Nhỏ Kim Điệp tung trái cầu lên, dùng vợt đánh thật mạnh về phía bên em. Trái cầu chao lại rồi rơi xuống đất.
- Nghỉ chơi, mệt quá.
- Yến ơi, mi thua ta bốn bàn.
Em lau mồ hôi trên cổ thở hổn hển đáp:
- Bữa ni ta nhức đầu quá, chiều ý mi nên ta mới chơi đấy. Đánh thua mi là phải.
- Ê Yến, ai như "bà" Bảo Khánh kìa. Đúng rồi, má mi Yến ơi!
Em cấu tay nhỏ Điệp, định bẹo nó một cái thật đau. Nhưng lại thôi.
- Điệp ơi, cô Khánh mặc áo chi rứa?
- Tội nghiệp dân cận thị quá. "Má" mình mà không thấy. Bà Khánh mặc áo hồng sậm, tóc buộc nơ đỏ, chân mang giầy đen...
- Còn chi nữa kể ra ta nghe.
Nhỏ Điệp ôm bụng cười ngặt nghẽo.
- Đồ con gái vô duyên.
- Mi có duyên dữ. Nè từ nay sắp tới đừng thèm làm bạn với đứa vô duyên nữa.
Kim Điệp giận dỗi, cầm vũ cầu đứng lên đi vào lớp. Bạn bè chi đáng ghét ghê. Mới đùa có một tí đã vội giận. Bực mình, em rẽ về phía trái để lên cầu thang. Đứng trên bao lơn lầu nhì, em nhìn thấy con đường S.N.A với hai hàng cây sao cao vút, luôn đan nhau để muôn đời thì thầm kể chuyện cho nhau nghe. Phải chi em có một đứa bạn thân để thủ thỉ tâm sự như chúng nhỉ! Mỵ nè, Hương, Điệp, Tâm. Ồ, đó chỉ là bạn. Bọn hắn đâu hợp quan niệm với em. Gặp nhau là gây gổ, giận hờn như nhỏ Điệp chẳng hạn. Thế thì bọn hắn chả là bạn thân của em được.
Gió thổi qua ngàn kẽ lá của cây sao, mang hơi mát đến cho em. Buổi chiều nơi khung trời trắng thật dễ thương. Nắng nhè nhẹ hôn lên bờ tóc rối của em. Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học mới bắt đầu, cắt dòng tư tưởng em. Các thầy cô lần lượt tiến về lớp mình dạy...
*
Khi cô Bảo Khánh vừa bước vào lớp, em nghe có tiếng xầm xì ở dãy bàn cuối:
- "Bà" Khánh cái mặt thấy ghét. Mập phị như lão "chệt".
- Bà Khánh thiên vị con Hải Yến. Vào lớp là trăm lần, hết chín chín gọi tên Hải Yến. Giáo sư chi đi dạy mà diện quá.
Em tức đến nghẹn lời, nước mắt em tưởng đã trào ra. Bọn học trò con gái hay có tính ganh tỵ quá. Em quay sang nhỏ Điệp, định kể chuyện ấy cho hắn nghe. Nhưng chợt nhớ hai đứa đang giận nhau nên thôi. Lằn phấn trắng kẻ đường chia ranh giới do nhỏ Điệp gạch thật đậm vô tình gây cho em cái cảm giác như bị cơn lốc xoáy mạnh trong tim.
- Hải Yến lên cô nhờ một tị.
- Vâng ạ!
- Yến giữ trật tự trong lớp hộ cô năm phút nhé. Cô sang lớp bên cạnh có chút việc.
Mỹ Ngọc là trưởng ban trật tự - kỷ luật, bĩu môi khi thấy em cầm tấm bản đồ lớp. Mỹ Ngọc thuộc nhóm học tệ nhất lớp, nhưng có tài nịnh thầy cô chả ai bằng. Em còn nhớ ngày khai trường, cô Khánh mở đầu niên học. Cô điểm danh từng tên rồi hỏi:
- Ai nhất Việt văn lớp này năm ngoái?
