Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

CHƯƠNG HAI (I)_VẾT CHÂN CHIM



  hai
 
 
Hoài ngồi trước một tờ giấy kẻ những ô vuông màu xanh, đỏ. Tay Hoài cầm bút chì đưa chậm trên trang giấy đó, thỉnh thoảng lại ngừng ở một ô vuông.
 
Đây là bản đồ lớp mà Hoài vừa thực hiện xong. Mỗi ô vuông là một chỗ ngồi một người, đúng theo vị trí trong lớp. Phải mất công lắm Hoài mới làm xong cái bản đồ lớp này, với những chi tiết về mỗi người. Hoài lại chia lớp ra thành những “xóm”.
 
Dừng ngọn bút chì ở những ô tô màu nâu cuối trang giấy, Hoài lẩm bẩm:
 
- Xóm nhà lá đây! Xem bao nhiêu vị nào. Một, hai, ba… Mười ba vị, đúng là con số ác liệt. Thảo nào.
 
Hoài ghi sang mặt sau trang giấy “Xóm nhà lá: mười ba vị, trưởng xóm: Tuệ”.
 
Hoài mỉm cười nói nhỏ:
 
- Phải làm sao lái được anh chàng Tuệ này mới xong. Hắn thật là con người có óc lãnh đạo. Hắn đề xướng một trò phá phách nào là cả xóm nhà lá làm theo một loạt. Chỉ bị một nhược điểm là háo thắng. À… mình phải tấn công đúng vào nhược điểm của địch mới được.
 
Ngọn bút chì lại được di động, rồi dừng lại ở ô đề tên Mai Ngọc Oanh, ô này còn trắng chưa được tô màu.
 
Hoài đọc những hàng chữ nhỏ li ti phía dưới “giỏi nhất lớp, nhưng ít bạn”. Chợt nhớ, Hoài gạch một mũi tên từ ô đó để tên Trần Hoàng Việt, để nhớ Oanh có một tên bạn thân là Việt.
 
Cứ thế, Hoài bổ túc cho cái bản đồ lớp của mình thêm đầy đủ. Cuối cùng, tạm hài lòng, Hoài bỏ bút, ngắm nghía lại công trình của mình.
 
Hoài chia lớp làm ba xóm rõ rệt: xóm nữ sinh, xóm hoạt động, xóm nhà lá. Mỗi xóm lại có những trưởng xóm, trưởng xóm này chả được ai bầu ra cả nhưng hầu như được mặc nhiên công nhận, vì có ảnh hưởng với anh em, được anh em nghe theo. Hoài tô xóm nữ sinh màu xanh, xóm hoạt động màu đỏ, xóm nhà lá màu nâu.
 
Sở dĩ các nữ sinh được thu vào một xóm vì họ có ít, khoảng hai mươi người, tụ tập cả trên những bàn đầu. Còn một số người không thuộc xóm nào cả, vì không có khuynh hướng rõ rệt và ít giao tiếp, Hoài để trắng không tô màu và đặt cho một cái tên ngộ nghĩnh: “Khối không liên kết”.
 
Hoài vươn vai lấy ly nước lọc để trên bàn, uống cạn một hơi, xong, nói nhỏ:
 
- Bốn giờ chiều rồi. Còn được bốn mươi lăm phút ôn bài Vạn Vật ngày mai, nghỉ mười lăm phút, chờ cả bọn đến họp nhóm. Chắc rằng cả bọn phải phục lăn ra với cái bản đồ lớp của mình.
 
Hoài đứng lên đi lại một lát rồi ngồi vào bàn lấy tập ra học.
 
Được cái thông minh, nên chỉ ngồi nửa tiếng Hoài đã “tụng” xong mấy trang Vạn Vật.
 
Đọc lại một lần thật trơn tru, vẫn chưa yên tâm, Hoài lục cặp lấy ra một tấm bìa cứng nho nhỏ làm lại dàn bài và ghi tóm tắt những ý chính của bài học, rồi mở một cái hộp thiếc, lôi ra một bìa cứng cùng khuôn khổ, xếp tờ mới viết vào đấy.
 
Cái hộp của Hoài quí giá vô cùng, bên ngoài Hoài dán một tấm giấy kẻ ba chữ: “HỘP TRÍ NHỚ”.
 
Quả nhiên chiếc hộp này thật xứng đáng với cái tên của nó, vì nó đựng ở trong tất cả những thẻ dàn bài của mọi môn học, từ Quốc Văn, đến Toán, Lý, Hóa, Sinh Ngữ, Sử, Địa, Vạn Vật… Mỗi môn Hoài xếp vào một xấp. Nhờ lối học này, mỗi lần rút ra một tấm thẻ nào, liếc nhìn qua dàn bài một chút, Hoài có thể đọc lại vanh vách từ đầu đến cuối.
 
