Buổi họp chớp nhoáng được thực hiện ở một góc sân. Hoài vắn tắt:
- Tình hình ra sao, các bồ cho biết gấp!
Lộc mở lời:
-
Khả quan! Tôi thách Tuệ giữ cho xóm nhà lá im lặng trong buổi học này.
Trong khi đó Đỉnh cũng nói khích đám “lâu la”, chúng cũng nhận lời giữ
im lặng. Tôi ra điều kiện với Tuệ: nếu hắn thực hiện được, tôi chịu thua
một chầu ciné, còn hắn làm không nổi thì phải làm một việc do tôi chỉ
định. Dĩ nhiên việc nhằm vào điều chúng ta đang làm.
Tứ thắc mắc:
- Lỡ Tuệ hắn giữ im lặng được thì sao? Nhất là bọn hắn cả tướng cả quân đều bị khích?
Đỉnh cười:
-
Yên chí lớn! Làm sao yên lặng hoàn toàn được. Ngay cả những bàn ngoan
nhất, trong hai giờ đồng hồ cũng phải có vài tiếng xì xào chứ. Đã bảo
Lộc đưa Tuệ nhà ta vào “xiếc” mà lỵ.
Rồi Đỉnh hỏi lại:
- Còn bồ, công tác ra sao?
Tứ có vẻ khoan khoái:
-
Suya! Tâm, Yên, Long chịu hết mình. Tâm nói sẽ xin phép thầy Đạt để
tuyên bố ý kiến tổ chức trại. Cam đoan là thầy Đạt sẽ cho, vì tớ đã tìm
gặp thầy Đạt trước, trình bày tất cả kế hoạch của bọn mình. Thầy ra vẻ
hài lòng, thích thú lắm và hứa sẽ giữ kín.
Cả bọn xuýt xoa khen ngợi Tứ làm việc khôn ngoan làm anh chàng khoái quá, cứ toe miệng ra cười hoài.
Lộc vỗ vai Hoài:
- Thế còn cậu?
Hoài từ tốn:
-
Cũng khá! Chắc chắn nắm được nhóm học giỏi. Họ sẽ ủng hộ mình vì nể lời
anh chàng Oanh. Nhưng điều đáng mừng hơn, xin báo để các bồ biết ngay
là rất có thể Oanh sẽ nhập nhóm Thân Ái với chúng mình.
Cả bọn reo lên nho nhỏ:
- Thật hả? Thế thì vui quá. Anh chàng đó có nhiều nét đặc biệt lắm. Hắn có tài lạ!
- Hẳn đi rồi! Có điều hắn giấu tài, không muốn khoe đấy thôi.
Hoài cắt ngang:
-
Hãy cứ biết vậy. Chúng mình mừng cho nhau đã thực hiện công tác một
cách trọn vẹn… À, nhưng mà không biết hai cô Bích, Linh làm ăn ra sao
nhỉ?
Tứ đáp ngay:
- Quên, chưa nói, lúc nãy Linh thấy tôi, giơ một ngón cái, dấu hiệu thành công.
Hoài vui mừng:
-
Thế là hoàn toàn. Ngay chiều nay Tứ có thể liên lạc với bộ Thanh niên,
mượn một ít lều. Cậu là Đoàn Trưởng Hướng Đạo, có lẽ tiện hơn. Thôi bây
giờ sắp vào học rồi, tản mát đi rồi vào lớp là vừa.
Cả bọn làm theo ngay. Vừa lúc ấy tiếng trống vào học nổi lên.
*
Như
thường lệ, thầy Đạt vào lớp thật đúng giờ. Ngay sau khi tiếng trống báo
giờ học điểm, thầy đã có mặt trong lớp, đứng trên bục giảng nhanh như
điện.
Ra hiệu cho học sinh ngồi, thầy đứng chống hai tay lên mặt bàn, đảo đôi mắt “điện tử” quanh một vòng lớp.
Ba
bàn đầu vẫn là mấy cô nữ sinh, một vài cô vẫn “trang điểm”, lấy lược gỡ
qua mái tóc dài óng mượt. Chợt bắt gặp phải đôi mắt của thầy, các cô
thè lưỡi, rụt cổ, cất ngay chiếc lược vào cặp, rồi cúi đầu, khoanh hai
tay trên bàn, dáng hiền hậu, nhu mì trở lại.
Thầy
nhìn xuống mấy bàn dưới, đầu bàn thứ tư anh chàng Oanh ngồi ngoan
ngoãn, chiếc đầu to như cái giành thật ngay ngắn và bất động, đôi mắt mở
thao láo nhìn lên bảng đen, hai bàn tay khoanh lại trên mặt bàn. Thầy
Đạt cười thầm, thầy nghĩ: “Không biết hôm nay hắn có điều gì đắc ý mà
trông mặt mày cứ tươi rói?”. Bao giờ cũng vậy, Oanh có một vẻ ngộ nghĩnh
nhưng đáng yêu. Thầy lại nghĩ đến xấp bài làm sắp trả cho học trò, chắc
hẳn là khi được biết kết quả, Oanh sẽ hài lòng lắm, và thầy sẽ được
thấy khuôn mặt Oanh vụt sáng lên một cách hồn nhiên, rất nhanh nhưng rất
rõ. Hình như Oanh biết thầy đang nhìn mình, mặt anh chàng đỏ dần. Oanh
cúi đầu,
nhìn chân mình đang di di trên sàn lớp.