Cả lớp nhao nhao:
- Lê Tần Hải yến.
Chỉ có Mỹ Ngọc là phản đối:
- Nhất Việt văn nhưng hạng bét toán.
Cô Bảo Khánh chẳng để ý lời Mỹ Ngọc, cô cười tươi như hoa hàm tiếu:
- Hải Yến đứng lên cho cô xem mặt nào.
Thế là từ đó, Mỹ Ngọc thù vặt. Giờ toán, chả bao giờ em dám đùa hay nói chuyện. Lý do giản dị: Mỹ Ngọc được thầy cho toàn quyền giữ trật tự... Cô Bảo Khánh trở lại lớp không đầy ba phút sau:
- Bài kiểm tháng này, các em làm tệ quá. Dễ chứ đâu có khó. Tuyết lên phát bài ra. Cô gọi điểm nhé.
Em nhìn bài luận của mình. Con số mười sáu to, tròn thật dễ thương. Cả lớp dưới trung bình cả. Thu Lan là con bé thường vẫn chiếm hạng nhì Việt văn chỉ có 08 điểm. Cô Bảo Khánh gọi đến tên em:
- Lê Tần Hải Yến.
- 16
- Yến, đem bài luận của em lên, cô đọc cho cả lớp làm mẫu.
Nhỏ Mỹ Ngọc, Thu Lan, rồi Kim Điệp nhìn em cau có, ganh tỵ.
- Nữ sĩ Maintenon đã nói: "Chính người đàn bà xây dựng và phá hoại gia đình. Ý kiến chị thế nào về câu tư tưởng ấy".
Giọng cô Bảo Khánh trong trẻo tựa chuông ngân, vang lên đều đều. Hòa lẫn với tiếng thì thầm của hàng cây sao đầy lá vẫn xanh muôn thuở.
*
Em xốc lại những quyển tập học trò trong tay. Chân nghịch ngợm đá cho tung những chiếc lá me vàng úa xuống mặt lộ. Em vẫn có thói quen đi học sớm như thế. Để được cái thú vào trường đứng một mình nơi cột cờ. Hay đi hái hoa nho leo kín cổng rào bên nhà thờ Huyện sĩ. Em đang ở lứa tuổi trăng tròn. Với những thay đổi chớm nụ trong người. Mơ mộng, giận hờn, buồn vô cớ, vui bất thường. Các sự kiện ấy luôn đến với em. Thật mong manh. Có khi vụt tắt để em thấy hồn mình trống trải. Có lúc dai dẳng tạo thành nhiều cơn mưa trong mắt em. Lỡ một mai, em chả còn được sống trong sự hồn nhiên ấy. Lỡ một mai, em thấy nhàm chán khi đọc các cổ tích, huyền thoại có nàng công chúa ngủ trong rừng có chú sư tử trắng Kimba. Lỡ một mai, em phải chấp nhận sống xa trường, thầy cô, bạn bè, sách vở. Chẳng biết em có buồn, có nhớ nhung, có nuối tiếc không nhỉ! Vẩn vơ, vớ vẩn theo bước chân học trò của em đến trường. Thấp thoáng bóng cô Bảo Khánh trong sân chơi.
- Cô, cô.
Em gọi thật to, nhưng cô Bảo Khánh chả nghe. Cô còn bận nói chuyện với một chị tóc dài. Em bước vào văn phòng. Câu chuyện tâm tình giữa thầy trò cô Bảo Khánh vọng vào tai em:
- Bé Diễm của cô nhớn quá.
- Ơ, cô trêu Diễm hoài à! Chủ nhật cô xuống nhà Diễm chơi cô nhá.
- Nghe nói Diễm viết văn hay lắm phải không?
- Văn con cóc, thơ con nhái ấy.
- Cô có đọc truyện dài đăng từng kỳ trên báo Trăng Vàng.
- Truyện "Thấp thoáng hương xưa" hở cô?
- Ừ, Diễm viết hay, văn dễ thương quá. Diễm có triển vọng làm văn sĩ.
