Ấy! Xin quí vị đừng có vội kêu ca như thế chứ. Tôi đâu dám xúi giục quí vị học hè để giảm thọ quí vị. Không, ngàn lần không dám chư quí vị ạ! Để thư thả tôi trình bày hầu quí vị các khóa hè mới mở tại Việt Nam đây. Rồi sẽ tùy quí vị định liệu cho các em của quí vị theo hay không nhé.
Tôi không biết quí vị Tuổi Hoa của tôi đón hè với cái tâm tình thế nào chứ riêng tôi thì!!! Ôi! Khổ đau như xé con tim!!! Từ khi các em tôi nghỉ hè đến giờ nhà tôi không mấy lúc được im lặng. Và cũng chính kỳ hè này tôi đã biết thế nào là nhức đầu. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ thấy mọi người cứ kêu khổ vì bệnh nhức đầu, tôi vẫn lấy làm sung sướng cho riêng mình không vướng vào cái bệnh khổ sở ấy. Thật, từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ nhức đầu. Ấy thế mà chưa đầy nửa tháng sau ngày các em tôi nghỉ học tôi đã phải kêu "Trời ơi, sao mà nhức đầu quá!" với chị tôi suốt từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối. Kêu mãi mỏi miệng mà chả bớt, tôi tự thấy tốt hơn hết là ngậm miệng lại và... ráng chịu cho quen! Tả oán thế chắc các bạn cũng có một ý niệm sơ sơ về lũ em không chịu nổi của tôi rồi! Nếu bạn nào tưởng tượng không ra thì tôi dám chắc 100 phần trăm bạn đó không có em, nhất là em trai.
Đây, ngày đầu tiên các em tôi được nghỉ. Một giờ trưa đi học về đến nhà tôi uể oải dắt xe vào thì một lũ con nít ào ra vừa hét ầm vang: "Chị Nhi về, chị Nhi về!" Rồi đứa đẩy xe đạp của tôi, đứa đòi cặp găng mang chơi, đứa khác đòi cặp kính. Tôi bực ghê lắm nhưng thấy chúng mừng thì cũng thương nên cố dịu dàng mà chiều chúng. Đến khi tôi vừa thay áo quần xong và ngồi vào bàn ăn, tôi lấy làm kinh ngạc vô cùng. "Quái, chúng nó định làm cái trò gì kỳ cục vậy?" Tôi tự hỏi rồi đưa mắt nhìn 5 đứa em hàng ngũ chỉnh tề từ lớn đến bé đang đứng trước mặt tôi, hí ha hí hửng. Thằng Phan lớn nhất năm nay thi vào đệ thất hai tay giấu trong áo và bộ mặt thì... thật không biết tả ra làm sao! Hắn vừa muốn cười lại nửa muốn làm nghiêm nên trông thật hề. Tôi sốt ruột quá hỏi ngay tên Phan:
- Tụi bây muốn cái gì mà đứng chào cờ cả lũ vậy. Thôi đi ngủ để chị Nhi ăn cơm chứ.
Đến lúc này Phan mới từ từ rút tay ra. Ái chà! Một lá thư màu sặc sỡ. Thôi, tôi hiểu cả rồi. Lũ này định bắt tôi chuộc chứ gì. Quả thật tên Phan đưa cái thư trước mặt tôi và bảo:
- Tụi em có cái thư của Hans Anton từ bên Thụy sĩ gửi sang nè. Cái phong bì đẹp ghê lắm chị Nhi ơi, với lại mấy con tem nữa chứ. Toàn tem chị chưa có không hà. Mà cái thư này lại nặng nặng, chắc...
Chịu không nổi tôi cướp lời:
- Thôi bây giờ muốn xin cái gì thì nói đi, rào đón trước sau mãi hết thì giờ của người ta (rồi dịu giọng). Đưa thư này chị, chốc chị cho mỗi đứa 1 cái kẹo chanh ngon ghê lắm, nhé!
- A! Hoan hô bà Nhi tụi bây ơi. Có vậy chứ. Bà Nhi chịu chơi. Hoan hô!