Cùng
dãy giữa, đầu bàn thứ năm, Hoài ngồi ngay ngắn, khuôn mặt thông minh và
lanh lợi hơi ngước lên, miệng hơi hé mở. Tất cả khuôn mặt Hoài trong
một dáng điệu chờ đợi những câu nói, những lời giảng của giáo sư. Thầy
Đạt cảm thấy được an ủi và thầm ước: “Giá học trò đứa nào nó cũng như
Oanh, như Hoài thì thầy dễ thở biết bao!” Nhưng đó chỉ là một ước mơ
không bao giờ thành hình, vì nếu ước mơ đó được thực hiện, người ta đã
chẳng bảo nghề giáo là một nghề khó khăn và nặng nề nhất và như thế
người ta cũng sẽ không kính phục nghề giáo cho lắm.
Vả
lại, ước mơ ấy chỉ vụt đến với thầy trong những lúc quá bực mình vì
những đứa học trò ngỗ nghịch, chứ những khi bình tâm suy nghĩ kỹ, nhất
là trong những đêm vắng, sau khi ngồi chấm xong mấy xấp bài dầy cộm của
học trò, tuy mệt mỏi nhưng khoan khoái, thầy mơ màng nhớ đến đám học trò
của mình, từng khuôn mặt một: đứa giỏi, đứa dốt, đứa chăm, đứa lười,
đứa ngoan, đứa hư, đều hiện rõ trong trí óc thầy, thầy trìu mến nghĩ đến
tất cả và vui lòng chấp nhận tình trạng những lớp học thầy phụ trách,
vì với những lớp mà thành phần học sinh phức tạp như vậy, tuy có làm
thầy mệt nhọc thật nhưng chính nhờ tình trạng ấy, thầy mới có được
những giây phút sung sướng vô cùng mà chỉ có những người sống trong
nghề giáo mới được hưởng, đó là những giây phút khám phá ra được một đứa
học trò thông minh một cách kỳ lạ, hoặc những lúc hãnh diện thật sự khi
thấy sự cố tâm của mình có kết quả thật tốt đẹp, những đứa học trò dốt
dần dần hiểu được bài vở, dần dần thâu nhận được những điều thầy giảng.
Những lúc ấy bao nhiêu bực tức, mệt nhọc đều như tan biến hết, tâm hồn
thầy phơi phới như có một luồng gió mát lùa qua. Hoặc trong vài phút
giây nào khác, thầy nhận ra giữa đám học trò thường là ngỗ nghịch, có
một vài đứa thật ngoan, chúng nó mến thầy như một người anh, một người
cha và tôn thầy như thần tượng. Chúng luôn luôn làm thật đúng những điều
thầy dặn, một phần vì tinh thần cầu tiến, nhưng một phần cũng vì mến
thầy, chúng sợ không làm theo lời thầy dặn, thầy sẽ buồn, sẽ giận. Những
đứa học trò như vậy quả là nguồn an ủi bao la cho thầy, và cũng chính
vì chúng, thầy còn can đảm theo đuổi nghề giáo, một nghề mà người ta
“tấn phong” cho nó là thanh bạch và bạc bẽo nhất.
Đầu
bàn thứ sáu là Việt. Thằng học trò này cũng ngoan và vào hạng khá, tuy
vậy không bao giờ Việt chiếm được thứ hạng cao trong lớp. Đầu năm, nhìn
những cột điểm của Việt, thầy hơi ngạc nhiên: điểm của hắn rất kỳ cục,
nhiều khi một con 20 nằm bên cạnh một số 01, lắm chỗ một con 18 nằm chen
giữa hai cặp zéro tròn trĩnh.
Thầy
kết luận Việt tuy học khá, nhưng vì ham chơi nên điểm không đều. Nhưng
sau này, khi đã tìm hiểu và biết được hoàn cảnh gia đình của Việt, thầy
không trách hắn nữa, trái lại, quay ra tự trách mình đã kết luận vội
vàng về tên học trò này.
Sự
thật Việt rất chăm, nhưng hoàn cảnh gia đình khiến Việt dù có muốn
chăm, muốn học, đều cũng không được. Mẹ Việt góa chồng từ ba năm nay. Ba
Việt mất để lại cho vợ sáu đứa con mà Việt là anh cả. Một mình bà xoay
sở không đủ nuôi ngần ấy miệng ăn, lại còn quần áo, sách vở, tiền học…
Việt
tuy còn nhỏ nhưng đã sớm nhận thức được thực trạng gia đình, bởi vậy,
Việt chăm làm hết sức. Là anh cả, Việt xốc vác mọi việc trong gia đình.
Từ việc xách nước, giặt giũ quần áo đến việc thổi cơm nấu nước Việt đều
làm cả. Việt có hai đứa em gái: một đứa năm nay đã 15, lẽ ra việc giặt
giũ nó có thể làm được, nhưng thấy học chậm, Việt muốn dành nhiều thời
giờ cho em học để khỏi thua sút các bạn. Việt biết, con gái hay có tính
tủi thân một khi thấy mình không được bằng chị bằng em, thành thử Việt
cố tránh cho em khỏi phải tủi thân, do đó, bao nhiêu công việc trong nhà
Việt “bao thầu” hết.