- Em thì chả mơ ước viển vông như vậy. Bé Diễm chỉ mong đỗ tú kép. Rồi đi dạy để giúp đỡ gia đình thêm.
- Năm nay Diễm học lớp 1 à?
- Vâng ạ, bé Diễm "yếu" lắm, học văn chương cơ!
Cô Bảo Khánh nhìn đồng hồ.
- Cô vẫn dạy lớp 8, lớp 9 về Việt văn hở cô? Lâu quá Diễm trở lại thăm trường. Khung trời trắng thay đổi thật nhiều. Nhưng cô thì không khác chi hết. Cô vẫn dễ thương, đáng yêu và xinh như ngày xưa.
- Ngọc Diễm nịnh đầm.
- Không Diễm nói thật. Chủ nhật mời cô lại nhà Diễm chơi. Bé Diễm sẽ kể chuyện cho cô nghe nhé cô. Chừ thì cô cho Diễm về ạ! Em còn hai giờ học thêm Anh văn ở hội Việt Mỹ nữa.
- Ừ, bé của cô về.
Cô Bảo Khánh bước vào lớp em ngồi, tuy lúc ấy chưa có chuông vào học.
*
Tiếng xe lam chạy ngoài lộ, rồi tiếng của cô đào cải lương phát ra từ máy Tivi nhà bên cạnh, đã im bặt. Khuya lắm rồi, em biết thế, nên cố dỗ giấc ngủ. Nhưng nhắm mắt lại, là hình ảnh Ngọc Diễm nhỏ bé trong chiếc áo dài trắng đơn sơ. Hình ảnh cô Bảo Khánh với chiếc nơ nhung cặp gọn hiện ra trong em. Bên tai văng vẳng câu nói:
- Ừ bé của cô về.
Ngọc Diễm là bé của cô. Thế Hải Yến là gì nhỉ! Cô Bảo Khánh ơi, em yêu cô ghê lắm. Cả lớp chả ai thương và hiểu em bằng cô. Nhưng Hải yến chỉ là đứa học trò tầm thường. Em chả phải là Ngọc Diễm của cô. Giọng cô Bảo Khánh lúc ban chiều vẫn vang lên đều đặn trong tiềm thức em:
- Sự biết ơn thường không biểu lộ ra ngoài. Nó ở mãi trong một góc của trái tim ta. Và trở nên bất diệt khi người học trò chẳng còn được học với vị giáo sư mà mình yêu mến. Các em có đọc báo Trăng Vàng chứ?
- Có ạ, hay lắm cô.
- Truyện "Thấp thoáng hương xưa" đăng từng kỳ trên báo ấy...
Bích Ni nói leo:
- Truyện đó của Ngọc Diễm.
Cô vui vẻ tiếp:
- Ừ, học trò cũ của tôi đấy. Năm nay học lớp 12. Trong những đứa học trò, tôi yêu nhất cô bé ấy. Diễm hiền ngoan luôn đứng hàng đầu trong lớp.
Và gì nữa... Em cố xua đuổi từng câu nói của cô. Mơ hồ em thấy hàng cây sao cao vút. Thấy tà áo trắng đơn sơ nhưng kiêu hãnh của Ngọc Diễm. Và thấy cả nụ cười mãn nguyện của Mỹ Ngọc khi nghe cô Khánh bảo chỉ yêu có mỗi mình bé Ngọc Diễm.
Cả tuần nay, em cảm nặng. Phải ở nhà nằm đắp chăn kín người. Nếu không nhờ có ô mai ngậm, chắc miệng em đắng nghét. Hôm nay, tuy còn mệt nhưng em vẫn đi học. Mẹ bắt mặc áo len thật dày. Chị Đài chở em đến tận trường. Chị vào xin phép, còn em thì chạy xuống thư viện xem sách. Bác Minh, người trông nom, săn sóc thư viện thấy em mừng rỡ chạy đến đưa một chồng sách dày cộm. A, Trăng Vàng đóng bộ. Tình cờ lật ngay trang có bài "Thấp thoáng hương xưa". Buồn nản em gấp lại. Để muộn phiền tan, em đi xuống văn phòng định vào đùa với Quỳnh Hoa.