Tôi thở phào tiếp lấy cái thư. Sao chúng ngoan thế, mỗi đứa một chiếc kẹo mà cũng chịu! Mấy tên này ngốc quá. Tôi mỉm cười đi lấy kẹo.
Thế rồi nhà im cửa lặng được đến 2g30, ba má tôi đi làm xong thì ôi đau khổ! Tôi sắp nhức đầu rồi đây. Đầu tiên chúng đánh batterie ; và để chứng tỏ mình là 1 tay batteur lành nghề, tên nào cũng dùng hết sức để đập cho mạnh, hét cho to.. Dàn batterie của chúng thật thô sơ: vài cái thước sắt, thước cây, mấy cái nắp son, nắm tay đập lên bàn... nhưng đủ để làm điếc óc kẻ khác. Như thế cũng chưa đủ, chúng còn vặn radio ầm ĩ lên. Hết tân nhạc lải nhải đến cải lương khóc lóc thảm thiết, rồi thương mại, rồi v.v... Thật là nếu không có những tháng tựu trường có lẽ tôi đã được vào dưỡng trí viện quá!
Chán trò này, chúng quay sang tập làm lính nhảy dù. Đứng trên từng thứ nhất của chiếc giường đôi mà chúng gọi là phi cơ đang bay, tên Phan ra vẻ chỉ huy gia lành nghề:
- Khi nào anh đếm đến tiếng thứ 3, rồi anh hô "Go" là nhảy nghe không tụi bây. Mà anh đẩy đứa nào đứa đó mới được nhảy. Nhớ chưa?
- Nhớ! – Một loạt 3 cái miệng thét lên câu trả lời.
Rồi sau đó từ trên giường bên này chúng bay sang giường lớn thấp dưới kia. Chăn gối tung tóe lên như ở ngoài trận thật! Trông thấy không cũng phát khiếp các bạn ạ. Nhưng có phải chúng nhảy dù trong sự yên lặng đâu, kèm theo những tiếng ầm ầm khi nhảy xuống, chúng còn bắn đạn miệng thật dòn nữa chứ.
- "Tạch tạch tạch! Đùng! Tạch! Tạch! Vi-iúu! Đoàng!"
Tôi ngồi học mà không yên lòng tí nào vì bé Hòa, em út chúng tôi mới lên 4 mà đã nhập bọn với chúng để tập sự trở thành "lũ không chịu nổi" rồi. Mới có nửa tháng, nhờ sự tận tâm chỉ bảo của các anh, cộng thêm chí hăng hái học tập của bé, thật Hòa không còn tí nào là bé Hòa quấn lấy các chị của nó ngày trước nữa. Có khi mẹ tôi về nó chẳng thèm mong, cứ lo chơi với các anh ; chả bù cho lúc trước, cứ độ chiều, tắm xong Hòa thơ thẩn chơi trước cửa để đón má. Nhờ chơi với các anh Hòa cũng bớt bú đi, chỉ lúc nào thèm lắm mới vào năn nỉ tôi cho một "bì bờ" thôi. Bú xong là lấy ngay cái chai sữa làm máy bay. Bé cũng vất luôn giỏ đan của bé và không bao giờ thèm mặc áo đầm. Còn nhớ hồi trước, cứ thấy Phương mặc áo đầm là bé khóc lóc ầm ĩ đòi cho được áo đầm giống chị Phương. Dỗ dành cắt nghĩa thế nào bé cũng không nghe, đành cho bé giả gái vậy. Chả là vì lúc các anh đi học, Hòa ở nhà với chị Khanh và chị Phương, chị Phương chỉ lớn hơn bé vài tuổi nên chơi với nhau hợp lắm. Bé biết chơi bán hàng, chơi nấu cơm, biết bế búp bê, biết cầm kim đan như chị Phương. Hơn thế nữa bé còn say mê chơi trò "cô dâu chú rể" với mấy đứa bé gái hàng xóm. Hồi ấy, bé rất sung sướng khi chúng tôi gọi bé là bé Hòa "nửa gái nửa trai". À quên điều này nữa chứ, bé Hòa "nửa gái nửa trai" còn thích thoa son như má nữa. Bé có một cái áo may hơi dài thế mà bé lấy làm hãnh diện khi mặc áo ấy lắm vì rằng bé mặc áo... dài giống chị Khanh, chị Nhi! Vậy mà chỉ trong một thời gian kỷ lục, 3 tên con trai đã biến đổi hẳn bé Hòa thành con trai hoàn toàn, một đứa con trai không chịu nổi! Bất cứ hoạt động nào của các anh như đánh nhạc, nhảy dù, chơi cao bồi bắn súng, chơi đục, chơi đáo, đánh cờ, sửa xe đạp, sơn rào, nhảy twist, đóng kịch... đều được bé Hòa tham dự với hết sức lực và hết lòng hăng hái của bé. Tuy vậy, bé cũng thích làm ông cha nữa cơ. Các anh bé khôn lắm, khi nào muốn dụ khị bé thì cứ bảo bé làm ông cha để bé đút bánh cho.