Con
bé em kể cũng ngoan, không đành lòng để anh quá vất vả, cứ lăng xăng
đòi giúp hay giành làm những công việc Việt đang làm, nhưng Việt chỉ cho
em giúp mình khi biết chắc em đã thuộc hết bài. Còn một đứa em gái nữa,
đứa này là út, mới có lên bốn, dĩ nhiên chưa giúp gì được cho Việt. Bà
mẹ nhiều khi nhìn Việt rưng rưng nước mắt, bà hãnh diện có được đứa con
ngoan nhưng cũng thương con và tủi thân vì không thể có đủ điều kiện cho
con được bằng anh em bạn. Cứ nhìn cái quần kaki xanh bạc phếch mặc đã
ngót ba năm của con, bà lại nghẹn ngào. Mà Việt hình như không quan tâm
đến điều ấy. Anh chàng cứ lơ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Thầy
đưa mắt xuống cuối lớp. Mấy bàn cuối nổi tiếng là phá phách và làm mệt
thầy nhất. Tuệ to đầu nổi bật giữa bọn, hắn cao hơn những tên khác cả
gang bàn tay nên bao giờ đầu hắn cũng nhô ra một cách lộ liễu trong đám
đông. Nhìn vào xóm nhà lá là thấy buồn. Học trò gì mà không bao giờ thấy
học. Không học bài, không làm bài, bọn chúng hình như để hết tâm trí
vào việc tìm cách trêu ghẹo thầy giáo hay bạn bè. Tuy vậy, đôi lúc thầy
cũng an ủi trong cái xóm vô cùng bê bối ấy, có Lộc và Đỉnh thỉnh thoảng
lại sáng chói lên như một vì sao, với những câu trả lời rất gẫy gọn và
thông minh.
Theo
thói quen, nhìn quanh lớp một lần như thế để áp chế đám đông, thầy mới
bắt đầu dạy. Tuy nhiên, hôm nay thầy thấy một cái gì khang khác, một cái
gì hình như xảy ra trong lớp một cách âm thầm nhưng rất trọng đại. Thầy
mơ hồ nhận ra điều ấy, nhưng không biết sự thực nó là gì.
Thầy trả bài làm lần trước, chỉ rõ những chỗ học trò sai rồi bắt đầu giảng qua bài mới.
Học trò ngồi ngoan ngoãn, thầy khoan khoái mở đầu:
- Hôm nay tôi giới thiệu với các em một tác giả mới. Đó là thi sĩ Trần Tế Xương.
Học
về Trần Tế Xương là dịp rất dễ gây hào hứng trong lớp. Hơn nữa, với
tiếng giảng bài trầm ấm, thầy đã làm cho bài giảng của thầy thêm linh
động và hấp dẫn, học trò nhiều tên há miệng nghe, mặt cứ ngây ra một
cách thảm hại.
Bài
giảng kết thúc trong bầu không khí vui tươi. Thầy cho học trò chép bài
học. Mẩu phấn trong tay thầy di động trên bảng đen để lại những dòng chữ
trắng. Chữ thầy đẹp và rõ ràng. Thỉnh thoảng đang viết, bất chợt thầy
quay mình lại nhìn vào đám học trò. Kinh nghiệm cho thấy những lần quay
lại bất chợt như thế, thế nào thầy cũng tóm được một ông không chịu viết
bài, miệng đang ngoác ra cười và phá phách những người bên cạnh. Nhưng
hôm nay, lạ lùng một cái là thầy đã bất chợt quay xuống đến hai ba lần
mà cũng chả bắt được ai cả. Tất cả đều chăm chú nhìn lên bảng, ngoan
ngoãn, tay đưa nhanh ngọn bút.
Cho
đến lúc đó, thầy mới nhận thức được rõ ràng điều mà ngay từ đầu giờ học
thầy đã cảm thấy một cách mơ hồ. Lúc này thầy thấy rất rõ điều đã khiến
cho lớp học hôm nay có vẻ khang khác: xóm nhà lá hôm nay không hoạt
động. Nói cho rõ là chúng không nói chuyện, phá phách như mọi ngày. Đúng
rồi! Ngay lúc giảng bài cũng thế, chúng ngồi rất ngoan ngoãn, rất chăm
chú. Ngày khác làm gì có chuyện ấy! Chúng ngồi đó, nghịch ngầm bằng cách
thụi nhau dưới gầm bàn hoặc nghịch một cách công khai với đủ mọi thứ
động tác. Không đi nữa thì chúng cũng xen vào nói ngang một câu giữa bài
giảng của thầy.
Đúng
rồi! Lớp khác lạ hẳn đi vì chúng không phá phách nữa. Nhưng chuyện gì
đã xảy ra vậy? Chắc chắn không có chuyện xóm nhà lá đồng một loạt hồi
tâm trước những lời khuyên răn của thầy. Nhất định phải do một nguyên
nhân nào khác mà thầy chưa tìm ra.
Không
riêng gì thầy, cả lớp hình như đều cũng ngạc nhiên về thái độ kỳ lạ của
xóm nhà lá trong buổi học hôm nay. Những hôm khác, bao giờ họ cũng thấy
xóm nhà lá phá phách vô cùng. Vào lớp là họ đương nhiên chờ xem xóm đó
hôm nay giở những trò gì và đương nhiên nghe thầy mắng cho xóm đó mấy
trận trong một buổi học. Thế mà hôm nay thì khác hẳn. Vài người ngạc
nhiên quá thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn chòng chọc vào mấy bàn cuối lớp
như để dò xét.
Phần
Tuệ, anh chàng khoái chí lắm, vì thấy bọn lâu la của mình ngồi im thin
thít. Tuệ quay sang Lộc, cười đắc chí. Lộc cũng cười đáp lại.