Thổi sáo miệng vui vẻ, Hoài lấy mấy chiếc quần áo và cái khăn vào phòng tắm. Tiếng nước đổ ào ào lẫn tiếng hát vui tươi.
 
Ấy, cái tật của Hoài như thế đấy, cứ tắm là phải hát, chả hiểu làm sao nữa. Nhiều khi mẹ mắng yêu:
 
- Cái thằng quái này, có tắm xong rồi ra không? Hát nghêu ngao mãi mất hết cả ngày.
 
Chỉ một thoáng sau, Hoài tắm rửa xong xuôi, bước ra khỏi phòng rồi mà vẫn còn hát nho nhỏ trong miệng.
 
Mở tủ, chọn lấy cái sơ mi cụt tay được mẹ ủi sẵn và chiếc quần hơi cũ mặc ở nhà, Hoài đóng “lễ bộ” vào để chờ các bạn tới.
 
Các bạn đây là những học sinh cùng lớp với Hoài, tất cả gặp nhau ở một điểm: cùng muốn cho lớp mình có một không khí vui tươi, lành mạnh. Những lần tiếp xúc riêng với nhau đã giúp họ nhận ra nhau và qui tụ lại một nhóm. Nhóm không đông, chỉ mới được có sáu người: bốn nam và hai nữ.
 
Phe “húi cua” thì có: Hoài, Lộc, Tứ, Đỉnh, phe “kẹp tóc” thì có: Linh và Bích. Tất cả đồng ý một cách mặc nhiên để Hoài làm trưởng nhóm, chả phải Hoài giỏi hơn các bạn, nhưng Hoài có công nhất trong việc thành lập nhóm.
 
Nhớ lại buổi họp mặt đầu tiên, Hoài mỉm cười vui thích. Trước đấy hai ngày, Hoài báo cho Lộc và Linh về buổi họp sẽ được thực hiện. Lộc và Linh chưa quen nhau, chỉ có Hoài là quen cả hai, Hoài định để gặp nhau tất cả rồi hoạch định một đường lối chung. Hoài cứ tưởng buổi họp chỉ có ba người, không ngờ chính Lộc cũng đã móc nối được với hai người nữa: Tứ và Đỉnh, hai anh chàng này Hoài mới biết qua chứ chưa quen. Phần Linh, cô cũng quen với Bích. Thế là phiên họp được mở rộng với sáu nhân vật.
 
Lần gặp mặt đầu tiên ấy ở nhà Hoài, chưa quen nhau nhiều lần nên buổi họp nặng nề vô cùng, ai nấy đều “nhìn nhau chả nói nên lời”, duy chỉ có Hoài ngồi “độc xướng” và Linh thỉnh thoảng ghé sát vào tai Bích thủ thỉ vài câu. Ai nấy đều có nhiều cái muốn nói nhưng đều ngại ngùng, nhất là hai quí vị con gái.
 
Hoài đã lo, và tự trách mình sao để phiên họp mở rộng quá sớm như thế, giá cứ tổ chức một phiên họp tay ba trước đã, sau đó mới tính đến chuyện mời gọi thêm, như thế có phải hay hơn không. Nhưng bây giờ sự thể đã như thế này, đâu có thể ngồi than trách xuông được, phải tính kế mới xong.
 
Óc Hoài lóe lên một tia sáng! Được rồi! Hoài quyết định nhanh chóng, vui cười tiếp:
 
- Tôi vừa trình bày xong với các bạn về mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta. “Tiếp theo đây, để thay đổi bầu không khí”, thiết nghĩ chúng mình phải có một cái gì vui vui mới được.
 
Cả bọn cười ồ về câu pha trò vui vẻ của Hoài. Thành công rồi đây. Hoài khoan khoái nghĩ thầm, rồi tiếp luôn:
 
- Tôi nghĩ không có gì vui bằng hát chung với nhau vài bài. A! Lộc ơi, lấy cái đàn của tớ ra đây.
 
Quay sang mấy người bạn mới, Hoài vui vẻ:
 
- Giới thiệu với các bạn, Lộc nhà ta là một tay “ghi ta”… khét lẹt đấy nhé.
 
Không khí dần dần trở nên thân mật. Hoài mở tập bài hát cộng đồng tìm một bài thật vui, thật “lên tinh thần”.
 
Linh bàn:
 
- Anh có ở đấy bài “Trả lại tôi tuổi trẻ” không?
 
- Có đây! Nhưng tất cả có biết hát không nào?
 
Bây giờ cô nàng Bích mới thỏ thẻ giọng oanh vàng:
 
- Có chứ, ông Phạm Duy đặt bài đó thật hay.
 
Hoài đưa mắt nhìn Tứ, Đỉnh dò hỏi. Cả hai đáp ngay:
 
- Biết hát mạnh đi chứ.
 
Hoài không ngờ, tất cả đều thích hát, cũng như tất cả đều có thiện chí, chỉ cần biết gợi lên, biết liên kết là có kết quả ngay.
 