Đôi khi các anh bé tham lam quá hả miệng thật to rồi đớp luôn tay của em thì...!!! Lại có chuyện to! "Ông cha" lăn ra đất khóc la, bắt đền bánh, bắt đền tay... Nhưng lúc ấy chỉ có kẻ làm chị là khổ.
Kính thưa chư quí vị độc giả,
Đấy là kết quả của khóa hè cấp tốc tại gia do 3 giáo sư danh tiếng Phan, Nghệ, Mẫn giảng dạy cả lý thuyết lẫn thực tập. Chắc quí vị đã thấy tài nghệ của 3 giáo sư khi huấn luyện một bé Hòa hôi sữa thành một cậu bé Hòa khét nắng và nặng mùi mồ hôi rồi chứ.
Vậy xin quí vị hãy mau mau ghi tên cho các em quí vị nhập học khóa hè này đi.
Thời gian: từ nghỉ hè đến tựu trường.
HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ
Ban giáo sư tận tâm, yêu nghề, đầy nhiệt huyết.
Cam đoan đến tựu trường, quí vị sẽ hoan hỷ đón nhận những đứa em lành nghề nô đùa và nghịch phá.
Cam đoan nhà quí vị sẽ luôn náo nhiệt, vui vẻ và các em quí vị sẽ có những bắp thịt rắn chắc, da dẻ đen hồng, cử chỉ nhanh nhẹn.
Còn một điều này nữa, quí vị nào chưa biết nhức đầu thì sẽ nhức ngay.
Khóa hè bổ ích, khóa hè vui tươi!
Nhận học viên giới hạn.
Xin ghi tên cho em út và các con một nhanh lên. Nhanh lên kẻo hết chỗ!
Muốn biết thêm chi tiết và thể lệ ghi tên, xin hỏi:
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)
Đấy là kết quả của khóa hè cấp tốc tại gia do 3 giáo sư danh tiếng Phan, Nghệ, Mẫn giảng dạy cả lý thuyết lẫn thực tập. Chắc quí vị đã thấy tài nghệ của 3 giáo sư khi huấn luyện một bé Hòa hôi sữa thành một cậu bé Hòa khét nắng và nặng mùi mồ hôi rồi chứ.
Vậy xin quí vị hãy mau mau ghi tên cho các em quí vị nhập học khóa hè này đi.
Thời gian: từ nghỉ hè đến tựu trường.
HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ
Ban giáo sư tận tâm, yêu nghề, đầy nhiệt huyết.
Cam đoan đến tựu trường, quí vị sẽ hoan hỷ đón nhận những đứa em lành nghề nô đùa và nghịch phá.
Cam đoan nhà quí vị sẽ luôn náo nhiệt, vui vẻ và các em quí vị sẽ có những bắp thịt rắn chắc, da dẻ đen hồng, cử chỉ nhanh nhẹn.
Còn một điều này nữa, quí vị nào chưa biết nhức đầu thì sẽ nhức ngay.
Khóa hè bổ ích, khóa hè vui tươi!
Nhận học viên giới hạn.
Xin ghi tên cho em út và các con một nhanh lên. Nhanh lên kẻo hết chỗ!
Muốn biết thêm chi tiết và thể lệ ghi tên, xin hỏi:
CHÍ NHI
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)