Tuệ
thấy rằng mình oai hẳn lên, bảo cái gì là lâu la nghe theo răm rắp.
Nhưng bỗng Tuệ tái mặt, hai nhóc con Hùng và Lâm chả biết có chuyện gì,
chụm đầu vào nhau, cười rúc rích.
Ngồi
ngay phía sau, tiện chân Tuệ đạp cho mỗi tên một phát. Cả hai biết phận
ngồi im thin thít. Thế rồi, thỉnh thoảng lại có một vụ phá rào như thế,
tuy không quan trọng gì và cũng không làm ồn lớp là mấy, nhưng như vậy
là vi phạm vào điều Tuệ đã cam kết với Lộc, và Tuệ cảm thấy bị thua cuộc
đến nơi.
Mỗi
khi xảy ra một vụ vi phạm, Lộc lại liếc mắt nhìn Tuệ làm anh chàng căm
lắm và cố tìm cách – trong sự im lặng – để bắt lâu la mình chấm dứt trò
vi phạm kia đi. Tuệ thở dài. Rõ ràng “điều khiển ngược” khó hơn “điều
khiển xuôi” gấp bội. Ấy, nghịch đến động trời lên lại hóa dễ, mà ngồi
yên lặng trong một hai tiếng coi vậy mà khó vô cùng. Rồi Tuệ đâm lo
lắng, không biết cái công việc Lộc bắt Tuệ làm sau khi thua cuộc có khó
không. “Tên này thâm lắm chớ không phải chơi, hắn bắt mình làm cái gì mà
mình làm không được thì lại càng quê nữa”. Tuệ nghĩ vậy rồi đâm ra lo
sợ.
Nhưng
trong lớp hôm nay có người hồi hộp nhất. Người đó không phải là Tuệ,
không phải là Lộc, không phải là Đỉnh, là Hoài hay Tứ, mà là Tâm.
Phải!
Tâm hồi hộp lắm, vì lát nữa đây, vào cuối giờ học, Tâm phải lên trình
bày cho toàn lớp nghe về dự định tổ chức đi trại của mình. Mặc dù được
bọn Tứ hứa ủng hộ hết mình, Tâm vẫn lo. Không biết lát nữa người ta sẽ
hoan hô hay đả đảo mình.
Thấy
xóm nhà lá hôm nay ngoan ngoãn hẳn ra, Tâm hơi yên lòng và biết Tứ đã
giữ đúng lời cam kết, tuy không biết Tứ đã dùng cách nào bưng miệng ngần
ấy mạng của xóm nhà lá trong hôm nay.
Buổi
học chậm chạp trôi qua. Càng đến những phút cuối, Tâm càng hồi hộp. Nhớ
lại lời dặn của ông chú: Mỗi khi thấy hồi hộp thì thở thật dài và mạnh
mấy cái sẽ hết, Tâm làm theo. Phong ngồi bên cạnh, nghe Tâm thở phì phò,
không hiểu gì, lại tưởng Tâm mệt, quay sang hỏi nhỏ:
- Tâm bị mệt đấy à? Có cần xuống phòng Y tế nằm nghỉ, để mình dẫn xuống.
Tâm vừa buồn cười vừa cảm động, nắm nhẹ bàn tay bạn, đáp khẽ:
- Không.
Còn chừng nửa tiếng cuối giờ học, thầy Đạt ngừng giảng bài, chậm rãi nói với đám học trò:
-
Hôm nay các em rất ngoan. Tôi đặc biệt khen ngợi mấy em đã giữ kỷ luật
trong lớp một cách đẹp đẽ làm chính tôi cũng không ngờ! Bây giờ còn
chừng nửa tiếng cuối giờ, tôi cho phép em trưởng lớp lên trên này nói
chuyện với các bạn, vì nghe đâu em trưởng lớp có dự định hoạt động gì đó
cho lớp của chúng ta. Mong rằng các em vẫn giữ trật tự như đầu buổi học
cho đến giờ. Tuy vậy, các em cứ việc vui vẻ phát biểu ý kiến, tôi không
cấm, miễn là làm việc trong vòng kỷ luật.
Thầy
ra hiệu cho Tâm, Tâm bước lên giữa tràng pháo tay. Đứng trên bục, Tâm
định bắt chước thầy, đưa mắt quét qua lớp một vòng. Nhưng vì đôi mắt Tâm
chưa đủ “điện” mạnh như mắt thầy nên Tâm làm công việc này có vẻ ngượng
ngập. Lại thêm vài tiếng cười rúc của mấy cô bé ngồi bàn đầu làm Tâm
thêm cuống, tim đã đập với một nhịp điệu nhanh gấp đôi lúc thường.
Đúng lúc cuống quít ấy, Tâm chợt nhớ đến lời dặn của chú Tâm ; chú bảo:
-
Mỗi khi cần nói trước đám đông, cứ việc coi đám thính giả trước mặt
mình như những củ khoai hay những cái bắp xú, không có gì đáng sợ thì sẽ
hết sợ ngay.
Tâm lấy lại bình tĩnh:
- Thưa các bạn…
Ngừng
lại một chút để dò phản ứng, không thấy ai phản đối, hình như lại có vẻ
đợi chờ, Tâm khoái quá, bắt đầu “mở máy”: Tâm đưa ra những lý do khiến
lớp học lâu nay mang một vẻ buồn chán, uể oải. Sau đó, Tâm kết luận: cần
phải có một hoạt động chung nào để lấy lại sinh khí. Hoạt động thích
hợp nhất trong lúc này là đi trại.