Lộc đang ôm cây đàn, một chân gác lên ghế, dáng thật nghệ sĩ. Cậu hỏi cả bọn:
 
- Sao? Chọn được bài nào chưa?
 
Tất cả nhao nhao:
 
- Trả lại tôi tuổi trẻ!
 
Hoài giục:
 
- Lộc, bắt đầu đi.
 
Lộc vuốt nhẹ mấy sợi dây đàn, dạo mấy nốt nhạc đầu tiên của bài hát, rồi đếm “Hai, ba”.
 
Tất cả cùng hát, thật đều những câu ca tha thiết:
 
“Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông,
 
Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng.
 
Dù mưa tuôn, dù bão cuốn,
 
Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên.
 
Dù bom rơi, dù súng tới,
 
Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi.
 
Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui,
 
Dẫu rằng đang chiến tranh hay hòa rồi…”
 
Bài hát có tất cả sáu đoạn, cả bọn hát thật say mê. Tiếng nhạc cũng như lời ca tha thiết có tác dụng thật mạnh. Tất cả cảm thấy gần nhau hơn, thương mến nhau hơn, gần vì cùng chung một hướng đi, một lối sống, thương mến vì nhận được rõ hơn những tươi đẹp của tâm hồn nhau.
 
Bài hát kết thúc với câu:
 
“Trả lại tôi là thần tượng hôm nay,
 
Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này”…
 
Câu ca đó được hát đi hát lại nhiều lần và nhỏ dần, Lộc buông đàn đứng thẳng dậy:
 
- Khát nước quá!
 
- Nhưng mà thật hay. Hoài tiếp.
 
Đỉnh cười cười:
 
- Chúng mình sắp thành đại ca sĩ rồi!
 
Cả bọn cười ầm, Hoài vui vẻ:
 
- Không biết có thành ca sĩ thật không, chứ quả tình bây giờ thì khát nước thật. Nhà có sẵn đá, sẵn chanh đấy. Ai tình nguyện pha nước cho bà con thưởng thức đây?
 
Tứ quay sang Linh, Bích:
 
- Chắc là hai vị này sẵn sàng ra tay tế độ.
 
Linh cười:
 
- Chả cần anh nhắc, bọn này phải biết đó là nhiệm vụ của con gái chứ.
 
Linh quen thuộc hơn nên đứng dậy kéo Bích vào nhà trong. Còn lại bốn người con trai, Lộc đề nghị hát nữa, tất cả đồng ý ngay.
 
Chỉ một thoáng sau, Linh, Bích đã đem nước ra, chỉ trông đã đủ hết khát.
 
Đỉnh vừa uống, vừa khen:
 
- Thật tuyệt.
 
Rồi hỏi:
 
- Trong hai người, ai có công hơn để tôi gắn huy chương?
 
Linh chỉ Bích, Bích chỉ Linh. Hoài cười:
 
- Thôi không nên hỏi như vậy. Coi chừng lại phải chở hai người đi nhà thương khâu lại mũi bây giờ!
 
Không khí vui nhộn hẳn lên. Ai cũng thích nói. Nhưng rồi tất cả cũng phải nghiêm trang trở lại để tiếp tục chuyện đang bỏ dở.
 
Bây giờ thì không ai giục ai nữa, vì mọi người đều muốn nói ra điều mình ấp ủ từ lâu. Sáu người càng lúc càng thấy gần nhau hơn vì điều nhận xét của người này cũng là điều nhận xét của người kia, ước muốn của người kia lại là ước muốn của người nọ.
 
Hoài tóm tắt:
 
- Tất cả chúng mính đều nhận thấy lớp có nhiều điều cần phải sửa đổi, làm cho không khí lớp lành mạnh hơn, vui tươi hơn, mọi người hăng say làm việc hơn. Đó cũng là cái lý do chính thức thúc đẩy chúng ta qui tụ lại với nhau trong một tinh thần thân ái.
 
Tứ tiếp lời:
 
- Đúng thế! Mình mong sao cho tinh thần Thân Ái được thể hiện trước nhất trong nhóm chúng mình, bởi vì có một tình bạn, chúng mình mới cùng nhau làm việc được. Sau đó chúng mình mở rộng tinh thần Thân Ái đó đến các bạn trong lớp. Khi cả lớp đã có tinh thần Thân Ái rồi, không khí sẽ thay đổi hẳn.
 
Lộc quay sang hỏi Bích, Linh:
 
- Thế hai vị này có ý kiến gì không?
 
Bích cười:
 
- Thì… cũng như mấy anh vậy!
 
Linh vui vẻ tiếp:
 
- Có một cái làm cho bọn này mong cho tinh thần Thân Ái mau “tấn công” vào lớp chúng mình lắm. Hôm nay “bật mí” cho các anh biết một chút: con gái hay ganh ghét nhau lắm cơ, hơi một chút là đã ganh nhau rồi, với lại cũng hay giận nhau nữa. Nếu tinh thần Thân Ái được thể hiện, nhất định tình trạng trên sẽ bớt đi nhiều.
 
