngồi chồm chỗm xem bố chúng nó làm. Nào rót nước, nào quạt, nào gãi lưng, đủ tình đủ tội mà chúng vẫn khoái. Bố chúng nó bảo:
- Tao không làm đèn tầu bay. Lạc hậu rồi. Chúng mày có thích đèn
vệ tinh không? Vệ tinh mới đúng mốt.
Thằng bé hỏi:
- Vệ tinh có Zorro cưỡi không bố?
- Có chứ! Zorro nằm ở trong nhưng lúc dán kín rồi thì không trông thấy nữa.
Nó khoái lắm, cái thú của nó làm nó dang thẳng cánh tay quạt cho bố phành phạch. Còn thằng lớn thì cong đít lên gãi. Lưng bố nó thật là lưng thợ cầy. Nó u lên những thịt và lại nhễ nhại mồ hôi.
Nhưng cả một buổi sáng trôi qua mà chàng không “gò” được cái khung nào ra hồn cả. Mới đầu chàng định làm đèn tròn kiểu si-pút-ních. Sau khó khăn hắn mới xoay sang đèn dài kiểu Apollo, ấy thế mà vẫn bị méo xiêu, méo xẹo. Chàng đã bắt đầu cáu rồi. Tay hắn đập ruồi đen đét, miệng hắn càu nhàu đủ thứ. Chàng bắt lũ trẻ ngồi thật xa, cấm bép xép, cấm hỏi lôi thôi, lại cấm cả… cười nữa!
- Cười lắm “điếc tai” người ta.
Cứ thế cho đến lúc ăn cơm trưa thì chàng gò được hai cái khung đèn vuông! Thằng lớn hỏi bố:
Chàng không muốn nói khoác nữa, vặc ngay:
- Đèn kiểu của tao đấy! Rồi chúng mày sẽ thấy!
Thằng bé hỏi:
- Bao giờ xong hả bố?
- Đúng sáu giờ chiều hôm nay.
Sau bữa cơm, bọn chúng nó không còn hăng hái như buổi sáng nữa. Chúng nó là rà ở bên bố nó một lát. Có quạt thì chỉ quạt chểnh mảng, có gãi thì chỉ gãi hơi hơi thôi. Chúng hết tin bố rồi. Đã thế mẹ chúng nó còn khích thêm:
- Ừ! Hay đấy! Lên giấy bóng rồi thì phải biết, giống… giống…
Chàng ngửng lên:
- Giống gì?
Nàng cười khanh khách:
- Giống cái mũ thổ công!
Chàng vùng vằng đứng dậy, quơ tất cả đồ lề đi xuống buồng xép làu nhàu:
- Chưa làm xong gì “sốt” cả mà cứ lèm bèm. Đã thế không cho xem nữa!
Đoạn chàng cài cửa lại, đá hai cái khung xuống gậm giường. Thật sự thì chàng mỏi lắm rồi. Giấc ngủ trưa làm mắt chàng ríu lại. Chàng định sẽ ngủ một giấc đến năm giờ cho đã rồi chuồn ra phố mua phắt cho mỗi đứa một cái đèn là xong chuyện. Thật là ý kiến hay mà chàng không nghĩ ra từ sáng. Điều ấy làm chàng thấy bớt cáu sườn, chàng nghe thấy thằng bé gõ cái cánh cửa và nói qua lỗ khóa:
- Sáu giờ phải xong đấy, bố nhé.
Chàng vọng ra:
- Được rồi, cứ yên chí. Tối nay không có đèn thì cho chúng mày cắt cổ tao. Nhưng trong khi tao “làm” cấm chúng mày gọi nghe không.
Chờ cho tiếng chân mẹ con chúng nó lên hết nhà trên, chàng mới giải chiếu xuống đất nằm lăn ra ngủ. Giấc ngủ đến với chàng thật là dễ dàng.
Độ bốn giờ thì chàng choàng dậy. Trong nhà không còn ai cả. Vợ chàng để lại tờ giấy ở trên bàn:
“Em dẫn chúng nó lại thăm hai cụ đây. Độ sáu giờ thì về. Anh ở nhà ráng mà dán đèn cho chúng nó nhé”.
Chàng thấy thật là may. Chẳng còn dịp nào tốt hơn là bây giờ chuồn ra phố mua đèn cho chúng nó. Có thể về, chàng sẽ dán hoa hòe, hoa sói vào cho nó khác đi thì sẽ thành tác phẩm của mình ngay. Lòng vui vui, chàng huýt sáo vang nhà rồi đi tắm. Nửa giờ sau, xách xe đi lên phố.
Buổi chiều mười bốn, phố xá thật là nhộn nhịp. Không khí êm dịu như một buổi chiều mùa thu xứ Bắc. Chàng hân hoan đi giữa rừng người, rừng đèn. Những cửa hiệu bán bánh đông nghẹt, tiếng cười, tiếng nói, tiếng bột nện chan chát trong phản bánh. Chàng vui vui nhìn lên những nóc nhà cao. Có những quả bóng xanh đỏ bay lơ lửng giữa nền trời. Từng dẫy đèn xếp căng dài ở trên sân thượng một tiệm ăn.
Dưới đường phố, chàng len không được. Chàng đi ở trong mầu đỏ của giấy bóng các loại đèn, ở trong màu sặc sỡ của những hộp bánh xếp thành chồng cao trong quầy kính. Ở phía xa, tiếng trống ếch rộn rã nhịp nhàng. Lòng chàng tràn ngập niềm vui như niềm vui của đứa trẻ. Hắn len vào một cửa hiệu, chọn mua một đôi đèn tầu bay. Kiểu tầu bay bà già. Nhưng ôi chao, thật là đắt. Họ “cứa” chàng những bốn chục một cái. Chàng lí nhí mặc cả, nhưng vì ồn quá, không ai nghe thấy tiếng của chàng. Chàng đành phải trả tiền. Lúc nhận đèn, có một người đàn bà đứng đằng sau hỏi:
- Thưa ông bao nhiêu đấy ạ?
Chàng đáp với một vẻ ngượng nghịu:
- Dạ… những bốn mươi đồng.
Người ấy phá lên cười:
- Hớ rồi ông ơi! Có mười tám đồng một cái.
Chàng há hốc mồm quay lại. Vợ chàng mặc áo tím đánh môi hồng. Nàng đi ở giữa hai đứa trẻ. Tay chúng nó cầm mỗi đứa một cái đèn tầu bay. Bây giờ thì chúng nó mới túm lấy bố nhảy hét lên:
- Ơ!... Ơ!... Bố cũng đi mua đèn!... Thế mà bố bảo bố làm lấy!
Mặt chàng tự nhiên đỏ rừ. Chàng xấu hổ thật sự trước cặp mắt long lanh của vợ và những cái cấu chí của hai đứa con giai. Sự xấu hổ làm chàng quên phắt ngay rằng hai cái đèn vừa mua, chỉ đáng giá có mười tám đồng một cái…
NHẬT TIẾN