Tâm
dứt lời, mọi người hoan hô nhiệt liệt. Theo đúng dự liệu, Hoài, Đỉnh,
Lộc, Tứ, Linh, Bích đều nêu ý kiến ủng hộ “sáng kiến” của Tâm.
Chuyện
đang tiến hành tốt đẹp thì Tuệ giơ tay xin đứng lên phát biểu ý kiến.
Tâm hơi tái mặt! Tuệ đã nói tất không phải chơi, thế nào cũng có
“chuyện”. Trong khi đó lâu la xóm nhà lá vỗ tay nhiệt liệt hoan hô chủ
tướng.
Tâm
đưa mắt cho Tứ và Hoài, báo tin để sẵn sàng phản ứng, nhưng quái lạ, cả
hai vẫn tỉnh bơ như không. Không biết làm sao, Tâm đành “đơn thương độc
mã” đối chọi.
Tuệ bắt đầu:
- Thưa các bạn, dự định anh lớp trưởng đưa ra vừa rồi thật là tốt đẹp, và đáng làm.
Tâm nghĩ: “Nó thổi mình lên rồi mới đập sau đây”.
Tuệ tiếp:
- Nhưng…
Tâm
nghĩ thầm: “Biết ngay mà! “Nhưng” một cái là hoàn toàn thay đổi hết,
đang tốt đẹp, đáng làm, sẽ biến ra xấu xa, không đáng làm. Thằng xỏ lá
thật! Vậy mà Tứ dám nói là xóm nhà lá sẽ không phá. Nhưng được rồi, đã ở
thế cưỡi cọp rồi, phải liều mới được. Mình cứ thử xem hắn lý luận ra
sao rồi sẽ liệu sau”.
Tuệ
“nhưng… “ một cái rồi ngừng lại, làm cho bầu không khí trở nên ngột
ngạt khó thở, ai nấy đều chờ xem Tuệ nói cái gì sau chữ “nhưng” quái ác,
đã có mấy cái đầu quay hẳn lại.
Tuệ tiếp tục trình bày ý kiến:
-
Nhưng dù sáng kiến có hay mấy đi nữa, và dù anh trưởng lớp có thiện chí
đến thế nào đi chăng nữa, nếu chúng ta không thực tâm cộng tác với anh
thì bao nhiêu điều tốt đẹp cũng bỏ đi hết vì không thực hiện được. Chúng
ta đã khen, đã ủng hộ sáng kiến của anh trưởng lớp, vậy bây giờ tất cả
phải có bổn phận đóng góp vào việc thực hiện sáng kiến đó. Hoan hô bằng
miệng không ích gì hết, điều quan trọng là bắt tay vào việc.
Tuệ
vừa dứt lời, Tâm thở phào nhẹ nhõm. Chữ “nhưng” của Tuệ không mang lại
một nguy hiểm nào, trái lại, còn làm cho công việc đẹp đẽ hơn.
Tuy
vậy, Tâm rất ngạc nhiên, không hiểu hôm nay Tuệ nhà ta mắc phải chứng
gì mà có thiện chí xây dựng như thế. Tâm thắc mắc vì không hiểu được mặt
trong của câu chuyện: ngay sau khi thấy lâu la của mình phá rào nói
chuyện đến lần thứ ba, Tuệ viết một mảnh giấy nhỏ vo lại ném cho Lộc.
Lộc mở ra đọc:
“Tớ nhận thua cậu keo này. Ngay bây giờ cậu có thể bắt tớ làm việc gì cậu muốn”.
Lộc mỉm cười lấy bút viết vào mặt sau tờ giấy:
“Phục cậu đã chơi rất quân tử. Việc tớ nhờ không khó gì hết, lát nữa cậu nhớ ủng hộ công việc của Tâm trưởng lớp”.
Chính vì dòng chữ của Lộc, hay nói đúng hơn chính vì kế hoạch sắp xếp của Lộc, Tâm mới được Tuệ ủng hộ hết mình như thế.
Tuệ
nói xong mấy câu đầu rất là văn chương chải chuốt. Thấy mọi người có vẻ
bằng lòng, anh chàng bắt đầu dùng “danh từ trần tục”:
- Quí vị nhớ nhé. Ai vỗ tay hoan hô mà khi làm lại rút dù là… hèn.
Cả lớp cười rầm, nhưng lại vỗ tay lớn hơn. Tuệ thích quá cười toe rồi ngồi phịch xuống. Lộc nhìn Tuệ cười, tỏ vẻ hài lòng.
Đến lượt Oanh. Lớp đang ồn ào thì giọng ồ ồ của Oanh cất lên:
- Xí đã! Xí đã! Đừng có nói chuyện chứ. Tôi nói cái này!
Mới nghe hai tiếng “xí đã”, mấy cô đã bò ra cười. Một cô bảo bạn:
- Anh này làm cái gì mà như chơi năm mười hay rượt bắt cứu bồ ấy.
Nhưng rồi họ cũng im lặng, chờ xem anh chàng có ý kiến gì. Oanh tiếp:
- Tôi muốn nói thế này: Tụi mình ai cũng bằng lòng đi trại cả rồi. Vậy thì xin anh Tâm đi vào chi tiết để tranh thủ thời gian.
Oanh
nêu ý kiến thật đúng lúc. Tâm nhân đó trình bày ngay về thành phần tổ
chức, về địa điểm, ấn định thời gian, lệ phí và phương tiện di chuyển.