Hoài đề nghị:
 
- Ý hướng và việc làm của nhóm chúng ta đã nhìn thấy khá rõ. Bây giờ còn một cái phụ thuộc, tuy không quan trọng lắm nhưng nếu có được vẫn hơn: đó là đặt cho nhóm mình một cái tên…
 
Ngừng một chút, Hoài tiếp:
 
- Một cái tên… để làm sao khi đọc đến nó, khi nhớ mình trong nhóm đó, chúng ta nhớ lại ngay được ý hướng của công việc mình làm.
 
Đưa mắt nhìn tất cả, Hoài hỏi:
 
- Có ai nghĩ được cái tên nào không nhỉ?
 
Tất cả còn đang suy nghĩ, đắn đo, ngần ngừ, Bích đã nhanh miệng:
 
- Sao mình không đặt luôn cho tên nhóm là nhóm Thân Ái nghe cũng được đấy chứ, mà lại thể hiện thật đúng, thật rõ mục đích của chúng mình.
 
Mọi người “à” lên một tiếng vui vẻ. Lộc buột miệng:
 
- Ừ nhỉ, có thế mà nãy giờ nghĩ không ra. Bích thật đáng được hoan hô!
 
Hoài tuyên bố một cách trịnh trọng:
 
- Vậy từ hôm nay, nhóm chúng ta được thành lập với tên là nhóm Thân Ái. Mục đích của nhóm là làm thăng tiến tinh thần và nếp sống của lớp học. Sáu người ngồi quanh đây là những sáng lập viên…
 
Khúc phim khung cảnh buổi họp đầu tiên đang lần lượt hiện rõ trong óc Hoài. Bỗng nhiên dưới nhà đã có tiếng bấm chuông. Hoài chạy xuống đón Lộc lên. Vừa lui cui khóa xe, Lộc vừa nói:
 
- Xui quá, mấy trái ổi nhà mình vừa chín tới, định hái đem lại thì chim nó đã đục mất.
 
Hoài cười, an ủi:
 
- Không sao, mẹ mình cũng vừa mua một rổ ổi, để ở trong kia kìa. Mấy cô lát nữa tha hồ mà thích.
 
Lên lầu, Lộc vớ ngay lấy cây đàn, gẩy vu vơ. Ngồi chưa nóng chỗ đã thấy cái đầu của Đỉnh từ cầu thang thò lên. Hoài hỏi:
 
- Đi lại đây bằng gì mà chẳng nghe thấy động tĩnh gì cả.
 
Đỉnh trả lời tỉnh bơ:
 
- Đi bằng chân.
 
Câu trả lời làm Hoài và Lộc phì cười. Lộc bảo:
 
- Thì cậu đi bằng chân ai bảo cậu đi bằng tay đâu, nhưng mà Hoài muốn hỏi cậu đi lại đây bằng phương tiện gì: bằng xe đạp, xe gắn máy hay xe buýt.
 
Đỉnh lại tỉnh bơ trả lời:
 
- Tớ đã bảo tớ tới đây bằng chân mà.
 
Rồi giải thích:
 
- Nghĩa là tớ đi bộ ấy!
 
Hoài, Lộc hiểu ra, cười lớn:
 
- Tại cậu có kiểu nói lạ quá, làm bọn này không kịp chuẩn bị tinh thần để tìm hiểu. Nhưng mà xe đâu?
 
- Để ở nhà.
 
- Sao thế?
 
- Chả sao cả.
 
- Thế là sao?
 
- Là tại tớ thích đi bộ chứ sao.
 
Lộc đưa mắt cho Hoài, mỉm cười. Đỉnh bao giờ cũng có kiểu nói chuyện thật buồn cười và có vẻ gàn gàn. Nói chuyện với Đỉnh phải tinh lắm mới nhận ra ý Đỉnh muốn nói.
 
Đỉnh tiếp:
 
- Hai cậu xem, trời hôm nay đẹp như thế này, không đi bộ mà ngắm cảnh cũng uổng.
 
Lộc cười:
 
- À, ra thi sĩ nổi hứng làm thơ rồi. Thế nào? Lúc đi đường cậu có làm được bài thơ nào không, đọc cho bọn này nghe đi.
 
Đỉnh vênh mặt:
 
- Dĩ nhiên là có chứ, nhưng chưa đọc bây giờ được. Để lát nữa đầy đủ mặt bá quan văn võ hãy hay.
 
Còn đang giằng co về chuyện đọc hay không đọc thơ thì Tứ đến, rồi dĩ nhiên Linh và Bích đến sau cùng.
 
Cả bọn ngồi quanh một chiếc bàn. Hoài mở đầu:
 
- Mời tất cả quí vị mở sổ tay ra, xem trong tuần này đã nghe, đã thấy, đã làm được những cái gì nào.
 
