Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Ma Túy và Học Đường


Nạn nghiện ma túy đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới. Phải nói đây là một thảm họa, vì người nghiện ma túy không những cá nhân họ đã thành thân tàn ma dại, vô dụng, thừa thãi đối với sinh hoạt chung của dân tộc, họ còn là thứ ký sinh trùng sống bám, làm tê liệt, ung thối xã hội, vì một khi cơn nghiện dày vò thân xác, họ sẵn sàng nhúng tay vào bất cứ tội phạm và tội ác nào.

Tại VN, cuộc chiến tranh đau thương phi lý vừa có cơ tàn lụi thì nạn ghiền ma túy cũng đã trở thành mối đe dọa, nhất là đối với giới trẻ.

Theo một tiết lộ mới đây của ông Quản đốc đài phát thanh Đà Nẵng, riêng tại trường Trung học CMT hiện có 37 học sinh nghiện Sì ke (tiếng lóng để chỉ bạch phiến) đang được điều trị tại Bệnh viện cùng với một giáo sư. Vị GS này đã "cai" được, và tình nguyện đứng ra làm Trưởng Ban bài trừ... hút sì ke tại địa phương (Theo Phương Thúy, Chính Luận ngày 17-5). Đà Nẵng là nơi trước đây, khi chiến tranh còn "phồn thịnh", có rất đông quân đội đồng minh đóng quân, vãng lai. Đó chỉ mới một trường, và trường CMT chỉ có 37 học sinh nghiện ma túy, hay chỉ mới 37 học sinh được khám phá để chữa trị? Không biết. Nhưng nếp sống học đường, nơi từ khi có chữ nghĩa, chỉ để đào tạo nhân tài, đã bị đe dọa.

Bộ Giáo Dục đầu tháng Năm vừa qua đã chính thức triệu tập một phiên họp liên Bộ, gồm các viên chức cao cấp cá Bộ, Phủ, Tổng Nha v.v... liên hệ trong nội các, để tìm biện pháp ngăn chặn và bài trừ ma túy tại học đường. Phiên họp đã phân tích sâu rộng vấn đề trên 3 phương diện: nguồn cung cấp ma túy, phương pháp truy tầm (người nghiện) để chữa trị, và các biện pháp ngăn ngừa.

Các viên chức đã xét thấy rằng yếu tố căn bản để bài trừ tệ đoan ma túy là cần phải thực thi một cách liên tục mọi hình thức, giải thích để giáo dục quần chúng khiến cho mọi người ý thức được tầm mức nguy hại do ma túy gây ra cùng các ảnh hưởng lâu dài của nó về sau. Mọi người cần được hướng dẫn thường xuyên để có một quan niệm rõ ràng và dứt khoát rằng ma túy là một độc dược cực kỳ tai hại, không được sử dụng.

Riêng các người nghiện ma túy cần phải được chữa trị đến nơi đến chốn và đặc biệt lưu tâm đến bình diện tâm lý của căn bệnh.

Ngoài ra, cần phải tổ chức và vận động các giới trẻ tham gia vào sinh hoạt thanh niên lành mạnh để ma túy không còn môi trường nẩy nở.

*

Theo người "trong cuộc", nghĩa là người đã nghiện và đã may mắn tìm lại được cuộc sống bình thường, lúc đầu chỉ vì tò mò của tuổi trẻ. Trong một cuộc "sinh hoạt" thiếu lành mạnh nào đó, một anh bạn xấu đưa ra một điếu thuốc có tẩm chất ma túy dụ dỗ, rủ rê "để tìm một cảm giác lạ". Chính cái "cảm giác lạ" đó, sau lần "thử" thứ hai, đã đưa đương sự vào thảm họa vậy.


T.Th.   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>