Thầy Đạt được mời đi làm cố vấn. Tâm cũng không quên mời Tuệ hợp tác
trong ban tổ chức. Tuệ nhận lời ngay.
Vấn đề vừa được giải quyết xong trong bầu không khí hào hứng thì tiếng trống báo tan học. Tất cả ra về trong niềm hân hoan.
Vừa ra, Tuệ đã nắm cánh tay Lộc:
- Cậu nói đúng thiệt! “Điều khiển ngược” khó hơn “điều khiển xuôi” nhiều. Tôi chịu thua.
Nhưng Lộc trả lời:
-
Không! Cậu giỏi lắm. Xóm mình hôm nay tuy có vài vị chuyện trò qua loa
một chút, nhưng cứ xét chung có thấy là ngoan nhất lớp không? Đến độ
thầy phải khen cơ mà. Cậu cứ tưởng mấy xóm học chăm là suốt giờ họ không
nói chuyện gì sao? Nhiều khi cũng nói lia ấy chứ.
Rồi Lộc thân mật vỗ vai Tuệ:
- Chiều đi ciné với tớ nghe. Rex đang chiếu phim xã hội của Ý. Hay lắm!
Tuệ
vốn ghét loại phim này và hầu như không bao giờ đi xem, Lộc cũng biết
vậy, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Trong thâm tâm Tuệ nghĩ: “Tên này xử
điệu quá. Mình cũng phải làm sao điệu lại mới được”.
Trong lúc ấy, Đỉnh đang khoa tay múa chân nói với xóm nhà lá:
- Thấy chưa! Thấy chưa! Ta đã bảo mà, có sai đâu! Cả lớp hôm nay ngạc nhiên, kể cả thầy.
Cả bọn lây cái vui của Đỉnh, mắt sáng và miệng cứ há ra.
- Mà ta đoán đâu có sai! Tuệ nhà ta cũng khoái hết mình mà.
Nhưng đang vui, Đỉnh sa sầm mặt xuống:
- Nhưng mà hồi nãy ta thấy con nhà Phương, con nhà Hoàng, con nhà Minh nói chuyện đó nghe.
Phương gãi đầu:
- Tại… tui quên mà.
Rồi chống chế:
- Nhưng mà cậu thấy tớ “ngoan” hơn mọi hôm lắm mà, đúng không? Mọi ngày tớ nói hai chục phần, hôm nay chưa tới một phần.
Đỉnh an ủi bằng hai câu thơ:
- Khá khen thiện chí của mi,
Nhưng lần sau chớ nói gì nữa nghe!
Cả bọn cười rầm tán thưởng.
*
Ba
chiếc xe chở học sinh đã chật ních. Chiếc đầu cắm lá cờ hiệu đoàn bay
phất phới. Tứ và Tuệ ở trên mui xe đang loay hoay cột lại cho chặt những
đồ vật vừa được ném lên. Thôi thì đủ thứ: mấy chiếc lều, một bó gậy,
rồi củi, nồi niêu, cả một bao nhỏ gạo và hai cây đàn “ghi ta”.
Trong xe, tiếng nói chuyện ồn ào và những tiếng cười ròn rã luôn luôn nổi lên. Một người vừa cười vừa cất tiếng:
-
Hi… hi… Hồi trước mình kêu xe này là xe bắt chó để chọc mấy đứa đi xe
đưa rước. Vậy mà hôm nay mình lại cũng ngồi trong này. Oái oăm thay!
Tiếng cười ồn ào nổi lên. Tiếp theo là một giọng ngâm thơ, giọng ồ ồ đích thị là của chàng Oanh:
“Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi”
Hai
câu này Oanh học được trong bài “Chữ nhàn” của Nguyễn Công Trứ. Anh
chàng thuộc bài quá nên đi đâu cũng phun ra toàn chữ nghĩa.
- Nè! Nhà nho bắt đầu xổ nho nghe mấy bồ!
Cả xe nhao nhao lên cười nói loạn xạ. Bỗng giọng thầy Đạt đứng bên ngoài xe vọng vào:
- Oanh vừa đọc thơ cụ Nguyễn Công Trứ đó hả? Nhưng trong hoàn cảnh này, có lẽ em nên đọc là:
“Ngã kim nhật tại tọa chi xa” thì đúng hơn!
Cả
xe lại cười vui vẻ và ngó ra. Hôm nay thầy Đạt gọn ghẽ và trẻ trung
trong chiếc áo cộc tay đậm màu, lại thêm một chiếc nón trên đầu nữa làm
thầy trông là lạ. Nhân dịp, một vị thò đầu ra khỏi xe, gọi thầy:
- Thầy ơi! Xe chật quá, hổng có đủ chỗ ngồi, em phải ngồi dưới sàn… đây nè.
Thầy cười an ủi:
- Thôi rán chịu vậy! Từ đây tới chỗ cắm trại không có xa đâu. Mình con trai mạnh chân khỏe tay mà, đâu có sợ gì.
Thầy đọc luôn miệng một câu thơ khác, cũng trong bài “Chữ nhàn” của Nguyễn Công Trứ:
- Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
Thầy
cười, học trò cũng cười thật cởi mở. Thầy vừa định quay đi thì ở xe bên
cạnh, một giọng nữ sinh vọng sang, rõ ràng rành rọt:
- Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.
Cả thầy và đám học trò con trai ngó sang.