Mỗi “anh” đều thò tay vào túi, vào xắc lấy ra một quyển sổ nhỏ. Luật của nhóm “Thân Ái” là thế, họ làm việc cho lớp học, dựa trên những ý nghĩ, những công việc của các bạn cùng lớp, do đó cần phải có sổ tay để ghi nhận những gì đặc biệt.
 
Lật lật qua mấy trang sổ, Bích vụt kêu:
 
- Í, nhớ rồi. Có cái này hay lắm.
 
Cả bọn chăm chú nghe. Bích đọc:
 
- Thứ tư, giờ ra chơi, Thu và Trang than phiền là không khí lớp học nặng nề quá, không có dịp nào để cả lớp được giải trí sau những ngày học mệt nhọc. Cả hai mong giá có được một cuộc picnic hay cắm trại thì sướng quá…
 
Vừa đặt quyển sổ lên bàn, Đỉnh tiếp ngay:
 
- Sao sổ tay của Bích giống của tôi thế! Cả mấy bàn con trai chỗ tôi ngồi cũng đều muốn có một cuộc đi chơi. Bọn nó đang bảo, nếu cùng quá, sẽ rủ nhau, bốn năm đứa phóng xe gắn máy ra Vũng Tàu chơi vào Chúa Nhật tới.
 
Tứ cười:
 
- Tớ cũng đang muốn kiếm chỗ nào đi chơi đây. Học mãi mà không có lúc xả hơi, mệt lắm.
 
Hoài lên tiếng:
 
- Căn cứ vào những điều các bạn ghi nhận được, có lẽ chúng ta nên cố gắng tổ chức một cuộc picnic hay cắm trại cho lớp…
 
Ngập ngừng một chút, Hoài tiếp:
 
- Hơi khó đấy nhé!
 
Lộc tiếp ngay:
 
- Nhất định là khó rồi đấy. Chưa nói đến vấn đề tổ chức buổi trại, chỉ nguyên cái chuyện làm sao cho mọi người tán thành và ủng hộ việc làm của bọn mình, cũng là điều “gay go” rồi.
 
Rồi Lộc phân tích:
 
- Mấy bồ thấy không? Lớp có ba thành phần chính, một thành phần chỉ lo học thôi, không chú ý gì đến việc khác, nghĩa là giữ một thái độ thụ động trước mọi vấn đề. Một thành phần chuyên môn phá đám còn thành phần thích hoạt động chỉ được mươi mười lăm người.
 
Hoài lấy ngay tấm bản đồ lớp vừa thực hiện xong, trải rộng trên bàn, cả bọn chụm đầu vào xem, Hoài nói:
 
- Lộc bảo đúng đấy. Đây này! Cái bản đồ lớp mình vừa vẽ xong đây… có điều là những thành phần Lộc vừa kể, không biết vô tình hay cố ý, họ đều ngồi dồn vào một chỗ, như thành phần chuyên phá đám, mình gọi là xóm nhà lá, chiếm cứ cả mấy bàn cuối.
 
Cả bọn xem xét thật kỹ tấm bản đồ. Hoài ngửng lên:
 
- Đây này, trên nguyên tắc mình cứ đồng ý với nhau là sẽ tổ chức một buổi trại. Nhưng trước đó, phải sửa soạn tinh thần cho lớp đã, cái đó mới là khó. Bây giờ có ngần này công việc phải làm: thứ nhất, làm sao để những bạn chỉ lo học, xa lạ với tất cả mọi hoạt động khác ủng hộ công việc làm của mình ; thứ hai, làm sao cho xóm nhà lá không phá đám mình, nhất là làm sao dùng được họ vào việc ; thứ ba, liên kết mọi bạn có thiện chí lại.
 
Tứ đề nghị:
 
- Bây giờ, mình nên chia ra mỗi người một việc, rồi đua xem ai làm có kết quả trước. Bằng lòng không?
 
Mấy cái đầu cùng gật. Tứ chia:
 
- Vậy thì nhờ cụ Hoài lo cho công việc đánh thức các bạn thụ động, cụ Đỉnh với cụ Lộc “trấn an” xóm nhà lá, việc này khó nên cần tới hai cụ, còn tôi lãnh công việc liên kết các bạn thiện chí lại. Thế nào? Còn ai muốn thắc mắc, khiếu nại điều gì nữa không?
 
Bích với Linh “khiếu nại” liền:
 
- Thế thì hai đứa này có công tác gì?
 
Tứ cười:
 
- Ừ nhỉ, tí nữa quên, xin lỗi! Hai vị này dĩ nhiên sẽ dùng tài ăn nói để mà tác động tinh thần nhóm nữ sinh.
 
Hoài đề nghị:
 
- Mình lưu ý tất cả điểm này: mỗi một xóm đều có trưởng xóm đó, nghĩa là xóm nào cũng có một anh chàng đứng đầu và có ảnh hưởng đối với xóm đó. Bây giờ công việc của mình là làm sao “lái” được anh chàng trưởng xóm, như thế, cả xóm sẽ lái theo anh ta ngay.
 