- Hải Yến.
- Cô.
Em nghẹn lời chả nói. Hình như cô Bảo Khánh biết em giận nên cô cười thật tươi, bao giờ cô đến với em cũng bằng đóa hoa hàm tiếu trên môi:
- Mấy ngày nay, sao cưng chả đi học?
- Ơ... em ốm ạ.
Em định hòn dỗi bỏ đi. Nhưng thấy ánh mắt cô Bảo Khanh nhìn em âu yếm lạ thường.
- Học trò con gái hay có tính ích kỷ quá. Chỉ muốn độc quyền thương cô giáo mình thôi.
- Cô tha lỗi cho Hải Yến ạ.
Cô Bảo Khánh mỉm cười bao dung. Em chỉ im lặng nhìn cô. Sự im lặng khỏa lấp cả tư tưởng em. Hàng cây sao vẫn thì thầm kể chuyện cho nhau nghe. Trong hiện hữu, tiếng của cây sao mong manh về quyện cả hồn em.
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 13, ra ngày 5-11-1971)
Bích Ni nói leo:
- Truyện đó của Ngọc Diễm.
Cô vui vẻ tiếp:
- Ừ, học trò cũ của tôi đấy. Năm nay học lớp 12. Trong những đứa học trò, tôi yêu nhất cô bé ấy. Diễm hiền ngoan luôn đứng hàng đầu trong lớp.
Và gì nữa... Em cố xua đuổi từng câu nói của cô. Mơ hồ em thấy hàng cây sao cao vút. Thấy tà áo trắng đơn sơ nhưng kiêu hãnh của Ngọc Diễm. Và thấy cả nụ cười mãn nguyện của Mỹ Ngọc khi nghe cô Khánh bảo chỉ yêu có mỗi mình bé Ngọc Diễm.
*
Cả tuần nay, em cảm nặng. Phải ở nhà nằm đắp chăn kín người. Nếu không nhờ có ô mai ngậm, chắc miệng em đắng nghét. Hôm nay, tuy còn mệt nhưng em vẫn đi học. Mẹ bắt mặc áo len thật dày. Chị Đài chở em đến tận trường. Chị vào xin phép, còn em thì chạy xuống thư viện xem sách. Bác Minh, người trông nom, săn sóc thư viện thấy em mừng rỡ chạy đến đưa một chồng sách dày cộm. A, Trăng Vàng đóng bộ. Tình cờ lật ngay trang có bài "Thấp thoáng hương xưa". Buồn nản em gấp lại. Để muộn phiền tan, em đi xuống văn phòng định vào đùa với Quỳnh Hoa.
- Hải Yến.
- Cô.
Em nghẹn lời chả nói. Hình như cô Bảo Khánh biết em giận nên cô cười thật tươi, bao giờ cô đến với em cũng bằng đóa hoa hàm tiếu trên môi:
- Mấy ngày nay, sao cưng chả đi học?
- Ơ... em ốm ạ.
Em định hòn dỗi bỏ đi. Nhưng thấy ánh mắt cô Bảo Khanh nhìn em âu yếm lạ thường.
- Học trò con gái hay có tính ích kỷ quá. Chỉ muốn độc quyền thương cô giáo mình thôi.
- Cô tha lỗi cho Hải Yến ạ.
Cô Bảo Khánh mỉm cười bao dung. Em chỉ im lặng nhìn cô. Sự im lặng khỏa lấp cả tư tưởng em. Hàng cây sao vẫn thì thầm kể chuyện cho nhau nghe. Trong hiện hữu, tiếng của cây sao mong manh về quyện cả hồn em.
TRƯƠNG THỊ NGỌC DUNG
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 13, ra ngày 5-11-1971)
Bìa của Vi Vi : Áo lụa sân trường |