Xe bên cạnh có tiếng cười rúc rích.
Thầy Đạt vui vẻ:
- Cha! Sao hôm nay các em thuộc bài dữ. Vậy mà bữa nọ gọi lên đọc bài “Chữ nhàn” em nào mặt cũng ngẩn ra như mán nghe kèn.
Lộc ngồi trong xe bên này, nói vọng sang:
-
Mấy chị khôn quá xá! Có hai chục người mà chiếm luôn một xe. Ngồi rộng
rãi nhàn nhã như vậy, trách gì chẳng tri nhàn với tiện nhàn!
Mấy
cô ngồi yên, bấm nhau cười khe khẽ. Thật ra xe các cô cũng không rộng
rãi gì. Bao nhiêu dụng cụ đi trại đều chất trong xe này, hết chỗ rồi mới
đưa lên mui. Hai chục cô thì cô nào cũng mang theo một… va li không
biết đựng những gì bên trong, thành thử ít người mà xe vẫn chật ních.
Các cô nhìn nhau, hôm nay cô nào coi cũng là lạ vì ai cũng thay chiếc áo
dài trắng hàng ngày bằng những bộ quần áo màu sắc tươi trẻ là gọn ghẽ
hơn. Chỉ có Thu vẫn ngoan ngoãn trong chiếc áo dài thường nhật. Tâm nhìn
Thu bảo:
- Sao không mặc đồ bộ có phải gọn gàng không?
Thu cười nheo mắt tinh nghịch:
- Ấy, Thu có hai bộ, bỏ trong xắc, tới đó mới xài.
Tới lượt Thu nhìn Bích rồi hỏi:
- Sao Bích đi guốc cao gót? Lát nữa sao mà leo trèo chạy nhảy?
Bích
cười hì hì, mở xắc cho bạn coi. Thu liếc mắt xem, bên trong có hai đôi
dép, một đống quần áo không biết mấy bộ, rồi những chai, những hộp đủ
thứ không biết đựng những gì, ba bốn gói giấy to tướng. Thu đã hú vía!
Bích còn đưa tay ra phía sau lấy thêm một chiếc xắc to tướng nữa.
Thu hỏi:
- Cái này cũng của Bích?
Bích cười gật đầu.
Thu phát hoảng:
- Chúa ơi! Bích mang những gì đi mà nhiều đến thế? Cứ như là bỏ nhà đi xa cả tuần lễ vậy.
Bích đưa tay lên miệng:
- Xuỵt! Bí mật quân sự mà! Mang nhiều thế vì thế nào cũng phải dùng tới.
Rồi quay qua Linh, Bích bảo:
- Phải thế không Linh?
Linh gật đầu xác nhận:
-
Con bé Bích này có nhiều trò hay lắm. Để hôm nay giở trò cho mấy bồ
xem. Xí, cái mặt nó trông hiền lành như vậy nhưng nghịch như con trai
đó.
Bích giả vờ e thẹn, đầu nghiêng sang một bên, đưa ngón út lên miệng cắn, hai mắt chớp chớp làm cả bọn phá ra cười.
Xe
cuối cùng có vẻ yên lặng nhất. Mà quái lạ, xe lại chở toàn bọn nhà lá.
Bọn này coi vậy mà thân nhau ra phết, đi đâu cũng có nhau, không chịu
rời nhau nửa bước! Đỉnh ngồi bứt râu, mặt bình thản như không nghe thấy
tiếng nói cười của hai xe bên cạnh.
Một đứa nhắc:
- Ê! Đỉnh! Bọn nó vui quá! Mình có gì không?
Đỉnh trả lời uể oải:
- Tớ đang chán đây. Cái gì mà xe mãi không chạy. Ngồi khó chịu thấy mồ. Tớ muốn xỉu.
Hai ba tên phụ họa:
- Ừ. Khó chịu quá. Tụi hắn làm cái gì mà lâu vậy?
Đỉnh ra vẻ bực dọc:
- Tứ với Tuệ cột mãi mấy chiếc lều trên mui xe không xong, còn mấy tên nữa chưa chịu lên xe, cứ la cà ở dưới hoài.
Rồi Đỉnh đổi giọng:
- Ê! Mấy bồ! Muốn xe chạy cho lẹ không?
Cả bọn nhao nhao:
- Chịu chứ! Chịu gấp!
Đỉnh bảo:
- Vậy phải gửi tối hậu thư mới được.
Rồi dặn nhỏ:
- Bây giờ tớ bảo cái gì, mấy bồ làm theo cái đó nghe.
Nói xong, Đỉnh thò cổ ra khỏi xe, dùng hai tay làm loa hét:
-
Thưa quí vị, quí vị lâu quá chịu không nổi. Bây giờ bọn tui sẽ hát bài
“Con Chuột”, đến tám cái đuôi mà quí vị cũng không xong, bọn này sẽ
xuống xe tuyệt thực cho mà xem.
Đỉnh quay vào trong xe:
- Ê! Hát đi mấy bồ! Một con chuột là một cái đuôi.
Tức thì, ban đại hợp ca cất tiếng:
- Một con chuột là một cái đuôi. Hai tai, hai mắt. Tình ban đầu. Một cái đầu là bốn cái chân.
- Hai con chuột là hai cái đuôi. Bốn tai, bốn mắt. Tình ban đầu. Hai cái đầu là tám cái chân.
Tứ với Tuệ ở trên mui xe hoảng quá. Tứ hét lớn:
- Ê! Hát chậm chậm chứ. Tụi tớ xuống đây!