Lộc tiếp ngay:
 
- Đúng quá! Như cái xóm nhà lá, anh chàng trưởng xóm giỏi thật chứ không phải chơi, hắn điều khiển mà bọn kia tuân theo răm rắp. Mấy bồ có nhớ hôm thứ bảy tuần trước, giờ Lý Hóa không? Cả xóm chúng nó vỗ ngăn bàn mà thầy không sao bắt được. Nghĩa là tổ chức của bọn hắn rất chu đáo. Cả bọn thò tay trong ngăn bàn và vỗ ngăn bàn theo điệu Boléro rất nhịp nhàng. Nhưng chỉ cần một cái đưa mắt của anh chàng trưởng nhóm là anh nào anh nấy thôi ngay, không vỗ thêm dù là một cái. Qua phút “nguy hiểm”, chỉ một cái gật đầu khẽ, tiếng vỗ bàn lại nổi lên rất nhịp nhàng, đều đặn.
 
Hoài bổ túc:
 
- Thành thử bây giờ làm sao Đỉnh với Lộc “kềm” được anh chàng trưởng xóm nhà lá. Tứ liên lạc với Trưởng lớp và Trưởng ban thể thao, du ngoạn. Phần mình sẽ liên lạc và lái anh chàng Oanh. Cái anh chàng giỏi nhất lớp nhưng ít tham gia hoạt động chung ấy mà.
 
Lộc đáp:
 
- À, Mai Ngọc Oanh ấy phải không? Này, cái tên ấy lắm tài lắm đấy nhé. Học giỏi, vẽ đẹp, tốt tính, mà hình như lại giỏi võ ghê lắm. Mấy bồ có nghe tin hắn vừa tẩm quất cho mấy ông du đãng một trận đích đáng vì cái tội theo phá đám một cô học trò đệ tam trường mình không?
 
- Ủa, không ngờ anh chàng ấy lắm tài nhỉ. Mà cũng có vẻ nghĩa hiệp “cứu khốn phò nguy” lắm đấy chứ.
 
Linh chen vào:
 
- Chả thế mà trong nhóm nữ sinh, nhiều cô phục lăn anh chàng Oanh đó.
 
Đỉnh xuýt xoa:
 
- Đúng là “quí nhân” rồi! Phải làm sao móc anh chàng này vào nhóm của mình mới được.
 
Hoài thản nhiên:
 
- Dĩ nhiên mình đã có ý nghĩ đó từ lâu rồi và cũng có một kế hoạch cẩn thận, tuy không lấy gì làm to tát lắm. Kỳ này chúng mình tha hồ có công việc mà làm.
 
Tứ vụt kêu:
 
- Này, quí cụ! Cụ nào nhận việc nào thì ghi vào sổ tay ngay đi, không rồi lại quên, lúc đó không đổ cho ai được.
 
Mọi người đều làm theo cái sự lo xa của Tứ.
 
Buổi họp chấm dứt bằng hoạt cảnh “sáu người ngồi ăn ổi chấm muối ớt”.
 
*
 
- Này Tuệ, tớ phục cậu sát đất đấy.
 
Đang phì phèo điếu thuốc, Tuệ giật mình quay lại, thấy Lộc đang nhe răng cười, đôi mắt sau cặp kính cận dày cộp nhấp nháy coi thật… hữu duyên. Anh chàng tự hỏi không hiểu sao hôm nay Lộc lại gợi chuyện với mình. Cái anh chàng “con nhà lành” Lộc, chả hiểu sao lại được xếp ngồi lạc lõng giữa xóm nhà lá. Và không hiểu hắn có tôn thờ triết lý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” không mà hắn không hề nghịch bao giờ. Hắn hoàn toàn bất hợp tác với những âm mưu nhằm phá rối trị an lớp học của xóm nhà lá do Tuệ đề xướng. Giữa đám lao nhao, lúc nào hắn cũng ngồi như một ông bụt. Tuy có hơi chướng mắt thật, nhưng bọn Tuệ vẫn chưa tẩy chay hắn một cách kịch liệt, vì kể ra hắn cũng hiền và biết điều, không bao giờ tố giác những âm mưu của bọn Tuệ, dù hắn biết rất rõ…
 
Chưa bao giờ Tuệ và Lộc nói chuyện với nhau cả. Sự kiên lạ hôm nay làm Tuệ ngạc nhiên, anh chàng luống cuống thật sự, dập điếu thuốc mới hút có một nửa, quay lại:
 
- Mày… nói cái gì?
 
Lộc cười tỉnh:
 
- Tớ bảo tớ phục cậu sát đất đấy.
 
Ngày thưởng, Tuệ vẫn quen nói mày, tao rồi, nhưng thấy “tên kia” gọi mình bằng cậu, xưng tớ tử tế quá, mình cứ mày, tao hoài, nhỡ nó khi mình không lịch sự thì chết ; Tuệ đành ngượng ngập đổi cách xưng hô:
 
- Ừ! Thì phục. Nhưng… cậu phục… tớ cái gì chứ?
 
Lộc cười (lại cười):
 
- Tớ phục cậu là một nhà lãnh đạo giỏi có tài điều khiển.
 
- Ơ… ơ…
 
Anh chàng Tuệ chỉ ơ… ơ… lên được mấy tiếng rồi im bặt. Chưa ai đưa hắn “lên cao” như vậy, ngay cả bọn lâu la cũng chỉ biết khen mấy câu xuông. Lộc khen hắn với những chữ thật oai: nhà lãnh đạo, người điều khiển. Tuy chưa biết tại sao Lộc khen mình nhưng Tuệ cũng cảm thấy hãnh diện. Anh chàng thấy mình hình như cao lên mấy phân và các bắp thịt ở tay như căng phồng. Tuệ hất cái cằm lên một góc 45 độ, xem rất oai dũng. Lộc cười thầm trong bụng và phục tài Hoài đã mách nước cho biết điểm yếu của địch. Chỉ một đòn đầu tiên, hiệu quả đã rõ rệt, Lộc yên tâm tấn công tiếp:
 
- Cậu có vẻ ngạc nhiên cũng phải. Người tài thường ít thấy tài mình, nhưng người ngoài nhìn thấy rõ lắm. Như tớ đây này, tớ thấy tài của cậu rõ lắm.
 
Để cho Tuệ có được một phút khoái chí Lộc mới tiếp:
 
- Cứ nhìn vào hành động và cách cư xử là đoán ngay được tài năng. Cậu nhớ hôm thứ bảy không? Cậu điều khiển mấy bàn học vỗ ngăn bàn thật là “suya”. Nói thật, một nhạc trưởng chưa chắc đã giỏi bằng cậu. Hôm ấy tớ quan sát kỹ lắm, cậu chỉ giơ một ngón tay là tiếng vỗ bàn nổi lên, còn đầu cậu hơi nghiêng về bên trái một chút, con ngươi cũng cho chạy về bên trái luôn, tức thì tất cả đều im bặt.
 
Tuệ sung sướng:
 
- Cậu quan sát thật giỏi.
 
Lộc đáp:
 
- Đâu giỏi bằng cậu được. Chuyện vừa rồi chứng tỏ cậu có tài điều khiển. Nhưng điều khiển giỏi mà không có cái oai của người lãnh đạo thì cũng bỏ đi. Đằng này cậu lại được cả hai. Cái mặt cậu oai lắm (nghe nói, Tuệ lại vênh mặt lên), có thế cả xóm mới phục cậu. Chứ người khác chắc gì đã làm như cậu được.
 
Tuệ được khen hết mình, sướng quá, tuyên bố:
 
- Được, cậu xem, hôm nay tớ điều khiển cho xóm nhà lá vỗ bàn liền 15 phút mà không bị ai bắt cho coi.
 
Nhưng Lộc chặn lại:
 
- Không, cái đó đối với người tài ba như cậu thì dễ rồi. Này, nói thật, tớ thấy người như cậu hiếm có lắm, thành ra tớ muốn trắc nghiệm lại xem cậu có phải là người lãnh đạo và điều khiển giỏi thật không. Cậu bằng lòng không nào?
 
Tuệ ngần ngừ:
 
- Nhưng mà chịu trắc nghiệm như vậy có khó lắm không?
 
Lộc cười xòa:
 
- Khó khăn cái quái gì ; với lại nó có khó thì người anh hùng cũng nào có sợ chi.
 
Câu nói cải lương như vậy không ngờ lại “ăn tiền”. Tuệ ưỡn ngực, nói to:
 
- Rồi, chịu liền.
 
Và lập lại:
 
- Người anh hùng nào có sợ chi.
 
Lộc lấy giọng nghiêm trang nói nhỏ đi một chút:
 
- Nhiều người điều khiển xuôi thì được lắm. Nhưng đến lúc phải điều khiển ngược thì bó tay.
 
Cau mày, Tuệ hỏi:
 
- Thế nào là điều khiển xuôi, thế nào là điều khiển ngược?
 
- Thế này nhé! Thí dụ như cậu đi. Cậu điều khiển cho cả xóm nhà lá đập bàn phá chơi thì “suya” lắm. Nhưng nếu giá có bảo cậu điều khiển cho cả xóm ngồi yên, chăm chú học trong suốt buổi thì cậu không làm được. Như thế tức là…
 
Tuệ cắt ngang:
 
- Nhưng mà tớ có như thế đâu! Tớ điều khiển xuôi cũng “suya” mà điều khiển ngược cũng “suya” luôn.
 