Mặc kệ, bọn Đỉnh vẫn gào:
- Ba con chuột là ba cái đuôi. Sáu tai, sáu mắt. Tình ban đầu. Ba cái đầu là mười hai cái chân.
Thầy
Đạt ở dưới sân cuống quít. Bọn này dọa tuyệt thực thì thầy không sợ,
nhưng bọn hắn xuống xe thật thì phiền vô cùng. Công phu mãi mới đẩy được
cả bọn lên, bây giờ tụi nó lại ào ào leo xuống thì không biết đến bao
giờ mới khởi hành. Bất giác, thầy cũng nói to:
- Chậm chứ mấy em. Sắp xong rồi.
Thầy
hối mấy anh chàng còn dưới sân lên xe thật gấp. Thấy điệu bộ của thầy,
mấy cô nữ sinh bấm nhau cười. Hôm nay thầy vui vẻ, cởi mở ghê. Chả bù
cho những giờ khảo bài trong lớp… Linh bảo:
- Đừng sợ. Nhất định mấy ông mãnh đó không đếm được đến tám con chuột đâu, thế nào cũng lộn.
Cả bọn yên lặng nghe. Xe bên kia vẫn tiếp tục:
- Sáu con chuột là sáu cái đuôi. Mười hai tai, mười hai mắt. Tình ban đầu. Sáu cái đầu là hai mươi bốn cái chân.
- Bảy con chuột là bảy cái đuôi. Mười bốn tai, mười bốn mắt. Tình ban đầu. Một cái đầu…
Có tiếng xuỵt:
- Sai rồi, bảy con chuột mà chỉ có một cái đầu à? Hát lại đi.
Nhưng ở xe nữ sinh đã có tiếng nói lớn:
- Yêu cầu hát lại từ đầu. Không ở đâu lại có bảy con chuột chung nhau một cái đầu.
Đỉnh càu nhàu:
- Quê quá! Thôi hát lại vậy. Cẩn thận nè: Một con chuột có một cái đuôi…
Trên mui xe, Tứ với Tuệ khoái quá, cột cho thật chặt các đồ vật. Mới nghe ở dưới hát đến “ba con chuột”, Tuệ bàn:
- Đã thế, mình leo vào xe thứ nhất, cho xe chạy bất ngờ.
Trong
khi đó cả bọn vừa hát vừa ngó Đỉnh. Anh chàng cứ phải ra hiệu bằng cách
giơ ngón tay để hát cho đúng, thành thử quên khuấy mất chuyện canh
chừng xem hai người trên mui xe đã làm xong chưa.
Tứ với Tuệ vào chỗ ngồi. Thầy Đạt nhảy lên xe ngồi cạnh tài xế, ra lệnh:
- Chạy đi! Bác.
Xe chuyển bánh trong khi xe cuối cùng lại vừa đếm đến “sáu con chuột”.
Quanh
co một lúc trong những con đường thành phố, xe bắt đầu đến xa lộ. Không
còn khói xe mù mịt, không còn tiếng bóp còi inh ỏi, không còn bị ngừng
lại vì đèn đỏ, và không còn những cao ốc che mất ánh sáng mặt trời, đè
ngang trời xanh bát ngát, xe tăng tốc độ.
Trời
hôm nay thật đẹp, nắng vàng hanh ấm áp mà không nóng nực. Trời xanh cao
thăm thẳm, vài cụm mây trắng bay lác đác, nhìn qua ta có cảm tưởng
chúng nhẹ như bông. Hai bên đường, lùi xa xa vào phía trong, những hàng
dừa nước xanh tươi lả mình theo làn gió sớm.
Cỏ
non xanh mát một màu chạy đến tận lề đường. Thỉnh thoảng, một vũng nước
nhỏ chợt ló ra giữa tấm thảm xanh bát ngát ấy, từng đàn vịt con lông
còn vàng óng ánh đua nhau bơi lội. Xe càng đi nhà cửa hai bên đường càng
thưa thớt dần. Một mái nhà tranh đứng trơ vơ giữa cảnh bao la cũng có
vẻ đẹp riêng của nó. Thỉnh thoảng, một nhịp cầu nho nhỏ làm bằng mấy
miếng ván thô sơ bắc ngang một lạch nước trông cũng vui vui.
Ngồi trong xe, Hoài nói qua luồng gió với người bạn ngồi bên:
-
Việt Nam mình không phải chỉ là Sàigòn với nhà cửa xe cộ. Việt Nam còn
là miền quê trù phú và hiền lành như thế này, còn là miền duyên hải dạt
dào sóng nước, còn là vùng núi non rừng rậm bao la hùng vĩ nữa.
Người
bạn gật đầu đồng ý. Rồi kéo vai Hoài, anh ta chỉ cho bạn xem một thửa
ruộng con nằm cạnh bên đường. Mạ non vừa lớn có màu xanh tươi mát mắt
làm sao.
Một người bạn hỏi Hoài:
- Nghe nói cậu cũng có đến chỗ cắm trại mấy lần trước phải không?
Hoài gật đầu. Anh bạn hỏi tiếp:
- Đẹp không?
- Dĩ nhiên là đẹp rồi. Có rừng có suối, có bãi đất trống để cắm lều. Chỗ lý tưởng để cắm trại, lại gần nữa.
- Sắp tới chưa?
______________________________________________________________________________ Xem tiếp CHƯƠNG HAI (PHẦN BỐN)