Lộc trấn an:
 
- Biết rồi! Đấy là tớ lấy thí dụ cho cậu dễ hiểu thế thôi.
 
Mặt Tuệ tươi hẳn lên:
 
- Ờ… ờ… phải rồi. Thế bây giờ trắc nghiệm ra làm sao?
 
Lộc trả lời ngay:
 
- Chả có gì khó khăn, cầu kỳ cả. Bây giờ cậu chỉ việc chứng minh là cậu điều khiển xuôi cũng giỏi mà điều khiển ngược cũng giỏi.
 
- Bằng cách nào bây giờ?
 
- Còn bằng cách nào nữa! Thì cậu cứ lôi ngay cái thí dụ của tớ ra thực hiện lại: Nghĩa là ngay trong buổi học hôm nay, cậu phải làm sao điều khiển xóm nhà lá ngồi nghiêm chỉnh học hành, không được phá phách gì hết. Như vậy là cậu điều khiển ngược giỏi.
 
Tuệ hăng hái:
 
- Chịu liền. Cái gì chứ ngồi yên không phải làm gì cả, chẳng sợ ai tóm mình lên phạt thì dễ quá.
 
Lộc khích:
 
- Ấy, cũng chẳng biết đâu đấy. Coi chừng lại khó hơn là phá phách lén lút ấy chứ.
 
Tuệ gạt phăng:
 
- Tớ bảo đảm với cậu là làm được mà.
 
- Nhớ nhé.
 
- Thì nhớ chứ sao.
 
Lộc giao hẹn:
 
- Nếu cậu làm được, nghĩa là tớ thua cuộc, sẽ bao cậu một chầu ciné và thịt bò khô Pasteur. Còn nếu cậu điều khiển không nổi, tức nhiên cậu bị thua, cậu sẽ phải…
 
Tuệ hỏi dồn:
 
- Phải làm sao?
 
- Cậu sẽ phải, Lộc nói chậm lại, thật rõ, phải thực hiện một việc theo lời tớ yêu cầu, việc sẽ không khó lắm và không thiệt gì đến cậu cả. Chịu không nào?
 
Tuệ bằng lòng ngay:
 
- Chịu liền. Nhưng mà tớ cũng báo cho cậu biết: Cái điều cậu định yêu cầu đó, tớ sẽ không bao giờ thực hiện cả, vì cam đoan là tớ thắng cậu.
 
- Được rồi, cái đó để hạ hồi phân giải. Nhưng nhất định là cả xóm nhà lá không ai được phá phách, nói chuyện trong ngày hôm nay đấy.
 
- Cậu cứ yên chí lớn và mở mắt cho thật lớn mà quan sát.
 
- Tốt lắm. Vậy thì bây giờ hai đứa mình ra quán nước làm một ly đậu đỏ bánh lọt, đánh dấu cuộc thách đố này. Tớ đãi cậu.
 
Cả hai sánh vai bước ra sân. Vừa đi Lộc vừa tính toán thầm: “Mừng quá! Mới đợt tấn công sơ khởi mà đã thu được hai thắng lợi: Thứ nhất, hắn chịu xưng hô cậu tớ với mình chứ không mày tao. Thứ hai, mình đã đưa hắn vào xiếc được rồi”.
 
Rồi mỉm cười, Lộc nghĩ tiếp: “Sẽ còn hứa hẹn nhiều gay cấn, đợi đến hồi sau sẽ rõ”.
 
Mặt trận “tấn công ôn hòa” xóm nhà lá được chia làm hai. Trong lúc Lộc đang đưa Tuệ vào “xiếc” thì Đỉnh đứng lẫn lộn với bọn lâu la của Tuệ.
 
Một đứa nhảy lên ngồi trên ban công, nói có vẻ đắc chí:
 
- Cả lớp chỉ có xóm nhà lá mình là nổi nhứt.
 
Đứa khác biểu đồng tình:
 
- Dĩ nhiên. Cũng nhờ sáng kiến và khéo léo của trưởng xóm Tuệ nhà mình.
 
Đứa khác nghe vậy sợ bao nhiêu công lao được dành cho trưởng xóm hết, mình hết cả “hách”, bèn vớt vát:
 
- Với lại tụi mình thằng nào cũng chịu chơi hết. Nhờ vậy mới “nổi” chứ.
 
Cả bọn thấy mình đều có công lao cả, khoái quá cười ầm lên. Một tên vừa cười vừa nói:
 
- Bao nhiêu lần lớp phải ngạc nhiên vì hành động của tụi mình rồi.
 
Cả đám lại cười một lần nữa. Đỉnh cũng cười theo. Bỗng một đứa ẩy vai Đỉnh:
 
- Có mỗi cái thằng này “cù lần” quá! Không chịu chơi hết mình bao giờ.
 
Bốn năm đứa hùa theo:
 
- Sao thằng này cù lần thế.
 
Rồi nó bảo, giọng thân mật:

______________________________________________________________________________
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>